Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bình Dương và Đồng Nai bị Hà Nội nghi ngờ ?

Bảo Trâm, Thoibao.de, 26/112/2022

Từ ngày 15 đến ngày 30/8, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử một đại án, trong đó có cựu Bí thư tỉnh Bình Dương – Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương – Trần Thanh Liêm, cùng với 26 bị cáo khác. Đại án này liên quan đến 2 khu đất 145 ha và 43 ha.

bacnam1

Cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Bình Dương - Trần Thanh Liêm tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh : Hùng Anh)

Điều làm người ta thắc mắc trong vụ này là, nếu Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương không đủ thẩm quyền xét xử, thì phải chuyển lên tòa án cấp cao hơn. Tòa án cấp cao hơn tòa án tỉnh chính là Tòa án Nhân dân tối cao. Tuy nhiên, điều khó hiểu là, tại sao Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội lại xét xử vụ án xảy ra tại Bình Dương, mà Tòa án Thành phố Hà Nội lại ngang cấp với Tòa án Nhân dân Bình Dương.

Về trường hợp này, Thoibao.de đã có bài bình luận. Đây không phải là trường hợp bình thường, nó cho thấy, việc chia bè kết phái bên trong nội bộ Đảng cộng sản. Ban hành lệnh bắt và tạm giam hai ông cựu quan chức tỉnh Bình Dương là Bộ Công an chứ không phải Công an Hà Nội.

bacnam2

Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương – Trần Văn Nam

Ngày 21/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cũng lại mở một phiên tòa nữa, liên quan đến lãnh đạo một tỉnh miền Nam. Đó là các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có liên quan đến vụ đưa – nhận hối lộ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ AIC. Vụ án này có tất cả 35 bị cáo. Trong số này, có cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái – cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng là quan chức lớn tầm Ủy viên Trung ương Đảng như Trần Văn Nam (Bình Dương) và Trần Đình Thành (Đồng Nai) nhưng ông Tất Thành Cang bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt và Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Vậy thì, lý do gì không để các quan chức tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cho Tòa án tỉnh xét xử, mà lại kéo các ông này ra Hà Nội ?

Có người cho rằng, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội là công cụ của phe miền Bắc. Tòa án này sẽ định tội theo lệnh của phe mình, nên khi bắt quan chức cánh miền Nam, phe miền Bắc thường kéo họ ra Bắc xét xử, để dễ bề điều khiển được bản án. Đây là đánh giá dựa trên những gì đã xảy ra, không phải là không có lý.

Với việc bắt người rồi kéo ra Hà Nội xét xử, có thể thấy rằng, có vẻ như hệ thống tư pháp Đồng Nai và Bình Dương không làm cho cánh miền Bắc an tâm. Và nếu điều này là thật, thì rõ ràng, trong nội bộ Đảng cộng sản đang chia rẽ rất nghiêm trọng. Sở dĩ phe ông Nguyễn Phú Trọng là thế lực mạnh nhất, bởi ông nắm bộ máy công an. Tuy nhiên, với hệ thống tòa án thì xem ra chưa chắc gì ông Trọng đã nắm hết.

Đại hội 13 đầu năm 2021 là thảm bại của cánh miền Nam. Cả miền Nam chỉ có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, đó là ông Võ Văn Thưởng, ông Nguyễn Văn Nên và ông Trần Thanh Mẫn. Trong khi đó, chỉ riêng một tỉnh Nghệ An thôi, đã có đến 3 Ủy viên Bộ Chính trị, đó là Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng. Hơn nữa, việc bắt các quan chức miền Nam kéo ra miền Bắc xét xử, cho thấy mâu thuẫn Bắc Nam trong Đảng cộng sản là hiện hữu chứ không phải nghi ngờ.

Hiện nay 3 nhân vật miền Nam trong Bộ Chính trị gần như không đại diện cho sức mạnh miền Nam. Ông Võ Văn Thưởng thì đang phò trợ cho ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Văn Nên cũng thế. Còn ông Trần Thanh Mẫn thì là Phó Chủ tịch Quốc hội, một vị trí hữu danh vô thực, không có thực quyền gì.

Cuộc chiến Nam Bắc có lẽ bùng lên mạnh nhất thời ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng và ông Trọng là cặp đấu chính trị được xem như là điển hình nhất. Ông Nguyễn Tấn Dũng thất thế thì cánh miền Nam cũng suy yếu. Cho đến nay, phe miền Nam bị bắt khá nhiều và bị hạ bệ cũng nhiều. Xem ra, Đảng cộng sản không đoàn kết như họ vẫn hô hào bao lâu nay.

Bảo Trâm (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 26/12/2022

Published in Diễn đàn