Bất chấp khủng hoảng khí hậu, Châu Âu thúc đẩy khai thác khí đốt của Châu Phi ?
Chi Phương, RFI, 15/11/2022
Nhiều nước Châu Phi đang thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào các dự án phát triển khí đốt hóa thạch, trong bối cảnh các nước Châu Âu đang tìm các nguồn khí đốt mới nhằm thay thế khí đốt của Nga. Đây là một trong những chủ đề thu hút nhiều quan tâm tại Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc – COP27 diễn ra tại Charm el-Cheikh, Ai Cập (06-18/11/2022).
Những người phản đối khai thác khí đốt tại Châu Phi, biểu tình tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, nơi diễn ra Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP27, ngày 15/11/2022. AP - Peter Dejong
Cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của chiến tranh Ukraine đã khiến nhiều nước Châu Âu phải đi tìm nguồn năng lượng thay thế. Một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhận thấy tiềm năng dự trữ năng lượng hóa thạch ở Châu Phi, đặc biệt là các mỏ dầu và khí đốt mới được phát hiện ở Senegal và Cộng hòa dân chủ Congo.
Vào tháng 5/2022, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công du các nước Châu Phi bao gồm Senegal, Nigeria và Nam Phi, để tìm kiếm các đối tác sẵn sàng khai thác khí đốt tự nhiên để xuất khẩu. Theo đó, Senegal đang lên kế hoạch để vận chuyển khí hóa lỏng đến Đức. Chính phủ Senegal hy vọng có thể cung cấp cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu 2,5 triệu tấn khí đốt kể từ năm 2023, và lên đến 10 triệu tấn đến năm 2030.
Vào tuần trước, tại Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP27, diễn ra tại Ai Cập, tổng thống Senegal, ông Macky Sall, được Deutsche Welle trích dẫn, nhấn mạnh : "Chúng tôi ủng hộ việc giảm phát thải khí nhà kính, nhưng các nước Châu Phi chúng tôi không thể chấp nhận việc lợi ích sống còn của chúng tôi đang bị bỏ qua",
Đại diện của Green Peace ở Châu Phi, ông Ranece Jovial Ndjeudja, trả lời RFI Tiếng Việt, cho rằng đây là một nghịch lý, khi một số nước Châu Phi đang kêu gọi các nước phát triển tài trợ các dự án "chuyển đổi xanh", thích ứng và đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, nhưng lại tìm cách thúc đẩy các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Những người phản đối khai thác khí đốt tại Châu Phi, biểu tình tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, nơi diễn ra Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, ngày 15/11/2022. AP - Peter Dejong
Cán cân giữa khí hậu và kinh tế
Trên thực tế, từ Nigeria đến Ai Cập, Algeria hay Mozambique, các quốc gia trên khắp Châu Phi đang thúc đẩy khai thác nhiều khí đốt hơn, để đáp ứng nhu cầu của cả Châu Phi và Châu Âu. Bộ trưởng Năng lượng Uganda, ông Ruth Nankabirwa Ssentamu cho biết : "Châu Phi đã thức giấc và chúng tôi sẽ khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình". 55 nước thành viên Liên Hiệp Châu Phi đã nhất trí thúc đẩy mở rộng việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Giám đốc của Liên Hiệp Châu Phi Rashid Ali Abdallah nhận định với Deutsche Welle rằng "đây đúng là thời điểm tuyệt với cho Châu Phi. Cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ xảy ra ở Châu Âu mà trên toàn cầu và Châu Phi có thể giúp đáp ứng nhu cầu của cả thế giới".
Ủy ban Năng lượng Châu Phi thì coi năng lượng khí đốt và hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo. Cơ quan chịu trách nhiệm điều phối chính sách năng lượng của Châu lục này, trong một báo cáo, nhận định rằng " nếu các nhà hoạt động môi trường kêu gọi chấm dứt ngay lập tức sử dụng năng lượng hóa thạch, thì những quốc gia đang phát triển ở Châu Phi sẽ phải chịu thiệt hại cả về kinh tế lẫn xã hội".
Cho đến nay, chỉ 5% lượng khí đốt trên thế giới được sản xuất ở Châu Phi. Một Châu lục mà biến đổi khí hậu đang tàn phá mùa màng và nhà cửa và hơn 600 triệu người không có điện.
Tẩy xanh nhiên liệu hóa thạch
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu muốn giữ nhiệt độ trên toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C từ nay đến 2035, bằng việc cắt giảm khí thải carbon, theo hứa hẹn của các nhà lãnh đạo của thế giới, thì không thể cho phép thăm dò, khai thác thêm các mỏ dầu khí, khí đốt được nữa. Để cắt giảm phát thải carbon nhanh chóng, đủ để đáp ứng với điều kiện trên, đồng nghĩa với việc chỉ cho phép 5% sản lượng điện năng được tạo ra bởi khí đốt hóa thạch.
Theo Deutsche Welle, những bên ủng hộ tiếp tục mở rộng, khai thác các nguồn khí đốt tự nhiên thì gọi đây là loại "nhiên liệu chuyển tiếp", vì tác động phát thải thấp hơn dầu mỏ và than đá. Liên Hiệp Châu Âu mô tả khí đốt là loại nhiên liệu "bền vững" trong các quy định hướng dẫn đầu tư của khối.
Đại diện của các tổ chức phi lợi nhuận về môi trường như Green Peace cho biết COP27 là dịp để tẩy xanh cho năng lượng hóa thạch, trong bối cảnh các nước Châu Âu đang gấp rút tìm nguồn cung khí đốt cho mùa đông sắp tới. Các quốc gia Châu Phi rơi vào bẫy phát triển, tương tự như lộ trình mà các nước đã phát triển đã trải qua.
