Báo cáo vụ Đồng Tâm : "Những khuất tất của chính quyền Việt Nam"
Phạm Đoan Trang, Thanh Hà, 19/01/2020
Nhóm hành động vì Đồng Tâm đã và đang chuyển Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm - được soạn thảo bằng tiếng Anh, đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.
Làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nơi xảy ra vụ can thiệp của lực lượng an ninh, ngày 09/01/2020. Copy d'ecran
Văn bản 28 trang này đã được chuyển tới văn phòng dân biểu Mỹ của bang California, ông Alan Lowenthal hôm 16/01/2020. Bản báo cáo này mang nội dung gì và mục đích ra sao ? RFI đặt câu hỏi với nhà báo Phạm Đoan Trang, biên tập viên tạp chí Luật Khoa và là một trong những tác giả báo cáo về Đồng Tâm.
Phạm Đoan Trang : Vụ việc này đầy khuất tất từ phía chính quyền.
Điểm đáng nói đầu tiên là về cái chết của ba sĩ quan công an. Công an nói có ba chiễn sĩ hy sinh, bị quân khủng bố phóng hỏa, giết. Trên mạng có những bức ảnh cho thấy thi thể của ba người này chỉ còn là than. Bản báo cáo về vụ Đồng Tâm chỉ ra rằng, bình thường cơ thể con người, để thành tro cháy gần hết như vậy cần mất khoảng ba hay bốn tiếng. Không có lý gì lực lượng công an để đồng đội của họ cháy trong ba tiếng đồng hồ mà không dập lửa. Cũng như là bom xăng, một chai xăng mà đơn vị đo là 0,65 lít thì không thể gây ra một vụ cháy kinh hoàng như vậy. Tường nhà thì không ám khói, không có dấu vết của một vụ hỏa hoạn.
Điểm đáng ngờ thứ hai liên quan đến cái chết của cụ Kình. Cụ bị giết thế nào ? Ai giết ? Tại sao lại bị mổ tử thi ? Biên bản khám nghiệm tử thi ấy đâu ?
Điểm thứ ba là cáo buộc của chính quyền nói cụ Kình và gia đình, dân Đồng Tâm là khủng bố, tàng trữ vũ khí. Vậy chính quyền đã biết chuyện những người dân Đồng Tâm tàng trữ vũ khí -nếu có, từ thời điểm nào ? Nếu biết từ trước tại sao không xử lý đúng quy trình tố tụng ? Thí dụ như thông báo trước, thậm chí có thể đến vây hãm, yêu cầu đầu hàng. Nhưng ít nhất phải chờ đến khi bên trong có động thái, thí dụ như bắt con tin, hay đe dọa sát hại con tin trong nhà thì mới có thể tấn công. Nếu như họ vẫn ở trong nhà và cố thủ thì vẫn phải đợi. Bạo lực chỉ là biện pháp cuối cùng. Ngoài ra còn có vấn đề những người khác bị bắt, bị ép cung, tra tấn. Dấu hiệu rõ ràng là nếu chỉ đánh nhau bình thường, mặt không thể có những vết bỏng. Không thể có những vết cháy trên mặt. Đó là dấu vết của sự tra tấn rất rõ".
Mục đích báo cáo về vụ Đồng Tâm là gì ?
Phạm Đoan Trang : Chúng tôi nhận thấy rằng, từ trước đến giờ, trong tất cả những sự kiện tương tự hoàn toàn nhà nước độc quyền phát ngôn. Trong vụ Đồng Tâm, câu chuyện đến một mức quá xa, nghĩa là nhà nước không chỉ phát ngôn mà còn đàn áp thẳng cánh những người cung cấp thông tin. Trong một tuần lễ, tôi biết có ít nhất ba người bị công an bắt vì đã đưa tin trái chiều về Đồng Tâm. Đưa tin và quan điểm về Đồng Tâm. Thậm chí chỉ chia sẻ bài trên Facebook. Bài có nội dung trái với những gì truyền thông nhà nước đã đưa. Cho nên chúng tôi quyết định, trong một thời gian cực ngắn, chỉ 2 ngày, để làm báo cáo đó.
Chúng tôi muốn là có một nguồn thông tin tham khảo dành cho cộng đồng quốc tế cũng như là cho người trong nước. Chúng tôi mong muốn vấn đề sẽ được quốc tế hóa, được cộng đồng quốc tế, các chính phủ, những nước dân chủ và các tổ chức quốc tế về nhân quyền như Human Rights Watch hay Amnesty International, lên tiếng, gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam cho phép điều tra độc lập, hoặc thừa nhận tội lỗi của mình. Hay ít nhất là giảm án, bảo vệ những người đã bị bắt. Hiện giờ những người chưa bị bắt, những nhân chứng còn sống sót bị đe dọa khủng bố rất kinh hoàng.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 19/01/2020
*******************
Báo cáo về vụ Đồng Tâm được chuyển đến dân biểu Mỹ
VOA, 17/01/2020
Đại diện của nhóm "Hành động vì Đồng Tâm" đã chuyển "Báo cáo về vụ tấn công ở Đồng Tâm" đến văn phòng dân biểu liên bang của Mỹ Alan Lowenthal trong nỗ lực tìm kiếm công lý cho các nạn nhân Đồng Tâm.
Hình ảnh "thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm" Lê Đình Kình trong lễ tưởng niệm ông hôm 12/1 được đăng trong Báo cáo về vụ tấn công ở Đông Tâm. (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cùng nhạc sỹ Việt Khang hôm 16/1 đã đến văn phòng Dân biểu Lowenthal ở thành phố Garden Grove, California, để chuyển báo cáo vừa được đưa ra trước đó cùng ngày về vụ bố ráp của lực lượng an ninh Việt Nam đối với người dân làng Đồng Tâm, Hà Nội, giữa tranh chấp đất đai kéo dài, theo một đăng tải trên Facebook cá nhân của ông Hải.
