Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ý kiến cử tri trên báo nhà nước liệu có phản ảnh thực tế tâm tư dân chúng ?

RFA, 03/03/2021

Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 3/3 đồng loạt đăng tải các bài viết với nội dung cử tri dành tình cảm cho ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

chua1

Người dân đọc báo tại một sạp áo ở Hà Nội AFP

Cụ thể, báo Thanh Niên có bài ‘Nhân dân vỡ òa cảm xúc khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước tái đắc cử’. Trong khi đó, bài viết với nội dung tương tự có tên ‘Cử tri vỡ òa cảm xúc khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử’ được đăng tải trên báo Dân Trí và nhiều báo mạng khác.

Tựa bài viết được dẫn từ phát biểu của cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trong buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Truyền thông nhà nước dẫn lời cử tri Nguyễn Văn Điệp ở phường Phan Chu Trinh cho biết ông "và nhân dân đã vỡ òa cảm xúc khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước tái đắc cử Tổng bí thư. Điều đó thể hiện sự tha thiết nguyện vọng của nhân dân và cán bộ đảng viên hiện nay, củng cố lòng tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng".

Ngoài ra, một cử tri khác là Nguyễn Quyết Thắng, ở phường Hàng Mã cũng gửi lời chúc mừng ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhiều sức khỏe để cống hiến, đóng góp công sức, trí tuệ phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng nhiều hơn nữa, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên...

Trao đổi với RFA tối cùng ngày, nhà hoạt động dân chủ Đàm Ngọc Tuyên cho rằng :

"Người ta thể hiện đó là sự dân chủ, trong trường hợp đó là vấn đề tín nhiệm cử tri về mặt đảng, nhân dân và cả cử tri những nơi đó nhất trí đồng lòng tín nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử lần thứ ba".

Tuy nhiên, theo ông Đàm Ngọc Tuyên, ý kiến được báo chí trích lời một vài cử tri như vừa nêu không hoàn toàn đại diện cho tất cả cử tri hay toàn thể nhân dân.

Từng công tác cho Tạp chí Cộng sản trong nhiều năm, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình nhận định :

"Đây là điều bình thường của nhà nước cộng sản Việt Nam. Một số cử tri họ đã lựa chọn ra, định hướng việc phát biểu của cử tri sau đó họ đăng lên. Đây là việc từ trước đến nay người ta đều làm như vậy sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, sau mỗi kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các vấn đề chính trị của đất nước".

Đồng quan điểm vừa nêu, nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên cho rằng trong những thập kỷ qua, hầu như tất cả những chuyện hệ trọng của quốc gia, mang tính buộc phải trưng cầu ý kiến người dân khắp nước thì chính quyền luôn gắn đuôi nhân dân vào để hợp thức hóa vấn đề.

"Lẽ ra người ta phải làm bằng những cuộc trưng cầu dân ý thực tế, đằng này người ta không làm vậy mà chỉ làm hình thức như vậy".

Vẫn theo Nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên, những công tác tuyên truyền mang tính hình thức, được dàn dựng như vừa nêu hiện không còn tác dụng đối với xã hội hiện nay. Ông lý giải :

"Khi thời đại thông tin bùng nổ thì người ta chứng minh rất nhiều lần kể cả hình ảnh, tên tuổi của những người đó thì xoay qua xoay lại chỉ có bấy nhiêu cử tri đó được hỏi, phỏng vấn đề trả lời thôi".

Nhận xét về tình hình thực tế, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng người dân hiện chỉ lo làm ăn, không quan tâm lắm về vấn đề chính trị nhiều nên những thông tin từ bộ phận tuyên huấn, tuyên giáo, báo chí cũng chẳng ảnh hưởng gì. Ông nói tiếp :

"Còn người dân lấy thông tin từ thực tế cuộc sống, cộng đồng mạng, thông tin xác thực, còn những cái được tuyên truyền không ảnh hưởng gì nhiều đến người dân. Tất nhiên một số đối với hệ thống báo chí, hệ thống tuyên truyền vẫn nói nhưng người dân không quan tâm, mặc kệ".

Với kinh nghiệm cầm bút lâu năm, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng đối với nền báo chí của nhà nước cộng sản thì không bao giờ có tự do báo chí nên nó chỉ là phương tiện tuyên truyền của chế độ, của Đảng cũng như của nhà nước cộng sản.

"Những việc đó vẫn diễn ra thường xuyên vì bản thân bản chất gốc rễ là không có tự do nên những việc này chẳng ảnh hưởng nhiều vì có tự do đâu mà ảnh hưởng. Nếu nó có tự do thì khi anh làm những việc dối trá, những việc dàn dựng sẽ bị ảnh hưởng, không có tự do thì chẳng có vấn đề gì".

Trong khi đó, nhà hoạt động Phạm Ngọc Tuyên lại cho rằng nếu truyền thông Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đưa thông tin tuyên truyền như cách thức hiện nay sẽ tạo ra lỗ hổng rất lớn.

Theo ông Tuyên, người dân hoàn toàn không đồng ý với việc kiểm soát của đảng phái đang cai trị ở Việt Nam. Ông đưa ra dẫn chứng :

"Điều đó qua thực tế rất rõ như khi tiến hành thông qua Luật đặc khu chẳng hạn. Sau đó người dân khắp nước phản đối bằng hình thức biểu tình ôn hòa, lúc đó buộc chính quyền phải dừng lại. Người ta nói là từ từ xem lại và trưng cầu dân ý có nên tiến hành hay không nhưng người ta không hề làm.

Rõ ràng trừ Bắc Vân Phong, còn lại Vân Đồn và Phú Quốc đã hình thành một đặc khu mà không cần phải thông qua luật và cũng chẳng cần trưng cầu dân ý".

