Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đập tan đường dây đánh bạc : mở đường thúc đẩy 'siêu ủy ban' ra đời !? (VNTB, 13/03/2018)

Nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao bảo kê cho đường dây đánh bạc xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao. Thậm chí, máy chủ của đường dây đánh bạc này được đặt tại một công ty con của C50. Ngoài ra, con rể của vị Bí thư thành ủy Hà Nội – Phạm Quang Nghị cũng có liên đới đến sự vụ này.

congan1

Cảnh báo của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50)

Lợi nhuận cờ bạc từ đường dây đánh bạc xuyên quốc gia này một ngày lên đến hàng trăm tỷ đồng. Và những cán bộ cao cấp của ngành công an dính chàm. Nó gợi lại câu chuyện của viên đại úy cảnh sát phòng chống ma túy thuộc Bộ công an – ông Vũ Xuân Trường, người cầm đầu nhóm buôn ma túy khối lượng lớn hàng tạ làm rung động cả nước ; nó gợi lại câu chuyện những cán bộ cao cấp trong ngành công an từng đi đêm với Năm Cam (trùm xã hội đen, người chi phối các hoạt động kinh doanh phi pháp từ Bắc vào Nam, trọng điểm là tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 37, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh : Không để kẻ địch mua chuộc, tấn công vào nội bộ công an.

Và giờ đây, những ‘kẻ địch’ này có vẻ đang dần được lộ diện ; ‘địch chính là ta, và ta chính là địch’. Hay đúng hơn, nội bộ ngành công an chính là địch của ngành công an.

Tại sao lại có hiện tượng này xảy ra ?

Quyền lực lớn và khó kiểm soát, lực lượng công an nhân dân gần như kiểm soát từ tư tưởng đến hơi thở của xã hội (là thanh bảo kiếm như lời bà chủ tịch Quốc hội vừa mới nhắc lại trong ngày 11/03/2018). Lực lượng này được ưu ái đặc biệt từ lúc học trên ghế nhà trường cho đến các hoạt động công tác ; đến mức các vụ nổ súng vì thù oán cá nhân bị biến thành ‘vô ý xảy ra sai phạm trong quá trình công tác’, những hành vi tác động đến thể xác công dân được biến thành những mỹ từ như ‘gạt tay trúng má’ ; những hành vi tham nhũng đều được gắn nhãn là ‘vật giống tiền’.

Sự cẩn trọng, nâng niu, chiều chuộng lực lượng Công an nhân dân nhằm xây dựng hình ảnh cho lực lượng này đã trở thành một yếu điểm khiến cho chính lực lượng này ; là sự ảo tưởng không gì xâm phạm được ; là các sai phạm to có thể biến thành nhỏ, và từ nhỏ biến thành không. Nói theo văn dân gian là ‘kiêu binh nổi loạn’. Đó là lý do vì sao ông Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng đầu tiên của C50 lại dính chàm.

Do đó, khi đối diện với tin một vị ‘tướng công an’ bị truy tố vì ‘bảo kê hành vi tội phạm’ thì có thể thay thán từ ‘thật không tin nổi nữa’ thành ‘không gì là không thể’.

congan2

Lực lượng công an nhân dân được biệt đãi vì tính chất gắn liền với chế độ 

Và càng không gì là không thể khi sự bảo bọc đã tạo ra lớp bình phong quá tốt cho sự tham nhũng ngay trong lực lượng này. Dẫn đến cái nghịch lý, vì lực lượng thanh gươm của Đảng, lại vừa là lực lượng hành pháp : ta chống ta.

Trong 'Dự báo diễn biến tình hình chính trị của Việt Nam trong thời gian tới' của tác giả Phạm Hưng Quốc (báo Công an nhân dân cũng vừa lên tiếng phản bác qua bài viết ‘Dự báo diễn biến tình hình chính trị Việt Nam trong thời gian tới’ - một sự suy diễn xuyên tạc và thiển cận) thì một trong những nguy cơ cần được ông Nguyễn Phú Trọng và đồng chí của ông ta hóa giải là : Các cơ quan sức mạnh của nhà nước Việt Nam hiện nay lại chính là nhưng cơ quan có tham nhũng nhiều nhất, trầm trọng nhất trong đó đặc biệt là cơ quan công an, vây khi "đánh" vào các nhân vật chủ chốt của các cơ quan này thì liệu có đảm bảo được an ninh, quốc phòng cho đất nước hay không ?

