Cuối tháng 8 vừa qua, trong ngày đầu niên học tôi có dự buổi thảo luận về AI – artificial intelligence, thông minh nhân tạo – trong việc giảng dạy.
Ông Bùi Văn Phú - Trái tim một Thiện nguyện viên - Lịch sử qua chuyện kể / VHM
Tôi dạy toán, nên nhiều bài tập sinh viên có thể dùng AI để tìm ra đáp án. Bạn đồng nghiệp dạy Anh văn cho biết sinh viên nhiều khi viết luận văn cũng dùng AI cho ra một bài văn nên cái khó của thầy cô bây giờ là làm sao biết được những bài giải hay bài viết của sinh viên là do chính từ sự học và hiểu biết của các em.
Một đồng nghiệp dạy công nghệ tin học nói rằng một trong những ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng của AI nhiều nhất là điện ảnh, vì chỉ cần một người viết kịch bản hấp dẫn thì AI sẽ dựng thành phim mà không cần đến các diễn viên người thật ngoài đời, mà AI sẽ tạo nên hình ảnh, nhân cách của nhân vật, giống như có diễn viên đóng phim.
Tháng qua, trên Facebook thấy có nhiều bạn đưa lên những tấm ảnh mùa thu rất đẹp, từ sắc mầu cây lá cho đến nhà cửa, đường phố, sông nước khiến tôi nghi ngờ đó không phải là những ảnh chụp thực qua ống kính của máy ảnh mà là sáng tạo của AI.
Hai chục năm trước tôi nghe các bạn từ thời sinh viên làm việc trong vùng Thung lũng Điện tử San Jose, California nói về AI. Khi đó, trải nghiệm AI của tôi, và chắc cũng là của rất nhiều người trong vài thập niên qua, bắt đầu với những cuộc gọi điện mà được trả lời bằng máy. Vì giọng tiếng Anh của tôi còn mùi nước mắm nên nhiều khi máy không nhận ra điều gì tôi muốn, làm nhiều khi bực mình nhưng phải phì cười.
Bây giờ cũng thế, tuy AI đã phát triển hơn, nhưng khi tôi cầm bộ điều khiển tivi, nói muốn xem chương trình nào đó trên Youtube mà giọng lơ lớ âm Việt nên AI không tìm ra sô mình muốn xem, trong khi đứa cháu ngoại bốn tuổi nói thì AI nhận ra ngay.
Mới đây, tôi vào ChatGPT hỏi xem AI biết gì về mình. Những câu hỏi tôi đưa ra và câu trả lời của ChatGPT là ngôn từ và cách trả lời của ChatGPT mà tôi không biên tập hay sửa lỗi gì.
1. Tiểu sử của Bùi Văn Phú
ChatGPT Searched 4 sites (ChatGPT tìm thông tin qua 4 nơi)
Trả lời : Bùi Văn Phú là một nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Việt. Ông đã có nhiều năm sống và hoạt động tại Hoa Kỳ, thường xuyên viết các bài báo, bình luận và tản văn về nhiều chủ đề, từ chính trị, xã hội, đến văn hóa và đời sống người Việt hải ngoại. Ông là một cây bút quen thuộc trên các trang như VOA tiếng Việt, Diễn Đàn Thế Kỷ, và blog cá nhân của ông.
Bùi Văn Phú từng tham gia các hoạt động thiện nguyện quốc tế và là một nhà giáo dục, giảng dạy tại các trường học ở Châu Phi và Hoa Kỳ. Trong các bài viết của mình, ông thường chia sẻ về trải nghiệm sống đa dạng, đặc biệt là những quan sát từ góc độ người Việt tại hải ngoại. Ông cũng quan tâm đến lịch sử, văn hóa Việt Nam và các vấn đề cộng đồng. (Bùi Văn Phú Blog, DĐTK, Voice of America)
2. Bùi Văn Phú thường viết cho báo nào ?
Trả lời : Bùi Văn Phú thường viết bài cho các tờ báo và tạp chí tiếng Việt ở hải ngoại. Một số nơi ông đã cộng tác bao gồm :
BBC Tiếng Việt : Ông viết về các vấn đề chính trị, xã hội và văn hóa, đặc biệt liên quan đến Việt Nam và cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Việt Báo : Đây là một trang tin tiếng Việt ở hải ngoại mà ông cũng thường xuyên đóng góp bài viết.
