Tháng Ba năm 2018, vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa – cựu cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm Công nghệ cao của Bộ công an – và thông báo công khai ngay sau đó cho báo chí đã phác thảo một dấu chỉ quan trọng : đây là lần đầu tiên chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng có vẻ phát ra sắc tố "công bằng", "chống tham nhũng hai bên", hoặc bớt trừu tượng hơn là "chống tham nhũng cả phe ta".
Tướng công an Nguyễn Thanh Hóa. (Hình : Soha)
"Chống tham nhũng công bằng" ?
Trong một số vụ bắt bớ trước đây đối với đại gia Trầm Bê, cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng,… vẫn còn khá nhiều dư luận cho rằng đó là những người gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và do đó ông Trọng chỉ "chống tham nhũng thời kỳ trước", tức "thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng", hay "chống tham nhũng một bên".
Sau Đinh La Thăng, hầu như chắc chắn "đường đi" của Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng cùng những quan chức từng một thời thuộc "cánh hẩu" của ông Dũng. Cái cách đi như thế sẽ ít nhất, trong một vài năm, lôi kéo được sự ủng hộ của người dân, khiến nhiều người dân thỏa mãn tâm lý "cuối cùng thì cũng có thằng phải dựa cột".
Nhưng còn có nhiều kẻ khác đáng phải "dựa cột". Liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng" như người dân mong mỏi ?
"Tin làm sao được ! Lão ấy nói mãi như thế mà có làm đâu !" – Đó là lời tán thán của nhiều người dân ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng bật ra triết ngôn xuất thần "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" vào tháng Tám năm 2017.
Từ đó đến nay, không chỉ một số nhà quan sát bình luận trên mạng xã hội mà cả vài ba tờ báo quốc tế cũng cho rằng "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng chỉ mang tính hình thức, không đi vào thực chất và thực ra chỉ là thanh trừng phe phái.
Không thể có chuyện Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Văn Phòng Trung Ương Đảng không báo cáo cho ông Trọng về luồng dư luận bất lợi ấy đối với ông ta.
Do vậy, có thể vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa là một thông điệp "chống tham nhũng công bằng" mà ông Trọng muốn phát đi để "lấy lại niềm tin của nhân dân và cán bộ đảng viên".
Trong vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa và "đánh bạc công nghệ cao", một số tin tức không chính thức cho biết có một nhân vật khác đã bị bắt trước đó (có thể vào tháng Chín, 2017) là Nguyễn Văn Dương, còn được gọi là "Dương phò mã", chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đầu tư phát triển an ninh Công nghệ cao (CNC), là con rể của ông Phạm Quang Nghị, cựu bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu ủy viên Bộ chính trị. Vào năm 2014, Phạm Quang Nghị đã từng được dư luận đánh giá là "thái tử đảng", một nhân vật được Nguyễn Phú Trọng "chấm" và có thể kế nhiệm chức vụ tổng bí thư của ông Trọng tại đại hội 12.
Tuy nhiên cho đến giờ này, một bức tường thành bất công vẫn cao sừng sững : cho tới nay một số nhân vật "phe ta" quá nhiều tai tiếng vẫn bình chân như vại : Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim bộ trưởng Bộ y tế với trách nhiệm hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp về vụ nhập khẩu thuốc ung thư mà khiến xuất hiện hội chứng "cái chết thứ hai" của nhiều bệnh nhân ung thư, Võ Kim Cự – cựu bí thư tỉnh Hà Tĩnh với trách nhiệm trực tiếp về thảm họa xả thải của nhà máy Formosa mà đã khiến biển 4 tỉnh miền Trung chết tức tưởi, Trịnh Văn Chiến – đương kim bí thư tỉnh Thanh Hóa mà đã bị rất nhiều dư luận về tai tiếng có quan hệ "đi đêm" và "bảo kê" với và cho giới tài phiệt, tài sản cá nhân ngồn ngộn và con rơi con rớt,…
Dư luận đang đòi hỏi ông Nguyễn Phú Trọng – một khi đã tuyên ngôn hùng hồn về công cuộc chống tham nhũng của mình, cần phải chống tham nhũng một cách thực chất và công bằng theo đúng quan điểm "không có vùng cấm" đối với giới quan chức, bất kể quan chức ở cấp nào.
