Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà

Thanh Phương, RFI, 08/09/2022

Chiều 08/09/2022, Hoàng gia Anh chính thức thông báo nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị vừa băng hà tại lâu đài Balmoral, Scotland, hưởng thọ 96 tuổi. Ngay sau đó, thái tử Charles nối ngôi mẹ, trở thành Quốc vương Anh Quốc với niên hiệu Charles Đệ tam.

liz1

Nữ hoàng Anh Elisabeth II tại Berlin, Đức, 24/06/2015. AP - Markus Schreiber

Trước đó trong ngày, toàn bộ các thành viên của Hoàng gia Anh đã được gọi về bên cạnh Nữ hoàng sau khi các bác sĩ bày tỏ quan ngại về tình hình sức khỏe của bà.

Elizabeth II, tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21/04/1926 tại Luân Đôn. Cha của bà, quốc vương George VI, lên ngôi vào năm 1936 sau khi người bác ruột của bà là Quốc vương Edward VIII thoái vị, khiến Elizabeth trở thành người kế vị ngai vàng.

Tháng 9/1939, Anh Quốc tuyên chiến với Đức Quốc Xã. Nhưng Quốc vương và Hoàng hậu từ chối ra nước ngoài lánh nạn và như vậy là trong thời chiến, các công chúa phải sống kham khổ trong lâu đài Windsor. Riêng Elizabeth Alexandra Mary đã gia nhập lực lượng dự bị, với tư cách tài xế xe tải.

Sau khi hòa bình lập lại, Elizabeth, vào năm 21 tuổi, đã đọc một bài diễn văn lịch sử được truyền khắp thế giới, cam kết sẽ "dành cả cuộc đời cho nhiệm vụ", một cam kết mà bà vẫn giữ cho đến nay. 

Tháng 11/1947, bà kết hôn với Philip Mountbatten, cựu Vương tử Hy Lạp và Đan Mạch. Họ sống với nhau trong suốt 73 năm cho đến khi Hòng than Philip qua đời ngày 9/4/2021, hưởng thọ 99 tuổi. Hai người có 4 người con : Thái tử Charles, Công nương Anne, Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward.

Sau khi cha của bà qua đời vào ngày 6/2/1952, Elizabeth, lúc đó 25 tuổi, lên ngôi Nữ hoàng vương hiệu Elizabeth II của khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) gồm 7 quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh. 

Không chỉ là một nữ hoàng sống thọ nhất thế giới, Elizabeth Đệ nhị còn là một quốc vương có thời gian trị vì dài kỷ lục, vì bà vừa kỷ niệm 70 năm cầm quyền (Platinum Jubilee of Elizabeth II). Trong lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng, nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã chính thức bổ nhiệm bà Liz Truss làm tân thủ tướng Vương quốc Anh, và đây là vị lãnh đạo chính phủ thứ 15 trong suốt 70 năm trị vì của bà, tính từ thời Winston Churchill.

Thanh Phương

**********************

Elizabeth II : Cả cuộc đời dành cho nhiệm vụ của Nữ hoàng

Thanh Phương, RFI, 09/09/2022

Sau hơn 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn được thần dân Anh yêu mến và trong suốt thời gian ngồi trên ngai vàng, bà vẫn luôn chứng tỏ là một người xem nhiệm vụ là trên hết. 

liz2

Nữ hoàng Anh Elizabeth II trên ban công điện Buckingham xem lễ diễu binh mừng sinh nhật nữ hoàng, Luân Đôn, Anh, ngày 02/06/2022. AFP – Jonathan Brady

Elizabeth II, tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21/04/1926 tại Luân Đôn. Cha của bà, quốc vương George VI lên ngôi vào năm 1936 sau khi người bác ruột của bà là Quốc vương Edward VIII thoái vị, cho nên Elizabeth trở thành người kế vị ngai vàng và phải vào sống trong điện Buckingham. Bà được dạy học tại nhà và đặc biệt là phải học rất nhiều về lịch sử và luật Hiến định để chuẩn bị sau này lên ngôi.

Tháng 09/1939, Anh Quốc tuyên chiến với Đức Quốc Xã. Nhưng Quốc vương George VI và Hoàng hậu từ chối ra nước ngoài lánh nạn. Trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, vào năm 1945, Elizabeth Alexandra Mary, lúc đó 19 tuổi, đã gia nhập hàng ngũ quân dự bị với tư cách tài xế xe tải.

