Trang Tuổi Trẻ Kon Tum có mục ("Mỗi tuần một câu chuyện đẹp") khá hấp hay. Tuần này, chuyện kể về một người già độc thân rộng rãi và hào phóng :
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…
May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với ông, việc này không phải là làm thiện nguyện mà chỉ là ông đang trả "nợ đời". Vì cuộc đời đã cho ông công ăn việc làm, có điều kiện hơn nhiều người nên ông mong muốn san sẻ bớt với những ai khó khăn hơn.
Tôi cũng biết một ông chủ quán khác bún bò hào sảng khác, tên Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng. Nhân vật này cũng rất thường hay "trả nợ đời" bằng cách "san sẻ", dù hơi nặng gánh gia đình :
Tối nay, ông lại ngang quán mình.
Nhưng lúc nào ông cũng lướt đi qua rất nhanh. Và lần nào cũng vậy, mình phải chạy theo gọi ông mới quay lại. Nhưng không phải lúc nào ông cũng nhận. Có khi ông nói người ta mới cho ông tô cơm chiên ăn rồi, có khi lại nói có người cho tô cháo rồi, ông no rồi, con giữ lại bán đi. Khi nào đói ông lấy.
Và hôm nay thì ông nhận. Biết ông cả hơn hai tháng nay, từ ngày mở quán. Nhưng ít khi nói chuyện nhiều, vì ghé lấy rồi đi. Nay ông đứng đợi chiên gà lại cho nóng. Nên nói chuyện hỏi thăm, mới biết hằng ngày ông đi bán đến 2, 3 giờ sáng. Và sau đó thì ghé công viên 23/9 ngủ tạm ở gầm cầu.
Nghe mà xót.
Gởi đồ cho ông, rồi lại dặn.
- Như những lần trước con nói, nay con nhắc lại ông nha, ông cháu mình vui vẻ quý mến nhau. Nên cứ đi ngang qua quán con thì ghé vào lấy đồ ăn nha, không ngại ngùng gì hết, cứ xem như con cháu. Tiền thì con không có, nhưng đồ ăn thì con luôn có nghen ông…
- Cảm ơn con.
- Dạ con chào ông, chúc ông ngon miệng.
Rồi nhìn ông lầm lũi bước đi, tự nhiên cay cay. Nghĩ lại mình còn sướng quá ấy chứ. Cảm tạ Chúa, vì nay con mở hàng món mới được tốt lành. Xin cho con buôn bán được thuận lợi, để qua đó con có thể làm được những chuyện bé nhỏ như này, và có tiền đặng còn trả nợ nghen Chúa.
Lạy Chúa con yêu mến Ngài. Amen.
Phóng viên Bùi Thư (BBC) cho biết : "Bên cạnh bán bún bò, ông Bùi Tuấn Lâm còn tổ chức bữa ăn 0 đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn".
Ngoài tính hào hiệp, Bùi Tuấn Lâm còn giầu chất hiệp sĩ và nghệ sĩ nữa. Ông là thành viên của Câu lạc bộ Bóng Đá No-U, luôn góp công góp sức giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm, thường tham dự vào những cuộc biểu tình chống ngoại xâm, và hay đăng tải những bài viết liên quan đến việc bảo vệ môi trường.
Tất cả những hoạt động của ông đều không "được lòng" nhà nước (hiện hành) nên Bùi Tuấn Lâm bị sách nhiễu thường xuyên, và đôi lúc còn bị bạo hành. FB Hoang Vu cho biết :
"Vì lẽ đó, công việc làm ăn và chỗ trọ của Phêrô Bùi Tuấn Lâm ở Sài Gòn luôn bị công an làm khó dễ, hạch sách đủ kiểu… Sau khi lập gia đình, nhắm không thể trụ lại ở thành Hồ, Lâm Bùi đành đưa vợ về quê nhà là Đà Nẵng để tìm kế sinh nhai.
Từ lúc có 3 cô con gái xinh xắn, Lâm Bùi đã không còn tham gia phong trào đấu tranh như trước, chỉ lo kiếm tiền nuôi con bằng những công việc trang trí thiết kế tự do và bán quán Bún Bò BA CÔ GÁI. Những lúc rảnh rỗi thì Lâm Bùi mới lên facebook bình luận hài hước một số sự kiện thời sự, châm biếm những bất cập của cuộc sống…".
Cuộc sống ở Việt Nam hiện nay lại có quá nhiều điều "bất cập" để mà "bình luận" (hay giễu cợt) nên sự "hài hước" của Bùi Tuấn Lâm đã khiến ông bị bắt giam. Phil Robertson , thành viên của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, tường thuật :
"Bùi Tuấn Lâm trở nên nổi tiếng vào tháng Mười một năm 2021 khi làm một đoạn video chế ghi hình bản thân bắt chước đầu bếp nổi tiếng có nghệ danh là Thánh Rắc Muối, người mấy ngày trước đã nổi như cồn ở Việt Nam sau khi rắc muối lên miếng bít tết dát vàng giá 2000 đô la và bón tận miệng cho bộ trưởng công an Việt Nam, Tô Lâm.
Trong đoạn video của mình, Bùi Tuấn Lâm thay miếng bít tết dát vàng bằng tô mì thường nhật với vài lát thịt và hành. Đoạn video này cũng được lan truyền rộng rãi, mang lại cho Bùi Tuấn Lâm cái tên lóng ‘Thánh Rắc Hành’ và tai tiếng cho ông bộ trưởng.
Người của ông bộ trưởng ra đòn trả đũa rất nhanh. Công an sách nhiễu và đe dọa Bùi Tuấn Lâm, 39 tuổi, theo dõi ông gắt gao, triệu tập và thẩm vấn ông, cũng như gây sức ép buộc ông đóng cửa quán mì bên lề đường của mình. Tháng Chín năm 2022, nhà hoạt động nhân quyền lâu năm bị bắt với cáo buộc ngụy tạo về ‘hành vi tuyên truyền chống nhà nước’… Tòa án kết án ông năm năm rưỡi tù giam cộng thêm bốn năm quản chế…".
Bản án này có hà khắc quá không ?
Không đâu !
Vụ Bùi Tuấn Lâm và Tô Lâm không chỉ giản lược vào một cái án tù nặng nề mà còn nhiều màn "trả đũa" bẩn thỉu và ti tiện khác nữa, và chưa biết đến bao giờ mới có điểm dừng. Ngày 27 tháng 05 năm 2023, bà Lê Thanh Lâm cho biết :
Tôi không được vào tham dự phiên tòa. Tôi bị bạo lực, bị xúc phạm danh dự, bị xâm phạm thân thể. Hai em trai của chồng bị đánh bầm dập ngay trước tòa án.
Tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ về những gì mà tôi và gia đình đã trải qua vào ngày diễn ra phiên tòa xét xử chồng tôi là Bùi Tuấn Lâm. Tôi không nghĩ nơi mình đang đứng là trước cổng tòa án và sau đó là UBND Phường mà lại bị chính những người của bộ máy công quyền hành xử thô bạo như thế.
Ngày 13 tháng 10 năm 2023 vừa qua, bà Lê Thanh Lâm còn cho biết thêm :
Trại Giam Đà Nẵng ngăn cản không cho mẹ con tôi thăm gặp Bùi Tuấn Lâm ?
Đã 2 tháng trôi qua, gia đình tôi vẫn chưa được thăm gặp ba của bọn trẻ.
- Trong tháng 9, không có cuộc gặp nào vì họ nói chồng tôi bị kỷ luật.
- Tháng 10, họ đồng ý cho thăm gặp lại nên đã nhận đơn từ ngày 2/10. Nhưng đến nay không giải quyết. Cán bộ trại giam nhận đơn của tôi đến hôm nay đã chặn luôn số điện thoại của tôi. Phó giám thị thì nói không nhận được đơn trình báo. Tất cả các phòng ban và cán bộ đều đùn đẩy qua lại cuộc thăm gặp này…
Thật khốn nạn !
Khốn nạn thì đã hẳn nhưng đôi ba câu hỏi vẫn cần được đặt ra : sao họ lại có thể khốn nạn đến thế được, và "họ" là ai vậy ?
Xin thưa : họ là những người đeo đồng hồ mua bằng nhiều tỷ đồng, ở biệt phủ trị giá hằng trăm tỉ, trả học phí cho con nhiều gấp trăm lần tiền lương hàng tháng. Họ cũng là những kẻ có đủ nhẫn tâm ăn một miếng thịt bò dát vàng (trị giá "tương đương với tám tấn lúa khô") trong khi suy dinh dưỡng vẫn là một vấn nạn lớn đối với rất nhiều trẻ thơ ở Việt Nam.
Quan niệm, thái độ, cũng như cung cách vị tha của Bùi Tuấn Lâm hoàn toàn tương phản với cuộc sống vị kỷ, bê tha và bất cận nhân tình của họ. Sự hiện diện cùng lối hành xử của ông đã khiến họ rất bận lòng. Bởi thế, họ đã tìm cách giam ông vào một nơi cho khuất mắt rồi nghĩ ra đủ trò đê tiện để hành hạ Bùi Tuấn Lâm và gia đình thân nhân của ông cho... thỏa dạ tiểu nhân.
Những kẻ ti tiểu, ác độc và bất nhân như thế thì ở đâu và thời nào mà không có. Điều không may của dân tộc Việt Nam là chúng lại đang "lãnh đạo" cái đất nước khốn khổ và bất hạnh này !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 02/11/2023
Khi luật sư bị đuổi khỏi phiên tòa
Lê Quốc Quân, VOA, 29/05/2023
Nhiều luật sư phải đi ra nước ngoài như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Trần Luật… nhiều luật sư bị tước giấy phép hành nghề như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Võ An Đôn, Lê Quốc Quân (là tôi), Trần Vũ Hải…
Công an Đà Nẵng bắt giam ông Bùi Tuấn Lâm ngày 7/9/2022. Photo Congan
Ngày 25/5, luật sư Ngô Anh Tuấn đã bị buộc phải rời khỏi phòng xử án trong khi đang bào chữa cho bị cáo Bùi Tuấn Lâm.
