Đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy nước Mỹ có nhiều bất cập. Trước hết là một lãnh đạo không tin vào khoa học. Các phát biểu của Tổng thống Donald Trump nhằm đối phó với nạn dịch đã chứng tỏ điều đó.
Xếp hàng chích ngừa Covid-19 ở California (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Khi con siêu vi lây lan, số người chết tăng khiến dân ùn ùn tìm mua nước khử trùng rửa tay, mua khẩu trang mà nhiều nơi không có hàng. Cảnh dân chúng xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm, đổ xăng, lãnh thực phẩm cứu trợ và cảnh bệnh viện quá tải, người chết không kịp chôn là hình ảnh nước Mỹ của những ngày dịch Covid bùng phát trong năm vừa qua.
Hệ lụy của không tin vào khoa học là số người chết vì Covid ở Mỹ cao nhất thế giới, 427 nghìn người trong năm cuối của nhiệm kỳ chính quyền Trump. Đến nay, sau gần 5 tháng với Tổng thống Joe Biden số tử vong lên 611 nghìn và 34 triệu người Mỹ nhiễm bệnh, theo số liệu từ Worldometer.info.
Số người chết vì Covid-19 ở Mỹ trong thời gian qua (Worldometer.info)
Vì là loại vi khuẩn gây chết người với nhiều ẩn số nên các dữ kiện, số liệu liên quan đến lây nhiễm, tử vong và các biến chứng hay cách chữa trị thay đổi từng tuần, có khi từng ngày. Cao điểm của lây lan và số tử vong là vào tháng 12/20 và 1/21 vừa qua, như các nhà khoa học đã tiên liệu, vì là giữa mùa đông ở Mỹ với thời tiết lạnh nhiều người thường ở trong nhà, nên nếu một người bị nhiễm sẽ dễ lây cho người khác trong gia đình.
California là tiểu bang có những quyết định sớm nhất, từ tháng 4/20 đã cho dân ở nhà, ra ngoài phải giãn cách xã hội, giới hạn giao tiếp với nhau. Trung tâm thương mại, nhà hàng, các dịch vụ giải trí, công viên, nơi thờ phương tôn giáo và hầu hết các dịch vụ không cần thiết cho cuộc sống đều đóng cửa. Trường học các cấp chuyển qua học trực tuyến.
Đỉnh điểm của dịch là vào đầu năm nay, tại Mỹ nói chung và California nói riêng. Tiểu bang California sau kỳ nghỉ Giáng Sinh với số lây nhiễm và tử vong tăng nhanh, có ngày số người chết vì Covid lên đến 600. Tính đến nay, theo số liệu từ California Department of Public Health, đã có 62 nghìn tử vong và 3 triệu 700 nghìn dân California bị nhiễm.
Trong ba tháng qua, nhờ có thuốc tiêm và số người được xét nghiệm tăng để cách ly nếu dương tính, nên số người bị nhiễm giảm nhanh và tình hình bệnh viện cũng không còn quá tải, số tử vong chỉ còn hơn 20 ca một ngày.
Số liệu theo sắc tộc của cư dân California đã được chích ngừa (California Dept. of Public Health)
Từ đầu năm, hầu hết các quận hạt của California ở mức mầu đỏ, sang tháng 4 nhiều nơi chuyển xuống mầu cam, giờ đa số đang ở mức mầu vàng là dấu hiệu bệnh dịch đã giảm nhanh.
Ngày 15/6 tới đây Thống đốc Gavin Newsom sẽ công bố chính sách mở cửa toàn bộ tiểu bang, không còn những giới hạn trong sinh hoạt đời sống. Chỉ vấn đề có đeo khẩu trang hay không và đeo khi nào, ở những nơi đâu còn đang bàn luận.
Chính sách hiện nay của chính quyền Biden là khi người dân đến cơ quan liên bang hay sử dụng phương tiện di chuyển của liên bang thì phải đeo khẩu trang.
Những báo cáo y tế cho thấy trong mùa cúm vừa qua, nhờ đeo khẩu trang mà số người bị cúm thường niên trong năm qua dường như rất ít, chứng tỏ hiệu năng của khẩu trang trong việc ngăn ngừa lây lan các bệnh truyền nhiễm qua không khí, trong đó có Covid-19.
Nhiều tiểu bang có lệnh đeo khẩu trang nhưng chỉ trong ngắn hạn vài tháng. Hiện nay hai phần ba các tiểu bang đã bỏ lệnh đeo khẩu trang và chỉ còn giới hạn vào địa phương, trường học nếu cần.
Với dân Châu Á, như ở Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong thì đeo khẩu trang khi ra đường là việc bình thường người dân đã làm từ bao năm qua. Dân Mỹ không quen với nếp sống đó nên khẩu trang đã là vấn đề tranh cãi khi dịch đang lan tràn, dù tổng thống có ra lệnh thì thẩm quyền chỉ giới hạn trong khu vực liên bang. Xuống đến tiểu bang, từng thống đốc có quyền quyết định vì thế các chính sách phòng chống Covid của các thống đốc rất khác nhau do ảnh hưởng bởi quan điểm chính trị là cộng hòa hay dân chủ.
