Nông dân cạp đất để chính quyền tri ân Lenin
Trân Văn, VOA, 02/03/2020
Hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, không thể trồng cấy, không kế sinh nhai, nông dân các huyện Ba Tri, Giồng Trôm,… ở Bến Tre đang thi nhau bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng mà họ đành phải bỏ hoang để có tiền trang trải những chi phí tối thiểu cho việc sống còn của họ.
Đồng bằng sông Cửu Long với cảnh hạn hán khốc liệt năm 2016.
Trong phóng sự ngắn được đăng vào cuối tuần vừa qua (§ "Hạn mặn khốc liệt, nông dân cạo mặt ruộng, đua nhau bán lớp đất phù sa" ở phần cuối), tờ Thanh Niên giải thích, lý do nông dân ở Ba Tri, Giồng Trôm phải gọi người bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng của họ vì nguồn thu nhập từ vụ lúa thứ ba trong năm hoặc không xuống giống được, hoặc mất trắng do hạn hán, nước biển làm đất nhiễm mặn.
Tuy biết rằng việc bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng sẽ khiến chi phí dành cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở những vụ lúa sau cao hơn nhưng nông dân hai huyện vừa kể ở Bến Tre không còn lựa chọn nào khác. Họ nuôi hy vọng khi độ cao mặt ruộng thấp hơn, mặt ruộng sẽ ngang với mặt nước kênh rạch, những vụ sau sẽ dễ tưới hơn.
Đáng lưu ý là giá bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng rất rẻ - chỉ từ 100.000 đồng/khối đến 150.000 đồng/khối. Đã vậy không dễ bán nếu ruộng nằm ở những vị trí không tiện cho vận chuyển. Đất trên bề mặt các thửa ruộng được dùng vào việc gì ? Không phải để trồng cấy ! Chúng được dùng để bồi đắp thay nguồn cát vốn đã can kiệt !
Tại Bến Tre, tuy nhận thức chuyện bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng hết sức nguy hiểm vì làm giảm mức độ màu mỡ của đất, nguy hại cho hiệu quả của hoạt động trồng trọt trong tương lai nhưng các viên chức hữu trách từ xã đến tỉnh không thể làm gì khác hơn… khuyến cáo (1) !
Dẫu tác động của hạn hán và nước biển xâm nhập sâu vào đất liền khiến sông rạch, ruộng vườn tại đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn càng lúc càng nghiêm trọng, chẳng phải ruộng vườn mà còn hàng chục triệu người đang hoặc sẽ thiếu cả nước ăn uống, tắm giặt nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa đề ra bất kỳ giải pháp chính thức nào nhằm hỗ trợ nông dân và bảo vệ hoạt động nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long một cách căn cơ.
Theo dõi thông tin về hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trên hệ thống truyền thông chính thức, người ta chỉ thấy các viên chức hữu trách tập trung bàn qua, tán lại về phòng chống sự lây lan của virus Covid-19 và tác động của dịch bệnh có thể làm kinh tế suy thoái, khó đạt… chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay !
***
Giữa lúc nông dân Bến Tre nói riêng và nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung bị đẩy đến tình thế phải vời người, năn nỉ họ cạp cả đất nhằm duy trì cơ hội sống còn của mình, nhiều cơ quan truyền thông chính thức dẫn tuyên bố của ông Kha Văn Tám – Phó Ban tuyên giáo của Tỉnh ủy Nghệ An công kích những người chỉ trích dựng tượng Lenin !
Xây công viên, dựng đài tưởng niệm Lenin ở trung tâm thành phố Vinh là thể hiện "quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh Ulyanovsk" và "tình hữu nghị Việt – Nga" !
Ông Tám nhấn mạnh, việc xây công viên diện tích khoảng 4.000 mét vuông với đài tưởng niệm (diện tích khoảng 3.000 mét vuông) ở trung tâm thành phố Vinh không phải là sự tùy tiện của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Nghệ An. Ý tưởng này đã được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương xem xét, phê duyệt.
Theo ông Tám, sở dĩ cả trung ương lẫn địa phương… nhất trí vì tỉnh Ulyanovsk của Liên bang Nga – quê hương Lenin - tặng tượng. Công viên và đài tưởng niệm Lenin tại Nghệ An – quê hương bác Hồ - là một kiểu đáp trả việc tỉnh Ulyanovsk xây công viên, dựng đài tưởng niệm… bác (diện tích chỉ chừng một nửa - khoảng 2.000 mét vuông).