Chỉ cách đây một tháng, hai luật sư của cô giáo Lê Thị Dung là Vũ Quang Ninh và Hoàng Thị Phương cũng đã bị buộc rời khỏi phòng xử án trong một vụ việc gây tranh cãi.
Trước đó, luật sư Bùi Gia Nên, Nguyễn Duy Bình, Vũ Thị Nga, Trần Vũ Hải… đều đã từng bị tước quyền bào chữa, buộc phải rời khỏi phòng xử án, thậm chí có luật sư còn bị áp giải đến trụ sở công an.
Cá nhân tôi vào năm 2003 cũng đã trải qua tình huống đặc biệt. Đó là sau khi kết thúc bài bào chữa cho thân chủ của mình, tôi đã bị một thẩm phán ở tòa án quận Cầu Giấy ép vào một căn phòng cuối tòa án.
Ở đó đại diện cả ba cơ quan là tòa án, viện kiểm sát và công an đã ngồi sẵn, lên tiếng đe dọa khởi tố và bắt tôi ngay tại tòa nếu tôi không giao nộp các tài liệu, băng ghi âm và dụng cụ minh họa cho bài bào chữa của mình.
Ở Việt Nam, rất nhiều trường hợp luật sư không thể thực hành quyền bảo vệ thân chủ của mình vì bị chủ tọa phiên tòa "buộc" ra khỏi phòng xử án với nhiều lý do khác nhau. Vậy căn cứ pháp luật ở đây là gì ?
Tất cả nằm ở ‘thái độ’
Tôn trọng tòa là điều mà luật pháp ở bất cứ các quốc gia nào cũng đòi hỏi và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Việc yêu cầu cảnh sát tư pháp áp giải ra khỏi tòa những người vi phạm cũng là bình thường của tòa án trên khắp thế giới.
Khoản 2 Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sựquy định :"Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa".
Khoản 2 Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa ban hành kèm theoThông tư số 02/2017/TT-Tòa án nhân dânTC của chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cũng quy định :"Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án…"
Theo khoản 2 Điều 467 Bộ luật Tố tụng hình sự thì "Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính" nhưng hiện nay chưa có một hướng dẫn chi tiết là như thế nào là "vi phạm" và chủ tọa phiên tòa "ra quyết định đó" là bằng hình thức nào ?, lệnh mồm hay là bằng văn bản ?
Khái niệm "Tôn trọng Hội đồng xét xử" cũng là rất chung chung, đầy cảm tính và chưa có một văn bản pháp luật nào chi tiết hóa thế nào là "tôn trọng", thế nào là "khinh thường" quan tòa.
Đối với nhiều thẩm phán thì thái độ khúm núm, hoặc "nước mắt" sẽ là một thái độ tốt. Ngược lại nếu như "ngẩng cao đầu" và "tự tin" thì bị cho là có thái độ không tốt.
Khi luật sư tin tưởng là thân chủ của mình không có tội thì thường thẳng thắn và rất quyết liệt trong việc bảo vệ nhưng thái độ đó thường sẽ có một tác động tiêu cực.
Lẽ ra "quan tòa" ngồi ở giữa để "điều phối" và lắng nghe sự tranh tụng giữa đại diện viện kiểm sát và luật sư rồi sau đó ra phán quyết. Bên buộc tội và gỡ tội tranh luận càng nhiều, càng sâu thì càng tốt vì như vậy sự thật khách quan càng dễ dàng sáng tỏ. Đó cũng là yêu cầu của nguyên tắc xét xử tại tòa.
Thế nhưng quan tòa ở Việt Nam luôn đứng về phía viện kiểm sát vì họ cùng là "người nhà nước", người của "đảng", là "phe ta".
Lý do phổ biến nhất của việc đuổi luật sư ra khỏi phòng xử án thường là trong quá trình tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát "đuối lý" nên không tranh luận lại và luật sư thì lại tiếp tục "dí" đòi tranh luận. Quan tòa thấy vậy phải sử dụng quyền chủ tọa để "cứu bồ".
Trong các vụ án chính trị, thì ba bên (công an, viện kiểm sát và tòa án) đều đã ngồi lại với nhau, bàn bạc và nhận chỉ thị từ "đảng" rồi mới đứng ra xét xử. Quá trình gọi là "xét xử" thực chất là thi hành một vở diễn và phải đảm bảo làm sao cho đúng kịch bản.
Khi luật sự hỏi khó các "diễn viên" sợ vỡ trận thì quan tòa áp dụng biện pháp "bịt miệng" bằng cách liên tục ngắt lời. Nếu luật sư tiếp tục lên tiếng đòi hỏi phải tranh luận, thì "mời ra khỏi toà" là giải pháp hữu hiệu nhất nhưng đó cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất của sự chưa trưởng thành trong văn hóa tranh tụng.
Hậu quả pháp lý của việc ‘đuổi luật sư’
Khi buộc luật sư rời khỏi phòng xử án chính là lúc quan tòa tước đi mất quyền được bào chữa của bị cáo, là làm mất đi một quyền Hiến định. Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định"Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa".
Quyền được bào chữa cũng được quy định tại Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự :"Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên…".
Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng sự quy định "người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án…"
Khi đã đuổi luật sư ra rồi thì đương nhiên không còn có quyền bình đẳng nữa. Quyền bào chữa của bị cáo đã bị tước bỏ và do đó sự thật khách quan của vụ án khó lòng mà được sáng tỏ.
Theo tôi, việc tùy tiện cắt lời, buộc im lặng hoặc đuổi luật sư ra mà vẫn cứ tiến hành xét xử là vi phạm tố tụng. Lẽ ra khi thấy có dấu hiệu vi phạm thật sự thì chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở, sau đó ra quyết định xử lý vi phạm và dừng phiên tòa cho đến khi bị cáo có được luật sư khác tham gia.
Chúng ta phải thừa nhận rằng trong quá trình phát triển thì luật sư và các quan tòa cũng "đang phát triển" nên trình độ chưa đồng đều. Các thẩm phán luôn luôn có những hành xử khác nhau, ở những nơi khác nhau và tâm lý cũng rất thất thường.
Cho nên Hội đồng thẩm phán Tòa Án tối cao cần phải có một hướng dẫn để các chủ tọa không thể tuỳ tiện "đuổi" luật sư ra khỏi phòng xét xử. Hiện nay Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự đã có hiệu lực hơn bảy năm, thì một văn bản hướng dẫn như vậy từ Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao là rất cần thiết.
Khi bị đuổi khỏi tòa, nhiều luật sư đã từng kiến nghị lên Liên Đoàn luật sư để nhờ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình nhưng hầu hết đều rơi vào quên lãng. Điều này cho thấy vai trò của Liên Đoàn luật sư cũng rất hình thức, nó là cơ quan đại diện được lập lên nhưng thực sự không hữu hiệu như một số luật sư đoàn ở các nước.
Cảm nghĩ về nghề luật sư
Do suốt một thời gian dài đất nước Việt Nam chỉ quan tâm đến "chuyên chế vô sản" mà không quan tâm đến "pháp luật" nên vai trò của luật sư trong xã hội là rất mờ nhạt.
Khi tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước bắt đầu có các bộ luật, thì luật sư như một chỗ chứa đựng rất nhiều "loại người", trong đó rất nhiều người không có trình độ chuyên nghiệp. Rất nhiều luật sư đời đầu là công an, thẩm phán, kiểm sát viên "có vấn đề", "bị tuột xích" hoặc về hưu liền "hàm thụ" và trở thành luật sư, với năng lực chuyên môn vô cùng yếu kém.
Nhiều luật sư cũng ghi danh lấy tiếng cho "oai" mà không muốn hoặc không thể tiến hành một hoạt động nghề nghiệp nào. Xã hội thì vẫn nhìn nhận nghề luật sư như một "nhịp cầu nối những bờ vui", là làm trung gian môi giới hối lộ giữa thân chủ và quan tòa.
Tuy vậy, vẫn có những luật sư chấp nhận dấn thân, bảo vệ thân chủ trong những vụ việc khó và có dấu hiệu oan sai, đặc biệt là các vụ án chính trị. Họ bị theo dõi, đánh đập và còn phải chịu đựng những áp lực vô cùng nặng nề.
Nhiều luật sư phải đi ra nước ngoài như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Trần Luật… nhiều luật sư bị tước giấy phép hành nghề như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Võ An Đôn, Lê Quốc Quân (là tôi), Trần Vũ Hải…
Hiện nay luật sư Đặng Đình Mạnh và một số luật sư khác trong vụ "tịnh thất Bồng Lai" vẫn đang bị triệu tập,theo dõi và có nguy cơ bị bắt chỉ vì họ mong muốn đi đến tận cùng của sự thật khách quan để kiếm tìm công lý.
Khi nghĩ về nền tư pháp tôi thường nghĩ về bức ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt mồm ngay tại phiên tòa 17 năm trước. Ngày nay thay vì trực tiếp bịt mồm bị cáo, cơ quan tố tụng tiếp tục "đuổi cổ" luật sư ra khỏi tòa án, tước đi quyền được bào chữa chính đáng của than chủ họ.
Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy nền tư pháp Việt Nam không hề tiến bộ trong những năm qua và là thách thức lớn cho những ai đang mong muốn sự phát triển của nó, đặc biệt là các luật sư.
Lê Quốc Quân
Thầy Cải ở xứ Đông Lào. "Mời" ra lúc cải, cho vào lúc nghe !