Người Việt Online : Một tờ báo lớn của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
VietCatholic và các trang web công giáo : Ông đôi khi viết về các vấn đề liên quan đến văn hóa và tôn giáo.
goài các nền tảng này, ông cũng có thể đăng bài trên các trang cá nhân hoặc diễn đàn khác trong cộng đồng người Việt. Nội dung bài viết của ông thường phản ánh những góc nhìn đa chiều về các vấn đề thời sự, văn hóa và lịch sử. Nếu bạn muốn tìm các bài viết cụ thể của ông, tôi có thể giúp bạn tra cứu.
3. Bài báo lâu đời nhất của Bùi Văn Phú đăng trên báo nào ?
Trả lời : Việc xác định bài báo lâu đời nhất của Bùi Văn Phú phụ thuộc vào thông tin lưu trữ từ các trang web hoặc ấn phẩm mà ông đã viết. Tuy nhiên, các bài viết được tìm thấy trên các nguồn trực tuyến chủ yếu tập trung vào các năm gần đây, như thập niên 2010 và 2020.
Để xác định bài viết sớm nhất, bạn cần tiếp cận các kho lưu trữ của các tờ báo hoặc tạp chí nơi ông cộng tác, chẳng hạn như Diễn Đàn Thế Kỷ, BBC Tiếng Việt, hoặc các nguồn tương tự. Nếu bạn cần hỗ trợ chi tiết hơn hoặc tìm các bài cụ thể, hãy cho tôi biết thêm để tôi có thể hỗ trợ !
4. Cho biết 5 bài bình luận chính trị của Bùi Văn Phú
Trả lời : Bùi Văn Phú thường viết các bài bình luận chính trị sắc bén, tập trung vào những vấn đề xã hội và chính trị cả ở Việt Nam và quốc tế. Dưới đây là 5 bài tiêu biểu của ông :
"30/4 nghĩ về hòa giải và tự do tư tưởng" - Bài viết bàn về những thách thức trong việc đạt được hòa giải dân tộc ở Việt Nam sau năm 1975, tập trung vào vấn đề kiểm duyệt tư tưởng và tự do phát biểu. Ông phê phán sự kiểm soát của chính quyền đối với truyền thông và văn hóa. (DĐTK)
"Bầu cử Mỹ : Cử tri và ứng viên gốc Việt ở California" - Phân tích vai trò của cộng đồng người Việt trong các cuộc bầu cử tại Mỹ, đặc biệt là tại California và Georgia. Ông đưa ra cái nhìn về ảnh hưởng của các lá phiếu người Việt đối với các cuộc bầu cử tổng thống và địa phương. (DĐTK)
"Việt Nam và cuộc chiến chống tham nhũng" - Bài bình luận về chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, phân tích những nỗ lực của chính quyền trong việc cải cách chính trị và những hạn chế trong hệ thống pháp luật. (DĐTK)
"Quan hệ Việt-Mỹ sau gần 50 năm kết thúc chiến tranh" - Ông phân tích mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đánh giá sự tiến triển về mặt kinh tế và chiến lược, đồng thời nêu bật các vấn đề còn tồn tại liên quan đến nhân quyền và tự do chính trị. (Bodhi Media)
"Tự do báo chí và truyền thông ở Việt Nam" - Bài viết tập trung vào vấn đề tự do báo chí, chỉ trích sự kiểm soát và đàn áp tiếng nói độc lập tại Việt Nam, đồng thời so sánh với các quyền tự do báo chí ở Hoa Kỳ. (DĐTK)
Những bài viết này thể hiện cái nhìn sắc sảo của Bùi Văn Phú, tập trung vào các vấn đề cốt lõi như tự do, dân chủ, và công bằng xã hội.