Cho dù ông Tám phê phán những người chỉ trích việc xây công viên, dựng tượng đài Lenin ở thành phố Vinh là "không chính xác, xuyên tạc với dụng ý xấu" nhưng ông không chỉ ra điểm nào thiếu… chính xác, những ý kiến nào là… xuyên tạc và dụng ý thì xấu ra sao ? !
Ông Tám chỉ khẳng định, xây công viên, dựng đài tưởng niệm Lenin ở trung tâm thành phố Vinh là đứng đắn vì thể hiện "quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh Ulyanovsk" và "tình hữu nghị Việt – Nga". Cuối tháng này, công trình xây công viên và dựng tượng đài Lenin sẽ hoàn tất (2).
Theo một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam, chi phí cho việc xây công viên và dựng tượng đài Lenin ở thành phố Vinh ngốn hơn 8 tỉ đồng (3). Hơn tám tỉ đồng này tất nhiên là được rút từ công khố. Xưa giờ, Nghệ An vẫn là một trong những tỉnh sống nhờ sự đóng góp của các tỉnh, thành phố khác.
Một số người đã dùng số liệu thu chi năm 2018 của Nghệ An : Chỉ thu được 12.691 tỉ trong khi chi tới 23.780 tỉ (3) để chứng minh, mỗi ngày, Nghệ An ngửa tay nhận 30 tỉ đồng của các tỉnh, thành phố khác để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại tỉnh này.
Trong bối cảnh như vậy mà vẫn xin hơn 8 tỉ xây công viên, dựng tượng đài Lenin, bất kể thiên hạ (bao gồm cả dân chúng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, các quốc gia thuộc khối cộng sản ở Đông Âu) đang thi nhau dẹp bỏ tượng Lenin (nhân vật mà theo các tài liệu đã được bạch hóa là phạm nhiều tội ác chống nhân loại) – rõ ràng là phi lý !
Tuy nhiên xét cho đến cùng, sự bất cập ở Nghệ An vẫn thua xa sự quá đáng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Tại sao Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và những viên chức hữu trách thuộc đủ mọi ngành, mọi cấp biết "tri ân" Lenin, bày tỏ sự thủy chung với lý tưởng cộng sản, trân trọng "tình hữu nghị" với Liên bang Nga, tỉnh Ulyanovsk mà không nhớ đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với 17 triệu đồng bào ở Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ còn ngắc ngoải do tác động của biến đổi khí hậu, của thượng nguồn sông Mekong bị chặn để khai thác thủy điện ?
Tại sao có thể gạt bỏ những trăn trở vì thiếu trước, hụt sau, phải vay mượn cả ngoài lẫn trong để chi thường xuyên, vẫn "nhất trí cao" trong việc chi hết chục tỉ này đến chục tỉ khác, thậm chí gật đầu với cả những dự án vô bổ, kể cả những dự án xây công viên, dựng tượng đài trị giá cả trăm tỉ, ngàn tỉ mà lại lần lữa, không đầu tư thỏa đáng cho Đồng bằng sông Cửu Long dù vấn nạn "tan rã" ở khu vực này không còn là nguy cơ mà đã trở thành nhãn tiền suốt từ giữa thập niên 2010 đến nay ?
Bao giờ chuyện giúp Đồng bằng sông Cửu Long "phát triển bền vững, thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu" bước ra khỏi vòng… nghị quyết ? Bao giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thật sự "tri ân", thật sự biết trân trọng mồ hôi, nước mắt, biết hành động vì tương lai no ấm của nông dân nói riêng và đồng bào mình nói chung ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/03/2020
Chú thích :
(2) https://nongnghiep.vn/tinh-nghe-an-giai-thich-viec-xay-dung-tuong-dai-lenin-d258196.html
(3) https://plo.vn/thoi-su/xay-dung-tuong-dai-lenin-tai-tp-vinh-nghe-an-890799.html
(4) https://m.baonghean.vn/nam-2018-nghe-an-se-phai-bu-chi-hon-11000-ty-dong-198285.html
********************
Nước ngọt… mặn như nước mắt
Hiền Vương, VNTB, 02/03/2020
Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long giảm so với tháng 2. Dự báo tổng lượng dòng chảy trong tháng 3 và tháng 4 sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 50-60%. Đến cuối tháng 3 các sông Nam Bộ chịu ảnh hưởng của triều cường, trong đó kỳ triều cường rằm tháng 2 âm lịch (giữa tháng 3 dương lịch) đỉnh triều sẽ ở mức cao…
Nguồn nước từ các nhà máy cấp cho người dân ở thành phố Bến Tre hiện độ mặn đã dao động từ 3 – 4 phần ngàn nên không thể nấu nướng, tắm giặt gì được.
