Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 27 novembre 2020 14:29

Liệu Bắc Kinh có "tha" cho Hà Nội ?

Với những dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ và Việt nam dường như đang trở nên nồng ấm trong khi mối thâm tình với Bắc kinh có vẻ nhạt nhòa và đi xuống kể từ sự kiện Bãi tư chính hồi năm ngoái cho đến sự kiên Đại dịch cúm Vũ Hán đã ảnh hưởng lên phần lớn thế giới đến nay vẫn chưa chấm dứt.

backinh1

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien trong buổi gặp gỡ sinh viên Học viện Ngoại giao ngày 22/11.

Vẫn là câu hỏi rất cũ rằng "Liệu Việt Nam có thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh" hay không, được tác giả Đỗ Hoài Phương Minh phân tích qua bài viết đăng trên Đài Á Châu tự do, với nội dung như sau :

Sự nồng ấm Việt – Mỹ

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert C. O’Brien vừa có chuyến viếng thăm Hà Nội từ ngày 20 đến 22/11/2020.

Theo thông báo của phía Việt Nam thì chuyến viếng thăm này để kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam và để đề cao những nỗ lực chung của hai nước trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Báo chí hai bên cũng cho biết, trong chuyến thăm này, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ O’Brien đã gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch, và Bộ trưởng Công an Đại tướng Tô Lâm.

Trong các cuộc gặp này, ông O’Brien cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần vào an ninh quốc tế, và tôn trọng thượng tôn pháp luật.

Quan hệ Việt – Mỹ trong dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Quan hệ song phương ngày càng nồng ấm khi Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, trong nửa đầu năm 2020, thương mại song phương đã tăng 26 tỷ USD.

Cách đây chưa đầy một tháng, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã ghé thăm Hà Nội trong một chuyến đi không có trước trong lịch trình.

Các chuyến viếng thăm liên tiếp của các quan chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ cho thấy sự quan tâm của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam.

Tương lai tốt đẹp

Các chuyến viếng thăm này cùng với việc cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken được bố trí làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới của Biden đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc và ASEAN rằng Mỹ tiếp tục giữ cam kết đối với khu vực và với Việt Nam.

Điều này khiến Việt Nam vui mừng vì được coi là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.

Washington đang tận dụng mọi cơ hội có thể để giành lấy sự ủng hộ của Hà Nội và cải thiện vị thế quốc tế của Mỹ.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Blinken trước đây từng nói về Việt Nam : "Sự chuyển đổi của Việt Nam, giống như của rất nhiều nước khác, được hỗ trợ và thậm chí được thúc đẩy nhờ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc dành riêng cho sự tiến bộ của mỗi nước".

Ông Blinken từng là chuyên gia hoạch định chính sách quan trọng trong chiến lược tái cân bằng Châu Á của chính quyền Obama.

Lý do chính để Washington hòa giải với Việt Nam là vì Hà Nội là nước phản đối mạnh nhất trong ASEAN trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

backinh2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp ngoại trưởng Hoa kỳ Mike Pompeo

Trong cuộc trò chuyện với Walter Russell Mead tại Viện nghiên cứu Hudson vào ngày 9/7/2020, quan chức ngoại giao trên cho rằng :

"Ngày càng có nhiều sự đồng thuận giữa các bên rằng Trung Quốc đặt ra một loạt thách thức mới và hiện trạng thực sự không bền vững".

Các nhà nghiên cứu dự báo, chính quyền của Biden sẽ coi trọng tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương.

Điều này trái ngược hẳn với thái độ coi thường công khai của chính quyền Trump dành cho các liên minh.

Biden sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nhóm "Bộ tứ" và "Bộ tứ mở rộng", tăng cường các cuộc tập trận phối hợp quân sự, không chỉ gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản mà còn gồm các nước khác như Việt Nam.

Trong bài bình luận của RAND, Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao, nói : "Việt Nam sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho nhóm "Bộ tứ mở rộng" nhằm vào Trung Quốc.

Việc mở rộng sự tham gia của nhóm "Bộ tứ" bao gồm một nước Đông Nam Á sẽ làm suy yếu nhận định của Bắc Kinh rằng "Bộ tứ" chỉ là một nhóm các cường quốc khu vực đang cố gắng ‘kiềm chế’ sức mạnh của Trung Quốc".