Sau khi hòa bình lập lại, Elizabeth, vào năm 21 tuổi, đã đọc một bài diễn văn lịch sử được truyền khắp thế giới, thề sẽ "dành cả cuộc đời cho nhiệm vụ", một cam kết mà bà vẫn giữ cho đến nay. 

Cũng vào năm 21 tuổi, tháng 11/1947, bà kết hôn với Philip Mountbatten, cựu Vương tử Hy Lạp và Đan Mạch. Họ sống với nhau đến 73 năm cho đến khi Philip qua đời vào ngày 9/4/2021, hưởng thọ 99 tuổi. Hai người có 4 người con : Thái tử Charles, công nương Anne, hoàng tử Andrew và hoàng tử Edward.

Sau khi cha của bà qua đời vào ngày 6/2/1952, Elizabeth, lúc đó 25 tuổi, đã lên ngôi Nữ hoàng của 7 quốc gia thuộc khối Thịnh Vượng Chung, trong đó có Anh Quốc. Lễ đăng quang được tổ chức ngày 2/6/1953. 

Không chỉ là một nữ hoàng sống thọ nhất thế giới, Elizabeth II còn là một quốc vương có thời gian trị vì dài kỷ lục. Dù đã quá tuổi 90, mỗi năm bà vẫn duy trì những hoạt động chính thức của một quốc vương. Nhưng kể từ tháng 10/2021, sau khi phải nhập viện trong vài ngày, sức khỏe suy kiệt, Elizabeth II đã giảm rất nhiều hoạt động. Trong lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng, Nữ hoàng Anh đã chính thức hóa việc bổ nhiệm bà Liz Truss làm thủ tướng thứ 15 trong 70 năm trị vì của bà, tính từ thời Winston Churchill. 

Vào đầu tháng 6 vừa qua, người dân Anh đã mừng 70 năm trị vì của Elizabeth II, nhưng Nữ hoàng đã hầu như không tham gia buổi lễ nào, chỉ có hai lần xuất hiện vài phút ở ban công điện Buckingham trước hàng chục ngàn người. 

Elizabeth II cũng đã phải đương đầu với nhiều sóng gió trong Hoàng gia Anh, nhất là vào năm 1992, mà bà gọi là "Annus Horribilis" (Năm Kinh Khủng), khi các cặp vợ chồng của Charles, Anne và Andrew chia tay nhau, còn lâu đài Windsor thì bị cháy. Elizabeth II đã bị dân Anh trách móc rất nhiều vì bà đã im lặng sau khi công nương Diana bị chết trong một tai nạn giao thông ở Paris năm 1997. Đối với bà, Diana không còn là thành viên của Hoàng gia sau khi ly dị với thái tử Charles. Nhưng cuối cùng, Nữ hoàng Anh đã buộc phải phát biểu trên truyền hình để tỏ lòng tiếc thương công nương Diana. 

Tuy xuất hiện rất nhiều trước công chúng, nhưng Elizabeth II lại rất kín tiếng, không hề thổ lộ các quan điểm của bà, không bao giờ trả lời phỏng vấn, nên chẳng hạn như chẳng ai biết Nữ hoàng thật sự nghĩ gì về việc dân Anh bỏ phiếu thuận cho Brexit năm 2016.

Thanh Phương

**********************

Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế : Anh Quốc chuẩn bị nghi lễ Quốc tang trang trọng

Anh Vũ, RFI, 09/09/2022

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế ngày 08/09/2022, thọ 96 tuổi, nước Anh bắt đầu chuẩn bị các nghi lễ trang nghiêm nhất cho Quốc tang lịch sử.

liz3

Cờ rủ trên Ngân hàng Scotland ở Edinburgh, ngày 09/09/2022 để đề tang Nữ hoàng Anh Elizabeth II tạ thế ngày 08/09. AP - Jane Barlow

Ngày 09/09, thái tử Charles giờ đã là tân vương Charles III từ lâu đài Balmoral trở về Luân Đôn để gặp thủ tướng Liz Truss, thông qua các chi tiết lễ tang, dự kiến kéo dài nhiều ngày.

Hôm nay, cờ rủ được treo trên toàn Vương quốc Anh, chuông các nhà thờ ở Luân Đôn được gióng lên và 96 phát đại bác được bắn để tưởng nhớ tới Nữ hoàng và đánh dấu nước Anh bước vào những ngày đại tang.

