Hàng năm cứ đến ngày 30/4, người Cộng sản lại tổ chức lễ mừng chiến thắng vinh quang của năm 1975, và người Việt hải ngoại lại tổ chức tưởng niệm Ngày Quốc Hận khiến họ phải bỏ nước ra đi.
Bức tượng Thương Tiếc - do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tạc bằng bê tông cốt sắt đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được khánh thành vào ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19/06/1967 - được đúc bằng đồng năm 1970. Ảnh Nguyễn Thanh Thu
Cùng một sự kiện nhưng rõ ràng có hai cách nhìn trái hẳn nhau. Ở trong nước, trong rất nhiều gia đình, hai cách nhìn này đều có hết, và người ta cứ phải sống chịu đựng nhau như vậy chứ không có cách nào giải quyết được mâu thuẫn này. Và như thế trong 45 năm rồi. Chả trách ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng của nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã phải nói ra câu nói bất hủ sau đây về ngày 30/4 : "Đây là ngày có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn".
Năm 2012, tác giả Huy Đức cho xuất bản tập sách "Bên thắng cuộc". Với tựa đề như vậy, tác giả đã dứt khoát xác định "ai thắng ai thua" rất rõ ràng. Bên Cộng sản, tức là miền Bắc, là bên thắng cuộc, và bên Quốc gia, tức là miền Nam, là bên thua cuộc. Thế nhưng, ngay trong phần mở đầu, đề tựa là "Mấy lời của tác già", tác giả lại viết như sau : "Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30/4/1975 - ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc".
Là một người miền Nam, tôi chấp nhận là mình thuộc về "bên thua cuộc". Tôi không hãnh diện gì với nhận xét trên đây của tác giả Huy Đức, vì, suy cho cùng, chuyện "ai giải phóng ai", nếu có đúng như Huy Đức ghi nhận, thì cũng là chuyện "xảy ra sau khi chúng ta, những người Quốc gia ở miền Nam, đã thua cuộc rồi". Nhớ lại chuyện mấy trăm năm trước ở bên Trung Hoa : người Hán dù cho có hãnh diện vì họ đã Hán hóa được người Mãn đi nữa thì họ cũng bị người Mãn thống trị gần 300 năm. Người Quốc gia ở miền Nam chắc không nên tự hào đã "giải phóng" được người Cộng sản ở miền Bắc và chấp nhận bị Cộng sản thống trị thêm 255 năm nữa.
Những suy nghĩ mà tôi ghi ra sau đây là của một người thuộc về phía "bên thua cuộc" trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, 1954-1975. Tôi xin nói ngay là, không giống như những gì tôi đã từng viết ra trước đây luôn luôn được ghi chú rất rõ ràng vì đó là những công trình thuộc loại nghiên cứu, những suy nghĩ lần này, tuy cũng xuất phát từ kiến thức thu thập được từ những công trình biên khảo đúng đắn, được ghi ra một cách tự nhiên theo dòng suy nghĩ, hoàn toàn không bận tâm về việc ghi chú xuất xứ theo lối kinh viện.
Những bài học không được rút ra từ chiến tranh Việt Nam
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là về bản chất và tên gọi của cuộc chiến. Miền Bắc xem đây là một cuộc "chiến tranh giải phóng", giải phóng miền Nam khỏi đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới. Miền Nam thì xem đây là một cuộc "chiến tranh tự vệ" có chính nghĩa để chống lại xâm lược do miền Bắc gây ra, nhằm thôn tính miền Nam để áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên cả nước Việt Nam. Một số người miền Nam cũng xem đây là một cuộc "nội chiến huynh đệ tương tàn", giống như thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa vào bản nhạc "Gia tài của Mẹ" của ông : "hai mươi năm nội chiến từng ngày".
Người Mỹ thì gọi nhiều cách khác nhau : khi thì là "Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhì" (Second Indochina War), khi thì là "Tranh chấp Việt Nam" (Vietnamese Conflict) khi thì là "Chiến tranh Việt Nam" (Vietnam War) mà họ chỉ đến để giúp miền Nam chống lại ý đồ thôn tính của miền Bắc ; điều này rõ nét nhứt là dưới thời Tổng thống Nixon khi ông áp dụng chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh".
Những người có tầm nhìn rộng hơn, quốc tế hơn thì cho rằng đây là một cuộc "chiến tranh ý thức hệ" giữa hai phe Tư bản (hay Tự do) và phe Cộng sản. Cũng có người trong nhóm này gọi đó là một cuộc "Chiến tranh Ủy nhiệm" (Proxy war), miền Bắc đánh thay cho phe Cộng sản, và miền Nam đánh thay cho phe Tư bản. Dĩ nhiên, những nhóm người này đều có những luận cứ mà họ tin là đứng đắn để chứng minh cho cái nhìn và nhận định của họ về cuộc chiến.
Bản thân tôi cũng không thể đi ra ngoài điều này. Tôi cũng có những luận cứ mà tôi cho là đúng đắn để biện minh cho cái nhìn của tôi. Và cái nhìn đó là như sau.
Trước hết, tôi hoàn toàn bác bỏ cái gọi là "Chiến tranh Giải phóng". Lý do thật đơn giản mà cũng thật rõ ràng bởi vì nhân dân miền Nam Việt Nam, tức là những người sinh sống và làm việc trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa, hoàn toàn không có nhu cầu cần được giải phóng gì hết. Trong suốt thời gian 20 năm của cuộc chiến, nơi nào quân Cộng sản tiến chiếm thì dân chúng đều bỏ chạy, không hề có việc người dân cam tâm ở lại để được Cộng sản giải phóng cả. Trận Tết Mậu Thân 1968, Trận Mùa Hè đỏ lửa 1972, ngay cả Trận Tổng tấn công 1975, với số người tỵ nạn lên đến hàng triệu người, đã quá đủ để nói lên sự thật này rồi. Và sau ngày 30/4/1975, khi mà cả nước đã được "hoàn toàn giải phóng", việc hàng triệu người chấp nhận mất tất cả, kể cả sinh mạng của mình, bỏ nước ra đi (một hiện tượng chưa từng có trong suốt lịch sử hàng ngàn năm của đất nước và dân tộc) là một bằng chứng hùng hồn cho sự thật là người dân miền Nam thà chết chớ không không chịu để cho Cộng sản "giải phóng" họ. Các tên gọi còn lại của cuộc chiến, theo tôi nghĩ, đều có phần đúng, tùy theo cách thức và góc độ của người nhìn.
