Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 11 septembre 2024 22:21

Chiến tranh thời công nghệ

Drone, tia laser, tên lửa siêu thanh và trí thông minh nhân tạo AI

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và Gaza ngày càng căng thẳng, với sự triển khai ngày càng nhiều loại vũ khí tân tiến, tuần báo Pháp Le Point gần đây dành một hồ sơ đặc biệt với nhiều bài viết tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Công nghệ đã cách mạng hóa chiến tranh như thế nào", nhận định các loại vũ khí mới như laser, các đội drone, tên lửa siêu thanh, đặc biệt có sử dụng trí thông minh nhân tạo AI… đã sẵn sàng làm đảo lộn các cuộc xung đột.

hitech1

Một quân nhân Ukraine kiểm tra kết nối của drone trước khi cho hoạt động ở gần tiền tuyến tại Zaporijia, ngày 02/02/2024. Reuters – Stringer

RFI tiếng Việt lược dịch một số ý chính và giới thiệu dưới dạng hỏi đáp.

Các phát minh sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh ?

Đúng là nghệ thuật chiến tranh không thoát khỏi sự tăng tốc của lịch sử. Trước đây, phải mất nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ để phát minh ra một hợp kim mới hoặc thay đổi hình dạng một chiếc khiên ở thời Cổ đại, nhưng hiện nay thì chỉ sau 6 tháng là 1 loại drone đã trở thành lỗi thời, tụt hậu trên chiến trường. Theo Léo Péria-Peigné, nhà nghiên cứu của Đài quan sát các cuộc xung đột trong tương lai, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) : "Sẽ không còn tồn tại một phát minh có thể một mình làm thay đổi cuộc chơi, ngoại trừ vũ khí hạt nhân" và "chiến tranh vẫn là một cuộc đấu tay đôi không có giải pháp thần kỳ mà cần có sự kết hợp của tất cả các hệ thống vũ khí cần thiết". Tuy nhiên, trong mọi lĩnh vực, các phát minh sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh. Biểu tượng của cuộc cách mạng này là trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong một hội nghị hôm 15/07/2024, tướng Mark Milley, tham mưu trưởng quân đội Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump và Joe Biden dự báo : "Sau 10-15 năm nữa, 1/3 quân đội Mỹ sẽ được rô bốt hóa và phần lớn sẽ do các hệ thống được trang bị trí thông minh nhân tạo điều khiển". Tại Hoa Kỳ cũng như ở Trung Quốc, hàng ngàn kỹ sư đang nghiên cứu các thuật toán chuyên phân tích tình báo, giám sát tự động mọi chuyển động của kẻ thù và điều khiển các đội drone thực hiện nhiệm vụ, thậm chí bảo trì dự phòng các phương tiện có giá trị nhất như máy bay, tàu và xe tăng. Hầu hết mọi thứ đều có thể được lập trình trong vòng nháy mắt nhờ AI, sau đó con người sẽ phải tuân theo nhịp độ máy móc đặt ra.

Trong chiến tranh, trí thông minh nhân tạo sẽ có khả năng chủ động, tự quyết nhiều hơn ?

Sắp tới đây sẽ là thời của hệ thống vũ khí sát thương tự động (Sala, đôi khi còn được gọi là "drone sát thủ"). Nhưng một số nước, trong đó có Pháp, vẫn từ chối triển khai ý tưởng chế tạo các drone có khả năng tự quyết định - cao hơn các loại vũ khí hiện tại - tiêu diệt đối phương mà không cần có sự can thiệp của con người, chẳng hạn, tiêu diệt bất kỳ binh lính nào đi vào khu vực hoặc tiêu diệt bất kỳ máy bay nào có tín hiệu radar được cho là của kẻ thù. Các hệ thống sát thương tự động này do con người lập trình, nhưng hành động sát thương sẽ được tự động hóa trên quy mô lớn.

Thời gian ra quyết định thường là yếu tố mang lại chiến thắng hay thất bại, nên quân đội nhiều nước chắc chắn sẽ bị quyến rũ về khả năng này. Để giảm thiểu nguy cơ thất bại, Hoa Kỳ không cấm cản việc trao cho các loại vũ khí tương lai khả năng tự quyết cao, thông qua phương pháp tiếp cận mà Darpa, cơ quan nghiên cứu quân sự của Lầu Năm Góc, mô tả là "có khả năng thích ứng". Đương nhiên, con người có quyền ra quyết định, nhưng các kỹ sư Mỹ cũng đang phát triển các phương thức tăng cường hay thậm chí trao toàn quyền tự quyết cho trí thông minh nhân tạo AI trước một đối thủ không có cùng nguyên tắc đạo đức.