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Dự luật đặc khu được chính phủ Hà Nội soạn thảo vào năm 2018 đã gặp phải nhiều phản đối của người dân cả nước vào tháng 6 cùng năm.

Trong đó, ba địa phương trong danh sách là Vân Đồn ở Quảng Ninh, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, và Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa.

Hàng chục người dân tham gia vào cuộc biểu tình ôn hòa đã bị bắt giữ và tuyên án nặng nề sau đó.

Dưới sức ép từ phía dư luận, cuối năm đó, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này, tới nay vẫn chưa thông qua.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Chính phủ Hà Nội đã cho Phú Quốc và Vân Đồn thành ‘khu kinh tế’ với mô hình ‘Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt’.

Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là cách thức mà lãnh đạo Việt Nam áp dụng để dự luật đặc khu được ‘lách’ thành công.

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người dân từ trước đến giờ chấp nhận sự lãnh đạo nhưng thực ra có rất nhiều cái bất công, cái xấu, cái ác của xã hội mà người ta không làm gì được.

"Người ta biết nhưng thấy rằng khả năng phản kháng của họ không giải quyết được nhiều, đây là người dân nói chung. Có những người đọc nhiều, tỉm hiểu rồi mở mang thì sẽ chuyển bước sang những người phản biện, đấu tranh…".

Dù vậy, thực tế cho thấy, những người có ý kiến phản biện, không đúng với đường lối đảng và nhà nước Việt Nam thường được quy kết là ‘phản động’ và bị xử với những mức án nặng nề.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 3/3, một cử tri phường Vĩnh Phúc tên Đặng Thị Mai Hòa, 61 tuổi, bên cạnh việc bày tỏ niềm tự hào và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng vào sự phát triển của đất nước, còn khẳng định Đại hội đã để lại nhiều dấu ấn và "không thế lực thù địch nào có thể chống phá".

Nguồn : RFA, 03/03/2021

*********************

Cúng dường qua ví điện tử : Chùa trọng tiền hơn đạo ?

Diễm Thi, RFA, 03/03/2021

Đầu năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thử nghiệm cách cúng dường qua ví điện tử, một cách làm quá mới mẻ khiến nhiều người phản ứng. Người ta cho rằng đây là hình thức thương mại hóa chùa chiền, làm mất yếu tố tâm linh trong tôn giáo.

chua2

Một phụ nữ cầu nguyện tại chùa Tây Hồ, Hà Nội vào thời khắc giao thừa, ngày 11 tháng 2 năm 2021AFP

Cúng dường là dâng cúng các phẩm vật thiết yếu cho đức Phật và chư Tăng với lòng chân thành, cung kính. Mục đích cúng dường là để nuôi chư Tăng tu học, xây dựng chùa chiền, thỉnh tượng cúng chùa, đúc chuông, dâng hoa, trầm, hương, đèn, nến …

Cách cúng dường theo truyền thống xưa nay là đồng bào phật tử sẽ đến lễ chùa rồi bỏ tiền vào thùng công đức (thùng phước sương).

Thầy Thích Thiện Phúc, trụ trì Chùa An Cư ở Đà Nẵng nói với RFA :

"Công đức không căn cứ ở phẩm vật mà căn cứ ở sự thành tâm. Để giữ truyền thống tốt đẹp của một Phật tử cúng dường thì họ tự đem tới chùa họ cúng. Không nên cúng qua thẻ, qua tài khoản hay ví điện tử vì nó sẽ làm cho tâm bị chi phối và không còn cái giá trị nguyên bản của sự cúng dường trong nền tảng giáo dục của đạo Phật. Chưa bao giờ thầy thấy như thế cả".

Để hiểu thêm về cách cúng dường online mới mẻ này, RFA liên lạc với Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vào sáng ngày ba tháng Ba thì được thầy cho biết, tất cả ý kiến về việc này Thầy đã phát biểu và post hết lên Facebook mang tên Thầy, cứ lên đó mà lấy. RFA trích đăng một đoạn phát biểu của Thầy :

"Ban thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam áp dụng thử nghiệm trước Tết là sáu chùa. Trước rằm tháng Giêng thêm sáu chùa nữa là 12 chùa. Về phương diện kỹ thuật, bản thân tôi là người đã tới gần 30 quốc gia thuyết giảng cho cộng đồng Việt Nam thì tôi thấy đây là một tiện ích không thể thiếu, và đó là xu thế của toàn cầu.

Vấn đề thứ hai, một số người cho rằng giao dịch qua ví điện tử như vậy là mất yếu tố tâm linh, có thể tạo tiền đề cho thương mại hóa. Họ hiểu quá sai lầm…

Vấn đề thứ ba, tôi nêu cụ thể như Chùa Giác Ngộ của tôi, trên chánh điện chỉ có một thùng phước sương cho diện tích 300 mét vuông. Nhiều chùa diện tích to hơn nhiều mà chỉ có một hoặc hai thùng phước sương. Vào những ngày lễ lớn có hàng ngàn, hàng vạn người có thói quen bỏ tiền công đức vào thùng phước sương sau khi lễ Phật. Như thế sẽ mất bao nhiêu tiếng mới tới phiên mình ?

Nó mất rất nhiều thời gian và nhiều người muốn cúng họ không thể chờ được. Và phương tiện ví điện tử sẽ trở thành mô thức thực hiện giúp cho người muốn cúng dường tiết kiệm được thời gian và có độ chính xác cao".

cung0

Đồng bào Phật tử khấn nguyện tại chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội vào ngày 12 tháng 2 năm 2021, tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. AFP

Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện thử nghiệm cúng dường qua ví điện tử đối với các chùa : Phúc Khánh (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Phật Tích (Bắc Ninh), Đại Tuệ (Nghệ An).

