Việc chính quyền Việt Nam ‘bắt bớ’ trí thức và đàn áp quyền tự do ngôn luận là một điều đáng hổ thẹn và chính quyền cần phải chấm dứt ngay điều này, nhất là khi đã bắt tay ở tầm mức ‘chiến lược toàn diện’ với những quốc gia văn minh, tiến bộ của thế giới, một cựu thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước đây lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do từ trong nước này hôm 14/9/2023.
Báo cáo Nhân quyền Việt Nam nói gần 300 tù nhân đang bị giam giữ ở quốc gia do Đảng cộng sản cầm quyền.
Bình luận việc chính quyền Việt Nam được cho là tiếp tục sử dụng chính sách ‘đánh đổi’ các vụ bắt bớ, giam cầm các tù nhân lương tâm, trong đó có nhiều trí thức, các nhà phản biện, quản lý, hoạt động ôn hòa thuộc xã hội dân sự trên các lĩnh vực khác nhau, thuộc các lứa tuổi khác nhau từ cao niên đến còn trẻ, lấy hợp tác quốc tế, ký kết các thỏa thuận, hôm thứ năm (14/9), Giáo sư Tương Lai, người cũng từng là Viện trưởng Viện Xã hội học, trực thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia trước đây (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), nói với RFA tiếng Việt từ Sài Gòn :
"Tôi nghĩ đó là những tín hiệu rất xấu và rất đáng buồn cho một đất nước tự xác định rằng mình hòa nhập vào trào lưu tiến bộ của thế giới và được người ta công nhận, thế thì việc đàn áp những người dám đứng ra một cách công khai, minh bạch để trình bày quan điểm, chính kiến của mình, đó là quyền tối thiểu của con người, nhất là người trí thức cần phải làm. Khi bắt giam trí thức, thì đấy là một thái độ trấn áp, đàn áp dư luận và ngăn chặn cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ của tất cả những người muốn tôn trọng Hiến pháp và thực hiện quyền của mình đã được ghi trong Hiến pháp.
Đương nhiên khi nói về việc bắt giam và đàn áp những người dám lên tiếng để đòi những quyền tự do và dân chủ, những quyền của công dân đã được ghi vào trong Hiến pháp, thì đấy thật là điều đáng quan ngại, thậm chí là đáng xấu hổ đối với sự phát triển của đất nước. Bởi vì một khi đất nước đang được mở rộng những mối quan hệ ngoại giao, hợp tác trên nhiều lĩnh vực và được nhiều nước quan tâm, giúp đỡ và đánh giá cao vai trò, vị trí, đặc biệt là vị trí địa chính trị của Việt Nam ở Đông Nam Á, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, thì những việc đó là đáng phê phán và cần phải chấm dứt".
Hôm 8/9/2023, Giáo sư Tương Lai, cựu thành viên nhóm tư vấn của các thủ tướng Việt Nam thời kỳ trước đây là các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, trong giai đoạn từ 1990–2006, đã gây sự chú ý khi công bố một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong đó trong các quan ngại của mình, ông đề nghị nhà lãnh đạo Hoa Kỳ quan tâm đến trường hợp chính quyền bắt giam và bỏ tù trí thức, một đại diện tiêu biểu là trường hợp của Tiến sĩ Minh Đường, tức nhà trí thức Nguyễn Sơn Lộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển (SENA).
Hôm 14/9, ông khẳng định thêm với RFA vì sao ông phản đối chính quyền về việc bắt giam và xử tù với bản án năm năm vị Viện trưởng này :
"Tôi cực lực phản đối quyết định của cơ quan pháp luật (Việt Nam). Vì sao ? Những chứng lí mà họ đưa ra về việc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại đến lợi ích quốc gia’ là một lí do không rõ ràng và hết sức lờ mờ. Thế nào là lợi dụng dân chủ để làm xâm hại đến lợi ích của đất nước ? Với tội trang quy kết như vậy, ai cũng có thể dễ dàng bị quy kết là lợi dụng tự do, dân chủ, quyền tự do, dân chủ, quyền đã được ghi trong Hiến pháp rất rạch ròi rằng mỗi người công dân có quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền phát ngôn, quyền trình bày những ý tưởng của mình, đặc biệt là đối với một người trí thức".
Cũng hôm thứ năm, Giáo sư Tương Lai đề cập thêm một trường hợp trí thức nữa cũng đang bị chính quyền bắt giữ, đó là trường hợp của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), một đơn vị cũng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tương tự như tư cách của viện SENA, vị cựu cố vấn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do :
"Những lập luận của ông Hoàng Ngọc Giao với tư cách một nhà khoa học, một luật sư, và ông từng giữ những chức trách trong bộ máy quyền lực, nhưng tôi rất khâm phục những lý lẽ, những luận cứ mà ông Hoàng Ngọc Giao đưa ra trình bày, và tôi tán thành tất cả những luận điểm ấy – những gì tôi đã đọc được, những gì tôi chưa đọc thì tôi không dám nói, nhưng với những gì tôi đọc được tôi thấy đó là người trí thức yêu nước, một người trí thức đúng nghĩa với chức năng ý thức của mình, phải nói lên được tiếng nói bênh vực công lý, những tiếng nói đóng góp vào sự phát triển của đất nước và chống lại những lực lượng muốn đàn áp quyền tự do dân chủ và xâm phạm đến lợi ích của con người, thì tôi tán thành những lập luận của ông Hoàng Ngọc Giao".
Giáo sư Tương Lai nhắc lại quan điểm của mình rằng chính quyền Việt Nam cần phải chấm dứt ngay lập tức việc giam giữ các tù nhân lương tâm, trong đó có các trí thức, chấm dứt ngay việc trấn áp giới hoạt động, vận động ôn hòa cho tự do, dân chủ và nhân quyền, cũng như cho sự tiến bộ của đất nước, và ông đưa ra lời kêu gọi trong dịp này với chính quyền Việt Nam :
"Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang cố gắng đưa đất nước mình gắn kết, hòa nhập với trào lưu tiến bộ của thế giới, đặc biệt là với những nước tôn trọng quyền tự do dân chủ, và họ tạo điều kiện để cho những quyền tự do của con người, tự do ngôn luận, biểu tình, hội họp và tự do đấu tranh cho một nền công lý mà nói chung là loài người đã tôn trọng. Thế thì, trong dịp Việt Nam ký kết đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước và gần đây nâng một lúc lên hai cấp về ký kết đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, việc đấu tranh để đảm bảo quyền tự do dân chủ, tức là quyền thiêng liêng của mọi người.
Là quyền mà khi ra tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp : mọi người sinh ra đều được bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền mà không ai được xâm phạm v.v…, thì đã đến lúc tất cả những quyền đó phải được thể hiện cụ thể bằng chính sách mà chính quyền vừa ký kết đối tác chiến lược toàn diện đó với những nước dân chủ và tôn trọng công lý, đã đến lúc những bước phát triển mới phải tỏ rõ cho toàn thế giới và trước hết cho nhân dân mình biết rõ là Việt Nam đang hòa nhập với thế giới như thế nào. Thì đấy là một đòi hỏi rất chính đáng và đồng thời rất kịp thời với những tuyên bố gần đây về chiến lược hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam", Giáo sư Tương Lai nhấn mạnh với Đài Á Châu Tự Do.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 14/09/2023