Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đến Tân Cương, cuộc điều tra đầy bất trắc

Thụy My, RFI, 23/05/2022

Sau nhiều cuộc thương lượng kéo dài, hôm 23/05/2022 bà Michelle Bachelet, cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề nhân quyền bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, để tiến hành cuộc điều tra hết sức nhạy cảm về số phận người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

tq4

Bà Michelle Bachelet, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ở Genève, Thụy Sĩ, ngày 03/11/2021.  AP - Martial Trezzini

Bà Michelle Bachelet trao đổi qua video với các đại sứ ngoại quốc tại Trung Quốc trước khi đến Urumqi, thủ phủ Tân Cương và Kashgar, thành phố có nhiều người Duy Ngô Nhĩ sinh sống. Bà cũng sẽ gặp một số quan chức cao cấp trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội dân sự, giới kinh doanh và đại học, phát biểu tại một cuộc họp tại trường đại học Quảng Châu.

Đây là lần đầu tiên cao ủy nhân quyền đến Trung Quốc kể từ 2005. Chuyến thăm 6 ngày dường như rất khó khăn đối với cựu tổng thống Chilê, bà không thể tự do đi tham quan và có nguy cơ bị chính quyền Bắc Kinh lợi dụng để khỏa lấp những tội ác - theo các nhà quan sát.

Trong một thư ngỏ hôm nay, tổ chức bảo vệ nhân quyền Chinese Human Rights Defenders (CHRD), có trụ sở tại Washington, cho rằng chuyến thăm sẽ được Bắc Kinh "quản lý chặt chẽ". CHRD nhấn mạnh mối lo ngại đại diện Liên Hiệp Quốc "sẽ không được tiếp xúc trực tiếp các nạn nhân, nhân chứng, các thành viên độc lập của xã hội dân sự" và quan điểm của bà sẽ bị chính quyền Bắc Kinh "bóp méo".

Nhiều nghiên cứu của phương Tây dựa trên các tài liệu chính thức và lời chứng của các nạn nhân, cho thấy Trung Quốc đã bắt nhốt ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo và nhà tù, cưỡng bức họ lao động. Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc "diệt chủng" người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương. Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc, nói rằng các trại tập trung trên chỉ nhằm đào tạo nghề, không cưỡng bức triệt sản mà chỉ áp dụng chính sách hạn chế sinh đẻ.

Từ 2018 đến nay, Liên Hiệp Quốc đã đấu tranh rất vất vả với Bắc Kinh để được "tự do" đi thăm Tân Cương. Nhà nước giám sát nghiêm ngặt và nỗi sợ bị trả thù có thể khiến người Duy Ngô Nhĩ không dám nói thật với phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Bản thân bà Michelle Bachelet cũng bị Mỹ chỉ trích vì đã "im lặng suốt một thời gian dài trước những bằng chứng tội ác không thể chối cãi" của Bắc Kinh.

Theo các nhà nghiên cứu và cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong, gần đây chính quyền Tân Cương đã bớt đàn áp khắc nghiệt để tập trung vào kinh tế, những bằng chứng hiển nhiên nay không còn thấy rõ. AFP cho biết truyền thông Hoa lục đã khởi động bộ máy tuyên truyền, ca ngợi "những tiến bộ đáng kể" về nhân quyền tại Trung Quốc.

Thụy My

*********************

Cáo buộc "diệt chủng" : Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đến Tân Cương tuần tới

Trọng Thành, RFI, 21/0/2022

Chuyến đi đến Tân Cương của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra từ ngày 23/05 đến 28/05/2022. Khu tự trị Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc, là nơi Bắc Kinh bị giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc giam cầm, đàn áp cả triệu người thuộc cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ và một số sắc tộc thiểu số khác.  

tq5

Một cuộc biểu tình tố cáo chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, trước nhà Quốc Hội Pháp, Paris, ngày 26/01/2022, trước dịp Thế Vận Hội Mùa đông Bắc Kinh. ReutersF – GONZALO FUENTES

Tuy nhiên, hai ngày trước chuyến công du, chương trình cụ thể vẫn chưa hề được công bố. Giới bảo vệ nhân quyền cảnh báo, chuyến đi của Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet có thể bị chính quyền Bắc Kinh thao túng. Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc không chấp nhận chuyến đi của phái đoàn Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tới Tân Cương là một cuộc điều tra, mà chỉ coi như một chuyến viếng thăm "hữu nghị".

