Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2019, một số người làm việc trong ngành y tế Việt Nam lên tiếng kêu gọi đừng vinh danh họ mà hãy nghĩ đến thực trạng ngành y và bản án 42 tháng tù của Bác sĩ Hoàng Công Lương vì bất kể một nhân viên y tế nào ở Việt Nam cũng có thể rơi vào trường hợp tương tự vị bác sĩ này.
Công luận kêu gọi tòa án Hòa Bình mở lại phiên tòa xét xử công tâm đối với Bác sĩ Hoàng Công Lương. Courtesy : Facebook
Đài RFA ghi nhận trong phần sau.
Lọt thỏm trong hàng loạt bản tin liên quan Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, một sự kiện lịch sử của thế giới bắt đầu diễn ra vào ngày 27 tháng 2 năm 2019, trùng với ngày Thầy thuốc Việt Nam, một bức tâm thư của Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh viết cho Bác sĩ Hoàng Công Lương được báo mạng Dân Trí đăng tải và Đài RFA xin được trích dẫn vài dòng sau đây :
"‘Nét đẹp Hoàng Công Lương’, đúng với tên gọi của Em. Y đức không phải bằng lời nói mà phải bằng hành động như hành động của Em".
Trước nỗi day dứt với mức án 42 tháng tù giam đối với Bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân tử vong hồi ngày 29/05/2017, Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng viết trong bức tâm thư gửi đến người đồng nghiệp trẻ tuổi rằng :
"Ước mơ trở thành bác sĩ là ước mơ tuyệt đẹp, dấn thân cứu người. Xã hội cần những người ước mơ như Em ; nhiều người có con em cũng muốn con em mình ước mơ như Em. Anh chia sẻ với Em nỗi sợ không được tiếp tục hành nghề".
Vụ án xét xử 7 bị cáo liên quan đến vụ chạy thận ở Hòa Bình khiến 9 người tử vong kéo dài trong năm 2018 đến cuối tháng 1 năm 2019 đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận tại Việt Nam. Ngay sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình tuyên bản án 42 tháng tù giam đối với Bác sĩ Hoàng Công Lương, một số người làm việc trong lĩnh vực y khoa, các đại biểu quốc hội cũng như công luận lên tiếng phản đối, đồng thời kêu gọi tòa án cần phải xét xử lại một cách công tâm đối với Bác sĩ Lương, được cho là một bác sĩ có tâm huyết với nghề và tận tình chăm sóc bệnh nhân.
Trong quá trình xét xử diễn ra, truyền thông trong nước cho biết gia đình của 8 nạn nhân bị tử vong đề nghị tòa tuyên Bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội.
Sau khi bản án 42 tháng tù giam được tuyên cho Bác sĩ Hoàng Công Lương, trên mạng xã hội xuất hiện một đơn xin nghỉ việc của Bác sĩ Hà Tấn Ngọc, làm việc tại Khoa sản Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi với lý do khẳng định là Bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội. Đài RFA liên lạc với Bác sĩ Hà Tấn Ngọc vào tối ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2019 để được nghe thêm chia sẻ của ông đối với đồng nghiệp Bác sĩ Hoàng Công Lương. Tuy nhiên, Bác sĩ Hà Tấn Ngọc cho biết ông đang làm việc trong bệnh viện và không thể trò chuyện với chúng tôi :
"Xin lỗi. Bây giờ tôi bận cho ca mổ của bệnh nhân".
Một vài bác sĩ mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc được chia sẻ rằng ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/02 hàng năm, ngày họ được vinh danh thì họ vẫn miệt mài với công việc mỗi ngày là cứu chữa bệnh cho bệnh nhân, nhưng riêng ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, họ bị nỗi ám ảnh vô hình là không biết khi nào họ trở thành nạn nhân giống như Bác sĩ Hoàng Công Lương với những bản án tù treo lơ lửng trên đầu ?
Một bác sĩ không muốn nêu tên bộc bạch với RFA :
"Bác sĩ Lương bây giờ bị tuyên 42 tháng tù thì không thể thoát được rồi. Và sau 42 tháng tù ra thì liệu có còn là bác sĩ hay không, hay trở thành một người tâm thần ? Tôi nghĩ không thể thành một người bình thường được. Bởi vì những người trí thức có học thường thì người ta suy nghĩ rất nặng nề. Chỉ có một thời gian điều tra mà đã bị trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… Như thế là giết hại, giết chết một con người".
