Vụ Đinh La Thăng và những sai phạm tày đình tại Tập đoàn Dầu khí là cái giá phải trả cho sự chậm trễ của quá trình tự do hóa nền kinh tế theo định hướng của đường lối Đổi Mới. Nó hoàn toàn không phải là "mặt trái" của kinh tế thị trường mà là sự nửa vời của kinh tế thị trường được duy trì một cách có chủ đích dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phan Văn Anh Vũ - Ảnh minh họa
Nhóm lợi ích này lợi dụng "vai trò chủ đạo" của kinh tế nhà nước, sự lỏng lẻo của cơ chế quản lý tài sản công, được sự dung túng của những người có quyền lực không bị kiểm soát. Khi pháp quyền được lập lại, quyền lực được kiểm soát thì nhóm lợi ích này, dù đương chức hay đã về hưu, cũng khó mà thoát khỏi sự điều chỉnh của luật pháp.
Đối với trường hợp của Vũ nhôm thì phức tạp hơn nhiều. Suốt 15 năm anh ta làm mưa làm gió ở Đà Nẵng và nhiều nơi khác, nhưng không ai dám động đến anh ta. Từ một người kinh doanh nhỏ (làm nhôm), anh ta nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Bá Thanh trong những "phi vụ" đặc biệt, rồi lũng đoạn cả cơ quan Thành ủy và chính quyền thành phố, thâu tóm đất đai công sản, rồi đột nhiên trở thành một sĩ quan cao cấp (điều này không ai dám nói công khai, cho đến khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chính thức công bố anh ta là một thượng tá) và dùng tư cách đó đi dọa người khác để tích lũy tài sản.
Điều lạ lùng nhất là anh ta đã khống chế hầu như toàn bộ các cơ quan truyền thông chính thống lớn và phần lớn các địa chỉ đông người theo dõi nhất trên mạng xã hội. Cả "lề phải" lẫn "lề trái" đều không dám động đến anh ta. Ai gây bất lợi cho anh ta đều bị anh ta làm cho điêu đứng. Hiệu lực dập tắt thông tin bất lợi cho anh ta đối với truyền thông còn mạnh hơn là hiệu lực chỉ đạo của Ban Tuyên giáo. Tôi không tin là lãnh đạo các cơ quan truyền thông lớn bị anh ta mua chuộc, nhưng điều chắc chắn là có không ít các nhà báo đã bị anh ta biến thành công cụ hoặc bị anh ta khống chế làm cho sợ hãi. Theo tôi được biết thì có cả một số bộ trưởng và một số vị tướng công an cũng sợ thế lực của anh ta.
Thế lực bảo kê cho anh ta lớn đến cỡ nào, hàng rào bảo kê cho anh ta dày dặc tới đâu, chắc chắn sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra sau khi anh ta bị bắt.
Khi cơ quan an ninh tiến hành điều tra tình trạng vi phạm pháp luật của các dự án của anh ta và hàng chục công sản ở vị trí đắc địa mà thành phố Đà Nẵng bán cho anh ta với giá rẻ mạt không qua đấu giá, tôi đã từng cảnh báo trên trang facebook này, rằng những người trong cuộc và đối tượng bị điều tra, trong đó có anh ta, đều phải được bảo vệ để tránh bị diệt khẩu. Nhưng anh ta đã được tạo điều kiện trốn ra nước ngoài sau khi rút gần hết vốn tại các dự án ngay trước khi lệnh khởi tố được thực hiện. Việc bắt được anh ta chỉ là do ngẫu nhiên may mắn.
Đối với những kẻ bảo kê cho anh ta, việc tạo điều kiện cho anh ta chạy trốn chắc chắn sẽ bị quy trách nhiệm. Nhưng tôi đồ rằng, trách nhiệm của ai đó trong việc để cho anh ta chạy trốn sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với trách nhiệm của ai đó phải chịu từ những gì mà anh ta sẽ khai ra về những kẻ bảo kê khi anh ta bị bắt. Bởi vì, nếu như anh ta chạy trốn thì phần lớn vụ án sẽ bị kéo dài, có thể kéo dài đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Tôi không biết những kẻ bảo kê cho anh ta có tính toán như vậy hay không, điều này phải đợi đến sau khi kết thúc điều tra mới có thể biết được.