Làm như vậy có nguy cơ chệch hướng hay không ?

Dĩ nhiên, phương thức tự quyết như vậy kéo theo nguy cơ chệch hướng, trong trường hợp xảy ra tấn công tin tặc nhắm vào hệ thống AI hoặc khi hệ thống gặp trục trặc bất thường. Bằng chứng cho thấy Lầu Năm Góc nhận thức được về nguy cơ này : ngày 29/12/2024, qua gọi thầu, Không quân Hoa Kỳ cho thấy ý định đào tạo các nhân viên an ninh AI, chịu trách nhiệm giám sát các thuật toán về hành vi và định hướng lại các thuật toán này nếu cần thiết. Nhưng liệu họ có đủ năng lực kỹ thuật và sức mạnh để đối phó với AI cực kỳ phức tạp mà ngay cả những người tạo ra chúng hiện cũng khó nắm bắt được mọi hoạt động ? Một chuyên gia làm việc cho Bộ Quân lực Pháp về đề tài này cho biết : "Hiểu cách thức vận hành của AI thậm chí còn khó hơn tạo ra nó, bởi vì AI phát triển trong quá trình trau dồi và sau mỗi lần sử dụng".

Tệ hơn nữa, trong bối cảnh "thuật toán hóa" ồ ạt các cuộc chiến tranh, việc đầu độc AI trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với các quốc gia. Các độc tố kỹ thuật số, thường là mã độc, có thể được tích hợp vào những "viên gạch nền móng" được sử dụng để tạo ra thuật toán, kể cả trong thời bình để sau này có thể sử dụng nếu cần. Với việc quốc tế hóa của các nhóm khoa học gia và sự hiện diện của các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở hầu khắp các đơn vị nghiên cứu của phương Tây, chủ đề này khiến các đồng minh NATO lo lắng. Thông tin sai lệch cũng có thể được đưa vào cơ sở dữ liệu dùng để AI trau dồi hoặc được phát tán làm mồi nhử khi tiến hành các hoạt động. Mục tiêu là thúc đẩy AI ra quyết định ngược với lợi ích của chủ nhân mà họ không nhận ra ngay lập tức. Điều này quả là một cơn ác mộng.

Trong chiến tranh hiện đại, cũng không thể không nói tới drone ?

Các cuộc chiến ở Armenia, Trung Đông và Ukraine đã khiến drone trở thành một trong những công cụ thiết yếu. Trước đây, sức mạnh của quân đội được tính bằng số lượng xe tăng, tàu khu trục hoặc máy bay, nhưng ngày nay thì phải tính tới số lượng drone. Nhưng tới đây, sẽ không chỉ còn là những chiếc drone đơn lẻ được điều khiển từ xa mà sẽ có các đội – các bầy đàn bao gồm hàng chục, hàng trăm hoặc thậm chí là hàng ngàn drone, tập trung tấn công trong một không gian nhỏ, chẳng hạn như một căn cứ quân sự hoặc một cơ sở công nghiệp. Một lực lượng đông đảo drone như vậy sẽ vô hiệu hóa bất kỳ hệ thống phòng thủ nào, kể cả những hệ thống hiện mới đang được phát triển.

Không phải là cảnh trong chuyện khoa học viễn tưởng, hồi tháng 5 năm ngoái, các kỹ sư của Mỹ đã cho bay 5.293 drone trang bị đèn LED nhiều màu trong một buổi trình diễn ban đêm. Kỷ lục thế giới trước đó là 5.164 drone bay cùng lúc do Trung Quốc lập cách nay 3 năm. Các thuật toán cho phép drone bay theo đội hình đang được điều chỉnh để áp dụng cho các hoạt động quân sự.