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại Phòng khám Quốc tế EXSON, ở Sài Gòn, nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2019 tuyên bố trên trang Facebook cá nhân rằng "Không chấp nhận ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/ 2 vì đó là sự vinh danh giả dối". Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết ông tuyên bố như vậy để phản đối bản án mà tòa Hòa Bình tuyên, buộc tội Bác sĩ Hoàng Công Lương. Trong ngày 27/02/2019, Bác sĩ Võ Xuân Sơn kêu gọi phải trả tự do, danh dự, việc làm cho Bác sĩ Lương qua một bài viết đưa ra 6 nguyên nhân chứng minh Bác sĩ Lương là một nạn nhân, trong đó có nguyên nhân Bác sĩ Lương là nạn nhân của các nhóm lợi ích trong y tế và là nạn nhân của một nền tư pháp vô cảm, vô nhân tính.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng lên tiếng với RFA rằng tòa án thành phố Hòa Bình cần lắng nghe tiếng nói của công luận và cần phải mở lại phiên tòa xét xử đối với Bác sĩ Hoàng Công Lương :
"Riêng về phương diện pháp lý mà muốn xử Bác sĩ Lương, có nghĩa là Bác sĩ Lương phải có tội thì mới xử Bác sĩ Lương có tội được. Nhưng ở đây, công việc của Bác sĩ Lương là những việc của một bác sĩ làm thông thường hàng ngày và những công việc này không đòi hỏi Bác sĩ Lương phải biết những trường hợp gây ra sự thiệt mạng cho bệnh nhân. Bác sĩ Lương không có khả năng để biết những chuyện đó, mà cũng không có trách nhiệm để bảo đảm những chuyện đó. Vì vậy, những việc đó nằm ngoài quyền hạn và trách nhiệm của Bác sĩ Lương. Do vậy, Bác sĩ Lương không có lỗi mà không có lỗi thì không có tội. Nôm na về pháp lý chỉ đơn giản như vậy thôi.
Và yêu cầu xét xử lại vụ của Bác sĩ Lương thật ra một phần là công luận muốn có sự công bằng và điều thứ hai là xã muốn muốn có trở lại niềm tin đối với pháp luật, tức là pháp luật phải dựa trên cở sở có tình, có lý, có công bằng. Vì bản án của Bác sĩ Lương không đạt các tiêu chuẩn như vậy nên dân chúng muốn xét xử lại để bảo đảm các yếu tố đó".
Vị bác sĩ không muốn nêu tên khẳng định các bác sĩ làm việc trong hệ thống bệnh viện nhà nước chịu một sức ép áp lực ghê gớm của cơ chế ngành y. Vị bác sĩ này nói :
"Nói về trường hợp Bác sĩ Hoàng Công Lương, mọi người dù biết nhưng không thay đổi được hòan cảnh của Bác sĩ Lương. Bởi vì án tù đã có sẵn rồi. Công bằng mà nói, người ta không làm về pháp luật và nhìn nhận vấn đề còn biết rằng Bác sĩ Lương chỉ là một mắc xích nhỏ bé trong vụ việc gây chết 9 người chạy thận ở Bệnh viện Hòa Bình. Thuốc men làm sao bác sĩ biết được mà kiểm chứng ? Bây giờ các bệnh viện bỏ thầu giá thấp rồi đưa thuốc chất lượng kém vào. Đến lúc tiêm cho bệnh nhân thì làm sao mà biết được ? Mà người ra chỉ định lại là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Còn những kẻ tham nhũng ăn tiền thì lại ngồi ngoài hưởng lợi và cười thôi".
Trong bức tâm thư gửi đến Bác sĩ Hoàng Công Lương, Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh yếu tố các luật sư đề cập đến hợp đồng, tiền bạc tham ô trong vụ án gây nên cái chết của 9 mạng người ở Bệnh viện Hòa Bình đã gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành y tế của Việt Nam.
Những bác sĩ mà Đài RFA trao đổi đều cùng nói rằng không thể quy tội cho một bác sĩ chỉ biết cứu người, làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình và những công việc mà họ không được giao, những kỷ năng mà họ không được đào tạo. Các bác sĩ này bày tỏ, họ mong muốn Chính phủ và Bộ Y tế cần nhìn nhận rõ thực trạng của ngành y cũng như cấp bách thay đổi những cơ chế hiện hành thì các nhân viên y tế mới có thể an tâm làm việc và cống hiến. Vị bác sĩ không muốn nêu tên trình bày nguyện vọng :
"Theo quan điểm của tôi, muốn tôn vinh người ta thì phải trả lương cho người ta xứng đáng với công sức và sức lao động của người ta bỏ ra chứ không sáo rỗng, hình thức. Có hai nghề chịu thiệt thòi ở Việt Nam là nghề y và giáo viên, lúc nào cũng tôn vinh nhưng thực ra trả cho người ta đồng lương không bằng công nhân bây giờ. Ví dụ trong Luật Lao động quy định một giờ làm ngoài giờ bằng hai giờ làm hành chính. Một bác sĩ trực cả một đêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng giao ca, tính được có 100 nghìn đồng. Chỗ lương cao thì cũng được 200 nghìn đồng. Lương thấp thì gây ra tiêu cực thôi".
Còn Bác sĩ Võ Xuân Sơn, trong bài viết của ông liên quan trường hợp Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bỏ tù đăng tải trên tài khoản Facebook của mình, cho rằng cuộc đấu tranh giành lại công lý cho Bác sĩ Lương và cho ngành y sẽ còn kéo dài và nếu muốn ngành y ở Việt Nam được nhân bản hơn thì cần phải nhìn thẳng vào các vấn đề tồn tại ; vì theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn nếu như cuộc đấu tranh này thất bại thì "người lãnh chịu thiệt hại sẽ là bệnh nhân, hay nói đúng hơn là cả xã hội này".
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 27/02/2019