Nghịch lý Châu Phi
Theo đại diện Green Peace tại Châu Phi, ông Ranece Jovial Ndjeudja trả lời RFI Tiếng Việt, làm sao để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và khí hậu đối với các nước đang phát triển không phải là câu hỏi mới mẻ. Ông Ranece cho biết thêm : "Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu, vì vậy câu hỏi đặt ra đối với các lãnh đạo Châu Phi đó là họ muốn thúc đẩy phát triển kinh tế và việc này có thể chấm dứt bất cứ lúc nào do tác động của khủng hoảng khí hậu, hay là họ muốn tìm ra con đường đúng đắn, bền vững nhất để bảo đảm sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia Châu phi. Tôi cho rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài phát triển bền vững và chắc chắn không phải là phát triển khai thác khí đốt. Khí đốt chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đối với khí hậu và đối với Châu Phi".
Giám đốc của tổ chức tư vấn Power Shift Africa, ông Mohamed Adow cho biết "Châu Âu đang muốn biến Châu Phi thành trạm đổ xăng của mình", nhưng lại không hỗ trợ tài chính đủ để phát triển năng lượng tái tạo : "Chúng ta không thể để cho Châu Phi, Châu lục đã bỏ qua quá trình công nghiệp hóa dựa trên nhiên liệu hóa thạch,và giờ trở thành nạn nhân cho những lợi ích thực dân thiển cận, ích kỷ, đặc biệt là từ Châu Âu".
Xuất khẩu dầu và khí đốt là nguồn thu nhập chính của nhiều quốc gia Châu Phi, lên đến 50% đến 80% tổng thu nhập. Thế nhưng, các quốc gia Châu Phi lại là những nước tác động nhỏ nhất đến tình trạng hâm nóng trái đất. Theo Deutsche Welle, tỷ lệ phát thải khí nhà kính của Châu Phi, ảnh hưởng đến khí hậu chưa đến 4%. Trong khi đó, tỷ lệ này lên đến hơn 50% chỉ tính riêng cho Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc cộng lại.
Khoản đầu tư dễ bay hơi
Nhà phân tích thuộc tổ chức tư vấn Carbon Tracker, ông Kofi Mbuk cho biết các khoản đầu tư vào các đường ống dẫn khí đốt mới của Châu Phi, trị giá hàng tỷ đô la, "có thể mất giá trong vài năm". Các dự án xây dựng hạ tầng khí đốt hóa lỏng đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch trên toàn thế giới, nếu được thực hiện, sẽ chiếm 10% lượng phát thải carbon của thế giới. Theo Climate Analytics, đến năm 2030, nguồn cung khí đốt hóa lỏng có thể sẽ dư thừa, vượt xa nhu cầu thay thế khí đốt của Nga, có thể tương đương với 5 lần lượng khí đốt Nga xuất khẩu vào Liên Âu năm 2021.
Liên Hiệp Châu Phi trù tính rằng xuất khẩu khí đốt có thể sẽ giảm vì các nước giàu đang muốn loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, khí đốt có thể dùng để cung cấp cho thị trường nội địa, đặc biệt là để thúc đẩy quá trình điện khí hóa cho hơn 600 triệu người Châu Phi, hiện vẫn sống không có điện.
Về phần mình, lãnh đạo của chương trình ngoại giao về khí hậu tại tổ chức tư vấn E3G, ông Pablo Osorio, cho rằng không cần năng lượng hóa thạch để có thể làm được điều này. Bởi vì "điện năng từ nhiên liệu hóa thạch là rẻ nhất thế giới và cũng phù hợp để người dân ở những vùng xa xôi có thể tiếp cận điện nhanh chóng. Về ngắn hạn, nhiên liệu tái tạo có thể đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh thiếu năng lượng".
Hội nghị khí hậu COP27 kết thúc vào ngày 18/11. Theo ông Ranece, đại diện của Green Peace ở Châu Phi, cho đến nay, "vẫn chưa thể biết liệu các quốc gia có thể đồng thuận đưa ra quyết định tích cực cho khí hậu hay không". Một điều quan ngại đó là tại sự kiện lần này, số lượng các nhà vận động hành lang cho nhiên liệu hóa thạch rất đông đảo, dường như cao hơn rất nhiều so với những lần trước đó. Điều này có khả năng thay đổi các quyết định của các nhà lãnh đạo, theo chiều hướng không có lợi cho khí hậu.
Chi Phương
***********************
Nhiều nước đòi bỏ mục tiêu đến cuối thế kỷ nhiệt độ chỉ tăng tối đa 1,5°C
Thùy Dương, RFI, 15/11/2022
Các cuộc thương lượng của 197 nước tại Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, COP27, tuần này vẫn tiếp diễn tại Ai Cập. Từ nay đến cuối tuần, các nước tham gia COP27 phải đạt được một thỏa thuận để chống biến đổi khí hậu. Một số nước đề nghị xem xét lại các cam kết đã thông qua, nhất là về mục tiêu đến cuối thế kỷ nhiệt độ chỉ tăng 1,5°C. Tuy nhiên, đối với nhiều nước, đã quá muộn để thực hiện được mục tiêu nói trên.