Éric Ligne, phó chủ tịch tập đoàn công nghiệp quốc phòng Thales của Pháp, chuyên trách bộ phận chiến tranh drone, giải thích : "Trong phần lớn các trường hợp ngày nay, người điều khiển drone mỗi lần chỉ điều khiển một chiếc duy nhất qua kết nối radio", nhưng nay nhóm của ông đã cho cả đội drone gồm khoảng mươi chiếc không đồng nhất bay và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể dưới sự kiểm soát của một người điều khiển duy nhất. Khả năng sử dụng các đội drone là vô tận và nhiều khi trên cả mong đợi. Theo tướng Pierre Schill, tư lệnh lục quân Pháp, chẳng hạn "các đội drone có thể đóng vai trò ngụy trang điện tử bằng cách phát sóng phía trên một trạm chỉ huy". Sắp tới có thể sẽ có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực drone : tích hợp trí tuệ nhân tạo với drone.

Theo Giorgio Parisi, giải Nobel vật lý năm 2021, trong các đội drone mà con người tạo ra, chúng có thể liên lạc được với nhau ở tầm xa. AI là công nghệ duy nhất có khả năng tạo cho đội drone khả năng khéo léo để cho một drone khác thay vào vị trí drone vừa bị bắn hạ và lập lại đội hình chuẩn. Các bộ xử lý nhỏ của mỗi chiếc drone được kết nối lại với nhau, mang lại khả năng tính toán cao chừng nào liên kết radio vẫn hoạt động hiệu quả. Nhưng nếu tần số không bảo đảm, bị làm nhiễu sóng, hay nếu có những thay đổi thường xuyên về tần số và chế độ mã hóa, thì khả năng liên lạc giữa các drone đó không dễ được duy trì. 

Vũ khí laser sẽ sớm được đưa ra chiến trường ?

Một điều mới lạ khác mà cho đến gần đây vẫn thuộc về khoa học viễn tưởng : tia laser. Một số ít vũ khí thử nghiệm, đặc biệt được lắp đặt trên tàu và xe bọc thép nhỏ, đang mở đường cho việc hệ thống hóa sự hiện diện của laser trên chiến trường, bên cạnh súng trường, đại bác và tên lửa truyền thống. Với tia laser, không cần đến đạn dược : số lần bắn không bị giới hạn, miễn là có đủ năng lượng. Léo Péria-Peigné, nhà nghiên cứu của Đài quan sát các cuộc xung đột trong tương lai, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), giải thích : "Khả năng bắn laser ngay lập tức cũng là một lợi thế lớn", nhưng khi sử dụng nhiều thì tia laser cũng có thể có các vấn đề, chẳng hạn về nhiệt. Việc bọc thép phương tiện, cũng như hậu cần và đặc biệt là việc sản xuất năng lượng của xe, tàu và máy bay cũng phải được cải tiến để phù hợp với việc trang bị và sử dụng tia laser. Ngày nay, chỉ có các tàu sân bay được trang bị lò phản ứng hạt nhân nhỏ mới có đủ điện để triển khai một số pháo laser cho các trận giao tranh cường độ cao.

Công nghệ siêu thanh liệu có phải là một cuộc cách mạng ?

Có khả năng nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh (6.174 km/h), cùng với các tên lửa hạt nhân liên lục địa, tên lửa hành trình và máy bay siêu thanh là những loại vũ khí gần như không thể ngăn cản. Không giống như tên lửa hạt nhân liên lục địa, quỹ đạo bay của máy bay siêu thanh không phải là đạn đạo. Cho đến thời khắc cuối cùng, chúng vẫn cơ động để thoát khỏi hệ thống phòng không hoặc ngụy trang nguồn gốc thực sự của cuộc tấn công. Tốc độ của chúng khiến đối phương chỉ có khoảnh khắc ngắn ngủi để phản ứng, có thể dưới hình thức một cuộc phản công chớp nhoáng nhắm vào hệ thống dẫn đường và vũ khí siêu thanh đối phương : đây chẳng hạn là điều mà Nga đang lên kế hoạch, với sự kết hợp của tên lửa và tia laser.

Tuy nhiên, vũ khí siêu thanh rất đắt tiền và không phải lúc nào cũng mang lại lợi thế quyết định. Chuyên gia Léo Péria-Peigné cho biết : "Nga có tên lửa siêu thanh nhưng từ hai năm nay chúng vẫn không mang lại cho họ chiến thắng. Nga muốn sản xuất vô số drone cỡ nhỏ hơn, hoặc rất nhiều tên lửa thông thường với tổng chi phí chỉ bằng một tên lửa siêu thanh".

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Diễn đàn