5. Cho biết 5 bài văn tiêu biểu của Bùi Văn Phú
Trả lời : Dưới đây là 5 bài viết mang tính chất văn chương và tản văn của Bùi Văn Phú, thể hiện phong cách viết sâu sắc và tràn đầy cảm xúc của ông :
"Áo dài trên quê hương và quanh thế giới" - Bài viết ca ngợi vẻ đẹp và giá trị văn hóa của áo dài, biểu tượng quốc hồn quốc túy của người Việt Nam. Tác phẩm kết nối tình yêu quê hương với cộng đồng người Việt ở hải ngoại thông qua trang phục truyền thống. (Việt Báo, DĐTK)
"Tháng Mười Hai ở Tahiti" - Một bài tản văn thơ mộng miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên tại Tahiti. Qua ngòi bút của ông, hoàng hôn với ráng hồng và biển xanh tạo nên một khung cảnh lãng mạn và yên bình, phản ánh sự trầm tư trong tâm hồn. (Voice of America)
"Nón lá du hành qua Mexico" - Tác phẩm tản văn miêu tả những trải nghiệm của tác giả tại Mexico, kết hợp giữa hình ảnh nón lá Việt Nam và những cảm xúc giao thoa văn hóa đặc biệt. Bài viết thể hiện tình cảm gắn bó với văn hóa quê hương ngay cả khi ở xa xứ. (Voice of America)
"Học trò và thầy giáo ở Togo" - Một bài viết giàu cảm xúc kể về những ngày tháng ông dạy học tại Togo (Châu Phi). Ông chia sẻ những kỷ niệm về văn hóa, giáo dục và những bài học quý giá từ học sinh, đồng thời khơi gợi lòng tự hào dân tộc khi nói về lịch sử Việt Nam với người dân địa phương. (Bùi Văn Phú Blog)
"Dạo chơi ven biển Carmel, California" - Bài tản văn nhẹ nhàng về một chuyến đi dạo ở Carmel, California, nơi nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên và kiến trúc sang trọng. Ông không chỉ miêu tả cảnh đẹp mà còn truyền tải cảm giác thư thái, thoải mái mà cảnh vật nơi đây mang lại. (Voice of America)
Những bài viết này thể hiện khả năng quan sát tinh tế và sự hòa quyện giữa ký ức, lịch sử, và văn hóa trong phong cách viết của Bùi Văn Phú.
6. Bùi Văn Phú có phải là nhà báo chống cộng ?
Trả lời : Bùi Văn Phú là một nhà báo và nhà văn gốc Việt sống tại Hoa Kỳ, thường xuyên viết các bài bình luận về chính trị, xã hội, văn hóa, và đời sống người Việt trong nước và hải ngoại. Trong các bài viết của mình, ông thường phê phán các vấn đề liên quan đến chính quyền tại Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề về kiểm duyệt, nhân quyền, và tự do báo chí.
Tuy nhiên, ông không tự định danh mình là "nhà báo chống cộng sản Hà Nội". Thay vào đó, các bài viết của ông mang tính phân tích, nêu quan điểm cá nhân về các sự kiện và chính sách, với góc nhìn từ cộng đồng người Việt hải ngoại. Một số bài viết có thể được xem là chỉ trích chính quyền Việt Nam, nhưng không phải tất cả nội dung của ông đều tập trung vào việc phản đối chế độ.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các bài viết hoặc quan điểm cụ thể của ông, bạn có thể tham khảo các nền tảng như VOA Tiếng Việt, BBC Tiếng Việt, hoặc blog cá nhân của ông. (DĐTK, Voice of America)
7. Bùi Văn Phú có phải là nhà báo thân cộng ?
Trả lời : Bùi Văn Phú không được coi là một "nhà báo thân cộng". Trong các bài viết và bình luận, ông thường đưa ra những quan điểm độc lập, nhiều khi chỉ trích các chính sách và thực trạng xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến tự do báo chí, nhân quyền, và dân chủ. Những bài viết của ông thường phản ánh sự quan tâm đến các giá trị phổ quát như tự do ngôn luận và quyền con người, hơn là ủng hộ một hệ tư tưởng hoặc chế độ cụ thể.
Tuy nhiên, phong cách viết của ông có xu hướng phân tích và phản ánh, không cực đoan hoặc phiến diện, nên không thể gán ông vào một nhóm "thân cộng" hay "chống cộng" một cách đơn giản. Ông tập trung nhiều vào việc cung cấp góc nhìn từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như bình luận về các sự kiện trong nước và quốc tế.
8. Bùi văn Phú đã có bao nhiêu bài viết đăng báo ?
Trả lời : Bùi Văn Phú đã có rất nhiều bài viết được đăng tải trên mạng, chủ yếu trên các trang báo và tạp chí trực tuyến của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Một số nền tảng nổi bật mà ông thường xuyên cộng tác gồm VOA Tiếng Việt, Diễn Đàn Thế Kỷ, và VietCatholic. Các bài viết của ông đa phần xoay quanh các chủ đề chính trị, xã hội, tự do báo chí, và những vấn đề đang diễn ra ở Việt Nam và cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Vì các bài viết của ông rất đa dạng và xuất hiện trên nhiều nền tảng khác nhau, số lượng bài viết của ông có thể lên đến hàng trăm hoặc thậm chí nhiều hơn. Tuy nhiên, không có một con số chính thức cụ thể về tổng số bài viết của ông đã được đăng tải trên các trang mạng.