Đó là lý do nói rằng việc bắt ông Vũ nhôm còn khó hơn là bắt cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Điều đáng mừng là lực lượng trung kiên chính trực trong Bộ Công an hiện đang ở thế thượng phong.
Hoàng Hải vân
Nguồn : Tiếng Dân, 13/01/2018
Vụ Tổng bí thư Trọng quyết định cho bắt Đinh La Thăng vào tháng 12/2017 không chỉ là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị độc đảng ở Việt Nam, mà còn bất thần thiết lập một giới hạn mới và xa hơn hẳn về tâm lý học xung đột : hoặc trong tâm thế đã trở nên liều lĩnh và dẫn đến hành động phiêu lưu chính trị, hoặc cảm thấy đủ tự tin, ông Trọng đã tự cho phép mình vượt qua ranh giới tâm lý lo sợ "bị hồi tố" - một khía cạnh tâm lý rất đặc trưng và cũng là đặc thù riêng có nhưng không bao giờ được công bố của giới quan chức Việt Nam.
Ông Thăng thời còn quyền lực.
Ủy viên Bộ chính trị không thể bị ‘xộ khám’ ?
Trước tháng 12/2017, những cuộc "khảo sát bỏ túi" đối với giới phân tích chính trị, quan chức đương nhiệm lẫn hưu trí và người dân vẫn cho thấy xác suất Bộ Chính trị dám bắt Đinh La Thăng hoặc 50/50, hoặc chỉ vào khoảng 20 - 30%, trong khi luồng nhận định về "Thăng thoát" chiếm khá nhiều. Cơ sở chủ yếu của kịch bản "Thăng thoát" là chính thể Việt Nam chưa có tiền lệ về khởi tố và bắt giam đối với một cựu ủy viên Bộ chính trị. Cũng bởi khác hẳn với vụ Bộ Chính trị đảng tuyên án tử hình vắng mặt đối với cựu ủy viên Bộ chính trị Hoàng Văn Hoan vào năm 1979 - khi ông Hoan và gia đình đào thoát sang Trung Quốc ngay trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, Đinh La Thăng lại được xem là trường hợp quan chức Bộ chính trị dính líu sâu vào nạn tham nhũng.
Cũng vào thời gian trước tháng 12/2017, từ vùng tối của chính trường và từ một số địa chỉ mù mờ trên mạng xã hội đã xuất hiện một luồng đánh giá cho rằng nếu Tổng bí thư Trọng cho công an khởi tố và bắt giam Đinh La Thăng như một hành động hồi tố quá khứ quan chức, ông Trọng sẽ tạo tiền lệ truy xét và hồi tố đối với các ủy viên Bộ chính trị và với chính ông cùng những người thuộc "phe" của ông, để một khi ông Trọng "nghỉ" thì chính ông có thể sẽ bị lớp quan chức đời sau tiến hành hồi tố và có thể cho "xộ khám" bởi những tì vết nào đó tồn tại trong đời tổng bí thư của ông Trọng.
"Xộ khám" lại là một từ đặc thù Việt Nam học được phổ biến khá rộng trong hậu trường chính trị và đời sống xã hội kể từ năm 2012 - khi bắt đầu nổ ra cuộc chiến "Trọng - Dũng" tại Hội nghị trung ương 6 cùng những hiện tượng từ trang mạng nặc danh Quan Làm Báo đến trang Chân Dung Quyền Lực - cho đến nay.