Trở về Luân Đôn hôm nay, Vua Charles III là người quyết định cuối cùng những chi tiết nghi thức và thời gian tang cũng như lễ an táng Nữ hoàng. Các nghi thức Quốc tang có thể kéo dài trong 12 đến 13 ngày.

Trên thực tế, nghi lễ hậu sự cho Nữ hoàng Elizabeth II đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 1960 qua kế hoạch mang tên : "Kế hoạch Cầu Luân Đôn - Operation London Bridge", tuân theo truyền thống lịch sử lâu đời của triều đình Anh.

Chiều nay, tân vương Charles III sẽ phát biểu với thần dân Anh qua truyền hình trực tiếp. Một buổi lễ tôn giáo được tổ chức vào buổi tối tại nhà thờ Saint-Paul ở Luân Đôn, với sự tham gia của bà thủ tướng Truss và các thành viên chính phủ.

Ngày 10/09, Hội đồng Kế vị của Hoàng gia Anh, gồm các thành viên của Hội đồng Cơ mật, sẽ họp buổi sáng tại cung Saint James và chính thức tuyên bố Charles trở thành Vua nước Anh. Buổi chiều, tân vương Anh sẽ tiếp thủ tướng và các thành viên chủ chốt của nội các. 

Nhiều nghi lễ tôn giáo trang nghiêm sẽ được tổ chức từ ngày mai (10/09) ở Scotland, nơi Nữ hoàng qua đời cho đến ngày 13/09, thi hài của Elizabeth II sẽ được chuyển bằng máy bay về điện Buckingham Luân Đôn, trước khi được quàn tại hội trường lớn Westminster để thành viên hoàng gia, các quan khách và người dân có thể đến viếng trong 5 ngày.

Hiện tại, các thông tin chính thức về lễ tang chưa được công bố, nhưng có thể lễ Quốc tang sẽ được cử hành vào ngày 19/09 tại nhà thờ Wesminster tại Luân Đôn với sự tham dự của rất đông chính khách trên thế giới. Sau lễ tang, cố Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được an táng tại hầm mộ của hoàng gia, bên cạnh chồng, hoàng tử Philip, trong lâu đài Windsor.

Anh Vũ

***********************

Thách thức đối với tân vương Charles III : Đưa nước Anh vào một thời đại mới

Thanh Hà, RFI, 09/09/2022

Trong chưa đầy hai tuần lễ, hai gương mặt lịch sử của thế kỷ XX, cố lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbatchev và nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị đã vĩnh viễn ra đi. Thái tử Anh Charles lên ngôi vào thời điểm nhiễu nhương : chiến tranh Ukraine tác động trực tiếp đến kinh tế, đến đời sống của người dân Anh. Brexit và dịch Covid-19 vẫn để lại nhiều vết hằn trên chính trường Luân Đôn.

liz4

Nữ hoàng Anh Elizabeth II cùng với thái tử Charles đến lễ Khai mạc Nghị Viện, Luân Đôn, Anh, ngày 14/10/2019. Reuters - Toby Melville

Làm thế nào để tân vương Charles III thoát khỏi cái bóng quá lớn của người mẹ và nhất là duy trì được một sự gắn bó giữa những vùng lãnh thổ của vương quốc Anh ?

Không dễ cho thái tử Charles để ngồi vào chiếc ngai vàng mà nữ hoàng Elizabeth để lại sau 70 năm trị vì. Nữ hoàng Anh băng hà đúng vào lúc Nghị Viện thảo luận về kế hoạch khẩn cấp cứu nguy kinh tế, khắc phục hậu quả khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng hơn 10% trong một năm, riêng giá tiền điện tăng 80% kể từ tháng 10 sắp tới.

Về mặt xã hội, từ những thập niên 1980 đến nay, lần đầu tiên nhân viên ồ ạt bãi công, từ ngành giao thông vận tải đến ngành bưu điện… đòi tăng lương vào lúc đời sống đã trở nên quá đắt đỏ. Phong trào bãi công có nguy cơ làm tê liệt kinh tế Anh. Brexit và tác động dây chuyền từ chiến tranh Ukraine lại càng đè nặng lên đời sống của hàng chục triệu dân Anh.