Hội trường Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP27, tại Sharm el-Sheik, Ai Cập, ngày 07/11/2022. AP - Nariman El-Mofty
Từ Charm el-Cheikh, đặc phái viên RFI, Jeanne Richard hôm 15/11/2022 gửi về bài tường trình :
"Có một ý kiến được đưa ra trong các phòng đàm phán tại hội nghị khí hậu COP : Dường như đã là quá muộn, giảm mạnh phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có thể sẽ là quá phức tạp trong thời hạn đã đề ra. Vì vậy, có lẽ nên từ bỏ mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất đến cuối thế kỷ này chỉ tăng thêm 1,5°C.
Theo ông Stéphane Crouzat, trưởng đoàn đàm phán của phái đoàn Pháp, thì đó là một ý tưởng nguy hiểm. Ông nói : "Pháp, Liên Hiệp Châu Âu và rất nhiều nước đồng minh, sẽ hết sức cảnh giác. Tại sao ? Bởi vì chúng ta có thể thấy ở mức tăng thêm 1,2°C như hiện giờ, khí hậu đã biến đổi ra sao. Và thế giới khi nhiệt độ tăng thêm 1,5°C sẽ rất, rất khác so với khi nhiệt độ tăng thêm 2°C".
Giờ đây, việc cần làm là thuyết phục các nước ngoan cố, đó là các nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính như Trung Quốc hoặc các quốc gia đạt được lợi ích kinh tế khi gây ô nhiễm như vậy, chẳng hạn Ả Rập Xê Út, với sản lượng dầu lửa của họ".
Thùy Dương
***************************
Phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tăng vọt trở lại sau hai năm đại dịch Covid-19
Minh Anh, RFI, 13/11/2022
Vào lúc Hội nghị Khí hậu Thế giới COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, hiệp hội Climate Chance (tạm dịch là Cơ hội cho Khí hậu) công bố một báo cáo quốc tế về hiện tượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo từng lãnh vực hoạt động. Sau hai năm đại dịch Covid-19 được đánh dấu bởi các đợt phong tỏa và đình trệ kinh tế, báo cáo nhấn mạnh tình trạng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, nguồn gốc gây biến đổi khí hậu, tăng mạnh trở lại.
Khói từ nhà máy của công ty BASF ở Schwarzheide, nam Berlin, Đức, ngày 01/11/2022. AP - Michael Sohn
Từ Charm el-Cheikh, đặc phái viên đài RFI Jeanne Richard tường thuật :
Trong lịch sử phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đại dịch Covid-19 cuối cùng có lẽ chỉ là một giai đoạn tạm ngưng ngắn ngủi, theo như báo cáo Climate Chance.
Antoine Gillod, giám đốc đài quan sát của hiệp hội, giải thích : "Năm 2021, chúng ta đã đạt mức phát thải chưa từng có trong lịch sử, cao hơn rất nhiều so với mức trước đại dịch là năm 2019".
Đúng là các nguồn năng lượng tái tạo đang nở rộ, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Antoine Gillod nói tiếp : "Mức tăng các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn rất thấp so với đà tăng trưởng của năng lượng hóa thạch. Điều đó có nghĩa là gói hỗn hợp năng lượng vẫn chưa bị đảo ngược".
Tuy nhiên vẫn có một điểm tích cực : Các chính sách chuyển đổi sinh thái bắt đầu có kết quả trong một số lĩnh vực chủ chốt tại nhiều nước công nghiệp phát triển. Ông Antoine Gillod giải thích :
"Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy kết quả đó ở Châu Âu nơi lĩnh vực giao thông tăng đều đặn từ những năm 1990. Đây là nơi duy nhất, chúng tôi quan sát thấy một số nước, từ nhiều năm nay, tiếp tục theo đuổi chính sách giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, nhất là phát triển các phương tiện chạy bằng điện, ví dụ trường hợp của Thụy Điển, Na Uy hay Hà Lan".
Điều quan trọng là phải chú trọng nhiều hơn vào những chuyển đổi này vì việc sử dụng ngày càng nhiều các nguồn năng lượng hóa thạch là nguyên nhân chính làm gia tăng mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Minh Anh
****************************
COP27 : Tổng thống Mỹ kêu gọi "hành động nhiều hơn" cho khí hậu
Thu Hằng, RFI, 12/11/2022
Ngày 11/11/2022, trong chuyến công du ngắn ngủi Sharm El Sheikh, Ai Cập, nơi diễn ra Hội nghị về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP27, tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi "tất cả các nước hành động nhiều hơn" để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, ông Joe Biden cũng bị chỉ trích vì rụt rè trong kế hoạch viện trợ về khí hậu cho các nước nghèo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trên diễn đàn Hội nghị COP27, Sharm el-Sheikh, Ai Cập ngày 11/11/2022. AP - Alex Brandon
Tổng thống Mỹ cho rằng khủng hoảng khí hậu liên quan đến an ninh của tất cả mọi người, "thậm chí là cuộc sống của hành tinh". Theo ông, chiến tranh Ukraine càng cho thấy "thế giới phải nhanh chóng thoát khỏi phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch", dù Mỹ là nước sản xuất hàng đầu và cũng là nhà tiêu thụ lớn trên thế giới.
Kế hoạch khổng lồ 370 tỉ đô la đầu tư cho khí hậu cũng được nguyên thủ Mỹ nêu tại COP27. Hoa Kỳ cam kết duy trì mục tiêu giảm 50-52% khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005.
Tuy nhiên, về vấn đề thiếu hỗ trợ các nước nghèo thường là các nạn nhân lớn do tình trạng biến đổi khí hậu, ông Biden lại tỏ ra rất thận trọng khiến giới đấu tranh phẫn nộ, chỉ trích. Trước đó, khi trả lời AFP, nhà đấu tranh vì môi trường người Uganda Vanessa Nakate cho rằng "thế giới cần đến vai trò lãnh đạo của Mỹ".
