Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Junin 2 sẽ thành án lớn với 'Mạnh Mượt' ?

Thường Sơn, VNTB, 21/03/2019

Phát pháo lệnh ‘đánh’ vụ Junin 2 - theo truyền thống - vẫn được bắn ra bởi Thanh Niên - tờ báo mà vào tháng 3 năm 2017 đã phát pháo hiệu về ‘đánh’ vụ Đinh La Thăng và cho tới nay đã hoàn thành những chuẩn mực của một tờ báo ‘thân đảng’.

pvn1

'Mạnh Mượt' (phải) tiếp khách trong 'cung điện' nhà gã...

Tại phiên tòa xét xử vụ Hà Văn Thắm vào tháng 3 năm 2017, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra làm rõ số tiền 800 tỷ đồng của PVN không cánh mà bay tại Ngân hàng Đại Dương, đã bùng lên loạt bài "Tài chính dầu khí và ‘vũng lầy’ PVN" trên báo Thanh Niên về những sai phạm ở Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) thuộc PVN mà đã gây ra thiệt hại của PVFC trên 500 tỷ đồng.

Vào thời điểm đó, Thanh Niên đã bị xem là ‘biến chất’ - từ một tờ báo mang quan điểm phản biện và có chút gì đó độc lập và quan điểm, trở thành "cánh tay phải của đảng", nhất là sau vụ tờ báo này nhận tiền quảng cáo của đại gia để đánh nước mắm truyền thống khiến người sản xuất điêu đứng mà đảng vẫn để yên cho tổng biên tập tờ báo này.

Cú đánh mang tên ‘Junin 2’ của báo Thanh Niên về vụ Junin 2 một lần nữa phát ra tín hiệu ngành dầu khí sẽ bị ‘mổ lớn’ và vụ Junin 2 đang tràn trề triển vọng biến thảnh một vụ đại án cấp quốc gia, thậm chí còn lôi kéo vài ba gương mặt ủy viên bộ chính trị cũ và mới vào vụ án này.

Vào năm 2007 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Đinh La Thăng khi đó là chủ tịch hội đồng thành viên đã có một phi vụ đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela - chế độ được xem là ‘người anh em xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam với sự chứng kiến của Nông Đức Mạnh - tổng bí thư thời đó mà còn những biệt danh khác như ‘Ông Răng Chắc’, ‘Mạnh Mượt’... Phi vụ này cũng được cho phép bởi thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời được ‘tập thể Bộ Chính trị’ gật đầu nhưng không thèm hỏi ý kiến Quốc hội - cơ quan mà về mặt luật là có thẩm quyền xem xét những dự án đầu tư tỷ đô như Junin 2. 

Tiếp đến, một tổ hợp liên doanh ra đời giữa PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela với cái tên "Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2", có tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ USD, trong đó liên doanh vay 60%, tương ứng 5,8 tỉ USD ; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3,1 tỉ USD. Phía Việt Nam tham gia 40% với số vốn góp là 1,241 tỉ USD.

Lẽ ra sự việc trên đã hoàn toàn bình thường như nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài khác, nếu không mang về một giọt dầu nào cho tới nay và không bị phát hiện một khoản chi quái lạ : "phí tham gia hợp đồng" (bonus), lên đến 584 triệu USD, khiến tổng vốn của phía Việt Nam phải bỏ ra lên đến 1,825 tỉ USD.

Con số 584 triệu USD bonus trên chi cho ai ? Phải chăng PVN đã dùng nó để hối lộ những quan chức cao cấp của Venezuela ?

Cộng hưởng với hậu quả Junin 2 trở thành dự án mà PVN đốt tiền ngân sách quốc gia và trơ khung trùm mền cho đến nay, số tiền ‘lại quả’ khủng khiếp trên đang khiến dự án này trở thành đầu đề nóng hổi trên mặt báo chí nhà nước vào những ngày này, lồng trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng khi tổng giám đốc của PVN là Nguyễn Vũ Trường Sơn thình lình làm đơn xin từ chức, còn Bộ Công an thì đang ‘vào cuộc làm rõ’.