Như Texas, Florida với thống đốc cộng hòa và California, New York với thống đốc dân chủ. Florida và Texas đã hoàn toàn mở cửa, học sinh trở lại trường từ cuối năm ngoái, khi cần thì đóng lại. Cơ sở thương mại cũng mở cửa bình thường từ nhiều tháng trước nên kinh tế của hai tiểu bang này đã phục hồi.
Nhiều hàng quán vẫn chưa đón khách vào ăn mà chỉ bán cho khách mang về (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Ở California, riêng vùng Vịnh San Francisco sinh hoạt thương mại tuy đã mở cửa lại nhưng vẫn còn giới hạn và nhiều người cũng chưa muốn đi làm trở lại.
Các thành phố San Jose, Berkeley, Oakland, San Francisco đang hồi sinh. Tuy nhiên vẫn còn hàng quán đóng cửa. Nếu mở cũng chỉ bán cho khách mang về. Nhà hàng cho vào bên trong, số khách được phép là 50% so với trước đây nên chủ cũng chưa cần người làm đông như trước.
Nhiều cư dân California vẫn đang được nhận trợ giúp thất nghiệp 450 đôla một tuần cho đến đầu tháng 9 này.
Quan trọng là người đi làm lo ngại bị lây nhiễm nếu chưa chích ngừa hay số người được chích chưa nhiều. Hiện nay mới có 44% cư dân California đã được chích hai mũi.
Một địa điểm chích ngừa Covid-19 ở vùng Vịnh San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Thống đốc Gavin Newsom đang phải đối diện với cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm sẽ diễn ra trong vài tháng tới nên muốn đưa tiểu bang trở lại sinh hoạt bình thường vào ngày 15/6. Ông kêu gọi dân mau đi chích ngừa để đạt miễn nhiễm cộng đồng, nghĩa là ít nhất ba phần tư dân được tiêm.
Vì nhiều lý do khác nhau nhiều người không muốn chích ngừa Covid. Cho đến nay không còn thiếu thuốc như hai tháng trước, nhưng số người Mỹ trên toàn quốc đã chích đầy đủ mới đạt 42%, khoảng 136 triệu người.
Tại California số người da trắng đã chích ngừa cao nhất với 35,9%, thấp nhất là người da đen với 3,8%, gốc Mỹ Latinh có 26,9% và gốc Á châu có 16,7%.
Để khuyến khích dân chúng tham gia chích ngừa, một số tiểu bang như Ohio, Virginia, Maryland, Oregon đã có phần thưởng bằng tiền mặt qua các kỳ xổ số.
Sinh hoạt ở California đang trở lại bình thường (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Tiểu bang California chi 116 triệu 500 nghìn đôla cho xổ số khuyến khích dân tiêm ngừa Covid. Bất cứ ai từ 12 tuổi trở lên và đã chích ngừa ít nhất một mũi đều được tham gia rút thăm trúng thưởng.
Từ ngày 27/5, đi chích ngừa có thể nhận thẻ tặng quà trị giá 50 đôla. Sáng thứ Sáu 4/6 đã có xổ số lần đầu, chọn 15 người đã tiêm chủng, mỗi người nhận 50 nghìn đô. Thứ Sáu tuần tới thêm một kỳ xổ số nữa cũng sẽ có 15 người được trúng giải.
Đến ngày 15/6, khi thống đốc công bố mở cửa, sẽ có rút thăm chọn 10 người dân đã chích ngừa, mỗi người sẽ nhận 1 triệu 500 nghìn đôla.
Tác giả hy vọng có số hên trúng thưởng sau khi chích hai mũi thuốc ngừa Covid-19 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Thống đốc Gavin Newsom muốn nâng số dân được chích ngừa lên đến 75%, để đạt mức được coi là miễn nhiễm cộng đồng.
Ôi có nơi nào mà dân lại được chính phủ quan tâm, ưu đãi và nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa như ở California không ?
Khi vừa nhận chức, Tổng thống Joe Biden đã phát biểu rằng dân chúng Mỹ sẽ có thể tụ họp ăn mừng Lễ Độc lập 4/7 trong hè sắp tới.
Điều đó chắc sẽ xảy ra vì còn một tháng nữa là đến ngày 4/7, trong khi tiểu bang California là nơi đã có những giới hạn khắc khe nhất nước trong việc phòng chống Covid thì cũng đang mở cửa ra.
Nhiều trường phổ thông và đại học đang tổ chức lễ tốt nghiệp, trong giãn cách xã hội và giới hạn khách tham dự là dấu hiệu đáng mừng cho sinh viên học sinh.
Giờ N sắp điểm với Covid-19 ở California. Chiến thắng cơn đại dịch trên nước Mỹ cũng đã thật gần.
Bùi Văn Phú
Nguồn : © 2021 Buivanphu, 17/06/2021
Cali có gì lạ không em ?
San Jose cuối tuần trước cấm túc đợt hai
Bắt đầu tuần này, hầu hết cư dân California lại phải ở nhà cho đến ngày 5/1/2021. Đây là lần thứ hai lệnh cấm túc – Stay At Home – được ban hành để phòng lây lan Covid-19 trên diện rộng.