Tại văn phòng của Dân biểu Lowenthal, ông Hải, người từng bị giam giữ ở Việt Nam và hiện đang sống tị nạn ở Mỹ, cùng nhạc sỹ Việt Khang thảo luận với trợ lý của dân biểu này, ông Lý Phong, về nội dung báo cáo và những nguyện vọng của người dân xã Đồng Tâm, mong muốn tìm kiếm công lý cho các nạn nhân Đồng Tâm.
Theo Facebook của ông Hải, ông Lý Phong đã "tiếp nhận báo cáo" và sẽ "giữ liên lạc với nhóm "Hành động vì Đồng Tâm" để cập nhật thông tin trong những ngày tới.
Dân biểu Lowenthal đại diện cho các thành phố và khu vực như Westminster và Garden Grove, nơi có phần đông cộng đồng người Việt sinh sống, thuộc Địa hạt 47 của California trong Quốc hội Hoa Kỳ. Ông cũng là Đồng Chủ tịch nhóm thành viên Quốc hội quan tâm đến Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam) và từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á do đảng cộng sản lãnh đạo.
Trong báo cáo soạn thảo bằng tiếng Anh mà VOA được xem, nhóm Hành động vì Đồng Tâm đưa ra các thông tin chi tiết về vụ bố ráp của lực lượng chính quyền được tiến hành lúc 4 giờ sáng ngày 9/1, làm 4 người thiệt mạng trong đó có 3 công an và ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm.
Báo cáo, được Nhà xuất bản Tự do ra mắt, còn đưa ra những thông tin nền về cuộc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm trong nhiều năm qua, cũng như đưa ra những khuyến nghị đối với chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhằm giúp giải quyết mâu thuẫn đã tồn tại từ lâu này.
Theo Nhà xuất bản Tự do, báo cáo được viết dựa trên nguồn thông tin "có được từ các Facebooker nổi tiếng có mối liên hệ với người dân Đồng Tâm và một ít sự thật khó khăn lắm mới gạn lọc, cóp nhặt được từ các nguồn chính thống của chính quyền".
Trong khi Bộ Công An nói rằng người dân Đồng Tâm tấn công lực lượng của chính phủ thì người dân làng này nói lực lượng an ninh của chính quyền dùng vũ lực để đàn áp họ.
Nguyên nhân của vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm trong nhiều năm qua xuất phát từ việc người dân làng này không đồng tình với việc chính quyền huyện Mỹ Đức giao đất đang canh tác của họ cho Viettel do quân đội quản lý. Năm 2017, vụ tranh chấp trở nên căng thẳng khi dân làng Đồng Tâm bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin.
Tại Châu Âu, báo cáo về vụ tấn công ngày 9/1 ở Đồng Tâm cũng đã được các cá nhân, tổ chức gửi đến rất nhiều dân biểu Châu Âu qua nhiều kênh khác nhau, theo nhà báo Tường An hiện đang sinh sống ở Paris cho biết trên Facebook cá nhân.
Nhà xuất bản Tự do cho biết báo cáo này đã và đang được gửi đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam, nhằm kêu gọi sự quan tâm và vào cuộc của cộng đồng quốc tế đối với vụ việc bi thảm tại Đồng Tâm, trong nỗ lực tìm kiếm công lý cho các nạn nhân Đồng Tâm.
https://youtu.be/3q8GiltEl-Y
*****************
Báo cáo Đồng Tâm : nỗ lực minh bạch thông tin !
Phạm Đoan Trang, RFA, 17/01/2020
Vào ngày 16/1, Nhà Xuất Bản Tự Do đã xuất bản Báo cáo Đồng Tâm bằng tiếng Anh với những thông tin tổng hợp từ các nguồn bao gồm các Facebooker vẫn giữ liên lạc với người dân Đồng Tâm và cả nguồn của báo chí nhà nước. RFA có cuộc phỏng vấn Nhà báo Phạm Đoan Trang, người cùng tham gia thu thập thông tin và thực hiện bản báo cáo dài 28 trang này chỉ trong hai này.
Báo cáo Đồng Tâm bằng tiếng Anh do Nhà Xuất Bản Tự Do xuất bản vào ngày 16/1/2020. Ảnh chụp màn hình
RFA : Xin chị cho biết chị mong đạt được điều gì khi đưa ra báo cáo này ?
Phạm Đoan Trang : Mong là đạt được rất nhiều điều khi viết báo cáo như vậy nhưng thực tế đến đâu thì không biết được. Tóm lại hai mục đích chính : một là nguồn tham khảo, hai là để lưu trữ, ngoài ra tôi nghĩ còn những tác dụng khác.
Đầu tiên mình mong có nguồn tin để các cơ quan, cá nhân, tổ chức liên quan đến nhân quyền như Việt Nam có nguồn tham khảo. Như chúng ta đều biết là từ đầu, ngay từ khi chưa xảy ra vụ Đồng Tâm đến tận bây giờ thì Đảng cộng sản Việt Nam, chủ yếu là Bộ Công an rất tự tin về quyền được ban phát thông tin, tức chỉ có thông tin từ họ mới được coi là chính thống. Họ chặn những nguồn khác, phong tỏa làng không cho người dân được tiếp xúc tiếp cận với bất kể người nào ngoài làng, chưa nói đến chuyện báo chí. Họ khống chế độc quyền mọi nguồn tin và gán nhãn phi chính thống, phản động, thù địch cho các nguồn tin khác nên tất cả các nhà báo lề dân ủng hộ người dân Đồng Tâm cũng tìm cách chia sẻ thông tin rất nhiều nhưng ở trên Facebook rất tản mác, không có kho lưu trữ chính thức, đặc biệt rất khó dẫn nguồn. Chúng ta đều biết những báo cáo khoa học, những báo cáo nói chung của giới nghiên cứu hay ngoại giao… của nước ngoài hay các tổ chức nhân quyền quốc tế không thể dựa vào nguồn Facebook, các thông tin dẫn từ status trên Facebook được, phải có nguồn chính thức, tốt nhất là văn bản.