Nói đúng hơn, chạm tới lực lượng công an, và đi đến cùng của cơ quan hành pháp này trong câu chuyện chống tham nhũng có khả năng đi đến ‘vỡ bình’. Mà nếu tiếp tục giữ ‘ung nhọt’ này thì vỡ bình nó vẫn sẽ diễn ra, dù có thể theo chiều hướng khác hơn.

‘Niềm tin xã hội’

Khi sự việc dần được hé mở, thì trạng thái và cảm xúc xã hội có thể định lượng được bằng sự phản hồi của nhiều người trên mạng xã hội và hệ thống phản hồi của các trang báo điện tử. Ngoài bày tỏ sự ngạc nhiên, thì không ít phản hồi bày tỏ niềm tin trở lại.

Niềm tin trở lại khi họ nhận ra, đã có những bước đi trong vùng cấm của chống tham nhũng, và trạng thái này rất đáng chú ý trong việc thúc đẩy trở lại niềm tin của xã hội. Nhất là đối với một lực lượng được coi là ‘bất diệt’ như công an.

Vấn đề là, sau khởi tố là như thế nào ? Có đưa nốt những nhân vật liên quan, đứng đằng sau ra hay không ? Hình thức phạt tội có ‘chính xác, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật’ như cách ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong buổi họp báo của Đảng ủy công an trung ương (11/03) hay không ? Hay cũng như Trần Mai Hạnh, người từng bị buộc tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật để chạy tội cho Năm Cam bị tuyên án 9 năm tù, tuy nhiên thực tế chỉ thụ án 2 năm tù. Quan trọng hơn, là làm thế nào để tạo ra một cơ chế giám sát đối với lực lượng công an, để tránh tái diễn tình trạng tham nhũng trong nội bộ lực lượng này ?

congan3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang vực dậy niềm tin xã hội vào công cuộc chống tham nhũng của Đcộng sản Việt Nam ?

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể gặp khó và sự chống đối ngay trong Đảng khi chỉ đạo xử lý vụ việc này, và ông có thể tận dụng lại quan điểm và nguyên tắc từng được tuyên bố trước đó : Lòng dân ủng hộ, đang làm rồi phải làm tiếp, không dừng lại.

Muốn lòng dân ủng hộ, thì suy cho cùng phải quay trở lại câu chuyện cởi trói cho báo chí, hãy minh bạch thông tin, và hãy tạo ra cái lồng nhốt quyền lực lại. Bởi nếu không có những yếu tố này, thì sẽ không có tấm khiên công luận bảo vệ, và sự bít kín thông tin sẽ tạo ra lợi thế cho những người đảng viên cấp cao với chức vụ và quyền hạn sinh sát trong tay ; trên hết – nó sẽ khiến cho ngay cả những người chỉ đạo sẽ bị K trước khi đến cùng sự vụ.

Đây rõ ràng là bài toán khó, nhưng có vẻ những bước đi trước đó trong nắm quân đội và công an, tăng cường sự hiện diện của chức vụ tổng bí thư trong 2 lực lượng này đã tạo điều kiện thuận lợi tối thiểu cho sự chỉ đạo từ phía ông Tổng bí thư. Và việc sử dụng truyền thông lẫn mạng xã hội tuồn tin là bước đi có phần đảm bảo an toàn trong chỉ đạo từ ông Nguyễn Phú Trọng.

Sự kiện thúc đẩy 'siêu ủy ban' ra đời !

Báo Pháp luật trong tin bài ngày 12/03, tức sau 1 ngày khi có tin bắt vị đứng đầu cục C50, trong đó đặt ngay câu khẳng định của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức trung ương - người được cho là phát ngôn sau của những chính sách tương lai của Đcộng sản Việt Nam. Theo đó : Đến lúc cần có ‘siêu ủy ban’ chống tham nhũng. Ông Hương bày tỏ mong muốn 'kiểm soát quyền lực một cách độc lập', 'độc lập' nghĩa là siêu ủy ban sẽ bắt bất kỳ ai trong xã hội nếu nó gây tồn vong cho chế độ. 

'Các tổ chức, cá nhân, bất kể là ai, ở cương vị nào, trong hay ngoài Đảng, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đạo đức công vụ, đều phải bị điều tra.', ông Hương chia sẻ với PLO.