Bắt đầu tuần này, hầu hết cư dân California lại phải ở nhà cho đến ngày 5/1/2021.
Sau Lễ Tạ ơn 26/11 chính quyền và giới chức y tế quan ngại số ca nhiễm và người nhập viện sẽ tăng vì dân chúng chủ quan, dù đã được khuyến cáo không nên về thăm gia đình hay tụ họp mừng lễ.
Nhiều người dường như không nghe lời khuyến cáo nên một tuần sau kỳ nghỉ số nhiễm Covid-19 tăng vọt trên toàn nước Mỹ. Giới chức y tế quan ngại nhất là người phải vào bệnh viện cũng tăng nhanh, số giuờng cấp cứu ICU (Intensive Care Unit) không có đủ để đáp ứng nhu cầu trong những ngày mùa đông trước mặt.
Hôm Lễ Tạ ơn, gia đình tôi cũng dự dịnh xum họp anh em, con cháu như mọi năm, nhưng sẽ làm ngoài vườn sau vào giờ trưa, không quá 20 người và trong vòng hai tiếng đồng hồ, như khuyến cáo của chính quyền tiểu bang và quận hạt. Nhưng rồi các em nói thôi, vì không biết thời tiết ngày đó sẽ ra sao.
Thế là năm nay gia đình tôi đón lễ vỏn vẹn chỉ có 3 người, không gà tây mà chỉ có món thịt heo dăm bông (baked ham) và thịt bò nướng.
Thống đốc Gavin Newsom dự tiệc trong một nhà hàng sang trọng với hơn chục người quen
Trong khi khuyến cáo dân không tụ họp trong nhà thì lãnh đạo lại làm khác, bị phát hiện, đưa lên truyền hình và bị dân om sòm phê bình.
Thống đốc Gavin Newsom dự tiệc trong một nhà hàng sang trọng với hơn chục người quen. Thị trưởng San Francisco London Breed cũng đi nhà hàng ăn mừng sinh nhật với bạn. Thị trưởng San Jose Sam Liccardo quây quần tại nhà với bố mẹ và gia đình người thân.
Ba vị đã lên tiếng xin lỗi nhưng có nhiều người dân không tin các chính sách của chính phủ đưa ra nhằm giới hạn sinh hoạt thương mại, ăn uống, giải trí.
Trên diện rộng toàn nước Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, tiếng nói có thẩm quyền về dịch tễ, khi thấy con số lây nhiễm và tử vong tăng nhiều sau Lễ Tạ ơn, ông đã báo động là nếu không có những biện pháp phòng chống nghiêm ngặt hơn thì sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và Tết Tây số người nhiễm Covid-19 và số tử vong sẽ tăng vọt hơn nữa.
Sau Lễ Độc lập 4/7 số ca nhiễm đã tăng vọt. Lễ Tạ ơn là đợt tăng thứ hai. Bác sĩ Fauci cảnh báo một mùa đông u ám đang chờ đợi nước Mỹ.
Bác sĩ Fauci cảnh báo một mùa đông u ám đang chờ đợi nước Mỹ.
Tính đến ngày 8/12 số ca nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ là 15,4 triệu và số tử vong 286 nghìn.
California có 1,42 triệu ca nhiễm và hơn 20 nghìn tử vong, nhiều nhất là vùng Los Angeles, vùng Vịnh San Francisco và Quận Cam là những nơi có đông người Việt sinh sống. Vùng Vịnh San Francisco hiện có 137 nghìn ca nhiễm và 1900 tử vong.
Tuần trước Thống đốc California Gavin Newsom họp báo và đề xuất chia California thành 5 khu vực, nơi nào số giường cấp cứu ICU trong các bệnh viện còn dưới 15%, khu vực đó sẽ ban hành lệnh cấm dân ra đường nếu không có việc gì cần.
California được chia thành 5 khu vực, nơi nào số giường cấp cứu ICU trong các bệnh viện còn dưới 15%, khu vực đó sẽ ban hành lệnh cấm dân ra đường nếu không có việc gì cần.
Với lệnh mới, nhà hàng chỉ được bán thức ăn mang về. Các tiệm tóc, tiệm làm móng tay phải đóng cửa. Nơi thờ phượng không được cầu nguyện bên trong, ra ngoài trời cũng giới hạn số tín đồ không quá 100.
Gia đình nhà nào ở nhà đó, không được thăm nhau hay tụ họp sinh hoạt.
Vùng Vịnh San Francisco tuần qua số giường ICU còn hơn 20% nhưng hôm Thứ Sáu chính quyền địa phương đã ban hành lệnh ở nhà bắt đầu từ thứ Hai tuần này. Các khu vực miền trung và nam California cũng đã theo sau với lệnh cấm túc.
Tháng Ba đầu năm, vùng Vịnh San Francisco cũng là khu vực đã có lệnh cấm túc đầu tiên ở Mỹ.
Trước tình hình không được ra khỏi nhà lần nữa và mùa đông mưa lạnh đang về, cuối tuần qua chúng tôi đi mua đồ ăn khô, nước uống phòng ngừa bất trắc cho tháng ngày trước mặt.