Gió Bấc, RFA, 29/05/2023
Luật sư hay nói theo dân gian là Thầy Cải là định chế bảo đảm quyền được bào chữa của bị can, bị cáo. Để đảm bảo sự công bằng, minh bạch của hoạt động tư pháp, luật sư phải được tham gia ngay giai đoạn đầu tiên và đồng hành với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong suốt quá trình tố tụng. Tuy nhiên ở xứ Đông Lào thì sau nhiều năm cải cách luật sư vẫn luôn gặp khó và chỉ gặp mặt thân chủ khi đã có kết luận điều tra, thậm chí có vụ chỉ gặp, tiếp cận hồ sơ một thời gian ngắn trước khi xét xử. Thậm chí nhiều luật sư được mời ra khỏi tòa khi đang bào chữa, tranh luận bất cần lý do tùy theo vui buồn, thương ghét của chủ tọa phiên tòa.
Ông Bùi Tuấn Lâm trong một lần nấu ăn từ thiện trước khi bị bắt giam
Ông Ngô Anh Tuấn nickname Tuan Ngo, một luật sư trẻ năng nổ từng bào chữa cho nhiều bị cáo, những vụ án gai góc như vụ án Đồng Tâm, anh em Trịnh Bá Phương… luôn có thái độ ứng xử chừng mực, khách quan. Mới đây, tham gia vụ án Thánh Rắc Hành Bùi Tuấn Lâm, sau khi thăm gặp thân chủ trước phiên xử sơ thẩm, Tuan Ngo đã viết stt trên Fb cá nhân trong đó đã khen ‘Dù có một vài khúc mắc nho nhỏ ban đầu nhưng tôi thực sự ghi nhận, buổi thăm gặp được diễn ra thuận lợi, không bị hạn chế về thời gian. Mặc dù buổi gặp được ghi hình để phục vụ công tác giám sát nhưng chúng tôi không gặp trở ngại trong nội dung trao đổi vì các bên cùng thống nhất rằng, chẳng có gì bí mật ở đây cả. Lâm cũng ghi nhận rằng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, Lâm không bị phân biệt đối xử ; đó là sự nhân văn cần thiết và là tín hiệu tốt cho một phiên tòa cởi mở hơn…".
Nhưng bất ngờ, tại phiên tòa luật sư của Bùi Tuấn Lâm đã bị "mời" ra khỏi tòa một cách thiếu thiện ý và pháp lý. Anh đã bức xúc viết trên fb cá nhân về việc này, "Trong phần tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát, do có một số nội dung mà vị này đã tranh luận nhưng quan điểm giữa chúng tôi chưa đồng nhất nên tôi phân tích để kiểm sát viên tranh luận tiếp thì một vị thẩm phán (không phải là Chủ tọa phiên tòa) yêu cầu tôi không nhắc lại nội dung đã trình bày. Tôi trả lời là vì vị đại diện Viện Kiểm sát chưa tranh luận hết nội dung mà luật sư đưa ra và họ cũng chưa từ chối tranh luận tiếp với luật sư thì theo luật, tôi vẫn tiếp tục tranh luận. Vị thẩm phán này không đồng tình với nội dung tôi nêu và yêu cầu tôi rời phòng xét xử dù tôi không có bất kỳ một hành vi to tiếng, quá khích nào nhằm cản trở hoạt động của phiên tòa. Tôi nói rằng vị Chủ tọa mới là người điều hành phiên tòa và nếu ông mời/đề nghị/yêu cầu tôi rời khỏi phòng xử thì tôi sẽ chấp hành ngay. Vị Chủ tọa mời tôi ngồi xuống nhưng gần như ngay sau đó, vị thông báo mời tôi rời khỏi phòng xử. Dù trong lòng không đồng tình với quyết định của vị Chủ tọa nhưng tôi chấp nhận rời phòng xử luôn vì không muốn không khí phòng xử nặng nề thêm nữa.
Tôi rời phòng xét xử theo sự hướng dẫn của lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên tòa và dẫn vào ngồi ở một phòng làm việc có ghi "Chánh văn phòng" thuộc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tại đây, một số người không rõ danh tính đã làm việc với tôi, họ quay phim, lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung không phản ánh đúng sự thật khách quan đã diễn ra (tôi ghi rõ trong phần ý kiến của mình)" (1).
Ý kiến của Tuan Ngo đã tạo sự đồng cảm hưởng ứng của đồng nghiệp. Dù điều 331 luôn là lưỡi gươm thần chết treo lơ lửng cho những ai có ý kiến bất đồng nhưng nhiều luật sư đã lên tiếng bàn luật về sự tùy tiện lạm quyền của thẩm phán và sự mơ hồ của luật pháp Việt Nam
Luật sư Trịnh Đình Dũng đã có bài phân tích dài và lưu ý rằng "Trước đây các Luật sư Đồng Hữu Pháp, Nguyễn Duy Bình, và nhiều luật sư khác trong đó có tôi cũng đã từng bị mời ra khỏi phòng xét xử vì các luật sư chúng tôi ĐÃ CHÁY HẾT MÌNH ĐỂ BẢO VỆ CHO CÔNG DÂN MÀ CHÚNG TÔI ĐÃ NHẬN BÀO CHỮA, BIỆN HỘ.
Luật sư Ngô Anh Tuấn là Luật sư trẻ có đạo đức tốt, hết lòng về nghề Luật sư đã có ý định bỏ nghề này vì sự cố mà ông đã nêu… Chúng tôi mong rằng Liên Đoàn Luật sư Việt Nam với Ủy ban bảo vệ Quyền hành nghề luật sư phải có chuyên đề hội thảo và trước mắt nên sâu sát, khuyến khích Luật sư Ngô Anh Tuấn trình bày sự cố này…" (2).
Luật sư Trương Vĩnh Tuyến từ đoàn luật sư Bình Phước cũng đồng tình đặt vấn đề "không biết các thành viên Hội đồng xét xử đã căn cứ vào Điểm, Khoản, Điều của Văn bản pháp luật nào để đuổi (nói có văn hóa là mời) người hành nghề luật sư đang trực tiếp tham gia phiên tòa, ra khỏi phòng xử án ?
Nhân sự vụ các luật sư bào chữa cho bị cáo cô giáo ở tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An bị mời ra khỏi phiên tòa và nay là luật sư Ngô Anh Tuấn Bần dân Dương Vĩnh Tuyến đề nghị quý cơ quan lãnh đạo ban hành bộ luật quy định trình tự, thủ tục, và nội dung của người hành nghề luật sư tại phiên tòa ! Cần quy định cụ thể khi tham gia phiên tòa, luật sư được nói gì và không được nói gì...
Có như rứa thì mới không có sự kiện luật sư bị mời ra khỏi phiên tòa" (3).
Thật vậy, luật sư bị tòa tống cổ giữa phiên tòa không phải là chuyện hiếm. Trong vụ án tòa án huyện Hưng Nguyên xử vụ cô giáo Lê Thị Dung 5 năm tù vì vi phạm tài chính 45 triệu đồng, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa lần lượt mời Luật sư Vũ Quang Ninh và Luật sư Hoàng Thị Phương ra khỏi tòa khi họ thực hiện các hoạt động hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật. Trước đó, các luật sư đã liên tục bị thẩm phán chủ tọa Nguyễn Thị Phan Hương cắt lời, chèn ép.
Dư luận phẩn nộ, đồng nghiệp lên tiếng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra văn bản cho rằng, "nếu trình bày của các luật sư là đúng, hành vi của thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, gây cản trở tới hoạt động hành nghề hợp pháp của Luật sư và ảnh hưởng tới quyền, lợi hợp pháp của người bị buộc tội.
Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kính đề nghị Tòa án nhân dân Nghệ An trong quá trình xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm, tiến hành thẩm tra, xem xét thận trọng vụ việc nhằm có đánh giá và kết luận có hay không dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm, từ đó, đưa ra quyết định, hướng xử lý phù hợp để vụ việc được giải quyết khách quan, toàn diện và đúng pháp luật" (4).
Tuy nhiên, kiến nghị của Liên Đoàn Luật sư như nước chảy đầu vịt, không được ai lưu tâm. Viện Kiểm Sát Nghệ An vừa thay mặt nhà nước thực hiện quyền công tố vừa là cơ quan kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tố tụng đã có văn bản kháng nghị hủy án để điều tra lại thay đổi tội danh, tính toán lại số tiền vi phạm ở mức cao hơn mà không hề đoái hoài đến vi phạm của thẩm phán tước đoạt quyền bào chữa của cô Dung.
Thân phận pháp lý của luật sư ở xứ Đông Lào này mỏng như cánh chuồn. Không chỉ quyền bào chữa của họ không được bảo đảm mà ngay cả quyền tự do thân thể của họ cũng không được bảo vệ. Có thể nói luật sư là nghề nhạy cảm và nguy hiểm vào bậc nhất với các điều luật mơ hồ về tội lợi dung quyền tự do dân chủ theo điều 311 hoặc các tội phạm khác.
Không kể đến những luật sư trực tiếp tham gia tranh đấu, phản biện, bất đồng chính kiến như Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Luật sư thái tử đảng Cù Huy Hà Vũ cũng bị kết án vì hai cái bao cao su.
Một số luật sư khác thuần túy vận dụng pháp lý để làm rõ tình tiết vụ án, bảo vệ người bị kết án oan sự nghiệp cũng bị chông chênh vì những cái cớ không đâu.
Luật sư Võ An Đôn ở Khánh Hòa đã bị tước quyền hành nghề khi lên tiếng bảo vệ nhiều dân oan. Luật sư đình đám như Trần Vũ Hải bị truy tố về tội trốn thuế. Điều rõ ràng nhất là các luật sư chạm đến sự thật của các vụ án oan do nhà nước cố tình quy chụp rất dễ bị vạ lây.