Đặt tên cho một cuộc chiến tranh là một chuyện rất quan trọng vì nó là bước khởi đầu cần thiết để thiết lập một chiến lược thích ứng để có thể tiến tới chiến thắng sau cùng. Miền Nam và đồng minh là Hoa Kỳ đã không làm được điều này. Trong nội bộ chính trường miền Nam, chúng ta không thống nhứt được cách nhìn về cuộc chiến nên hoàn toàn không có được một chiến lược đúng đắn cần có, đó là chưa nói đến việc chính quyền miền Nam quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ nên không dễ gì có được một chiến lược nào hoàn toàn độc lập với chiến lược của Hoa Kỳ. Tôi tin chắc là mọi người vẫn còn nhớ vụ tướng Nguyễn Khánh tuyên bố đòi "Bắc Tiến" vào tháng 7/1964 nhưng Hoa Kỳ không ủng hộ nên sau cùng phải dẹp bỏ chủ trương đó. Không lực Việt Nam Cộng Hòa, lúc đó do tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Tư lệnh, đã thực hiện hằng chục phi vụ Bắc phạt rồi cũng thôi.
Đồng minh Hoa Kỳ của chúng ta cũng vậy, vì thay đổi cách nhìn liên tục nên chiến lược cũng không thể nhất quán. Người dân Việt Nam Cộng Hòa, và dân chúng các nước trên thế giới, ai cũng đã nhìn thấy rõ sự thay đổi cách nhìn này của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam : "sau khi đã Mỹ hóa nó trong thời gian 1965-1968 - báo chí Mỹ đã gọi nó là Johnson’s War, McNamara’s War - mà vẫn không thay đổi được cục diện nên họ đã chuyển sang Việt-Nam-hóa nó, chuyển giao gánh nặng lại cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và tháo chạy.
Ngược lại, Cộng sản Bắc Việt, tuy cách nhìn cuộc chiến không đúng (như đã bàn ở trên) nhưng lại nhất quán, từ trước đến sau không bao giờ thay đổi, nên chiến lược "chiến tranh nhân dân" mà họ đề ra cho thích hợp với "chiến tranh giải phóng" được họ thực hiện, duy trì và phát huy đến mức hiệu quả tối đa từ đầu cho đến cuối.
Tuy nhiên, sự thất trận của miền Nam ngày 30/4/1975 thì hoàn toàn không mắc mớ gì đến cái gọi là "chiến tranh nhân dân" đó cả. Miền Nam đã thua và phải chấp nhận đầu hàng vì lực lượng quân sự chính quy của miền Bắc, vào thời điểm đó, đã vượt hẳn Quân lực Việt Nam Cộng Hòa về mọi mặt, về con số các sư đoàn tác chiến, và luôn cả các khía cạnh trang bị và tiếp vận. Miền Nam thua cuộc, trước hết, là vì lý do đó : cán cân lực lượng quân sự, vào năm 1975, đã nghiêng hẳn về phía Cộng sản.
Từ sự kiện này, bài học lớn cho các nhà lãnh đạo của miền Nam là : có chính nghĩa chưa chắc đã là một điều kiện tất thắng trong một cuộc chiến tranh tự vệ. Thật ra đây cũng không phải là một chuyện mới mẻ gì cả. Trong suốt mấy thế kỷ Nam Tiến của tổ tiên chúng ta, các dân tộc Chiêm Thành và Chân Lạp đều có chính nghĩa nhưng tất cả đều bị bại vong. Miền Bắc tuy không có chính nghĩa nhưng bù lại họ có quyết tâm cao, họ chấp nhận (hay nói cho đúng, họ cưỡng ép nhân dân miền Bắc phải chấp nhận) mọi hy sinh, gian khổ, nhứt quyết chiếm cho được miền Nam. Họ lại có được bè bạn tốt, hết lòng và kiên nhẫn giúp đỡ họ cho đến cùng. Ngược lại, miền Nam hoàn toàn trông cậy vào bạn đồng minh Hoa Kỳ nhưng người bạn này không những không hoàn toàn thực lòng giúp đỡ (đánh giặc mà không có chủ trương phải thắng) mà còn không có đủ kiên nhẫn đi đến cùng.
Bản chất cao bồi, xốc nổi, thiếu kiên nhẫn này của người dân và Chính phủ Mỹ ngày nay cả thế giới đâu còn lấy làm lạ nữa, nhứt là qua hai cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã tham gia gần đây tại Iraq và Afghanistan. Sự trở cờ, phản bội trắng trợn của Quốc hội Mỹ, dưới quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ, trong các năm 1974 và 1975, cắt giảm và đi đến cắt bỏ hoàn toàn quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa, đã là tác nhân chính đưa đến sự thất bại về quân sự của miền Nam.
Những đoàn xe hùng hậu chở người và vũ khí từ miền Bắc băng rừng Trường Sơn tiếp tế cho các lực lượng quân sự cộng sản ở chiến trường miền Nam trong suốt cuộc chiến
Theo cách suy nghĩ và nhận định của tôi, cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam phải và nên được xem là một cuộc chiến tranh xâm lược mang màu sắc ý thức hệ. Định nghĩa này có hai vế : "chiến tranh xâm lược" và "mang màu sắc ý thức hệ".
Vế thứ nhứt thì tương đối đơn giản, dễ hiểu, và hoàn toàn không xa lạ với dân tộc Viêt Nam. Đất nước ta đã trãi qua quá nhiều những cuộc chiến tranh thuộc loại này. Gọi nó là "chiến tranh xâm lược" vì rõ ràng cuộc chiến xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia (tức là miền Nam Việt Nam hay Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia được 87 nước trên thế giới công nhận và có liên lạc ngoại giao) và thực hiện chủ yếu bởi một lực lượng vũ trang đến từ bên ngoài lãnh thổ đó, từ một quốc gia khác (tức miền Bắc Việt Nam, hay Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ; lực lượng quân sự của Việt Cộng, tức là Mặt trận Giải phóng miền Nam, hoàn toàn không có khả năng "giải phóng" được miền Nam, như chúng ta đã thấy rõ trong Trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968).
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược lần này không giống như những cuộc chiến tranh xâm lược trước đây, nó không đơn giản chút nào, và kẻ địch mà chúng ta đương đầu cũng không phải là bọn ngoại tộc dễ dàng nhận ra. Do đó trong định nghĩa của cuộc chiến phải cần đến vế thứ nhì là "mang màu sắc ý thức hệ".