Trong lúc hầu hết ý kiến của giới ‘phe cánh chính trị’ và cả những cây bút độc lập đều nhất trí về khả năng cao là ‘Mạnh Mượt’ (tức Nông Đức Mạnh) phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ đốt tiền Junin 2, khía cạnh tiếp theo được tranh luận ngày càng căng thẳng là liệu ‘Anh Ba X’ (tức Nguyễn Tấn Dũng) với tư cách là thủ tướng và là người cầm chịch cao nhất về dự án này khi đó có phải chịu trách nhiệm hay không, và có phải là cái đích cuối cùng và quan yếu nhất mà nhiều khả năng Junin 2 đang được đẩy thành một vụ án nhắm tới hay không ; và liệu Nguyễn Phú Trọng - dù chỉ phụ trách một cơ quan bị xem là ‘bù nhìn’ khi đó - có phải chịu trách nhiệm gì không khi ông ta chẳng có được một phản ứng nào ra hồn khi Quốc hội bị PVN và Chính phủ qua mặt một cách không thương xót như thế ; và ngoài ra, một nhân vật khác đóng vai trò quan tọng trong tiến trình đốt tiền của Junin 2 là Hoàng Trung Hải - hiện thời là Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội và còn được một số dư luận xem là ‘cục cưng’ của Bắc Kinh), có liên quan trách nhiệm vụ này và có chịu chung số phận ‘cẩu đầu trảm’ với Nguyễn Tấn Dũng hay không…

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 21/03/2019

******************

Phe chống tham nhũng Việt Nam nhắm vào dự án dầu lửa Venezuela

Nikkei staff writters, VNTB, 20/03/2019

Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy tổng số vốn cung cấp cho Venezuela lên tới 10,7 nghìn tỷ đồng (462 triệu đô la theo tỷ giá hiện tại) tính đến tháng 12 năm 2017. Trong đó bao gồm hai lần chuyển tiền "tiền thưởng hợp đồng" trị giá tổng cộng 342 triệu đô la.

pvn2

Kho xăng dầu của PetroVietnam ở Vũng Tàu. Ảnh : Reuters.

Điều tra 584 triệu đô la 'tiền thưởng hợp đồng' dành cho Venezuela trong bối cảnh làm sạch các doanh nghiệp nhà nước

Đếm gà trước khi trứng nở

Bộ Công an Việt Nam đang điều tra một dự án dầu khí thua lỗ ở Venezuela, khi Hà Nội điều tra tham nhũng liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và đất nước Nam Mỹ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Chính quyền Việt Nam đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hay còn gọi là PVN, "cung cấp tất cả các tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án" để khai thác và nâng cấp mỏ dầu Junin-2 tại Vành đai Orinoco của Venezuela, một khu vực được cho là để chứa trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

PVN đã thanh lý hợp đồng vào tháng 12 năm 2013 khi nhận thấy không có tiến triển gì trong dự án. Nhưng Bộ đang xem xét nghi ngờ vi phạm pháp luật trước khi thanh lý hợp đồng.

Dự án trị giá 12 tỷ USD đã bắt đầu vào tháng 6 năm 2010, theo truyền thông trong nước. Dự án thuộc sự quản lý của PetroMacareo, một liên doanh giữa công ty con của PVN, Công ty Khai thác Dầu khí (PVEP) và Petroleos de Venezuela (PDVSA) thuộc sở hữu nhà nước Venezuela. Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ có sản lượng 50.000 thùng một ngày, 200.000 thùng trong giai đoạn thứ hai và Việt Nam dự tính thu được lợi nhuận trong vòng bảy năm.

Chơi xộp

Dự án này được xây dựng dựa trên mối quan hệ thân thiện lịch sử giữa Hà Nội và Caracas có từ những năm 1960, khi cả hai cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, Hoa Kỳ. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1989, và đã theo đuổi một số dự án kinh tế chung trong những năm sau đó. 

Với dự án Junin-2, Việt Nam đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ đô la từ năm 2010 đến 2015, khiến dự án này trở thành một trong những dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, khoản đầu tư này này không bao gồm ba khoản thanh toán "tiền thưởng hợp đồng" với tổng trị giá 584 triệu đô la mà phía Việt Nam rõ ràng phải trả cho chính phủ Venezuela để đảm bảo có được giấy phép đầu tư. Bộ Tài Chính Việt Nam gần đây phát hiện rằng khoản phí này không được đưa vào hoặc giải thích trong đề xuất dự án ban đầu được gửi cho chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam phát hiện gần đây.

PVN không bao giờ cung cấp tài liệu rõ ràng, đầy đủ về Junin-2, nhưng đã đề cập đến dự án này trong báo cáo tài chính từ năm 2010 đến 2016.

Trong báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy tổng số vốn cung cấp cho Venezuela lên tới 10,7 nghìn tỷ đồng (462 triệu đô la theo tỷ giá hiện tại) tính đến tháng 12 năm 2017. Trong đó bao gồm hai lần chuyển tiền "tiền thưởng hợp đồng" trị giá tổng cộng 342 triệu đô la.