Vụ án xử tù ông Lê Tùng Vân và các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai là điển hình của trò chơi tạo án oan với người dân và quy chụp trấn áp người gở tôi.
Sau khi các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đạp lên các quy định tố tụng, dựng nên những bản án oan hàng chục năm tù qua hai phiên tòa bỏ túi họ lại chuyển sang bước trấn áp trả thù các luật sư. Công an tố giác với công an về sai phạm của luật sư để mời làm việc theo kiểu quy chụp.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Long An xem xét đường lối xử lý liên quan đến vụ án xảy ra tại ‘Tịnh Thất Bồng Lai’. Văn bản khẳng định :
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bên cạnh việc giám sát, hỗ trợ quyền hành nghề của Luật sư thành viên, đồng thời quan tâm đến nhận thức, kỹ năng và ứng xử trong quá trình tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẵn sàng phối hợp và cử đại diện làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An trong trường hợp cần thiết (hoặc khi có yêu cầu) nhằm góp phần xác minh, làm rõ vụ việc nêu trên.
Do đó, thông qua nội dung đơn và kết quả làm việc nêu trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các cơ quan xem xét và có đường lối giải quyết vụ việc một cách thận trọng, khách quan theo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật". (5)
Theo thông lệ, các văn bản của Liên Đoàn Luật sư cũng rơi vào im lặng, không cơ quan nào rảnh hơi trả lời. May mắn là lần này, trước áp lực dư luận, phía công an Long An đã tạm dừng việc triệu tập lấy lời khai của hai luật sư Đặng Đình Manh và Đào Kim Lân, lưỡi gươm thần chết vẫn treo lơ lửng.
Trường hợp duy nhất kiến nghị của Liên Đoàn Luật sư được phản hồi là trong màn kịch Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải do chánh án dao thớt Nguyễn Hòa Bình chủ trì. Để ra vẻ khách quan, minh bạch trước phiên xử Tòa án nhân dân tối cao đã thông báo mời Luật sư Trần Hồng Phong tham gia phiên tòa. Thế nhưng sau khi kết thúc phần xét xử buổi sáng ngày 06/5, Luật sư Trần Hồng Phong được thông báo sẽ không được tham dự phiên tòa giám đốc thẩm bắt đầu từ buổi chiều cùng ngày - 06/5 (phiên tòa diễn ra trong 3 ngày, từ 06-08/5). Chủ tọa phiên tòa cho biết phiên tòa buổi sáng Luật sư đã hoàn thành việc trình bày các chứng cứ mới, do vậy bắt đầu từ phiên tòa buổi chiều trở đi Luật sư không cần tham dự.
Ngày 07/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản số 127/LĐLSVN kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dânTC xem xét yêu cầu của Luật sư Trần Hồng Phong đề nghị được tham gia đầy đủ phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải xảy ra tại tỉnh Long An.
Văn bản do Tiến sĩ Luật sư Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký, được gửi tới ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm ; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. (6)
Báo chí dư luận xã hội thông tin ầm ỉ về sự trái khoáy này và Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã có màn sửa sai rất đểu là cho Luật sư Trần Hồng Phong được tham dự phiên tòa ngày 8/5, ngày cuối cùng của phiên xét xử để nghe tuyên án. Phải khăn gói từ Sài Gòn ra Hà Nội 2 lần trong ba ngày, mang tiếng là dự phiên tòa 2 ngày nhưng Luật sư Trần Hồng Phong chỉ được dự để nghe mà không được thực hiện quyền bào chữa của mình.
Quan chức cao nhất của ngành tòa án hành xử như vậy thì trách sao cấp dưới không thẳng tay đàn áp luật sư. Thực tế này có thể hy vọng gì với nền tư pháp của nhà sản ?
Với những sai phạm đầy ác tâm, bảo vệ cho oan án tử hình người vô tội bằng con dao cái thớt đi mua ngoài chợ, Nguyễn Hòa Bình vẫn lần lượt thăng tiến từ ủy viên trung ương, thành viên Ban Bí Thư và nay là Ủy Viên Bộ Chính Trị, liệu người dân sẽ hiểu và tin điều gì vào cuộc đốt lò của Tổng Trọng ?
3. https://www.facebook.com/Tuyendienphiennaonang/posts/pfbid02TwC2CXuHZqpR...
************************
Bản án bất công đối với nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm
Hoàng Anh, Thoibao.de, 28/05/2023
Ngày 25/5, RFA tiếng Việt đưa tin "Thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm bị kết án 5 năm 6 tháng tù, luật sư nói bản án không công bằng".
"Thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm bị kết án 5 năm 6 tháng tù
Theo đó, nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, 39 tuổi, có biệt danh "thánh rắc hành", mới bị Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng kết án 5 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế, trong một phiên tòa mà luật sư cho là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
VOA cho biết, ông Lâm, bị bắt ngày 7/9/2022, 9 tháng sau khi ông đưa lên YouTube một video clip rắc hành, ám chỉ việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng ở một tiệm ăn sang trọng tại London. Ông Lâm bị cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự, trong một phiên tòa diễn ra ngày 25/5.
VOA dẫn lời luật sư Lê Đình Việt, một trong 2 luật sư bào chữa cho ông Lâm, nói : An ninh cho phiên tòa được siết chặt, hai luật sư bị nhân viên an ninh kiểm tra rất kỹ trước khi bước vào phòng xử án, trong khi không một người thân nào của ông Lâm được phép vào tòa.
"Quan điểm của ông Bùi Tuấn Lâm là thừa nhận một số hành vi nhưng không xác định đó là hành vi phạm tội, vì ông cho rằng đó là thực hành quyền tự do ngôn luận". Luật sư Việt nói.
Ông Việt cũng cho biết, đồng nghiệp của mình, luật sư Ngô Anh Tuấn đã bị chủ tọa phiên tòa cho cảnh sát tư pháp đuổi ra khỏi phòng xử án.
Ngoài ra, luật sư Việt còn chỉ ra việc thực thi pháp luật không được thực hiện đầy đủ trong quá trình giải quyết vụ án. Ông cho rằng, mình có căn cứ đầy đủ và nêu rất rõ ở tòa rằng, các kết luận giám định các bài viết, video dùng để buộc tội ông Lâm có rất nhiều vi phạm. Trong đó có vi phạm về thẩm quyền giám định, vi phạm về tư cách của người giám định, thậm chí có những cái vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật giám định tư pháp.
Ông cho biết thêm, ngay sau khi chủ tọa phiên tòa công bố bản án, thân chủ của ông tuyên bố sẽ kháng cáo.
VOA dẫn cáo trạng được ban hành bởi Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, theo đó, ông Lâm bị cho là đã đăng tải 19 bài viết trên Facebook "Peter Lam Bui" ; 25 video và bài viết lên kênh YouTube, trong thời gian từ ngày 17/4/2020 đến ngày 26/7/2022, với nội dung bị cho là "xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân" và "bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân".
Cáo trạng không nhắc gì đến hành động rắc hành, nhại lại độc tác của "thánh rắc muối" Salt Bae trong video đút món bò dát vàng đắt đỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn, tại một nhà hàng sang trọng ở London.
Bên cạnh đó, VOA cho biết, người thân của ông Bùi Tuấn Lâm đã bị đánh đập, sách nhiễu khi đến tòa.
VOA dẫn lời em trai ông Lâm, ông Bùi Quang Khiêm cho biết, gia đình 8 người của ông Lâm sáng 25/5 lên tòa án Đà Nẵng, để yêu cầu được tham dự phiên tòa, nhưng không được phép, với lý do phải có giấy triệu tập của tòa án.
Công an chặn tất cả các đường dẫn tới khu vực tòa án, và bố trí nhân viên dày đặc, không cho người dân đi vào khu vực này.
Ông Khiêm cho biết, khi gia đình ngồi ở ngoài tòa, an ninh cho người đến quấy rối. Khi phiên tòa kết thúc, luật sư đi ra và nói chuyện với gia đình. Khi đó, công an lại kéo tới hành hung.
Những người mặc thường phục lôi ông Bùi Quang Khiêm và Bùi Quang Minh lên xe 16 chỗ, rồi đưa tới Uỷ ban Nhân dân phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Sau đó bà Lê Thanh Lâm, vợ Bùi Tuấn Lâm, cũng bị dẫn giải về đây và họ bị đưa vào ba phòng khác nhau.
Hai em trai của ông Lâm được trả tự do lúc khoảng 2 giờ cùng ngày. Công an còn giữ bà Lâm lại, và cho người mang thiết bị tới để phá khóa điện thoại của bà vì muốn xóa hình ảnh bà chụp được xung quanh tòa án, ông Khiêm nói và cho biết thêm không rõ khi nào bà Lâm được về nhà. VOA cho hay.
Một người khác trong gia đình ông Lâm cho VOA biết, nhiều an ninh mặc thường phục và đeo khẩu trang bịt mặt, đã lảng vảng ở khu vực gần nhà ông Lâm từ ba hôm trước, để theo dõi mọi hoạt động của gia đình.
Không những thế, VOA cho biết, công an còn cho người đến gần nhà riêng của một số người hoạt động và thân thân tù nhân lương tâm ở Hà Nội. Trong đó có bà Phạm Thị Lân, vợ của nhà báo, tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thuỵ. Công an Hà Nội cũng triệu tập bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, lên trụ sở công an phường Dương Nội để làm việc vào sáng 25/5, về việc "đưa thông tin và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook". Trong buổi làm việc, công an cũng tra khảo về mối quan hệ giữa bà với gia đình tù nhân lương tâm khác, trong đó có gia đình Bùi Tuấn Lâm.