Thông tín viên Stephane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :  

"Chuyến đi của nhà lãnh đạo cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ là chuyến đi bị khép kín một phần. Hiện tại vẫn chưa biết những tổ chức xã hội dân sự và cơ sở chính quyền địa phương nào mà bà Michelle Bachelet sẽ có thể được gặp gỡ.  

Thông cáo báo chí từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đề cập đến các cuộc thảo luận với "đại diện của giới doanh nhân, giới học thuật, và việc tổ chức hội nghị với các sinh viên ở Quảng Châu", thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền đông nam Trung Quốc. Đây là nơi phái đoàn của bà, - gồm 5 người đã phải trải qua 17 ngày cách ly dịch tễ tại khách sạn – hiện đang lưu trú (khác với đoàn đã có mặt tại chỗ, bản thân Cao ủy Nhân quyền sẽ không bị cách ly, khi đến Trung Quốc). 

Cuộc trao đổi trực tuyến sẽ diễn ra vào thứ Hai tới với các đại sứ quán nước ngoài tại Trung Quốc, có lẽ sẽ giúp chúng ta có thể hiểu thêm về một chương trình hiện còn đầy ẩn số.  

Liệu bà Michelle Bachelet có cơ hội trao đổi với những người đối thoại với bà "mà không bị cản trở" như yêu cầu đã được chuyển đến chính quyền Trung Quốc hay không ? Những ai mà Cao ủy Nhân quyền được phép gặp trong chuyến đi của mình ? Liệu cao ủy Nhân quyền có thể nói chuyện với giáo sư lham Tohti, nhà kinh tế học người Trung Quốc và Giải thưởng Nhân quyền Sakharov, người đã bị kết án tù chung thân vào năm 2014 vì bị quy tội theo "chủ nghĩa ly khai".

Nhiều hiệp hội lo ngại đây sẽ là một chuyến thăm bị bưng bít, bị hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc thao túng, như đã từng xảy ra đối với đoàn khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới tại thành phố Vũ Hán vào mùa đông năm 2021. 

Nỗi hoài nghi tương tự nhắm vào các lãnh đạo phương Tây, những người chưa bao giờ thành công trong việc giúp làm thay đổi các điều kiện của một chuyến đi bị đặt dưới sự giám sát cao độ như thế này. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên Cao ủy Nhân quyền đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2005. "Bất chấp những khó khăn, chúng ta không thể chống lại một chuyến thăm như vậy, vốn đã được yêu cầu từ nhiều năm nay", theo nhận định của một nhà ngoại giao Châu Âu". 

Hoa Kỳ lo ngại và "hoàn toàn không tin tưởng" vào triển vọng chuyến đi

Về chuyến đi của cao ủy Nhân quyền đến Tân Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết : Washington "rất lo ngại về triển vọng của chuyến đi sắp tới" và tỏ ý "hoàn toàn không tin tưởng" là chính quyền Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho phái đoàn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong mọi di chuyển và tiếp xúc "để có được một đánh giá đầy đủ và trung thực về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Phủ Cao ủy Nhân quyền công bố "không chậm trễ" bản báo cáo về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương trước chuyến đi.  

Hồi đầu tháng 3/2022, ngay sau khi Phủ Cao Ủy Nhân Quyền thông báo thông tin về việc đã đạt thỏa thuận với Trung Quốc về chuyến đi đến Tân Cương tháng 5/2022, gần 200 hiệp hội bảo vệ nhân quyền trên thế giới, đã công bố một bức thư ngỏ, yêu cầu Phủ Cao Ủy Nhân Quyền công bố ''không chậm trễ'' báo cáo của cao ủy Nhân quyền Bachelet về Tân Cương, vốn đã được Phủ Cao ủy nhiều lần hứa hẹn công bố.   

Nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp và Anh, đã liên tục lên án ''tội ác diệt chủng'' chống lại người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Theo điều tra của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, ít nhất một triệu dân, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ và một số cộng đồng thiểu số nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi, đang hoặc đã bị giam cầm trong ang loạt trại tập trung tại Tân Cương. 

Trọng Thành

********************

Trung Quốc độc đoán với zero Covid, doanh nhân nước ngoài vỡ mộng

Thụy My, RFI, 21/05/2022

Trong bài phóng sự dài "Và Trung Quốc lại đóng cửa.."., Le Point tuần này đề cập đến việc Tập Cận Bình cô lập đất nước để chống Covid, bất chấp hậu quả kinh tế, doanh nhân ngoại quốc bỏ chạy. L’Express nhìn thấy ở đây "thông điệp thực sự" của việc phong tỏa Thượng Hải.

tq1

Một người dân Thượng Hải nhìn ra đường nhờ một lỗ trống trên bức vách ngăn trong thời gian bị phong tỏa, ngày 06/05/2022.  Reuters - ALY SONG

Bài viết kể ra trường hợp của một doanh nhân Pháp, cách đây ba năm rất hào hứng khi đến làm việc ở Thượng Hải, nhưng nay cùng với 30.000 đồng hương đang sống trong khủng hoảng với chính sách zero Covid. Bây giờ họ mới biết thế nào là độc tài : các trạm kiểm soát ở khắp ngả đường, phải tải ba ứng dụng điện thoại để bị kiểm tra mọi lúc và một loạt những quy định ngặt nghèo. Người vợ của doanh nhân trên đi sinh con, cả nhà phải cách ly trong bệnh viện, và khi trở về đến 40 ngày sau vẫn chưa đến được lãnh sự quán để khai sinh, em bé thành vô tổ quốc.

Một người bạn Ý vợ cũng mới sinh con thì còn tệ hại hơn : bà mẹ bị buộc đi cách ly trong lúc đang cho con bú vì dương tính với Covid, người cha ở nhà ngồi ôm con nhưng sữa tìm mua không có… lãnh sự can thiệp cũng như không. Nhờ tuần báo đăng lên trường hợp của mình, họ được cấp giấy và lập tức mua vé máy bay về nước dù với cái giá cắt cổ, chẳng bao giờ muốn quay lại Hoa lục.

Người khổng lồ Châu Á không còn thu hút được các doanh nhân ngoại quốc. Phòng Thương mại Pháp ở Trung Quốc cho biết phân nửa số người Pháp làm việc ở Hoa lục đã quay về nước, tỉ lệ này có thể lên đến 70-80 % vào mùa thu tới. Tại các trường trung tiểu học, giáo viên người nước ngoài ra đi ồ ạt. Nhà trường bèn giảm số giờ học tiếng Anh, và các giáo viên môn sử nhấn mạnh đến giáo dục ái quốc. Một nhà đầu tư Pháp lâu nay vẫn ca ngợi Trung Quốc, nay cảnh báo : "Sau 15 năm mở cửa với thế giới – từ 2000 đến 2015 – Trung Quốc lại bước vào một chu kỳ đóng cửa, cũng có thể kéo dài 15 năm".

Phong tỏa Thượng Hải : Thông điệp cho phương Tây và dân chúng

L’Express nhìn thấy "thông điệp thực sự" của việc phong tỏa Thượng Hải, để có thể hiểu thêm về nhiệm kỳ thứ ba sắp tới của Tập Cận Bình. Trước hết, là hai nước Trung Quốc đối nghịch : Bắc Kinh khép kín so với những nơi khác chỉ phong tỏa cục bộ. Tiếp đến là ý thức hệ được đặt lên trên lợi ích kinh tế, tách biệt ngày càng nhiều với phương Tây.