Ai Cập cấm cuộc tuần hành vì khí hậu truyền thống
Đã thành truyền thống, thứ Bẩy giữa hai tuần Hội nghị về Khí hậu là ngày tuần hành lớn của xã hội dân sự. Tuy nhiên, cuộc tuần hành ngày 12/11 chỉ diễn ra trong khu vực tổ chức hội nghị, thay vì ở thành phố, do chính quyền không cấp phép :
Đặc phái viên RFI Jeanne Richard tường trình từ Sharm El Sheikh :
"Ngay lúc đầu, chính quyền Ai Cập đã thông báo là không thể biểu tình trên đường phố ở Sharm El Sheikh. Bà Aurore Mathieu, thuộc Mạng lưới Hành động vì Khí hậu, lấy làm tiếc nhưng không nản lòng.
Bà nói : "Năm nay, chúng tôi quyết định tuần hành ngay bên trong khu vực tổ chức hội nghị COP27. Đây là cách để nói rằng dù bị cấm biểu tình trong thành phố, chúng tôi vẫn muốn tiếng nói của xã hội dân sự được lắng nghe".
Ngược lại, điều không thay đổi năm nay là hàng loạt quy định nghiêm ngặt phải tuân thủ khi biểu tình tại Hội nghị COP, theo giải thích của Aurore Mathieu : "Có một bộ quy tắc phải tuân thủ, như chúng tôi không được chỉ đích danh một nước nào đó hay những cá nhân cụ thể. Không được xảy ra bạo lực, nhân viên của Liên Hiệp Quốc được triển khai cùng với chúng tôi để bảo đảm rằng cuộc tuần hành tuân thủ những điều kiện đó".
Bruno Stagno, phát ngôn viên của tổ chức Quan sát Nhân quyền, cũng lấy làm tiếc là cuộc tuần hành lớn như thông lệ không thể diễn ra. Ông không ngại cáo buộc chính quyền : "Ai Cập là một chế độ trấn áp lớn, áp bức. Những khu khép kín mà các phái đoàn sống ở đây, tại Sharm el-Sheikh, không hề phản ánh thực tế trong nước".
Chỉ có khoảng vài trăm người sẽ tham gia cuộc tuần hành và bày tỏ tiếng nói của xã hội dân sự, thay vì vài chục nghìn người như hàng năm".
Thu Hằng
**********************
COP27 kỳ vọng vào tổng thống Mỹ
Thanh Hà, RFI, 11/11/2022
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 11/11/2022 đến dự hội nghị khí hậu COP27. Trong vài giờ hiện diện tại Charm El Cheikh- Ai Cập, trước khi tiếp tục hành trình sang Châu Á dự thượng đỉnh ASEAN mở rộng và G20, ông Biden trình bày kế hoạch rất quy mô của Mỹ để chống biến đổi khí hậu. Các nước nghèo chờ đợi Washington thông báo các khoản viện trợ.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lên chuyên cơ Air Force One để lên đường qua Ai Cập ngày 10/11/2022. Reuters - Kevin Lamarque
Do vướng bận bầu cử giữa kỳ hồi đầu tuần, mãi đến hôm nay tổng thống Biden mới đặt chân đến Ai Cập để trình bày kế hoạch đầu tư 370 triệu đô la vì môi trường. Đây là khoản tiền lớn nhất Mỹ chưa từng chi ra trong nỗ lực giảm phát carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên giới quan sát dự báo tổng thống Hoa Kỳ sẽ lúng túng khi được hỏi về quyết tâm giúp đỡ các nước nghèo trong mục tiêu chống biến đổi khí hâu và về các kế hoạch của Washington hỗ trợ những quốc gia phải gánh chịu những hậu quả tai hại nhất do hiện tượng Trái Đất bị hâm nóng gây nên.
AFP nhắc lại đến nay Washington vẫn chưa thực thi cam kết trong khuôn khổ chương trình tài trợ 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nước nghèo. Ông Biden tuy đã hứa đóng góp hơn 11 tỷ đô la cho mục tiêu này nhưng quyết định đó có thể bị đa số sắp tới đây tại Quốc Hội Mỹ ngăn lại.
Theo giải thích của dân biểu Kathi Castor, chủ tịch ủy ban đặc biệt tại Hạ Viện Hoa Kỳ về khủng hoảng khí hậu, từ trước đến nay, đảng Cộng hòa chưa bao giờ là đối tác trong các vấn đề môi trường và khí hậu.
Thanh Hà
Các lãnh đạo Châu Phi kêu gọi các nước giàu cấp tài trợ như đã hứa
Thùy Dương, RFI, 08/11/2022
Tại Charm-el-Cheikh, Ai Cập, trong ngày thứ hai Hội Nghị về Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc - COP 27, lãnh đạo các nước Châu Phi hôm 07/11/2022 đã kêu gọi các nước giàu, những nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, phải chịu trách nhiệm và cấp tài trợ cho Châu Phi như đã hứa để chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trên màn hình) trong cuộc gặp lãnh đạo các nước tại Thượng đỉnh COP27, Charm-el-Cheikh, Ai Cập, ngày 07/11/2022. AP - Peter Dejong
Từ Charm-el-Cheikh, đặc phái viên Claire Fages gửi về bài tường trình :
"Tổng thống Cộng hòa Congo (Congo Brazzaville) nhấn mạnh lưu vực Congo hấp thu hơn 30 tỷ tấn CO2. Theo tổng thống Denis Sassou-Nguesso, người dân Congo đã rất sớm nhận thức được là cần giữ gìn và tăng độ che phủ rừng của đất nước.
