Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phóng viên ảnh Charlie Cole – người mà sự nghiệp đã vĩnh viễn dính liền với tấm hình biểu tượng của "Tank Man" (Người Xe Tăng), một người đã tay không chặn một đoàn xe tăng trong cuộc đàn áp năm 1989 ở Thiên An Môn) – vừa qua đời ở Bali, Indonesia.

charlie1

Bức ảnh "Tank Man" của phóng viên ảnh Charlie Cole. (Hình : Chụp quan màn hình)

Cole, năm nay 64 tuổi, đã cư ngụ ở Bali từ hơn 15 năm nay, là một trong bốn phóng viên ảnh đã chụp những tấm hình về cùng một sự việc này. Anh đã dùng ống kính "tele" chụp từ trên balcon của một khách sạn, nhưng có lẽ chính việc anh đóng khung rất chặt tấm hình đã khiến anh được giải World Press Photo năm 1989.

Sau này Cole nói là anh vẫn còn nhớ lại thấy một thanh niên mặc áo sơ-mi trắng bước vào giữa Đại lộ Tràng An khi đoàn xe tăng đang đi tới. Anh giải thích : "Tôi tiếp tục chụp trong sự chờ đợi là chắc chắn ông ta sẽ thiệt mạng. Nhưng tôi hết sức sửng sốt khi xe tăng đi đầu ngừng lại, và tìm cách né đi vòng quanh ông ta".

Nhưng rồi nhân viên công an can thiệp và người đó đã bị vội vã lôi đi. Cho đến nay, danh tánh và số phận của "Người Xe Tăng" đó vẫn còn chưa rõ và hình ảnh về ông ta vẫn còn bị chặn trên internet ở Hoa Lục.

Cole đã có lần nói với tờ New York Times "Tôi nghĩ là hành động của ông ta đã chiếm được trái tim của người ta ở mọi nơi và khi giây phút tới, cá tính của ông ta đã định nghĩa giây phút, thay vì là giây phút định nghĩa ông ta. Ông ta tạo hình ảnh. Tôi chỉ là một trong những nhà báo nhiếp ảnh. Và tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được có mặt ở đó".

Sợ công an lục soát phòng, anh gói cuốn phim trong túi plastic rồi treo nó vào sợi giây giựt nước trong bồn vệ sinh. Khi họ đến, họ chỉ lục những cái máy chụp hình của anh, lôi hết phim ra và bỏ đi, có vẻ hài lòng là đã giải quyết được hậu hoạ, như anh đã dự định.

Được lôi ra từ chỗ dấu, cuốn phim sau đó được rửa bởi văn phòng của hãng thông tấn Associated Press và chuyển về cho Newsweek vừa kịp hạn kỳ cho một kỹ thuật viên về hình ảnh bay đến từ văn phòng của tạp chí ở Tokyo.

Cole tuy vậy lấy làm tiếc là chỉ có hình ảnh "Người Xe Tăng" trở thành biểu tượng cho tấm thảm kịch Thiên An Môn, cũng như cái hình ảnh từ sân thượng của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn do phóng viên người Hòa Lan Hugh van Es chụp, đã trở thành biểu tượng cho sự thất thủ của Sài Gòn năm 1975.

Cảnh mà anh và ba đồng nghiệp nữa chụp được đã trở thành biểu tượng cho phản đối ôn hòa trên toàn thế giới. Cũng xin nhắc lại cách đây ba mươi năm, Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh, khoảng đất rộng mênh mông ngay trung tâm thủ đô Bắc Kinh là điểm tập trung của những cuộc phản đối rộng lớn trên toàn quốc, kêu gọi cải tổ và dân chủ.

Cuộc biểu tình, khởi sự từ tang lễ của Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang vào Tháng Tư, 1989, một trong những lãnh tụ đảng cộng sản chủ trương cải tổ và canh tân. Cuộc phản đối trở thành một phong trào quần chúng mà lúc tột đỉnh lên đến cả triệu người tụ tập ở quảng trường. Đến Tháng Năm, phong trào do sinh viên chủ xướng lan ra đến 400 thành phố trên toàn quốc. Sau cùng lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình quyết định đàn áp.

Quốc vụ viện tức chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn trương. Vì quân khu Bắc Kinh từ chối không chịu nghe lệnh đưa quân vào tấn công sinh viên, ông Đặng cho gọi quân đội từ vùng biên địa ở Mãn Châu về để đàn áp. Khoảng 300,000 binh sĩ được đưa về Bắc Kinh. Vào sáng sớm ngày 4 Tháng Sáu, lực lượng này tiến quân vào thủ đô sát hại cả những người biểu tình lẫn những người vô tội. Tấm hình ‘Người xe Tăng’ mà Cole chụp được là vào ngày 5 Tháng Sáu.

