Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người Châu Âu coi các khoản trợ cấp khổng lồ của Mỹ dành cho xe hơi, năng lượng sạch và chất bán dẫn là mối đe dọa đối với nền kinh tế của họ.

biden1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đi bộ dọc theo dãy cột của Nhà Trắng ở Washington vào ngày 1/12/2022. Ảnh Andrew Harnik-Pool/Getty

Sau gần hai năm yên bình kể từ lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, những rạn nứt lớn về chính sách kinh tế đang dần xuất hiện giữa Washington và các đồng minh Châu Âu. Trừ phi những rạn nứt này được xử lý khéo léo, tầm nhìn của chính quyền Biden về một trật tự kinh tế toàn cầu mới, trong đó Mỹ hợp tác với các đồng minh và đối tác ở Châu Âu và Châu Á để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc và Nga, có thể biến thành một trật tự gồm các khối kinh tế cạnh tranh với nhau.

Sau nhiều tháng tức giận âm ỉ, các cuộc cãi vã đã nổ ra vào tuần trước. Thierry Breton, Ủy viên Thị trường Nội bộ của Liên minh Châu Âu, tuyên bố ông sẽ rút khỏi các cuộc họp được tổ chức trong tuần này tại Maryland của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU, cơ quan điều phối chính của chính sách kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Ông cho biết chương trình nghị sự "đã không còn dành đủ không gian cho các vấn đề mà nhiều bộ trưởng và doanh nghiệp công nghiệp Châu Âu quan tâm", nhắc đến những khiếu nại của EU về các khoản trợ cấp mới của Mỹ dành cho xe điện và năng lượng sạch, vốn gây bất lợi cho các nhà sản xuất xe hơi và các công ty khác của Châu Âu. Thay vào đó, ông nói mình sẽ tập trung vào "nhu cầu cấp thiết để duy trì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Châu Âu".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã đến Washington vào tuần trước để tham dự bữa tiệc cấp nhà nước đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nói rằng các khoản trợ cấp của Mỹ "rất tốt cho nền kinh tế Mỹ, nhưng chúng không được phối hợp đúng cách với các nền kinh tế Châu Âu". Trước chuyến thăm, Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, đã cáo buộc Mỹ theo đuổi chính sách công nghiệp kiểu Trung Quốc.

Các khoản trợ cấp đang được đề cập là một phần của hai đạo luật lớn mà Quốc hội Mỹ thông qua vào đầu năm nay : Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) và Đạo luật CHIPS và Khoa học. IRA cung cấp tới 370 tỷ đô la trợ cấp để đẩy nhanh quá trình sử dụng năng lượng sạch ở Mỹ. Nó bao gồm các khoản tín dụng thuế cho người mua xe điện ở Mỹ – nhưng chỉ khi chiếc xe được lắp ráp ở Bắc Mỹ, và các bộ phận của chúng được sản xuất tại Mỹ hoặc "các đối tác thương mại tự do" có chọn lọc khác – loại quy định có thể gây tổn hại cho các công ty xe hơi Châu Âu như Volkswagen và BMW. Trong khi đó, Đạo luật CHIPS cung cấp 52 tỷ đô la trợ cấp cho các công ty bán dẫn để họ xây dựng các nhà máy chế tạo chip cao cấp mới ở Mỹ. Các nhà lãnh đạo Châu Âu coi cả hai đạo luật này là trợ cấp không công bằng cho các công ty Mỹ, làm trầm trọng thêm những thách thức về khả năng cạnh tranh của lục địa già, và có khả năng buộc Châu Âu phải tham gia cuộc chạy đua trợ cấp tốn kém với Mỹ và Trung Quốc.