Như vậy, mô hình siêu ủy ban sẽ giống như bên Trung Quốc, và lần này, những cán bộ trong Đảng không giấu được tham vọng học tập theo anh hai để kiềm chế và kiểm soát vấn nạn tham nhũng, khi mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đã bị giới hạn khả năng - do khi cần chạm đến Ủy viên Bộ chính trị thì cần thiết phải thực hiện công tác đảng vận - để tạo sự đồng thuận trong nội bộ 16 người trước khi tiến hành 'bắt giữ' hay 'truy tố trước pháp luật'. Đó là vì sao, ông Hương đã phải rào trước bằng quan điểm, hiện nay, trpng cơ cấu tổ chức của Việt Nam, không có một cơ chế nào đủ quyền lực bằng các ủy viên Bộ Chính trị, là trung tâm quyền lực và kiểm soát quyền lực.

congan5

Ông Nguyễn Đình Hương khuyến khích sự ra đời sớm 'siêu ủy ban' nhằm chống tham nhũng

Như vậy, siêu ủy ban sẽ phải trên Bộ Chính trị, đưa từ tập thể 16 người trở về tập thể 496 người (Đại biểu quốc hội). Tuy nhiên, tính độc lập lúc này cũng cần được đặt ra nó như thế nào và ra sao ? Bởi Việt Nam cũng hình thành một số tổ chức có chế định độc lập như : Kiểm toán nhà nước ; Hội đồng bầu cử quốc gia. Nhưng những định chế này cũng gặp phải nhiều sự nghi ngờ, bởi sự phụ thuộc tính đảng ngay trong nội bộ tổ chức, cụ thể như người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước lại là ông Hồ Đức Phước - Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng. Ủy viên Ban chấp hành thì làm sao quyền lực và giữ quyền lực lại bằng 16 vị trong Bộ chính trị. Giả như nếu siêu ủy ban là do Ủy viên Bộ chính trị đứng đầu, thì tính tập thể trong biểu quyết và quyết định giữa Bộ chính trị lẫn siêu ủy ban sẽ được tính toán ra sao nhằm tránh thực trạng 'một rừng mà có hai chúa sơn lâm' ?

Ngay cả Siêu ủy ban ra đời chỉ chịu trách nhiệm bởi Quốc hội thì Quốc hội đó trước hết phải có thực quyền, nhưng từ lâu nay, Quốc hội Việt Nam nhiều lần bị Chính phủ và phái Trung ương Đảng vượt mặt ? Vậy tính toán thực quyền và tính độc lập sẽ được tiến hành như thế nào ?

Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post của Hong Kong ngày 12/03 cho hay, Quốc hội Trung Quốc vừa chính thức lập ra Ủy ban giám sát quốc gia (NSC) - một siêu ủy ban nhằm chống tham nhũng. NSC sẽ có vị thế gần bằng nội các, cao hơn Tòa án tối cao và Văn phòng công tố tối cao. Tổ chức này được trao quyền bác bỏ quyền của nghi phạm được tiếp cận với luật sư, và theo đó, các nghi phạm bị cấm tiếp xúc luật sư trong thời gian họ bị giam giữ. Điều này trước đó vốn được nêu ra trong quy định của Đảng cộng sản Trung Quốc chứ không căn cứ theo luật pháp của một nhà nước pháp quyền. Như vậy, nếu siêu ủy ban ra đời tại Việt Nam, liệu nó áp dụng phổ rộng các nguyên tắc hành xử vốn áp dụng cho Đảng viên trước đó, tiền đề cho sự xâm hại quyền con người ?

Ánh Liên

****************

Sau Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa sẽ là Trung tướng Phan Văn Vĩnh ? (CaliToday, 12/03/2018)

"Thằng chống ma túy thì buôn ma túy

Thằng chống tham nhũng thì tham nhũng

Thằng chống tội phạm thì phạm tội"

(Facebook Ledungvova)

Hai tháng sau vụ chỉ đạo bắt Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ "Nhôm") vào tháng Giêng năm 2018, vụ khởi tố và tống giam Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – người vừa được "thôi chức" Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ công an là một đòn "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là "bất khả xâm phạm" này.

congan6

Trung tướng Phạm Quý Ngọ – Thứ trưởng bộ công an (phải) trao quyết định Tổng cục trưởng cảnh sát nhân dân cho Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh. Vào đầu năm 2014, ông Phạm Qúy Ngọ bất ngờ bị đột tử. Cái chết không rõ ràng của ông Ngọ vẫn gây tranh cãi cho đến ngày nay. Ảnh : Tổng cục Cảnh sát

Khác hẳn với không khí im bặt của báo chí nhà nước trước vụ "Mobifone mua AVG" mà ông Trọng cùng cơ quan Ban bí thư của ông vừa chỉ đạo xử lý vào ngày 8/3/2018, một số tờ báo nhà nước đã lập tức có ngay không chỉ tin tức mà cả bài bình luận ngay sau ngày 11/3/2018 là lúc Nguyễn Thanh Hóa được chính thức thông báo bị khởi tố và bắt giam.