Ông Lâm là nhà hoạt động thứ tư bị kết án theo Điều 117 kể từ đầu năm đến nay. Ba người còn lại là blogger Nguyễn Lân Thắng của RFA và ông Trương Văn Dũng đều bị án 6 năm tù còn ông Trần Văn Bang bị án 8 năm tù giam.
Hoàng Anh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 28/05/2023
*************************
Phiên tòa xử Bùi Tuấn Lâm : Quá kinh khủng !
Lê Thanh Lâm, VNTB, 28/05/2023
Tôi không nghĩ nơi mình đang đứng là trước cổng tòa án và sau đó là UBND Phường mà lại bị chính những người của bộ máy công quyền hành xử thô bạo như thế.
Họ sợ gì với hình ảnh người tù yêu nước là Chàng thanh niên áo trắng với chuỗi mân côi trên cổ ấy.
Tôi bị bạo lực, bị xúc phạm danh dự, bị xâm phạm thân thể, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân và bị đe dọa.
Hai em trai của chồng bị đánh bầm dập ngay trước tòa án
Tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ về những gì mà tôi và gia đình đã trải qua vào ngày diễn ra phiên tòa xét xử chồng tôi là Bùi Tuấn Lâm. Tôi không nghĩ nơi mình đang đứng là trước cổng tòa án và sau đó là UBND Phường mà lại bị chính những người của bộ máy công quyền hành xử thô bạo như thế.
Ba ngày trước khi phiên tòa công khai diễn ra, lực lượng an ninh mật vụ đã bắt đầu canh gác gia đình tôi. Họ quay phim chụp ảnh tôi ngang nhiên công khai mà không hề có một sự e dè nào cho việc làm thô thiển đó. Vì để đảm bảo rằng mình không bị canh gác và có thể cùng luật sư đến phiên tòa của chồng, tôi đã bí mật rời nhà vào sáng thứ ba. Tôi check-in tại một khách sạn mà tôi và luật sư đã hẹn trước để bảo đảm cho kế hoạch di chuyển của mình. Tôi quên mất việc, khi check in khách sạn bằng chính thông tin của mình thì việc tôi bị phát hiện và theo dõi là sớm muộn.
Đêm thứ ba hôm đó, khi đã hơn 9 giờ tối. Nhân viên khách sạn gọi điện cho tôi hỏi rằng tôi có vấn đề gì không mà chiều đến giờ an ninh mặc thường phục đến hỏi thông tin phòng của tôi nhiều lần. Và họ báo rằng 10 giờ đêm họ sẽ quay lại và muốn kiểm tra phòng. Nhân viên lễ tân nói mong muốn tôi trả khách sạn và họ sẽ hoàn tiền cũng như sẽ tìm cho tôi một khách sạn tương ứng. Họ nói họ cũng chỉ làm kinh doanh và không muốn rắc rối.
Thực sự lúc này, tôi cảm giác vô cùng sợ hãi, kèm theo là sự phẫn nộ tột cùng. Họ đang làm gì thế, họ lấy quyền hạn gì để theo dõi và truy vấn thông tin của tôi như thế. Tôi không khỏi lo lắng về sự an toàn của mình khi trời đã qua ban đêm rồi. Tôi yêu cầu nhân viên lễ tân để tôi được nói chuyện với giám đốc khách sạn.
Người quản lý khách sạn gọi cho tôi, họ bày tỏ sự quan tâm và trấn an tôi. Họ nói vì những người kia chỉ mặc thường phục và không đưa ra được văn bản chứng minh việc kiểm tra phòng là đúng nên khách sạn từ chối. Tôi cũng nói với người quản lý đó rằng tôi không phải là tội phạm, nếu khách sạn làm sai quy định và xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân của khách hàng thì tôi sẽ kiện. Và họ tin lời tôi, họ bảo chị an tâm nghỉ ngơi, nếu bên kia mà không cung cấp đủ thẩm quyền chúng tôi sẽ không mở cửa. Trong trường hợp, họ cung cấp đủ giấy tờ liên quan chúng tôi buộc phải theo họ.
Tôi đã trải qua một đêm kinh hoàng đầy bất an lo lắng không dám chợp mắt tại khách sạn như thế. Họ đã quyết tâm tìm ra tôi, theo dõi tôi thì có gì họ không dám ?
Tôi quyết định rời khỏi khách sạn đó lúc mặt trời chưa lên, mặc dù đã thanh toán đủ tiền cho đêm tiếp theo. Tôi di chuyển bằng grabbike và đi mỗi chặn tôi đều kiểm tra an ninh xung quanh mình. Tôi nhờ một người bạn check in giúp tôi một khách sạn khác và may mắn tôi an toàn cho tới sáng ngày diễn ra phiên tòa.
25/05/2023
Tôi đến phiên tòa cùng hai Luật sư bào chữa cho chồng tôi. Thời gian lúc này chỉ còn hơn 10 phút nữa là đến giờ phiên xét xử. Để đến được phiên tòa, chúng tôi đã phải đi lòng vòng tìm chỗ đậu xe thuận tiện nhất, gần vị trí tòa nhất để đi bộ vào. Ô tô hôm nay không được phép đậu quanh khu vực tòa án, thậm chí không được đổ xe cho khách xuống. Tất cả khu vực tòa án, khuôn viên trước trụ cờ đường 2/9 đều dày đặt công an, an ninh, mật vụ. Họ không cho bất kỳ ai tiếp xúc hoặc đậu xe quanh đó. Tôi không nghĩ rằng một phiên tòa được xét xử công khai lại bị hạn chế tuyệt đối và tốn kém tiền thuế của dân như thế.
Đó là một bất ngờ đối với tôi, mục đích đi cùng Luật sư của tôi cũng chỉ để được cùng luật sư vào phiên tòa của chồng. Tại sao một phiên tòa công khai nhưng vợ của bị cáo lại bị từ chối dự ? Hai anh luật sư đã yêu cầu quyền được tham dự tòa của tôi, nhưng bất thành. Họ nói nếu luật sư không lên làm việc để phiên tòa diễn ra thì họ sẽ nói là luật sư không tham gia làm việc.
Tôi chất vấn những người bên trong cánh cổng của tòa án, có tới vài chục con người đứng đó để chờ luật sư của chúng tôi vào. Tôi hỏi tại sao một phiên tòa công khai mà cha mẹ và vợ lại không được tham dự. Các ông làm luật nhưng tại sao không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Một người bên trong tòa án nói vọng ra cho những người còn lại rằng
"#không_cần_giải_thích_lý_do". Đó là tất cả những gì tôi và gia đình nhận lại được cho một phiên tòa công khai của con của chồng mình. Thật đáng xấu hổ, khi mà luật pháp chỉ để nằm trên giấy thôi sao ???
Dưới cái nắng nóng gần 40 độ và chỉ vài bóng cây con con lác đác, gia đình chúng tôi chia nhau ra đứng chờ phiên tòa. Người mẹ già đứng đợi con dưới nắng, chỉ ngồi trú tạm trên vỉa hè cũng bị công an liên tục tới nhắc nhở không được ngồi. An ninh mật vụ luôn túc trực bên cạnh và dùng máy quay phim từ dân dụng tới chuyên nghiệp để quay lại chúng tôi. Nhưng họ lại để biển báo cấm quay phim chụp hình, cấp tụ tập đông người. Những biển báo này chỉ xuất hiện vào ngày diễn ra phiên tòa này, chứ trước đó không hề có. Các phiên tòa khác trước đó, người dân vẫn tập trung rất đông, tôi đi lên tòa án và chứng kiến. Vậy Tòa án là nơi bị cấm tập trung ư ?
11 giờ
Quan sát thấy xe bít bùng bắt đầu di chuyển vào vị trí, chúng tôi cứ tưởng là phiên tòa sắp kết thúc và chồng tôi chuẩn bị ra. Chỉ có mình chồng tôi, nhưng có tới ít nhất 3 xe bít bùng được huy động, họ che chắn lối cửa ra của bị cáo đến mức không có 1 khe hở. Cứ tưởng cha mẹ anh em sẽ được nhìn thấy thoáng một chút hình ảnh người con thân yêu sau bao tháng dài xa nhớ, chỉ cần chào nhau một tiếng thôi, thế nhưng họ đang sợ điều gì ?
Cả nhà tôi đã đứng dưới cái nắng 40 độ trong hơn 1 giờ đồng hồ như thế đó để chờ cái hình ảnh cuối cùng. Cái khoảnh khắc nhớ thương của người mẹ trong tiếng kêu con mình "Lâm ơi mẹ đây, mẹ tự hào về con, con bình an nghe", "Lâm ơi ba đây", "Anh Lâm ơi, Khiêm đây, Minh đây…".
Chiếc xe bít bùng vòng đi tới cổng cũng là lúc tôi chạy tới kịp, tôi kêu lên "Bùi Tuấn Lâm vô tội". Tôi muốn chồng tôi vững tin rằng những gì anh làm là đúng, gia đình luôn bên anh. Những năm tháng tù đày tới đây chỉ để anh mạnh mẽ can trường.
Thế nhưng, khi chiếc xe cuối cùng đi qua là lúc tôi bị tên công an ĐẶNG CÔNG CẨM, mang số hiệu 350-259 lao vào tóm tôi lại. Cùng lúc đó tất cả các an ninh mật vụ mặc thường phục cả nam và nữ nhào vào xâu xé tôi, có người cố tình giựt túi xách tôi, họ như bầy quỷ dữ đang vay bắt con mồi và che chắn không cho gia đình tôi tiến tới. Hai đầu gối tôi chà xát xuống đường. Tôi biết họ cần gì ở tôi, nên tôi cố thủ cái túi xách của mình và không thể nào kháng cự được nữa. Họ lôi tôi từ cổng tòa cho tới chiếc xe buýt đậu gần đó phải hơn chục mét. Tên công an trên bẻ ngược hai tay tôi ra sau và lôi tôi đi như một con heo cùng với sự giúp sức của cả đám an ninh. Họ quăng tôi lên xe cũng là lúc tôi nhìn thấy hai em trai của anh Lâm đang bị đánh tới tấp trong tiếng hét của một tên an ninh quận "Đánh cho chết hai thằng đó đi". Chiếc xe chạy, tôi không còn nhìn thấy gì nữa, trên xe là tên công an và 1 tên an ninh cùng với 2 bà nữ trùm kín mít từ đầu tới chân mà từ sáng sớm đã xuất hiện ở phiên tòa và theo sát chúng tôi.