Thứ hai nữa là chúng tôi tin rằng cộng sản Việt Nam nói chung có truyền thống tư duy nhiệm kỳ. Họ không nghĩ gì xa hơn nhiệm kỳ của họ và luôn tìm cách xóa bỏ ký ức dân tộc, xóa bỏ tất cả những gì có thể được lưu trữ lại, làm sao để sau nhiệm kỳ họ hạ cánh an toàn, không còn gì lưu lại. Chính vì họ không muốn nên chúng ta càng phải lưu lại hết những tội trạng của họ, những ngày tháng đen tối này, đặc biệt là vụ án khủng khiếp ở Đồng Tâm. Nó là một vụ tôi nghĩ gọi là tổ chức tấn công dân một cách có quy mô, có bài bản, lớp lang chuẩn bị từ trước nhiều ngày sau đó tìm cách khống chế thông tin, định hướng dư luận.
RFA : Chị đã gặp khó khăn gì trong việc thu thập thông tin cho báo cáo để đảm bảo tính trung thực và công bằng khi luồng thông tin về Đồng Tâm rất hạn chế và chủ yếu đến từ chính phủ ?
Phạm Đoan Trang : Thực ra không chỉ riêng trong chuyện Đồng Tâm mà trong mọi vấn đề chính trị xã hội cũng như những biến cố chính trị xã hội ở Việt Nam từ trước đến giờ thì nguồn thông tin luôn hạn chế vì nhà nước này tồn tại dựa vào bạo lực và dối trá. Trong việc tuyên truyền thì nhất thiết phải bịt miệng các bên liên quan để mình được nói, hay nói như nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn là "tắt micro đi để chỉ một bên tranh luận". Chuyện đó chúng tôi cũng quen rồi, không có gì to lớn, thậm chí chúng tôi nghĩ rằng càng bịt miệng dân thì số người có nhu cầu cất tiếng nói lại càng nhiều nên chúng tôi không lo việc thiếu thông tin từ phía các nạn nhân Đồng Tâm. Cái chúng tôi lo là vấn đề bảo vệ nguồn tin vì công an thật sự áp dụng chính sách khủng bố rất khủng khiếp đến những người tiết lộ thông tin ra bên ngoài nên phải làm sao để không lộ nguồn tin ra để không lộ nguồn tin ra để công an trả thù.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đông đảo lực lượng cơ động đang tiến về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội sáng sớm ngày 9/1/2020. Courtesy of Citizen. RFA edited.
Khó khăn thứ hai là thông tin từ phía nhà nước tưởng nhiều nhưng lại không có gì. Họ tổ chức họp báo, cung cấp chính thống mà chẳng có gì cả, tất cả mang màu sắc bịa đặt, có dấu hiệu dựng chuyện, dựng vụ án lên và thậm chí là tội vu khống, nhất là vu khống cho người đã mất. Thì khó khăn là làm sao lấy được thông tin từ phía thủ phạm, tức Bộ Công an.
RFA : Trong những thông tin mà chị có được cho báo cáo, chị có được thông tin nào mới nhất về số lượng thương vong của người dân Đồng Tâm không, ví dụ như có tin đồn về con ông Lê Đình Kình và cháu ông chết là đúng hay không ?
Phạm Đoan Trang : Vì họ bị giam cầm nên chúng ta không thể xác định được họ còn sống hay đã chết và đang ở đâu. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng công an tung tin ra nhiều để định hướng dư luận và để thăm dò, truy tìm nguồn tin xem ai tiết lộ ra bên ngoài nên tin giả rất nhiều mà lại do chính công an tung ra.
RFA : Trong báo cáo này, chị đã nêu ra 4 điểm nghi vấn chính về vụ tấn công ở Đồng Tâm. Xin chị có thể vắn tắt lại những nghi vấn này cho độc giả của RFA được biết ?
Phạm Đoan Trang : Điểm nghi vấn thứ nhất là về mục tiêu cuộc tấn công đó. Ban đầu chính phía nhà nước nói đây là cuộc cưỡng chế mà rõ ràng sau khi các Facebookers chỉ ra rằng không thể cưỡng chế vào ban đêm mà theo Luật Đất đai 2013 của chính Việt Nam thì chỉ có thể cưỡng chế trong giờ hành chính. Lúc đó kịch bản được xây dựng theo hướng khác là không cưỡng chế, đang xây dựng hàng rào thì bị một nhóm người nhảy ra tấn công. Như vậy chúng ta phải biết được là mục đích cuộc này là cưỡng chế hay bị phục kích ? Bị phục kích gì mà lại truy đuổi đến tận nhà dân xong nổ súng bắn theo kiểu vậy, tôi nghĩ chẳng phải bị phục kích.
Nghi vấn thứ hai là những thông tin về phía ‘truyền thông bẩn’. Tôi gọi truyền thông bẩn, truyền thông đen là của phía công an lập ra nhưng lại không nói là của công an (dư luận viên). Ví dụ như tung ra một ảnh xác chết cháy thành than và nói đây là một chiến sĩ bị bọn phản động phóng hỏa giết chết, nghe tiếng thét anh ấy khủng khiếp, đau đớn, căm thù thấu gan bọn phản động, khủng bố. Nhưng chúng ta không khó khăn lắm cũng biết được rằng một con người đang sống mà chết cháy thành than như vậy mất đến 3, 4 tiếng. Trong thời gian đó các đồng đội anh ta làm gì mà không giải cứu anh ta ? Ít nhất là dập lửa để không cháy đến như thế. Cũng liên quan đến nghi vấn này thì chúng ta đặt câu hỏi vậy những trang web tung tin như thế là những trang web gì, có nhận chỉ đạo từ công an, thông tin có nhận từ Bộ Công an cấp không ?