Vào tuần trước, chính phủ Hà Lan đã công khai phản đối việc Mỹ gây áp lực buộc các công ty chuyên về thiết bị sản xuất chip lớn của họ, ASML và ASM International, phải cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Mỹ đã phát động một chiến dịch sâu rộng để ngăn chặn việc bán thiết bị bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cao cấp cho Trung Quốc, nhưng vẫn chưa thuyết phục được các đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan đồng ý. Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan Micky Adriaansens nói với Financial Times rằng đất nước của bà "có quan điểm rất tích cực" về mối quan hệ với Trung Quốc, và rằng Châu Âu và Hà Lan "nên có chiến lược riêng" trong việc kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một phần nguyên nhân của sự chia rẽ ngày càng tăng này là cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Dù Mỹ và Châu Âu đã cùng nhau duy trì một mặt trận thống nhất về các lệnh trừng phạt chống lại Nga và cùng nhau viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng Châu Âu đã phải trả một cái giá kinh tế đắt hơn nhiều cho cuộc xung đột. Giá khí đốt tự nhiên ở hầu hết các nước Châu Âu đã tăng gấp 10 lần so với mức giá tại Mỹ, khiến các ngành công nghiệp Châu Âu gặp bất lợi lớn về cạnh tranh. Dù Mỹ đã giúp Châu Âu giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt từ Nga bằng cách xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nó đang được bán với giá thị trường – nghĩa là rất cao. Đại sứ Pháp tại Washington, Phillipe Étienne, nói với Foreign Policy : "Chúng tôi rất biết ơn vì Mỹ cung cấp LNG cho Châu Âu, nhưng vẫn có những vấn đề về giá cả".

Về lâu dài, các tranh chấp đang xoáy vào những mục tiêu mâu thuẫn trong các chính sách công nghiệp của chính quyền Biden. Một mặt, Mỹ muốn xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh để làm giảm vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp các công nghệ và đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp trong tương lai. Điều đó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với các đồng minh – điều mà chính quyền Mỹ gọi là "hợp tác sản xuất với các nước bạn bè" (friendshoring)– để ngăn chặn sự trùng lặp lãng phí và đảm bảo sự dẻo dai của nguồn cung. Mặt khác, chính quyền Mỹ lại háo hức chứng kiến sự hồi sinh của các công ty chế tạo có trụ sở tại Mỹ, tin rằng sự mất mát của ngành chế tạo – một phần do cuộc cạnh tranh với Trung Quốc – đã làm suy yếu an ninh của Mỹ và gây tổn hại cho nền kinh tế. Tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực chế tạo cũng làm suy giảm sự ủng hộ của cử tri dành cho Đảng Dân chủ ở các bang tập trung vào công nghiệp như Michigan, Pennsylvania, và Wisconsin. Tất cả các biện pháp mới của Mỹ đều có lợi cho các công ty đầu tư vào Mỹ, hơn là vào Châu Âu hoặc các đối tác thân thiết khác.

Bộ trưởng Thương mại của Biden, Gina Raimondo – người có cha bị mất việc sau 28 năm làm việc tại nhà máy sản xuất đồng hồ Bulova ở Rhode Island vì công ty chuyển nhà máy sang Trung Quốc – đã nói rõ điều đó trong một bài phát biểu tại MIT hồi tuần trước : "Chúng ta sẽ không chỉ phát minh những công nghệ của tương lai ngay tại nước Mỹ, mà còn chế tạo chúng ngay tại đây". Không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này đã làm mất lòng các đồng minh và đối tác thương mại khác của Mỹ, những người phải đối mặt với viễn cảnh mất thị trường ở Trung Quốc vì Mỹ kiên quyết ép họ chấp nhận những hạn chế mới, chỉ để rồi phải chứng kiến các công ty đa quốc gia chuyển đến Mỹ hoặc mở rộng sản xuất tại Mỹ nhằm tận dụng giá năng lượng rẻ hơn và nguồn trợ cấp hào phóng.