Theo giải thích của Thượng tọa Thích Đức Thiện với truyền thông trong nước, việc cúng dường mà không cần tới chùa nhằm đáp ứng nhu cầu được cúng dường của người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời để các chùa dễ dàng minh bạch số tiền công đức mà chùa nhận qua việc cúng dường của người dân. Đây cũng là thử nghiệm để xác định một hướng mới trong tương lai cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động văn hóa, xã hội và tín ngưỡng.

Trong khi đó, một Phật tử từ Sài Gòn pháp danh Diệu Hạnh lại có quan điểm khác. Cô nói :

"Em sẽ không cúng online vì ai cũng có niềm tin, ai cũng có cái tâm hướng về Phật. Em vô chùa lễ Phật và bỏ tiền cúng vô thùng tam bảo để các thầy làm phụng sự trong chùa.

Em không cúng chùa bằng hình thức online chuyển tiền vào tài khoản cho chùa vì thực sư đó là số tài khoản của thầy trụ trì. Không phải tài khoản của chùa. Em chỉ bỏ vô thùng tam bảo tại chùa mà thôi". 

Điều cô Diệu Hạnh nói nhắc nhớ câu chuyện xảy ra với vị sư trụ trì chùa Nga Hoàng cách đây gần hai năm. Chỉ trong hơn 10 năm trụ trì, Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, đã có khối tài sản lên đến 300 tỷ do chính vị sư này công bố tại cuộc họp vào ngày 5 tháng 10 năm 2019 về việc xin xả giới, hoàn tục sau tai tiếng "gạ tình" phóng viên báo Phụ Nữ.

Việc đồng bào phật tử xưa nay đi chùa rồi cúng dường vào hòm công đức hay thùng phước sương là chuyện bình thường mà không ai phản đối hay phàn nàn. Đến năm 2020, đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều thứ trong xã hội, mà tôn giáo không là ngoại lệ.

Do đại dịch bùng phát, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những văn bản hướng dẫn cho các tăng ni phật tử, cơ sở tự viện lo việc chống dịch nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu tâm linh theo văn hóa truyền thống của người Việt. Giáo hội đã thực hiện qua lễ cầu an và tụng kinh online. Từ đó dẫn tới việc cúng dường online.

Một số người không đồng tình với tính tâm linh ; một số người lo ngại thương mại hóa chùa chiền ; một số người quan ngại về khía cạnh pháp lý.

Luật sư Đặng Đình Mạnh có bài viết trên mạng xã hội liên quan vấn đề này và RFA đã được phép sử dụng một đoạn cho bài viết này :

"Về đạo lý xã hội, bằng việc cúng dường tam bảo, người cúng dường vốn thu hoạch được những lợi ích qua việc được truyền dạy đạo lý tốt đẹp làm người, nên thực hiện nghĩa vụ lương tâm "Uống nước nhớ nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để đền đáp lại.

Với ý nghĩa đó, về pháp lý, việc cúng dường tam bảo là một hành vi ưng thuận kết ước Khế Ước Tặng Cho Tài Sản, là một loại khế ước đơn phương. Vì lẽ, khế ước chỉ phát sinh nghĩa vụ ở một bên mà thôi. Trong đó, bên cho là người cúng dường và bên nhận là đại diện cơ sở tôn giáo. Nghĩa vụ chỉ phát sinh đơn phương ở bên cho (tức bên cúng dường) là phải giao tài sản cho bên còn lại.

Hành vi giao nhận tài sản có thể trực tiếp trao tay, ghi vào sổ công đức hoặc phát hành chứng chỉ, chứng nhận công đức hay đặt tài sản cho vào thùng công đức (tức thùng phước sương). Là một khế ước đơn phương, nên bên nhận tài sản không có bất kỳ nghĩa vụ gì phải thi hành để đối ứng cho đối tác cả".

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc cúng dường qua ví điện tử mới chỉ là thử nghiệm ở 12 ngôi chùa. Đó là con số quá ít ỏi so với con số chùa, chiền… ở Việt Nam hiện nay.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam năm 2020, Việt Nam hiện có hơn 4.600.000 tín đồ Phật giáo. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.500 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 03/03/2021

Published in Diễn đàn

"Nhỏ không học lớn đi làm báo", học vấn thì "ba môn 9 điểm" (ba môn thi đại học cộng lại chỉ 9 điểm, trung bình một môn ba điểm), "đếm tầng",

baochi1

Báo chí Nhà nước - Hình minh họa. AFP

Chỉ trong khoảng ba năm gần đây, làng báo Việt Nam mới bị xã hội gán cho những cái tên như vậy. Của đáng tội, tuy không đúng với tất cả mọi tờ báo, mọi nhà báo, nhưng trên bình diện chung, nó lại… hợp lý quá thể.

Thời suy thoái của báo chí Việt Nam bắt đầu từ lúc nào và vì sao ?

Từng một thời vàng son

Những nhà báo chân chính gạo cội đều có thể kể vanh vách trong suốt mấy chục năm từ 1975 cho đến cách đây mới độ năm bảy năm, làng báo Việt Nam đã từng có thể tự hào vì những tiếng nói phản biện xã hội khách quan và mạnh mẽ. Làng báo lúc đó có thể gọi là "trăm hoa đua nở".

Báo Thanh Niên từng có loạt bài điều tra vạch mặt tập đoàn tội ác Năm Cam và những quan chức cỡ đại đứng sau bao che, cấu kết các hoạt động kinh doanh phi pháp.

