Tháng 3 năm 1975, lúc đang còn ở lứa tuổi đôi mươi (khi khổng khi không) ông Cao Xuân Huy – một cựu sĩ quan của binh chủng Thủy quân lục chiến, thuộc Quân đội Việt Nam Cộng Hòa – giã từ vũ khí. Bỏ súng đạn, dù ở vị thế của một kẻ chiến bại ê chề, để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã triền miên tàn phá quê hương đất nước, không chừng, cũng là kỳ vọng hay ước mơ của trung úy Cao Xuân Huy (nói riêng) và của cả nước (nói chung).
Sau đó (theo lệnh của những nguời thuộc phe thắng trận) ông Cao xuân Huy cầm cuốc, cuốc tới tấp, cuốc túi bụi, cuốc không ngừng, cuốc tưng bừng, và cuốc liên tục (rất nhiều năm) trên những mảnh đất… vô phương canh tác – ở nhiều trại cải tạo khác nhau.
Cây cuốc, một nông cụ rất hữu ích và phổ biến kể từ khi loài người bắt đầu đời sống định canh cho đến hết Thời Trung Cổ, nếu đuợc tận dụng và thiện dụng, trong điều kiện đất đai và thời tiết lý tưởng (may ra) mới có thể mang lại vừa đủ cơm áo cho chính bản thân người sử dụng.
Còn dùng thứ cuốc do tập thể làm chủ, qua hình thức lao động cưỡng bách, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, trên những nông truờng quốc doanh, theo những kế hoạch kinh tế cứng rắn và hoang tưởng, vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi… thì chỉ là một sự phí phạm nhân lực vô cùng tai hại và đáng tiếc – nếu nói một cách bao dung. Nói cách khác, chính xác hơn, đây là một phương cách trả thù hèn hạ đê tiện của những kẻ tiểu tâm.
Bởi vậy, sau khi rời trại cải tạo, ông Cao Xuân Huy không đến những vùng kinh tế mới để tiếp tục cuốc cầy – theo ý muốn của những người thuộc phe thắng trận. Ông đã bỏ nuớc mà đi.
Tháng 3 năm 1975, không phải chỉ có một mình trung úy Cao Xuân Huy bỏ súng. Sau đó, ông ta cũng không phải là kẻ duy nhất vượt biên. Ông chỉ là một trong hàng triệu triệu dân Việt – trong cơn quốc biến – hốt hoảng, ù té, bỏ chạy, hay đâm xầm ra biển, tứ tán, lênh đênh, phiêu bạt khắp bốn phương trời.
Giữa ông Cao Xuân Huy và phần lớn những người Việt tị nạn cộng sản khác chỉ có một chút dị biệt nho nhỏ. Sau khi bỏ súng, bỏ cuốc – thay vì cầm kìm, cầm búa hay một dụng cụ nhẹ nhàng nhưng thiết thực nào khác để kiếm sống nơi quê nguời đất khách – ông Cao Xuân Huy (chả may) lại vớ ngay cây bút, một vật dụng mà hiệu quả trong việc mưu sinh vô cùng giới hạn và vẫn thuờng gây vô số chuyện phiền lòng (cũng như tai nạn) cho khổ chủ !
Dù vậy ông Cao Xuân Huy vẫn viết hết lòng, và trở thành một nhà văn Việt Nam lưu vong nổi tiếng (được nhiều người yêu quí) trong mấy thập niên qua – dù ông viết không nhiều.
Là một độc giả của ông nên khi có dịp gặp gỡ, tôi đã lên tiếng phàn nàn :
- Cha nội này làm biếng chết mẹ, uống thì nhiều mà viết chẳng bao nhiêu.
- Thì mày cũng vậy !
Chúng tôi cùng cười ha hả, và cùng "tự hứa" sẽ bỏ bớt rượu (trong tương lai gần) để cầm bút một cách đàng hoàng, nghiêm chỉnh và chăm chỉ hơn. Cái "tương lai gần" này, tiếc thay, vẫn cứ hơi xa quá đối với tình trạng sức khỏe mong manh của Cao Xuân Huy vào những ngày tháng cuối đời.
