Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII hôm 27/11, Tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Ông nói nếu "Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải là những ‘Bao Công’ trong thời đại mới".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Ảnh TTXVN.
Phép ví von của nhà lãnh đạo cộng sản hàng đầu Việt Nam tiếp tục trở thành đề tài tranh luận trong cộng đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự nhận định với RFA rằng :
"Tôi nghĩ đấy là kiểu tư duy rất phong kiến bởi vì bản thân ông ấy nói đến Bao Công, một ông quan liêm chính của Tàu thời xa xưa, chỉ là hình tượng để nêu lên tấm gương liêm chính trong một chế độ phong kiến thối nát. Thực sự vấn đề là làm thế nào để có những người thực sự liêm chính, phải ở cơ chế, thể chế của nhà nước ấy chứ không phải ông quan này, quan kia, ông Bao Công này, ông Bao Công nọ. Không có lời hoa mỹ nào, không có lời kêu gọi nào, không có lời nhắc nhở tấm gương nào về những tấm gương mà không đáng học gì của thời phong kiến có thể giải quyết được vấn đề tham nhũng cũng như vấn đề liêm chính của cán bộ bộ máy này".
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm trên khi cho rằng : "Hệ thống này là hệ thống tạo ra quyền lực và tham nhũng, quyền lực càng cao thì tham nhũng càng lớn. Bây giờ làm thế nào ? Đây là vấn đề lớn của Đại hội XIII của Đảng cộng sản. Muốn chống tham nhũng thì trước tiên phải thay đổi thể chế, còn vẫn làm như hiện nay thì không thể nào làm được chuyện đấy".
Tiếp đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra những tiêu chí giúp làm trong sạch bộ máy nhà nước.
Ông A nói : "Bộ máy công chức lành mạnh, làm việc tận tụy theo đúng quy định ; người dân được bầu ; có tự do ngôn luận, tự do báo chí ; tư pháp độc lập, nghiêm minh, bốn cái đấy mới đảm bảo không có ông Bao Công này sẽ có ông Bao Công khác. Còn một đảng riêng của ông ta (ông Nguyễn Phú Trọng) muốn kiểm soát tất cả, đảng cử dân bầu ; không có tự do ngôn luận, ai nói ngược (ý) thì họ bỏ vào tù ; không có tự do báo chí, máy trăm tờ bảo đều có ông ta (ông Trọng) và ông Thưởng làm Tổng Biên tập ; tư pháp dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam. Cho nên thiếu bốn cái đấy thì đừng nói đến chuyện các ông thanh tra có liêm chính hay không liêm chính, chẳng bao giờ họ có thể liêm chính được bởi vì bản thân cơ chế độc tài này sinh ra sự bất liêm chính".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A còn đề xuất giải tán Ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Ông nêu quan điểm như sau :
"Phải dẹp ngay Ban Nội chính đi. Ban Nội chính chính là cơ quan của đảng cộng sản Việt Nam để kiểm soát toàn bộ mảng tư pháp và mảng bảo vệ pháp luật, tức là ông công an cũng chịu sự kiểm soát của ông Ban Nội chính, ông tòa án cũng chịu sự kiểm soát của ông Ban Nội chính, đến ông công tố cũng chịu sự kiểm soát của ông Nội chính, chính cái gọi là Ban Nội chính là gốc rễ đẻ ra bất liêm chính của hệ thống này".
Hội thảo khoa học "Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020" do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 28/11/2020
Ông Nguyễn Khắc Mai cũng nêu ra những bất cập của hệ thống chính trị tại Việt Nam hiện nay.
Ông nói : "Bản thân đảng này không sạch sẽ gì, toàn một lũ tham nhũng, một bầy sâu bất cứ cái gì cũng ăn, nhân cách suy đồi, cướp bóc tiền thuế, cướp bóc dự án, cướp bóc đất đai của dân nên ông (Trọng) nói như thế là rất đúng. Bởi vì đảng này hư hỏng như thế làm sao có uy tín, nói ai nghe. Phải hiểu ý ông Trọng là như thế, không phải chỉ có ngành kiểm tra. Chẳng qua hiện nay là cơ chế công an trị tràn lan thì người dân không có quyền bảo ban, nói ra, sắp xếp nên họ đang làm càn. Đến một lúc nào đó dân trí cao hơn họ không chấp nhận được tình hình này".
"Hiện nay gần như người ta nói để mà nói thôi chứ không làm được, không giải quyết được, kể cả vấn đề chống tham nhũng cũng thế và ban chống tham nhũng của ông Trọng cũng vô phương, chả đâu vào đâu. Nghe thì có vẻ ghê gớm lắm, nào là đốt lò, nào là đánh chuột… nhưng cuối cùng cũng không đến nơi đến chốn".