9. Bùi Văn Phú là nhà báo hay nhà văn ?
Trả lời : Bùi Văn Phú là một người đa tài, đồng thời là nhà báo và nhà văn. Ông viết cho nhiều tờ báo và tạp chí, đặc biệt là các ấn phẩm dành cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Các bài viết của ông thường đề cập đến các vấn đề chính trị, xã hội, và văn hóa, với góc nhìn sắc bén và có tính phản biện.
Về phương diện nhà văn, Bùi Văn Phú cũng có nhiều tác phẩm văn học, tản văn và những bài viết mang tính chất suy ngẫm về các chủ đề xã hội và cá nhân. Các tác phẩm của ông thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến văn hóa Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tóm lại, Bùi Văn Phú có thể được gọi là cả nhà báo và nhà văn, vì ông có đóng góp lớn trong cả hai lĩnh vực này (Bùi Văn Phú Blog, Voice of America).
10. Bùi Văn Phú năm nay bao nhiêu tuổi và có vợ, con không ?
Trả lời : Bùi Văn Phú sinh năm 1951, vì vậy năm nay (2024) ông khoảng 73 tuổi. Về đời sống cá nhân, không có thông tin cụ thể công khai về tình trạng hôn nhân hay con cái của ông. Các bài viết của ông chủ yếu tập trung vào các vấn đề xã hội, chính trị và văn hóa, thay vì chia sẻ chi tiết về cuộc sống gia đình. Nếu bạn cần tìm thêm thông tin chi tiết về cuộc sống cá nhân của ông, có thể cần tìm qua các bài phỏng vấn hoặc tài liệu tiểu sử cụ thể.
Nhận xét của tác giả về ChatGPT :
Một số câu hỏi đưa ra và được ChatGPT trả lời kèm theo nhận định, theo tôi là chính xác về những gì tôi đã viết và tiếng Việt của ChatGPT rất chuẩn. Chỉ có câu cuối cùng ChatGPT sai và không biết đời sống riêng của tôi, dù qua một số bài viết trên các mạng thông tin tôi đã nhiều lần có nhắc đến gia đình của mình.
Bùi Văn Phú
(17/12/2024)
[Tác giả Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California]
Dù chưa được chính thức ra mắt tại Việt Nam, nhưng với tính năng tổng hợp thông tin nhanh, giải đáp nhiều câu hỏi chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau, ChatGPT đã khuấy đảo ngành giáo dục cũng như thị trường lao động tại Việt Nam.
Hình ảnh minh họa ChatGPT. Reuters – Florence Lo
Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) do công ty khởi nghiệp Mỹ (start-up) OpenAI ở Thung lũng Silicon tạo ra, đang trở thành câu hỏi hóc búa đối với ngành giáo dục đào tạo tại nhiều nước : Nên cấm hay tận dụng loại công nghệ mới này ? Tại Việt Nam, hôm 13/02 vừa qua, bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo (AI) - lợi ích và thách thức đối với giáo dục". Tại đây, các nhà hoạch định chính sách, các nghiên cứu, học giả và giáo viên, thảo luận về ảnh hưởng của Trí tuệ nhân tạo trong ngành.
Trong khi một số cơ sở đào tạo lớn trên thế giới, ví dụ trường Khoa học chính trị Sciences Po Paris, đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT, nếu vi phạm sẽ bị đuổi khỏi trường, hay trường đại học Hồng Kông (Hong Kong University) cũng có quy định tương tự, thì tại Việt Nam, trái lại, ChatGPT không bị xem là mối đe dọa. Phát biểu với kênh truyền hình Thông tấn Việt Nam, Vnews, thứ trưởng bộ Giáo Dục và Đào Tạo Hoàng Minh Sơn nhận định rằng :"Trí tuệ nhân tạo cũng như những gì mà công cụ ChatGPT mang lại, đó là cá thể hoá quá trình học tập. Trước kia một người thầy có thể giảng dạy cho một vài học sinh trong lớp, ngoài ra, có thể có những hướng dẫn riêng cho từng học sinh, sinh viên, thì ngày nay, chúng ta có công cụ này, hỗ trợ cho từng học sinh sinh viên, giống như một gia sư. Điều quan trọng nhất là người học có thể học hỏi ở bất cứ lúc nào, bất cứ thời gian nào và bất cứ lĩnh vực nào".