Hôm 12/11/2010, nhà văn T. Vấn buồn bã cho hay :
"Như vậy là ông Gẫy Súng đã lên tàu về quê. Lần này thì súng của ông bị bẻ gẫy chẳng bởi tại người, hay bởi vận nước, mà bởi cái lẽ sinh lão bịnh tử mà không một ai thoát ra khỏi được vòng cương tỏa của nó.
Trước khi bước chân lên tàu, ông đã chiến đấu rất dũng mãnh và can trường, không kém gì trận chiến năm xưa dù sau đó súng của ông (và của rất nhiều những chiến hữu của ông) đã bị bẻ gẫy. Súng gẫy thì vất súng, ông cầm bút.
Mấy chục năm nay lưu vong nơi xứ người, với cây bút trên tay ông đã làm được nhiều việc mà không phải ai cũng làm được. Cho đến giây phút ông không còn sức để cầm bút nữa, không một ai có thể bẻ gẫy được ngòi bút của ông. Và ông vẫn là một chiến sĩ cho đến giây phút cuối cùng. Một con Kình Ngư không hề biết sợ sóng, sợ gió…
Hơn 25 năm nay, tiếng kêu bi phẫn của ông Gẫy Súng đã được nhiều người lắng nghe. Mỗi người, ở vị trí của mình – trong và sau cuộc chiến – đều mang một tâm trạng khác nhau khi đọc ông. Người ta có thể phản bác ông, nhưng tôi tin rằng, không một ai – dù là người ở bên kia chiến tuyến với ông – có thể nghi ngờ tính nhân bản phủ đầy những trang viết của Tháng Ba Gẫy Súng…
Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo đích thực để trở về cố hương. Đó là lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu, với hành trang trên vai là lòng thương yêu của những người thân kẻ thuộc trong gia đình.
Ông Gẫy Súng của tôi ơi ! lối nhỏ bằng hữu đang hân hoan đón chào ông, hành trang thương yêu của gia đình đang sẵn sàng chờ ông ghé vai đỡ lấy. Chúc người về cố quận thượng lộ bình an !"
Tôi vốn ham chơi, hay đàn đúm, tụm năm tụm ba mới cảm thấy vui. Đ. mẹ, bạn bè đang vui – khi khổng khi không – nó bỏ đi (ngang) như vậy thì tôi còn biết uống với ai, và viết cho ai đọc nữa ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 21/03/2024
Tựa bài viết này cũng là tên một tác phẩm của Cao Xuân Huy, một sĩ quan Thủy quân Lục chiến, viết về những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở miền Trung Việt Nam, nơi ông chiến đấu cho đến khi cùng nhiều đồng đội bị bắt làm tù binh vào cuối tháng 3 năm 1975.
Sách của Cao Xuân Huy viết về cuộc di tản khỏi Huế cuối tháng 3/1975
Với nhiều người Việt, nhất là những người lính Việt Nam Cộng Hòa thì tháng 3 năm 1975 đánh dấu sự bắt đầu một khúc quanh lịch sử, với Ban Mê Thuột rơi vào tay bộ đội cộng sản ngày 10 tháng Ba, từ đó lãnh đạo miền Nam có những quyết định di tản chiến thuật sai lầm đầy máu và nước mắt, từ cao nguyên về Nha Trang, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để rồi dẫn đến một ngày cuối tháng Tư đau buồn.
Tác phẩm "Tháng Ba gãy súng" được xuất bản năm 1985, sau khi tác giả vượt biển và được định cư tại Mỹ năm 1983.
Cao Xuân Huy nhập ngũ năm 1968, khi vừa tròn 21 tuổi, theo lệnh tổng động viên được ban hành ở miền Nam sau các đợt tấn công của cộng sản vào Tết Mậu Thân.
Đây là cái nhìn về những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam qua con mắt của một sĩ quan trẻ thuộc một đơn vị được coi là tinh nhuệ nhất của quân đội cộng hòa, của cựu trung úy Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 Thủy quân Lục chiến.
Trong lời mở đầu của tác phẩm, tác giả viết : "Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ".