Từ "xộ khám" đặc biệt đã được sử dụng trên mạng xã hội vào khoảng thời gian "toàn đảng, toàn dân, toàn quân tiến đến đại hội 12" vào những tháng cuối cùng của năm 2015 và đầu năm 2016, vào lúc các hội nghị trung ương mang số 13 và 14 bừng bừng khí thế tranh đoạt giữa hai phe phái trong lúc quần hùng ngơ ngác nháo nhác. Khi đó, một số trang mạng xã hội nặc danh đã đưa ra lời răn đe "không chỉ Nguyễn Tấn Dũng mà ngay cả Nguyễn Phú Trọng và bất cứ quan chức nào cũng có thể bị xộ khám". Thậm chí những trang mạng này còn không cần úp mở khi đe dọa một kịch bản "đảo chính" nào đó…
Cuộc tháo chạy tán loạn
Chưa bao giờ giới quan chức tham nhũng và nhóm thân hữu trục lợi chính sách lại bị phủ trùm tâm lý lo sợ bị "xộ khám" như những năm gần đây. Mối nguy hiểm "xộ khám" còn có thể tăng gấp đôi bởi bản chất cuộc chiến "chống tham nhũng" không chỉ thuần túy được hiểu theo ý nghĩa đẹp đẽ của từ này, mà còn mang tính xung đột quyền lực phe phái ngày càng nặng nề, ngày càng tiến đến điểm tới hạn "có ta không có mi".
Chỉ nửa năm sau đại hội 12 và sau khi Nguyễn Tấn Dũng "không còn nữa", đã bắt đầu lộ ra cuộc chiến mới của những nhóm quyền lực - lợi ích mới với những nhóm quyền lực - lợi ích cũ nhằm tranh giành và thôn tính "lãnh địa làm ăn". Vào thời gian đó, "sân sau" đã lần đầu tiên được phổ cập trên mặt báo chí nhà nước như một từ ngữ lột tả cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của từ điển tham nhũng phong phú đến kinh ngạc của Việt Nam. Giới đại gia và quan chức ngân hàng đã trở thành tiêu điểm của chiến dịch bắt bớ. Chưa bao giờ ngân hàng rung chuyển trong hết cơn động đất này đến cơn động đất khác như những năm gần đây.
Từ giữa năm 2016, cùng với chủ trương "chống tham nhũng" cùng chủ thuyết "việc cần làm ngay" của Tổng bí thư Trọng, cuộc tháo chạy tán loạn của giới quan chức kim tiền dần bắt đầu, để sang năm 2017 đã có những dấu hiệu chạy loạn cao độ, mà cao điểm là hình thức "ra đi tìm đường cứu nước" của những quan chức ngành dầu khí như Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…
Nhiều quan chức khác thuộc "cánh Nguyễn Tấn Dũng" và cả ông Dũng cũng bị cho rằng sẽ không thể "hạ cánh an toàn".
Một khi Đinh La Thăng cũng không thoát, bất cứ ủy viên Bộ chính trị nào cũng có thể bị "xộ khám" trong tương lai. Chính Tổng bí thư Trọng đã tạo ra tiền lệ ấy.
"Chống tham nhũng giai đoạn 2"
"Chống tham nhũng" được khởi phát từ cá nhân Tổng bí thư Trọng và rõ ràng số phận còn/mất của nó tùy thuộc phần lớn vào cá nhân ông Trọng.
Sau gần hai năm chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ 2, và gần 6 năm từ khi ông Trọng ngồi ghế này, cuộc chiến "chống tham nhũng" của ông lại như chỉ mới bắt đầu. Thành tích "chống tham nhũng" của ông Trọng là quá khiêm tốn, quá nhỏ bé và mặc dù ông đã không ít lần dẫn Ủy ban kiểm tra trung ương đảng sang Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình và "học tập kinh nghiệm" của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là Vương Kỳ Sơn, có vẻ như Trung Quốc vẫn chê Việt Nam mãi mà vẫn chưa làm được vụ Bạc Hy Lai nào.
Năm 2017. Ngay sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", một lần nữa Tổng bí thư Trọng lại hô khẩu hiệu "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy". Ngay sau đó, ông đã được một số văn nhân xưng tụng thành "Sỹ phu Bắc Hà", "Minh quân". Và cả "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo". Trước Nguyễn Phú Trọng, chưa có một tổng bí thư nào được tụng ca ngút trời như thế.
Nhưng từ sau phát ngôn xuất thần trên, người ta lại chỉ nhìn thấy một tổng bí thư xuôi xị với "ai đã trót nhúng chàm thì phải tự gột rửa" và "mở đường cho người ta tiến" - tức khẩu khí "chống tham nhũng" của ông Trọng đã xuống dốc đến mức nhiều người đã cười nhạo "Minh quân".