Báo Tuổi Trẻ ghi dấu từ thời bao cấp với bài về chàng thủ khoa không được đi học Đại học vì lý lịch "xấu" (cha là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa), khởi đầu cho sự tham gia mạnh mẽ của báo chí góp phần thay đổi xã hội.

baochi2

Hình minh họa. Một người dân đọc báo Tuổi Trẻ - AFP

Lao động hùng cứ thị trường với sở trường phóng sự hay và lạ ở khắp mọi miền.

Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh một mình một chợ với thành công biến lĩnh vực hàn lâm và khó hiểu như pháp luật thành diễn đàn sinh động, đa dạng và phong phú. Đó là tờ báo có những loạt bài viết tiên phong và hàng đầu cả nước trong việc giải thích và hỗ trợ hành chính công, chính quyền đô thị, giải oan, phản biện chính sách trong lĩnh vực hành chính công, điều tra, truy tố, xét xử.

Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh một thời cần sắc sảo có sắc sảo với những loạt bài chống tiêu cực, cần lãng mạn bay bổng có lãng mạn bay bổng, với những loạt phóng sự gia đình tinh tế.

Báo Đầu tư là cánh cửa lớn mở ra thế giới, một thử nghiệm phong cách làm báo tây ở ta với những bài viết ngắn gọn súc tích, dễ hiểu, giàu thông tin, luôn có dẫn chứng bằng con số. Một nét đặc biệt của họ là dùng rất nhiều biểu đồ, hầu như tin bài quan trọng nào cũng có biểu đồ và phân tích con số đi kèm. Đầu tư đã tạo ra một cách làm báo khoa học, giàu thông tin và khách quan cho cả làng báo tài chính và số liệu bấy giờ.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn uyên thâm và giàu kiến thức chuyên ngành dưới những ngòi bút sinh động, tờ tuần báo nội dung đậm đặc đến nỗi muốn đọc hết phải mất vài ngày.

Sài Gòn Tiếp thị là cẩm nang về tiêu dùng, cung cấp dồi dào thông tin và nhận định về thị trường và tiêu dùng, mà bất cứ ai muốn mua sắm đều cần đọc tham khảo.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số lượng phát hành trong thị trường với con số có lúc lên tới vài triệu bản/kỳ, lương + nhuận bút của người trong báo tính bằng cây vàng.

Ngoài những phóng sự nhanh nhạy và hấp dẫn từ về hoạt động tội phạm và của ngành công an, quá trình điều tra các vụ án lớn, Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn bắt rất kịp nhu cầu được biết để tự bảo vệ của người dân bằng trang tin cuối, dày đặc các tin nhỏ cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo mới nhất.

Trong lứa tuổi thiếu niên có Mực tím, với bút nhóm Vòm me xanh một thời quy tụ các cây bút học trò trong trẻo và đa dạng, đặc biệt ngôi sao sáng chói Hoa học trò từng in không kịp bán ở các sạp báo, ai muốn đọc đều đặn thì không cách nào khác là phải đặt mua dài hạn.

Có thể nói báo chí "cách mạng" Việt Nam từng có một thời hoàng kim đáng tự hào.

Những cái tên kể trên đều là hàng đầu trong lĩnh vực và đối tượng bạn đọc của mình, không lẫn vào ai.

Một gia đình thành thị lúc đó phân bổ hẳn ngân sách đọc báo, gồm Thanh Niên/Tuổi Trẻ/Lao Động… cho đàn ông, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho mẹ, vợ, con gái lớn. Trẻ con có Nhi đồng, Mực tím, Hoa học trò theo từng lứa tuổi. Sài gòn Tiếp thị cho cả gia đình. Còn bất cứ ai học luật, làm luật hoặc yêu thích, hay dính vào vụ việc muốn tìm hiểu luật thì không thể thiếu báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nhân thì phải có Đầu tư.

Cả đời chưa viết cái tin, đùng phát làm tổng biên tập

Cuối thời hoàng kim đó xuất hiện những dấu hiệu báo trước sự suy thoái từ nhiều phía, khi Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đưa một người chưa từng làm báo là ông Phạm Đức Hải, đang là Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về giữ chức Tổng biên tập báo Tuổi trẻ. Ngay sau 5 năm giữ chức của ông Hải là một nhân vật khác, ông Tăng Hữu Phong, vốn là Phó Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai nhân vật này đều chưa từng một ngày làm báo, chưa hề biết làm báo là phải làm những gì.

Bấy giờ, cả làng báo xôn xao bàng hoàng. Những nhà báo già dặn với nghề không thể hình dung một người không có chút hiểu biết nào về chuyên môn lại có thể chỉ đạo cho họ phải thực hiện một phóng sự, một bài phỏng vấn, một bài bình luận… Đặc biệt nhất là, ông tổng biên tập quyền lực lại từ những nơi đặt thói quen chấp hành cấp trên làm tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất, về làm đầu não một nơi mà giá trị cốt lõi là tự do và phản biện.

Nghe đâu sau một thời gian làm tổng biên tập, đối đầu với những công việc chuyên môn cụ thể, ông Hải không chịu nổi mà phải than một câu công khai "Hồi làm thành ủy lương tôi vẫn vậy mà công việc khỏe hơn nhiều, giờ ở đây áp lực quá" (nói chơi vậy, chứ làm Tuyên giáo Thành ủy sao có thể so với những khoản phụ cấp hậu hĩ của Tuổi Trẻ-một tờ báo giàu).

baochi3

Ông Phạm Đức Hải, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đang phát biểu tại một cuộc họpCourtesy of daibieunhandan.vn

Thế nhưng việc kiên trì cài cắm những nhân tố phi báo chí vào bộ máy lãnh đạo các tờ báo hàng đầu đã chứng tỏ tác dụng. Gần 10 năm lãnh đạo của hai ông Hải và Phong đã tuyệt đối thành công trong việc kéo tụt tờ báo vốn được đánh giá là nhật báo hàng đầu Việt Nam thành cái bóng già cỗi và nhợt nhạt của chính nó. Dưới sự nắm quyền của họ, sự phản kháng của những người làm chuyên môn dần mệt mỏi, bị bẻ gãy. Tờ báo chuyển hướng rõ rệt từ tiếng nói phản biện mạnh mẽ thành nhạt nhòa nhưng nhiều lúc lại cực đoan đến phản báo chí.