Lên xe, trong sự tức giận, tôi chất vấn tên công an là tại sao bạo lực với tôi, tại sao đàn ông lại xâm phạm thân thể tôi. Câu trả lời tôi nhận lại được từ chính miệng hắn" TAO LÀM ĐÓ". Vì quá mệt, cũng không thể nói nỗi nữa, chúng chở tôi đi vòng vòng và đưa tôi về UBND phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Khi về tới đây, tôi cũng thấy chúng bắt 2 em trai chồng tôi về đây luôn.
Tầm 2 giờ chiều, khoảng sau hơn 1g30’ câu lưu thì họ thả 2 em trai anh Lâm ra về.
Họ cũng đã bắt tôi đợi ngần ấy thời gian. Tôi rất mệt, và đói vì chưa ăn gì. Họ có cung cấp nước cho tôi nhưng bữa ăn thì không. Tôi liên tục yêu cầu được ra về và không thể chờ nữa. Liên tục là an ninh, công an xưng là điều tra viên vào làm việc với tôi, theo kiểu là điều tra diễn biến sự việc. Tôi cũng kể lại và nói ra những bức xúc của mình về việc bị cưỡng chế về đây, bị dùng vũ lực ép đi chứ không hề mời tôi. Nếu nói là mời, tôi có quyền từ chối và tôi đi về. Họ ngăn cản không cho tôi đi, luôn có an ninh nữ và nam canh giữ tôi.
Khi các em tôi đã ra về, thì có một người an ninh nam vào làm việc với tôi với cáo buộc tôi quay phim chụp hình. Yêu cầu tôi giao điện thoại kiểm tra. Tôi từ chối. Đó là sở hữu cá nhân, không ai có quyền nếu như tôi không đồng ý. Hắn bắt đầu chửi đổng. "Không lo làm ăn bán bún nuôi con, làm chuyện ruồi bu". Tôi hỏi "anh nói ai vậy ?". Hắn chỉ mặt tôi là nói "Tao nói mày đó". Đến lúc này thì tôi biết sẽ chẳng có cuộc làm việc "có thể thiện chí " hơn dành cho mình.
Vì tôi không giao nộp điện thoại, họ cứ đi ra vào và cuối cùng họ kêu thêm một người đàn ông hung tợn, cùng với một đám an ninh bịt mặt nam cùng 3 người đàn bà bịt mặt trùm đầu nữ (trong đó có 2 người theo tôi từ sáng). Tất cả họ ùa vào phòng tiếp cận sát người tôi. Và người đàn ông hung tợn kia bắt đầu trừng trợn chửi bới dọa nạt uy hiếp tôi. Bắt tôi phải giao nộp điện thoại. Tôi quả quyết rằng không. Tôi nói với người điều tra viên ban đầu làm việc với tôi, tại sao lại có chuyện này xảy ra. Người đàn ông này là ai và lại đến đây uy hiếp tôi như vậy. Tôi đang ở trong chính UBND phường, một nơi công quyền nhưng sao lại có đám người này từ đâu ra và hành xử thô bạo như thế. Ông ta xưng mình là công an, nhưng sau đó lại bảo là hiệp sĩ đường phố, thấy chuyện bất bình là tôi đã quay phim chụp hình nơi có biển cấm nên ra tay. Không khí trong cái phòng nhỏ mấy mét vuông thực sự kinh khủng, nặc mùi đe dọa 1 người đàn bà đầy thương tích và đang đói muốn tụt huyết áp như tôi. Tôi biết mình lành ít dữ nhiều. Tôi chỉ biết nghĩ đến Chúa ngay giây phút ấy.
Tên đàn ông hung dữ kia nói giờ không giao ra thì tiến hành cưỡng chế. Sau tiếng "Lục soát" của tên này thì ba con đàn bà kia nhào vô người tôi, khống chế tôi và lục soát mọi ngóc ngách trên thân thể tôi. Chúng lấy hết tất cả những gì trong túi xách tôi ra ngoài, kiểm tra sò mó tới nách tới bẹn của tôi, chúng bắt tôi cởi áo khoác ngoài để kiểm tra, xem tôi có giấu gì không.
Ngay giây phút ấy, tôi bất lực hoàn toàn rồi. Tôi bị đối xử không còn là một con người nữa. Tôi làm gì được với đám quỷ dữ này chứ. Để chúng lấy được gì chúng muốn.
Chúng lấy được điện thoại và yêu cầu tôi mở khóa. Tôi không, mãi mãi không.
Ở đâu có chuyện vô lý như thế, tôi hoàn toàn thất vọng và không thể cất lời với bọn chúng. Chúng xem xét hết từng món đồ của tôi, tháo vặn từng cây son môi, xem hình ảnh các con tôi, chúng ịn mặt tôi trên chứng minh nhân dân vào điện thoại, bấm những con số có trên chứng minh nhân dân, cắm điện thoại kết nối với máy tính, chúng làm tất thảy những gì có thể làm.0. cũng không thay đổi được gì.
Chúng huy động thêm an ninh vào. Và hai tên này bịt mặt. Và khi vào thấy tôi chúng buông lời xúc phạm tôi. Một tên chửi tôi là "Thứ không biết xấu hổ", "Tưởng mày ngon", "nhục nhã"… tên còn lại thì đe dọa tôi bằng câu nói "mẹ con mày coi sống có được yên".
Cảm giác trong tôi lúc này là một sự khinh bỉ. Những tên đàn ông chỉ dám bịt mặt và chỉ tay chửi bới đe dọa một người đàn bà 3 nuôi ba đứa con dại như tôi, vinh quang ???
Chúng hết cách rồi quay ra nhỏ nhẹ "hợp tác đi rồi về".
Chúng câu lưu tôi tới 16g chiều trong tình trạng đói lã mệt mỏi căng thẳng thì chúng vào lập biên bản các thứ, biên bản sự việc, sơ yếu lý lịch, biên bản phạt vi phạm hành chính, có thêm 2 người được mời vào làm chứng… tôi từ chối và không kí, cũng không mở mật khẩu điện thoại. Các thứ biên bản này được lập trong 2g đồng hồ, mãi cho đến 18g mới xong, thật kinh khủng. 17g chiều một người trong số họ mua cho tôi 1 ổ bánh mì và kêu tôi ăn. Tôi cũng từ chối vì tôi không thể nào nuốt nổi. Trong suốt quá trình 4 giờ đồng hồ từ lúc lấy được điện thoại của tôi, thì điện thoại luôn trong tình trạng sai mật khẩu và chờ thử lại.
Trong đoạn gần cuối của việc làm việc bằng văn bản, một tên an ninh lấy điện thoại của tôi ra khỏi phòng, tôi yêu cầu làm việc trực tiếp tại đây thì hắn không chịu và cầm đi mất, khi quay lại điện thoại tôi đã tắt ngủm dù trước đó còn những hơn 50% pin và bắt đầu ấm lên, Ngay lúc ấy, quá mệt quá đuối tôi chỉ muốn về nhà, tôi cũng không nghĩ là chúng đã phá điện thoại của tôi, khi về đến nhà, điện thoại nóng như cục lửa và camera đã nhòa nước bên trong. Vậy là đã hiểu.
Tôi về đến nhà đã 7g tối, ba con gái nhào tới ôm mẹ trong tiếng nấc nghẹn "Con nhớ mẹ, mẹ đi đâu mà lâu quá vậy ?"
——————————————
Bản án vào ngày 25/05/2023 là 5 năm 6 tháng và 4 năm quản chế dành cho chồng tôi Bùi Tuấn Lâm, là một cái cười nhục nhã vào hai tiếng công lý cho những kẻ mang danh cầm cân cầm búa.
Không hề có biển cấm chụp hình quay phim và tập trung đông người cho đến phiên tòa Bùi Tuấn Lâm.
Không một hình ảnh nào của Bùi Tuấn Lâm lọt ra ngoài, ngay cả báo chí lề đảng đưa tin cũng chỉ sử dụng lại hình ảnh cũ. Việc đánh lừa mọi người bằng việc huy động tận mấy xe bít bùng để không biết anh sẽ bước lên xe nào, che chắn tới khe hở hẹp nhất.
Họ sợ gì với hình ảnh người tù yêu nước là Chàng thanh niên áo trắng với chuỗi mân côi trên cổ ấy.
Hình ảnh mấy trăm con người làm việc của Tòa án hôm ấy tràn ra hành lang cầu thang tòa nhà chỉ để chứng kiến Bùi Tuấn Lâm đi về trại thật tuyệt, thật đẹp. Người tù nào có được giây phút ấy chứ ?
Còn về phần tôi, tôi đã kể lại những gì tôi đã trải qua. Và với những kẻ đã buông lời đe dọa sự an toàn của mẹ con tôi, thì nên nhớ nếu mẹ con tôi có chuyện gì xảy ra thì chính những kẻ này chứ không ai khác.
Hãy ghi nhớ những lời đe dọa chửi bới của các người, hãy về nhà và đặt tay lên trái tim con mình, nhìn vào đôi mắt ngây thơ của đứa trẻ và tự hỏi "Ba, mẹ đã làm gì hôm nay ?