Nghi vấn thứ ba là cái chết của cụ Lê Đình Kình : cụ chết như thế nào, sao trên người lại có vết đạn thủng, lý do gì một cụ già 84 tuổi đang què chân đêm không ngủ lại đi ra khu vực cách nhà 2,5-3km để chỉ đạo cuộc tấn công khủng bố như vậy ?
Nghi vấn thứ tư là công an cáo buộc nhóm này tàng trữ vũ khí. Điều này cho thấy công an có dấu hiệu quá rõ việc vi phạm tố tụng, nguyên tắc chuẩn mực tố tụng trong luật pháp quốc tế chứ không chỉ của Việt Nam. Tức việc tìm kiếm bằng chứng, thu thập bằng chứng để cáo buộc người nào đấy là tội phạm phải có một quy trình làm chính xác, bài bản. Vấn đề đặt ra là Bộ Công an và công an nói chung đã biết được thời điểm gia đình này nếu có tàng trữ vũ khí từ khi nào. Nếu biết từ lâu tại sao không có những bước khác đúng quy trình hơn ? Nếu dùng tất cả những biện pháp khác mà không được mới phải đi đến biện pháp tấn công, tiêu diệt, vậy tại sao không dùng những biện pháp khác ? Ví dụ như không báo trước, trinh sát ngoại tuyến, tìm tài liệu, thu thập bằng chứng, chụp ảnh… thì ai phản đối được họ. Nhưng họ không dùng những cách đó, họ không theo một cách nào khác chứ đừng nói đến chuyện khai thác các biện pháp khác không được mới dùng giải pháp này. Tức họ đã dùng vũ khí thái quá ngay từ đầu, dấu hiệu sử dụng vũ khí của họ là bất hợp pháp.
Ngoài ra còn rất nhiều điểm khác nhưng do thười gian làm báo cáo rất gấp, tôi chỉ có 2 ngày để viết 28 trang tiếng Anh nên không thể đưa hết, nhưng chắc sẽ thường xuyên cập nhật báo cáo, bổ sung thêm.
RFA : Theo chị, vụ tấn công của công an vào Đồng Tâm đã vi phạm luật pháp như thế nào ?
Phạm Đoan Trang : Vi phạm luật pháp Việt Nam gồm Luật Đất đai, Luật Quản lý vũ khí, những quy định sử dụng vũ khí của ngành Công an. Ngoài ra còn vi phạm hàng loạt các luật liên quan đến xét xử công bằng, tức Luật Tố tụng, như quy trình bắt người, giam giữ người, tra tấn, ép cung, biệt giam, tất cả những điều này vừa vi phạm luật quốc tế và Việt Nam về nhân quyền.
RFA : Việc người dân Đồng Tâm trước đó có video kêu gọi chống trả và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất, theo chị có gây bất lợi gì cho họ ?
Phạm Đoan Trang : Theo tôi những lời tuyên bố bằng miệng của một bên trong tình trạng bên đó đang bị đe dọa không thành bằng chứng đe dọa, âm mưu giết người hay giết người được. Chúng ta đều biết tình trạng bà con Đồng Tâm khi đó ở vào tình trạng phải tự vệ, gần như họ phải gồng mình lên theo kiểu ‘có giỏi cứ vào đây, chúng tao giết’ hay ‘cứ vào đây mày biết tay tao’. Đấy là một câu dọa, ở tình huống bình thường thì có thể dính vào đe dọa giết người, cũng là một tội. Nhưng trong bối cảnh này rõ ràng họ nói trong hoàn cảnh tự vệ, phòng vệ và tìm cách ngăn chặn việc có thể bị bên khác tấn công. Nên họ gồng mình nói vậy tôi nghĩ không đúng nguyên tắc về tâm lý cũng như luật pháp không đủ cấu thành đe dọa giết người hay khủng bố.
RFA : Chị nhận xét thế nào về những lời thú tội của những người dân Đồng Tâm được phát trên truyền hình quốc gia thời gian vừa qua ?
Phạm Đoan Trang : Trong cuốn sách của tôi năm ngoái, cuốn Cẩm nang nuôi tù có nhắc đến tình trạng ép công dân nhận tội rồi quay phim đưa lên tivi phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Tôi có viết trong sách là công an Trung Quốc và công an Việt Nam rất thích sử dụng chiêu này và coi như điều tra như vậy là xong. Nếu chúng ta hiểu sâu về luật pháp quốc tế cũng như nhân quyền chúng ta đều thấy những lời nhận tội đó không có giá trị pháp lý gì cả vì họ nhận tội trong tình trạng bị ép cung, bị tra tấn, không có luật sư, không có mặt bên thứ ba nào cả thì những lời đó rõ ràng chẳng có hiệu lực. Như chúng ta hay nói câu ‘trói lại mà đánh ai chẳng chết’ tức nhốt người ta lại, đánh đập, sau đó ép nhận tội, thậm chí đánh đập dã man. Những dấu vết trên mặt anh Lê Đình Công khi anh xuất hiện trên truyền hình cho thấy có thể anh bị bỏng, ví dụ họ dí thuốc lá đang cháy vào mặt, hay dùng dùi cui điện chích thẳng vào mặt. Tôi nghĩ ở tình trạng đấy người ta nhận tội cũng không có gì lạ.