Không chỉ có người Châu Âu mới nghĩ như vậy. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala đang cố gắng bảo vệ quy tắc không phân biệt đối xử— theo đó yêu cầu các đối tác thương mại được đối xử bình đẳng—vốn là cốt lõi của chủ nghĩa đa phương về thương mại suốt 75 năm qua. Bà lập luận rằng có rất ít quốc gia chấp nhận các lựa chọn giữa hai bên mà chính quyền Biden đưa ra. "Nhiều quốc gia không muốn phải chọn giữa hai phe", bà nói trong một bài phát biểu tại Viện Lowy ở Australia. Việc ép buộc chọn phe có thể làm hỏng tiến trình giải quyết các vấn đề mà Mỹ, Trung Quốc, và các quốc gia khác không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với nhau. Bà cảnh báo "sau cùng, sự phân tách gây ra bởi các chính sách vốn được thiết kế để xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và an ninh có thể giống như hành động phản lưới nhà", gây tổn hại cho sự hợp tác trong các thách thức tập thể như biến đổi khí hậu, đại dịch, hoặc khủng hoảng nợ công.

Những lời của Biden trước bữa tiệc cấp nhà nước với Macron cho thấy ông nhận thức sâu sắc về những lo ngại của Châu Âu và sẵn sàng cố gắng cải thiện tình hình. Ông cho biết hai nhà lãnh đạo "đã đồng ý thảo luận về các bước thực tế để điều phối và sắp xếp các cách tiếp cận của chúng tôi", đồng thời đảm bảo rằng hoạt động chế tạo và đổi mới sẽ được tăng cường "ở cả hai bờ Đại Tây Dương". Macron lặp lại rằng hai bên đã đồng ý "đồng bộ hóa cách tiếp cận". "Chúng tôi có thể giải quyết một số khác biệt hiện tại", Biden nói. "Tôi tin vào điều đó".

Tuy nhiên, sẽ không dễ để chốt được các chi tiết. Biden thẳng thắn thừa nhận có những "lỗ hổng" trong đạo luật cần phải được sửa chữa. Nhưng vẫn chưa rõ liệu ngôn ngữ của IRA về việc mở rộng trợ cấp cho hàng hóa do các đối tác thương mại tự do sản xuất có bao gồm cả EU hay không. Ngoài ra, có nhiều người trong Quốc hội và chính quyền Mỹ, cũng như trong các ngành công nghiệp như thép và năng lượng mặt trời, những người cam kết tuân thủ nguyên tắc "Nước Mỹ trên hết", tin rằng Mỹ đáng lẽ ra phải phục hồi ngành chế tạo từ lâu. Họ chắc chắn sẽ phản đối việc mở rộng trợ cấp quá hào phóng.

Biden và các nhà lãnh đạo Châu Âu nhận thức rõ rằng họ không thể cho phép xuất hiện một rạn nứt cơ bản xuyên Đại Tây Dương. Hơn bất cứ thời điểm nào kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa kép từ Nga và Trung Quốc đang buộc Mỹ và Châu Âu phải hợp tác và giải quyết các tranh chấp kinh tế vốn có thể kéo dài nhiều năm trong những thời kỳ ít căng thẳng hơn – chẳng hạn như tranh cãi kéo dài về trợ cấp cho Airbus và Boeing.

Những lợi ích lớn liên quan đồng nghĩa với việc hai bên sẽ phải tìm ra cách để giải quyết vấn đề. Như Macron đã nói : "Hoàn cảnh này có nghĩa là chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài phải làm việc cùng nhau".

Edward Alden

Nguyên tác : "Biden’s ‘America First’ Economic Policy Threatens Rift With Europe", Foreign Policy, 5/12/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/12/2022

Edward Alden là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, giáo sư tại Đại học Western Washington, và là nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Ông cũng là tác giả của cuốn "Failure to Adjust : How Americans Got Left Behind in the Global Economy".