Những bản tin với các con số nặng nề. Độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 3 ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu). Còn trên hệ thống sông Vàm Cỏ sẽ vào cuối tháng 5. Độ mặn năm nay có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn thiên tai năm 2016. Ranh mặn 4 g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 60 – 80km trên hệ thống sông Tiền, sông Hậu và khoảng 100 – 110 km trên hệ thống sông Vàm Cỏ.
Nguyên nhân được cơ quan chuyên xác định do đầu tháng 2, lượng nước sông Mekong về đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 40 cm và 20 cm so cùng kỳ năm 2016. Kết hợp với triều cường rằm tháng Giêng và gió mùa đông bắc làm cho độ mặn trên các sông Tây Nam Bộ lên cao và xâm nhập 50 – 95 km (ranh mặn 4 phần nghìn), sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11 km.
Thế nhưng người dân ở Bến Tre, nơi hạn mặn đã ‘phủ sóng’ toàn bộ diện tích cả 3 xứ cù lao (cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh), thì nước nhiễm mặn vào Bến Tre đã bắt đầu từ giữa tháng Chạp và tăng dần cho tới hôm nay. Nguồn nước từ các nhà máy cấp cho người dân ở thành phố Bến Tre hiện độ mặn đã dao động từ 3 – 4 phần ngàn nên không thể nấu nướng, tắm giặt gì được.
Liệu có phải tất cả là ‘tại ông trời’ ? Câu trả trả lời trúng nhất ở đây, thì trách nhiệm ‘bao trùm’ phải là Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam các khóa 11, 12.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và sông Mê Kông, cho biết "điểm nhấn" trong sự nghiệp của mình, là khi ông tham gia nhóm chuyên gia quốc tế thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông năm 2009.
"Trước đó, tôi chỉ loay hoay làm những việc bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu bảo tồn đất ngập nước ở đồng bằng. Sau khi tham gia nhóm chuyên gia, tôi chợt giật mình ngẩng đầu lên, ngó rộng hơn và ngộ ra rằng những việc mình làm sẽ bị phủi sạch bởi những chuyện lớn như biến đổi khí hậu và các đập thủy điện ở thượng nguồn", ông Thiện nhớ lại.
Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông (SEA) được Tổ chức Quốc tế về đánh giá tác động môi trường (AIAI) trao giải Sáng kiến hợp tác diễn ra ở Bồ Đào Nha vào tháng 5/2012.
AIAI đánh giá nhóm thực hiện SEA có nhiều đóng góp trong dự báo, đánh giá tác động của việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và quá trình ra quyết định xây đập. Cụ thể, trong báo cáo đã khuyến nghị việc xây dựng các con đập hạ nguồn Mê Kông sẽ gây ra những tác động không thể cứu vãn đối với hệ sinh thái của con sông, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của dòng Mê Kông ; vì vậy, các quốc gia dọc Mê Kông cần dừng quyết định xây đập thủy điện trên dòng sông này ít nhất là 10 năm nữa.
Sau khi tham gia nhóm chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Mê Kông năm 2009, ông Thiện quyết định trở thành người hoạt động độc lập, không làm cho một cơ quan tổ chức nào nữa.
"Len lỏi lội rừng bên Lào, tôi hiểu được suối nguồn tạo dòng Mê Kông như thế nào. Lội sình phơi nắng cả tháng bên Campuchia, tôi thấy sếu đầu đỏ ăn trong nước mặn ra sao. Về Đồng Tháp, tôi hiểu tại sao người dân trồng lúa ba vụ mà vẫn nghèo. Về miền biển, tôi hiểu cá biển đồng bằng mình nhiều là nhờ nước đục phù sa", ông Thiện chia sẻ.