RFA : Vụ Đồng Tâm chỉ là một trong nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân địa phương, mà theo nhận xét của nhiều người là bắt nguồn từ việc Hiến pháp không chấp nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Báo cáo đánh giá đây là vụ tranh chấp gây đổ máu nhiều nhất trong khoảng 10 năm qua, chị có nghĩ rằng liệu chính phủ Việt Nam sẽ thay đổi quy định về sở hữu đất đai trong tương lai để giải quyết vấn đề này hay không ?
Phạm Đoan Trang : Nhiều người có nói rằng vụ việc bắt nguồn từ vấn đề gây tranh cãi là khái niệm ‘đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân do nhà nước đại diện quản lý’ dẫn đến vụ tranh chấp như thế này. Tôi nghĩ rằng khi Đảng Cộng sản Việt Nam còn cầm quyền thì sẽ không có chuyện thay đổi cả Hiến pháp hay những điều như Điều 53 của Hiến pháp về chuyện đất đai. Bởi vì đất đai, xã hội dân sự, kinh tế tư nhân hay nói chung là nguồn lực đất nước là những thứ Đảng cộng sản bằng mọi cách phải kiểm soát bởi đó là nồi cơm của họ sao họ nhả ra được. Nếu không thì họ lấy đâu ra tiền, quỹ đảng không thể nuôi Đảng cộng sản hay bộ máy nhà nước này nên phải có nguồn lực như vậy. Nên tôi nghĩ không có thay đổi gì trong Điều 53 của Hiến pháp chừng nào Đảng cộng sản còn cầm quyền độc tôn như hiện nay.
RFA : Theo chị, đối với những người dân khác đang gặp rắc rối về những tranh chấp đất đai với chính quyền ở các địa phương khác trên cả nước, vụ Đồng Tâm có thể cho họ bài học gì ?
Phạm Đoan Trang : Với những người dân oan tranh chấp đất đai ở những địa phương khác cũng như với người dân Việt Nam nói chung, tôi cho rằng vụ Đồng Tâm để lại một ấn tượng, một bài học không có điểm dừng trong cách hành xử tàn bạo của nhà nước cộng sản công an trị như nhà nước Việt Nam bây giờ. Họ sẽ không bao giờ chọn biện pháp đối thoại chính trị ôn hòa hay vận động một cách lương thiện, thuyết phục một cách đàng hoàng, văn minh mà bao giờ cũng là bạo lực. Họ luôn nghĩ bạo lực trước tiên, bạo lực là đòn mạnh nhất và hiệu quả nhất mà họ nghĩ và dùng luôn trong mọi trường hợp. Tôi nghĩ bài học rút ra là chúng ta không nên mơ hồ về sự tàn bạo và vô nhân của bộ máy nhà nước công an trị. Một bên đã hành xử quá mức như vậy thì bên kia tìm cách đối phó rất khó khăn. Chúng ta đều thấy thuyết phục bên ngoài thì họ không nghe, còn đấu tranh thì bị đàn áp, vậy giải pháp nào vẫn là câu hỏi rất đau đầu.
RFA : Liệu chính quyền Việt Nam có rút ra được bài học gì từ vụ Đồng Tâm này ?
Phạm Đoan Trang : Chính quyền Việt Nam chỉ rút ra bài học trong vụ đồng Tâm này nếu họ thất bại. Tức nếu họ thấy cách sử dụng bạo lực không đi về đâu, thậm chí gây thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến nồi cơm, đến tiền và tính mạng của họ thì họ mới rút ra bài học chứ với tình trạng vẫn không làm sao cả thì họ sẽ không rút ra bài học nào. Nguyên tắc của những kể gây tội ác là khi cái ác không bị kiểm soát, những người gây tội ác không bị chịu trách nhiệm thì chẳng có lý do gì để đảng cộng sản dừng khủng bố và đàn áp. Bởi vì họ không bị chế tài, không bị trừng phạt mà lại hiệu quả vì mỗi lần làm như vậy thì nỗi sợ lan rộng, vậy tại sao không làm ? Họ sẽ còn dùng tiếp phương pháp bạo lực của họ.
RFA : Báo cáo đề cập đến 4 yêu cầu, chị có hy vọng gì về việc những đề xuất này sẽ được thực hiện hay không ?
Phạm Đoan Trang : Tôi nghĩ không có hy vọng gì. Đề xuất yêu cầu chính quyền Việt Nam tổ chức điều tra độc lập hoặc để các phái đoàn quốc tế vào điều tra thì thôi nghĩ chúng ta đều biết không có chuyện đó. Nhưng dù vậy vẫn cần được nêu ra bởi vì cần cho thế giới cũng như dân trong nước thấy sự từ chối hành xử văn minh của nhà nước cộng sản Việt Nam thế nào.
RFA : Chị đã nhận được phản hồi gì từ các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức nhân quyền về báo cáo này ?
Phạm Đoan Trang : Họ đang đọc. Tất cả đều cảm ơn và nói rằng thời điểm này họ cực kỳ cần tài liệu như vậy vì họ không có nguồn thông tin nào. Họ cũng như chúng ta nguồn tin đều từ Bộ Công an thì họ cần báo cáo như vậy. Tôi nghĩ họ sẽ có các động thái liên quan trong thời gian tới.
RFA : Tiếp theo, nhóm hành động vì Đồng Tâm có dự định làm gì nữa thưa chị ?
Phạm Đoan Trang : Chúng tôi vẫn dự định làm rất nhiều việc những không nói công khai được vì phải bảo vệ nguồn tin và giữ bí mật chính những việc mình đang làm để công an không phá.