Thái tử Charles lên ngôi vào lúc chính trường Luân Đôn đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác : Thủ tướng Boris Johnson đã phải từ chức vì những bê bối trong việc giải quyết khủng hoảng y tế Covid. Vẫn trong lĩnh vực chính trị, từ 2016 khi đại đa số cử tri đòi ra khỏi Liên Âu, Scotland liên tục đòi tách rời khỏi vương quốc Anh. Tranh cãi về đường biên giới giữa Bắc Ireland với Cộng Hòa Ireland, một quốc gia độc lập và là thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu luôn là một cái gai trong quan hệ giữa Luân Đôn với Bruxelles, với cả Dublin lẫn Belfast. Gần đây nhất, chính quyền Belfast đòi thống nhất hai phần lãnh thổ của Ireland. Trong hoàn cảnh đó làm thế nào để các phần lãnh thổ trên vương quốc Anh gắn bó với nhau sẽ là một thách thức lớn chờ đợi Charles Đệ Tam. 

Nhìn rộng ra hơn, về quan hệ quốc tế, giới quan sát thấy rõ, hào quang của Luân Đôn giờ đây không còn được như 70 năm về trước khi công chúa Elizabeth lên kế vị cha. Khối Thịnh Vượng Chung đã thu hẹp lại và càng lúc càng có nhiều nước nhỏ muốn khép lại thời kỳ từng là thuộc địa của Anh. Ngay cả tại Úc, thế hệ trẻ cũng không còn gắn bó với hình ảnh của nữ hoàng, dù chỉ là một cách tượng trưng.

Trên trường ngoại giao, nước Anh tương đối trong thế cô lập : ngay trong khối Tây phương, từ sau Brexit, liên hệ giữa Luân Đôn với các thành viên trong Liên Âu không mấy thuận thảo. Điển hình là trong cuộc vận động tranh ghế thủ tướng, bà Liz Truss đã tránh né trả lời câu hỏi Pháp là bạn hay là thù của nước Anh. Bà và người tiền nhiệm tìm cách đổ lỗi cho Pháp, cho Liên Âu về những khó khăn mà nước Anh đang phải đối mặt. Điểm tựa vững chắc nhất của Anh là Mỹ, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, ngay cả với Washington, Luân Đôn cũng không thực sự thoải mái, khi mà ảnh hưởng của Anh bị thu hẹp dần ngay cả tại một số quốc gia như Úc hay New Zealand vốn thuộc khối Thịnh Vượng Chung. 

Nước Anh trước đây cũng đã kỳ vọng nhiều vào quan hệ đối tác với Trung Quốc, nhất là về thương mại, để phần nào lấp vào chỗ trống một khi ra khỏi Liên Âu. Nhưng từ 2016 đến nay, tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, luật an ninh quốc gia Bắc Kinh áp đặt với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh không tạo điều kiện để Bắc Kinh và Luân Đôn xích lại gần nhau. Với nước Nga của tổng thống Vladimir Putin, âm mưu đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal đã đẩy bang giao song phương đến bờ vực thẳm. Chiến tranh Ukraine là giọt nước làm tràn ly. Anh Quốc đã vĩnh viễn chọn phe, thậm chí còn mạnh tay hơn cả nhiều nước châu Âu đòi trừng phạt Kremlin xâm chiếm Ukraine.

Cả thế giới chia buồn với nước Anh sau tin nữ hoàng băng hà. Đối với công luận Anh, Elizabeth II là ngọn "hải đăng". Để tỏ lòng tôn kính với người vừa khuất, các công đoàn đồng loạt thông báo tạm ngừng phong trào bãi công. Các đảng phái chính trị cũng ngừng mọi tranh cãi về ngân sách, về dự án trưng cầu dân ý đòi tách rời khỏi vương quốc Anh.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu rằng sự đồng thuận đồng lòng đó của dân Anh sẽ kéo dài được bao lâu ? Nhất là tân vương nay đã ngoại thất tuần, nhiều người cho rằng, Charles Đệ Tam có thể sẽ chỉ là nhịp cầu giữa Elizabeth Đệ Nhị với người con trai của ông là hoàng tử William vừa tròn 40 tuổi. Tương lai của triều đại Anh như đã được đặt trong tay thái tử William.

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thanh Phương, Anh Vũ, Thanh Hà
Published in Diễn đàn