Các bạn thân của anh chưa từng nghe anh nhắc nhở gì đến giải thưởng bởi, theo ý anh, nó đã làm lu mờ công việc và nguy hiểm mà các phóng viên nhiếp ảnh khác đã phải trải qua trong vụ đàn áp những người biểu tình ở quảng trường hôm đó.

Sinh ra ở Bonham, Texas, tài ba nhưng rất nhún nhường, một người nổi tiếng với tài nướng barbecue đối với các đồng nghiệp, cũng như rành rượu bourbon và nhạc blues, Cole tốt nghiệp báo chí ở Viện đại học Texas ở Denton năm 1978, sự nghiệp của anh trong nghề báo đã được hoạch định trước.

Khi phụ thân, một vị tuyên úy của Không Quân Hoa Kỳ, được gửi đi Nhật Bản, anh trở về Colorado Springs, nơi anh đã lớn lên khi ông Cole bố đóng trại ở căn cứ Không Quân Paterson gần đó, căn cứ tổng hành dinh của Bộ Chỉ Huy Phòng Không Bắc Mỹ.

Liên hệ qua bạn bè của cha đã giúp anh có được những công tác độc đáo trong nhiều năm và qua thời gian cho anh một kiến thức phổ quát về quân đội Hoa Kỳ, từ lịch sử đến quân cụ và các chiến dịch trên khắp chiến trường Thái Bình Dương.

Ngay khi mới tốt nghiệp, chỉ với vài kinh nghiệm free lance cho các hãng thông tấn, Cole đã thuyết phục được nhật báo Colorado Springs Sun dành cho công việc toàn thời gian và rồi trở thành trở thành một trong những phóng viên ảnh với nhiều giải thưởng của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Báo Chí Quốc Gia (NPPA).

Tháng Tám năm 1980, anh và một người bạn thân, Steve Gardner, bay đến Nhật Bản, muốn tìm cho mình một chỗ để làm phóng viên tự do trong một vùng đang trải qua những biến đổi chính trị và kinh tế. Như một đồng nghiệp trên tờ South China Morning Post nhận xét, giai đoạn này được coi là giai đoạn vĩ đại cuối của báo chí cổ truyền.

Dùng những cuộc triển lãm chung là cách độc đáo của họ để kiếm việc, họ sớm khám phá ra là những nhiếp ảnh gia nói tiếng Anh làm việc quanh Nhật Bản và Á Châu đã cho họ ưu thế khi tìm cách đột nhập thị trường tạp chí.

Họ trải qua suốt hai năm 1984-85, làm nhiếp ảnh gia đặc biệt đi hết các căn cứ quân sự quanh Nhật Bản và Thái Bình Dương, một kinh nghiệm vốn lôi cuốn Cole phát triển một liên hệ chặt chẽ với Newsweek, một liên hệ anh duy trì suốt sự nghiệp làm báo của mình.

Anh đã có mặt ở Manila năm 1985 khi cuộc nổi dậy dân quyền bùng lên, rồi chuyển sang Nam Hàn để tường thuật suốt ba năm những cuộc biểu tình sinh viên thường bạo động nhưng cũng mở đường cho quốc gia này đến chê độ dân chủ.

Sự nghiệp của Cole tuy vật đã kết thúc đột ngột vào giữa thập niên 1990 khi chiếc xe môtô Harley Davidson của anh đụng phải một cánh cửa xe hơi mở khi anh đang chạy trong thành phố Tokyo. Chân trái của anh bị thương nặng và đã có lúc các bác sĩ tưởng là phải cưa chân anh.

Sau khi chữa lành nhưng không hoàn toàn, anh dọn sang Jakarta và rồi về Bali nơi anh xây một cái villa để sống với người vợ Indonesia, cô Rosanna. Anh dần dà trở lại kiếm sống bằng nghề chụp hình thương mại. Cole luôn bị đau đớn, nhưng hầu như không bao giờ anh tỏ ra cho ai biết.

Jeff Widener, một trong ba phóng viên nhiếp ảnh khác đã chụp cùng cái cảnh đó với Cole đã kể lại : "Tôi hết sức hoảng sợ suốt thời gian đó. Tôi bị thương ở đầu. Tôi bị trúng một hòn đá (từ những thanh niên ném vào đám lính). Bạn không thể nào hiểu nổi việc đạp xe cả hai mile qua những thi thể, những xe bus cháy rụi, và thỉnh thoảng lại nghe tiếng súng. Bạn chỉ nghĩ "Lạy Chúa, không biết tôi ở đây làm cái gì ?"

Cole đã ra đi nhưng di sản của anh qua ống kính sẽ vẫn còn đó. Và như Widener đã nói "Vụ Người xe tăng sẽ không biến mất và thật là nực cười cho chính phủ Trung Quốc cứ cố giấu nó". 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 15/09/2019

Published in Diễn đàn