Người Trung Quốc muốn phục hồi đế chế cũ của họ. Khi Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu cao cả này (gần đạt được mục tiêu hơn là những người quan tâm thừa nhận), thì người Trung Quốc hy vọng sẽ thay thế Mỹ để trở thành siêu cường thống trị thế giới. Nhiều nhà phân tích - đặc biệt là các nhà phân tích phương Tây - chế giễu khái niệm này. Dù mục đích tối thượng của Trung Quốc có là gì đi nữa, thì cũng rõ ràng là Trung Quốc muốn sắp xếp lại trật tự thế giới một cách triệt để, để cho người Trung Quốc được lợi. Đây là bản chất của quan hệ quốc tế.
Các vận động viên với lá cờ Mỹ và Trung Quốc trên tay. Ảnh minh họa.
Nhìn vào sự phát triển của Trung Quốc từ khởi thủy đến thời điểm hiện nay, ta thấy rằng Trung Quốc không ngừng bành trướng ra khỏi cội nguồn của nó bên bờ sông Hoàng Hà, rồi chiếm được phần lớn lãnh thổ ở miền Đông lục địa Á-Âu (Eurasia). Ban đầu, Trung Quốc bành trướng từ khu vực sông Hoàng Hà, rồi chuyển lên phía bắc và phía tây. Rồi Trung Quốc xoay trục một cách từ từ và bắt đầu tiến xuống phía nam, về phía đại dương. Hiện nay, đất nước Trung Quốc kéo dài từ Afghanistan đến tận Bắc Triều Tiên.
Kết hợp khả năng với mục tiêu
Lý do khiến nhiều nhà quan sát Trung Quốc hoài nghi về việc Trung Quốc có ý định trở thành siêu cường - đế chế toàn cầu thực sự - là khả năng của Trung Quốc không tương xứng với mục tiêu. Trong phần lớn lịch sử của mình, Trung Quốc là cường quốc lục địa. Trung Quốc đã tránh được các cam kết quân sự lớn trên biển (ngoại lệ đáng chú ý là Hạm đội của Trịnh Hòa, thế kỷ XV). Những người hoài nghi cho rằng Trung Quốc mãi mãi sẽ vẫn như thế.
Nói cách khác, Trung Quốc là cường quốc lục địa, tương tự như nước Nga. Do đó, Trung Quốc sẽ vẫn giữ thế thượng phong trên đất liền và khá yếu trên đại dương. Tuy nhiên, khác với Nga, Trung Quốc có bờ biển dài, tiếp giáp với các tuyến hàng hải rất quan trọng. Thương mại trên biển mang lại cho các tỉnh giàu nhất của nước này những món lợi khổng lồ, hơn hẳn các khu vực trong nội địa. Bên cạnh đó, khái niệm cho rằng cường quốc lục địa, như Trung Quốc, không bao giờ có thể xoay trục và trở thành sức mạnh trên biển là vô lý. Nói cho cùng, chính Mỹ đã làm như thế !
Là dân tộc đi khai khẩn đất đai, nước Mỹ cũng bắt đầu như lực lượng hoạt động chủ yếu trên đất liền. Chắc chắn là, Mỹ có hải quân và đường bờ biển dài, tiếp giáp với Đại Tây Dương (và dựa khá nhiều vào vào thương mại toàn cầu để duy trì đất nước về mặt kinh tế). Tuy nhiên, từ thời Chiến tranh giành Độc lập cho đến Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ, Hoa Kỳ tập trung vào việc bành trướng - và kiểm soát - toàn bộ lục địa Bắc Mỹ. Theo định nghĩa, đấy là chính sách lục địa. Chắc chắn là, đất nước đã xoay trục và trở thành lực lượng hải quân nhằm đánh bật Đế quốc Tây Ban Nha, từng kiểm soát trong một thời gian dài Cuba, nằm ở phía nam nước Mỹ.
Ban đầu chỉ là nỗ lực khó tin là hướng quân đội Mỹ khỏi lục địa – lực lượng chỉ tập trung vào việc bảo vệ những người định cư ở biên giới – đã dẫn tới kết quả : Thành lập được lực lượng hải quân hùng mạnh. Hải quân Mỹ đã có thể giúp đỡ cuộc xâm chiếm Cuba (và lật đổ vị trí của đế quốc Tây Ban Nha ở Tây Bán Cầu). Nó còn đưa đến kết quả : Mỹ chiếm được các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Philippines – biến Mỹ thành tay chơi quan trọng trên đấu trường quốc tế kể từ đó.
Nhu cầu là nguồn gốc của đổi mới. Cuối thế kỷ XIX, người Mỹ tin rằng nước này đã chinh phục được lục địa. Không những không giải ngũ lực lượng quân sự nhỏ bé của mình, Washington hướng nó vào những hoạt động trên đại dương và bắt đầu nhìn xa hơn.
Hiện nay Trung Quốc cũng làm hệt như thế. Nếu Bắc Kinh giành được thế thượng phong trong những khu vực lận cận, thì họ sẽ chuyển hướng sang những khu vực nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.
Tham vọng đế quốc của Trung Quốc
Trung Quốc từng là một cường quốc lục địa, nhưng Bắc Kinh đang tăng cường lực hải quân. Tương tự như Mỹ trước đây, việc phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc có nghĩa là họ sẽ hất cẳng đế quốc xa lạ, thù địch (Mỹ) đang giúp cho hòn đảo vốn là mối đe dọa đối với Trung Quốc - từ năm 1949 – khỏi khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong trường hợp này, Đài Loan đối với đế chế Trung Quốc đang bắt đầu nảy nở cũng tương tự như Cuba đối với Mỹ vào năm 1889.