Siêu thị Costco không còn cảnh xếp hàng dài như hồi tháng Tư, tháng Năm. Mở cửa 9 giờ sáng mà khi chúng tôi đến lúc 10 giờ thì cũng không còn giấy vệ sinh, không còn giấy sát trùng lau tay.
Lần trước có lệnh cấm túc vào tháng Ba. Tháng Tư đường phố, xa lộ thật vắng xe. Người dân lo lắng nhiều, đổ sô đi mua các thứ cần thiết phòng chống Covid-19 và trữ thực phẩm nên các siêu thị với hàng dài người xếp hàng.
Hè đến có nới lỏng sinh hoạt. Nhà hàng được phép phục vụ khách ngoài trời. Rồi các trung tâm thương mại, các tiệm tóc, làm đẹp móng tay, phòng tập thể dục mở cửa với số khách giới hạn 20% và phải tuân thủ giãn cách xã hội, mang khẩu trang. Nhiều nơi còn đo thân nhiệt khách hàng trước khi phục vụ.
Cửa hàng ăn ngoài trời ở San Jose hôm Chủ Nhật 6/12/20 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Hai tháng qua phố xá đã đông xe qua lại. Sinh hoạt các nơi sinh động hơn. Mức thất nghiệp tại Mỹ từ hơn 10% vào tháng Tư, nay còn trên 6%. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng với những con số kỷ lục.
Kỳ bầu cử tháng 11 vừa qua khu thương mại Grand Century ồn ào không khí vận động tranh cử. Các tiệm ăn đông khách ngồi bên ngoài vào cuối tuần.
Hai tháng sau, Chủ Nhật vừa qua trở lại San Jose thì nơi đây không còn ồn ào nữa. Quán càphê Paloma thường đông khách nay vắng vẻ. Nhà hàng Dynasty phục vụ chừng hai chục bàn điểm sấm trong lều trước tiệm cũng thưa khách. Bên trong Grand Century ít người qua lại, hầu hết các tiệm đóng cửa.
Khu Vietnam Town bên cạnh có Phở 90 Degrees đông khách bên ngoài. Nhiều tiệm trong khu này đóng cửa. Cạnh đài phát thanh Tiếng Mõ Bắc Cali là Bánh Cuốn Ông Tạ có khách ngồi ngoài ăn, nhìn qua bên kia có quán ăn Hàn quốc mới mở thì vắng.
Xếp hàng mua giò chả trước tiệm Đức Hương ở San Jose hôm Chủ Nhật 6/12/20 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Bên Lion Plaza cũng vắng vẻ. Nhà hàng Nha Trang quây lưới phía trước cho khách ngồi ngoài. Khu ăn uống cạnh tiệm bò bảy món Ánh Hồng nay kê bàn trong khuôn viên hình tròn ngoài trời, lưa thưa khách.
Giò chả Đức Hương là hàng quán đông khách nhất trong ngày Chủ Nhật. Hai tiệm, một ở gần Lion Plaza và một gần Grand Century Mall, giờ trưa khách xếp hàng dài chờ vào mua. Ai cũng đeo khẩu trang, đứng cách nhau hai mét.
Theo số liệu từ Hiệp hội Nhà hàng (National Restaurant Association) và Yelp thì mùa hè qua, thời gian cao điểm đón khách du lịch, đã có 16 nghìn nhà hàng đóng vĩnh viễn trên toàn quốc. Một khảo sát trong tháng Chín cho thấy 17% nhà hàng tại Mỹ đã phải đóng cửa dài hạn hay dẹp tiệm luôn, con số này là gần 100 nghìn cơ sở thương mại dịch vụ ăn uống.
Quán ăn ngoài trời trong khu thương mại Lion Plaza ở San Jose hôm Chủ Nhật 6/12/20 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Tháng Sáu vừa qua có bạn học cũ từ nam California lên chơi, chúng tôi ăn phở 90 rồi qua Paloma uống cà phê. Hỏi chuyện, anh bạn nhận xét trên đây hầu hết dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội, trong khi dưới Quận Cam nhiều người xem thường những việc này.
Tuần trước có bạn cũng từ Quận Cam lên thăm. Mua bánh mì hẹn nhau ra Jack London Square ở bến cảng Oakland ngồi ăn. Bạn cũng có nhận xét người dân vùng San Francisco tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19 hơn dân Quận Cam.
Dư luận cho thấy trong chín tháng qua nước Mỹ có hai khuynh hướng. Những nơi đông người ủng hộ cộng hoà, theo Tổng thống Trump thì xem nhẹ việc phòng Covid-19 lây lan, không thích mang khẩu trang khi ra đường, không quan tâm đến giãn cách xã hội.
Nơi đông người theo khuynh hướng dân chủ, ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nay coi như đắc cử tổng thống, xem việc mang khẩu trang, cách giãn xã hội là điều phải làm.
Ông Biden có chủ trương là khi nhận chức tổng thống sẽ ban hành biện pháp buộc mọi người đeo khẩu trang khi ra đường để phòng chống Covid-19.
Hai vùng đông dân cư nhất California cũng là hai nơi với khuynh hướng khác nhau trong việc phòng Covid-19 lây lan.