Nếu ở vụ "Mobifone mua AVG", có dấu hiệu cho thấy Ban bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương chưa muốn báo chí nhà nước rầm rộ khai thác thông tin của vụ này do tính chất "nhạy cảm" – nhiều khả năng liên quan đến vai trò của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì với vụ Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao trở thành kẻ chủ mưu "đánh bạc công nghệ cao", hiện tượng Văn phòng trung ương đảng công bố các chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng và Ban bí thư, đồng thời Bộ công an ra thông báo về vụ án này trong cùng ngày đã cho thấy tín hiệu "mở van" của ông Trọng để "kiến tạo" một chiến dịch truyền thông đủ mạnh nhằm công khai hóa vụ án này, trái ngược với một số đồn đoán trước đó về việc Bộ công an "xin" tổng bí thư cho "xử lý nội bộ" vụ Nguyễn Thanh Hóa và một nhân vật liên quan khác có liên quan là Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân.

Cần nhắc lại, vào ngày 12/1/2018, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà – được cho là khá thạo tin tức nội bộ – đã phát tin : "Gần tháng trước, trung tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm xùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club".

Facebooker này cũng cho biết : "Vào cuối tháng 8.2017, hai cổng game cờ bạc Rikvip và Tip.Club đã phải tạm ngừng hoạt động vô thời hạn ; các ứng dụng trên App store, Androi và Window phone cũng bị gỡ bỏ… Kéo theo là hàng loạt các đại lý cấp 1 bị bắt, cùng đại gia game bài là Dương, con rể 2 của cựu UVBộ chính trị Phạm Quang Nghị. Mở rộng điều tra, rất nhiều tướng tá ngành công an dính vô vụ này… Liên quan vụ này còn có tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50)" và "Doanh thu của hai sới bạc online tiền ảo đổi tiền thật trên, được biết ước tính khoảng 8.000 tỉ/tháng".

Nhưng cùng ngày 12/1/2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng Bộ công an – lại "phản ứng nhanh" khi thông tin cho báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh : "Hiện chưa có thông tin gì về việc khởi tố này. Đây là thông tin không có căn cứ, cơ sở gì".

Cách nói của Thiếu tướng Lương Tam Quang có thể được hiểu là "chưa có thông tin về khởi tố" chứ không khẳng định "sẽ không khởi tố" đối với Trung tướng Phan Văn Vĩnh.

Khi đó, chỉ cần quan sát và thống kê trên mạng xã hội cũng có thể dễ dàng nhận ra phần lớn ý kiến thể hiện mối tin cậy vào thông tin của Facebook Lê Nguyễn Hương Trà mà chẳng mấy tin tưởng vào lời giải thích của Thiếu tướng Lương Tam Quang.

Bất chấp tuyên bố của Thiếu tướng Lương Tam Quang, từ đó đến nay Bộ công an vẫn không hề có một hành động tối thiểu là đưa Trung tướng Phan Văn Vĩnh ra xuất hiện trước công luận, kèm theo phát ngôn, hình ảnh và video để có thể xóa tan được mối nghi ngờ về việc ông Vĩnh bị bắt.

Khi đó, đã có đánh giá rằng nếu trong một thời gian ngắn nhất mà Bộ công an không thể đưa hoặc "vận động" Trung tướng Phan Văn Vĩnh ra "trình diện" trước công chúng, người ta sẽ chắc chắn rằng ông Vĩnh bị bắt thật và vụ bắt bớ này có thể mở màn cho một loạt biến động lớn trong Bộ công an chính vào năm 2108 này.

Ngày càng dày đặc đồn đoán về khả năng Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã "an trí" ở đâu đó, hoặc ông Vĩnh sẽ chính thức trở thành người "theo chân" Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa.

Còn Bộ công an thì rất nhiều triển vọng đang nằm trong tầm ngắm của ông Trọng.

