Khi ngã bệnh là cơ thể gửi tới cho chúng ta các triệu chứng để báo cho não bộ biết rằng đang gặp rắc rối. Ví dụ, cơn sốt cho chúng tôi biết rằng cơ thể của chúng ta đang làm việc cật lực nhằm chống lại vụ nhiễm trùng nào đó. Trong khi nó có thể làm chúng ta khó chịu, nhưng chúng ta biết rằng cơn sốt không phải là vấn đề, mà chỉ là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn sắp xuất hiện.
Giảm nghèo thôi vẫn chưa đủ - Ảnh minh họa
Muốn sống khỏe mạnh, trước hết chúng ta phải khám để tìm nguyên nhân gây sốt. Chắc chắn là, chúng ta có thể cố gắng làm giảm cơn sốt bằng cách uống vài viên aspirin, nhưng đây là giảm sốt có điều kiện và chỉ hiệu quả khi thuốc còn tác dụng. Nếu không tìm ra nguyên nhân và xử lý thì khi hết thuốc triệu chứng sẽ quay trở lại ngay lập tức.
Sử dụng thuật ngữ y tế, công nhận rằng triệu chứng chỉ là hậu quả của vấn đề lớn hơn chứ không phải là bệnh dường như là điều hiển nhiên, ai cũng biết. Nhưng nhiều người không biết cách chuyển nguyên tắc này sang những lĩnh vực khác của đời sống. Ví dụ, xử lý những biểu hiện nghèo đói quan sát được là vòng luẩn quẩn. Đói nghèo, không có nước uống sạch, nhà ở chật chội, tất cả là những biểu hiện của đói nghèo, nhưng đấy không phải là nguyên nhân.
Cho nên, dù nhiều hội từ thiện và tổ chức có ý định tốt đẹp đến mức nào, nhưng nếu họ chỉ tập trung xử lý những biểu hiện của đói nghèo và hoàn toàn phớt lờ nguyên nhân gốc rễ thì đấy chính là cách làm cho chu kỳ này trở thành vĩnh viễn..
Mọi người biết câu : “Cho người ta con cá là cho người ta thức ăn trong một ngày. Dạy người ta câu cá là cho người ta thức ăn suốt đời”. Nhưng, rất ít người trong chúng ta thực sự sử dụng câu châm ngôn đầy trí tuệ này.
Vần đề với TOMS
Có lần, mùa hè, tôi nhận thấy tất cả các bạn trong trường đại học của tôi đều đi giày nhãn hiệu TOMS.
Chỉ vài phút là tôi đã google được tất cả những thứ mình cần biết. Trên giấy tờ, TOMS dường như đang cách mạng hoá việc tiếp cận với công tác từ thiện, đấy là lợi dụng động cơ của người tiêu dùng. Người tiêu dùng trong các nước phát triển thích tham gia vào sự nghiệp lớn, đặc biệt là khi hầu như họ không phải làm gì. Và TOMS đã lợi dụng được tâm lý đó cho công việc của mình.
TOMS hứa rằng bạn mua một đôi giày thì một đôi khác sẽ được gửi đến các nước đang phát triển và cho một đứa trẻ có nhu cầu. Và đối với sinh viên trường tôi, những người đang khao khát sự nghiệp để đam mê thì đây là một cơ hội bằng vàng.
Nhưng TOMS không chỉ nổi tiếng trong giới sinh viên. Người tiêu dùng giàu lòng nhân ái kéo nhau đi mua những đôi giày này. Và họ không chỉ mua một đôi. TOMS đã tìm ra những màu sắc và mẫu mã mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Hóa ra là, người tiêu dùng Mỹ thích cảm giác như thể chính họ đang tham gia giúp xóa đói giảm nghèo. Và trước khi bạn biết chuyện này, TOMS đã được coi là ngọn hải đăng của chủ nghĩa tư bản có ý thức.
Chỉ có một vấn đề : những thứ trao vào tay người dân không thể khắc phục được nạn nghèo đói. Cho người ta đôi giày cũng chẳng khác gì cho người ta con cá, nó không thể làm thay đổi được cuộc sống của họ. Trước sau gì người ta cũng ăn hết con cá hoặc giày rách và cần phải có đôi giày mới. Và tạo ra sự phụ thuộc vào những khoản quyên góp là, trên thực tế, bạn đang giúp biến vấn đề mà bạn đang tìm cách giải quyết trở thành vĩnh viễn không giải quyết được.
