Dân chưa tin vào khả năng và quyết tâm bảo vệ tổ quốc của Đảng và Nhà nước !
Hôm 15/5, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời cử tri Thành phố Hồ Chí Minh trong đề nghị đảng, nhà nước cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo kịp thời thông tin đến nhân dân ; tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Triển lãm chủ quyền biển đảo tại Hà Nội trước đây. AFP
Nhân dịp này, RFA có cuộc phỏng vấn Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc về văn bản trả lời cử tri của Bộ Quốc Phòng, cũng như những nhận định của ông về tình hình Biển Đông hiện nay. Trước hết ông cho biết :
Đinh Kim Phúc : Hôm nay trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh có đăng bài Bộ Quốc Phòng trả lời cử tri, những đòi hỏi của cử tri trước những hành động hung hãn của Trung Quốc trên biển Đông, cũng như những đòi hỏi nhà nước Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ tổ quốc. Đọc bài phát biểu của Bộ Quốc Phòng, tôi thấy rằng có thể đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây, sau sự kiện Hải Dương D981 xâm phạm vào thềm lục địa và cùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. Lần này, Bộ Quốc Phòng đã chỉ đích danh Trung Quốc chứ không phải nước ngoài, không phải là nước lạ, đã triển khai những hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách phi lý của họ trên biển Đông. Đây là một điều rất ngạc nhiên, một thay đổi, một thái độ, đối với đối tượng chính, đó là Trung Quốc.
RFA : Ông nghĩ sao về nhận định của Bộ Quốc Phòng cho rằng, sự can dự của các nước ngoài Biển Đông, đã làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm ?
Đinh Kim Phúc : Cái nhận định của Bộ Quốc Phòng cho rằng, sự can dự của các nước ngoài Biển Đông, đã làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm, thì đây là vấn đề tôi hết sức ngạc nhiên. Không biết Bộ Quốc Phòng dựa trên những tiêu chí nào, mà quy kết việc can dự của các nước ngoài Biển Đông làm cho tình hình phức tạp thêm.
RFA : Ông có thể giải thích rõ hơn cho khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này ?
Đinh Kim Phúc : Chúng ta thấy rằng, cuộc tranh chấp Biển Đông, cuộc tranh chấp trên hai chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, nó không phải là tranh chấp ’song phương’. Việc tranh chấp ‘song phương’ giữa Việt Nam và Trung Quốc là tranh chấp chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Còn cuộc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là cuộc tranh chấp ‘đa phương’ gồm Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia... Rồi tranh chấp toàn bộ Biển Đông bởi yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, là cuộc tranh chấp ‘đa phương’, và thách thức cả thể giới về quyền tự do hàng hải.
RFA : Nếu như nhận định rằng, sự can dự của các nước ngoài Biển Đông, đã làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm, thì Bộ Quốc phòng muốn ám chỉ ai thưa ông ?
Đinh Kim Phúc : Chúng ta thấy rằng, điểm qua tình hình trên Biển Đông những năm qua, thì sự xuất hiện của Hoa Kỳ với các cuộc diễn tập quân sự với các đồng minh như Philippines. Rồi Hoa Kỳ thực hiện quyền tự do hàng hài theo điều 87 của luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Thì nếu Hoa Kỳ và các nước khác thực hiện quyền tự do hàng hải theo điều 87 của UNCLOS mà làm cho tình hình biển đông phức tạp hơn, thì tôi nhận xét quan điểm của Bộ Quốc phòng Việt Nam không đúng.
RFA : Trước thực tế đó, thái độ của Trung Quốc có gì thay đổi không ?
Đinh Kim Phúc : Chúng ta thấy rằng, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, họ đã vi phạm nghiêm trọng cộng ước quốc tế về luật biển năm 1982. Họ tuyên bố bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp hiến chương Liên Hiệp Quốc... Chúng ta thấy rằng, lịch sử về tuyên bố chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải, được thông qua ngày 4 tháng 9 năm 1958, ở ngay điều 1, họ nêu chủ quyền của họ là cách 12 hải lý, và các điều kiện áp dụng cho toàn lãnh thổ của Trung Quốc.v.v... Thì họ có một câu : ‘các lãnh thổ, các đảo, các quốc đảo, tách rời khỏi đất liền ở biển cả’... cái từ ‘biển cả’ ở đây lại cho thấy rằng, Trung Quốc đã vi phạm điều 89 của luật biển Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Không có quốc gia nào có thể đòi hỏi hay yêu sách về chủ quyền đối với một bộ phận nào mà thuộc về ‘biển cả’. Qua đây chúng ta thấy rằng thủ đoạn và âm mưu của Trung Quốc bất chấp đạo lý, bất chấp công pháp quốc tế.