Từ cuối năm 2017, đã lan tỏa tin tức về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng đang tính đến khả năng "cải tổ" Bộ công an Việt Nam. Theo đó, một đề án về sắp xếp lại bộ này đã được chuẩn bị, nhiều tổng cục vốn tồn tại như một cấp trung gian sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng, kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức công an sẽ không còn nữa.

Có lẽ Thượng tá Phan Văn Anh Vũ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa và Trung tướng Phan Văn Vĩnh chỉ là những "hy sinh" đầu tiên của Bộ công an.

Một dấu hỏi rất lớn mà nhiều dư luận đang đặt ra là phải chăng ông Nguyễn Phú Trọng đang nắm trong tay bản "danh sách tử thần" – kế hoạch xử lý quan chức trong năm 2018, với những chân dung mặc sắc phục công an ?

Thiền Lâm

********************

Hai tướng công an cộng sản Việt Nam bị ‘sờ gáy’ vì ‘đánh bạc’ (Người Việt, 11/03/2018)

Hôm 10 tháng Ba, Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay, Ban bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng kết luận vụ đánh bạc liên quan Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh "có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người".

congan7

Tướng công an Phan Văn Vĩnh. (Hình : Người Lao Động)

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, là cựu tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát thuộc Bộ công an cộng sản Việt Nam.

Số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài được truyền thông ghi nhận khoảng 3,6 triệu USD. Tuy vậy, tất cả các báo "lề phải" khi dẫn lại bản tin của Thông Tấn Xã đều không nhắc gì đến tên của ông Vĩnh, người được cho là cầm đầu đường dây này.

Chi tiết về "vụ đánh bạc quy mô đặc biệt lớn" không được truyền thông Việt Nam đăng tải chi tiết. Hồi cuối tháng Tám, 2017, hai cổng game cờ bạc Rikvip và Tip.Club phải tạm ngừng hoạt động vô thời hạn. Các ứng dụng trên App store, Android và Windows phone cũng bị gỡ bỏ. Kéo theo là hàng loạt các đại lý cấp một bị bắt, cùng đại gia game bài là con rể của cựu Ủy Viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị.

Hồi tháng Giêng, 2018, Bộ công an cộng sản Việt Nam bác tin trên Facebook Lê Nguyễn Hương Trà nói rằng Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát "đã bị bắt".

congan8

Tướng công an Nguyễn Thanh Hóa. (Hình : Soha)

Facebooker này tường thuật : "Mở rộng điều tra, rất nhiều tướng tá ngành công an dính vô vụ này. Trung tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm sùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club. Ông Vĩnh nguyên là tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát (Tổng Cục II) ; từng ghi dấu ấn sự nghiệp với vụ án Lê Văn Luyện và vụ bắt giữ Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên)".

Cùng ngày 10 tháng Ba, cổng thông tin điện tử của Bộ công an loan báo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) "bị Cơ quan An ninh điều tra-Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội "Tổ chức đánh bạc" theo Điều 249 – Bộ Luật hình sự cộng sản Việt Nam năm 1999".

Cũng theo trang này, trước khi bị bắt, ông Hóa "bị Chủ tịch Trần Đại Quang ký quyết định tước danh hiệu ‘Công an nhân dân’".

"Cơ quan An ninh điều tra-Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật".

Trên mạng xã hội có thông tin cho rằng ông Hóa đã giả điên trốn trong bệnh viện tâm thần cả năm trước khi bị bắt.

congan9

Căn nhà của tướng công an Nguyễn Thanh Hóa đang xây ở Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. (Hình : Môi Trường & Đô Thị)

Trước khi Bộ công an phát đi bản tin nêu trên, chiều cùng ngày, báo điện tử InfoNet của Bộ Thông tin và truyền thông dẫn lời ông Đỗ Văn Hoành, Giám đốc công an tỉnh Phú Thọ cho biết : "Cơ quan công an tỉnh đang khẩn trương điều tra, làm rõ, chưa có hình thức bắt bớ gì đối với ông Nguyễn Thanh Hóa cả".

Bản tin giống nhau trên các báo "lề phải" hôm 10 tháng Ba cho thấy "chỉ đạo" của Ban bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được cho là chỉ dấu của việc bắt giữ một loạt nhân vật trong Bộ công an liên quan đến vụ này.