Với tư cách là các cường quốc biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ trong nhóm "Bộ tứ" chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì an ninh hàng hải thông qua việc giải quyết những thách thức phức tạp này. Ý tưởng về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở chắc chắn bao gồm hợp tác an ninh biển.

Trong vài năm qua, hợp tác trong quan hệ an ninh và quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh biển ngày càng phát triển mạnh mẽ.

backinh3

Ông Antony Blinken cựu thứ trưởng ngoại giao thời tổng thống Obama, người được ông Joe Biden chọn làm ngoại trưởng

Điều này được thể hiện trong các chuyến thăm mang tính lịch sử của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng hồi tháng 3/2018 và tàu USS Theodore Roosevelt hồi tháng 3/2020.

Các tàu sân bay Mỹ thường xuyên qua lại Biển Đông và thường xuyên bị các tàu hải quân Trung Quốc theo dõi sát sao.

Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử ngoại giao sâu sắc dù nhiều khi không suôn sẻ.

Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước. Việt Nam cũng là một thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên, vừa được ký kết ngày 15/11, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không có Mỹ.

Việt Nam sẽ ở đâu trong căng thẳng Mỹ – Trung ?

Trong bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao, ông O’Brien có nhắc :

"Hoa Kỳ trân trọng quan hệ đối tác với Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam trong các vấn đề chiến lược cùng quan tâm, bao gồm duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông và khu vực Mê Công.

Chúng tôi cũng trân trọng sự hợp tác chặt chẽ của Việt Nam trong việc thực thi các nghị quyết liên quan đến Bắc Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…

Chúng tôi chia sẻ cam kết sâu sắc đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên các quy tắc tôn trọng, công bằng và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như chủ quyền và tự do hàng hải.

Khu vực này không có hứng thú quay trở lại một thời kỳ đế quốc khi mà "chân lý thuộc về kẻ mạnh".

Đó chính là lý do vì sao Hoa Kỳ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc tại biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mê Công…

backinh4

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã đến và neo đậu trong vịnh Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam kéo dài 5 ngày kể từ ngày 5-3-2018

Từ Biển Đông đến lưu vực sông Mê Công, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn.

Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn.

Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến một nước Việt Nam mạnh mẽ và thịnh vượng, đóng vai trò trung tâm của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi rất mong chờ sẽ đạt được những thành tựu tuyệt vời cùng các bạn trong tương lai".

Đây là một điều đặc biệt, bởi vì Việt Nam cũng là quốc gia có thể chế tương tự Trung Quốc với duy nhất Đảng Cộng sản nắm quyền cai trị đất nước.

Trước đó không lâu, ngày 30/10 trong buổi thảo luận trực tuyến về Trung Quốc của Viện Hoover, David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã chỉ trích : "Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay có quan điểm thù địch với các nước láng giềng, Hoa Kỳ cũng như phần lớn các nước còn lại.

Mục đích của Đảng cộng sản Trung Quốc không phải vì sự ổn định hoặc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia tôn trọng luật pháp".

Yêu cầu đối với Việt Nam

Bloomberg cho biết cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng họ phải hạn chế việc "chuyển hướng bất hợp pháp" hàng xuất khẩu của Trung Quốc và mua thêm hàng hóa của Mỹ như khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng như thiết bị quân sự để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ.

Ngoài ra, cũng theo thông tin của Bloomberg, Trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo rằng, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam phải được giảm bớt.

backinh5

Chiến đấu cơ và hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz tập trận ở Biển Đông

Các nhà sản xuất Trung Quốc và nước ngoài vốn đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh bị trừng phạt trong sự căng thẳng Mỹ – Trung.

Năm 2019, Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho biết sẽ truy quét những hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc được các nhà xuất khẩu gắn nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" một cách bất hợp pháp để tìm cách né tránh thuế quan của Tổng thống Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.

Việt Nam, quốc gia vốn được coi là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều năm giữa Trung Quốc và Mỹ, đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm con đường tăng trưởng nội tại.

Trung tâm sản xuất Đông Nam Á này phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu và thiết bị cho hoạt động sản xuất sử dụng lao động chuyên sâu.

 Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Dữ liệu chính thức cho thấy, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng gần 32% trong năm 2019 và thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng lên gần 56 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2018.