Thị trường "bán tài khoản ChatGPT"
Được cho ra mắt vào tháng 11 năm 2022, trong vòng hai tháng, ChatGPT đã có hơn 100 triệu người dùng. Tại Việt Nam, rất khó để thống kê số người tiếp cận với ứng dụng này. Trên thực tế, người dùng mạng vẫn chưa thể đăng ký tài khoản trực tiếp từ Việt Nam mà phải dùng phần mềm VPN (cho phép thay đổi vị trí địa lý truy cập Internet), hoặc nhờ người từ nước ngoài đăng ký. Tuy nhiên, nhiều nhóm trên mạng xã hội về ChatGPT đã được mở ra, ví dụ như nhóm ‘Cộng đồng OpenAI - ChatGPT Việt Nam’ đã quy tụ gần 55 000 thành viên. Tại các nhóm này, nhiều bài đăng chia sẻ miễn phí, hoặc rao bán các tài khoản sử dụng các dịch vụ của OpenAI (ChatGPT, Dall-E), với giá từ 40 000 đến 99 000 đồng. Dường như một thị trường bán tài khoản ChatGPT được mở ra, khi nhiều trang bán hàng trực tuyến cũng quảng cáo bán dịch vụ này. Người dùng mạng cũng có thể dễ dàng tìm thấy những bài đăng trên các trang báo chính thống với tiêu đề như "Cách tạo tài khoản để trải nghiệm ChatGPT", hay "Cách sử dụng ChatGPT". Hiện tại, ChatGPT được miễn phí sử dụng bản thử nghiệm, người dùng chỉ phải trả phí nếu nâng cấp dịch vụ.
Hệ thống giáo dục quan ngại
ChatGPT ngày càng trở nên phổ biến vì có thể giải đáp được nhiều câu hỏi phức tạp, trong các lĩnh vực về luật, kinh tế, khoa học…, cho đến giải toán, lập trình, soạn thảo văn bản, tổng hợp nội dung, thậm chí là sáng tác truyện, thơ và viết báo. Tuy nhiên những thông tin mà ChatGPT đưa ra, có thể sai lệch, hoặc chưa được cập nhật. Giới học thuật lo ngại về việc học sinh, sinh viên lạm dụng công nghệ này tại học đường, gian lận, yêu cầu ChatGPT giải bài tập hoặc viết thay bài luận. Một số cơ sở giáo dục đào tạo tại Việt Nam, từ bậc tiểu học (trường Việt Anh 1) đến bậc đại học như trường đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) đã tổ chức các buổi thảo luận về thách thức của công nghệ Trí tuệ nhân tạo này.
ChatGPT được ứng dụng trong công việc
Nếu như trong lĩnh vực giáo dục, câu hỏi đặt ra là làm sao để quản lý được tốt, để công cụ này không bị lạm dụng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, thì trong thế giới việc làm, sự xuất hiện của ChatGPT lại tạo một cơn sốt, đặc biệt trong ngành sáng tạo nội dung. Trả lời RFI Tiếng Việt, giám đốc điều hành của công ty đào tạo tư vấn Uy Đức, quản trị viên của nhóm ChatGPT Việt Nam trên mạng xã hội Zalo, ông Nguyễn Thanh Khiết nhận định rằng công cụ Trí tuệ nhân tạo này "thực sự giúp cho doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn và giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian". Ông Khiết cho rằng : "Nếu đánh giá thang điểm từ 0 đến 10, thì ChatGPT có thể cho 8 điểm, vì nội dung trôi chảy, lưu loát. 2 điểm còn lại là vì ChatGPT đưa ra những thông tin (đôi khi) bị sai lệch. Dữ liệu của ChatGPT là từ 2021, nên chỉ cung cấp dữ liệu đến thời điểm đó. Theo tôi, 2 điểm còn lại là cơ hội để tăng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp với nhau". Ông Khiết cũng tham gia đào tạo cũng như tư vấn về cách ứng dụng ChatGPT trong công việc.