RFA : Theo Ân Xá Quốc Tế đã có 3 facebookers bị bắt giữ vì đưa tin về Đồng Tâm. Công bố bản báo cáo vào lúc này, chị có sợ nguy hiểm gì cho bản thân cũng như những người cùng thực hiện ?
Phạm Đoan Trang : Thật ra cũng như những người khác, tôi cũng sợ, tôi cảm thấy được sự căm thù của công an đối với mình lên mức nào nhưng việc thì vẫn phải làm vì sợ hay không sợ thì họ vẫn đàn áp, đâu phải vì mình sợ hãi mà họ buông tha. Tôi luôn nghĩ nỗi sợ hãi ngăn chặn chúng ta làm mọi việc. giả sử bây giờ mười mấy ngàn nhà báo, hơn 1.000 cơ quan báo chí, giá như mỗi cơ quan báo chí chỉ cần một nhà báo dám lên tiếng thì đã có dân chủ lâu rồi. Vấn đề là nỗi sợ đã giết chúng ta, khiến chúng ta không làm được gì. Trước khi công an cộng sản hay nhà nước cộng sản kịp ra tay thì chúng ta đã thúc thủ.
RFA : Cảm ơn chị đã dành thời gian cho RFA.
Nguồn : RFA, 17/01/2020
*********************
Báo cáo đầu tiên về vụ Đồng Tâm được xuất bản không do chính quyền kiểm duyệt
RFA, 16/01/2020
Một nhóm các nhà báo, nhà hoạt động ở Việt Nam mới đây đã thành lập nhóm Hành động vì Đồng Tâm nhằm thu thập, kiểm chứng và công bố các thông tin liên quan đến vụ đụng độ ở Đồng Tâm.
Báo cáo Đồng Tâm - Ảnh minh họa
Nhóm này cho biết sẽ thu thập thông tin từ các bên liên quan nhằm tìm kiếm sự thật và công lý cho các nạn nhân, bao gồm cả người dân lẫn nhân viên công lực.
Hôm 16/1, tiếp theo sau sự thành lập của nhóm Hành Động vì Đồng Tâm, Nhà xuất bản Tự Do đã xuất bản Báo cáo Đồng Tâm bằng tiếng Anh với những thông tin mới nhất tổng hợp từ các nguồn bao gồm từ các Facebooker vẫn giữ liên lạc với người dân Đồng Tâm và cả nguồn của báo chí nhà nước.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, một trong những người sáng lập nhóm Hành động vì Đồng Tâm, viết trên trang Facebook cá nhân rằng báo cáo được xuất bản chỉ 7 ngày sau vụ đụng độ, vào khi các thông tin đến từ Đồng Tâm rất hạn chế.
"Suốt từ vụ tấn công đêm mồng 8, rạng ngày 9/1/2020 đến nay, nhà cầm quyền vẫn đang bao vây làng Đồng Tâm, cắt điện, cắt internet… Nguồn thông tin mà chúng tôi có được chỉ từ các facebooker nổi tiến có mối liên hệ với dân Đồng Tâm và một ít sự thật khó khăn lắm mới gạn lọc, cóp nhặt được từ các nguồn chính thống của chính quyền. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thông tin mập mờ và trái ngược nhau, vì ngay cả người dân Đồng Tâm cũng chưa có đủ thông thông tin về người thân của họ, những người đang bị bắt giữ hoặc mất tích". Nhà báo Phạm Đoạn Trang viết trên Facebook về bản báo cáo.
Báo cáo được cho biết đã và đang được gửi tới các tổ chức nhân quyền quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam, nhằm kêu gọi sự quan tâm và vào cuộc của cộng đồng quốc tế đối vụ việc bi thảm ở Đồng Tâm.
********************
Ra mắt báo cáo Đồng Tâm
VNTB, 16/01/2020
Hưởng ứng nỗ lực của nhóm "Hành Động Vì Đồng Tâm" nhằm tìm kiếm công lý cho các nạn nhân Đồng Tâm, Nhà xuất bản Tự Do trân trọng cho ra mắt "Báo cáo Đồng Tâm", bản tiếng Anh, chỉ 7 ngày sau khi vụ việc xảy ra.
Suốt từ vụ tấn công vào đêm mồng 8, rạng ngày 09/01/2020, đến nay, nhà cầm quyền vẫn đang bao vây làng Đồng Tâm, cắt điện, cắt internet… Nguồn thông tin mà chúng tôi có được chỉ từ các facebooker nổi tiếng có mối liên hệ với người dân Đồng Tâm và một ít sự thật khó khăn lắm mới gạn lọc, cóp nhặt được từ các nguồn chính thống của chính quyền. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thông tin mập mờ và trái ngược nhau, vì ngay cả người dân Đồng Tâm cũng chưa có đủ thông tin về người thân của họ, những người đang bị bắt giữ hoặc mất tích. Trong điều kiện như vậy, bản báo cáo khó mà đầy đủ. Và do đó, chúng tôi (nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm và Nhà xuất bản Tự Do) sẽ thường xuyên cập nhật báo cáo, ngay khi có những thông tin mới.
Báo cáo này đã và đang được gửi đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam, nhằm kêu gọi sự quan tâm và vào cuộc của cộng đồng quốc tế đối với vụ việc bi thảm tại Đồng Tâm, trong nỗ lực tìm kiếm công lý cho các nạn nhân Đồng Tâm.
Chúng tôi cũng xin đăng tải công khai và giới thiệu rộng rãi báo cáo nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin tổng quan về vụ việc, những thông tin gần sát nhất với sự thật đã diễn ra trong cái đêm kinh hoàng của người Đồng Tâm.
Bản song ngữ Anh – Việt sẽ được chúng tôi cập nhật và đăng tải sớm trong vòng vài ngày tới.