Việt Nam đang tìm cách nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn để giúp thu hẹp khoảng cách thương mại sau những đe dọa về thuế quan của Mỹ.

Tình hình thế giới đang mở ra những cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng chứa đựng đầy thách thức. Việt Nam không nên bỏ lỡ dịp quan trọng này để có thể "thoát ly" khỏi các ảnh hưởng sâu rộng từ Trung Quốc.

Những vấn đề gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Việt Nam, bao gồm vấn đề Mekông và Biển Đông, nếu không có sự tham gia của Mỹ thì khó mà có thể thực hiện được.

Vì thế, đây cũng là những thời khắc mà Việt Nam cần phải có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai.

Hoàng Trung (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 27/11/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Trung
Published in Diễn đàn

Ngày Chủ nhật 14/7 đã trôi qua lặng lẽ tại Sài Gòn và Vũng Tàu. Không có một cuộc biểu tình nào của người dân để sẻ chia với người lính hải quân Việt Nam đang đối mặt với giặc Trung Quốc ở bãi Tư Chính.

khong1

Vào sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039 đang làm nhiệm vụ trên biển thông qua truyền hình trực tuyến tại Phòng điều hành Trung tâm Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Về mặt hành chánh, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sở dĩ không có biểu tình, vì theo nhà báo Trần Đình Thu, "nếu còn tồn tại chủ nghĩa xã hội thì đừng bao giờ nói đến chuyện chống Trung Quốc. Điều đó vô nghĩa lắm. Chỉ nói đến chuyện chống Trung Quốc, khi nào Việt Nam trở thành một nước dân chủ đa đảng, ký các hiệp ước đồng minh với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…".

Luật sư Nguyễn Thanh Bình chua chát không kém : "Có lẽ nên xóa kỷ luật một số tướng tá bên bộ Quốc phòng và mấy vị đô đốc, tướng lĩnh của bộ tư lệnh hải quân. Thôi thà để nó tham nhũng còn hơn là để tổ quốc bị xâm lăng... Tin trên làm nức lòng đám quan chức tham nhũng. Họ được ngoại bang bảo kê chăng ? Đám chính trị gia công tử, xa-lông với đám quan chức xôi thịt có vẻ rất khoái và có vẻ đang mong đợi những gì đó đặc lợi, đặc quyền…".

Bản tin trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (1), cho biết (tóm lược) : Có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát. 

Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111. 

Ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College), trong một tin nhắn Twitter  vào sáng sớm hôm chủ nhật 14/7 (giờ Sài Gòn) cho biết như vậy kèm ảnh chụp màn hình theo dõi.

"Và bây giờ chúng tôi đã xác nhận sự tham gia của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong hoạt động hộ tống. Đó Qi Qiongsanshayu 00114, một chiếc tàu lớn thuộc sở hữu của đơn vị thành phố Sansha [Tam Sa]. Có lẽ đây không phải là tàu dân quân biển duy nhất (2).

Trong một diễn biến khác, theo tờ Tin Tức của Thông Tấn xã Việt Nam (3), vào sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039 đang làm nhiệm vụ trên biển thông qua truyền hình trực tuyến tại Phòng điều hành Trung tâm Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Các bản tin tương tự ở RFA, BBC, RFI chủ yếu dẫn lại nguồn kèm dự báo (4), cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây, và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.

Tuy nhiên tính đến Chủ nhật 14/7, hệ thống báo chí quốc doanh không khai thác thông tin này. Có chăng chỉ là kiểu tường thuật ẩn dụ :

"Đó có lẽ là đám cưới nhiều nước mắt nhất ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chú rể lính Trường Sa, theo lịch sẽ về trước ngày cưới ba ngày, nhưng bất ngờ sóng to gió lớn không về kịp. Nhẫn cưới đã không được trao trong ngày này... Qua điện thoại, cả hai gia đình đã thống nhất tổ chức lễ cưới vào ngày 12 và 13/7 này. Để kịp về cưới vợ, chú rể đã xin phép đơn vị cho về phép 10 ngày. Cô dâu Ly Na nói đúng ra chú rể đã có mặt ở nhà từ ba ngày trước ngày cưới. Nhưng gần ngày về thì thời tiết không thuận lợi. Tàu không cập được để về đúng ngày. Cả nhà phải động viên nhau chấp nhận đám cưới không có chú rể. Cũng không có ảnh cưới. Không cắt bánh. Không rót rượu. Và không có luôn việc trao nhẫn cưới cho nhau" (5).

