Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 21 juin 2018 15:18

Báo chí giải pháp ?

Báo chí giải pháp : liệu có đối mặt với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ" ?

Liệu các giải pháp được tác giả bài báo ghi nhận một cách trung thực, không qua lăng kính tuyên giáo, có đối mặt với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ" ?

baochi1

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh : SGGP

"Thay báo chí phê phán bằng báo chí giải pháp". Đó là ý kiến của nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo tại buổi tọa đàm "Báo chí xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng Thành phố, vì cả nước", tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/6.

Tại tọa đàm này còn có sự hiện diện của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Trình bày tại tọa đàm, thì trong số các thể loại báo chí, thể loại "sang trọng và trí tuệ nhất" vẫn là bình luận, phân tích và gợi mở giải pháp. Theo đó, thấy cái xấu rồi phê phán bao giờ cũng dễ hơn đưa ra các giải pháp làm sao để ngăn ngừa cái xấu, không cho nó phát sinh, tái diễn và lộng hành.

Điều tra cũng quan trọng, nhưng nó chỉ được ví như "súng trường, lựu đạn". Bình luận, phân tích với những lý lẽ sâu sắc, gợi mở các giải pháp, đề xuất sáng tạo mới là "đại bác", mới có sức "công phá" vào thế sự, nhân tâm để góp phần lay động, cảm hóa lòng người, làm chuyển động tình hình theo hướng tiến bộ hơn. Phanh phui cũng cần thiết. Nhưng báo chí giải pháp mới là "đàn anh" của báo chí phanh phui.

Các nội dung trên cũng là quan điểm của cựu chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Phạm Phương Thảo. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với bà Thảo và nhận xét rằng lâu nay báo chí cũng có giải pháp nhưng chưa nhiều, nay cần phát huy nhiều hơn nữa. Để đi đến báo chí giải pháp, phóng viên phải tìm được các nhà khoa học, người dân để trao đổi, như vậy mới đi từ quan sát, phân tích đến khuyến khích thực hiện giải pháp.

Vấn đề đặt ra là nếu báo chí tăng số lượng bài vở theo hướng ‘báo chí giải pháp’, và các ý kiến ghi nhận đó từ các nhà khoa học, từ người dân như gợi ý của ông Nguyễn Thiện Nhân, trong trường hợp các giải pháp đi ngược lại định hướng tuyên truyền mà Ban Tuyên giáo Trung ương đã đặt ra trong các giao ban tuần, giao ban tháng, thì phóng viên cùng ban biên tập tờ báo ấy có phải đối mặt với tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ ?

"Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" thuộc Điều 258 Luật Hình sự cũ nay là Điều 331 Luật Hình sự tu chính, thay đổi quy định tại Khoản 2 từ "Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm", thành "Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm".



Chính cụm từ "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" là sợi dây thòng lọng vô hình sẳn sàng chít cổ bất kỳ tác giả bài báo nào ‘dám’ đưa ra các giải pháp trái ý Đảng. Dự Luật Đặc khu có thể là một ví dụ. Luật An ninh mạng đã thông qua nhưng chưa hiệu lực, là một ví dụ khác cho chuyện "báo chí giải pháp".

Để được ngồi vào ghế tổng biên tập, yêu cầu trước tiên là người đó phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó cho thấy về nguyên tắc, dù là ‘báo chí giải pháp’ đến mức độ nào đi nữa, thì ‘giải pháp’ ấy bắt buộc phải mang tính Đảng.

Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), trong phần nhiệm vụ và giải pháp tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, đã nhấn mạnh : "Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Xem ra để đội ngũ phóng viên, các tòa soạn báo mạnh dạn thực hiện việc ghi nhận những giải pháp đề xuất cho quản trị quốc gia, cho các chính sách, thể chế chính trị, thì điều kiện tiên quyết là pháp luật cần được tôn trọng. Luật Hiến pháp phải được trả về đúng vị trí là ngành luật chủ đạo, cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật của một quốc gia ; nó điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng nhất, cơ bản nhất và tất cả những ngành luật khác đều hình thành trên những nguyên tắc của hiến pháp.

Nói một cách dễ hiểu, nếu tôn trọng Luật Hiến pháp, thì bà chủ tịch Quốc hội sẽ không thể công khai rằng, "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật". (Trích phát biểu nhấn mạnh của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 16/4/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 21/06/2018

Published in Diễn đàn