Với khả năng hoạt động 24 giờ trên 24 và 7 ngày trên 7, ChatGPT là một robot 'biết tuốt', giải đáp vạn câu hỏi vì sao, một trợ thủ đắc lực của nhiều ngành nghề. Ông Ngô Trọng Hùng, hiện là trưởng một ban markerting tại tập đoàn MCV Group, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, cho biết một số nhân viên trong ban đã bắt đầu sử dụng ChatGPT để hỗ trợ việc viết bài đăng trên mạng xã hội. Ông nói : "Với ChatGPT, tôi thấy rằng đây là một xu hướng và bắt đầu tìm hiểu về nó. Qua một vài người quen, tôi có một tài khoản để sử dụng…Tôi thử hỏi ChatGPT về chuyên ngành Marketing, ví dụ bạn có thể viết cho tôi một content (bài đăng) quảng cáo bán máy tính trên Facebook được không ? Tôi nhận thấy rằng công cụ này rất thông minh, ChatGPT đã viết ra một đoạn văn, không khác gì một nhân viên của tôi đang làm. Công việc mà đội ngũ của mình đang sử dụng nhiều nhất là viết content Facebook, ChatGPT chỉ từ một vài từ khoá chính, ví dụ như là giá rẻ, sản phẩm tốt nhất, ChatGPT có thể viết ra một bài đăng hoàn chỉnh để đăng trên Facebook".
Thúc đẩy đầu tư vào Trí tuệ nhân tạo
Mặc dù chưa chính thức được triển khai tại Việt Nam, nhưng cơn sốt về ChatGPT đã khiến nhiều doanh nghiệp về công nghệ phải dành sự chú ý cho Trí tuệ nhân tạo. Công ty cổ phần Tập đoàn Masan gần đây đã đầu tư hơn 100 triệu đô la vào một doanh nghiệp về Trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính, có trụ sở ở Singapore, để chuyển giao công nghệ về Việt Nam. Tập đoàn FPT cũng cho biết trong 3 năm tới, sẽ đầu tư khoảng 300 tỷ đồng (khoảng 13 triệu đô la) trong lĩnh vực này. Đại học VinUni của tập đoàn Vingroup đang nghiên cứu để sớm áp dụng ChatGPT trong lớp học hoặc nghiên cứu. Trường Funix, một đơn vị thuộc tập đoàn FPT đã mua 5000 tài khoản ChatGPT để trang bị cho học viên. Các công ty khởi nghiệp, như Ejoy (dạy tiếng Anh) cũng đang xem xét tích hợp công nghệ ChatGPT vào dịch vụ của mình. Ngày càng có nhiều hội thảo về ứng dụng ChatGPT trong doanh nghiệp được mở ra.
Con người cần làm chủ công nghệ
Dù có những tính năng vượt trội, hỗ trợ nhiều trong công việc, nhưng theo ông Ngô Trọng Hùng, ChatGPT vẫn còn những bất cập : "ChatGPT, không thể viết được quá hài hước, nên chỉ một phần nhỏ đội ngũ bên tôi đang sử dụng và đang cố gắng và khai thác thêm. Với vị trí là một quản lý, tôi thấy là mọi người đang bị phụ thuộc quá nhiều vào những content, bài đăng mà các bạn ấy phát triển nhờ vào ChatGPT. Nhiều bài, cảm xúc của con người cần cao hơn, kích thích khách hàng, đem cho họ nỗi buồn, niềm vui và phải trong quá trình sinh sống, cảm nhận tại môi trường này thì mình mới tích luỹ được và viết ra các từ câu văn mà có thể chạm đến lòng của người đọc, mình thấy rằng ChatGPT vẫn khó có thể làm được điều này".
Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Khiết, chuyên gia trong ngành tiếp thị cho rằng ChatGPT có thể là một trợ thủ đắc lực, nên mở rộng tiếp nhận công nghệ mới "nhưng con người phải làm chủ công nghệ" và không nên tin 100% vào ChatGPT. Con người vẫn cần phải kiểm chứng, đối chiếu nội dung xem có đúng, phù hợp với thực tế không. Sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo đòi hỏi người lao động ngày càng phải có trình độ cao hơn. Đồng thời cũng phải kể đến nguy cơ ChatGPT thay thế con người trong một số ngành nghề, ví dụ như chăm sóc khách hàng. Theo ông Khiết, có những công việc được cho là đã bị đe dọa biến mất, "nhưng trên thực tế thì vẫn chưa có thông tin, bởi tương lai khó có thể nói trước". Ông nói thêm : "Nhìn lại năm 1993, nếu như ai biết đến công nghệ thông tin thì là một điều gì đó xuất sắc,g hê ghớm trong xã hội, nhưng giờ đó chỉ là một nghề phổ thông, ai biết công nghệ thông tin thì cũng chỉ là một nghề bình thường. Trí tuệ nhân tạo xuất hiện cũng như là công nghệ thông tin cách đây 20 năm trước vậy. Những ai kém năng động, ù lì, lệ thuộc, không cần ChatGPT, thì xã hội cũng sẽ đào thải họ".
Chi Phương
Nguồn : RFI, 22/02/2023