Additional Info

  • Author Edward Alden, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Trung Quốc phủ bóng lên chuyến đi Châu Âu của Biden

La Croix nhận định, động cơ chuyến công du Châu Âu của tổng thống Mỹ chủ yếu là nỗi sợ bị sút kém trước Trung Quốc. Theo Le Monde, Trung Quốc phủ bóng lên chuyến công du Châu Âu của tổng thống Biden trong các hội nghị G7, NATO, vì là trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ, cuộc chiến tranh lạnh mới của thế kỷ 21. Trong mỗi dịp, Washington đều muốn lôi kéo Châu Âu chống lại Bắc Kinh.

phubong1

Trung Quốc trong tầm nhắm của chuyến đi Châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Bầu cử địa phương, cuộc sống trở lại bình thường sau khi dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời và giới nghiêm tại Pháp, bầu tổng thống ở Iran, dư âm cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin vừa qua là những chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay 18/06/2021.

Lo bị Trung Quốc qua mặt : Ám ảnh của Mỹ

La Croix nhận định động cơ chuyến công du Châu Âu của tổng thống Mỹ chủ yếu là nỗi sợ bị sút kém trước Trung Quốc. Tờ báo tổng kết các hoạt động trong chuyến đi sáu ngày vừa qua của ông Biden : G7, NATO, thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Hoa Kỳ. Bảy cường quốc kinh tế ủng hộ hệ thống thuế quốc tế, đặt ra mục tiêu giảm thải carbone, hứa tặng các nước nghèo 1 tỉ liều vac-xin chống Covid từ nay đến cuối 2022. Các đồng minh NATO thỏa thuận phối hợp để đối phó với việc Nga tăng cường quân sự, Châu Âu và Hoa Kỳ chấm dứt cuộc xung đột Boeing-Airbus kéo dài 5 năm qua.

Tuy nhiên theo Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc văn phòng Paris của GMF, hai điều ám ảnh nước Mỹ vẫn bao trùm lên các hội nghị vừa qua. Trong mỗi dịp, Washington đều muốn lôi kéo Châu Âu chống lại Bắc Kinh, mối quan tâm hàng đầu của Mỹ. Một nỗi lo khác là sợ bị mất đi vai trò thống lĩnh trong lãnh vực sáng tạo. Người Mỹ tin rằng quốc gia nào sở hữu công nghệ tiên tiến nhất sẽ là đại cường số một thế giới.

Lăng kính này được áp đặt ngay từ hội nghị G7, với loan báo về sáng kiến Build Back Better World (B3W, Tái thiết một thế giới tốt đẹp hơn), với hàng trăm tỉ euro dành cho các nước đang phát triển. Chương trình này là chọn lựa khả tín thay cho Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Thượng đỉnh NATO thì tỏ ra kín đáo hơn với Bắc Kinh, còn tại thượng đỉnh EU-Hoa Kỳ, Pháp và Đức muốn tập trung vào các giá trị chung giữa đôi bên và thương mại, thay vì coi là chủ đề chính trị- quân sự.

Ngay cả cuộc hưu chiến Airbus-Boeing, cũng với mục đích không mắc kẹt trong một xung đột vô ích, trước sự bành trướng của tập đoàn hàng không Trung Quốc Comac. Bruxelles và Washington cũng thỏa thuận về việc thành lập một "Hội đồng thương mại và công nghệ chung", để xem xét những tiêu chí (trí tuệ nhân tạo, kinh tế số) tôn trọng những giá trị dân chủ. Nhà Trắng coi dự án này là nhằm "không để cho các chế độ độc tài muốn làm gì tùy thích".

Bắc Kinh, chiếc bóng phiền toái giữa Biden và Putin

Trong bài "Putin, Biden và chiếc bình Trung Quốc", Le Monde nhắc đến một biếm họa của báo Le Temps về cuộc họp đầu tiên giữa Joe Biden và Vladimir Putin ở Genève hôm 16/06. Thay vào chỗ quả địa cầu giữa hai tổng thống, là một chiếc bình Trung Hoa khổng lồ. Điều này không có nghĩa Bắc Kinh là trung tâm cuộc gặp, mà là một sự hiện diện phiền toái.