Hồi tháng Giêng, 2018, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an đề nghị Tổng Cục an ninh thực hiện nhiều "nhiệm vụ trọng tâm" trong năm 2018, nổi bật trong số đó là nhiệm vụ "đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực của cán bộ công an".

Trong một diễn biến khác, cũng hồi tháng Giêng, 2018, báo điện tử Giaoduc.net.vn đã phải gỡ link bài của tác giả Nguyễn Như Phong kể về chuyện gặp tướng Phan Văn Vĩnh tại vườn nhà ông này nhằm bác tin đồn "Tướng Vĩnh đã bị bắt". (T.K.)

*********************

Tướng công an bị ông Trọng cho vào "lò" (RFA, 12/03/2018)

Vì sao là ngành công an ?

Kể từ đầu năm 2018 thì ông Hóa là nhân vật thứ hai trong ngành công an bị nhắm đến. Trước ông Hóa là ông Phan Văn Anh Vũ, một sĩ quan tình báo cho Bộ công an, bị bắt vì tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

congan10

Ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát công nghệ cao (C50) thuộc Bộ công an. Courtesy of Soha.vn

Ông Nguyễn Thanh Hóa là nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát Công nghệ cao (C50) thuộc Bộ công an. Ông Hóa bị cho đã tham gia bảo kê cho một đường dây đánh bạc qua mạng xuyên biên giới với quy mô rất lớn.

Hiện đã có khoảng 80 người bị khởi tố và 38 người bị bắt giữ liên quan đến đường dây này.

Việc ông Hóa bị bắt đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi vì lâu nay hiếm có một nhân vật trong ngành công an, một ngành được cho là lá chắn bảo vệ chế độ, bị đem ra xử.

Nhà quan sát chính trị Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ở Sài Gòn, nói với RFA rằng việc tướng Hóa bị bắt mang ba ý nghĩa quan trọng. Ông phân tích :

Đó là chỉ dấu cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đã giáng một đòn thẳng cánh vào ngành công an. Có khả năng đây là đòn phục vụ cho kế hoạch cải tổ ngành công an của ông Nguyễn Phú Trọng trong năm 2018, đi liền với đề án mà có thể được trình ra Bộ Chính trị vào Hội nghị trung ương 7. Năm 2018 sẽ sắp xếp lại ngành công an, trong đó sẽ bỏ các tổng cục làm cấp trung gian.

Ông Phạm Chí Dũng cho rằng Tổng bí thư ông Nguyễn Phú Trọng đang phát huy tác dụng trong Thường vụ Đảng ủy công an trung ương.

Ý nghĩa thứ hai, theo ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đang chuẩn bị khá kỹ cho một chiến dịch tổng công kích vào các đối tượng tham nhũng cũng như đối thủ chính trị của ông ấy. Điều này được thể hiện qua những cuộc tấn công vào Bộ công an, vụ Ban bí thư yêu cầu xử lý việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG và vụ việc ông Trần Quốc Vượng được giao hai chức Thường trực Ban bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, vị trí quyền lực thứ 2 chỉ sau ông Trọng.

Từ đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự đoán năm 2018 sẽ là một năm máu lửa với nhiều xáo trộn lớn, càn quét nhiều vụ tham nhũng lớn nữa.

Ý nghĩa thứ ba, ông nhận định :

Qua việc bắt Nguyễn Thanh Hóa, có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng phát ra một thông điệp đó là ông ấy không chỉ chống tham nhũng một bên, khiên cưỡng như người ta nói mà ông ấy đang chống tham nhũng một cách công bằng. Nghĩa là, ông chỉ chống tham nhũng phe đối phương mà còn chống tham nhũng cả phe ta nữa.

Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng bấy lâu nay được nhận thấy khá quyết liệt. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây thực chất là một thanh trừng phe phái, trong đó phe mà ông Trọng muốn nhắm đến chính là phe cánh của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cũng đồng tình với quan điểm này của tiến sĩ Phạm Chí Dũng, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng việc ông Hóa bị bắt cho thấy quyết tâm diệt tham nhũng không vùng cấm của ông Tổng bí thư :

Đối tượng kỳ này bị tấn công cũng chính là đối tượng từng là công cụ chống tham nhũng nhưng lại thực hiện tham nhũng. Điều này cho thấy cuộc chống tham nhũng này đã đi đến điểm mấu chốt, những điểm thắt rất quan trọng. Chỉ khi phá được những điểm thắt này thì cuộc đấu tranh mới có hi vọng mở lớn ra. Nhân đây cũng củng cố lại tổ chức để có những con người đàng hoàng hơn.