Ở tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy. Khoảng năm 2012, một trưởng phòng ở Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh được đưa về làm phó Tổng biên tập báo. Đây thực chất là cuộc luân chuyển cán bộ, đảo vị trí và lĩnh vực công tác trước khi được nâng lên vị trí lãnh đạo mới. May mắn hơn so với Tuổi Trẻ, các vấn đề nội dung của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh nặng chuyên môn hơn, bộ máy lãnh đạo cũng gọn nhẹ hơn nên vị phó tổng mới nhanh chóng bộc lộ tất cả điểm yếu về mặt này trước đội ngũ tòa soạn. Kết thúc giống nhau là anh em làng báo nhanh chóng xem họ như người vô hình, và họ trở về nơi công tác cũ rồi lên chức.

Vài năm làm tổng biên tập, tiêu diệt xong tờ báo

Không thể bỏ qua tác động mạnh mẽ của làn sóng báo điện tử khiến lượng phát hành các báo giấy nói chung con số tụt giảm thê thảm, nhưng nhiều năm trời dưới sự lãnh đạo của những cá nhân ngồi nhầm ghế như vừa nói là một trong những nguyên nhân khiến các tờ báo tụt lùi, chậm trễ hẳn so với chính nó và so với thị trường.

Một cuộc họp giao ban trong tòa soạn thường diễn ra như thế này : phóng viên và các ban nêu các vấn đề đang được quan tâm trong lĩnh vực họ phụ trách. Có những vấn đề nếu là người không có chuyên môn hoặc chuyên môn không đủ giỏi sẽ cực kỳ bối rối. Giả như Phóng viên vừa điều tra xong một vụ quan trọng và các nơi đang bắt đầu can thiệp, nhờ hoặc ép buộc dừng đăng, gỡ bài. Tiếp tục đăng hay dừng, gỡ hay để nguyên ? Lấy lý do nào trả lời khi bị can thiệp mà không bị mất đi mối quan hệ ? Nếu gặp những áp lực lớn hơn thì sẽ làm gì ? Đó là những câu hỏi mà các nhà báo phụ trách lĩnh vực có thể trả lời lập tức, nhưng quyết định lại ở tổng biên tập. Nói cách khác, tổng biên tập chính là nhạc trưởng của một dàn nhạc lớn. Các nhạc công là người chơi giỏi nhất bản nhạc, nhưng nhạc trưởng phải là người giỏi hơn hết tất cả về sự phối hợp giữa chúng.

Vậy mà những tờ báo một thời đình đám Việt Nam đã phải đón những vị "nhạc trưởng" mà nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết như thế.

Trần Hòa

Nguồn : RFA, 08/07/2019

Published in Diễn đàn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang sa vào lối mòn nguy hiểm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi một lần nữa trong nhiều lần "kêu gọi báo chí đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá".

phuc1

Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Nga, 23/05/2019 (Hình : Evgenia Novozhenina/AFP/Getty Images)

Lời kêu gọi trên đang biến Phúc thành một đồ đệ của chủ nghĩa kinh viện, giáo điều và cực đoan cộng sản, thay vì đi theo con đường cải cách đất nước, tiếp nhận một cách cởi mở rất nhiều ý kiến phản biện trên mạng xã hội, đặc biệt là cải cách thể chế chính trị, như hy vọng của một số thành phần quan chức và trí thức.

Vì sao một quan chức như Nguyễn Xuân Phúc, dù đã có hơi hướng tham khảo bài học phát triển mạnh mẽ của Nhật Bản sau Thế Chiến Thứ Hai và còn tham khảo cả thuyết "Đại Đông Á" của người Nhật, cùng lúc tỏ ra ngày càng gắn bó với Hoa Kỳ – xứ sở dung thân và dung dưỡng tài sản của rất nhiều gia đình quan chức trung cấp và cao cấp Việt Nam, lại trở nên "chuyên chính vô sản" theo cái lối dùng báo chí quốc doanh để dập tắt mạng xã hội ?

Có hai nguồn cơn chính yếu là từ nội bộ đảng và từ phản ứng của dư luận, đều thể hiện ngồn ngộn trên mạng xã hội.

Nỗi ám ảnh "Chân Dung Quyền Lực"

Hẳn Nguyễn Xuân Phúc không thể quên, hoặc còn nhớ mãi về trang mạng "Chân Dung Quyền Lực".

Vào cuối năm 2014, lần đầu tiên "Chân Dung Quyền Lực" xuất hiện và tạo nên một cơn địa chấn trong chính trường và chính giới Việt Nam khi tấn công không thương tiếc, với nhiều chi tiết liên quan đến tài sản, sân sau và nhân thân "chính trị nội bộ", đối với một số ủy viên bộ chính trị khi đó, đặc biệt là Nguyễn Xuân Phúc.

Khỏi phải nói rằng hiệu ứng của trang mạng phe cánh chính trị này đã khiến nhiều "chính khách" co rúm và phải uống thuốc ngủ. Nhưng đến gần cuối năm 2015 khi sắp diễn ra Đại hội 12, trang Chân Dung Quyền Lực tự nhiên "biến mất" (ngưng cập nhật) theo đúng cái cách mà nó đã thình lình xuất hiện. Có lẽ vào lúc đó, "nhiệm vụ lịch sử" của nó đã tạm hoàn thành.