Trân trọng kính mời quý độc giả đọc và giúp phổ biến
Đọc trực tiếp tại đây :
————————————————–
Introducing to Report on Dong Tam
Thanks to efforts of the Dong Tam Task Force, who seek justice for the victims of Dong Tam, Liberal Publishing House is proud to introduce "Fighting Over Senh Field : A Report on the Dong Tam Village Attack", put together and published only a week after the event transpired.
From the early morning hours of January 9 to now, the Vietnamese government continues to keep Dong Tam village under lockdown, cutting electricity and the internet…The only information we’ve been able to receive are from prominent activists on Facebook who are managing to stay in touch with the residents. A number of salient facts have already leaked out, including the torture of leader Le Dinh Kinh’s wife Du Thi Thanh, but there is sure to be more.
Due to media being state-run in Vietnam, we are only getting slices and glimmers of the difficult situation occurring. There’s still a lot of ambiguous and contradictory information coming out because the Dong Tam residents themselves are not receiving any information regarding their loved ones who have been arrested or disappeared.
Under these conditions, the report is not yet comprehensive. However, we (the Dong Tam Task Force and Liberal Publishing House) will regularly update the document as we receive new information.
This report has been sent to international human rights organizations and various embassies in Vietnam, in order to call their attention to this tragedy and help the victims of Dong Tam find justice.
We are also posting this report publicly and widely in order to provide readers an overview of the event, with the most accurate information possible on the horrific night that transpired for the residents of Dong Tam.
We are currently working on a Vietnamese translation, which will be posted in the next few days.
PLEASE READ AND SHARE THIS REPORT, TO LET THE WORLD KNOW WHAT’S GOING ON IN DONG TAM.
Direct (and free !) download here :
Translated by Will Nguyen
Nguồn : VNTB, 16/01/2020
**********************
Biến cố Đồng Tâm và tâm tình một số đồng đảng
Trân Văn, VOA, 16/01/2020
Đã tròn một tuần từ lúc xảy ra biến cố Đồng Tâm nhưng cuộc tấn công vào làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục là chủ đề thảo luận chính của nhiều triệu người Việt cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam.
Chân dung cụ Lê Đình Kình - Ảnh minh họa
Cho dù hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức khăng khăng bảo rằng, những thông tin, hình ảnh, ý kiến chỉ trích cuộc tấn công này nếu không phải là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động thì cũng xuất phát từ những cá nhân nhẹ dạ, dễ bị kích động, thành ra công chúng cần cảnh giác đừng để kẻ xấu lôi kéo, tuy nhiên diễn biến trên mạng xã hội cho thấy rất rõ : Càng ngày càng nhiều đảng viên, kể cả lão thành cách mạng, tỏ ra bất bình về cách hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sử dụng vũ lực để giải quyết điểm nóng Đồng Tâm, đặc biệt là "tiêu diệt" cụ Kình, cũng như lối hành xử sau cuộc tấn công.
Thiên hạ luận chọn – giới thiệu suy nghĩ của hai facebooker cùng là đảng viên, cùng là giáo viên (giới vẫn được xem như biểu hiện của chừng mực) và ý kiến phản hồi từ thân hữu đối với tâm tình của họ, mời quí vị tham khảo...
***
Sau biến cố Đồng Tâm, facebooker Hà Phi (1) – một giáo viên cư ngụ tại Huế, đồng thời là một đảng viên – liên tục chia sẻ với 5.000 thân hữu những trăn trở liên quan đến "đồng đảng Lê Đình Kình".
Ở status "Cứ cho rằng tên Kình là tội phạm", Hà Phi nhấn mạnh sự ngao ngán khi "tên Kình" chính là "đồng chí có 85 tuổi đời, 55 tuổi đảng", từng là Huyện ủy viên, Bí thư xã, Chủ tịch xã. Hà Phi không đồng tình với lý do tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, nại ra để biến "đồng chí Kình" thành "tên Kình" : Cho dù cụ Kình "không có quyền lợi, không có đất ở, đất canh tác trên cánh đồng Sênh, trong sân bay Miếu Môn" nhưng không thể xem việc cụ phản đối là tội. Một đảng viên đúng nghĩa cần gì phải có quyền lợi mới hành động ? Tại sao không nhìn cụ Kình theo cách mà đảng vẫn đòi hỏi đảng viên phải tích cực thực hiện "nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, đơn vị" ?
Theo Hà Phi, trong trường hợp "đồng chí Kình" có dấu hiệu suy thoái đạo đức, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, có dấu hiệu vi phạm "Điều lệ Đảng" thì công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng phải từ : Chi bộ làng Hoành, Đảng bộ xã Đồng Tâm, Đảng bộ huyện Mỹ Đức, Đảng bộ thành phố Hà Nội, thậm chí Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương đảng,… Ông thắc mắc, những nơi này đã chỉ đạo giải quyết dấu hiệu vi phạm của "đồng chí Kình" chưa ? Nếu có vi phạm thì việc tổ chức kiểm điểm, kỷ luật "đồng chí Kình" đã đến đâu ? Hà Phi nhấn mạnh : Cho đến khi bị giết, "đồng chí Lê Đình Kình vẫn đang là đảng viên, đang cần sự bảo trợ đảng viên của Đảng".
Hà Phi lắc đầu khi một nhóm 30 tên có thể là… bất hảo, nghiện ngập, do các thế lực thù địch ở nước ngoài kích động, mua chuộc, với một bồ vũ khí thô sơ tự tạo mà dám đối đầu Công an Hà Nội thì quả là một đám khỉ bị điếc không sợ súng. Nếu họ vi phạm, chúng ta có hệ thống chính trị, có chính quyền bốn cấp... Dưới sự lãnh đạo của đảng, chúng ta đã đánh 600.000 quân Tàu vượt qua biên giới, buộc chúng phải rút thì… sá gì đám giặc cỏ này ? Tại sao không dụ họ đến đồng Sênh, dụ họ phá hàng rào sân bay ? Chỉ cần dùng tay không, cả trung đoàn Cảnh sát cơ động cũng có thể trói gô ‘thằng giặc già và đồng bọn’… Đến nhà của ông ta làm gì cho khó ăn, khó nói với nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế (1) ?