Năm máu lửa
Chỉ hai tuần lễ sau Tết Nguyên Đán 2018, "lò" của Tổng bí thư Trọng đã bùng cháy trở lại và "nguy hiểm hơn xưa", báo hiệu cho một năm thiêu đốt và máu lửa.
Từ sau Tết Nguyên Đán 2018, đã nổi lên ba sự kiện và vụ việc lớn trong "chính trị nội bộ" : đầu tiên là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng được Tổng bí thư Trọng đặc cách bổ nhiệm làm Thường trực Ban bí thư và do đó đã vươn lên thành nhân vật "dưới một người, trên vạn người", quyền lực chỉ sau tổng bí thư ; 3 ngày sau đó là chính Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, thay mặt Tổng bí thư Trọng, chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG" ; và cũng chỉ 3 ngày sau là vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, chính thức mở màn chiến dịch "cải tổ Bộ công an".
Hai vụ liên tiếp bắt sĩ quan cao cấp của Bộ công an – Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ "Nhôm") và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – vào những tháng đầu năm 2018 cho thấy đòn "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng đang giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là "bất khả xâm phạm" này.
Từ cuối năm 2017, đã lan tỏa tin tức về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng đang tính đến khả năng "cải tổ" Bộ công an. Theo đó, một đề án về sắp xếp lại bộ này đã được chuẩn bị, nhiều tổng cục vốn tồn tại như một cấp trung gian sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng, kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức công an sẽ không còn nữa.
Sau Tết Nguyên Đán năm 2018, thông tin về đề án trên càng hiện ra rõ hơn cùng lộ trình cụ thể là đề án này có thể được hoàn tất trước Hội nghị trung ương 7 (có thể diễn ra vào tháng Năm, 2018), để hội nghị này sẽ "chốt" kế hoạch sắp xếp lại Bộ công an và kế hoạch nhân sự đi kèm, kể cả những nhân sự cao cấp nhất của Bộ công an.
Cũng xuất hiện ngày càng dày hơn những đồn đoán và tin tức chưa kiểm chứng, nhưng một phần trong số đó lại có "mùi tin nội bộ", về một số lãnh đạo cao cấp của Bộ công an sẽ phải "ra đi", liên đới ít nhất vụ Phan Văn Anh Vũ và "đánh bạc công nghệ cao".
Chuỗi sự kiện tiếp nối liên tiếp như thế đang khiến toàn bộ chính trường Việt Nam rúng động.
Nhưng mới chỉ là sự rúng động đầu tiên, chứ chưa hẳn là hoảng loạn. Việt Nam mới chỉ ở vào năm đầu tiên của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" kéo dài 5 năm cho tới nay của Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn ở Trung Quốc.
Giờ đây, người ta có thể tự hỏi rằng một khi Bộ công an – một tổ chức quyền lực hoặc siêu quyền lực – mà còn có tướng công an bị bắt và được chỉ đạo công khai cho dư luận theo cách "vạch áo cho người xem lưng", thậm chí còn có thể bị Tổng bí thư Trọng tiến hành "thay máu" trong thời gian tới, thì chiến dịch "chống tham nhũng" của ông Trọng còn tiến xa đến đâu với nhiều bộ ngành khác không có quyền lực ghê gớm như Bộ công an ?
Đã rõ 2018 là một năm gầm rú cơn bão tố "bắt quan chức", đặc biệt là quan chức công an, thay cho "bắt nhân quyền" vào năm 2017.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 14/03/2018