Nhưng không có "Chân Dung Quyền Lực" này thì lại xuất hiện "Chân Dung Quyền Lực" khác.

Vào tháng 8/2018, hiện tượng đơn thư tố cáo nội bộ lại xuất hiện trên mạng xã hội. Một vụ việc độc đáo được mạng xã hội đề cập là một bức thư của một người được cho là nhà giáo Nguyễn Cảnh Bình từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tố cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là chuyện ông Phúc để cho một số cấp dưới, đại gia và người thân trong gia đình ông Phúc thao túng chính trường và trục lợi cá nhân.

Bức thư đồng thời tố cáo Nguyễn Xuân Phúc đang tổ chức một chiến dịch vừa chạy đua vừa tranh giành chức vụ tổng bí thư tại Đại hội 13 vào năm 2021, với "liên danh" Nguyễn Xuân Phúc-Trương Hòa Bình-Nguyễn Văn Bình để đối chọi với một "trục" khác là Trần Quốc Vượng-Vương Đình Huệ…

Cho tới nay người ta vẫn chưa thấy ông Nguyễn Cảnh Bình lên tiếng phản bác về bức thư trên hay tố cáo kẻ nào đó đã mạo danh ông. Sự im lặng như thể công nhận ấy càng khiến dư luận tin rằng bức thư trên, tuy chưa biết những nội dung của nó đáng tin cậy đến đâu, nhưng có vẻ xuất phát từ "người thực việc thực".

Một cách tối thiểu, hiện tượng "người thực việc thực" đó đã được chứng thực trên phương diện lobby chính trị. Từ giữa năm 2017 và trùng với thời điểm Trần Đại Quang bất thần bị "bệnh lạ" mà đã "biến mất" lần đầu tiên trong gần hết tháng Tám năm đó, người ta nhận ra Thủ tướng Phúc đã bắt đầu chiến dịch vận động cho chức vụ tổng bí thư tại Đại hội 13 vào năm 2021.

Ngoài thành tích "GDP tăng trưởng vượt bậc", ông Phúc đi nhiều địa phương và nơi nào cũng được ông ta xem là "đầu tàu", cùng những từ ngữ đầy hoa mỹ mà đã khiến giới lãnh đạo những địa phương này "tự sướng" đến mức có thể sẵn lòng bỏ phiếu cho ông Phúc trong một hội nghị trung ương "thăm dò uy tín tổng bí thư cho Đại hội 13" và kể cả tại Đại hội 13…

Cùng lúc, nhiều dư luận bắt đầu đề cập nhiều hơn đến "nhóm sân sau" của Thủ tướng Phúc – một câu chuyện rất tương đồng với các nhóm lợi ích sân sau của Nguyễn Tấn Dũng trong 9 năm trời ông ta làm thủ tướng.

Tuy chưa đến mức thao túng chính phủ và "đớp hốt" ghê gớm như các nhóm sân sau của Nguyễn Tấn Dũng, những nhóm kinh tài được cho là sân sau của Thủ tướng Phúc lại được cho là "rất nhiều triển vọng" để trở thành nhóm lợi ích có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chính phủ và cả đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong tương lai không xa.

Tham vọng và học phí ứng cử viên

Thực ra Thủ tướng Phúc đã vượt trên các ứng cử viên khác để trở thành nhân vật bộc lộ tham vọng chính trị rõ hơn hết trong những năm sau Đại hội 12.

Còn giờ đây, cuộc chiến quyền lực đã bắt đầu manh nha, và nếu không có gì thay đổi thì sự việc sẽ diễn ra theo đúng quy luật xung đột chính trị – lại một cuộc chạy đua sống mái vào các chức danh chủ chốt trong Bộ Chính Trị và trong "tam trụ" tại Đại hội 13, kể cả một cuộc vận động để điều chỉnh "tam trụ" thành "tứ trụ" như cũ.

Cuộc chạy đua đó càng trở nên "hợp pháp" hơn sau cú bạo bệnh của Nguyễn Phú Trọng tại Kiên Giang "nhà Ba Dũng" vào tháng 4/2019.

Bởi nếu đến một lúc nào đó Nguyễn Phú Trọng không thể gượng lại và buộc phải tự nguyện nhường lại cái ghế tổng bí thư cho người khác, hai ứng cử viên hàng đầu đã hoặc được sắp sẵn, hoặc cố ngoi lên vị trí sắp sẵn đó : Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là hai tính cách khác nhau một trời một vực : trong khi Thủ tướng Phúc thậm chí còn được dân gian đặt cho biệt danh là "Phúc nổ" với đủ thứ giai thoại về "đầu tàu kinh tế" và "tăng trưởng GDP" tại các địa phương mà ở đó ông ta lộ rõ chiến dịch vận động để vị thế của mình được "nâng lên một tầm cao mới", Trần Quốc Vượng lại chỉ nói quá ít so với Phúc. Và trong khi Nguyễn Xuân Phúc được xem là "một thế lực đang lên" với "mạnh vì gạo bạo vì tiền", thì Trần Quốc Vượng lại "nghèo" và kín đáo hơn nhiều, tuy không phải không có dư luận về "sân sau" của nhân vật này.

Khác với thời tiền Đại hội 12, giai đoạn "toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng Đại hội 13" không những là cuộc chiến đánh vào các sân sau của nhau, mà tính xung đột của nó còn "máu lửa" hơn nhiều bởi yếu tố hình sự hóa của cuộc chiến này – thể hiện bởi Bộ Công An ở cấp trung ương và cơ quan công an ở một số địa phương then chốt – những nơi đậm đà yếu tố "phe cánh chính trị".