Với lệnh cấm túc mới ở California, lần ngày còn giới hạn hơn trước. Chẳng hạn như không cho tụ họp những người không ở chung một nhà.
Trong tháng tới cũng không ai được đi xa. Khách sạn chỉ đón khách đến khu vực vì có công việc cần thiết. Quận hạt Santa Clara, với San Jose là thủ đô của vùng thung lũng điện tử, có lệnh nếu di chuyển xa hơn 150 dặm đường, khi trở về phải tự cách ly hai tuần.
Các tiệm hớt tóc, làm đẹp móng tay lại phải đóng cửa một tháng. Trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, bán lẻ chỉ được đón 20% số khách thường có.
Các tiệm tóc, tiệm làm đẹp móng tay ở California sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 5/1/21 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Lần trước ngồi quán cà phê ở San Jose nghe nhiều người hỏi nhau có nhận 1200 đôla trợ giúp của chính phủ chưa. Hôm rồi không nghe nói gì vì Quốc hội vẫn chưa thông qua luật cứu trợ mới. Lãnh đạo hai đảng vẫn chưa đồng ý với nhau.
Số giường ICU trong các bệnh viện quận hạt Santa Clara tuần trước còn ở mức trên 20%, hôm nay đã xuống 14%.
Dịch Covid-19 vẫn lan nhanh, trong khi nhiều người nay đã cạn tiền trợ cấp của chính phủ, tiền thất nghiệp cũng sắp hết. Mùa đông năm nay người dân và nước Mỹ đang chờ đợi những thử thách lớn trước mặt.
Bùi Văn Phú
Nguồn : © 2020 Buivanphu, 11/12/2020
Virus Vũ Hán có thể đã tấn công California – Mỹ hồi năm ngoái 2019 mà không bị phát hiện ?
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford – Mỹ đang xem xét khả năng coronavirus có thể đã tấn công California lần đầu tiên hồi năm ngoái 2019 (sớm hơn nhiều so với người ta nghĩ) mà không bị phát hiện vì nó xảy ra trùng vào thời điểm cúm mùa đặc biệt dữ dội.
Tại sao California nơi có đông người Việt nhất nước Mỹ hiện nay ít bị dịch bệnh corona ? Hiện có hơn nửa triệu người Việt cư ngụ tại tiểu bang California, chiếm 40% trong tổng số 1,3 triệu người Việt tại Hoa Kỳ.
Bài tường thuật của đài American Broadcasting Company (ABC)
Hôm thứ năm 9/4, một thành viên của Viện Hoover tại Đại học Stanford- Mỹ đã công bố một phỏng đoán rằng, những gì được coi là cúm mùa ở California hồi năm ngoái thực sự là Covid-19 lây lan trên khắp cộng đồng mà không bị phát hiện.
Đó là một câu chuyện đang gây chú ý trên khắp nước Mỹ. Sự việc bắt đầu bằng một sự khác biệt kỳ lạ :
New York có dân số chỉ bằng một nửa (1/2) dân số California, nhưng con số tử vong do coronavirus lại cao gấp 14 lần.
Nếu tính tỷ lệ theo dân số, New York có tỷ lệ nhiễm cao gấp 16 lần và tỷ lệ tử vong cao gấp 26 lần California.
Các chuyên gia đang xem xét một số khả năng tại sao California không bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nặng nề.
Sự khác biệt quá lớn này đặc biệt đáng ngạc nhiên, các chuyên gia nói, do tiểu bang này có một số lượng lớn người nghèo và vô gia cư, và đã có một số lượng đáng kể du lịch đến và đi từ Trung Quốc hồi năm ngoái.
"Khi nhìn vào các tiểu bang khác, hoàn toàn không thể giải thích được tại sao California lại may mắn hơn, đặc biệt là đáng lẽ ra nó kém may mắn nhất", ông Victor Davis Hanson, thành viên cao cấp của Viện Hoover tại Đại học Stanford, nói.
Tiểu bang California đã có một lượng đáng kể du lịch đến và đi từ Trung Quốc vào năm ngoái – hằng ngày có khoảng 8.000 du khách Trung Quốc tại các sân bay của California. Vũ Hán – Trung Quốc được coi là điểm xuất phát của coronavirus. Dịch bệnh ở đó lần đầu tiên được biết đến công khai vào tháng 12 năm 2019, nhưng các nhà nghiên cứu đang xem xét liệu nó có xuất hiện sớm hơn nhiều không.
"Một cái gì đó diễn ra mà chúng ta chưa tìm ra", ông Hanson nói. "Khi rõ ràng là cũng có những người trên các chuyến bay trực tiếp, từ sân bay San Francisco và Los Angeles đến Vũ Hán, ổ bùng phát dịch bệnh, thì quả thật là ngây thơ nếu bạn tin rằng dân chúng California không bị dịch bệnh hoành hành nặng nề".