Sau status vừa dẫn, tâm tình thêm với thân hữu, Hà Phi bảo rằng : Cái chết của cụ Kình làm cho nhiều người, trong đó có tôi, không đoán định được điều gì sẽ đến với bản thân mình, không biết lúc nào thì mình trở thành kẻ phản động, khủng bố, không biết lúc nào thì mạng sống của mình bị cướp đi, không biết lúc nào thì danh dự của mình bị vùi dập, bị bôi nhọ... cho dù mình chỉ thành tâm mong muốn điều tốt đẹp cho dân, cho nước.
Mấy hôm nay, trên hệ thống truyền thông, trên mạng xã hội, nhiều người có học vấn cao, có địa vị xã hội lớn nhưng mất dạy đã miệt thị một con người 55 tuổi đảng, 85 tuổi đời dù tổ chức đảng chưa kết luận cụ Kình "có vi phạm", chưa có bản án nào có hiệu lực.
Facebooker vốn là một giáo viên nghỉ hưu này nhận định : Việc nhiều cá nhân chỉ cỡ con cháu cụ Kình, chửi cụ là thằng này, thằng nọ, minh họa cho năm nguy cơ mà Lê Quý Đôn – một học sĩ uyên bác thời vua Lê, chúa Trịnh – từng cảnh báo là họa mất nước : Trẻ không kính già (vì già không đáng kính). Trò không trọng thầy (vì thầy không ra thầy). Binh kiêu tướng thoái (vì chẳng bao giờ ra trận). Tham nhũng tràn lan (vì không ăn cũng uổng). Sĩ phu ngoảnh mặt (vì nói chẳng ai nghe) ! Bên cạnh những facebooker như Dien Hoangchau cám ơn Hà Phi vì "đã nói lên nổi lòng của rất nhiều người", có những người như Tùng Xuân than : Vô phương cứu chữa rồi anh chị em ơi, đồng chí mình ơi !...
***
Giống như Hà Phi, facebooker Kim Van Chinh (2) cũng đưa ra nhiều suy nghĩ, nhận định về biến cố Đồng Tâm và ngày 16 tháng 1, ông viết một status để nhấn mạnh về lai lịch cũng như quan điểm của mình…
Tôi coi facebook là một diễn đàn rất bổ ích, thân thiện và tiện lợi, giống như môi trường xã hội của Việt nam và loài người có xu hướng ngày càng tiến bộ, văn minh và tiện dụng cho mọi người.
Khi về hưu như tôi, rời bỏ những hoạt động "trần tục", hoạt động trên facbook là mạng ảo và mạng internet nói chung rất bổ ích và lý thú đối với tôi, qua đó tôi có thể đóng góp cho xã hội và học tập thêm nhiều từ cuộc sống thật.
Tôi luôn công khai danh tính trên facebook (như quản trị facebook đòi hỏi). Tôi cũng phải dùng vài công cụ bảo mật để giữ an toàn nhất định cho nick name của mình.
Từ mấy hôm nay, sau vài bài viết về Vingroup và Đồng Tâm, tôi phải thêm một công cụ mà tôi cho là tự bảo vệ nick name facebook : tôi khai thêm mấy điểm ở hồ sơ cá nhân và tự giới thiệu thêm :
Tôi là Giảng viên cao cấp, Phó Viện trưởng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay đã nghỉ hưu). Tôi đã từng dạy rất nhiều các học sinh, các lớp cán bộ Bộ Công an, nhiều người nay là tướng, tá, nắm các chức vụ quan trọng trong ngành công an.
Tôi được cử đi học cũng trường ở Liên Xô (cũ) với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong các thế hệ học viên được học trường đó, hiện nay chỉ còn bác Nguyễn Phú Trọng là còn đương chức, làm việc. Mọi người đã nghỉ hưu hoặc nghỉ quản lý hết rồi.
Tại sao tôi phải viết status này ? Đơn giản là vì có một số cháu trẻ người non dạ mà tôi chắc chắn là làm việc cho lực lượng được gọi là dư luận viên nghe lệnh trên thế nào đó hiểu sai ý đồ hoặc nhận thức non kém, văn hóa thấp, không ý thức được hành động và hậu quả việc mình làm, hay vào facebook của tôi quấy phá bằng những công cụ, thủ đoạn bỉ ổi mà tôi không dám nói ra đây, sợ trong status này tôi có nêu cả bác Trọng ra làm vấy bẩn danh của bác ấy. Bác ấy mà đọc được có khi tăng xông lần nữa (4).
***
Bên dưới status vừa dẫn từ facebook của ông Kim Van Chinh có hàng trăm bình luận và có một đoạn đối thoại ngắn giữa ông với một thân hữu có nickname là Tuan Bazota mà nội dung thế này :
- Tuan Bazota : Cháu rất mong bác Trọng đọc được những dòng này
- Kim Van Chinh : Tôi không kết bạn và link với bác ấy, mong ai, nhất là các bạn học cùng trường có link, sao để bác ấy đọc thì tốt.
- Tuan Bazota : Bác Trọng chắc không dám dùng facebook đâu ạ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/01/2020
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/hoangtrongphien
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1493729754116563&set=a.198356270320591&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/kim.vanchinh
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2199082656861537&set=a.290385214397967&type=3&theater