Tàu HQ-504 chở 7.000 người trốn thoát khỏi Đà Nẵng và Huế từ Cam Ranh về đến Vũng Tàu 03/04/1975
Câu chuyện được ông ghi lại là khoảng thời gian từ 15 tháng Ba, lúc tác giả đang nghỉ phép ở Sài Gòn và tìm cách trở về đơn vị hiện đóng quân ở cây số 23 phía bắc Huế, cho đến ngày 27 tháng Ba, khi ông theo đoàn tù binh gồm những người lính Việt Nam Cộng Hòa vừa bị bắt sau một cuộc rút lui vô cùng ngỡ ngàng theo lệnh cấp trên.
25 tháng Ba, 1975 Huế rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt. Những người lính không được lệnh bảo vệ mà phải rút lui, trong đó có đơn vị của trung úy Cao Xuân Huy đang nằm chờ ở bờ biển để được di tản vào Đà Nẵng. Đêm 26 rạng ngày 27 tháng Ba, ông và những người lính còn lại của đơn vị bị bắt làm tù binh.
Được dẫn đi dọc Quốc lộ 1 từ Huế về hướng bắc và trên đoạn đường đó nhiều tù binh đã bị bộ đội xử bắn tại chỗ. Cao Xuân Huy thoát chết là nhờ số mệnh, nhờ ông ngoại phù hộ như tác giả đã kêu cầu nhiều lần khi đối diện với tử thần.
Ông đã sống để kể lại những gì mình chứng kiến trong 12 ngày đêm ở tuyến đầu miền Nam Việt Nam qua cách viết chân thực, trong đó rổn rang những tiếng chửi thề, ngập hơi rượu, tình đồng đội và những cái chết nhẹ tựa lông hồng là điều rất thực về người chiến binh trong đơn vị của ông.
Những kinh hoàng của cuộc triệt thoái - hay rút lui, di tản chiến thuật - được kể lại bằng ngôn ngữ thật nhất. Máu, thịt vương vãi. Đầu chẻ làm hai. Người chết dưới xích xe tăng, chết giữa thành sắt của những con tàu. Những người lính bất tuân lệnh bị xử bắn ngay tại chỗ. Những người lính Thủy quân Lục chiến can trường không muốn để bị địch bắt làm tù binh, trên đường rút lui không còn hi vọng, vì biết đã bị bỏ rơi, nên cứ ba bốn người ôm nhau rồi cho nổ lựu đạn để cùng chết.
Khi chờ di tản đơn vị có những chuyện khó ai hiểu được. Một cô sinh viên văn khoa Huế với đầy đủ giấy tờ chứng minh, bồ của một người lính, cứ nhất định đòi đi theo người tình và thỉnh thoảng khóc lóc lớn tiếng, vái lạy tứ phương khiến có người nghi ngờ cô là cán bộ cộng sản được gài vào đi theo đơn vị. Hay hình ảnh một nhà tu đầu trọc, mặc áo cà sa đeo súng đi bắt tù binh Việt Nam Cộng Hòa.
Câu chuyện lịch sử quân đội mà Cao Xuân Huy muốn ghi lại là một lữ đoàn Thủy quân Lục chiến, binh chủng thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bị một đại đội Việt Cộng bắt làm tù binh. Sự thất bại nhục nhã đó là một dấu hỏi lớn mà lãnh đạo miền Nam phải trả lời cho những thế hệ mai sau.
Sau "Tháng Ba gãy súng" xuất bản lần đầu năm 1985, Cao Xuân Huy chỉ viết thêm một tác phẩm nữa là "Vài mẩu chuyện" phát hành trong năm 2010, vài tháng trước khi ông qua đời ngày 12/11/2010.
Ba chiến dịch - Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Hồ Chí Minh - dẫn đến ngày sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/1975
Cũng với lối viết giản dị nhưng rất thực về chiến tranh, về mơ ước hòa bình, về đời sống tù cải tạo mà ông đã trải qua 4 năm rưỡi trong đó. Đọc truyện "Người muôn năm cũ" để thấy ảnh hưởng của chiến tranh tâm lí mà đài Mẹ Việt Nam đã có sức mạnh làm lung lay tinh thần chiến đấu của bộ đội miền Bắc với giọng cô Hiền thường xuyên nhắc đến chuyện "sinh Bắc tử Nam".