Cùng ngày ông Hóa bị bắt, Ban bí thư đã họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng. Tai đây, ông Trọng đã đề cập đến vấn đề suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong lực lượng công an.

Nói với RFA từ Hà Nội, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang nhận xét dù ông Hóa là thiếu tướng nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một con người, mà đã là con người thì "nhân vô thập toàn". Nói đến vấn đề lực lượng công an suy thoái đạo đức như lời ông Tổng bí thư, cựu đại tá Quang nhận xét :

Đấy là nhấn mạnh trong ngành công an thôi, chứ tôi cho rằng trong mọi lĩnh vực, mọi ngành, bao giờ cũng không thể tranh khỏi tha hóa, xuống cấp về đạo đức. Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh rồi, một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo cao cấp bị biến hóa, biến chất.

Nhắm đến ai ?

Về trường hợp của ông Hóa, báo chí trong nước nói rằng việc điều tra chưa dừng lại ở truy trách nhiệm cá nhân ông Nguyễn Thanh Hóa, mà có thể còn một số cán bộ từng giữ chức vụ cao hơn.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết, nhân vật "cao hơn" này được đồn đoán là Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Cục cảnh sát :

Ngay trước mắt người ta đồn đoán rất nhiều về ông Phan Văn Vĩnh. Không biết ông Vĩnh liên đới như thế nào nhưng có vẻ đây là trường hợp được đồn đoán rõ nhất. Trên ông Vĩnh nữa thì chưa biết ai, nhưng chắc chắn về mặt quản lý trách nhiệm, quản lý ngành và cán bộ thì từ Bộ trưởng cho tới dàn Thứ trưởng đều phải chịu trách nhiệm hết.

Ông Phan Văn Vĩnh từng có thời có tin đồn bị bắt cũng do dính líu đến đánh bạc trên mạng. Tin đồn lan rộng tới mức đích thân Bộ công an phải đứng ra giải thích, bác bỏ lời đồn bắt ông Vĩnh. Ông Phan Văn Vĩnh được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Tổng cục Cảnh sát.

Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng việc diệt trừ tham những trong ngành công an là đặc biệt quan trọng, bởi vì lực lượng công an là thanh bảo kiếm và là chỗ dựa của Đảng, Đảng còn công an còn. Theo ông, nếu ngành công an không trong sạch thì sinh mạng của Đảng sẽ chông chênh.

********************

Dân chơi tố cáo làm lộ đường dây cờ bạc triệu đô của tướng công an (Người Việt, 12/03/2018)

Người chơi cờ bạc trên mạng bị lừa mất tiền nên đi tố cáo, cuộc điều tra mở ra manh mối đường dây cờ bạc trá hình trị giá hàng triệu đô la trên mạng mà tướng công an bảo kê bị lộ diện.

congan11

Tướng công an Nguyễn Thanh Hóa. (Hình : Công an nhân dân)

Theo báo Thanh Niên, giữa tháng Năm, 2017, bà V.M. Phương ở thành phố Việt Trì tới công an tỉnh Phú Thọ trình báo việc ngày 16 tháng Năm, 2017, bà bị một người dùng tên giả lập trên facebook để lường gạt, lấy 110 thẻ cào điện thoại, tổng trị giá 55 triệu đồng.

Ngay sau đó, "Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, đến ngày 26 tháng Bảy, 2017 xác minh, bắt giữ Lê Văn Huy (21 tuổi, ở tỉnh Quảng Trị) là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương. Huy khai nhận sau khi chiếm đoạt tài sản của bà Phương, Huy đổi thành tiền ảo (của đại lý Lê Anh Dũng ở Đà Nẵng) để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip", tờ Thanh Niên kể.