Mau xẹp

PVN đã chấm dứt dự án sau khi yêu cầu hoãn việc đợt chuyển khoản "tiền thưởng hợp đồng" khác trị giá 142 triệu USD. PVN giải thích rằng môi trường đầu tư của Venezuela không phù hợp, đặc biệt là do tỷ lệ lạm phát cực kỳ cao và hệ thống kiểm soát tiền tệ lâu đời, thanh toán quá phức tạp cho các công ty nước ngoài.

Cuộc điều tra được công bố sau khi phát hiện vào tuần trước rằng Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã đệ đơn từ chức, đang chờ phê duyệt của Thủ tướng Việt Nam. Ông Sơn, đã làm việc trong ngành dầu khí có từ năm 1987, trước đây đã từng làm giám đốc tại các đơn vị PVN. PVN nhận được lệnh yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan đến dự án ngày thứ Năm.

Trong năm 2019, ông Sơn được Đinh La Thăng lúc bấy giờ là Chủ tịch PVN bổ nhiệm làm tổng giáo đốc của PVEP. PVEP chịu trách nhiệm 13 dự án dầu khí, bao gồm các dự án ở Venezula, Mexico, Peru và Malaysia. Chỉ có 2 dự án trong số có là có lãi.

Ông Sơn có thể đổ lỗi cho khả năng mất vốn từ dự án Venezuela và các chi phí khác, tra ước tính lên tới 635 triệu đô la vào năm 2017. "Động thái mới nhất là một bước tiến nữa trong chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam, có liên quan với Đinh La Thắng và người khổng lồ PVN, "Đặng Tâm Chánh, một chuyên gia về chính trị Việt Nam, nói.

PVN là trụ cột chính của mô hình kinh tế của Việt Nam trong bốn thập kỷ qua, thu hút nhân tài hàng đầu, thúc đẩy sự phát triển và giúp làm đầy kho bạc của chính phủ. Nhưng gần đây, nhà chức trách đã đưa ra các cáo buộc tham nhũng tại PVN và các doanh nghiệp nhà nước khác. Càng ngày các công ty này càng bị coi là rào cản đối cho đổi mới và thị trường cởi mở.

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng thư ký Đảng Cộng sản, đang lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng và sẵn sàng làm sạch các doanh nghiệp nhà nước, theo ông Chánh. Ông Trọng đặt mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh và sử dụng tài nguyên của đất nước hiệu quả hơn, giờ đây, họ đã ký kết một số hiệp định thương mại hóa thị trường với các nền kinh tế phát triển.

Nikkei staff writters

Nguồn : Vietnam's graft hunters zero in on Venezuela oil project, Assian Nikkei Review, 18/03/2019

Diên Vỹ dịch 

Nguồn : VNTB, 21/03/2019

*******************

Giải mã về tình trạng PVN mất nghìn tỷ đầu tư ra nước ngoài

Thanh Trúc, RFA, 20/03/2019

Tình trạng hàng tỷ đô la Mỹ mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đem đi đầu tư vào những dự án ở nước ngoài, nhất là dự án tại Venezuela, không hề hiệu quả và có nguy cơ mất trắng khiến công luận xôn xao trong thời gian hiện nay.

pvn3

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã nộp đơn xin từ chức Tổng Giám đốc PVN - Courtesy of PVN

Nguồn tin trên VnExpress cho hay ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN đã gởi đơn xin từ chức nhưng mãi đến ngày 12 tháng Ba thì Hội đồng thành viên PVN mới nhóm họp và đồng ý xét đơn từ chức của ông.

Ngay khi tin ông Nguyễn Vũ Trường Sơn từ chức được loan đi thì công luận trong nước lập tức liên hệ vụ việc với chuyện PVN đã thua lỗ hay đang đối mặt nguy cơ mất trắng hàng tỷ Đô La đầu tư ra bên ngoài, nhất là ở Venezuela.

Tưởng cần nhắc ông Nguyễn Vũ Trường Sơn làm việc trong ngành dầu khí từ năm 1987, giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các công ty thành viên của PVN như phó tổng giám đốc Vietsopetro kiêm giám đốc xí nghiệp Khai thác Dầu khí. Năm 2009, ông giữ chức tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí PVEP. Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc PVN và giữ chức vụ này từ đó đến nay.

Trong thời gian làm tổng giám đốc PVEP, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí này đã triển khai những dự án đầu tư ra nước ngoài mà một trong những dự án đó là việc khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela. Đây là dự án được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận năm 2012, qua đó PVEP rót khoảng 1 tỷ 800 triệu đô la mà theo tính toán ban đầu thì công suất khai thác giai đoạn 1 đạt 50.000 thùng dầu/ngày, đến giai đoạn 2 thì sẽ là 200.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên đến cuối 2013 thì PVEP được chỉ thị từ thủ tướng tạm dừng đầu tư vì xét thấy không có tiến triển.

Nay thì mọi sự đã rõ là PVN Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PVEP Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam coi như thua lỗ đầu tư tại Venezuela.

Nhà báo Phạm Thành, nguyên trưởng đại diện Đài Tiếng Nói Việt Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên lâu năm của đài Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội, cho biết :

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn này từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, ông Mạnh làm tổng bí thư, ông Trọng làm chủ tịch quốc hội, ông Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước. Việc mất trắng người ta đã biết từ lâu rồi, thực tế là nó đã chết cách đây mấy năm rồi , bây giờ họ mới điều tra. Nó cũng nằm trong chủ trương là tiêu diệt phe phái lẫn nhau thôi, những tay nào sót lại của triều đại trước thì ông Trọng diệt sạch. Còn nói đầu tư thất thoát thì đâu chỉ ra nước ngoài mới thất thoát, trong nước còn thất thoát nhiều hơn, tham ô tham nhũng hàng nghìn tỷ đấy…

Đáng tiếc và càng đáng tiếc hơn nữa khi biết các công ty hay tổng công ty đầu tư đều là doanh nghiệp quốc doanh do nhà nước chỉ đạo, là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên nhóm nghiên cứu độc lập IDS đã giải thể. Theo ông, có thể vì liên quan đến Nhà Nước cho nên hầu hết ý kiến về việc này đều gần như dè chứng một vừa hai phải hơn là nói thẳng :

Thường những nước khác khi đầu tư ở đâu đấy là chuyện của doanh nghiệp. Ở Việt không phải như vậy, các tập đoàn đầu tư này là công cụ của đảng cộng sản Việt Nam, lãnh đạo là các quan chức, các công ty này không có quyền tự chủ như chúng ta vẫn tưởng. Tôi nghĩ các vụ đầu tư ra nước ngoài của những công ty như PVN ở Venezuela được nói đến cách đây cả gần 20 năm không thể do các quan chức như ông Đinh La Thăng hay ông Nguyễn Vũ Trường Sơn có thể tự quyết định được. Quyết định đó luôn luôn là ở cấp cao hơn rất nhiều.

Những người am hiểu về chuyên môn người ta đã viết rất kỹ rằng dầu của Venezuela là loại dầu rất khó chế biến, Việt Nam không thể có khả năng chế biến được và gần như toàn bộ dầu thô của Venezuela phải chở sang nước mình để chế biến. Vì những lý do chính trị nên người ta vẫn quyết định đầu tư và phiêu lưu và mạo hiểm như vậy.

Một người Việt ở Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, từ 3 năm trước từng viết bài liên quan chuyện PVN và PVEP đầu tư khai thác dầu khi ở Venezuela, với dự kiến nhiều phần sẽ thua lỗ hơn là được lợi :

Việt Nam đã đầu tư vào Venezuela từ 2010 và sau bao nhiêu năm đều thấy không ích lợi gì nên cuối cùng bỏ cuộc. Vừa rồi thì nhân biến cố chính trị Venezuela trở thành nghiêm trọng thì nhân dịp đó tôi có viết một bài, nhắc lại rằng không chỉ những nước như Nga hay Trung Quốc là tốn kém thiệt hại nhiều với Venezuela mà ngay cả Việt Nam cũng bị thiết hại. Với một số tiền chính thức Việt Nam nhìn nhận khoảng chừng 2 tỷ USD, nhưng mà có những nguồn tin khác nói có thể tới 6 tỷ hoặc 8 tỷ.

Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam hồi đó, vào lúc ký quyết định hợp tác với Venezuela thì do 2 người chịu trách nhiệm là ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Vũ Trường Sơn. Nhưng nhìn lại thì Tổng Công ty Dầu khí do đảng kiểm soát, ông Trường Sơn dù là tổng giám đốc nhưng chỉ là phó bí thư đảng ủy trong công ty mà thôi. Phải nói đây là trách nhiệm của đảng cộng sản Việt Nam, đầu tư một số tiền rất lớn mà không có một nghiên cứu nào nghiêm chỉnh về Venezuela, làm mất một số tiền vô cùng lớn đối với một nước còn nghèo, phải nói họ đầu tư một cách vô trách nhiệm.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Phát triển tại Hà Nội, nhận định chung tại sao đến lúc này vấn đề thua lỗ hay mất trắng vốn đầu tư tại các nước nói chung và Venezuela nói riêng được đưa lên mặt báo :

Việt Nam đang hoàn thiện khung tổ chức đầu tư ra nước ngoài. Đối với Doanh Nghiệp Nhà Nước vì là đại diện là chủ sở hữu thì chắc chắn Nhà Nước phải quyết định. Còn việc Việt Nam đầu tư ra nước ngoài về tổng thể như tôi đã nói thì mình còn thiếu kinh nghiệm và thiếu thận trọng đối với việc mở cửa tài khoản vốn. Những dự án đầu tư ra nước ngoài của Nhà Nước mà thua lỗ hoặc mất vốn thậm chí là như vậy, thì tôi thấy trong làm ăn kinh doanh cái hiệu quả đến đâu hay là rủi ro nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có thể do những vấn đề chính trị, có thể do những vấn đề kinh tế, thế nhưng rõ ràng đối với doanh nghiệp nhà nước việc tính toán, việc minh bạch hóa và giám sát là khâu phải được đề cao hơn rất nhiều, đặc biệt đối với dòng vốn lớn. Việt Nam đang xem xét lại tất cả những cái đó và đây là việc làm cần thiết.Cảm nhận của tôi là Việt Nma đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cuộc chiến này thể hiện rất nhiều qua lãnh vực kinh tế, trong đó liên quan đến rất nhiều các doanh nghiệp lớn.

Được hỏi ý kiến về tình hình thua lỗ, thất thoát trong những dự án đầu tư của PVN và PVEP vào Venezuela, giáo sư Phạm Quang Minh, chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, lý giải :

Trong bối cảnh toàn cầu hóa việc có những rủi ro trong quan hệ hay trong kinh tế là chuyện rất thường tình. Thế giới phẳng tạo sư thuận lợi trong tăng cường quan hệ trong trao đổi dòng vốn rồi thì lao động, tri thức, việc làm… Đó là mặt tốt nhưng kèm theo đó có mặt hạn chế, người ta không biết được điều gì sẽ xảy ra.

Có thể đấy là khủng hoảng về chính trị, về kinh tế, giáo sư Phạm Quang Minh nói tiếp, trong lúc tình hình thế giới cho thấy những bất ổn những xáo trộn tại mỗi quốc gia đã ảnh hưởng tới trao đổi thương mại, đầu tư và hợp tác :

Nên hầu như tất cả các quốc gia trong hợp tác đều phải rất thận trọng, cân nhắc các yếu tố địa lý, chính trị, minh bạch, có quản trị tốt hay không, có tham nhũng hay không.

Trở lại với đầu tư của PVN vào Venezuela chúng ta thấy về mặt địa lý từ Châu Á sang Châu Mỹ rất là xa, thứ hai thì Venezuela là nước mà chính trị còn bất ổn.

Chính vì thế, giáo sư Phạm Quang Minh kết luận, quả thực những dự án đầu tư dầu khí của Việt Nam vào Venezuela đã không mang lại kết quả mong đợi, sự thất thoát thua lỗ là điều đương nhiên mà cũng là điều đáng tiếc.

Được biết ngoài Venezuela, những dự án đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN ra các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng không có hiệu quả cao, nhiều chương trình phải dừng lại.

Các quốc gia tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam trong lãnh vực dầu khi nhưng có kiến nghị ngưng lại là Peru, Malaysia, Miến Điện và Iran.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 20/03/2019

********************

Dự án tỷ USD ở Venezuela : Chưa làm gì, PVN 'hoa hồng' ngay trăm triệu USD

Hà Duy, VietnamNet, 18/03/2019

Số tiền "phí hoa hồng" tham gia dự án Junin 2 lên đến 584 triệu USD. Bộ Công an đang điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án này. 

duan1

PVN vẫn chưa hết sóng gió.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN.

Một "biện pháp" nhỏ, biến thành dự án không xin ý kiến Quốc hội

Năm 2008, Việt Nam và Venezuela đã ký 15 Hiệp định, thoả thuận hợp tác, trong đó có Hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc thiết lập liên doanh khai thác dầu khí công suất 200.000 thùng/ngày tại vành đai Orinoco thuộc Venezuela, nơi được coi là khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 8/2010 về xem xét thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án lô Junin 2, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nói rõ về quá trình đưa số vốn đầu tư của dự án từ 1,24 tỷ USD lên hơn 1,8 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay : Tháng 11/2008, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có cuộc họp thẩm định báo cáo việc đầu tư này với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và có tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,24 tỷ USD.

Bộ này xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho dự án trên cơ sở ý kiến "chấp thuận đầu tư dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng Junin 2 Venezuela" của Thủ tướng. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc về việc ghi vốn đầu tư khi ngoài 1,24 tỷ USD số tiền rót vào dự án, PVN còn trả thêm tiền hoa hồng là 584 triệu USD.

Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã họp các bộ, ngành và các ý kiến đều thống nhất phải ghi tổng mức đầu tư đầy đủ gồm cả tiền hoa hồng là 1,825 tỷ USD để "phản ánh thực chất lượng vốn đầu tư ra nước ngoài, thuận lợi cho việc triển khai dự án và theo dõi quyết toán các nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm về tài chính của chủ đầu tư trước Nhà nước".

Với mức đầu tư tới hơn 1,82 tỷ USD và phần vốn góp của PVN vào dự án vượt 30% nên phải xin ý kiến của Quốc hội. Với tư cách cơ quan thẩm tra hồ sơ xin cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách với dự án để sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trả lời bằng văn bản sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý đề xuất này, yêu cầu Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Ủy ban làm rõ phần vốn nhà nước góp vào dự án. Trường hợp dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, đáng chú ý là tại báo cáo tháng 5/2009 của Chính phủ gửi cơ quan thường trực Quốc hội sau đó về dự án Junin 2, cơ cấu phần vốn góp Nhà nước tại dự án được thay đổi. Phần vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN giảm từ 956 triệu USD dự kiến ban đầu, xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn 29,9% tổng chi phí góp vốn của phía Việt Nam.

Điều này đồng nghĩa dự án đầu tư không còn nằm trong diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án có mức góp vốn 30% trở lên).

Mặt khác, khi dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì ngày 29/6/2010, Hợp đồng thành lập, quản lý Công ty liên doanh Khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 Venezuela (Petromacareo) đã được ký kết giữa PVEP (công ty con của PVN) và CVP (công ty con của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela - PDVSA).

Trên cơ sở hợp đồng chính thức ký với đối tác, PVEP đã bổ sung và hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Phân tích nhiều yếu tố nội tại Venezuela, Bộ Kế hoạch và đầu tư cảnh báo dự án phải được cân nhắc hết sức thận trọng, đặc biệt khi nó được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn vay của doanh nghiệp nhà nước.

Lạ lùng tiền phí hoa hồng 584 triệu USD

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng bày tỏ lo ngại khác là PVN/PVEP đã ký hợp đồng chính thức với đối tác Venezuela khi chưa có giấy phép đầu tư. Theo thoả thuận hợp đồng đã ký, phía Việt Nam phải thanh toán đợt đầu 300 triệu USD phí tham gia hợp đồng (phí hoa hồng - PV) trong 6 tháng. Các đợt nộp phí hoa hồng tiếp theo lần 2 và 3, mỗi đợt 142 triệu USD. Điều này đồng nghĩa khi chưa thăm dò, khai thác giọt dầu nào thì PVEP cũng phải trả đầy đủ phí tham gia hợp đồng 584 triệu USD cho đối tác ngoại.

Nếu vi phạm, phía Việt Nam sẽ bị xử lý theo các cam kết đã ký, cụ thể toàn bộ cổ phần của PVEP trong công ty liên doanh có thể tự động chuyển cho đối tác Venezuela và Việt Nam không được quyền thanh toán hoặc đền bù gì từ các khoản đã góp, vay vốn hay đầu tư ở dự án này.

Do đó, trong văn bản nêu ý kiến thẩm định giấy phép đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng có báo cáo Bộ Chính trị xin chủ trương trình Quốc hội có cơ chế đặc cách xem xét, thông qua chủ trương đầu tư đối với dự án Junin 2 của PVN tại Venezuela ngay trong kỳ họp tháng 10/2010.

Các báo cáo tài chính sau này của PVN từ 2014 trở lại đây đã ghi nhận khoản tiền phí hoa hồng 442 triệu USD trả cho đối tác Venezuela.

Trong báo cáo gần đây, Bộ Công thương cho hay hiện dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ.

Hà Duy

Nguồn : VietnamNet, 18/03/2019

Published in Diễn đàn