Gần đây, nghe nói ông Trọng đã phải nhận một số phê phán và chỉ trích từ giới cách mạng lão thành về "chống tham nhũng nửa vời". Có thể ông Trọng - người tự xem mình là nhà mácxít – leninnít - đã cảm thấy cay đắng về dư luận ấy.
Có thể sau chuỗi ngày tháng lưỡng lự và bị đè nặng bởi tâm lý lo sợ "bị hồi tố", ông Trọng đã đi đến một quyết định sinh tử : phải hành động.
Bởi nếu không hành động ngay và hành động sắt đá, đảng của ông Trọng hoàn toàn có nguy cơ tan vỡ bởi "nội loạn".
Không còn cách nào khác, ông Trọng phải chấp nhận "đập chuột mẻ bình" và tạo ra tiền lệ "ủy viên Bộ chính trị cũng bị tống giam".
Vậy là so với Tập Cận Bình, "độ trễ chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng thụt lùi 4 - 5 năm, dù ông Trọng còn trở thành tổng bí thư từ trước cả họ Tập.
Năm 2012, khi Tập Cận Bình khởi động chiến dịch vừa chống tham nhũng vừa thanh trừng phe phái trong đảng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, "đúng quy trình", bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân. 5 năm sau đến lượt cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng ở Việt Nam.
Nếu không xảy đến một phép màu nào, Đinh La Thăng Việt Nam sẽ biến thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
8 tháng Mười Hai năm 2017 là "ngày của Đinh La Thăng", và cũng có thể là ngày khởi động chiến dịch được xem là "chống tham nhũng giai đoạn 2" của Tổng bí thư Trọng, nhưng được ông Trọng mô tả bằng hành động quyết liệt sắt đá chứ không phải hô hào nói suông nữa.
Quyết định bắt Đinh La Thăng được Bộ Công an thi hành còn có thể được xem là một thắng lợi lớn của Tổng bí thư Trọng trong Đảng ủy công an trung ương và khiến nâng cấp quyền lực cho ông kể từ ngày ông tham gia tổ chức này vào tháng 10/2016. Với bất kỳ nhân vật đầu não nào, khi và chỉ khi chỉ huy được công an thì mới có thể nói đến chuyện "chống tham nhũng", "tập quyền" hay hơn thế nữa.
Vụ bắt Đinh La Thăng vào ngày 8/12/2017 đã khiến cho cơ hội để Nguyễn Phú Trọng mở toang cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng là lớn hơn bao giờ hết, kể từ sau đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Đinh La Thăng và Nguyễn Tấn Dũng lại được xem là mối quan hệ "môi răng". Nhưng trước đây, không nhiều người biết về câu chuyện thâm cung bí sử này.
Chỉ tới tháng Tư năm 2017 khi bất ngờ tung tóe vụ Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị kỷ luật đảng, người ta mới biết rằng Đinh La Thăng là "người của anh Ba Dũng", và việc ông Thăng được đưa vào "trấn" tại Thành phố Hồ Chí Minh rất có thể dựa theo một thỏa thuận ngầm giữa ông Nguyễn Tấn Dũng với ông Nguyễn Phú Trọng ngay trước Đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Mà cuộc đối đầu lịch sử giữa Nguyễn Tấn Dũng với Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012 thì không ai quên. Mãi cho đến ngày nay…
Một nỗi ám ảnh khôn nguôi đã đặc cách dành cho Tổng bí thư Trọng từ sau đại hội 12, cho dù ông đã lau được nước mắt trước đối thủ chính trị số một là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nỗi ám ảnh ấy còn đeo đẳng ghê gớm, đã trở nên cao trào mất ngủ bằng vụ biến mất cực kỳ thách thức của Trịnh Xuân Thanh, kể cả khi "Thanh đã về". Cho dù ông Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết trở thành "người tử tế", vẫn còn không thiếu kẻ luôn chực chờ gây hậu họa cho ông Trọng.
Cuộc chiến "chống tham nhũng" của tổng bí thư cũng bởi thế đã dần hóa thân vào ân oán quyền lực và thể diện.
Quyết định bắt Đinh La Thăng được Bộ Công an thi hành có thể được xem là một thắng lợi lớn của Tổng bí thư Trọng trong Đảng ủy công an trung ương và khiến nâng cấp quyền lực cho ông.
