Bọn cơ hội chính trị
Phạm Đình Trọng, 22/02/2020
Chú ngựa non rời háng mẹ ra với bày đàn. Tự tin và hiếu thắng, ngựa non tin rằng bầy đàn già nua, cũ kĩ, an phận phải sửng sốt về sự mới mẻ, trẻ trung, đầy sức sống của nó. Chẳng được cặp mắt nào ngó đến, ngựa non liền gây sự, tung vó đá lung tung, buộc bầy đàn phải biết đến sự có mặt của nó. Đá gã ngựa tơ ngơ ngác. Đá cả cụ ngựa già trầm ngâm. Dân gian có câu thành ngữ "ngựa non háu đá" là vậy.
Anh lính tẩy võ biền thời bình Trương Minh Tuấn thời còn la Bộ trưởng Thông tin và truyền thông
Như chú ngựa non, kẻ vô danh, thiếu vắng công trạng và tài năng nhưng thừa tham vọng chính trị, nhờ cơ may chen được vào chính trường, trở thành chính khách liền tìm cách taọ ấn tượng, gây vốn liếng chính trị ganh đua với những chính khách khác bằng những việc làm khác người, đầy ranh ma, láu cá.
Anh lính tẩy võ biền thời bình Trương Minh Tuấn, không biết đến trận mạc, chỉ có mớ xác chữ chết khô lí luận Mác Lê của trường chính trị cấp thấp, cấp quân khu, binh chủng, chỉ có lèo tèo vài thuật ngữ chính trị nghèo nàn, mòn cũ cũng leo lên được đến hàng Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Chẳng cần thông minh, tinh ý, chú ngựa non Trương Minh Tuấn cũng biết thủ lĩnh đảng cầm quyền Nguyễn Phú Trọng đang nơm nớp lo ngại trong đám đảng viên cấp cao đang nắm vận mệnh của đảng có sự tự thức tỉnh, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong tư tưởng từ độc tài cướp quyền dân sang dân chủ, trả quyền làm chủ đất nước cho dân. Sự tự diễn biến, tự chuyển hóa đó là qui luật vận động, phát triển tất yếu của lịch sử tự nhiên cũng như lịch sử xã hội, đã dẫn đến sự tự sụp đổ không thể cứu vãn của nhà nước cộng sản hùng mạnh Liên Bang Xô Viết, làm tan rã cả hệ thống nhà nước cộng sản Đông Âu. Phải ngăn chặn được mạch ngầm tự diễn biến, tự chuyển hóa, Đảng cộng sản Việt Nam mới không bị tan rã, sụp đổ.
Nhạy bén nắm bắt cơ hội, ngựa non Trương Minh Tuấn liền thể hiện lập trường vững vàng ghi điểm với đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, thi thố bản lĩnh chính trị trong cuộc chạy đua quyền lực với đồng cấp bằng hai trò. Một mặt Tuấn ra uy cảnh sát tư tưởng, vu tội tờ báo này, qui kết nhà báo kia đi chệch định hướng của ban Tuyên giáo trung ương mà Tuấn vừa là bộ trưởng Truyền Thông, vừa là phó ban Tuyên giáo. Nhiều tờ báo bị Tuấn phạt vạ, bị đình bản. Hàng loạt nhà báo bị Tuấn rút thẻ nghề nghiệp. Một mặt Tuấn lôi mớ lí luận Mác Lê chưa kịp tiêu hóa, không thể tiêu hóa, còn nguyên xác chữ chết khô trong bụng, tãi ra giấy thành sách xuất bản mau lẹ làm đẹp ý đấng quyền lực tối cao, đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng "Phòng, Chống Tự Diễn Biến, Tự Chuyển Hóa Về Tư Tưởng Trong Cán Bộ, Đảng Viên Hiện Nay".
Không do người dân phát hiện, không do lá phiếu người dân bầu chọn, những chính khách cộng sản đều do những thế lực nhà nước cộng sản dựng lên. Không cần biết đến dân, không cần dốc tâm trí chăm lo cho dân, những chính khách cộng sản chỉ cần đón ý làm hài lòng những thế lực trong triều đình cộng sản nắm vận mệnh chính trị của họ. Và hầu hết chính khách cộng sản non trẻ, lưng vốn chính trị còn trống rỗng đều gầy dựng vốn liếng chính trị bằng cách ranh ma, láu cá của Trương Minh Tuấn.
Từ cán bộ đoàn vô danh, thủ lĩnh của những hội cờ đỏ, những tổ chức hồng vệ binh của cách mạng văn hóa Nghệ An, 44 tuổi trẻ, Thái Thanh Quí tót lên ghế bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Tỉnh có đất đai rộng nhất nước. Có địa lí tự nhiên phong phú, giàu có ở hàng nhất nước. Có rừng quí bạt ngàn. Có biển giàu mênh mang. Có cảng biển lớn tấp nập tàu buôn đến từ khắp năm châu bốn biển. Có đồng bằng phì nhiêu. Có biên giới quốc gia. Có hành lang buôn bán thương mại quốc tế, hàng hóa nhộn nhịp lưu thông với Lào, Thái Lan. Nhưng do lãnh đạo kém cỏi, tham lam, làm quan chỉ lo vơ vét, Nghệ An vẫn là tỉnh kinh tế kém phát triển cũng thuộc hàng nhất nước. Dân nghèo đông nhất nước, suốt mấy chục năm từng đoàn, từng lũ rời bỏ quê nghèo lang thang kiếm sống khắp đất nước, khắp thế giới. Mới gần đây, ba mươi chín người Việt Nam chết ngạt trong xe đông lạnh trên đường trốn chui, trốn lủi vào nước Anh kiếm sống, phần lớn là người Nghệ An.
Từ cán bộ đoàn vô danh, thủ lĩnh của những hội cờ đỏ, những tổ chức hồng vệ binh của cách mạng văn hóa Nghệ An, 44 tuổi trẻ, Thái Thanh Quí tót lên ghế bí thư tỉnh ủy Nghệ An.
Tỉnh nghèo mặc tỉnh. Dân đói kệ dân. Quí tót lên được Bí thư tỉnh ủy, tót lên được quan toàn quyền một vùng lãnh thổ chiến lược quan trọng không do dân bầu mà do đảng qui hoạch, sắp đặt. Vậy thì Quí chỉ cần làm hài lòng đảng chứ không cần được lòng dân. Thứ đảng cần hàng đầu không phải là dân giầu, nước mạnh mà là kiên định chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần cho đảng thấy rằng Quí có thừa thứ đảng đang cần.
Trung tâm thành phố Vinh đã sừng sững tượng Hồ Chí Minh lớn nhất nước nhưng chưa có tượng Lênin. Nghệ An là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh thì không thể thiếu tượng Lênin, người thầy của cách mạng vô sản thế giới, người vận dụng sáng tạo học thuyết của Mác làm cách mạng vô sản thành công ở nước Nga, tạo ra chủ nghĩa Mác Lênin cho cách mạng thế giới. Thời Quí là quan toàn quyền, Nghệ An phải có tượng Lênin để thể hiện lập trường kiên định Mác Lê của Quí.
Quí sẽ cho người sang Nga nhận bức tượng đồng Lênin do tỉnh Ulyanovsk tặng đưa về Vinh. Chuyển hộ khẩu tượng đồng Lênin về Việt Nam, Quí không chỉ làm cho Nghệ An mà là việc làm thể hiện ý chí kiên định chủ nghĩa Mác Lênin của Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là việc làm ra mắt của bí thư tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quí lập công với đảng.
Trương Minh Tuấn và Thái Thanh Quí đều là nguồn cán bộ cấp chiến lược được đảng qui hoạch.
Vì được qui hoạch, Tuấn phải mau lẹ rặn ra quyển sách "Phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay" để tỏ ra xứng đáng với sự qui hoạch của đảng. Nhưng "Phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay" chỉ là con người Trương Minh Tuấn giả, con người cơ hội chính trị Trương Minh Tuấn. Còn con người Trương Minh Tuấn thật đang ở trong tù.
Vì được đảng qui hoạch, Quí đã phỉ báng lương tâm người Nghệ An, Quí đã thách thức người dân nghèo Nghệ An khi Quí đổ ra hàng chục, hàng trăm tỉ tiền mồ hôi, nước mắt của dân nghèo Nghệ An đưa tượng Lênin bị nước Nga vất bỏ về dựng ở Nghệ An. Nhưng dựng tượng Lênin ở Nghệ An chỉ là con người Thái Thanh Quí giả, con người cơ hội chính trị Thái Thanh Quí. Còn con người Thái Thanh Quí thật ?
Thế lực đảng đưa Thái Thanh Quí vào nguồn qui hoạch cán bộ cấp chiến lược của đảng chưa biết con người thật Thái Thanh Quí nhưng người dân Nghệ An, người dân cả nước đã thấy rõ con người thật phản dân hại nước của Thái Thanh Quí. Từ khi còn là cán bộ đoàn, Quí đã cho lập hội cờ đỏ và tổ chức cho những người mắc áo đỏ hung hăng xông vào nhà thờ, đập tượng Chúa, xông vào nhà dân đập phá tài sản của giáo dân ở Nghệ An.
Phạm Đình Trọng
(22/02/2020)
*********************
Sao không dựng tượng đài Mao Trạch Đông ?
Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 23/02/2020
Là một đảng viên cộng sản, tôi nghĩ rằng nếu đã dựng tượng ông Lê Nin thì cũng cần thiết phải dựng tượng đài Mao Trạch Đông, một người bạn thân thiết của đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng nếu đã dựng tượng ông Lê Nin thì cũng cần thiết phải dựng tượng đài Mao Trạch Đông, một người bạn thân thiết của đảng cộng sản Việt Nam.
Đọc báo tôi thấy có tin thành phố Vinh ở tỉnh Nghệ An vừa khởi công xây dựng tượng đài Lê Nin tại vườn hoa đầu con đường mang tên nhà lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga. Tượng do phía Nga tặng, các phần còn lại của việc đặt tượng, thấy báo đăng là chi phí chừng trên 8 tỷ đồng Việt Nam, lấy từ ngân sách của tỉnh Nghệ An, tức chịu sự điều chỉnh của Luật Ngân sách nhà nước 2017.
Tôi nghĩ rằng lý do để xuất chi cho dự án tượng Lê Nin ở Vinh là tại Điều 3, Nghị định 163/2016/NĐ-CP về chuyện chi dành cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Như vậy giả dụ trong trường hợp người dân không là đảng viên, vì xót của ngân sách quốc gia vốn luôn eo hẹp (cứ theo đồng hồ nợ công quốc gia Việt Nam sẽ rõ hơn về ưu tư này !), nên họ phản đối chuyện dựng tượng đồng ông Lê Nin cũng lẽ thường tình.
Là đảng viên tôi lại thắc mắc vì sao hai đảng cộng sản Trung – Việt gắn bó suốt mấy mươi năm qua, đặc biệt là còn rất nhiều hình ảnh thắm thiết giữa lãnh tụ Mao Trạch Đông với lãnh tụ Hồ Chí Minh, song tỉnh Nghệ An quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh lại không nghe thấy việc dựng tượng Mao Trạch Đông ? Hay là đã có dựng tượng Mao chủ tịch rồi, song vì tôi ở tận phương Nam xa xôi nên chưa được biết tới ?
Trong cả hai trường hợp về dựng tượng Lê Nin và tượng Mao Trạch Đông ở thời điểm hiện nay, khi thông tin không còn chịu sự giới hạn của biên giới hành chính và sự cấm đoán của chính quyền, thì lợi bất cập hại về giá trị nhân văn.
Giả dụ nếu mai đây có hướng dẫn viên du lịch nào đó đưa đoàn khách đến khu công viên có tượng đài Lê Nin ở Vinh, và trong bản thuyết minh ‘lỡ miệng’ có câu giới thiệu ‘ngoài kịch bản duyệt’ : Kính thưa quý khách, đây là tượng đài bằng đồng được chính quyền tỉnh Ulyanovsk là tỉnh kết nghĩa với Nghệ An tặng tỉnh Nghệ An. Ông Lê Nin là người khai sinh ra nhà nước Xô viết xã hội chủ nghĩa và nhà nước cộng sản này đã bị xóa sổ vào năm 1990 ở thế kỷ trước.
Một giả dụ khác. Mai đây có đoàn thực tập sinh nào đó về Vinh. Thầy cô giáo trong đoàn thuyết minh : Đây là tượng đồng Lê Nin đã được dựng ở mùa dịch cúm Vũ Hán – Corona hồi tháng 2 năm 2020. Trung tuần tháng 10 năm 2012, thủ đô Ulan-Bator của Mông Cổ gỡ bỏ tượng đồng cuối cùng của Vladimir I. Lenin và thị trưởng gọi lãnh tụ cộng sản này là "kẻ sát nhân". Với chúng ta, thì như các anh chị thấy, phần đế tượng mặt ngoài ốp đá, mặt trước khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt "LÊ NIN, 1870 – 1924", mặt sau khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt "Như là một dấu hiệu của tình bạn".
Còn nếu dựng tượng Mao chủ tịch thì sao ? Cá nhân tôi cho rằng nếu không phải vì yếu tố ngoại giao giữa hai đảng luôn được gọi là anh em – mặc dù ‘em’ đã 90 tuổi, hơn ‘gã anh’ đến 20 tuổi, thì việc dựng tượng Mao Trạch Đông sẽ là cú tát thẳng vào quân sử của Việt Nam, khi ai cũng biết rõ dã tâm xâm lược Việt Nam của Trung Quốc.
Mà đã không thể dựng tượng Mao Trạch Đông thì việc dựng tượng Lê Nin sẽ càng khiến người đời dè bỉu về một nhà nước Xô viết cộng sản do Lê Nin lập ra, khi họ liên tưởng tới ngọn núi Rushmore, nơi có tượng 4 Tổng thống kiệt xuất của Mỹ được tạc vào vách núi bao gồm : George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln.
Xem ra tượng đài bất tử phải là tượng đài trong lòng dân. Người dân không thờ sai ai bao giờ là vậy.
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 23/02/2020
***********************
Nghệ An dựng tượng Lenin là hoàn toàn… hợp lý !
Trân Văn, VOA, 22/02/2020
Sự kiện Nghệ An sắp khánh thành một công viên diện tích 4.300 mét vuông ở trung tâm thành phố Vinh để đặt tượng Lenin (bằng đồng, cao ba mét là quà do tỉnh Ulyanovsk của Liên bang Nga tặng) đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Việt ngữ tuần này (1).
Tượng Lenin ở Hà Nội.
***
Bên cạnh hàng ngàn ý kiến chỉ trích dự án bị xem là phi lý, quái gở này, có khá nhiều người soạn Thư ngỏ gửi lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua mạng xã hội. Một trong số đó là ông Đoàn Bảo Châu. Ông Châu giới thiệu cuộc thảm sát gia đình hoàng đế cuối cùng của nước Nga ngày 18 tháng 7 năm 1918 – 11 thành viên hoàng gia bị bắn chết, rồi bị tưới 176 lít acid để làm thi thể biến dạng trước khi dùng 400 lít xăng để đốt – nhằm khắc họa bản chất Lenin, người chỉ đạo cuộc thảm sát tàn bạo này...
80 năm sau, Boris Yeltsin – cựu đảng viên cộng sản Liên Xô, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga – xác định : Đó là tội ác đáng tởm. Vụ thảm sát là một trong những điều đáng xấu hổ nhất của lịch sử nước Nga. Yeltsin cho rằng, tổ chức cải táng các nạn nhân vô tội là một cách chuộc lỗi. Vụ thảm sát vừa kể là kết quả của sự cực đoan, chia rẽ xã hội Nga thành "chúng ta" và "họ". Theo Yeltsin, đã đến lúc phải kết thúc thời đại của máu và bạo lực ở Nga…
Sau khi thuật lại một trong những tội ác của Lenin, Đoàn Bảo Châu đề nghị chính quyền Nghệ An cân nhắc : Tại sao nhiều nơi trên thế giới như 14 quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết, các quốc gia khu vực Đông Âu, Mông Cổ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên… thi nhau đập bỏ tượng đài Lenin ? Tại sao dân chúng Liên bang Nga hiện nay liên tục đề nghị đưa Lenin ra khỏi lăng từng xây dựng cho ông ta ?... Châu lưu ý, theo thời gian, sự phán xét Lenin sẽ càng ngày càng quyết liệt và thẳng thắn hơn...
Nhiều thân hữu của Đoàn Bảo Châu đã gửi thêm lời khuyên chính quyền tỉnh Nghệ An. Nhất Chi Mai lập lại : Lenin là một kẻ tàn bạo, một tội đồ của nhân loại. Chẳng lẽ chính quyền tỉnh Nghệ An dựng tượng Lenin vì tôn thờ bạo lực, giết chóc ? Tương tự, AB Bùi lưu ý, Lenin là người khởi xướng mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết. Người ta ước đoán, trong thế kỷ 20, các nhà nước cộng sản đã giết hàng trăm triệu người và Lenin phải chịu trách nhiệm trước nhân loại (2)...
Giống như Đoàn Bảo Châu, ông Nguyễn Ngọc Chu cũng khuyên chính quyền tỉnh Nghệ An nên cân nhắc. Sở dĩ Putin, Tổng thống Nga hiện nay chưa thực hiện mong muốn của dân chúng Nga – đưa Lenin ra khỏi lăng dành cho ông ta vì vẫn còn những người mà quá khứ liên quan đến Lenin. Nói cách khác, việc đưa Lenin ra khỏi lăng là tất yếu nhưng sẽ do các thế hệ lãnh đạo nước Nga sau Putin thực hiện. Dựng tượng – đề cao Lenin vừa làm khó Putin, vừa làm tổn thương dân chúng Nga.
Ông Chu chất vấn : Tại sao chính quyền tỉnh Nghệ An lại đi ngược chiều với xu hướng chung của cả Nga lẫn thế giới ? Tại sao lại vinh danh một cá nhân mà đồng bào ông ta muốn gạt bỏ như tẩy xóa một vết nhơ ? Tại sao không dựng tượng vinh danh tổ tiên mà vinh danh một người như Lenin và tạo thêm khó khăn cho hậu sinh khi chắc chắn con cháu phải dỡ bỏ ? Tại sao dựng tượng Lenin mà không trưng cầu ý kiến dân chúng Nghệ An xem họ có muốn hay không (3) ?...
Bà Đỗ Thị Hòa – một trong những người bạn của ông Chu – nhận xét : Không chắc chính quyền tỉnh Nghệ An yêu mến Lenin. Vấn đề là kế hoạch thực hiện này được thượng cấp phê duyệt thì thực hiện sẽ có tiền. Bị chỉ trích mà có cơ hội "phết, phẩy" thì vẫn hăm hở làm thôi. Rất nhiều người đồng tình với nhận xét này, chẳng hạn như Hien Ha Ngoc : Đã "ăn mày dĩ vãng" thì không quan tâm đến nguyên vọng của nhân dân, cảm xúc của người khác và xu thế của thời đại !
***
Bất kể thế nào, chắc chắn sẽ có một tượng đài vinh danh Lenin ở trung tâm thành phố Vinh. Sau khi bỏ thời gian tra cứu trang leninstatues.ru, Trần Hậu cho biết, trước 1991, trên toàn thế giới có 14.290 tượng đài Lenin với nhiều kích thước khác nhau nhưng đến nay thì bị đập bỏ, dọn dẹp và chỉ còn chưa tới một nửa (7.194). Tuy tượng đài Lenin ở Nghệ An sẽ khiến con số này tăng thêm một nhưng thêm một là vì đầu cơ chính trị và tham nhũng chứ không phải vì kính trọng lãnh tụ giai cấp vô sản toàn thế giới (4).
Khi bất bình nhưng không thể cản được các công bộc tìm cách cấu xé tiền của mình, bên cạnh chỉ trích, dân chúng Việt Nam thường bỡn cợt. Những bỡn cợt kiểu như Mậu Nguyễn Đức : Nếu tượng mang tên Lenin mà có diện mạo Lê Duẩn thì... cũng được ! Cũng cùng họ Lê và cũng cùng… đảng cộng sản. Tự biết không thể cản được việc xây dựng tượng đài Lenin vì đó là cơ hội cả hệ thống chấm mút, Phạm Thành Hưng mong rằng, xây dựng xong, tượng Lenin hóa thành tượng... cụ Lê Đình Kình !
Sự kiện Nghệ An xây công viên tưởng niệm và dựng tượng Lenin khiến hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội chuyển cho nhau xem lại thông tin, năm 2018, Nghệ An chỉ thu được 12.691 tỉ trong khi chi tới 23.780 tỉ (5). Khoản thiếu hụt do chênh lệch thu – chi hơn 11.000 tỉ đồng ấy tất nhiên là tiếp tục đi xin như đã, đang và sẽ còn xin hỗ trợ. Trung Tran đã thử tính và nhắc nhở mọi người : Mỗi ngày, toàn quốc phải cấp cho Nghệ An khoảng 30 tỉ đồng để chi tiêu và Nghệ An hăm hở… dựng tượng Lenin (6).
Nhiều người dè bỉu, phẫn nộ trước việc chính quyền tỉnh Nghệ An trâng tráo khi vừa ngửa tay xin tiền hỗ trợ hết năm này tới năm khác, vừa bày ra đủ loại dự án, công trình như tượng đài Lenin. Sự dè bỉu, phẫn nộ đó tất nhiên là chính đáng nhưng nếu Lenin đã trở thành biểu tượng của độc đoán, vô cảm, bất nhân, đói nghèo, đau khổ triền miên thì rõ ràng việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đồng ý cho chính quyền tỉnh Nghệ An dựng tượng Lenin là hết sức hữu lý, hợp logic !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/02/2020
Chú thích :
(1) https://baonghean.vn/dung-tuong-dai-lenin-tai-trung-tam-thanh-pho-vinh-262610.html
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10157887199963965&set=a.10150708808583965&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1901156026684485
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10218828128868666&set=a.2303325136973&type=3&theater
(5) https://m.baonghean.vn/nam-2018-nghe-an-se-phai-bu-chi-hon-11000-ty-dong-198285.html
(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2382537205181305&id=100002751456427