Trong cuộc chiến này, chính vì ý thức hệ mà những người anh em cùng một giòng máu ở hai bên chiến tuyến đã trở thành kẻ tử thù của nhau. Chính ý thức hệ đã nhồi nhét vào đầu óc của những người anh em cầm súng bên kia chiến tuyến sự cuồng tín rằng những chiến sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam, là một bọn "ngụy quân", một bọn phản quốc, một bọn đầy tớ của ngoại bang, một bọn bán nước cần phải được tiêu diệt, để giải phóng miền Nam khỏi bọn thực dân mới đó.
Cũng chính ý thức hệ đó đã nhồi nhét vào đầu óc của những người dân sống phía Bắc vĩ tuyến 17 (từ sau tháng 7-1954 đến ngày 30/4/1975) niềm tin tuyệt đối rằng nhân dân miền Nam đang bị cưỡng bức, chà đạp, sống đói khổ dưới sự thống trị của ngoại bang và cần phải được giải phóng. Những suy nghĩ và tin tưởng này chỉ được xóa sạch sau khi "miền Bắc được giải phóng", như nhà báo Huy Đức đã nhận xét trong tác phẩm "Bên thắng cuộc".
Trong khi miền Bắc đặt nặng vấn đề ý thức hệ như thế thì miền Nam thế nào ? Bề ngoài thì chúng ta cũng có vẻ coi trọng vấn đề ý thức hệ này. Trong suốt thời gian 21 năm, 1954-1975, miền Nam luôn luôn chủ trương chống Cộng, tự xem mình là một tiền đồn của Thế giới Tự do. Như vậy, theo lý thuyết, chế độ của miền Nam phải đối nghịch hoàn toàn với chế độ độc tài, độc đảng của miền Bắc, hay nói cách khác, phải là một chế độ hoàn toàn dân chủ, tự do và đa đảng. Sự thật không phải hoàn toàn như vậy.
Trong suốt thời gian gần 20 năm hiện hữu (từ ngày 26/10/1955 đến ngày 30/4/1975), Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ hoàn toàn thật sự là một chế độ tự do và dân chủ. Và chính vì thế luôn luôn có những phần tử chống đối, vô tình hay cố ý làm lợi cho miền Bắc. Miền Nam, cho đến khi bị miền Bắc "giải phóng", luôn luôn ở trong thế giặc ngoài, thù trong. Miền Nam đã thua cuộc không phải chỉ vì nguyên nhân khách quan là bị "Đồng minh tháo chạy bỏ rơi" mà còn do rất nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó quan trọng nhứt là đã không có được một ý thức hệ mang tính chất đối lập với ý thức hệ Cộng sản và nhứt quán để tạo sự đoàn kết của toàn thể nhân dân miền Nam.
Do sự đàn áp chính trị của các chính quyền liên tiếp ở miền Nam, một bộ phận không nhỏ của các thành phần tiến bộ, chủ trương tự do dân chủ, chống bất công, tham nhũng, đã dần dà xa lánh, không cộng tác và sau đó trở thành chống đối chính quyền, và sau cùng rơi vào quỹ đạo của miền Bắc, tiếp tay miền Bắc trong việc đánh đổ chế độ Cộng hòa tại miền Nam. Rất nhiều những người trong các thành phần này, ngay sau năm 1975, và về sau này, càng ngày càng nhiều, đã thấy rõ là họ đã thật sự đi sai đường, "trao duyên lầm tướng cướp", nhưng tất cả những "sám hối" này đều đã quá muộn.
Một thiếu sót trầm trọng nữa về chiến lược của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong suốt thời gian cuộc chiến là đã không có được một quốc sách thật sự thể hiện được một cách đầy đủ và quyết liệt mối quan tâm cần thiết, đúng mức và hàng đầu đối với nông thôn. Công bằng mà nói thì trong thời gian của cả hai nền Cộng Hòa, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đều có những chương trình về nông thôn, nhưng điều đáng tiếc là các chương trình quan trọng này đều không được thực hiện đến nơi đến chốn. Lại nữa, có thể nói là sự quan tâm đối với nông thôn của các giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa không có chiều sâu, mà chỉ rất là hời hợt. Do đó, sự yểm trợ tuyệt đối cho nông thôn chưa bao giờ được thể hiện.
Về phương diện an ninh lãnh thổ, trong thời gian Đệ nhất Cộng Hòa, chương trình Ấp Chiến Lược, với mục tiêu cô lập và thanh toán các nhân sự Cộng sản ở hạ tầng cơ sở, là một chiến lược rất đúng đắn, nhưng khi thực hiện, vì thiếu sự chuẩn bị chu đáo cũng như thiếu phần giải thích đầy đủ, nhằm thuyết phục nông dân, lại bị các cấp chính quyền địa phương lợi dụng cơ hội, tham nhũng, thu vén, đã tạo ra bất mãn trầm trọng trong dân chúng. Và, dĩ nhiên, Việt cộng thì dứt khoát tìm đủ mọi cách để phá hoại chương trình này. Sau cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963, chương trình Ấp Chiến Lược bị loại bỏ và thay thế bằng các chương trình vá víu khác như Ấp Đời Mới (1964), Ấp Tân Sinh (1965) nhưng không đi tới đâu.
Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng đã đề ra một loạt các chương trình cho nông thôn như : chương trình Bình định, Xây dựng Nông thôn với cả một trung tâm huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn lớn ở Vũng Tàu, nhưng không thu hoạch được kết quả tốt vì không được các cấp chỉ huy quân sự tại địa phương yểm trợ đúng mức. Chương trình Phượng Hoàng, với mục tiêu nhằm tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt Cộng, đã đạt được kết quả rất đáng kể trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó bị giảm thiểu, không còn được Hoa Kỳ yểm trợ tích cực nữa vì bị tai tiếng là giết oan nhiều người vô tội.
Để lôi kéo nông dân về phía mình, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thiết lập hai chương trình sở hữu hóa đất đai cho nông dân : Chương trình Cải cách Điền địa của Đệ nhứt Cộng hòa và Chương trình Người cày có ruộng của Đệ nhị Cộng Hòa. Cả hai chương trình này, nhứt là Chương trình Người cày có ruộng, đều đã đạt được kết quả rất khả quan, nhưng vẫn không hoàn tất được mỹ mãn vì mức độ gia tăng ác liệt của chiến tranh cũng như vì sự phá hoại liên tục và quyết liệt của phe Cộng sản. Nông thôn miền Nam, vì vậy, vẫn tiếp tục là hậu phương vững chắc của Cộng sản, cung cấp tất cả nhân lực, tài lực và vật lực cần thiết cho chúng.
Không những không có được một ý thức hệ đúng đắn để làm nền tảng vững chắc cho thể chế, Việt Nam Cộng Hòa còn không có được những nhà lãnh đạo có đầy đủ khả năng chính trị, thật tâm yêu nước, thương dân và sẵn sàng hy sinh quyền lợi của bản thân, gia đình và đảng phái của mình cho quyền lợi của đất nước và dân tộc.