Ông cho biết : "Từ 40 năm nay, toàn thể người dân Congo đã được kêu gọi trồng cây vào Ngày Toàn quốc Trồng cây, được tổ chức hàng năm vào ngày 06/11. Loại hình hành động tự nguyện này, kết hợp với Bộ luật Lâm nghiệp nghiêm ngặt, đã cho phép chúng tôi giữ tỉ lệ phá rừng ở một trong những mức thấp nhất thế giới".
Trong khi đó, tổng thống Gabon, Ali Bongo Ondimba, lấy làm tiếc về việc các nước giàu chậm chuyển những khoản tiền tài trợ đã hứa hẹn trong khi rừng Gabon đã có nhiều đóng góp.
Ông nói : "Theo lời hứa đó, Cộng hòa Gabon, giống như tất cả các nước đang phát triển khác, lẽ ra mỗi năm phải nhận được vài trăm triệu đô la. Số tiền đó là để trợ giúp chúng tôi thích ứng với nạn biến đổi khí hậu, quá trình chuyển đổi năng lượng và kinh tế đúng đắn và cũng là để khen thưởng cho những nỗ lực hấp thụ carbon của chúng tôi".
Ali Bongo sau đó chuyển sang nói tiếng Anh để nhắc nhở về việc Gabon mới đây đã được Cơ quan Khí hậu Liên Hiệp Quốc cấp tín chỉ carbon, trước khi nói đến hội nghị thượng đỉnh về bảo vệ rừng One Forest Summit năm 2023 tại Libreville (thủ đô Gabon)".
Thế giới chọn hợp tác hay tàn vong ?
Theo một báo cáo thực hiện cho ban chủ tịch thượng đỉnh COP 26, COP27 và được công bố vào hôm nay 08/11, các nước nam bán cầu (các nước đang phát triển) cần khoảng 2.400 tỉ đô la mỗi năm, từ nay đến năm 2030, để tài trợ cho các hành động vì khí hậu.
Về phía Liên Hiệp Quốc, hôm qua tổng thư ký Antonio Guteress cho rằng thế giới phải lựa chọn giữa "tình đoàn kết, liên đới" và "một vụ tự vẫn tập thể", nhấn mạnh "nhân loại chỉ có một sự lựa chọn : hoặc là hợp tác, hoặc là tàn vong" do tác động của biến đổi khí hậu.
Thùy Dương
*************************
Làm sao các nước nghèo được các nước giàu đền bù về biến đổi khí hậu ?
Reuters, VOA, 08/11/2022
Đòi hỏi của các nước đang phát triển muốn các nước giàu giúp chi trả thiệt hại từ biến đổi khí hậu và muốn được tài trợ để chuyển qua một tương lai ít các-bon hơn đang chiếm lĩnh chương trình thảo luận tại hội nghị khí hậu COP27 đang diễn ra ở Ai Cập.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu biến đổi COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 7/11/2022.
Bất chấp những lời kêu gọi liên tục để được giúp đỡ nhiều hơn, nguồn tài chính thực tế được cung cấp cho đến nay chẳng thấm gì so với con số ước tính cần có là 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm.
Hãy tìm hiểu về một số cách mà các thị trường mới nổi có thể có được nguồn tiền này.
Quỹ tổn thất và thiệt hại
Tổn thất và thiệt hại là thuật ngữ dùng để mô tả việc các quốc gia giàu có chi tiền để giúp các quốc gia nghèo đối phó với hậu quả của sự hâm nóng toàn cầu.
Đó là một vấn đề cực kỳ gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận về khí hậu trước đây.
Giờ đây, lần đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán về khí hậu bắt đầu cách đây nhiều thập niên, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc COP27 đang đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự.
Ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP27 nói "Tôi đặc biệt hoan nghênh thỏa thuận của các bên về việc đưa một mục mới trong chương trình nghị sự về các thỏa thuận tài trợ để ứng phó với mất mát và thiệt hại".
Các ngân hàng phát triển
Các ngân hàng phát triển được nhà nước hậu thuẫn là nơi tài trợ cho các dự án nhằm thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội.
Các ngân hàng phát triển đa phương lớn nhất thế giới đã tăng mức tài trợ liên quan đến khí hậu 24% lên 82 tỷ đô la vào năm 2021 so với mức của năm 2020.
Gần 2/3 số tiền đó được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình, các ngân hàng cho biết trong một báo cáo gần đây.
Quỹ khí hậu xanh
Quỹ Khí hậu Xanh trị giá hàng tỷ đô la là một trong những công cụ xử lý 100 tỷ đô la mỗi năm mà các quốc gia giàu cam kết cho các nước nghèo.
Các quỹ này nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và giúp các quốc gia dễ bị tổn thương thích nghi với một thế giới ấm hơn.
Nhưng vào năm 2020, các nước giàu chi thiếu 16,7 tỉ đô la so với mục tiêu.
Quỹ đầu tư khí hậu
Quỹ Đầu tư Khí hậu là một tổ chức đầu tư đa phương có ảnh hưởng, giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Kể từ năm 2008, tổ chức này đã hỗ trợ hơn 370 dự án tại 72 quốc gia, sử dụng nguồn vốn từ các chính phủ tài trợ và khu vực tư nhân.
Các thị trường các-bon
Các nước nghèo tiền mặt nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên có thể kiếm được tín dụng các-bon (carbon) từ các nước muốn giảm bớt lượng khí thải các-bon của họ.
Ví dụ, tín dụng có thể được tạo ra bằng cách bảo vệ rừng nhiệt đới khỏi bị chặt phá.