Hiểu nhiều nên ông càng trăn trở, nhất là chuyện thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Ông lý giải từ hàng ngàn năm trước, dòng nước Mê Kông như một băng chuyền vĩ đại, miệt mài mang phù sa về kiến tạo nên đồng bằng sông Cửu Long. Phù sa sông Cửu Long còn tràn ra biển, tạo thành một vùng nước đục khoảng 20 – 30 km tính từ bờ ra. Nó chính là chiếc áo giáp của đồng bằng.
Vì nước đục nặng hơn nên sóng biển gặp lớp phù sa sẽ giảm bớt sức mạnh đánh vào bờ. Nhưng, khi thủy điện chặn mất phù sa, chiếc áo giáp bị mỏng, sạt lở sẽ gia tăng, một quá trình ngược với kiến tạo sẽ bắt đầu. Lo ngại của ông Thiện là có cơ sở. Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông, năm 1992 lượng phù sa lơ lửng trên sông là 160 triệu tấn/năm.
Nhưng đến năm 2014, sau khi hàng loạt dự án thủy điện được xây ở thượng nguồn Mê Kông, lượng phù sa chỉ còn 85 triệu tấn/năm, giảm gần một nửa. Riêng cát sỏi chìm dưới đáy sông gần như không còn về hạ nguồn…
Đáng tiếc là tất cả những khuyến cáo định kỳ của Tổ chức Quốc tế về đánh giá tác động môi trường (AIAI) về dòng chảy Mê Kông, những chủ động lên tiếng bằng các công trình khảo cứu của nhóm chuyên gia độc lập như các ông Nguyễn Hữu Thiện (email của ông Thiện : Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.) ; ông Lê Văn Tuấn, ông Dương Văn Ni, ông Nguyễn Đức Tú (cả 3 đều là giảng viên trường Đại học Cần Thơ) ; ông Lê Phát Quới ở Sài Gòn ; ông Đào Trọng Tứ ở Hà Nội…, gần như đã không được Bộ Chính trị các khóa 11, 12 quan tâm, cầu thị để có thể hoạch định ra sách lược phù hợp với Trung Quốc – quốc gia đang được cho là nơi tạo ra sự cạn kiệt dòng chảy của Mê Kông.
Bởi vậy cho nên nước ngọt có vị mặn đắng như nước mắt khốn cùng của người dân Việt hôm nay.
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 02/03/2020
***********************
Chung một dòng sông
Chung Hoàng Chương, VnExpress, 1/3/2020
Tôi sinh ra tại Tiền Giang, nhưng chẳng biết gì về nơi mình chào đời, cho đến ngày trở lại sau 50 năm sống ở nước ngoài.
Do sự thay đổi dòng chảy của sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Đại đoàn kết
Năm 2008, khi đang giảng dạy tại Mỹ, tôi nhận chương trình nghiên cứu giảng viên. Cứ mỗi sáu năm dạy học, giảng viên sẽ được nghỉ sáu tháng hoặc nguyên năm để trau dồi thêm kiến thức qua các dự án nghiên cứu. Tôi được tài trợ nghiên cứu về văn hóa lưu vực Mekong và những vấn đề liên quan đến địa chính trị của vùng Đông Nam Á.
Trong vòng sáu tháng, những chuyến thực địa dọc theo dòng Mekong đưa tôi qua Vân Nam, châu tự trị Tây Song Bản Nạp, Lào, vùng Tam giác vàng, Thái Lan, Campuchia, những phụ lưu của Mekong như Serepok, Sekong và Sesan, quan sát nhiều nhánh sông xuyên ngang đồng bằng sông Cửu Long. Những chuyến đi đã cho tôi cái nhìn xác thực về dòng sông cũng như người bản xứ.
Mekong là dòng chảy dài nhất Đông Nam Á, xuyên qua sáu quốc gia, Việt Nam ở cuối nguồn. Sông có đa dạng sinh học thứ nhì thế giới, chỉ sau sông Amazon. Thế nhưng dòng sông đang bị lạm dụng, nguồn nước bị chặn ở thượng nguồn. Những con đập khổng lồ đã biến Mekong thành một chuỗi những hồ nước dài hàng trăm cây số tại Vân Nam, Trung Quốc. Tiếp đó, Lào cộng tác với Trung Quốc và Thái Lan xây thêm những đập nước trên dòng chính, trên đường biến thành cục pin sản xuất điện cho toàn vùng.