Tập Cận Bình muốn "trả lại Châu Á cho người Châu Á". Và Thượng Hải, thành phố cảng tiêu biểu cho việc mở cửa ra thế giới cũng phải chấp hành việc "phi phương Tây hóa" he oba trục. Đó là "phi dân chủ hóa" với dân tộc chủ nghĩa đang lên, "phi NATO hóa" do tình hữu nghị "vô biên" với Nga, và "phi đô la hóa" các trao đổi.

Một thông điệp khác dành cho toàn bộ dân chúng Trung Quốc : thời kỳ bốn mươi năm huy hoàng đã kết thúc. Ngược với chính sách hỗ trợ "bằng mọi giá" của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tập Cận Bình áp đặt việc "người dân phải hy sinh bằng mọi giá", mà biểu tượng là việc nhốt dân Thượng Hải trong nhà, thực phẩm cung cấp "được chăng hay chớ".

Bắc Kinh muốn dùng năng lực sản xuất làm vũ khí, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã cảnh báo 46 % tập đoàn lớn của Đức đang lệ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc. Việc phong tỏa Thượng Hải báo trước những thay đổi cơ cấu sâu sắc về tăng trưởng Trung Quốc tương lai cũng như trật tự mới của thế giới. Các nhà lãnh đạo Châu Âu chỉ còn rất ít thời gian để hiểu thấu hậu quả và tìm cách thích ứng.

Thụy My

*********************

Trung Quốc là nguồn gốc của những bất ổn ở Biển Đông từ trước đến nay

RFA, 19/05/2022

Trung Quốc chính là nguồn gốc của những bất ổn ở khu vực Biển Đông trong suốt nhiều thập niên qua nhưng những hành động lất lướt của Bắc Kinh gần như không có liên quan gì đến những đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ như nhiều người vẫn nghĩ. Đó là kết luận trong một nghiên cứu mới của Cơ quan Nghiên cứu Châu Á (NBR) - một viện nghiên cứu phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ.

tq2

Tàu hải cảnh của Trung Quốc tại Bãi Scarborough hôm 5/4/2017 - Reuters

Trong báo cáo có tên "Dynamics of Assertiveness in the South China Sea" (tạm dịch là Động lực của hành vi quyết đoán ở Biển Đông), nhà nghiên cứu Andrew Chubb tìm hiểu những tranh chấp về chủ quyền ở trên biển và những thay đổi trong hành vi của các quốc gia có những đòi hỏi chủ quyền tích cực nhất ở vùng biển này bao gồm Trung Quốc (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), Philippines và Việt Nam.

Báo cáo này dựa vào các dữ liệu đánh giá những thay đổi qua từng năm liên quan đến hành vi quyết đoán của ba quốc gia trong giai đoạn từ 1970 đến 2015.

Chuyên gia Chubb xác định bốn loại hành vi quyết đoán mà các quốc gia thực hiện khi theo đuổi các lợi ích của mình ở Biển Đông, từ các tuyên bố khẳng định chủ quyền, công hàm ngoại giao đến những đe doạ trừng phạt và việc sử dụng vũ lực.

Một trong những phát hiện được đưa ra trong báo cáo là sự gia tăng hành vi lấn lướt từ phía Trung Quốc liên tục ở khu vực Biển Đông với bằng chứng là Trung Quốc có các hành động lấn lướt trong phần lớn các năm tính từ năm 1970.

Ngoài ra, các hành động xâm lấn của Trung Quốc, hoặc các hành động liên quan đến đe doạ hoặc sử dụng trừng phạt đã trở nên thường xuyên hơn kể từ sau năm 2007, đó cũng là năm đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn mở rộng nhanh chóng của hoạt động tuần tra trên biển của Trung Quốc và các nỗ lực mở rộng các thực thể trên biển.