Nhưng một số nhà vận động đã chỉ trích kế hoạch này vì cho phép các công ty ngay từ khâu đầu tránh đưa ra các quyết định khó khăn để ngừng phát thải.
Theo Reuters
*************************
Thế giới có cần đến các hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu như COP27 hay không ?
Trọng Nghĩa, RFI, 07/11/2022
Hữu ích hay vô dụng ? Câu hỏi này lại tiếp tục được đặt ra vào lúc hàng chục ngàn đại biểu từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tề tựu về thành phố ven biển Sharm el-Sheikh tại Ai Cập để tham dự COP27 (tức hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công Ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu), mở ra ngày 06/11/2022 và sẽ kéo dài trong hai tuần.
Hội nghị Quốc tế chống Biến đổi Khí hậu COP27, phiên khai mạc ngày 06/11/2022, tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. AP - Peter Dejong
Đối với giới hoài nghi, chủ yếu là các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, rõ ràng là các COP liên tiếp mở ra hàng năm từ gần 30 năm nay là những sự kiện vô ích so với mục tiêu đề ra là đối phó hữu hiệu với đà hâm nóng của Trái Đất.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu hay đại diện các chính phủ quan tâm đến môi trường và sinh thái, dù không mang lại hiệu quả 100%, cơ chế này rất cần thiết để đánh động công luận, và nhất là cung cấp một diễn đàn để cho tiếng nói các nước nghèo bị biến đổi khí hậu tàn phá được lắng nghe.
COP vô ích
"Lề mề, phức tạp, cồng kềnh, không hiệu quả", đây chính là những từ ngữ thường được giới đấu tranh bảo vệ môi trường dùng đến khi đánh giá về kết quả các hội nghị về khí hậu. Một ví dụ điển hình lời phê phán mới đây của cô gái Thụy Điển Greta Thunberg, đã cho rằng các hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc chỉ là "những cỗ máy tẩy xanh (greenwashing)… không thực sự có mục tiêu thay đổi hệ thống".
Đối với nhiều người, COP hầu như không mang lại kết quả gì. Lượng phát thải khí nhà kính đã tăng 45% kể từ đầu những năm 1990, sự đa dạng sinh học giảm đi trong khi đà nóng lên toàn cầu tăng nhanh gây ra các đợt nắng nóng đổ lửa, các đám cháy tàn khốc và lũ lụt lịch sử.
Tệ hơn nữa, các cam kết của các quốc gia không được thực hiện. Được ký kết vào năm 2015 nhân hội nghị COP21, Thỏa Thuận Paris, dự kiến hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 ° C so với thời kỳ tiền công nghiệp, không hề được tôn trọng. Với các chính sách hiện tại, một thảm họa tăng thêm 2,8°C đang xuất hiện.
Trong tình hình đó, theo nhận định của đài truyền hình France 24, COP27 lần này khó có thể đảo ngược xu thế trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng buộc nhiều nước phải trở lại với các nguồn nhiên liệu gây ô nghiễm nặng nề, và căng thẳng giữa hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh là Trung Quốc và Mỹ khiến cho việc phối hợp hành động gặp trở ngại.
COP vẫn có ích
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, dù không nên mong đợi một phép màu vào những kỳ hội nghị COP, nhưng sự kiện này vẫn hữu ích trên nhiều khía cạnh.
Theo ông Clément Sénéchal, giám đốc chiến dịch khí hậu cho tổ chức phi chính phủ Greenpeace, các hội nghị khí hậu quốc tế là diễn đàn hiếm hoi nơi các nước dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu, thường là nghèo nhất, có được tiếng nói ngang hàng với các quốc gia phát triển. Nhà quan sát này nhấn mạnh : "Đây là diễn đàn đa phương duy nhất mà cuộc đối thoại này thực sự diễn ra". Mặt trái : các quyết định được thông qua với thể thức nhất trí. "Mỗi quốc gia có quyền phủ quyết, vì vậy kết quả thường là mẫu số chung thấp nhất".
Sébastien Treyer, giám đốc Viện Phát Triển Bền Vững và Quan Hệ Quốc Tế (IDDRI) cũng nhận định : "Diễn đàn đa phương không hoàn hảo nhưng đó là cái tốt nhất mà chúng ta có". Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc "đưa ra các thỏa thuận ở cấp độ cao nhất" để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái.
Huy động xã hội dân sự, nâng cao nhận thức của dư luận, các COP cũng có lợi ích trong việc tạo ra một luồng dư luận xoay quanh các vấn đề khí hậu giữa các quốc gia rất khác nhau.
Trọng Nghĩa
***************************
COP27 : Hơn 100 lãnh đạo thế giới nhập cuộc, Pháp muốn huy động tài lực giúp các nước nghèo nhất
Trọng Nghĩa, RFI, 07/1/2022
Sau phiên khai mạc vào hôm qua, liên tiếp trong hai ngày kể từ hôm 07/11/2022, khoảng 110 lãnh đạo quốc gia và chính phủ sẽ phát biểu trên diễn đàn Hội Nghị Khí Hậu Thế Giới COP27 tại Ai Cập. Trước tình trạng Trái Đất không ngừng nóng lên, giới lãnh đạo chính trị đặc biệt là tại các nước giầu đang bị áp lực phải gia tăng cam kết chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo, vốn phải chịu nhiều thiệt hại nhất.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một hội nghị trong khuôn khổ COP27, ngày 07/11/2022 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. AP - Peter Dejong
Đến Sharm el-Sheik, nơi tổ chức COP27 từ tối qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu vào hôm nay, 07/11, trước khi tham gia một loạt những cuộc họp, nhằm bảo vệ tình liên đới quốc tế về mặt tài chánh đối với các nước nghèo nhất đang phải gánh chịu tác hại của hiện tượng Trái Đất bị hâm nóng. Thay vì thành lập một quỹ mới mà nhiều quốc gia yêu cầu, tổng thống Pháp chủ trương đẩy mạnh những "giải pháp cụ thể", chẳng hạn như xây dựng bức "Vạn lý trường thành xanh" ở vùng Sahel, Châu Phi.