Theo nguồn tin, trang mạng cờ bạc trực tuyến Rikvip là một trong những hoạt động chính của đường dây cờ bạc do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương quản lý, điều hành. "Phương thức này thực hiện thông qua ứng dụng game bài Rikvip mà người chơi có thể dễ dàng tải trên Google Play của hệ điều hành Android và Apple Store trên hệ điều hành IOS để chơi các trò chơi như tá lả, liêng, ba cây, sâm lốc, poker…".

congan12

Đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip

Tờ Thanh Niên nói : "Sau khi tạo tài khoản trong hệ thống, người chơi sẽ nộp tiền thật để mua tiền ảo dưới nhiều hình thức như : nộp qua thẻ cào điện thoại, thẻ ngân hàng… Mỗi ván bài, khi đánh thắng thì sẽ được lượng tiền ảo tương ứng như đã đặt cược nhưng bị trừ phần trăm phí cho nhà cung cấp game, đánh thua thì bị mất số tiền cược. Trên danh nghĩa, những người tham gia các trò chơi trên chỉ sử dụng tiền ảo nhưng thực tế, sau khi thắng, người chơi có thể sử dụng tiền ảo trong game này để đổi lấy hiện vật hoặc bán lại cho người khác có nhu cầu. Đường dây này đã thu hút hàng nghìn người tham gia chơi và đem lại những khoản lợi nhuận cực lớn cho đơn vị phát hành game".

Mở rộng cuộc điều tra, cơ quan an ninh điều tra tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các lực lượng của Bộ công an khám xét, bắt giữ các người cầm đầu và liên quan tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet tại công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt và công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao do Nguyễn Văn Dương làm chủ tịch Hội đồng quản trị ; tiếp đó bắt giữ Phan Sào Nam.

"Cơ quan chức năng đã xác định các công ty do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành với hoạt động của game bài Rikvip đã được một số cán bộ biến chất của Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tay. Trong đó, các hoạt động đánh bạc trá hình không bị xử lý theo quy định pháp luật, mà ngược lại còn mang danh nghĩa công ty nghiệp vụ để phục vụ cho lực lượng công an. Đây cũng chính là lý do khiến công an tỉnh Phú Thọ khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao" của Bộ công an cộng sản Việt Nam.

Cho đến nay, theo tin các báo tại Việt Nam, khoảng 80 người gồm cả tướng Nguyễn Thanh Hóa, cục trưởng C50 đã bị khởi tố trong đó 38 người đã bị tống giam. Nhiều ông công an khác cũng dính trong vụ này đã bị khởi tố nhưng không thấy nói chính xác con số. Riêng trường hợp tướng Phan Văn Vĩnh thì vẫn chưa thấy tin gì mới ngoài cái tin hồi tháng Giêng cải chính ông ta đã bị bắt.

congan13

Ông Phan Sào Nam khi còn là chủ tịch VTC Online. (Hình : Soha)

Số tiền "thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc" của đường dây trên được nói trên mặt báo là 2.777 tỉ đồng hay khoảng 122 triệu đô la tính theo giá biểu khoảng 44.000 đô la ăn 1 tỉ đồng. Hiện công an đã "tạm giữ, kê kiên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỉ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỉ đồng và 13 xe ô tô các loại".

Tướng Nguyễn Thanh Hóa đã bị bắt tạm giam hôm Chủ Nhật, 11 tháng Ba, 2018, khi đang nằm trong bệnh viện chữa bệnh "thần kinh". Ông ta bị đưa về nhà khám xét, tịch thu một số tài liệu. Báo chí cũng bới móc căn "lâu đài khủng" của ông Hóa xây trái phép ở Hà Nội đang trong tình trạng hoàn thiện nội thất.

Quy hoạch ở khu này chỉ được phép xây "3 tầng một tum" nhưng ông đã xây lên thành "4 tầng một tum". Một số báo đưa cả video clip cho thấy nhân công đang phá bỏ phần xây dựng trái phép. Một số người cho rằng căn phố này trị giá trên 20 tỉ đồng, hay khoảng trên dưới 900 ngàn đô la. Báo chí nói ông ta xây xong thì cho một công ty thuê làm trụ sở, giá thuê 30 triệu đồng một tháng.

Báo chí trong nước cũng thấy lôi ra chi tiết cá nhân hai ông trùm Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương điều hành trực tiếp các đường dây cờ bạc. Các ông này núp dưới danh nghĩa "nhập khẩu thiết bị công nghệ" che đậy các hành động bất hợp pháp.

Tướng Hóa tuy là người đứng đầu một cơ quan điều tra và trị tội những kẻ dùng "công nghệ cao" để hoạt động bất hợp pháp nhưng lại lợi dụng quyền hạn để bảo kê đang gây rúng động dư luận tại Việt Nam. Từ lâu, người ta biết những ông trùm công an cộng sản Việt Nam từ trung ương đến các địa phương đều là những kẻ quyền thế "luật là tao, tao là luật" bảo kê mọi chuyện bất chính. (TN)

Published in Diễn đàn