Các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào hai quốc gia là Philippines và Việt Nam, theo kết quả của nghiên cứu, và thường không phải do mối quan hệ Mỹ - Trung, mặc dù Mỹ (quốc gia không có đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông) trong thập niên vừa qua đã lên tiếng nhiều hơn về các hành vi của Trung Quốc ở vùng biển này. Gần đây, Hoa Kỳ cũng đã gia tăng các hoạt động tự do hàng hải và tập trận tại vùng biển này.

Chiến lược ngăn chặn

Nghiên cứu mới cũng rút ra kết luận về lập trường của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ngoài Trung Quốc. Theo nghiên cứu, từ những năm 1990, cứ mỗi một hành động được cho là quyết đoán của Hà Nội ở Biển Đông đều liên quan đến những tranh chấp của Hà Nội với Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn là mục tiêu của khoảng 80% các hành động lấn lướt từ phía Trung Quốc trong giai đoạn những năm 2000.

Theo nghiên cứu, đến năm 2010, sau ba năm gắng gượng với những lấn lướt liên tục từ Bắc Kinh, Việt Nam đã không còn có thể bắt kịp được những hành động lấn át của Trung Quốc nữa và vào khoảng giữa năm 2011, các phản ứng của Việt Nam chủ yếu là các tuyên bố vào khi Hà Nội chuyển trọng tâm sang hướng ngoại giao.

Hành vi của Manila ở Biển Đông, mặt khác, lại rải rác và không nhất quán so với các quốc gia có đòi hỏi về chủ quyền khác, và chủ yếu là các sự việc đơn lẻ hơn là các hành động liên tục.

Các quan ngại nghiêm trọng từ phía Mỹ bắt đầu vào tháng ba năm 2009 khi tàu khảo sát USNS Impeccable của Mỹ được cho là đã bị tàu dân quân biển của Trung Quốc quấy nhiễu khi đang thực hiện hoạt động nghiên cứu gần đảo Hải Nam ở Biển Đông.

tq3

Tàu dân quân biển của Trung Quốc và tàu USNS Impeccable của Mỹ tại Biển Đông năm 2009. Hình :CSIS

Nghiên cứu cho biết chính sách lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông không bị tác động bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc với chính sách về Mỹ của Trung Quốc chủ yếu bị hâm nóng từ khoảng một thập niên trước khi quan hệ hai nước xấu đi nhanh chóng từ năm 2017.

Tác giả nghiên cứu nói rằng thách thức đối với Washington là tìm ra được phản ứng đối với hành động lấn lướt của Bắc Kinh trong khi vẫn tiếp tục được coi như là một lực lượng giúp bình ổn khu vực.

"Với thực trạng tăng cường sức mạnh của Trung Quốc đã được dự đoán, điều này chắc chắn có nghĩa là Hoa Kỳ có rất nhiều thách thức nếu họ muốn sử dụng công cụ chính sách để cố gắng ngăn chặn Trung Quốc không thực hiện các hành động lấn lướt" - Chuyên gia Chubb nói.

Tác giả cũng xem xét "ý tưởng cố gắng đối phó với chiến lược của Trung Quốc bằng cách cố tình làm gia tăng nguy cơ leo thang… đã được một số nhà nghiên cứu chính sách đưa ra trong các năm qua".

Ông Chubb phản đối ý tưởng này và nói rằng một trong những sức mạnh của Mỹ ở khu vực là được xem như là một lực lượng giúp bình ổn. Ông nói:

"Nhìn vào tình hình trong suốt các thập niên qua, rõ ràng là Trung Quốc là nguồn gốc của những bất ổn và sự có mặt của Mỹ nhìn chung là giữ ổn định.

Chiến lược ngăn chặn nên tập trung vào các biện pháp kinh tế như đàm phán thương mại hơn là các hành động và làm gia tăng nguy cơ leo thang quân sự".

Các nước ASEAN có thể làm hơn nữa để gửi ra một "tín hiệu ngăn chặn rõ ràng nhưng nhẹ nhàng" sẽ khiến Bắc Kinh nhượng bộ hoặc ít nhất khiến họ (Trung Quốc) tiết chế.