Không tự túc thì không khu vực đang phát triển nào có thể hy vọng phá vỡ được chu kỳ nghèo đói. Và, khi một làng hoàn toàn có khả năng sản xuất giày nhưng lại dựa vào những đôi giày Mỹ miễn phí, thì nó sẽ củng cố khái niệm cho rằng những nước này “cần” các nước thế giới thứ nhất tham gia và cung cấp cho họ những nhu cầu cơ bản. Đây không phải là thông điệp đặc biệt gì.
Và, trong khi biết rằng mình đã giúp đứa trẻ có một đôi giày miễn phí có thể làm chúng ta cảm thấy thoải mái, nhưng tự thân hành động này không giúp bất cứ người nào thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Nó chỉ giúp xử lý biểu hiện của đói nghèo mà không lưu ý tới nguyên nhân.
Làm gì ?
Vậy, có thể làm gì để giúp đỡ những ngôi làng nghèo đói ở Châu Phi ? Khuyến khích thương mại và tạo ra việc làm. Ví dụ, Senegal là một trong những nơi khó khởi nghiệp nhất thế giới. Đây là lý do vì sao đất nước này được xếp thứ 124 trên Xếp hạng Tự do Kinh tế của Viện Fraser. Trong khi đó, Mỹ là đất nước vô cùng tự do khi so sánh với các nước khác lại đứng thứ 11 nước tự do nhất trong số 159 quốc gia được đưa vào bảng xếp hạng, đẩy Senegal về phía dưới cùng của danh sách.
Vấn đề lớn nhất ở Senegal là có quá nhiều quy định. Vì rất khó bước vào thương trường với tư cách doanh nhân, đất nước này có quá ít doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp, thì không có việc làm. Không có việc làm, thì không có thu nhập. Không có thu nhập, thì nghèo đói. Nhưng đấy không phải là số phận. Trên thực tế, mặc dù tất cả các rào cản pháp lý cản trở, một người phụ nữ không cần ai giúp đỡ đang chỉ cho Senegal rằng các doanh nhân là những người rất cần cho quá trình tạo ra thịnh vượng kinh tế.
Magatte Wade sinh ở Meckhe, Senegal, và lúc còn bé đã choáng váng khi lần đầu tiên du lịch ra nước ngoài. Quá bất ngờ trước sự thịnh vượng kinh tế ở nước ngoài, Wade muốn biết tại sao những nền kinh tế này lại khác biệt đến mức như thế so với kinh tế ở Meckhe. Chẳng bao lâu sau cô đã hiểu rằng tạo ra việc làm có vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thịnh vượng của quốc gia. Quyết tâm mang công việc về làng quê của mình, Wade đã phải len lỏi qua hàng núi thủ tục rườm ra của chính phủ thì mới khởi động và điều hành doanh nghiệp ngay trên đất nước mình.
Wade bắt đầu xây dựng doanh nghiệp Skin Is Skin, loại hình chăm sóc da cao cấp có trụ sở ở Austin, bang Texas, nhưng được sản xuất ở Meckhe, Senegal. Và trong khi loại hình chăm sóc da dường như không mang tính cách mạng, nhưng cuộc sống của những nhân viên mà nhờ Wade đã có thay đổi, Skin Is Skin là khác biệt giữa nghèo đói và thịnh vượng.
Ibrahima N’Dour là giám đốc sản xuất của công ty Skin Is Skin. Trước khi làm việc với Wade, N’Dour sống trong ngôi nhà chỉ có một phòng ngủ nhỏ với vợ và năm người con. Ban đêm, ba người chen chúc nhau trên một cái giường, trong khi những người khác phải ngủ trên nền nhà. Bây giờ, ông sống trong một ngôi nhà xinh đẹp, mỗi người con đều có giường nằm và phòng chơi. Tất cả những chuyện này đều không thể xảy ra nếu ông không làm cho công ty Skin Is Skin.
