Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chuyến ghé cảng Đà Nẵng mang tính lịch sử của tàu sân bay Mỹ Carl Vinson bắn đi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc, nhưng quan hệ chiến lược Việt-Mỹ vẫn còn mang tính tượng trưng hơn là thực chất. Trên đây là nhận định của giáo sư Richard Javad Heydarian, chuyên gia về địa chính trị Châu Á thuộc Đại Học De ​​La Salle (Philippines), trong một bài phân tích công bố ngày 05/03/2018 trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông.

bieutuong1

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, ngày 05/03/2018. Reuters/Kham

Đối với giáo sư Heydarian, sự kiện chiếc USS Carl Vinson, một hàng không mẫu hạm với lượng giãn nước 103.000 tấn, cùng hai tàu chiến lớn khác, ghé Đà Nẵng ngày 05/03 trong một chuyến thăm hữu nghị 5 ngày là một dấu hiệu rất đáng chú ý, phản ánh quan hệ chiến lược đang tăng cường giữa hai kẻ cựu thù.

Đây là lần đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ mà Mỹ cho triển khai một nhóm tàu ​​sân bay đến Việt Nam, đánh dấu sự hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ bên bờ biển Việt Nam từ năm 1975, và báo hiệu sự xuất hiện của một liên minh ít ai ngờ tới giữa Washington và Hà Nội.

Việt Nam là đối tác trong chiến lược Mỹ

Trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Mỹ công bố tháng 12 năm ngoái (2017), chính quyền Donald Trump đã xác định Việt Nam là một đối tác hợp tác trên biển (cooperative maritime partner)", nêu bật vai trò của Hà Nội đang vươn lên thành một tác nhân chủ chốt trong việc giữ gìn trật tự hiện có trong vùng biển Đông Á.

Daniel Kritenbrink, tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tuyên bố : "Chuyến thăm đánh dấu cột mốc cực kỳ quan trọng trong quan hệ song phương Mỹ-Việt, và thể hiện hậu thuẫn của Hoa Kỳ cho một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập… Với nỗ lực, sự tôn trọng lẫn nhau và bằng cách tiếp tục giải quyết các vấn đề trong quá khứ, đồng thời hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, từ cựu thù, chúng ta đã trở thành đối tác chặt chẽ".

Theo giáo sư Heydarian, nhân tố trung tâm thúc đẩy đà sưởi ấm quan hệ nhanh chóng giữa hai nước cựu thù là sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của họ trên Biển Đông, đe doạ chủ quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam, cũng như quyền bá chủ hải quân của Mỹ ở Châu Á.

Vào lúc các đồng minh khu vực truyền thống của Hoa Kỳ như Thái Lan và Philippines đang càng lúc càng có một chính sách đối ngoại thân Bắc Kinh, Washington đã phải cấp tốc đi tìm những đối tác chiến lược mới và đáng tin cậy hơn ở Đông Nam Á.

Việt Nam đi đầu trong nỗ lực chống Trung Quốc tại Biển Đông

Với quyết tâm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, Hà Nội đã nổi lên thành một quốc gia đi đầu - nếu không nói là duy nhất - chống lại chính sách quyết đoán trên biển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là chuyến thăm mang tính biểu tượng cực cao của chiếc USS Carl Vinson sẽ sớm dẫn đến một liên minh quân sự thực thụ nhằm chống lại Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn luôn đi đầu trong các nỗ lực ngoại giao đa phương, nhất là trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á, để chỉ trích các hoạt động cải tạo, bồi đắp rầm rộ của Trung Quốc trên các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.

Giáo sư Heydarian nêu bật là để đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa nhanh chóng các hòn đảo nhân tạo, Việt Nam cũng đã bắt tay vào các hoạt động bồi đắp và cải tạo, với quy mô hạn chế, trên các thực thể mình kiểm soát, cũng như triển khai các hệ thống vũ khí, trong đó có các loại pháo có hệ thống dẫn đường chính xác, trên một số hòn đảo ở Trường Sa.

Trên phạm vi rộng hơn, Việt Nam đã nhanh chóng tăng cường năng lực hải quân của mình, bao gồm việc mua tàu ngầm từ Nga và phát triển cơ sở hải quân tại cảng chiến lược Cam Ranh.