RFA ghi nhận tình trạng các quan chức cấp cao tham nhũng ngày càng được đăng tải rộng rãi cho người dân biết đến thông qua các kênh thông tin nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều vụ án khi bắt đầu thì ‘rầm rộ’ nhưng chi tiết những phiên xử lại không được phép loan đi.
Các nhà quan sát đưa ra nhận định rằng trong cuộc chiến chống tham nhũng, những quan chức bị phát hiện, bị bắt, khởi tố đều do bị thất thế trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái và đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm !
Ba trong số những Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương bị kỷ luật, khởi tố ‘trước thềm’ Đại hội Đảng
Hôm 25/11 mới đây, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ mong muốn "hoàn thành đúng tiến độ" điều tra, truy tố, xét xử một loạt vụ án tham nhũng lớn liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế từ buôn lậu cho tới trục lợi đất đai…
Tin cho hay tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong 5 vụ án và hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 5 vụ án khác được mô tả là "trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm".
5 vụ cần "khẩn trương điều tra" là : Vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường với các cáo buộc buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về kế toán và đấu thầu… ; Vụ án về Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ; Vụ án thất thoát, lãng phí, tham ô tài sản tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên và Vụ án buôn bán hàng giả tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Công ty Việt Nam Pharma.
5 vụ án mà Thường trực Ban Chỉ đạo mô tả là trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và cần khẩn trương hoàn thành việc xét xử sơ thẩm gồm : Vụ án trục lợi từ việc nâng giá mua thiết bị y tế nhân nỗ lực phòng dịch Covid-19 xảy ra tại CDC Hà Nội và một số đơn vị có liên quan ; Vụ án vi phạm "đất vàng" tại Tp HCM xảy ra tại Tổng Công ty Sabeco ; Vụ án xảy ra tại Công ty PVB ; Vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và Vụ án tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á.
Bình luận với BBC về diễn biến "đốt lò" chống tham nhũng của ngài Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng biết rõ hơn ai hết về nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng sẽ hủy hoại tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam và sẽ đẩy đất nước đến chỗ lụi bại.
Toàn cảnh cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sáng 25/11/2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng
Ông Sinh nhận định công cuộc "củi lửa, đốt lò" tham nhũng do ông Trọng phát động mặc dù có mang lại kết quả nhất định nhưng "vẫn không căn bản".
Ông phân tích : "Chống tham nhũng phải đi liền với cải cách bộ máy đảng và chính quyền mạnh tay và triệt để như cách ông Lý Quang Diệu đã làm ở Singapore… Tiếc rằng, Việt Nam lại chưa làm được như thế… với Việt Nam, cách chống tham nhũng hiệu quả là cải cách thể chế chính trị theo khuôn mẫu tự do dân chủ. Khi đó, dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có không tại vị nữa, thì công cuộc "củi lửa, đốt lò vẫn vận hành trơn tru và hiệu quả".
Luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long có cái nhìn khắt khe hơn về chiến dịch "đốt lò" này khi cho rằng : "Chiến dịch "củi lửa, đốt lò" chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động tất nhiên là một chiến dịch thanh trừng trong nội bộ, tôi nghĩ nó là một chiến dịch dài hơi xuyên Đại hội được tung ra để phục vụ cho một phe phái nào đó đang cầm cờ và phất trong tay.
Nhưng như với những gì và cách thức báo chí chính thống nhà nước đưa tin với ông Nguyễn Đức Chung, ông Đinh La Thăng và các bị can, bị cáo khác, dù là các quan chức bị cho là "củi" bị đưa vào lò như lâu nay, cho thấy chiến dịch này không cho thấy biểu hiện của một nhà nước pháp quyền.
Nhà nước pháp quyền sẽ xử lý tham nhũng mà không cần quan tâm đến các phe phái chính trị, còn chiến dịch "đốt lò" của Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng là một chiến dịch mang tính chất chính trị thuần túy, chứ không phải là một chiến dịch trấn áp tội phạm gì cả, đó là hai vấn đề rất khác nhau.
Và tôi tin rằng khi một phe phái trong đảng đã xác lập được quyền lực và ổn định được quyền lực của mình, thì khi đó cuộc chiến mà họ đặt tên là "chống tham nhũng" về cơ bản sẽ chấm dứt và nó sẽ chỉ được khởi ra trở lại trong chế độ, cơ chế và thể chế cộng sản toàn trị, độc quyền này ở Việt Nam khi một ai đó, phe phái nào đó trong đảng cầm quyền này cần thiết lập lại một trật tự quyền lực của họ mà thôi".
Lan Anh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 05/12/2020