Tôi từng đi du học Mỹ, gắn bó một phần tuổi trẻ của mình với nước Mỹ. Dù chưa bao giờ coi Mỹ là nhà, tôi thực sự đau lòng khi nhìn và nghe những gì đang xảy ra tại Mỹ. Tất cả những bi kịch tại xứ cờ hoa hiện tại, dù là 100 ngàn người chết vì coronavirus, một tổng thống vô đạo đức và nhân cách, những người da màu bị phân biệt đối xử, hay hệ thống hành pháp lạm quyền, đều là hậu quả của sự thiếu tư tưởng chính trị. Nếu nhìn vào lịch sử hiện đại của Mỹ trong vài chục năm gần đây thì chúng ta sẽ đau xót, nhưng không ngạc nhiên với hiện tại của nó. Có thể nói nước Mỹ đang ở trong thời kì đen tối nhất từ nhiều thập niên qua.
Tôi từng tới Mỹ với niềm hi vọng được sống trong một nền dân chủ thực sự, chỉ để nhận ra nền dân chủ đó từ lâu đã bị tha hóa bởi giới tài phiệt, và bởi một chế độ tổng thống đã thất bại tại mọi quốc gia và biến các quốc gia đó trở thành những chế độ độc tài.
Tất cả những bi kịch tại xứ cờ hoa hiện tại, dù là 100 ngàn người chết vì coronavirus, một tổng thống vô đạo đức và nhân cách, những người da màu bị phân biệt đối xử, hay hệ thống hành pháp lạm quyền, đều là hậu quả của sự thiếu tư tưởng chính trị.
Tôi từng nghĩ Mỹ là nơi mà tất cả mọi người đều có cơ hội và được coi trọng, chỉ để nhận ra sự thiếu liên đới xã hội và chia rẽ, phân cực tới mức khó tưởng tượng, được đẩy lên cao trào dưới thời Trump. Tôi từng tin vào khái niệm tự do ngôn luận tại Mỹ, chỉ để nhận ra nhiều người Mỹ bây giờ không còn lắng nghe ý kiến trái chiều nữa, dù là cánh tả hay cánh hữu thì cũng sẵn sàng lăng mạ những người có ý kiến đối lập, thay vì đối thoại với họ.
Quá trình "vỡ mộng" đó tới với tôi từ những năm đầu đại học, từ trước khi Trump lên nắm quyền, và trong 4 năm vừa qua, nó cứ tiếp tục tới một cách từ từ, chậm rãi nhưng mãnh liệt và đau xót.
Khi mà công nghệ phát triển quá nhanh, và nền tảng tư tưởng chính trị thì lại không theo kịp, toàn thế giới đang ở trong một cuộc khủng hoảng về tư tưởng. Khủng hoảng đó diễn ra khắp nơi, nhưng có lẽ không biểu hiện rõ ở đâu vào năm 2020 như tại Mỹ, siêu cường số 1 thế giới (nhưng lại đang trên đà tự thu mình lại và chối bỏ trách nhiệm lãnh đạo thế giới). Trong hiện tại, khi mà Trung Quốc và Nga không còn là những thế lực có thể đe dọa thế giới, kẻ thù lớn nhất của nước Mỹ lại chính là bản thân họ.
Điều tốt nhất có thể hi vọng là các nhà tư tưởng lớn và các chính trị gia tại Mỹ sẽ sớm nhận ra và bắt đầu một cuộc cách mạng tư tưởng, may ra còn có thể chữa lành một xã hội đã quá nhiều thương tích và chia rẽ. Nếu không, sẽ vẫn còn những Donald Trump mới và những George Floyd mới.
Trần Việt Anh
(03/06/2020)
Nguồn: https://www.facebook.com/vietanh.tran2911 (Tiêu đề được đặt thêm)