Adji Maria là nhân viên khác của Wade, trước khi tìm được Skin Is Skin, cô chưa từng làm việc ở bất cứ đâu. Vì kinh tế của Meckhe hoàn toàn dựa vào nông nghiệp và đánh cá, trước đây là việc của đàn ông, nhiều phụ nữ được coi là người làm việc nhà, như nấu ăn và chăm sóc gia đình. Nhưng nhờ công việc của mình, Maria đã có những kỹ năng tạo điều kiện cho cô cung cấp cho cha mẹ và gia đình mình một cách chu đáo mà trước đây chưa bao giờ cô có thể nghĩ tới. Và Maria không phải là người duy nhất. Các nhân viên khác trong bộ phim tài liệu mới của FEE về Skin Is Skin đều có khuôn mặt rạng ngời khi họ nói về những cơ hội mà Wade đã mang đến cho làng quê của mình. Mame Yakhara, một nhân viên khác, nói về cảm xúc mà Wade đã mang lại cho cô :
Nếu không có Magatte, tôi sẽ chỉ loanh quanh trong xó nhà, như trước đây, tôi sẽ nấu ăn, chăm sóc nhà của, trong khi đợi chồng ... chúng tôi chưa từng thấy người nào làm những việc mà Magatte đã làm, tới và mở doanh nghiệp ở một nơi như thế này, tạo việc làm cho những người như chúng tôi, những người ngồi không, chẳng có việc gì để làm. Để đưa chúng tôi ra khỏi nhà và tạo việc làm cho chúng tôi ... chúng tôi không có nhiều cơ hội như thế này.
Một nhân viên khác, Mame Mareme Cisse nhận xét : “Công việc này đã làm thay đổi nhiều sự kiện trong cuộc đời tôi. Bây giờ tôi có thể có mọi thứ mình cần mà không phải hỏi xin bất cứ ai”. Magatte Wade không chỉ đưa việc làm đến với làng này, bà còn trao quyền cho những người phụ nữ địa phương theo cách mà trước đây họ chưa từng biết.
Nhưng công ty Wade không chỉ tạo ra những công việc trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm chăm sóc da mà thôi. Mỗi sản phẩm do công Skin Is Skin bán đều nằm trong một cái túi bằng da, khâu bằng tay, do công ty CAWAAN ở Senegal sản xuất. Gia đình quản lý công ty này đã sản xuất hàng da thủ công suốt 5 thế hệ. Mấy năm qua, khi thuế nhập khẩu nguyên vật liệu tăng lên tới 45%, CAWAAN cũng phải đấu tranh để có được những món hàng họ cần nhằm đưa ra thị trường hàng hóa tiêu dùng có chất lượng. Hiểu rõ những khó khăn này, Wade đã tiếp tục sử dụng phụ kiện của CAWAAN. Trên thực tế, công ty này nói rằng cam kết của Wade với doanh nghiệp của họ đã “khuyến khích chúng tôi làm việc tích cực và tối ưu hóa mọi thứ”.
Wade hiểu rằng muốn phá vỡ chu kỳ nghèo đói thì phải tấn công vào gốc rễ của vấn đề : thất nghiệp. Và, vì làng của bà, cũng như những làng khác, ở Châu Phi không có việc làm, Wade đã dùng hết sức mình để tạo ra công ăn việc làm bằng việc làm của mình, rõ ràng là nó sẽ tìm được đồng vọng trong lòng những người khác. Trên thực tế, Wade đang làm việc với thị trưởng Meckhe nhằm cung cấp nhiều cơ hội hơn cho giáo dục và đào tạo nghề.
Những quy định của chính phủ hoặc những món quà tưởng như từ thiện, ví dụ, của công ty TOMS không thể dẫn tới thịnh vượng về kinh tế. Những người muốn tự thoát khỏi đói nghèo, phải được quyền tự do làm việc để nuôi sống mình bằng nỗ lực kinh doanh riêng của họ. Và, Magatte Wade là tấm gương sống động mà tinh thần kinh doanh và tạo việc làm là biện pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất.
Brittany Hunter
Nguyên tác : The Solution to Poverty Is Opportunity, Not Charity, Fee, 19/07/2018
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn : VNTB, 29/07/2018
Brittany Hunter là cây bút và biên tập viên cho Quỹ Giáo dục Kinh tế. Brittany Hunter tin rằng kể những câu chuyện làm nổi bật những nguyên tắc vĩnh cửu là biện pháp thúc đẩy kinh tế thị trường tự do và tự do cá nhân hiệu quả nhất.