Tham vọng và hy vọng ngùn ngụt, nhưng luôn gắn liền hoặc tỷ lệ thuận với rủi ro. Đó là một loại học phí quá đắt đỏ mà Nguyễn Xuân Phúc không thể không xót ruột khi ông ta phải trở thành tiêu điểm bình phẩm, chỉ trích và tố cáo của các đồng chí trong nội bộ Đảng cộng sản lẫn dư luận trên mạng xã hội về quá nhiều "thành tích" của Phúc trong nhiệm kỳ này.

Các thành tích này là để mặc hoặc tiếp tay cho Bộ Công Thương tăng phi mã giá xăng dầu và điện, bỏ mặc hoặc bật đèn xanh cho Bộ Giao Thông Vận Tải và nhóm lợi ích giao thông dập phí BOT lên đầu lái xe và doanh nghiệp, thả rông cho Bộ Tài Nguyên Môi Trường và các doanh nghiệp xả thải đậm đặc khắp các vùng đất nước… 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 21/06/2019

Published in Diễn đàn

Thấm thoắt lại gần tới 21 tháng Sáu, ngày "báo chí cách mạng Việt Nam"…

"Bản lĩnh dám nói"

Còn nhớ sát thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 10 vào giữa tháng 5/2019, một số tờ báo quốc doanh chợt ồn ào vụ "bắt Nhật Cường Mobile", dù đây chỉ là một doanh nghiệp thuộc loại trung và chẳng có tiếng tăm gì. Chẳng bao lâu sau đó, thêm một đồn đoán ồn ào khác hé lộ : Nhật Cường là sân sau của Chung "con", tức Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

baochi1

Việt Nam hiện có khoảng 1.000 cơ quan báo chí và truyền thông. (Hình : Getty Images)

Bầu không khí ồn ào trên xuất hiện cùng với tin ngoài lề về việc Nguyễn Đức Chung đang có khả năng được cơ cấu vào diện "cán bộ cấp chiến lược", nhưng còn cao hơn thế – tức cơ cấu vào hàng ủy viên "Bê Xê Tê" (Bộ Chính trị) tại Đại hội 13 diễn ra vào năm 2021.

Cùng chung thân phận với Chung "con" còn có Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương, con ruột cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Vẫn là vụ "dùng xe công ra phi trường đón người nhà". Trần Tuấn Anh cũng được đồn đoán sẽ vào bảng "cán bộ cấp chiến lược" với hàm phó thủ tướng.

Và còn thêm vài thân phận khác cũng được "lên thớt", như Hoàng Trung Hải, Bí thư thành ủy Hà Nội, liên quan đến việc ký tá hàng loạt văn bản chấp thuận cho thủ phạm gây thảm họa môi trường miền Trung là Formosa được thuê đất và xả thải vô tội vạ.

Tất cả tội trạng của những nhân vật trên chẳng hề oan sai chút nào. Nhưng "bản lĩnh dám nói" của báo chí quốc doanh cũng chỉ đến thế. Vì sao chỉ đến sát Hội nghị Trung ương 10 mới dám nói mà không phải những năm trước ?

"Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy"

Đã từ lâu lắm rồi, cứ đến gần một kỳ hội nghị trung ương quan trọng về nhân sự, nhất là gần đại hội của chính thể độc đảng kiêm độc trị, một bộ phận báo nhà nước lại gào thét tinh thần "chống tiêu cực" và sau này là "chống tham nhũng", moi móc chỉ trích ủy viên bộ chính trị này, ủy viên trung ương nọ.

Chỉ có điều, chẳng có mấy phần trăm vụ việc được đào bới đến đáy, bởi hầu hết đều có khoảng "hưu chiến". Rốt cuộc, té ra là các nhóm quyền lực chỉ đi đến nửa đường, dùng báo chí để khủng bố tinh thần nhau, hất đổ nhau và "làm nhân sự", còn khi đã đi đêm và thỏa hiệp được với nhau về phân chia ghế thì bầu khí "chống tham nhũng" trên mặt báo chí bất thần chìm vào lặng câm, khiến nhiều người dân và đặc biệt là giới "cán bộ lão thành" sửng sốt kèm thất vọng chua chát.

Vào những thời khắc mang tâm trạng u ám quay quắt như thế, người ta lại nhớ đến một triết lý để đời của nhà báo đại tá công an Nguyễn Như Phong "Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy".

Về sau này và nhất là sau khi báo chí quốc doanh vừa mở miệng rên xiết trước vụ khiếu kiện khổng lồ ở Thủ Thiêm nhưng lại bị Ban Tuyên giáo chặn họng, dân gian còn phát triển thêm một triết lý mới "cho sủa mới được sủa, cho gâu gâu mới được phần gâu gâu".

Nhà tù sung túc không cần tự do !

Nền "báo chí cách mạng" đã rất thường bị chủ nghĩa cách mạng xã hội chủ nghĩa và cơ chế độc tài trùm lên đầu cái vòng kim cô mà chẳng dám hó hé nửa lời, nhưng lại rất "cách mạng" khi lao vào những trận đấu sống mái giữa các phe phái chính trị trong nội bộ đảng.

Cách nào đó, có thể xem việc phục vụ cho phe cánh chính trị là một đặc tố "tự do mở miệng" của một bộ phận báo chí quốc doanh. Được mở miệng khá thoải mái mà không bị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông đe nẹt.