Trung Quốc phủ bóng lên chuyến công du Châu Âu của tổng thống Biden, trong các hội nghị G7, NATO, vì là trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ, cuộc chiến tranh lạnh mới của thế kỷ 21. Nhưng liên minh các nước dân chủ mà ông mong muốn để chống lại các Nhà nước độc tài, không được hồ hởi chào đón. Tuy hoan nghênh việc quay lại của Hoa Kỳ, nhưng vấn đề Trung Quốc vẫn gây chia rẽ trong nội bộ Châu Âu.

Đã hẳn G7 tố cáo việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, can thiệp vào Hồng Kông, Đài Loan ; NATO đã gọi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống" như Washington muốn. Nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói "G7 không phải là một nhóm thù địch với Bắc Kinh", không quên nhắc nhở rằng Trung Quốc nằm xa Đại Tây Dương, còn thủ tướng Angela Merkel không muốn cắt đứt chiếc cầu kinh tế. Dự án cơ sở hạ tầng "Build Back Better World" thì vẫn còn mơ hồ.

Châu Âu an tâm trước một tổng thống Mỹ ca ngợi quan hệ đôi bên và tôn trọng các định chế của mình, nhưng chuyến công du để lại cảm giác lưng chừng. Châu Âu nhất là Đông Âu lại có thể trông cậy vào Washington trong khuôn khổ NATO, nhưng các ưu tiên của Mỹ rõ ràng hướng về Châu Á chứ không phải về lục địa già cỗi.

Mối đe dọa vũ khí nguyên tử từ Trung Quốc

Điểm nhấn chính là cuộc gặp Vladimir Putin. Cuộc họp thượng đỉnh này đặt Nga lên ngang hàng với Hoa Kỳ như thời chiến tranh lạnh, diễn ra tại thành phố xinh đẹp mà năm 1985 Reagan và Gorbatchev từng đặt những viên đá đầu tiên cho việc giải trừ quân bị. Vào thời đó, Le Monde nhận định Bắc Kinh - với năng lực nguyên tử còn quá nhỏ bé so với hai đại cường - hoan nghênh cuộc gặp, mong một ngày nào đó có thể tham dự.

Và nay, khi hiệp ước giữa Washington và Moskva hầu như không còn giá trị, vấn đề vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, vốn không bị ràng buộc bởi hiệp ước này, hiện là mối quan tâm của tất cả. Tuy Mỹ và Nga chiếm 90% số vũ khí nguyên tử trên thế giới, nhưng số lượng các đầu đạn của Trung Quốc đang tăng lên. Chi tiêu quân sự của Bắc Kinh đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đạt 245 tỉ đô la năm 2020, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm (SIPRI).

Tuy thượng đỉnh Genève đặt Putin vào trung tâm, Nga vẫn yếu về kinh tế, nhưng các âm mưu phá hoại thì lớn. Và Putin là chuyên gia trong việc tranh thủ những khoảng trống để lại, như ở Syria, Libya, Trung Phi ; hay để cho tình hình xấu đi ở các nước thuộc Liên Xô cũ nhằm làm giảm đi ý muốn hướng về phương Tây của Ukraine, Georgia (Gruzia) hay Moldavia.

Putin biết rằng ông ta có thể trông cậy vào Bắc Kinh, đối tác khá trung thành ở Liên Hiệp Quốc để phủ quyết những nghị quyết bất lợi cho Moskva tại Cận Đông, tố cáo các vụ trừng phạt. Trung Quốc là một đồng minh mạnh trong cuộc chiến chống phương Tây, nhưng còn là một đối tác cồng kềnh như một chiếc bình sứ lớn, một "con voi trong căn phòng nhỏ".