Theo đặc phái viên RFI Valérie Gas tại Sharm el-Sheikh, trong bối cảnh khẩn cấp về khí hậu, nguyên thủ Pháp đến hội nghị COP27 với rất nhiều ý định tốt, đặc biệt là đối với Châu Phi, nhưng liệu những thiện ý đó có được hội nghị tiếp thu hay không :
"Emmanuel Macron trước hết muốn thể hiện mình là người ủng hộ các nước Châu Phi. Tại Đại Hội Đồng LHQ vào tháng 9 vừa qua, ông đã ủng hộ một khế ước Bắc-Nam về khí hậu. Ông đã khẳng định lại tham vọng này trong một diễn đàn trên tờ báo Anh The Guardian trước khi đến Ai Cập.
Và ngay tại Sharm el-Sheikh, tổng thống Pháp sẽ thảo luận với đồng nhiệm Gabon Ali Bongo về một hội nghị thượng đỉnh "One Forest Summit" tổ chức ở Libreville, thủ đô Gabon vào quý I năm 2023, một sáng kiến nhằm nhấn mạnh nhu cầu là không được để Châu Phi đứng bên lề tiến trình chuyển đổi khí hậu.
Điện Élysée ( phủ tổng thống Pháp) giải thích rằng ông Macron muốn "lôi kéo" các đối tác của Pháp trong nhóm G7 cùng thể hiện tình đoàn kết với Châu Phi. Vấn đề là còn phải chờ xem liệu điều này có được cụ thể hóa bằng những tiến triển tại COP27 này hay không.
Như thường lệ, Emmanuel Macron luôn tìm cách liên kết hai bình diện quốc tế và quốc gia. Vì vậy, trước khi bay đến Sharm el-Sheikh, ông đã đăng một đoạn video lên mạng xã hội để mời người Pháp đặt câu hỏi về chính sách sinh thái của ông và cam kết sẽ trả lời họ khi ông từ COP27 trở về. Đây là cơ hội để ông quảng bá cho các hành động của mình về môi trường, vốn bị nhiều chỉ trích trong phe đối lập Pháp.
Tại COP27 ở Ai Cập, cũng như ở Pháp, Emmanuel Macron phải đưa ra bằng chứng về quyết tâm của mình".
Cuộc gặp mặt đối mặt Macron-Sunak đầu tiên
Bên lề hội nghị COP27 tại Ai Cập, tổng thống Pháp Macron sẽ có cuộc họp song phương với tân thủ tướng Anh, Rishi Sunak, vào hôm nay. Đây sẽ là cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Sunak lên làm thủ tướng Anh. Hai bên đã có dịp nói chuyện qua điện thoại vào cuối tháng 10 vừa qua.
Trọng Nghĩa
***************************
Khí hậu : Hội nghị quốc tế COP27 mở ra vào lúc thế giới lơ là trên một vấn đề cấp bách
Thanh Hà, RFI, 06/11/2022
Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu COP27 mở ra tại Charm El Cheikh, Ai Cập từ ngày 6 đến 18/11/2022. Chiến tranh và các cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế, địa chính trị liên tục thách thức mục tiêu chống hiện tượng Trái đất nóng lên và ô nhiễm môi trường.
Thành viên của phái đoàn Congo tại hội trường, trước lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 27 (COP27), tại Ai Cập, ngày 06/11/2022. AP - Peter Dejong
Đại diện của khoảng 200 quốc gia đã bắt đầu tề tựu về thành phố biển Charm El Cheikh, Ai Cập từ hôm nay. Đỉnh điểm của hội nghị COP27 sẽ là hai ngày 7 và 8/11/2022 với các cuộc họp cấp nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ.
Chiến tranh Ukraine, Covid-19, khủng hoảng lương thực, lạm phát và khủng hoảng năng lượng đe dọa tăng trưởng toàn cầu… đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu xuống hàng thứ yếu vào lúc mà các hiện tượng khí hậu cực đoan đe dọa an ninh của nhân loại.
Pakistan trải qua một đợt thiên tai chưa từng thấy : 1/3 diện tích quốc gia nam Á này bị nhận chìm trong nhiều tuần lễ, 33 triệu dân phải di dời chỗ ở. Châu Âu liên tục bị hạn hán và cháy rừng. Từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Hoa Kỳ đều đã trải qua những đợt nóng thiêu đốt… Mùa màng bị đe dọa.
Trước khi khai mạc hội nghị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres cảnh báo chống biến đổi khí hậu là "vấn đề sinh tử" ảnh hưởng đến "an ninh và sự tồn tại của loài người".
Paris vừa xác nhận tổng thống Emmanuel Macron sẽ có mặt tại Charm El Cheikh để thúc đẩy các dự án viện trợ cho các quốc gia kém phát triển cùng nỗ lực kềm hãm đã hâm nóng trái đất. Tại Luân Đôn, dưới áp lực của công luận, thủ tướng Rishi Sunak khẳng định quyết tâm của vương Quốc Anh xem hồ sơ khí hậu là một ưu tiên khi thông báo ông sẽ dự nghị COP27.