Thời Đệ nhất Cộng Hòa, trong khoảng 1954-1960, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự ủng hộ rất mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đã tạo được sự ổn định chính trị cần thiết và nhờ vậy đã đặt được những nền móng rất tốt cho việc phát triển kinh tế-xã hội, và văn hóa-giáo dục. Nhưng vô cùng đáng tiếc, về phương diện chính trị, chế độ đã đi chệch đường, càng ngày càng lún sâu vào con đường độc tài, độc đảng, và tôn sùng cá nhân quá đáng. Sự bất mãn trong dân chúng miền Nam càng ngày càng rõ nét. Mặc dù đã có những dấu hiệu cụ thể về sự bất mãn này nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn làm ngơ, không chịu cải tổ.
Ngày 26/4/1960, một nhóm gồm 18 vị nhân sĩ, trí thức tiến bộ (đa số là các vị đã từng tham chính trong chính quyền Ngô Đình Diệm) đã trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm một bản thỉnh nguyện, nêu rõ những nhược điểm của chế độ và yêu cầu chính phủ cải tổ (về sau báo chí gọi là Nhóm Caravelle). Ngày 11/11/1960, một cuộc đảo chánh quân sự do lực lượng Nhảy dù tổ chức diễn ra tại Sài Gòn nhưng thất bại. Ngày 27/2/1962 đã xảy ra việc ném bom Dinh Độc Lập của hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần khuyến cáo Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nên cải tổ, mở rộng thành phần chính phủ nhưng tất cả đều bị bác bỏ. Ngoài ra chúng ta cũng không nên quên sự kiện là vào tháng 2/1963, sau khi chế độ nhà Ngô không còn được Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ nữa, chính ông Ngô Ðình Nhu đã bí mật đi gặp Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị của Cộng sản Bắc Việt tại rừng Tánh Linh, thuộc tỉnh Bình Tuy, để chuẩn bị bắt tay với phe Cộng sản trong việc hiệp thương giữa 2 miền Nam Bắc, xoay 180 độ trong chủ trương Chống và Diệt Cộng của Chính phủ Ngô Ðình Diệm vào lúc đó. Cơ quan CIA của Hoa Kỳ cũng biết được điều này và chính điều này cũng đã tạo thêm một lý do nữa cho Mỹ quyết định lật đổ chế độ nhà Ngô. Mùa Hè 1963 xảy ra vụ khủng hoảng Phật giáo. Đây là giọt nước tràn ly. Ngày 1/11/1963, các tướng lãnh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, có được sự ủng hộ ngầm của Hoa Kỳ, đã tiến hành đảo chánh quân sự, lật đổ chế độ, và chấm dứt nền Đệ nhất Cộng Hòa. Một cơ hội rất tốt với rất nhiều triển vọng tốt đẹp để xây dựng một chế độ tư do dân chủ cho miền Nam đã bị đánh mất.
Từ cuối năm 1963 cho đến cuối năm 1967, Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua một giai đoạn vô cùng xáo trộn về chính trị, miền Nam có nguy cơ bị mất vào tay Cộng sản, khiến cho Hoa Kỳ phải nhảy vào, trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến, để cứu vãn tình hình quân sự lúc đó. Trong suốt thời gian xáo trộn này, giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, cả quân sự và chính trị, đã cho thấy rõ những nhược điểm của họ : không có khả năng chính trị để ổn định tình thế, không thật sự vì nước vì dân, mà chỉ biết tranh giành quyền lợi cá nhân và đảng phái.
Hiến pháp 1967 đã chấm dứt được giai đoạn xáo trộn chính trị này, nhưng lại đưa đất nước vào một giai đoạn độc tài quân phiệt. Ðệ nhị Cộng hòa được khai sinh với Hiến pháp 1967 vì áp lực của Hoa Kỳ chứ không phải do lòng thành thật của các tướng lãnh.
Ðể tránh lập lại chuyện xung đột trong nội bộ của phe quân nhân (thể hiện qua các cuộc đảo chánh liên tục, như trong thời gian 1963-1967), các tướng lãnh đã tạo áp lực rất mạnh để hai tướng Thiệu và Kỳ phải hủy bỏ liên danh riêng của họ và đứng chung trong một liên danh với ông Thiệu là Tổng thống và ông Kỳ là Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên năm 1967. Và để cho ông Kỳ vui vẻ chấp nhận vai trò Phó Tổng thống, các tướng lãnh còn đi xa hơn, bí mật làm một việc hoàn toàn trái Hiến pháp 1967 là ký với nhau một mật ước vi hiến theo đó, sau bầu cử, ông Thiệu chỉ làm Tổng thống trên danh nghĩa mà thôi với ông Kỳ tiếp tục nắm trọn quyền hành. Dĩ nhiên, sau khi đắc cử, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Tổng thống Thiệu đã lờ đi, và tất cả các tướng lãnh cũng không ai nhắc đến (hay dám nhắc đến) cái mật ước vi hiến đó nữa cả.
Nền Ðệ nhị Cộng hòa đã bắt đầu bằng một hành động vi hiến của tập thể lãnh đạo như vậy thì làm sao tránh được không phát triển thành một chế độ bất công, tham nhũng, còn hơn cả nền Ðệ nhứt Cộng hòa, thay vì đưa đến một chế độ tự do dân chủ như Hiến pháp 1967 đã quy định.
Bản thân Việt Nam Cộng Hòa đã như vậy còn người bạn đồng minh "ông anh chi tiền" Hoa Kỳ thì ra sao ? Về các phương diện khoa học kỹ thuật, quân sự và kinh tế, chúng ta khó có thể bác bỏ được niềm tin của cả thế giới rằng Hoa Kỳ là cường quốc số một. Nhưng về lãnh vực khôn ngoan chính trị, khả năng tiên đoán lâu dài về bang giao quốc tế, về địa chính trị (geo-politics), thì chúng ta khó có thể tin là Hoa Kỳ cũng đứng hàng đầu.
Cuốn sách "No peace, no honor : Nixon, Kissinger and betrayal in Vietnam" của Giáo sư Larry Berman o Nhà xuất bản Free Press ấn hành năm 2001
Do những nhận định rất ấu trĩ về chính trị quốc tế vào cuối Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã tạo cơ hội cho Liên Xô chiếm cả Đông Âu và đưa cả thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh trong gần nửa thế kỷ. Năm 1972, cũng chính Hoa Kỳ đã mở cửa cho Trung Cộng bước ra khỏi hoàn cảnh bị bao vây, phong tỏa, tiến vào chiếm giữ được vị trí của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Sau đó, cũng chính Hoa kỳ tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện "Bốn hiện đại hóa" và trở thành một siêu cường như ngày hôm nay.