Từ năm 2015, sau khi nghỉ dạy tại Đại học San Francisco và về hưu, tôi tiếp tục muốn nghiên cứu về lưu vực của dòng sông này. Tôi cộng tác với Đại học Khoa họa xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh trong vai trò nghiên cứu viên. Niềm vui quý giá nhất với tôi là tuần nào cũng được đi một tỉnh, huyện hay xã, học được các khái niệm bản địa, hiểu thêm văn hoá và bề dày lịch sử của nơi tôi sinh ra.
Vài tuần nay, tôi gặp những tổ chức, chuyên gia gắn bó với đồng bằng. Họ nói về việc vùng đất bị xâm nhập mặn, thiệt hại về kinh tế có thể cao hơn mọi năm, nguồn nước bi suy thoái khiến sạt lở, thiếu nước, mùa màng có nguy cơ thất bát. Những viện nghiên cứu như Lowy, Mekong Commons, International Rivers và Ủy ban Sông Mekong đều đưa ra cảnh báo, kêu gọi tiết kiệm nước hay những đề xuất thay đổi lối canh tác để chúng ta có thể áp dụng như phương án thích nghi. Nếu tình trạng khô hạn, xâm mặn, sụt lún tiếp tục kéo dài thì kinh tế đồng bằng tiếp tục bị đe dọa trầm trọng. Như một hệ quả, phần lớn người dân địa phương đã và đang phải mưu tìm sinh nhai ở nơi khác.
Bằng kinh nghiệm sống và những thách thức hiện hữu, tôi cho rằng ta có thể nghĩ đến một kế hoạch với ba tầm nhìn: ngắn, trung và dài hạn.
Đầu tiên là một chiến lược ngắn hạn từ 2 đến 5 năm áp dụng mô hình nông nghiệp thuận thiên, linh hoạt uyển chuyển, tập trung vào sự tham gia của dân cư. Những nông dân từng trải, với thói quen bản địa và kinh nghiệm sống chung với sự thay đổi thời tiết và nguồn nước hiện đang áp dụng mô hình nông nghiệp thuận thiên ở vài nơi.
Ở Cồn Chim, ấp Hoà Minh, tỉnh Trà Vinh, chúng tôi đang hỗ trợ nông dân làm dự án "Con tôm ôm cây lúa". Với hỗ trợ của chính quyền địa phương, một nhóm chuyên gia hợp tác với nông dân trên một cù lao. Nếu khí hậu biến đổi và lượng nước từ thượng nguồn không đảm bảo, các chuyên gia đưa ra một mô hình linh hoạt. Nếu nguồn nước bị xâm mặn, nước lợ nhiều, nông dân sẽ chuyển qua nuôi tôm; còn nếu nguồn nước ngọt đầy đủ thì lúa sẽ thay thế tôm. Nông dân sẽ được trang bị kiến thức để tham gia vào ngành du lịch, cung cấp cho du khách những đặc sản của vùng, trải nghiệm bếp núc, câu cua hay làm bánh với khuyến cáo không rác thải. Nông nghiệp ghép với du lịch xanh và chậm bước đầu đã mang đến kết qủa rất khả quan cho những hộ dân sống trên cù lao này. Tôi cho rằng mô hình có thể áp dụng cho toàn vùng đồng bằng.
Thứ hai, trong chiến lược trung hạn, từ ba tới 10 năm, tôi nghĩ rằng một Trung tâm nghiên cứu Mekong học cho Việt Nam là điều then chốt. Ngành khoa học này sẽ liên kết với các đại học Đông Nam Á và thế giới, đào luyện những chuyên gia thông thạo và am hiểu về lưu vực Mekong trong mô hình phát triển bền vững, đề xuất hành động cho Chính phủ.
Thứ ba, nhìn xa hơn nữa, trong tầm nhìn trên 10 năm, bắt đầu ngay từ bây giờ, nỗ lực đi đến một Hiệp định ứng xử cho toàn lưu vực với sáu quốc gia đang chia sẻ nguồn nước giống như Hiệp định khai thác và phát triển lưu vực sông Rhine ở Châu Âu là chìa khóa của vấn đề.