Để có thể giài thích, các nhà nghiên cứu đưa ra một phỏng đoán xoay quanh ý tưởng về khả năng miễn dịch cộng đồng – đó là trạng thái một tỷ lệ lớn dân số trong cộng đồng đã mắc bệnh, sau khi khỏi bệnh trong người họ phát sinh kháng thể chống lại sự nhiễm bệnh, tức là họ trở nên miễn dịch ; nhờ vào miễn dịch cộng đồng tốc độ lây lan bệnh bị chậm lại trong cộng đồng và sẽ chấm dứt hẳn.
Viện Hoover tại Đại học Stanford – Mỹ
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford đang xem xét khả năng coronavirus có thể đã tấn công California lần đầu tiên hồi năm ngoái 2019 (sớm hơn nhiều so với người ta nghĩ) mà không bị phát hiện vì nó xảy ra trùng vào thời điểm cúm mùa đặc biệt dữ dội.
Bởi vậy, có phỏng đoán rằng hồi đó nhiều người dân California đã bị nhiễm coronavirus mà họ không hề biết và sau đó trong cơ thể đã phát triển khả năng miễn dịch với virus này.
Để biết thật hư về phỏng đoán trên, các nhà nghiên cứu đang tiến hành xét nghiệm kháng thể . Xét nghiệm này nhằm tìm ra kháng thể trong máu chống lại virus SARS-CoV-2, tức là nhằm phát hiện những người đã từng bị nhiễm virus mà không hề biết vì không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng rất nhẹ.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford xét nghiệm kháng thể 3.200 tình nguyện viên tại ba địa điểm xét nghiệm ở Vùng Vịnh. Họ dự kiến sẽ công bố kết quả nghiên cứu trong vài tuần nữa.
Ngoài nghiên cứu của Đại học Stanford, Đại học Nam California USC và Sở Y tế Công cộng ở Los Angeles cũng đang bắt đầu một nghiên cứu thí điểm : xét nghiệm tìm kháng thể chống coronavirus trong dân cư ở Los Angeles.
Xét nghiệm kháng thể 1.000 người sẽ diễn ra tại sáu địa điểm trong toàn vùng Los Angeles.
Mục tiêu của xét nghiệm kháng thể là xác định có bao nhiêu người đã từng nhiễm virus trong quá khứ mà họ không hề biết, để có được một bức tranh đầy đủ và chính xác hơn về mức độ lan truyền của virus, vì xét nghiệm Covid-19 chỉ phát hiện ra những người hiện tại đang bị nhiễm bệnh.
Những người tham gia xét nghiệm đã được chọn và các xét nghiệm đầu tiên bắt đầu từ thứ Sáu và thứ Bảy này (ngày 10 và 11/4).
Ngoài các nghiên cứu, một xét nghiệm huyết thanh tương tự (trích máu từ đầu ngón tay) cũng được thực hiện tại những địa điểm y tế, thí dụ như tại Hollywood Urgent Care. Chỉ trong vài phút nó có thể cho biết kết quả là trong cơ thể đã có kháng thể chống coronavirus hay không. Đây là một loại xét nghiệm tương tự như xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra xem một người có miễn dịch với bệnh thủy đậu hay sởi hay không.
Bác sĩ Anthony Fauci của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết ngay cả với miễn dịch cộng đồng, "cuối cùng, câu trả lời sẽ là vắc-xin chủng ngừa".
Bác sĩ Fauci nói rằng hàng chục nhà sản xuất vắc-xin đang trong cuộc đua.
Trong số đó có hãng Inovio với trụ sở tại San Diego. Công ty đang tìm kiếm 40 tình nguyện viên để thử nghiệm một loại vắc-xin tiềm năng. Nếu nó an toàn, họ hy vọng sẽ thử nghiệm vắc-xin trên 1 triệu người vào cuối năm nay.
"Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ cảm thấy một áp lực như hiện tại chúng tôi đang chịu đựng", ông Kate Broderick, Phó chủ tịch nghiên cứu và phát triển của công ty cho biết.
Có rất nhiều chuyện đang diễn ra.
Mô hình toán học dựa trên sự bùng phát dịch bệnh của Trung Quốc cho thấy nếu biện pháp phong tỏa trên toàn cầu được gỡ bỏ hoàn toàn, một làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể tràn vào Trung Quốc, trừ khi tìm được vắc-xin.
Doctor Alok Pate
Hiếu Bá Linh biên dịch
Nguồn : Thoibao.de, 11/04/2020
Lá thư từ Hoa Kỳ
Chiều thứ Năm 19/3 Thống đốc California Gavin Newsom ra lệnh cấm túc với 40 triệu cư dân tiểu bang. Bắt đầu ngay lập tức và ông không đưa ra thời hạn khi nào sẽ chấm dứt lệnh này.
Thống đốc California Gavin Newsom ra lệnh cấm túc lúc 6 giờ chiều 19/3 (Ảnh minh họa)
Cấm túc là "shelter-in-place", có nghĩa là ở trong nhà. Tuy nhiên đây không phải là "thiết quân luật" – martial law – hay cấm cửa như ở Vũ Hán bên Trung Quốc khi cấm dân ra đường hay người nơi khác vào vùng dịch Covid-19 (Cô-Vi) bùng phát.