Trong đánh giá của phe Cộng sản, Hoa Kỳ chỉ là "con cọp giấy". Ðể chứng tỏ mình không phải là "con cọp giấy" và quá yếu như Pháp trong Chiến tranh Việt-Pháp, Hoa Kỳ đã quyết định can thiệp trực tiếp vào Chiến tranh Việt Nam :
1) Sử dụng không quân thực hiện Chiến dịch Sấm rền (Operation Rolling Thunder) tấn công, oanh tạc miền Bắc ; và
2) Tại miền Nam thì đưa hơn nửa triệu quân bộ chiến vào "Lùng và Diệt địch" (Search and Destroy).
Cách can thiệp vào Chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ như thế là một sai lầm to lớn đưa đến những hậu quả vô cùng tai hại. Tại quốc nội, Chiến tranh Việt Nam là một biến cố đưa đến một sự chống đối chưa từng có trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ. Có mấy lý do chánh đưa đến việc chống đối này :
1) Ðây là một cuộc chiến tranh không có tuyên chiến (an undeclared war) ; nên nhớ khi Hoa Kỳ tham chiến trong Ðệ nhị Thế chiến (1941-1945), với trên 400.000 quân tử trận, hoàn toàn không có một sự chống đối nào trong dân chúng ; ngược lại toàn dân đều ủng hộ, tham gia đóng góp và hy sinh cho cuộc chiến. Lý do : đây là một cuộc chiến mà chính Quốc hội Hoa Kỳ có tuyên chiến với Nhật Bản vào ngày 8/12/1941 sau khi Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941.
2) Ðây là cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ "diễn ra hàng ngày trong phòng khách" nhà dân chúng ; người dân, đủ mọi thành phần, xem tin tức về Việt Nam hàng ngày trên ti-vi, bị ám ảnh nặng nề với số thương vong, có khi hàng trăm binh sĩ tử trận mỗi tuần (nhất là từ năm 1968 trở đi).
3) Chiến tranh càng kéo dài, gánh nặng về chi phí càng cao, và tác hại đến những chương trình an sinh xã hội trong nước, đặc biệt là chương trình Great Society của Tổng thống Johnson. 7
Về phương diện đối ngoại, Hoa Kỳ bị nhiều nước trên thế giới lên án nặng nề về việc oanh tạc Bắc Việt hằng ngày với một số lượng bom khổng lồ, đối với một nước nhỏ và không có gây chiến, tấn công vào lãnh thổ của Hoa Kỳ (như Nhật Bản đã làm vào năm 1941).
Riêng đối với Việt Nam Cộng Hòa, sự hiện diện của quân Mỹ, vừa gây nhiều xáo trộn nghiêm trọng về kinh tế -xã hội cho miền Nam, cũng làm cho Việt Nam Cộng Hòa khó bảo vệ được chính nghĩa của một cuộc chiến tranh tự vệ. Ðến khi nhận thức được rằng họ không thể nào thắng được cuộc chiến tranh này (các tác giả thuộc phái Chính thống -Orthodox- của Hoa Kỳ gọi nó là "an unwinnable war = một cuộc chiến tranh không thể thắng được"), theo cách đánh như thế, Hoa Kỳ quyết định đơn phương xuống thang, điều đình để rút lui trong danh dự, và bỏ mặc Việt Nam Cộng Hòa.
Việc bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa của Hoa Kỳ không đơn giản chỉ là một chuyện "Khi Ðồng Minh bỏ chạy" (cụm từ đã được Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sử dụng làm tựa đề cho cuốn sách nổi tiếng của ông) như nhiều người trong chúng ta đã nghĩ. Nó là cả một quá trình qua 3 đời tổng thống Mỹ (Johnson, Nixon và Ford) chớ không phải là một quyết định "một sớm một chiều".
Ðiều mỉa mai nhứt trong việc Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa là việc phản bội này được Ðảng Dân chủ dàn dựng (trong cuối thời gian cầm quyền của Tổng thống Nixon và năm đầu của Tổng thống Ford của Ðảng Cộng Hòa) trong khi cũng chính Ðảng này, trong thời Tổng thống Johnson, đã chủ trương leo thanh chiến tranh tại Việt Nam, đưa đến sự hy sinh vô ích của 58.000 binh sĩ Hoa Kỳ. Rõ ràng hành động chính trị đảng phái vô trách nhiệm và vô liêm sỉ, vừa phản bội trắng trợn một nước bạn đồng minh, vừa biến sự hy sinh của 58.000 quân nhân của nước mình trở thành vô nghĩa, không phải là độc quyền của các nước độc tài, bất nhân.
Hiệp định Paris năm 1973, đối với Hoa Kỳ, chỉ là một phương tiện để có thể giúp họ làm 2 việc : rút hết quân khỏi miền Nam mà không cảm thấy bị thua nhục, và, mang được hết tù binh của họ về nước. Ðối với Việt Nam Cộng Hòa, việc ký vào Hiệp định này là để đánh đổi cho việc được Hoa Kỳ tiếp tục giúp đỡ. Về sau này, mọi người đều thấy rõ là chỉ có một điều khoản duy nhứt của Hiệp định Paris đã được tuân thủ và thi hành triệt để : đó là việc Hoa Kỳ rút toàn bộ lực lượng chiến đấu còn lại ra khỏi Việt Nam Cộng Hòa trong vòng 60 ngày.
Ngày hôm nay thì ai cũng biết là cái Hiệp định, mà tên gọi chính thức là "Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam", (Thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hòa bình tại Việt Nam) hoàn toàn không có dính líu gì đến cái việc gọi là "vãn hồi hòa bình tại Việt Nam". Chính phủ Mỹ, qua lời tuyên bố của chính Tổng thống Nixon, thì xem đó như là một "nền hòa bình trong danh dự".
Và bây giờ thì đã có hẳn một nhà nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ, Giáo sư Larry Berman, đã suy nghĩ, cảm nhận, kết luận và viết ra một cách minh bạch rằng : "chẳng có hòa bình mà cũng chẳng có danh dự gì cả". Đó là cuốn sách "No peace, no honor : Nixon, Kissinger and betrayal in Vietnam" của Nhà xuất bản Free Press ấn hành năm 2001. Chả trách tại sao khi được Giải Nobel về Hòa Bình, trong khi Kissinger sung sướng, hãnh diện đi nhận giải thưởng (để rồi hai năm sau phải chịu cái nhục xin trả lại giải thưởng) thì Lê Ðức Thọ đã lạnh lùng từ chối không nhận.