Các nhà quan sát nhanh chóng chỉ ra rằng ngay cả trong giai đoạn đỉnh cao, đế chế Trung Quốc vẫn chỉ là siêu cường khu vực. Sự kiện ít người hiểu là toàn cầu hóa - và quy mô có một không hai của Trung Quốc - đã biến Trung Quốc trở thành tay chơi chủ chốt trong hệ thống quốc tế. Trên thực tế, kể từ khi quan hệ Trung-Xô rạn nứt, trong thập niên 1970, và thái độ thân thiện sau đó giữa Mỹ và Trung Quốc, tiền và kiến thức của Mỹ đã được sử dụng một cách hiệu quả nhằm xây dựng Trung Quốc thành tay chơi lớn như hiện nay nay.
Có thời, quan hệ Trung-Mỹ từng được gọi là "Chimerica". Nhưng, sau cuộc suy thoái năm 2008, dường như hai nhóm này đã ly hôn (hoặc ít nhất là ly thân). Khi những bất hòa xưa cũ bùng lên, nhiều người tự an ủi bằng quan niệm cho rằng Trung Quốc không bao giờ có thể trở thành lực lượng đe dọa đối với nước Mỹ.
Đúng là Trung Quốc phải quan tâm tới một số vấn đề to lớn : Tai họa về nhân khẩu học, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thất bại của chính phủ quá tập quyền. Tuy nhiên, trừ tai họa về nhân khẩu học, Trung Quốc đã trải qua các chu kỳ tăng trưởng kinh tế và bất ổn chính trị trong một thời gian dài.
Bằng cách nào đó, Trung Quốc đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Trung Quốc quay lại vũ đài thế giới không chỉ như một siêu cường, mà như một siêu cường vĩ đại nhất sẽ làm cho ngay cả những người Mỹ thờ ơ nhất nhận thức được bản chất và mức độ của mối đe dọa này.
Thật không may là, tương tự như đế quốc Tây Ban Nha vào năm 1898, Mỹ đang bỏ qua những mối đe dọa đáng kể đối với chính mình.
Hướng tới thế kỷ Trung Hoa ?
Rõ ràng là : Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là thành phần quan trọng của nền kinh tế thế giới, và Mỹ phải thường xuyên hiện diện ở đây. Suốt hàng chục năm qua, Trung Quốc đã cho thấy ý định phá hoại lợi ích của Mỹ, trong khi làm cho mình mạnh lên. Chỉ cần thế cũng đủ để gia tăng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và khuyến khích các nước khác trong khu vực chống lại Trung Quốc rồi.
Chúng ta tiếp tục tự nhủ rằng đe dọa quân sự của Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành hiện thực mà một số người (như tôi) lo sợ. Tuy nhiên, đe dọa của Trung Quốc đang gia tăng. Người phương Tây nói rằng chúng ta đưa năng lực sản xuất công nghiệp của mình cho Bắc Kinh vì phương Tây sẽ dẫn đầu làn sóng kinh tế "tri thức" tiếp theo. Nhưng Trung Quốc không chỉ tiếp thu công nghiệp của chúng ta (chúng ta sẵn sàng trao cho họ để đổi lấy những món nữ trang rẻ tiền), mà Trung Quốc còn (trong thập kỷ vừa qua) bắt đầu xoay trục nhằm giành thế thượng phong cả trong lĩnh vực tri thức – họ đang làm như thế.
Bạn bè của tôi ở Wall Street khẳng định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ nổ tung. Có thể lắm. Chúng ta vẫn đang chờ đợi sự kiện này. Ngay cả nếu kinh tế Trung Quốc thực sự nổ tung, đe dọa vẫn không giảm. Chỉ có đe doạ là thay đổi mà thôi. Xét cho cùng, nước Trung Quốc bất ổn, phân tán, bị chủ nghĩa dân tộc xé ra thành từng mảnh, thậm chí còn nguy hiểm hơn là đất nước giả-cộng-sản, nhưng thống nhất.
Lần đầu tiên trong suốt hàng chục năm qua, Mỹ đang cạnh tranh với một đối thủ, mà trong nhiều khía cạnh, Mỹ đang lẽo đẽo theo sau. Trước hết, các nhà lãnh đạo Mỹ phải thừa nhận mối đe dọa này. Sau đó, Mỹ phải vận động để làm những điều mà Tây Ban Nha không làm được với nước Mỹ trong giai đoạn đang ngóc đầu dậy : Thách thức nó ngay từ đầu nhằm loại bỏ bất kỳ mối đe dọa thực sự nào.
Thời gian không ủng hộ chúng ta.
Brandon J. Weichert
Nguyên tác : China's Marathon to Take Over America, americanthinker, 09/08/2018
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn : VNTB, 14/08/2018
Brandon J. Weichert là nhà phân tích địa chính trị, quản lý trang The Weichert Report : World News Done Right và là một cộng tác viên của American Spectator. Ông cũng là biên tập viên ở American Greatness. Bài viết của ông về an ninh quốc gia và Quốc hội đã được đăng trên các trang mạng như Real Clear Politics, Space News, và HotAir.com. Brandon từng là nhân viên của Quốc hội Mỹ, ông có bằng M.A. về quản lý và an ninh quốc gia và hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về quan hệ quốc tế.