Từ thủ đô Luân Đôn thông tín viên Marie Boëda giải thích :
"Tuần trước Downing Street cho biết thủ tướng Anh đang vướng bận vì những hồ sơ khẩn cấp, đặc biệt là việc phải hoàn tất dự luật ngân sách trong bối cảnh nước Anh đang trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ 40 năm nay. Do đó Rishi Sunak sẽ không đến Ai Cập. Bị chỉ trích thiếu quyết tâm trên vấn đề khí hậu, rốt cuộc tân thủ tướng Anh đã lùi bước dưới áp lực của công luận. Ông nhìn nhận rằng không thể bảo đảm được một sự thịnh vượng lâu bền nếu mọi người thụ động trên vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Giới đấu tranh vì môi trường ghi nhận thêm một cử chỉ đáng khích lệ thứ nhì từ phía thủ tướng Sunak, đó là ông đã triển hạn lệnh cấm khai thác năng lượng đá phiến. Dù vậy vẫn còn nhiều vấn đề gây chia rẽ, chẳng hạn như liên quan đến các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi Bắc Hải. Thủ tướng Anh giải thích đây là cách để giảm thiểu tác động khủng hoảng năng lượng gây nên từ khi chiến tranh Ukraine khai mào. Cùng lúc nhóm hoạt động vì môi trường Just Stop duy trì các hình thức đấu tranh để gây chú ý và thức tỉnh công luận. Chính phủ không bình luận về các hoạt động của nhóm này.
Từ mùa hè đến nay, trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên cùng tranh chiếc ghế thủ tướng Anh, Rishi Sunak chưa bao giờ che giấu môi trường không phải là một ưu tiên. Ông quan niệm không nên có những quyết định vội vàng và quá mạnh tay trên vấn đề này. Sunak từng nói đùa rằng, về khí hậu, trong gia đình hai cô con gái của ông mới là các chuyên gia và chúng thường cố vấn cho ông trên hồ sơ này".
Thanh Hà
*************************
COP27 lần đầu tiên đưa vấn đề bồi thường khí hậu vào chương trình nghị sự
Reuters, VOA, 06/11/2022
Các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hiệp Quốc ở Ai Cập nhất trí thảo luận về việc liệu các nước giàu có cần phải bồi thường hay không cho các nước nghèo dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu khi họ phải chịu những thiệt hại, mất mát.
Ông Sameh Shoukry, chủ tịch hội nghị COP27, phát biểu khai mạc hôm 6/11/2022 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập.
Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry phát biểu trong phiên khai mạc toàn thể : "Điều này lần đầu tiên tạo ra một không gian ổn định về định chế trong chương trình nghị sự chính thức của COP và Thỏa thuận Paris để thảo luận vấn đề cấp bách là thu xếp kinh phí cần thiết để giải quyết những vấn đề hiện còn bị bỏ trống, ứng phó với mất mát và thiệt hại".
Mục này đã được chấp nhận đưa vào chương trình nghị sự ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, vào Chủ nhật 6/11, khi các nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự các cuộc đàm phán dự kiến kéo dài đến ngày 18/11.
Có dự báo là phần lớn căng thẳng tại COP27 sẽ liên quan đến các mất mát và thiệt hại – bàn về việc các quốc gia giàu có cung cấp ngân quỹ cho các quốc gia có thu nhập thấp dễ bị tổn thương, là những nước chỉ chịu trách nhiệm một phần nhỏ về sự phát thải làm địa cầu ấm lên.
Tại COP26 năm ngoái ở Glasgow, các quốc gia có thu nhập cao đã ngăn chặn một đề xuất về việc lập một cơ quan tài trợ cho công tác khắc phục các mất mát và thiệt hại, thay vào đó, họ ủng hộ một cuộc đối thoại mới kéo dài 3 năm để thảo luận về việc tài trợ.
Các cuộc thảo luận về mất mát và thiệt hại hiện nay trong chương trình nghị sự tại COP27 sẽ không liên quan đến trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường ràng buộc, nhưng việc này nhằm dẫn đến một quyết định dứt khoát "không muộn hơn năm 2024", ông Shoukry nói.
Ông nói thêm : "Việc đưa vào chương trình nghị sự này phản ánh tinh thần đoàn kết với các nạn nhân của thảm họa khí hậu".
(Reuters)
Nguồn : VOA, 06/11/2022
************************
Hội nghị về biến đổi khí hậu COP27 khai mạc tại Ai Cập
RFA, 06/11/2022
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu, gọi tắt COP27, vào ngày 6/11 được chính thức khai mạc tại Thành phố Sharm El-Sheikh, tỉnh Nam Sinai, Ai Cập.
Cuộc họp báo sau phiên khai mạc COP27 - AFP
Trang mạng chính thức của hội nghị cho biết hoạt động này diễn ra từ ngày 6/11 đến 18/11.
Chương trình nghị sự gồm bốn chủ đề chính : tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên ; nâng tham vọng hành động khí hậu.
Sau phiên khai mạc vào ngày 6/11, trong hai ngày 7 và 8/11 gần 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới tham gia Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo trên thế giới. Chủ đề thảo luận gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, đà suy giảm thăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm phát leo thang.
Đoàn Việt Nam tham dự COP27 được dẫn đầu bởi Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà.
Tại COP-26 hồi năm ngoái ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, đại diện Việt Nam là ông thủ tướng Phạm Minh Chính. Lúc đó ông này đưa ra cam kết đến năm 2025 phát thải ròng của Việt Nam sẽ bằng ‘0’.
Nguồn : RFA, 06/11/2022