Miền Nam trở thành "bên thua cuộc", xét cho cùng, gần như là một tất yếu lịch sử vì Việt Nam Cộng Hòa đã hội tụ đủ tất cả các lý do để "thua cuộc" :
1) thiếu vắng một ý thức hệ làm nền tảng cho một chiến lược cần thiết cho một cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược mang màu sắc ý thức hệ ;
2) không có được một giới lãnh đạo có đủ khả năng và bản lãnh chính trị với một tấm lòng vì dân vì nước và có một quyết tâm chiến thắng cao ; và,
3) cũng không có được một đồng minh hết lòng giúp đỡ và có đầy đủ kiên nhẫn để đi tới cùng với mình trong cuộc chiến quá sức cam go này.
Việt Nam Cộng Hòa chỉ có chính nghĩa mà chính nghĩa thì không có một chút giá trị gì cả trước họng súng của một kẻ địch cuồng tín trong ý thức hệ của họ, với một quyết tâm chiến thắng cao, và được bạn bè hết lòng giúp đỡ và đủ kiên nhẫn để đi với họ đến chiến thắng sau cùng.
Cái chết của Việt Nam Cộng Hòa vào lúc 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, bề ngoài có vẻ như là một sự bức tử, nhưng thật ra, nghĩ cho cùng, chỉ là một cái chết, tuy đến có hơi sớm hơn một chút, nhưng vẫn là có thể đoán trước được.
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm
Nguyễn Duy
Tôi tình cờ "nhặt" trên FB một tác phẩm khá độc đáo của Marc Riboud. Ông "chớp" được cảnh một anh bộ đội (với con búp bê nằm dưới nắp ba lô, và cái sắc cầm tay) đang trên đường trở về quê cũ.
"Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi".
Cùng với bức ảnh là lời bình, cũng độc đáo không kém, của face booker Nguyễn Hoàng : "Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi".
Thằng chả hiền thiệt chớ. Cái ba lô xẹp lép hà. Ngó thấy mà thương. Là kẻ cầm súng, thuộc phe thắng trận, đương sự có thể thu góp được chiến lợi phẩm nhiều hơn thế.
Bên thua cuộc, rõ ràng, không mất mát chi nhiều mà Bắc-Nam đã được "nối vòng tay lớn" – theo như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rồi ra, tác giả còn dự tưởng, sẽ có những đoàn tầu thống nhất "tòa khói trắng hai bên đường", những đám "trẻ thơ đi hát đồng dao" khắp ngõ, và "mọi người ra phố mời rao nụ cười".
Họ Trịnh, có lẽ, thực lòng tin tưởng như thế. Niềm tin của ông cũng được không ít người đồng thời chia sẻ. Sự thực, tiếc thay, khác thế. Sau ngày "Nam-Bắc hòa lời ca" thì nụ cười gần như biến mất trên môi của mọi người dân Việt.
Dù thuộc bên thắng cuộc, những bộ đội phục viên cũng không hề được hân hoan cười đón khi họ trở về :
"Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ... ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là... họ được quy là công thần, gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước, kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác" (Vi Đức Hồi, Đối Mặt, Chương II).
Đoạn hồi ký thượng dẫn giúp cho độc giả hiểu tại sao vỉa hè Hà Nội lại đông đảo những người làm nghề cửu vạn. Họ sống ra sao ?
"Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường" (Tô Hoài, Chiều Chiều, Phương Nam, Hà Nội, 2014).
Giữa Thủ đô của lương tâm nhân loại mà trải chiếu "đéo nhau huỳnh huỵch" thì (ngó) cũng hơi khó coi. Tuy thế – và được thế – vẫn hơn hẳn nhiều bạn đồng đội (không may) khác, đang khua "nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng".
Chờ việc - Ảnh : Hà Nội Mới
Hạnh phúc hay đau khổ (nghĩ cho cùng) chỉ là sự so chiếu, và mọi so chiếu đều tương đối cả. Nói chi đến những người lính vô danh, ngay cả một nhân vật tiếng tăm cỡ như thi sĩ Tế Hanh ("từng là ủy viên ban chấp hành hoặc thường vụ Hội Nhà Văn Việt Nam, từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong ban phụ trách nhà xuất bản Văn học") đến cuối đời cũng đành chép miệng : "Trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống, được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi" (Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người, Phương Nam, Hà Nội, 2002).
Vâng, đúng thế. Còn sống là "may mắn hơn khối người" rồi !
Theo thống kê (chắc không khả xác) của Tổng Cục Chính Trị thì đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Wikipedia tiếng Việt cho biết thêm :
"Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho 44.253 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng".
Có bà bị lọt sổ vì không đủ "kiên trinh" nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online :
"Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.
Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)…
"Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi" – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi ; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp ; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.
Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới.
"Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi" – bà kể. Ngày 21/02/2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động, thương binh và xã hội Q.Bình Thạnh, Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng do đã… tái giá".
Phải chi cái hồi giao "công tác cách mạng" cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và đã được cứu xét (rồi) từ chối !
Có mẹ không nhận được danh hiệu anh hùng chỉ vì lỡ "chui rúc" ở những nơi hoang vu quá. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế :
"Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn... Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang…".
"Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam".
"Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày. Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời".
"Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về dấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi :
- Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đưa kia thì hòa bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu" (Hoàng Khởi Phong, "Bên Kia Ðèo Bá Thở", Cây Tùng Trước Bão, Thời Văn, Hòa Kỳ, 2001).
Những người lính thắng trận hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót.
Bà lão hẳn đã qua đời từ lâu. Những người lính thắng trận trên đường về quê (với con búp bê cầm tay) hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót. Đám mẹ ngụy và lũ con thua cuộc cũng thế, cũng đều đã lần lượt đi vào lòng đất.
Kẻ Bắc-người Nam, bên thua-bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 09/05/2018 (tuongnangtien's blog)
Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4, ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, nhà đương quyền Việt Nam tự nhận là "Bên thắng cuộc" thường tổ chức ăn mừng như một ngày "Đại thắng Mùa Xuân". Trong khi những tổ chức chính trị, xã hội và người Việt quốc gia hay là người Việt Nam không cộng sản ở hải ngoài thì thường tổ chức tưởng niệm như một "Ngày Quốc Hận".
Một buổi tưởng niệm 30 tháng Tư tại Little Saigon, California.
Bài viết này nhằm xác định rõ thực chất cũng như thực tế về ngày 30/4/1975 : Ai thắng ai ?