Việt Nam cũng đã mở cửa các mỏ khí đốt tự nhiên khác nhau trong vùng đặc quyền kinh tế của mình cho các công ty năng lượng quốc doanh của Nga và Ấn Độ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Mục tiêu của Hà Nội là thông qua cách thức đó, lôi kéo được các cường quốc khác vào việc bảo vệ tài nguyên và tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Ba không về quân sự nhưng vươn tới các cường quốc khu vực

Ông Heydarian còn ghi nhận là trên bình diện học thuyết an ninh quốc gia, nước Việt Nam độc lập đã áp dụng chính sách "ba không", bao gồm việc không dựa vào một khối quyền lực nào để chống lại một khối khác, không đón nhận bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình và không liên minh quân sự và lệ thuộc vào bất kỳ một thế lực nào ở bên ngoài.

Tuy nhiên, trong một động thái kinh điển về đa dạng hoá chiến lược, Hà Nội đã vươn tới các cường quốc khu vực lớn như Nga, Ấn Độ và Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực phòng thủ và giám sát trên biển.

Nhận thức rõ sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc trong lãnh vực kinh tế, Việt Nam đã tìm cách thu hút các khoản đầu tư quy mô lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và các nước phương Tây.

Việt Nam cũng tìm cách gia nhập khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đang hồi sinh thành TPP-11 (trừ Hoa Kỳ), nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút các nguồn vốn và công nghệ.

Do đó, Hà Nội đã phát triển được một không gian chiến lược cũng như một năng lực răn đe tối thiểu chống lại các ý đồ của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.

Nỗi lo của Việt Nam : Bị cô lập về chiến lược

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cảm thấy bất an và lo ngại trước khả năng bị cô lập về mặt chiến lược. Nỗi quan ngại này bắt nguồn từ sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, cũng như chính sách chạy theo Trung Quốc ngày càng rõ của các nước có tranh chấp Biển Đông khác, như Philippines dưới thời tổng thống thân Trung Quốc Rodrigo Duterte chẳng hạn.

Một ví dụ, trong khối ASEAN, Việt Nam thường thấy mình là tiếng nói duy nhất chống lại các hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc, trong lúc phần còn lại của khu vực thì lại chủ trương thỏa hiệp về mặt chiến lược và tiếp tục làm ăn kinh tế với cường quốc Châu Á.

Bằng cách vươn tới Hoa Kỳ, Việt Nam hy vọng sẽ có thêm sức mạnh trong việc chống lại Trung Quốc. Chiến lược đó tuy nhiên không chỉ có nguy cơ bị phản tác dụng vì có khả năng kích động Trung Quốc hành động hung hăng hơn, mà lại còn phải đối mặt với những hạn chế to lớn mang tính chất cơ cấu.

Ý muốn của Việt Nam là ngăn chặn các tham vọng trên biển của Trung Quốc, nhưng Hà Nội cũng rất dễ bị Bắc Kinh trả đũa về kinh tế và quân sự. Việt Nam có đường biên giới rất dài trên biển và trên bộ, không chỉ với Trung Quốc mà còn cả với các nước láng giềng đi theo Trung Quốc như Cam Bốt.

Trong khi đó, Quốc Hội Hoa Kỳ cũng dè dặt trong vấn đề phê duyệt việc bán vũ khí tiên tiến cho Việt Nam, vốn liên tục bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền một cách rộng rãi. Cho đến nay, không có thỏa thuận vũ khí quan trọng nào được đặt lên bàn đàm phán.

Trên bình diện này thì nhiều vũ khí của Việt Nam lại có nguồn gốc Nga, gây nên mối quan ngại về khả năng tương thích về mặt công nghệ nếu Việt Nam kết hợp vũ khí Nga với vũ khí Mỹ. Hơn nữa, còn có mối quan ngại về quyết tâm thực thụ và phương tiện mà Mỹ huy động vào việc chống Trung Quốc khi xẩy ra chuyện.

Giáo sư Heydarian đi đến kết luận : Rốt cuộc, Hà Nội rất sợ khả năng bị bỏ rơi về mặt chiến lược nếu liên minh rõ ràng hơn với Mỹ và các cường quốc có cùng quan điểm (với Mỹ). Do vậy, rất khó mà nghĩ rằng mối quan hệ hợp tác đầy hứa hẹn hiện nay sẽ trở thành một liên minh toàn diện chống lại Trung Quốc.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 06/03/2018

Published in Diễn đàn