Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 10 septembre 2017 22:32

Cai nghiện là xây dựng lại nhân cách

Cai nghiện thật sự là hình thành, cải tạo lại nhân cách của mình, theo một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về tâm lý và hành vi của người sử dụng ma túy ở Việt Nam.

cai1

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang có nhiều năm làm việc trong ngành tâm lý học và khoa học giáo dục ở Việt Nam trước khi nghiên cứu về tâm lý người sử dụng ma túy.

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện hôm 01/9/2017 tại Budapest, thủ đô Hungary, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho biết hiện tượng tái nghiện ở Việt Nam là rất phức tạp, liệu pháp trị liệu bằng tâm lý đã và đang được áp dụng và tổng kết, bước đầu đã cho thấy những tác dụng, nhất là ở các khâu như khơi dậy và hỗ trợ quyết tâm của người cai, hoặc cai lại.

"Các trung tâm cai nghiện tập trung của nhà nước hầu như đều thất bại vì có tới 95% người đã cai nghiện, thậm chí rất nhiều lần, nhưng đã tái nghiện. Điều này xảy ra do họ bị cưỡng chế, bị áp đặt trong thời gian ở trại tập trung. Họ bất mãn và đã gây ra nhiều vụ phá hoại rất dữ dội.

cai2

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang chia sẻ về liệu pháp tâm lý điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam.

"Phương pháp trị liệu tâm lý là hoàn toàn tình nguyện. Ai có nhu cầu sẽ tự đến trung tâm chăm sóc sức khỏe và tới phòng tư vấn trị liệu. Thời gian cai nghiện thành công tùy thuộc vào mỗi người, nhưng trung bình khoảng 3 - 5 tháng".

"Đầu tiên, người muốn cai nghiện phải tự nguyện. Người đó phải muốn cai nghiện, đồng thời tin tưởng và quyết tâm rằng mình sẽ cai nghiện được, và muốn chúng tôi giúp đỡ.

"Thứ hai, khi cơ thể xuất hiện hội chứng cai khi nhìn thấy những thứ quen thuộc như giấy bạc, kim tiêm hay chai nước, người nghiện cần phải dùng ý chí của mình để vượt qua cơn thèm muốn ma túy. Sau đó khi từ từ trở về trạng thái thư giãn và nghĩ về những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống, cơ thể họ sẽ trở lại bình thường và theo thời gian, họ sẽ dần bớt phụ thuộc vào ma túy".

'Không kì thị mà tôn trọng'

Tuy nhiên ông cũng cho biết bản thân phương pháp mà Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy cũng gặp những thách thức và mỗi lần có người tới xin trị liệu giúp cai nghiện trở lại, thì lại phải hỗ trợ, cùng giúp đỡ họ vượt qua thử thách khó khăn đó.

"Chúng tôi tổ chức ra 5 doanh nghiệp xã hội, hoạt động nhiều ngành nghề, giúp những người mới cai nghiện cùng làm việc và sinh hoạt câu lạc bộ với nhau.

"Trong đó không có sự kì thị mà có sự tôn trọng lẫn nhau.

"Cai nghiện đã khó nhưng chống tái nghiện còn khó hơn. Vì vậy chúng ta cần giúp họ hiểu rằng không có con đường nào khác, chỉ có lao động, có sự tôn trọng người khác và tự tôn trọng mình mới giúp gia đình, xã hội được êm ấm.

"Cai nghiện thật sự là hình thành, cải tạo lại nhân cách của mình. Đó là nhân cách công dân, nhân cách xã hội. Ta phải biết giá trị nhân cách của chính mình và nâng tầm nó lên", nhà tâm lý học và giáo dục học nói với Quốc Phương tại Budapest.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 10/09/2017

Published in Diễn đàn