Không phải đại hội 12. Giờ đây, ván cờ quyết định sinh – tử mới bắt đầu.
Khỏi phải nói, cũng có thể hình dung ông Nguyễn Tấn Dũng và "dây" của ông đang ở vào thế nguy biến đến thế nào.
Còn đâu cảnh "đồng chí Nguyễn Phú Trọng chúc mừng đồng chí Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên của chính phủ" vào năm 2011 ? Ảnh : Quốc hội
Vào năm 2016 khi Nguyễn Tấn Dũng đã bị hất khỏi Bộ Chính trị sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, người ta vẫn nhìn thấy có đến vài ba trăm quan chức cùng lẵng hoa chúc mừng cho buổi sinh nhật của ông Dũng.
Nhưng khi bà Nguyễn Thị Hường – mẹ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – qua đời vào ngày 1/12/2017, đã không một tờ báo lề đảng nào nói tới, dầu trước đó báo chí nhà nước ra rả đăng tin mẹ của một hoa hậu qua đời. Cũng chẳng nghe nói về sự hiện diện tại đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng của nhiều quan chức Nam Bộ khác, về hưu hay đương nhiệm.
Hiện tượng báo đảng nói riêng và và báo chí nhà nước nói chung im bặt trước đám tang của mẹ cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể được xem là một chỉ dấu đặc biệt, không chỉ về thói vô cảm chính trị trong chính trường Việt thời nay, mà còn như một biểu trưng cho thói "ăn cháo đá bát" hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết "phù thịnh không phù suy".
Kể từ quý 4 năm 2016 khi chiến dịch "đánh" Đinh La Thăng – người được xem là một thủ hạ tin cẩn của Nguyễn Tấn Dũng – khởi động, dường như Nguyễn Tấn Dũng cô độc hẳn.
Cho đến năm 2017 và đặc biệt cùng với các vụ việc, vụ đại gia ngân hàng là Trầm Bê – người được dư luận cho là "tay hòm chìa khóa" của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt và bị đưa ra truy tố, rồi đến vụ Nguyễn Thanh Nghị – con trai Nguyễn Tấn Dũng, đang là bí thư tỉnh Kiên Giang – có thể bị phe đảng của Tổng bí thư Trọng cho "lên thớt" với lý cớ đầu tiên là vụ khách sạn Hương Biển sai quy hoạch ở ngọc đảo Phú Quốc, và mới đây Đinh La thăng bị bắt, nghe nói cả một người thân của Nguyễn Tấn Dũng là Lê Thanh Hải – cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – còn không còn dám đi chơi golf với ông Dũng nữa.
Có thể phần lớn, nếu không nói là tất cả, đám quan chức – trước đây như một đám ruồi vẫn bu quanh Nguyễn Tấn Dũng – giờ đây đang "đánh hơi" được mùi sát khí bao phủ ông Dũng. Phần lớn, nếu không nói là tất cả, đang tìm cách tránh đi, chạy đi, bay đi càng nhanh càng xa càng tốt.
Bắt Đinh La Thăng – chiến thắng thứ hai của Tổng bí thư Trọng sau chiến thắng đầu tiên tại đại hội 12, dù khá muộn màng, vẫn mở toang cánh cửa để ông Trọng có dịp "hội kiến" với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cuộc chiến đã hóa thân vào ân oán và thể diện. Ông Trọng lại không phải người dễ bỏ qua cho kẻ đã xúc phạm ghê gớm mình trong quá khứ. Đó hẳn là lý do vì sao chỉ cần có đủ điều kiện thời và thế, Tổng Trọng sẽ lập tức tạo điều kiện để Nguyễn Tấn Dũng chứng minh ông Dũng là "người tử tế" đến thế nào.
Theo logic đó, phiên tòa xử vụ PVN và Đinh La Thăng – dự kiến vào vào tháng 2/2018 – sẽ chưa phải cao trào của bản giao hưởng. Điều gì sẽ xảy ra nếu Thăng – để tự cứu mình – không những "khai sạch" mà còn tự nguyện trở thành nhân chứng để ông Trọng mở một phiên tòa lịch sử cho ông Dũng ?
Thiền Lâm
Nguồn : Calitoday, 10/12/2017