Theo ý nghĩa từ ngữ thông thường, trong một cuộc chiến tranh "Bên thắng cuộc" là bên đã đánh bại hoàn toàn đối phương, sau khi đối phương đầu hàng hay bị tiêu diệt, đưa cuộc chiến tranh đến kết thúc. Chẳng hạn Thế Chiến II (1939-1945) đã kết thúc sau khi Phe Trục thua cuộc (Đức-Ý-Nhật) phải đầu hàng phe thắng cuộc Đồng Minh (Mỹ-Anh-Pháp-Nga-Trung). Vậy thì ngày 30/4/1975 kết thúc chiến tranh Việt Nam, ai thắng ai ?
Như chúng tôi đã trình bày trong nhiều bài viết và cả một cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, rằng đó là cuộc chiến tranh giữa hai phe, bốn bên. Hai phe đó là (1) phe xã hội chủ nghĩa và (2) phe tư bản chủ nghĩa (Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu) ; với bốn bên (1) Liên Xô và Trung quốc, (2) bên Hoa Kỳ và đồng minh (Ngoại chiến), (3) bên Việt cộng và (4) bên Việt quốc (nội chiến quốc-cộng). Cả hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, nên thường gọi chung là cuộc "Chiến tranh Việt Nam". Cuộc chiến này đã chấm dứt vào ngày 30/4/1975, sau khi bên cộng sản Bắc Việt đánh bại hoàn toàn bên quốc gia Nam Việt, thôn tính được Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Như vậy theo ý nghĩa từ ngữ thông thường, phe xã hội chủ nghĩa đã thắng phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh cục bộ tại Việt nam, vì đã giành thêm lãnh địa toàn cõi Việt Nam cho phe xã hội chủ nghĩa để thực hiện tham vọng cộng sản hóa toàn cầu. Hay nói cách khác một cách cụ thể là các bên ngoại chiến Liên Xô và Trung quốc đã thắng bên Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến tranh cục bộ Việt Nam. Đồng thời, bên nội chiến Việt cộng cũng đã thắng bên nội chiến Việt quốc trong "cuộc chiến tranh quốc-cộng" tại Việt Nam (một giai đoạn của cuộc "Nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng", hai giai đoạn kia là "Tiền chiến tranh Quốc-Cộng" (1930-1954) và "hậu chiến tranh Quốc-Cộng" từ 1975 đến nay vẫn chưa kết thúc).
Thế nhưng theo nhận định của chúng tôi, đó chỉ là "chiến thắng biểu kiến"(coi vậy chứ không phải vậy). Vì chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm (1954-1975) nhưng đã kết thúc nhanh gọn, bị động và bất ngờ cho cả hai bên nội chiến Quốc-Cộng (nhưng không bất ngờ với các bên ngoại chiến) ; cùng với diễn biến các sự kiện vào những ngày tháng cuối cùng trước và sau khi kết thúc cuộc chiến một cách không bình thường, tựa hồ như một kịch bản tiền định… Vì nếu việc kết thúc chiến tranh Việt Nam quả là một "thắng lợi thật" của phe xã hội chủ nghĩa trong đó có "bên thắng cuộc" Việt cộng, thì tình hình Việt Nam và thế giới phải biến chuyển theo chiều hướng khác với thực tế kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975. Tỷ như phe xã hội chủ nghĩa phải khai thác triệt để "Chiến thắng của cách mạng Việt Nam" để đẩy mạnh các cuộc "chiến tranh cách mạng, chiến ntranh giải phóng" để cộng sản hóa các nước trong vùng và các vùng nghèo đói khác trên thế giới. Thế nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, chẳng cần nói ra thì ai cũng đã biết (1).
Vì vậy, chúng tôi cho rằng sự kết thúc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30/4/1975 như thế không phải là thắng lợi thực sự và chung cuộc của phe này(phe xã hội chủ nghĩa và Việt cộng) với phe kia (phe tư bản chủ nghĩa và Việt quốc) mà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế "chiến lược toàn cầu mới" (The New Globle Trategy) của các cường quốc cực nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, sau khi các mục tiêu và lợi ích chiến lược trong vùng các bên ngoại chiến đã thành đạt thông qua cuộc chiến Việt Nam. Do đó, Hoa Kỳ đã chủ động đưa cuộc chiến tranh Việt Nam đến kết thúc, để khởi động cho một tiến trình đưa "các bên thắng cuộc" (phe xã hội chủ nghĩa và Việt cộng ) đến "thua cuộc hoàn toàn" để đi vào "Chiến lược toàn cầu mới" (2).
Thực tế quả đã diễn biến đúng như vậy. Vì chỉ 15 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Liên Xô "Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa" và hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã sụp đổ tan tành (1990-1991). Tất cả đã chuyển đổi qua "chế độ dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do" (vốn là nội dung chủ yếu của thế chiến lược toàn cầu mới). Như vậy là phe xã hội chủ nghĩa đã "thua cuộc hoàn toàn" trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hình thành sau Thế Chiến II,diễn ra dưới hai hình thái "Chiến Tranh Lạnh " (The Cold War) giữa các nước giầu và "Chiến tranh Nóng" (The Hot War) nơi một số các nghèo, trong đó có Việt Nam.. Nghĩa là cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu coi như chấm dứt sau 16 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam (1975-1991), là thua cuộc hoàn toàn và vĩnh viễn.
Bên thắng cuộc Việt cộng, nằm trong phe xã hội chủ nghĩa, trong cuộc chiến tranh Việt Nam hôm qua, tất nhiên cũng không tránh khỏi số phận là "bên thua cuộc hoàn toàn" trong cuộc "nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng" tại Việt Nam, khi quá trình tiêu vong đã, đang diễn ra và sắp đi đến kết thúc. Nghĩa là chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị cộng sản dưới bảng hiệu "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam" (ngụy danh, ngụy nghĩa) cũng đã và đang trên quá trình tiêu vong để hình thành một chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng với "nền kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa" ; dù thực tế đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (đỏ vỏ xanh lòng) hiện nay vẫn cố ngụy biện để kéo dài tuổi thọ, rằng Việt Nam đang đi theo con đường "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" ; nhưng không thể cưỡng lại chiều hướng mới không thể đảo ngược của "chiến lược toàn cầu mới" của các cường quốc cực (dân chủ hóa về chính trị, thị trường tự do hóa về kinh tế…), cũng như chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam.(tất yếu Việt Nam phải đi đến dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do phát triển…).