Lê Thanh Lâm
Nguồn :Facebook MimosaTL, 27/05/2023
Lê Thanh Lâm – Một câu chuyện dài để viết nhưng chỉ mất vài phú để đọc
***************************
Tòa Đà Nẵng xử "thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm, gia đình bị chặn ở ngoài
RFA, 25/05/2023
Sáng ngày 25/5, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng bắt đầu phiên xử công khai nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước", tuy nhiên gia đình ông không ai được vào phòng xử án.
FB Lê Thanh Lâm
Theo công bố, phiên tòa sẽ bắt đầu vào 7 giờ 30 phút sáng, để xét xử nhà hoạt động có video bắt chước 'thánh rắc muối' Salt Bae (trong video đút bò dát vàng cho Bộ trưởng công an Tô Lâm) về cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông đối mặt với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Một người trong gia đình nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào trưa ngày thứ năm :
"Gia đình em đi còn em ở nhà. Mọi người bắt Grab đi lên toà. Tụi an ninh đi xem máy theo sau. Tới đó mọi người chia ra hai nhóm nhưng không được vô".
Người này cho biết có tám người trong gia đình, bao gồm cả bố mẹ và vợ ông Lâm bị chặn ở cổng tòa và phải ngồi bên ngoái ngóng tin, việc liên lạc với họ rất khó khăn vì dường như công an sử dụng thiết bị phá sóng điện thoại.
Luật sư Lê Đình Việt sau đó cho biết, gia đình ông Lâm bị công an bắt giữ và đưa đi khi đang ngồi đợi ở bên ngoài. Đại diện Đại Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cũng đến để tham dự phiên tòa nhưng cũng không được vào trong toà.
Gia đình ông Lâm cho biết thêm, nhiều an ninh mặc thường phục và đeo khẩu trang bịt mặt đã lảng vảng ở khu vực gần nhà ông Lâm từ ba hôm trước để theo dõi mọi hoạt động của gia đình.
Không chỉ đưa người canh gác gần nhà riêng của ông Lâm, công an còn cho người đến gần nhà riêng của một số người hoạt động và thân thân tù nhân lương tâm ở Hà Nội, trong đó có bà Phạm Thị Lân, vợ của nhà báo Nguyễn Tường Thụy, một blogger của RFA, người đang thụ án tù 11 năm về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".
Bà Lân cho RFA biết vào sáng sớm khi bà mở cửa đưa cháu đi học bà thấy có mấy viên công an địa phương ở gần cửa. Họ định bám theo nhưng bà phản ứng nên họ ngồi lại cho đến khi bà từ trường quay lại nhà.
Công an Hà Nội cũng triệu tập bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, lên trụ sở công an phường Dương Nội để làm việc vào sáng 25/5 về việc "đưa thông tin và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook". Trong buổi làm việc, công an yêu cầu bà "không được đăng chia sẻ các bài viết nhạy cảm, chưa được kiểm chứng nên mạng xã hội", nếu không "sẽ bị bắt", bà Thu nói với RFA trong buổi trưa cùng ngày.
Bà Thu cũng cho RFA biết trong buổi làm việc kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, công an cũng tra khảo về mối quan hệ giữa bà với gia đình tù nhân lương tâm khác, trong đó có gia đình Bùi Tuấn Lâm.
Cáo buộc chống lại ông Lâm vi phạm nhân quyền
Theo cáo trạng ban hành bởi Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, Lâm bị cho là đăng tải 19 bài viết trên danh khoản Facebook "Peter Lam Bui" và 25 video và bài viết lên kênh YouTube trong thời gian từ ngày 17/4/2020 đến ngày 26/7/2022 với nội dung bị cho là "xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân" và "bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân".
Luật sư Lê Quốc Quân, người từng bị cầm tù 30 tháng về tội danh "trốn thuế" vì các hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, nói cáo buộc chống lại ông Lâm vi phạm nhân quyền. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong thời gian diễn ra phiên tòa :
"Về cá nhân anh Bùi Tuấn Lâm thì tôi thấy rằng những bài anh đưa lên Facebook và những video anh đã làm đưa lên Youtube đều nói lên sự thật và gần như là diễn tả lại tinh thần và tấm lòng của anh đối với quê hương đất nước.
Cá nhân tôi cho rằng tất cả những cáo buộc đó (đối với Bùi Tuấn Lâm- PV) là không đúng, đi ngược lại Tuyên ngôn về các quyền dân sự và chính trị của quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nó cũng đi ngược lại với Điều 25 của Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam".
Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
Tuy nhiên, vẫn theo điều này "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" trong khi Quốc hội do Đảng Cộng sản chi phối không xây dựng hoặc thông qua các luật quy định việc thi hành các quyền này.
Ông Lâm là một trong hàng chục nhà hoạt động đã và đang bị giam cầm vì "tuyên truyền chống Nhà nước". Luật sư Quân giải thích:
"Phía Nhà nước thông thường người ta giả định rằng tất cả những điều gì những người chống Nhà nước nêu lên dù là nói sự thật, dù đó là nói với tất cả tấm lòng, thao thức với tiền đồ của đất nước, về tương lai của đất nước, mà người ta không vừa ý hoặc người ta thấy có ảnh hưởng đến nền chuyên chính hoặc ảnh hưởng đến sự cầm quyền của Đảng Cộng sản thì người ta coi đó là chống Nhà nước".
Do vậy, người hoạt động ở Việt Nam bị trừng phạt chỉ vì thực hiện các quyền phổ quát một cách ôn hoà.
"Những con người mà mong muốn về một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, tôn giáo, tất cả những công dân lên tiếng mạnh mẽ đòi những quyền đương nhiên đó, phía Nhà nước coi là những người hoạt động chống phá, phản động.
Khi đã bị coi là chống nhà nước thì họ cáo buộc theo Điều 117 hoặc các điều khác trong chương Tội phạm về an ninh quốc gia".
Luật sư Quân cũng nhắc đến một chi tiết không được nhắc đến trong cáo trạng, đó là việc ông Lâm- chủ một quán ăn ở Đà Nẵng, bắt chước "thánh rắc muối" Salt Bae để rắc hành vào bát phở trước khi đưa cho khách hàng.
Một số người cho rằng việc bắt giữ ông Lâm liên quan đến bữa ăn thịt bò dát vàng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở tiệm ăn của Salt Bae ở London cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo luật sư Quân, nếu người đứng đầu lực lượng an ninh Việt Nam cảm thấy bị Bùi Tuấn Lâm xúc phạm thì có thể kiện ra tòa án dân sự để đồi bồi thường. Trong trường hợp ông Lâm bị kết tội "làm nhục người khác" theo Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015 thì mức án cao nhất cũng chỉ có thể là ba năm cải tạo không giam giữ.
Hai ngày trước phiên xử, Ân xá Quốc tế ra thông cáo kêu gọi Nhà nước Việt Nam phóng thích ông Lâm. Một ngày sau, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng có hành động tương tự.
Nguồn : RFA, 25/05/2023
****************************
'Thánh rắc hành' - Bùi Tuấn Lâm bị tuyên 5 năm 6 tháng tù, 4 năm quản chế
BBC, 24/05/2023
Ngày 25/5, tòa án thành phố Đà Nẵng tuyên ông Bùi Tuấn Lâm 5 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế vì vi phạm Điều 117 Bộ luật hình sự.
Vợ Bùi Tuấn Lâm (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè kêu gọi thả tự do cho anh
Ông Lê Đình Việt, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Bùi Tuấn Lâm nói với BBC sau phiên tòa về bản án:
"Quan điểm của Bùi Tuấn Lâm là anh ấy thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa thì Lâm rất bình tĩnh, có thể nói Lâm có tinh thần rất bình thản trước bản án được tuyên.
"Với vụ án của ông Bùi Tuấn Lâm, bản thân tôi cho rằng thứ nhất - không có đủ căn cứ để kết tội anh ấy. Về cáo trạng, chủ yếu dựa trên các kết luận giám định - được thực hiện một cách trái quy định của luật giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn.
"Vấn đề thứ hai, liên quan đến cấu thành tội phạm. Nội dung khách thể tội phạm ở đây là nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khi đó, có những vấn đề không liên quan đến nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ví như liên quan đến một số tổ chức, một số cá nhân khác - không phải là khách thể tội phạm được quy định tại điều 117.
"Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án, Viện kiểm sát cũng không chứng minh được mục đích thực hiện hành vi của Lâm là chống nhà nước Việt Nam, vì Lâm nói mình chỉ thực hiện tự do ngôn luận", Luật sư Việt phân tích tính chất vụ án của ông Lâm.
Luật sư Việt cũng xác nhận với BBC rằng vợ ông Bùi Tuấn Lâm - bà Lê Thị Thanh Lâm không được tham dự phiên tòa :
"Việc này các luật sư cũng đã có ý kiến nhưng Hội đồng xét xử không cho phép, chỉ nói do hội trường dành cho những thành phần khác, những người làm nhiệm vụ và rồi chuyển sang phần khác".
Cũng trong sáng 25/5, bà Lâm gửi thư cho các tổ chức quốc tế và đại diện phái đoàn EU, các Đại sứ quán Mỹ, Đức, Pháp, Thuỵ Điển, bà Lâm viết bà được thông báo không được vào phiên tòa :
"Là vợ cũng như các thành viên thân thiết nhất trong gia đình của anh ấy, tôi tin mình có quyền tham dự quá trình tố tụng để đảm bảo rằng các quyền của anh ấy được bảo vệ và công lý được thực thi.
"Do đó, tôi tìm kiếm hành động khẩn thiết của quý vị trong vấn đề này. Với tư cách là đại diện của các quốc gia tương ứng, tôi mong quý vị thúc giục chính phủ Việt Nam cho phép tôi tham dự phiên tòa xét xử chồng tôi".