Nếu xem năm 2012 là mốc khởi đầu cho cơn bão xung đột quyền lực ngày càng sắt máu trong nội bộ đảng và bắt đầu bởi vai trò độc tôn của những trang mạng xã hội được các phe cánh chính trị trong đảng tạo ra để triệt hạ lẫn nhau, thì hoạt động của những trang mạng xã hội như thế đã chiếm lĩnh không gian truyền thông đấu đá cho đến tận thời điểm mà vai trò độc tôn quyền lực của Nguyễn Phú Trọng bất thần bị cơn bạo bệnh đè dí xuống giường.

Sau đó và như đã mô tả, một bộ phận báo chí quốc doanh đã khởi sự "tham chính" ngày càng lộ liễu hơn, thậm chí còn có triển vọng vượt xa cái thời tiền Đại hội 12 mà tuyệt đại đa số báo chí nhà nước câm như hến khi "trận chiến Trọng – Dũng" bùng nổ.

Từ năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng bắt đầu mở công cuộc "đốt lò", trên một số diễn đàn đã thấp thoáng ý kiến "báo chí bây giờ tự do hơn nhiều rồi" và "báo chí được tự do chống tham nhũng mà không có vùng cấm".

Nhưng khi cuộc chiến "chống tham nhũng" của Trọng phát sinh những hiện tượng khó hiểu, chỉ chăm chăm đốt "củi rừng" mà không chịu đốt "củi nhà", chỉ tập trung đánh vào nhóm "Ba X" và Đinh La Thăng mà không đụng chạm đến số cận thần vây quanh Trọng, ngay cả những cái loa gần gũi nhất với tổng bí thư cũng sượng miệng khi nói đến "tự do báo chí".

Thực tế cầm quyền của chính đảng độc tài đã chứng minh rằng phần lớn báo chí nhà nước về thực chất không cần đến tự do. Gần hết các tổng biên tập và ban biên tập ở các báo đều được cài cắm bởi người của đảng, sống dựa vào bổng lộc và dùng báo đảng để làm cần câu cơm. Với họ, một nhà tù sung túc như vậy đã là đủ mà không cần tự do hơn nữa.

Kể từ những năm 2014, 2015 và nhất là sau "án mạng" mang tên Chân Dung Quyền Lực – như một sát thủ giấu mặt chuyên ám sát một bộ phận trong Bộ Chính Trị đảng, nghề "tham chính", hay gọi thẳng là "phe cánh chính trị", của báo chí nhà nước cũng nở rộ theo.

Không lộ liễu và sắc máu như Chân Dung Quyền Lực, nhưng một số tờ báo quốc doanh vẫn tìm được cái cách phục vụ cho những ông chủ chính trị và ông chủ tài phiệt để có được nguồn kinh tài dồi dào.

Nhưng đi đầu vẫn là những trang mạng xã hội đã được những bàn tay bí mật cho biến tướng từ Chân Dung Quyền Lực thành loại hình Facebook cá nhân.

Có hẳn một đội ngũ nhà báo nhà nước vừa chân trong vừa chân ngoài hoặc nghỉ hẳn báo quốc doanh để tham gia vào mặt trận Facebook, chuyên đưa tin "đánh đấm" và "phang" nhau, thậm chí còn mượn mác đấu tranh dân chủ nhân quyền để tạo vỏ bọc thu hút quần chúng và độc giả cho mình.

Nhiều dấu hiệu đã lộ ra rằng phía sau những nhà báo này là những quan chức cao cấp và những tập đoàn tài phiệt đủ "mạnh về gạo bạo về tiền". Tiền vô thiên lủng và mức nhuận bút cho sự nghiệp "đánh đấm" là rất cao.

Loạn thần và loạn sứ quân

Đến khi "Tổng tịch" Nguyễn Phú Trọng có dấu hiệu "tịch" bởi căn bệnh tai biến mạch máu não được đồn đoán ầm ĩ xảy đến với ông ta vào tháng 4/2019, những dấu hiệu mới về trận chiến thư hùng mà không kém bẩn thỉu cũng lốm đốm hiện ra trên bộ mặt chính trị của đảng, giống hệt những triệu chứng ngoài da của ung thư di căn giai đoạn cuối.

Nguyễn Phú Trọng còn chưa "nằm xuống", nạn loạn thần và đầy hứa hẹn cho nạn loạn sứ quân đã chồm lên. Hội nghị trung ương 10 và cuộc đấu đá lẫn "chém giết" không thương xót trước hội nghị này chỉ là một trong những câu chuyện ban đầu. Còn tương lai từ đó đến Đại hội 13 của đảng cầm quyền, nếu còn có thể xảy ra đại hội đó, vẫn tái diễn những hội nghị trung ương không kém máu lửa của loạt hội nghị trung ương ngay trước khi Đại hội 12 vặt vẹo diễn ra. Tức vẫn còn những cuộc đấu ghê gớm, không chỉ giữa các nhóm quyền lực mà bây giờ đã được lắp ghép bằng một khái niệm mới hơn và rất hữu cơ : "nhóm quyền lực – tài phiệt".

"Tự do" của một số không nhỏ, và có lẽ ngày càng lớn, của báo chí quốc doanh sẽ được phát huy đến mức đủ thâm và đủ dày, cung cúc phục vụ cho những ông chủ quyền lực và tài phiệt mới trong cái thế giới phe phái bát nháo và đạp lên đầu nhau để sinh tồn chính trị này.

Và đến một lúc nào đó, khi đã thuần thục về "chuyên môn nghiệp vụ", biết đâu đấy báo chí quốc doanh sẽ không còn bị Ban Tuyên giáo Trung ương càm ràm bị mạng xã hội dẫn dắt, mà thậm chí còn qua mặt cả những trang mạng xã hội mang màu sắc phe cánh chính trị về thành tích nhái Kiều của Nguyễn Du "cho gâu gâu mới được phần gâu gâu". 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 26/05/2019

Published in Diễn đàn