"Trong suốt các thập niên qua, các tranh chấp trong nội bộ ASEAN đã được trung hoà, các nước ASEAN không còn đưa ra các đòi hỏi chủ quyền chống lại nhau theo cách chủ động nữa", ông Chubb nói.

Nhưng ông cũng lưu ý là ngay cả "các cử chỉ mang tính biểu tượng cũng có thể bị Trung Quốc coi là dấu hiệu các nước trong khu vực đang thành lập một mặt trận đoàn kết chống lại Trung Quốc".

Published in Diễn đàn

Thế chiến thứ 3 xảy ra vì Biển Đông ? (Người Việt, 23/12/2018)

Giới chuyên viên phân tích chính trị quân sự sợ rằng nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang thách đố trên biển Đông, sẽ dẫn đến thế chiến thứ 3 dù không ai muốn.

bd1

Hải quân Trung Quốc, gồm cả mẫu hạm Liêu Ninh tập trận trên Biển Đông hồi đầu năm 2017. (Hình : AFP/Getty Images)

Cho tới những ngày gần đây, từ các diễn biến hành động trên Biển Đông và những lời tuyến bố của các lãnh đạo và viên chức cấp cao của Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, xâu chuỗi lại với nhau, người ta thấy bóng dáng thế chiến thứ ba lởn vởn đâu đó khi mọi chuyện đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Thậm chí, có nhà phân tích còn sợ rằng hai siêu cường quân sự Mỹ và Trung Quốc bị lôi cuốn vào sự tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông của các nước trong khu vực, có thể xảy ra trong năm 2019, với hàng ngàn người có thể thiệt mạng. Sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp người ta sản xuất ra các loại võ khí tối tân và chính xác, đồng thời khả năng hủy diệt và sát thương khủng khiếp hơn.

Ông Malcolm Davis, phân tích gia cấp cao về chiến lược quốc phòng và khả năng (defence strategy and capability) của Viện Chính Sách Chiến Lược nước Úc tại thủ đô Canberra mới đây nói với đài CNN của Mỹ : "Trung Quốc sẽ không giảm các nỗ lực nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Trên căn bản, cái mà Trung Quốc muốn là biến Biển Đông thành cái hồ của họ".

Theo ông Davis nhận định, chính phủ Trump nhiều phần cũng không lùi bước trước áp lực của Bắc Kinh.

Gregory Poling, một chuyên viên về luật lệ và hàng hải Á Châu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn nói với báo Al Jazeera hồi Tháng Mười 2018 là "Có rất nhiều vấn đề có thể dẫn đến xung đột Mỹ–Trung Quốc. Biển Đông là cái gai nhọn nhất. Nó nằm ngay trung tâm của chính sách Mỹ ở khu vực, nơi mà trật tự quốc tế đã được Hoa Thịnh Đốn xây dưng từ thời Thế chiến Thứ Hai. Vậy mà Trung Quốc sẵn sàng ức hiếp các láng diềng và thách đố thứ trật tự dựa trên pháp luật đó".

Nếu chiến tranh xảy ra giữa hai nước có khả năng võ khí nguyên tử như Mỹ và Trung Quốc thì hậu quả sẽ khủng khiếp cho cả hai vùng.

bd2

Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines tập trận đổ bộ hồi Tháng Năm 2018. (Hình : AFP/Getty Images)

Các nhà quan sát tại Trung Tâm Ngăn Ngừa Hành Động của Hội đồng Đối Ngoại (Council on Foreign Rlations), một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Hoa Thịnh Đốn, coi Biển Đông là điểm nóng của thế giới khi cả Bắc Kinh cũng như Hoa Thịnh Đốn từ chối nhượng bộ tại khu vực được ước đoán có nhiều trữ lượng dầu khí dưới lòng biển và thủy lộ thương mại hàng đầu thế giới.

Khi Bắc Kinh xây dựng hơn một chục căn cứ quân sự quy mô khổng lồ trên Biển Đông tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta đã hình dung ra họ dùng chúng để làm gì.

Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và cả Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Bắc Kinh thì tham lam nhất, cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ ở khu vực, tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông theo 9 cái vạch đứt quãng nối lại giống hình "Lưỡi Bò".

Tháng Bảy, 2016, tòa trọng tài quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố "Lưỡi Bò" của Bắc Kinh là vô giá trị nhưng Bắc Kinh ngang ngược chống lại.

Sau vụ chiến hạm Trung Quốc chận đường chiến hạm Mỹ "tuần tra hải hành" gần đảo nhân tạo Ga-Ven trong quần đảo Trường Sa cuối Tháng Chín, 2018, sang Tháng Mười Một, một chiến hạm khác của Mỹ đi gần một đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Một sĩ quan cấp cao Trung Quốc hô hào nước này đưa hai chiến hạm, một chiếc chặn đường, một chiếc đâm hông tàu Mỹ nếu "xâm phạm vùng biển Trung Quốc" trên biển Đông.

Chưa thấy một biến cố nào như vậy diễn ra nhưng hai bên có tự kềm chế để Biển Đông đừng nổi sóng hay không, đó là những ẩn số mà giới chuyên gia phân tích đang bầy tỏ những lo âu. (TN)

****************

Nhật Bản : Diễn văn cuối cùng của hoàng đế Akihito (RFI, 23/12/2018)

Đúng sinh nhật 85 tuổi, ngày 23/12/2018, hoàng đế Nhật Bản Akihito đọc bài diễn văn cuối cùng trước khi thoái vị. tháng 4/2019 ông sẽ nhường ngai vàng cho con trai là hoàng thái tử Naruhito. Trị vì từ năm 1989, Akihito là một vị hoàng đế rất được thần dân nể trọng và yêu mến.

bd3

Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko ngày 23/12/2018. Reuters

Ông và hoàng hậu Michiko được kính trọng vì lòng nhân từ. Lần đầu tiên trong lịch sử xứ phù tang, hoàng đế và hoàng hậu thường xuyên xuất cung, đến thăm hỏi, an ủi các nhạn nhân mỗi lần Nhật Bản bị thiên tai.

Riêng Akihito, ông đi vào lịch sử Nhật Bản như một vị hoàng đế yêu chuộng hòa bình. Thông tín viên đài RFI Frédéric Charles từ Tokyo tường thuận về bài diễn văn cuối cùng Akihito gửi đến quốc dân.

"Ông là một vị hoàng đế yêu chuộng hòa bình, là người bảo đảm cho bản Hiến Pháp chủ hòa mà thủ tướng Shinzo Abe đang muốn sửa đổi. Hoàng đế Akihito phát biểu với quốc dân lần cuối. Ông đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc đại chiến ở châu Á mà Nhật Bản đã gây ra nhân danh cố hoàng đế Hiroshito, thân phụ của Akihito.

Phát biểu hôm nay, Nhật hoàng kêu gọi người dân "đừng quên rằng rất nhiều mạng sống bị cướp đi trong chiến tranh. Hòa bình và thịnh vượng mà Nhật Bản có được ngày nay là nhờ không biết bao nhiêu hy sinh to lớn của người dân Nhật. Truyền đạt lại một cách chính xác về lịch sử cho các thế hệ sinh ra sau chiến tranh là điều hết sức quan trọng".

Trong suốt thời gian trị vì, hoàng đế Akihito đã thăm quan những địa danh, nơi từng nổ ra những trận đánh trong Thế Chiến Thứ Hai và ông không ngừng nỗ lực hòa giải với tất cả những nước láng giềng châu Á.

Thông điệp của hoàng đế Nhật trái ngược hoàn toàn với lập trường của thủ tướng Shinzo Abe. Chính quyền Tokyo muốn thay đổi bản hiến pháp chủ hòa, sang trang quá khứ lịch sử. Những thế hệ mới sau này hầu như không biết gì về cái thời kỳ ấy".

RFI tiếng Việt

Published in Châu Á