Trước phiên tòa của chồng mình, ngày 24/5, bà Lê Thị Thanh Lâm nói với BBC rằng dù bản án tòa tuyên bao nhiêu năm đi chăng nữa thì vẫn là "oan sai" và "vô nhân đạo", vì ông Bùi Tuấn Lâm không có tội.
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng cho rằng ông Bùi Tuấn Lâm đã có hành vi: "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và gây hoang mang trong nhân dân".
Ông Bùi Tuấn Lâm nổi tiếng với biệt danh "Thánh rắc hành" nhờ video đăng hồi 10/11/2021. Trong đó ông Lâm nhại lại động tác rắc muối của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ có biệt danh Salt Bae, người phục vụ món bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở London, một sự việc trước đó gây ồn ào cho báo chí quốc tế vào thời điểm đó.
Trong các 19 bài viết và 25 video đăng trên Facebook lẫn YouTube có nội dung mà Viện kiểm sát cho là vi phạm vào Điều 117 Bộ luật hình sự, không có cái nào liên quan đến video nhại lại Salt Bae.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 24/5 kêu gọi thả tự do cho ông Bùi Tuấn Lâm và bỏ hết mọi bản án nhắm vào ông Lâm.
'Ba hay mùa hè về trước'
Ông Bùi Tuấn Lâm cùng vợ là Lê Thị Thanh Lâm có ba người con gái : An Nhiên (7 tuổi), Bảo Nhiên (6 tuổi) và Tuệ Nhiên (3 tuổi). Quán bún bò của vợ chồng ông tên "Ba cô gái" là vì vậy.
Từ ngày ông Tuấn Lâm bị bắt vào 7/9/2022 tới nay đã hơn tám tháng, vợ cùng ba cô con gái chỉ được gặp ông Lâm duy nhất một lần vào ngày 13/5 vừa rồi. Cuộc đoàn tụ diễn ra vỏn vẹn 10 phút.
"Việc đầu tiên là anh Lâm thông báo cho tôi phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 25/5, nếu không tôi cũng không biết. Về tinh thần thì anh rất ổn, rất mạnh mẽ nhưng có ốm đi nhiều.
"Mấy đứa nhỏ quá bỡ ngỡ khi gặp ba nên cũng không nói được gì nhiều, chỉ hỏi có nhớ ba không, hỏi thăm sức khỏe nhau và anh dặn tôi phải đòi quyền vào phiên tòa. Lúc gần chia tay thì bốn cha con hát với nhau một bài", bà Lâm kể lại.
Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ là nhà hoạt động ở Việt Nam có khi hiểu chuyện đến mức làm người lớn cũng phải chạnh lòng. Cả ba cô con gái nhà ông Lâm đều biết ba bị công an bắt đi và ngay cả Tuệ Nhiên - thời điểm đó chỉ mới hơn 2 tuổi.
"Các con tôi đều biết ba đi tù, dù ba vô tội. Vì còn nhỏ nên bé không đo lường được thời gian nên hay hỏi ngây ngô là mùa hè tới trước hay ba sẽ về trước. Tôi trả lời các con : "Đương nhiên là ba về lâu hơn rồi". Nhưng các bé đều rất ngoan và hiểu chuyện", bà Lâm bộc bạch.
Báo chí tiếng Anh quan tâm vụ ông Bùi Tuấn Lâm và video nhại lại Salt Bae của ông
Cuộc khám nhà ông Bùi Tuấn Lâm vào ngày 7/9/2022 được bà Lâm mô tả như một cuộc "khủng bố tinh thần" với khoảng 200 người thi hành công vụ được trang bị "súng đạn, dùi cui, đồ phòng hộ".
Theo lời bà Lâm, lúc đó đại gia đình bà có khoảng 20 người, gồm 8 trẻ em, đều bị nhốt trong một phòng kín do một cô an ninh canh gác. Vì phải làm việc với công an khi họ tịch thu máy móc, thiết bị nên dù bà Lâm có xin thì phía cơ quan chức năng cũng không cho bà vào với con.
"Các con tôi bị ảnh hưởng nhiều sau cuộc khám nhà và bắt anh Lâm đi đó, nhất là con bé út. Một cô an ninh nữ chạy xộc lên phòng chúng tôi, dùng mền trùm kín mít bé út lúc đó chỉ hơn 2 tuổi, rồi đưa nó vào phòng nhốt chung với 7 đứa con nít còn lại. Đứa lớn nhất trong đám chỉ có 8 tuổi, bọn trẻ trong nhà hoảng loạn vô cùng trong suốt hai tiếng trời.
"Lúc họ đưa anh Lâm đi xong, cửa mở, tôi nhìn thấy con mình mà rớt nước mắt vì bé khóc như một con chuột ướt. Ba bị bắt đi đột ngột, bé bị sốc như mất đi một người bảo vệ, một người trụ cột nên rơi vào hoảng loạn. Kể từ khi anh Lâm đi, đêm bé ngủ thường lo lắng bất an, hay gào thét gọi ba rồi khóc xong rồi ngủ thiếp đi", bà Lâm thuật lại.
Chồng vắng nhà, bà Lâm một mình chăm lo cho ba cô con gái và cáng đáng cả kinh tế gia đình. Quán bún bò của vợ chồng bà, nơi người dân đổ về ủng hộ như một cách "bỏ phiếu bằng chân" cho những việc ông Bùi Tuấn Lâm làm cũng phải đóng cửa sau đó vài tháng.
"Bán quán phải dậy sớm tầm 4 giờ sáng, con bé út vẫn còn hoảng loạn nên tôi dậy là nó cũng dậy theo. Tôi đẩy tủ ra bán thì bé vật vờ ngồi trong nhà nên tôi phải đổi hướng, làm công việc khác để có thể chăm lo cho tụi nhỏ.
"Có những lúc cũng quá sức với tôi vì hồi xưa việc gì cũng hai người cùng làm. Chăm bọn trẻ thôi cũng hết thời gian, huống chi giờ một mình chăm ba đứa, dạy tụi nhỏ học, đi làm nữa. Nhưng rồi cũng cố gắng vượt qua vì các con tôi và vì gia đình, bạn bè đều hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất", bà Lâm nói qua điện thoại với BBC.
Lá thư "màu nhiệm"
Chỉ vài ngày trước phiên tòa của chồng mình, bà Thanh Lâm nhận được cuộc gọi của một người lạ nói rằng nhặt được mẩu thư được ông Lâm viết từ trong trại giam.
Sau khi gặp và nhận lấy lá thư của chồng, thực chất chỉ là những mảnh giấy vụn được viết chi chít, to bằng nửa lòng bàn tay ghép lại, bà Lâm tâm sự đó lại là cả phép màu tưới tắm lên cuộc sống của bốn mẹ con :
"Tôi đọc thư chồng vào lúc 12 giờ đêm nên khóc quá trời, sáng hôm sau đọc cho các con rồi bốn mẹ con ôm nhau khóc. Cả gia đình ai đọc cũng thấy những mẩu thư đó là điều kỳ diệu. Trong thư anh viết sẽ không nhận tội và tặng cho bốn mẹ con hai bài thơ con cóc anh làm".
Những mẩu thư mà ông Bùi Tuấn Lâm viết tặng cho vợ con ngày 7/1/2023 và cầu nguyện sẽ có người nhặt được và gửi đến vợ ông
Chụp cho BBC những mảnh giấy của ông Lâm, bà Lâm nói để có thể đọc được, bà đã phải ép các mảnh giấy vào sách cho thẳng thớm. Nhưng bà vẫn nhận ra nét chữ và những tâm tình mà chồng gửi gắm :
"Trong này mọi thứ hiếm hoi và thiếu thốn quá, nên anh không viết nhiều cho em được. Anh gửi vợ đôi chút tâm tư tình cảm của mình cho bốn mẹ con qua 2 bài thơ con cóc này.
"Nếu nó đến được với em là một kỳ tích đối với anh đó Anh không bao giờ nhận tội, vì có tội gì mà nhận đúng không em".
Về việc bày tỏ chính kiến của chồng mình, bà Lâm nói chưa bao giờ phản đối vì từ lúc chưa lấy nhau, cả hai đều xác định có thể một ngày nào đó, ông Lâm sẽ phải đi tù vì lý tưởng của mình.
"Việc hoạt động xã hội là lý tưởng của chồng tôi nên nếu biểu anh ấy từ bỏ thì anh sẽ không lấy vợ. Tôi và anh Lâm có lý tưởng như nhau nên tôi sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả và chuyện anh Lâm đi tù, tôi cũng đã biết chỉ là một sớm một chiều", bà Lâm diễn giải.
Vợ chồng keo sơn đã được 10 năm, khi chồng thực sự phải đi tù, bà Lâm liên tục cập nhật tình hình, thông tin về vụ án của chồng mình trên Facebook cá nhân cũng như kêu gọi sự chú ý của dư luận về phiên tòa ngày 25/5 của ông Lâm.
Bà nói với BBC, bất kỳ một người vợ nào có chồng là tù nhân chính trị đều sẽ đấu tranh, lên tiếng cho chồng mình bằng tất cả cách có thể và cũng phải dũng cảm nhất có thể :
"Tôi không thấy cô đơn vì có gia đình, anh em bạn bè đồng hành. Và quan trọng nhất, tôi còn ba đứa con nhỏ, một mình tôi không thể cáng đáng và cần người đồng hành nuôi dạy con và tôi sẽ đấu tranh tới cùng khi chồng mình chịu một bản án oan sai".
Ông Bùi Tuấn Lâm bị cáo buộc vi phạm điểm a, b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật hình sự, mức án cao nhất ông có thể phải đối mặt là 12 năm tù.
Nguồn : BBC, 24/05/2023