Mạng xã hội cũng chưa thấy bất kỳ lời kêu gọi nào về những cuộc tuần hành biểu thị lòng dân trước đe dọa về những đụng chạm có thể bằng vũ trang của quân đội hai quốc gia.

Vài hôm trước đó, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến công du ở Trung Quốc, cũng chưa rõ bà có lên tiếng nói gì về vấn đề này với Tập Cận Bình.

Có ý kiến phân tích, các tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc hơn một tuần qua đã mở cuộc thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, khu vực bãi Tư Chính (phía Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc). Khu vực này hồi năm 1992, Trung Quốc đã từng ký giấy phép cho phép hãng khai thác dầu khí Mỹ Creston hoạt động. 

Vụ này tạm ngưng, vì phía Việt Nam đưa công ty khai thác của Mỹ ra tòa. Tuy nhiên nghe đâu thời hạn hợp đồng giữa Trung Quốc với phía công ty Mỹ vẫn còn, nay, thăm dò thềm lục địa của Việt Nam là nằm trong hoạch định tái khởi động lại hợp đồng ấy.

Lập luận trên có cái lý, vì hôm thứ sáu, 13/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không xác nhận việc vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, nhưng ông nói Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng [scmp, nguồn đã dẫn] cho biết thêm. "Chúng tôi cũng cam kết quản lý sự khác biệt của mình thông qua các cuộc đàm phán với các quốc gia liên quan", người phát ngôn này nói.

Tuy nhiên, theo Reuters, ngày 27/6 tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã phát đi thông báo mời thầu 8 lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Vị trí các lô dầu khí này trùng với lộ trình thăm dò của Haiyang Dizhi 8, từ lô 130 đến lô 156.

Nhắc lại : Tòa án Trọng tài thường trực PCA đã phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trong một bản án tuyên ngày 12/07/2016, điều này có nghĩa Trung Quốc không có quyền gì đối với tài nguyên biển thuộc EEZ của quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Điều đó dẫn đến thỏa thuận vào năm 1992 của Trung Quốc với công ty khai thác dầu khí của Mỹ, hiện tại là ‘vô hiệu’.

Có một nội dung ít được báo chí cũng như mạng xã hội khai thác trong chuyến công du của Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tại Trung Quốc vừa kết thúc vào cuối tuần qua, đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm công việc ‘tiền trạm’ cho sắp tới đây sẽ có cuộc gặp gỡ giữa hai bộ chính trị Trung Quốc và Việt Nam tại Hà Nội.

Bàn luận bên lề, một số luật sư ở Sài Gòn dự báo từ chuyến công du Bắc Kinh của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khả năng sắp tới đây nếu có chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là người đứng đầu quốc gia, thì nếu ông Nguyễn Phú Trọng trở ngại vì sức khỏe, thì người thay thế chính là Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đứng về mặt Luật hiến Pháp, mà người Mỹ vốn quen với nền pháp trị, hay viện dẫn các nguyên tắc và diễn tiến hiến định, thì bà Ngân là người cao nhất nước, vì bà là Chủ tịch Quốc hội, mà Hiến pháp Việt Nam gọi là cơ quan quyền lực tối cao. 

5 năm trước, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lắp đặt giàn khoan thăm dò dầu khí HD-981 đã diễn ra trong tháng 5 năm 2014 tại 22 tỉnh thành của Việt Nam trong đó có Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa. Tại đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia. 

Hiện tại thì họa xâm lăng cận kề, song xem ra người dân thực sự đã đặt trọn niềm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, khi họ không còn sục sôi kêu gọi xuống đường tuần hành ủng hộ người lính hải quân, không còn muốn tố cáo, lên án với cộng đồng quốc tế về chuyện Trung Quốc bá đạo dẫm đạp lên luật pháp quốc tế.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 15/07/2019

(1) http://bit.ly/2YR83T9

(2) @KennedyMaritime @AndrewSErickson" : "And now we have confirmed China maritime militia involvement in the escort operation. That’s Qiongsanshayu 00114, a big boat owned by the Sansha City unit. Probably not alone out there.

(3) http://bit.ly/2Y7FELc

(4) https://www.scmp.com

(5) Báo Tuổi Trẻ, phát hành tối 13/7 

Published in Diễn đàn