Người dân Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Courtesy FB Đinh Kim Phúc
RFA : Và theo ông thái độ đó có những nguy hiểm gì ?
Đinh Kim Phúc : Tôi thấy rằng tình hình trên Biển Đông ngày càng đặt các nước Đông Nam Á trên miệng hố chiến tranh, nó đe dọa nền hòa bình, an ninh, của khu vực Đông Nam Á, và của cả khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Thì việc can dự của các cường quốc trên thế giới về tự do hàng hải, theo tiêu chí thứ nhất, theo quy định luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, thì không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông. Và phải khẳng định rằng, người làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông hiện nay, cái người đặt các nước Đông Nam Á bên miệng hố chiến tranh, đó là bá quyền Trung Quốc.
RFA : Theo ông, qua những sự việc này thì Việt Nam nên có thái độ như thế nào ạ ?
Đinh Kim Phúc : Theo bản tuyên bố của Bộ Quốc Phòng trả lời cử tri hôm nay mà các báo chí Việt Nam đăng tải, thì tôi thấy có tiến bộ hơn những vấn đề trước, có một tiến bộ rõ ràng chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ quấy rối an ninh và ổn định trong khu vực. Chứ không phải nói như Bộ trưởng Quốc Phòng trước đây là ông Phùng Quang Thanh nói rằng, ai có tâm lý ghét Trung Quốc là nguy hiểm, gây nguy hiểm cho dân tộc, đây là một tư tưởng đầu hàng khi chưa đánh, và không thể chấp nhận được.
Theo tôi, nhận định của Bộ Quốc phòng vừa rồi là nhận định thực tế trong tình hình thực tế hiện nay, và nêu lên những biện pháp cụ thể của nhà nước hiện nay, vẫn kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, bằng hiến chương Liên Hiệp Quốc, bằng luật biển Liên Hiệp Quốc năm 1982, bằng đối thoại xong phương, đa phương... Thì tôi thấy nó phù hợp xu thế khu vực, nó cũng phù hợp xu thế đấu tranh của các nước Đông Nam Á bị đe dọa bởi đường lưỡi bò của Trung Quốc như là Philippines, Malaysia, Brunei... kể cả Indonesia.
Tôi thấy kể từ sau sự kiện Trung Quốc thành lập cái gọi là Tam Sa, từ năm 2007 đến nay, thì cái tham vọng của họ từng bước đã được nâng lên gấp trăm lần so với yêu cầu năm 2007. Cái tham vọng của Trung Quốc không phải chỉ 12 năm nay, mà chúng ta thấy cái tham vọng bành trước của bá quyền Trung Quốc xuất phát từ năm 1909, khi họ cho tàu thuyền ra thám sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và họ lên tiếng xác lập chủ quyền. Quá trình tranh chấp cho đến nay đã hơn 100 năm, và ngày càng đẩy các nước Đông Nam Á, trong mối quan hệ quốc tế và trong mối quan hệ với Trung Quốc, luôn luôn gay gắt, xung đột, và thậm chí có khả năng đụng độ với nhau trên biển.
Nhìn lại quyết tâm của Việt Nam trong những năm qua về tăng cường ngân sách quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, để phòng thủ đất nước và sẵn sàng đánh trả các thế lực cướp đất, cướp đảo của Việt Nam thêm một lần nữa, thì tôi thấy việc làm này đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, và nó cũng là một lực lượng răng đe cho tham vọng của TQ trên Biển Đông".
RFA : Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa tin tưởng được khả năng bảo vệ đất nước của đảng và nhà nước Việt Nam đối với sự đe dọa của Trung Quốc, ông nghĩ sao về nhận định này ?
Đinh Kim Phúc : Vì sao hiện nay, nhân dân chưa tin tưởng được khả năng bảo vệ đất nước của đảng và nhà nước Việt Nam đối với sự đe dọa của Trung Quốc, chính vì vậy ở đâu đó có một bộ phận cư dân hoài nghi về quyết tâm bảo vệ đất nước của đảng và nhà nước. Tôi có thể nói rằng việc quyết tâm không để một tấc đất, không để mất một cứ điểm nào nữa sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, bằng việc thành lập các Dàn DK1, tăng cường thêm điểm đóng quân trên 21 điểm chiếm đóng của Việt Nam ở Biển Đông, thì tôi thấy rằng nhà nước Việt Nam đã làm rất tốt trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.
Nhưng theo ý kiến của bản thân tôi, có một điều mà hiện nay đảng và nhà nước chưa làm được, tức là chưa làm cho người dân tuyệt đối tin tưởng, vào khả năng bào vệ tổ quốc, vào quyết tâm bảo vệ tổ quốc, và việc phân định rạch ròi ‘bạn thù’ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
RFA : Xin cám ơn Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn hôm nay.
Nguồn : RFA, 15/05/2020