Tựu chung, căn cứ vào diễn biến các sự kiện không bình thường trước và sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975, chúng tôi cho rằng Liên Xô, Trung quốc và phe xã hội chủ nghĩa trong đó có "bên thắng cuộc" Việt cộng, chỉ đạt được "Chiến thắng biểu kiến" (giả tạo),có tính giai đoạn ; do nhu cầu thay đổi thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực, mà Hoa Kỳ đã chủ động thực hiện kịch bản đưa cuộc chiến tranh Việt nam đi đến kết thúc. Chính xác hơn có thể nói : Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975 như thế, đã chỉ là thắng lợi của các bên ngoại chiến trong hai phe xã hội chủ nghĩa (đứng đầu là Liên Xô…) và tư bản chủ nghĩa (đứng đầu là Hoa Kỳ…)vì các lợi ich chiến lược quân sự và kinh tế họ đã thành đạt thông qua cuộc chiến. Chính các bên nội chiến (Việt cộng và Việt quốc) trong hai phe mới là các bên thua cuộc hoàn toàn. Vì đã tri tình (Việt cộng) hay ngay tình (Việt quốc) làm công cụ chiến lược một thời cho các bên ngoại chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, sát hại lẫn nhau và tàn phá tan hoang đất nước, dẫn đến tụt hâu sau chiên tranh.
Vậy xin hỏi bên Việt cộng tự nhận là "Bên thắng cuộc" hàng năm có nên tiếp tục ăn mừng ngày 30/4/1975, ngày kết thúc cuộc chiến tranh "cốt nhục tương tàn" như một chiến thắng nữa hay thôi ?- Đồng thời, khi chúng tôi viết bài này, thì hội nghị Thượng Đỉnh Liên Triều vừa diễn ra và kết thúc tốt đẹp (27/4/2018). Qua các tường thuật và hình ảnh được truyền đi khắp thế giới đã gây xúc động lòng người. Cá nhân người viết không khỏi rưng rưng nước mắt khi liên tưởng đến tình cảnh Quê Hương Đất Nước mình. Qua Thông cáo chung của Thượng đỉnh Liên Triều đã thể hiện tình tự dân tộc cao độ, khởi sự cho một tiến trình hòa giải hòa hợp dân tộc đầy triền vọng tốt đẹp cho nhân dân và đất nước Triều Tiên.
Nhân dân Việt Nam tự hỏi : Không biết những người lãnh đạo đảng và nhà đương quyền Việt Nam có suy nghĩ, so sánh gì với Triều Tiên, một nước có số phận không may như Việt Nam cùng rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, hình thành sau Thế Chiến II. Thế nhưng đảng Lao Động Triều Tiên (tên gọi khác của đảng cộng sản bản xứ) đã khôn ngoan hơn Đảng cộng sản Việt Nam, là sau cuộc chiến tranh 3 năm (1950-1953) xâm chiếm miền Nam bị liên quân Nam Hàn và Hoa Kỳ dưới ngọn cờ Liên Hiệp quốc đánh bại, đã ngưng chiến, tạo thế lực quân sự (chế tạo hạt nhân, hỏa tiễn đạn đạo…) để 65 năm sau cuộc chiến (1953-2018) đã tạo được thế lực mạnh, chủ động đi bước trước thực hiện hòa giải dân tộc qua hội nghị thượng đỉnh với chế độ cộng hòa Nam Hàn ; và chủ động thương lượng tay đôi với đại cường quốc Hoa Kỳ qua hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều tiên Kim Jong-un dự trù diễn ra vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 tới đây. Trong khi, Đảng cộng sản Việt Nam(trong chiến tranh lấy tên là đảng Lao động Việt Nam) thì hiếu chiến và thiếu khôn ngoan hơn, trong quá khứ đã dùng bạo lực chiến tranh để thống nhất đất nước, với cái giá núi xương sông máu dân Việt, làm tan hoang đất nước, để lại hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho dân tộc.
Vậy người dân xin hỏi những người lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (ngụy danh, ngụy nghĩa) hôm nay có dám noi gương các lãnh đạo đảng Lao Động Triều Tiên và nhà cầm quyền chế độ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, chủ động và thực tâm khởi động tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc theo đúng ý nghĩa chân chính của cụm tự này, chứ không phải chỉ là thủ đoạn chính trị và chiêu bài lừa mị như bao lậu nay ?
Câu trả lời xin dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã nắm độc quyền quyền thống trị toàn cõi đất nước 43 năm sau cuộc chiến. (1975-2018) và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam coi như đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn, như ông Tổng Trọng đã thú nhận bằng sự hoài nghi rằng : không biết đến cuối thế kỷ này đã có được xã hội "xã hội chủ nghĩa" hay không.
Houston, ngày 28 tháng 4 năm 2018.
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 30/04/2018
Ghi chú : (1), (2) :
Trong tài liệu viết cho "Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam"năm 1976, người viết đã đưa ra nhận định, rằng "Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, chẳng phải là thắng lợi của phe này đối với phe kia, mà chỉ là vị sự thay đổi thế chiến lược quốc tế của các cường quốc cực mà thôi…" ; để sau đó đưa ra lời kêu gọi những người cộng sản Việt Nam, rằng "chúng tôi khẩn thiết kêu gọi những người đang miệt mài xây một "Thiên đường cộng sản" trên đất nước này cần xét lại. Bởi vì biên giới quốc gia muôn đời vẫn là cái giới hạn mà các dân tộc sống chung phải bảo vệ trên hết và trước hết…" ; và rằng "Chỉ có đứng trên lập trường dân tộc, dưới ánh sáng chủ nghĩa yêu nước,chúng ta mới có thể tìm ra được con đường đúng nhất, có lợi nhất cho dân tộc Việt Nam, phù hợp với ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, chứ không phải là tham vọng của những kẻ cầm quyền…".
Tài liệu quay roneo dày khoảng 30 trang này người viết đã nhờ một người (Bs. N.T.T hiện sống tại Canada) là bạn thiếu thời và cũng là đồng hương Quảng Trị với Ks. Lê Hãn, Trưởng nam của cố Tổng bí thư Lê Duẫn, chuyển tài liệu này đến thân phụ Ông. Chúng tôi không rõ tài liệu này có đến tay ông Lê Duẩn hay không.
Tất cả những nhận định và lời kêu gọi trên, chúng tôi có in lại trong cuốn "Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới" của Thiện Ý, ấn hành tháng 4-1995, tái bản năm 2005-
Xin vào đọc thêm chi tiết tại : luatkhoavietnam.com, Mục "Diễn Đàn", Tiểu mục "Tác giả-Tác phẩm" để đọc tác phẩm- Xin vào Tiểu mục "Hội luận-Phỏng vấn" để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả về tác phẩm này (Tháng 5/1995), có nhắc lại lời kêu gọi trên.