Câu chuyện gặp gỡ giữa tác giả và một anh bộ đội miền Bắc sau giờ ngưng bắn, vào ngày 28/01/1973, cho thấy người Việt hai miền ai cũng mơ ước đất nước hòa bình. Nhưng anh bộ đội đã phải thay đổi thái độ ngay khi một đồng chí khác tiến đến gần chỗ hai người đang đứng nói chuyện với nhau. Để rồi chỉ chốc lát lại bắn giết mà anh bộ đội gốc Hà Nội chắc đã tử trận sau đó. Bi thảm của chiến tranh tưởng như chấm dứt với Hiệp định Ba-Lê 1973, nhưng nỗi oan nghiệt của hòa bình lại ùa tới.
Hệ quả của cuộc chiến với bao oan hồn của người dân, người lính còn ám ảnh tác giả qua câu chuyện "Chiếc lưỡi câu" ma quái.
Cao Xuân Huy chưa bao giờ viết văn khi còn ở trong nước, ông chỉ viết khi ra đến hải ngoại. Trước ông, trong cuộc chiến đã có những bút ký chiến tranh của Phan Nhật Nam là "Mùa hè đỏ lửa", "Dựa lưng nỗi chết", "Tù binh và hòa bình" ; của Trang Châu với "Y sĩ tiền tuyến" hay của Nguyên Vũ với "Đời pháo thủ", "Sau bảy năm ở lính" là những tác phẩm đem đến cho người đọc hình ảnh chiến đấu can trường, cùng tình đồng đội, tình cảm gia đình, thương yêu và mơ ước hòa bình đến trên quê hương của người lính cộng hòa.
Cao Xuân Huy chỉ viết thêm một tác phẩm nữa là "Vài mẩu chuyện" phát hành trong năm 2010, vài tháng trước khi ông qua đời ngày 12/11/2010.
Nhưng vì sao những người lính đã chiến đấu trong 20 năm để bảo vệ miền Nam bị buộc phải buông súng. Đến nay vẫn chưa có được những lí giải.
Những ngày cuối tháng Tư 1975, Sài Gòn tràn ngập người di tản từ Đà Nẵng, từ Huế, Nha Trang. Họ như mất thần, khóc lóc kể lại những cảnh chết chóc tang thương trên đường di tản bằng tàu, bằng đường bộ. Những câu chuyện chưa đánh giặc đã phải bỏ chạy làm ngạc nhiên nhiều người. Nhưng dân và cả lính không ai hiểu nổi.
Rồi chiến tranh chấm dứt ở đó vào ngày 30 tháng Tư, 1975. Những người lính ở lại chấp nhận cuộc đổi đời với tù tội trong các trại học tập cải tạo. Bên ngoài xã hội đời sống khó khăn với khoai sắn, bo bo, mì sợi. Văn nghệ sĩ, trí thức bị đàn áp, bắt giam.
Việt Nam dưới ánh sáng xã hội chủ nghĩa trong hơn bốn thập niên qua đã khiến hàng triệu người bỏ quê hương ra đi vì không chấp nhận ý thức hệ cộng sản. Điều nghịch lý là nhiều người từng đứng về phía kẻ thù của Mỹ nay cũng đang rời bỏ thiên đường để mưu tìm cuộc sống nơi đất Mỹ.
Và tầu chiến Mỹ nay đã trở lại Đà Nẵng, như lính Mỹ đã từng đổ bộ lên đây hơn nửa thế kỷ trước, giữa lúc chiến tranh đang gia tăng cường độ để be bờ, ngăn chặn Trung Quốc bành trướng.
Trong chuyến ghé Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson hôm đầu tháng 3/2018, thủy thủ Mỹ đã xuống phố hát "Nối vòng tay lớn" và mời gọi dân chúng cùng đồng ca. Đây là bài ca đã được chính tác giả là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát trên đài Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 để chào đón bộ đội cộng sản vào thủ đô Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xem cảnh này trên trang Facebook của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, tôi thầm cám ơn những người lính cộng hòa đã bảo vệ miền Nam và tự hỏi những người bộ đội cộng sản có bao giờ nghĩ đến hệ lụy mà họ đã để lại cho đất nước từ ngày 30/4/1975 đến nay.
Bùi Văn Phú
Nguồn : BBC, 29/03/2048
Tác giả Bùi Văn Phú dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California