Và hơn hết, ta đều biết nguyên nhân quan trọng của khó khăn hiện nay với đồng bằng là do những đập nước thượng nguồn tham lam và ích kỷ. Nhiều người vẫn hô hào rằng những cộng đồng thuộc lưu vực sông Mekong cùng uống chung một dòng nước. Nhưng nói suông không đủ. Nếu bản thân những người đại diện cho đất nước chúng ta không dám lên tiếng mạnh mẽ và cùng hành động để kêu gọi, thúc đẩy ra đời một hiệp định quốc tế được tôn trọng bằng tầm nhìn xa và những kiến thức khoa học thì không ai cứu đồng bằng. Nếu không tạo ra một nguyên tắc ứng xử chung văn minh, nhất quán, liệu có còn dòng nước chung mà uống mãi được không?
Chung Hoàng Chương
Nguồn : VnExpress, 01/03/2020
***********************
Hạn mặn khốc liệt, nông dân cạo mặt ruộng, đua nhau bán lớp đất phù sa
Bắc Bình, Thanh Niên, 29/02/2020
Do không trồng được lúa vụ 3 giữa hạn mặn khốc liệt nên nông dân ở hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm (Bến Tre) đã cào nhiều tấn đất trên mặt ruộng để đi bán lấy tiền hoặc đổi lấy phân, thuốc bất chấp hệ lụy.
Các phương tiện cơ giới cạo lớp mặt ruộng xâu xuống từ 10 - 15 cm để mang đi bán cát lấp cho các công trình. Ảnh Thanh Niên
Theo ghi nhận của Phóng viên báo Thanh Niên vào ngày 27/2 tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, các xe cạo đất chuyên dụng hì hục trên các cánh đồng, hầu hết ruộng lúa đều đã khô nứt nẻ.
"Ruộng xa thì chủ ruộng phải năn nỉ người có phương tiện mới chịu đến nơi để lấy đất đem bán. Riêng những ruộng gần đường thì chủ ruộng được trả với giá vài chục ngàn đồng/m3 đất hoặc vài bao phân dành để bón ruộng trong vụ sau. Mình không cào đi lớp đất này thì vụ sau sẽ khó khăn để canh tác vì mặt ruộng cao hơn mực nước ngọt trên các kênh nội đồng. Mặc dù việc cào đất sẽ tăng chi phí phân thuốc khi canh tác vụ sau", nông dân Nguyễn Văn Bưởn (55 tuổi, ngụ xã Tân Xuân) cho biết.
Nông dân sẽ nhận được từ vài chục ngàn đồng cho mỗi xe đất 2 mét khối như thế này nhưng người khai thác sẽ bán lại với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/xe cho các công trình
Theo tìm hiểu, hầu hết nông dân ở Bến Tre bán đất trên mặt ruộng để có nguồn thu nhập thay thế cho tiền thu nhập từ lúa vụ 3 (đã mất trắng hoặc không xuống giống được).
Đất trên mặt ruộng được các xe chở đi bán đất san lấp mặt bằng cho một số công trình giao thông hoặc cho người dân làm nền nhà.
Mỗi m3 đất mặt ruộng được bán với giá từ 100.000 – 150.000 đồng tùy theo quãng đường vận chuyển. Nhu cầu sử dụng đối với loại đất này tại địa phương rất lớn, đặc biệt là trong lúc các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang bị đóng.
Phương tiện cơ giới làm đường được dùng để ủi cạo lớp đất phù sa ngọt trên mặt ruộng
Theo những người nông dân bán đất mặt ruộng ở Bến Tre, ngoài việc để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, bán đất mặt ruộng còn để hạ thấp cao độ mặt ruộng xuống từ 10 - 15 cm mới bằng với mực nước ngọt trong kênh nội đồng.
"Dường như mực nước ngọt thấp hơn qua từng năm thì phải vì 2 năm trước tôi đã cào thấp mặt ruộng xuống khoảng 15 cm để bằng mực nước ngọt ngoài kênh thì nay mặt ruộng lại tiếp tục cao hơn mực nước ngọt ngoài kênh cả gang tay. Vậy nên tôi quyết định cào đất mặt bán tiếp chứ để vậy sao mà tưới nước nổi", nông dân Trần Văn Mười, ngụ xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, cho biết.
Hậu quả chi phí vụ sau sẽ tăng 2-3 lần
Trao đổi với Phóng viên báo Thanh Niên, ông Giả Văn Điện, Phó chủ tịch UBND xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, cho biết chính quyền địa phương đã nắm được tình hình này và đồng thời đã khuyến cáo bà con ngưng khai thác đất mặt ruộng bán nhưng chưa có hiệu quả.
"Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên mực nước biển dâng cao đều đặn qua từng năm và không có cách nào ngăn lại được. Vì vậy, việc bà con hạ thấp mặt ruộng là rất nguy hiểm vì đến một lúc nào đó sẽ không còn canh tác lúa được nữa. Ngoài ra, việc khai thác lớp phù sa ngọt trên mặt ruộng sẽ dẫn đến thổ nhưỡng càng xấu đi, nếu không muốn nói là lớp đất phù sa ngọt sẽ không còn nữa", ông Điện nói.
Đồng ruộng ở Bến Tre mùa này trở thành nơi cung cấp đất san lấp vô tận cho các công trình xây dựng
Trong khi đó, ông Trần Quốc Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ba Tri, khẳng định hành vi khai thác đất mặt ruộng của người nông dân chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả trước mắt và lâu dài.
"Chúng tôi đã thực nghiệm và kết quả là chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu cho ruộng lúa ở vụ sau sẽ tăng lên từ 2 - 3 lần so với các thửa ruộng không bị khai thác đất mặt. Ngoài ra, năng suất lúa của vụ sau cũng sẽ giảm ít nhất trên 15%. Bởi, việc khai thác lớp đất phù sa mặt sẽ làm giảm nguồn dinh dưỡng đất rất lớn, đất bên dưới vốn bạc màu rất khó hấp thụ dinh dưỡng được bón lót khi canh tác lúa", ông Khánh khẳng định.
Nông dân tranh thủ bán đất nhưng cán bộ nông nghiệp cảnh báo hậu quá rất khó lường
Theo ông Khánh, cách tốt nhất để xử lý những thửa ruộng gò cao hơn mực nước ngọt trong các kênh nội đồng chính là chuyển đổi canh tác từ cây lúa sang hoa màu, lên líp trồng dừa, trồng cỏ nuôi bò…
"Nhiều nông dân có ruộng gò ở huyện Ba Tri đã mạnh dạn đăng ký chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác và đã gia tăng đáng kể thu nhập sau khi chuyển đổi. Riêng những trường hợp gặp khó khăn về kỹ thuật, về vốn… luôn được chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp hỗ trợ, tập huấn tận tình", ông Khánh nói.
Hạn mặn đang gây thiệt hại rất nặng nề cho Bến Tre
Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, cho biết hiện độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông từ 45 - 60km, độ mặn 1‰ xâm nhập bao trùm toàn bộ địa bàn tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh có hơn 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân 2019 - 2020 (vụ 3) có khả năng cao mất trắng, gần 20.000 cây ăn trái đang bị đe dọa vì thiếu nước tưới.
Hiện nay, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh (sử dụng hệ thống cấp nước tập trung) đều bị ảnh hưởng của hạn mặn, nguồn nước sinh hoạt hiện nay đa phần tại các nhà máy nước là trên 2‰, như tại thành phố Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại...
Có khoảng 57.000 hộ dân (205.000 người) sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển ; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, Sông Tiền, Cổ Chiên, cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh (do hết nguồn nước dự trữ). Nếu mặn tiếp tục kéo dài và không có nước ngọt để cung cấp có thể dẫn đến một số doanh nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt lớn sẽ phải ngừng sản xuất, các ngành khác như dịch vụ, du lịch cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Bến Tre đã kiến nghị Trung ương bố trí hơn 1.000 tỉ đồng để tiếp tục xây các hồ trữ nước ngọt, đầu tư tiếp các hạng mục còn lại Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre. Trước mắt Bến Tre cần được hỗ trợ, bố trí khấn cấp 70 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương phòng chống hạn mặn để tỉnh thực hiện đắp khẩn cấp một số đập tạm…
Bắc Bình
Nguồn : Thanh Niên, 29/02/2020