Vua cờ Kasparov : Những De Gaulle và Churchill đang ở đâu ? 

Ở một góc độ khác, Le Figarocho rằng "Cuộc khủng hoảng phương Tây khiến những người dân chủ Nga bị mất đi hình mẫu". Họ lo ngại trước cuộc chiến "bản sắc" và xu hướng thu mình lại của thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ, mang lại cảm giác dần rơi vào vòng xoáy tự hủy diệt, thay vì dùng sức mạnh của mình để bảo vệ di sản văn hóa và những giá trị dân chủ.

Trả lời phỏng vấn của tờ báo, nhà cựu vô địch cờ vua kiêm đối lập Nga, Garry Kasparov đặt câu hỏi "Những De Gaulle và Churchill đang ở đâu ?". Nhà đấu tranh nhân quyền lo ngại khi các nhà lãnh đạo phương Tây tỏ ra yếu đuối trước Putin, và cả đối với "cancel culture" (văn hóa chối từ) của cánh tả Mỹ, được cho là để chống lại bất công xã hội.

Ông cho biết cảm thấy sốc trước nạn ồ ạt lật đổ các bức tượng những nhân vật lịch sử, bị cho là không phù hợp với các tiêu chí hiện nay. Theo Kasparov, việc lật lại những trang đen tối của quá khứ, đặc biệt về nô lệ là có thể hiểu được, nhưng quy cho nước Mỹ những chuyện xấu xa là nguy hiểm. Garry Kasparov nhắc nhở, phương Tây vẫn là chiếc nôi cho sáng tạo và tự do "cần phải tự hào thay vì tự ghét mình". Giới đấu tranh dân chủ Nga cảm thấy bị kẹt giữa hai phía, một bên là phương Tây đang chia rẽ và tự làm giảm giá trị, bên kia là Putin đang lợi dụng để ghi điểm nơi những người đang thất vọng vì dân chủ.

Cầu thủ quỳ gối trước trận đấu : Nhiều đội Châu Âu phản đối

Chuyển sang lãnh vực thể thao, tờ 20 Minutes đặt vấn đề, tại sao giới bóng đá Châu Âu nhất định phản đối việc các cầu thủ quỳ gối trước khi khởi đầu trận đấu ?

Đội trưởng Hugo Lloris giải thích, đội Pháp không chịu quỳ - như một dấu hiệu phản đối kỳ thị chủng tộc - vì đây phải là một quyết định tập thể. Nếu thực hiện, thì tất cả các nước đều làm theo với sự ủng hộ của Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA). Trong khi đó không có sự đồng tình tại Châu Âu, không chỉ ở đội Pháp, mà cả Hungary, đối thủ sắp tới của Les Bleus. Thủ tướng Viktor Orban nói rằng không nên mang lại một "gánh nặng đạo đức và lịch sử cho một đất nước chưa bao giờ liên quan đến quy chế nô lệ".

Đội Bỉ do quỳ gối đã bị khán giả trên sân vận động Saint Petersbourg la ó phản đối. Huấn luyện viên đội Scotland Steve Clarke nhận định, hành động này khi thực hiện lần đầu tiên mang tính biểu tượng cao, nhưng giờ thì ý nghĩa đã nhạt. Cầu thủ gốc Châu Phi Ricardo Faty cho rằng đó là một hiện tượng rất Mỹ, đánh dấu vụ George Floyd, nhưng nếu biến thành nghi thức thì khá buồn cười, đa số cầu thủ đều lớn lên trong môi trường đa sắc tộc.

Cuộc bầu cử tổng thống Iran bị siết chặt nhất trong lịch sử

Về kỳ bầu cử tổng thống Iran hôm nay 18/06/2021, Les Echos nhận định đây là cuộc bỏ phiếu bị siết chặt nhất từ trước đến nay, với 99% ứng cử viên bị loại ngay từ đầu bởi một định chế của giáo chủ Ali Khamenei.