Theo lệnh này, mọi người không ra đường, trừ những ai làm việc trong các ngành nghề y tế như bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện hay trong lĩnh vực cung cấp nhu yếu phẩm gồm tiệm thuốc tây, siêu thị, cây xăng, ngân hàng và công nhân sở vệ sinh lo đổ rác.
Cấm túc không có nghĩa hoàn toàn bị nhốt trong nhà, không được ra đường di chuyển. Dân vẫn có thể đi chợ, đổ xăng hay ra đường đi bộ tập thể dục, với điều kiện giữ khoảng 2 mét cách xa nhau.
Không đợi có quyết định của thống đốc, từ ba ngày qua cư dân vùng Vịnh San Francisco đã bị cấm túc và sẽ còn kéo dài ít nhất đến ngày 7/4. Các trường học toàn vùng đãđóng cửa. Đại học chuyển tất cả các lớp sang học qua mạng cho đến hết niên học.
Mấy ngày qua Quận Cam rồi Los Angeles đã theo chân San Francisco với lệnh cấm túc. Nếu không có lệnh của thống đốc, chỉ với ba khu vực trên cũng đã có hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng.
Downtown Berkeley vắng lặng lúc 4 giờ chiều 19/3 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Vùng Vịnh San Francisco là khu vực đầu tiên cấm túc dân, theo đề nghị của các giới chức y tế địa phương lo phòng chống lây lan Cô-Vi vì nơi đây có số người lây nhiễm và số tử vong cao nhất trong tiểu bang. California chỉ đứng sau tiểu bang Washington và New York hiện là ba nơi có tâm điểm bùng phát bệnh.
Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo tuy chưa ban hành lệnh cấm túc nhưng ông đã yêu cầu các công ti, cơ sở thương mại cắt giảm 75% số người phải vào làm việc.
Các địa phương tùy theo tình hình phải tự lo liệu lấy và đưa ra những quyết định phòng chống. Lo nhất là nếu số bệnh nhân Cô-Vi tăng sẽ không đủ nơi điều trị vì thiếu giường bệnh, thiếu trang thiết bị y khoa cần thiết.
Theo một mô hình do Thống đốc Gavin Newsom đưa ra thì số dân California bị nhiễm vi-rút có thể lên đến 56% trong vòng hai tháng tới và cần đến 20 nghìn giường bệnh. Ông đề nghị Tổng thống Donald Trump cho tầu bệnh viện đỗ bến ở Los Angeles và chính quyền tiểu bang dự trù sẽ biến khách sạn, ký túc xá đại học thành nơi chữa bệnh khi cần.
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa bệnh Cô-Vi. Thông tin mới nhất cho biết thuốc chloroquine, tức ký ninh chữa bệnh sốt rét, có thể chữa được và chính quyền liên bang đã cho phép dùng thử ngay với bệnh nhân, thay vì phải qua các thủ tục thử nghiệm kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm như trước đây.
Nếu số người lây bệnh và số người được chữa khỏi ở Trung Quốc là đúng, với 81 nghìn ca nhiễm và 71 nghìn được chữa khỏi, là 88% thì có thể giới chức y tế ở Wuhan đã dùng một loại như thuốc ký ninh để trị bịnh. Năm 2015 bác sĩ Tu Youyou của Trung Quốc là người khám phá ra loại thuốc chữa sốt rét đã được giải Nobel Y khoa.
So với những số liệu từ Hàn Quốc, Ý hay Pháp, Tây Ban Nha thì cách chữa bệnh ở Trung Quốc hiệu nghiệm hơn rất nhiều. Cũng cần nhắc là nếu các con số do nhà nước đưa ra là khả tín.
Mới tháng trước Vùng Vịnh San Francisco còn chưa lo sợ dịch Covid-19 lây lan. Dân biểu Nancy Pelosi, đại diện khu vực và là Chủ tịch Hạ viện, ngày 24/2 đã đi thăm Chinatown San Francisco và mời gọi du khách ghé thăm, vì thương mại ở đây đã xuống thê thảm từ sau Tết, khi nạn dịch được biết đã lây lan nhiều ở Trung Quốc.
Các thị trưởng London Breed của San Francisco và Libby Schaaf của Oakland cũng đã trấn an cư dân và mời gọi khách ủng hộ các nhà hàng Tầu, không có gì phải lo sợ bệnh dịch.
Đến nay thì ai cũng lo sợ bệnh dịch. Vùng Vịnh San Francisco với gần 7 triệu dân là khu vực rộng lớn đầu tiên ở Mỹ có lệnh cấm túc từ thứ Ba 17/3.
Các giới chức trách nhiệm đã nhận ra việc phòng lây bệnh hữu hiệu là tự cách ly nhau, mà lệnh cấm túc sẽ mang lại kết quả tốt nhất, vì có người nhiễm Cô-Vi mà không có triệu chứng nên dễ lây sang người khác qua các tiếp xúc thường ngày trong xã hội. Đó là lây nhiễm cộng đồng mà giới chức y tế lo ngại nhất.
Trong quận hạt Santa Clara, vùng Vịnh San Francisco, nơi có nhiều người bị nhiễm và tử vong nhất California, với 189 ca và 6 tử vong, trong đó gần phân nửa là lây nhiễm cộng đồng, nghĩa là người bị bệnh không du hành đến các nước có dịch bệnh hay có tiếp xúc với người bệnh.
Tổng thống Donald Trump từ lâu cũng không tin Covid-19 dịch, cho đến thứ Sáu tuần trước mới bắt đầu có những là đại biện pháp cấp thiết để phòng chống.
Với lệnh cấm túc ở California, nhưng dân không hỗn loạn. Trên xa lộ vẫn thấy xe chạy, vắng hơn trước. Trong thành phố nhiều chỗ không còn lưu thông hay người qua lại.
Trong một siêu thị Lucky gần nhà, giấy vệ sinh và các loại thuốc lau chùi vi khuẩn không còn. Trên các kệ thực phẩm rau, cây trái còn nhiều nhưng đồ hộp như súp hết sạch. Bánh mì vào giấc trưa cũng không còn.
Kệ hàng đồ hộp trong một siêu thị ở Bắc California không còn hàng vào giữa trưa (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Các siêu thị Safeway và Lucky cắt giảm giờ mở cửa, dành giờ sáng sớm cho người có tuổi từ 60 trở lên được vào mua hàng trước.
Không có cảnh chen lấn. Tuy nhiên việc giữ khoảng cách xa nhau 2 mét không được dân chú ý lắm khi ra đường.
Khi có việc phải ra ngoài đường, tôi quan sát thấy siêu thị Berkeley Bowl thực hiện các biện pháp tránh giao tiếp xã hội đúng nhất với giới hạn người vào mua và khách xếp hàng bên ngoài hay bên trong cũng tự đứng cách xa nhau 2 mét, không mấy người đeo khẩu trang.
Trong khi tại một siêu thị Costco ở thành phố gần đó, đông khách ra vào và người người xếp hàng san sát bên nhau chờ tính tiền, vì thói quen. Nhiều người cũng chưa nhận thức được là phải giữ khoảng cách xa nhau trong lúc này.
Xa lộ, đường phố vắng hẳn xe. Bình thường lái xe từ Berkeley xuống San Jose trong giờ cao điểm mất ít nhất 90 phút. Sáng thứ Năm bảng chỉ đường ghi còn 47 phút.
Từ sáng thứ Hai tuần trước, bảng chỉ đường ghi từ Berkeley xuống đến phi trường San Jose là 55 phút. Đài phát thanh đưa tin xa lộ 280, 101, 87 lượng lưu thông ít hẳn đi và không có kẹt xe vì từ hôm đó nhiều công ti đã cho nhân viên làm việc ở nhà. Khi đó trường học chưa đóng cửa.
Khách đi xe điện BART ngày hôm đó cũng giảm 25% rồi hôm sau giảm 30%. Thứ Tư nhiều trường bắt đầu đóng cửa và một tuần sau coi như vùng Vịnh rơi vào tình trạng hoang vắng.
Với lệnh cấm túc, số khách đã giảm 90% nên trong những ngày tới tầu điện chỉ còn chạy từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, thay vì từ 5 giờ sáng đến 12 giờ khuya như trước đây.
Tôi đã ở nhà một tuần từ khi trường đóng cửa vào thứ Tư tuần trước. Không ra ngoài nhưng vẫn làm việc vì các lớp đã chuyển sang online.
Nhiều du sinh từ Việt Nam kéo nhau về nước vì tình hình bất ổn và lo ngại đến an nguy sức khoẻ khi biết rằng người dân Mỹ còn chưa được chữa trị thì làm gì đến lượt các em, nếu chẳng may lâm bệnh.
Trước những lo lắng không tiên liệu được tình hình, nhiều trường đã đồng ý nếu sinh viên trở về nguyên quán và vẫn được gia hạn (visa) I-20 để trở lại Mỹ khi nạn dịch qua đi.
Nếp sống ở đây trong những ngày qua không còn bình thường, nhưng không lo thiếu thực phẩm, xăng dầu. Lo nhất là bị bệnh, dù bất cứ bệnh gì vì có mấy ai muốn nhập viện lúc này.
Tôi đã trải qua động đất tháng 10/1989, biến cố 11/9, khủng hoảng kinh tế tài chánh 2008, nhưng lần này có o lắng hơn vì không biết bệnh dịch sẽ hoành hành đến đâu và kéo dài bao lâu.
Tình hình lây bệnh Cô-Vi với số người nhiễm tăng lên mỗi ngày theo cấp số lũy thừa và thiếu thuốc thử nghiệm cũng như cách chữa trị là điều làm mọi người lo sợ. Đúng là chúng ta đang chiến đấu với một kẻ thù vô hình.
Như thế còn biết làm gì hơn ngoài việc thường xuyên rửa tay, giới hạn ra ngoài, ăn uống đầy đủ và giữ tinh thần lạc quan, vui với những gì có thể làm được để qua cơn đại dịch này.
Chẳng cần phải tranh cãi về tên gọi kẻ thù vô hình làm gì. Tôi gọi đó là Cô-Vi cho thân thương, rút ngắn từ Corona Virus thường được truyền thông dùng ở Mỹ. May ra cô bớt khắc nghiệt với con người.
Bùi Văn Phú
(21/03/2020)