Cho đến nay, Tehran vẫn giả vờ đa phương, và chiến thắng của các ứng cử viên ôn hòa như Hassan Rohani là một ngạc nhiên. Việc ông Rohani đắc cử năm 2013 và tái đắc cử năm 2017 đã được giới trẻ ồ ạt xuống đường ăn mừng, xe cộ bóp còi inh ỏi tại nhiều thành phố Iran. Nhưng tối nay hiện tượng này khó thể diễn ra, trong khi chế độ cũng chẳng cần vờ tỏ ra dân chủ như trước.

Một trong số các ứng cử viên đã rút lui, trên truyền hình đã khẳng định chế độ đã để "bầu trời, mặt trời và mặt trăng nghiêng về phía một ứng cử viên duy nhất". Ebrahim Raissi, 60 tuổi, người đứng đầu hệ thống tư pháp Iran hầu như chắc chắng sẽ giành được chiến thắng trước ba ứng viên bù nhìn. Hassan Rohani, không thể tranh cử sau hai nhiệm kỳ, coi tiến trình bầu cử lần này là "xác chết". Kể cả những nhân vật nặng ký như Ali Larijani, cựu chủ tịch quốc hội, dù ủng hộ chủ thuyết của đại giáo chủ cũng bị gạt ra bên lề. Sợ rằng tỉ lệ cử tri đi bầu quá ít ảnh hưởng đến tính chính danh của nguyên thủ tương lai, đại giáo chủ tuyên bố bỏ phiếu là nghĩa vụ tôn giáo, vì vắng mặt là "đúng ý của những kẻ thù Iran".

Nhà hoạt động Việt Nam được "Nobel xanh" nhờ bảo vệ loài tê tê

Liên quan đến Việt Nam, trang web Libération nói về giải thưởng Goldman, được mệnh danh là "Nobel xanh", trao cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Thái vì những nỗ lực trong việc bảo vệ loài tê tê.

Đây là loài hữu nhũ bị săn lùng nhiều nhất trên thế giới, hơn một triệu con đã bị săn bắt bất hợp pháp tại Châu Phi và Châu Á trong 10 năm qua, vừa do thịt ngon, vừa vì những chiếc vảy của chúng được đông y cho là trị được nhiều bệnh. Năm 2020, loài vật vô hại và nhút nhát này bỗng dưng nổi tiếng vì có thời gian bị nghi là véc-tơ truyền virus corona sang người ở Vũ Hán.

Anh Nguyễn Văn Thái, 39 tuổi, người được nhận giải Goldman hôm thứ Ba, lớn lên tại vùng đất gần rừng quốc gia Cúc Phương, từ nhỏ đã không chịu được cảnh dân làng giết thịt tê tê. Năm 2014, anh lập ra hiệp hội Save Vietnam Wildlife (Giải cứu động vật hoang dã Việt Nam), chống việc săn trộm tê tê. Trong trung tâm thú y do anh xây dựng, 80% số tê tê giải cứu được chăm sóc cẩn thận và thả trở về rừng.

Anh còn mở rộng hoạt động sang rừng quốc gia Pù Mát gần biên giới Lào, đào tạo các nhân viên kiểm lâm để lập ra Trung tâm phục hồi tê tê Châu Á. Trên diện tích 380.000 hecta rừng, ê-kíp đã phá hủy 10.000 chiếc bẫy, phá dỡ 775 lán trại, bắt giữ 558 người. Đơn vị được chính phủ tài trợ một phần, và các tiến bộ trong việc bảo vệ loài vật có nguy cơ tuyệt chủng được các tổ chức phi chính phủ hoan nghênh. Bên cạnh các hoạt động cụ thể, thay đổi cách nghĩ và thói quen của người dân địa phương là thách thức lớn nhất của Nguyễn Văn Thái. Danh tiếng từ giải Goldman và số tiền thưởng 125.000 đô la sẽ tiếp sức cho anh.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế