Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai !
Như cả thế giới đều biết, việc nhà cầm quyền Nghệ An tìm mọi cách ngăn cản đoàn người dân ba xã ở Quỳnh Lưu đi khiếu kiện Formosa rồi sau đó đưa lực lượng đàn áp người dân đẫm máu, đã được phơi bày trên mạng Internet toàn cầu.
Dù cho nhà cầm quyền Nghệ An, vẫn với bản chất bạo lực cộng sản của mình, đã được vận dụng qua các sự việc như Con Cuông, Mỹ Yên và các vụ đàn áp dân lành, đã tìm mọi cách bưng bít sự thật tàn bạo này, thì những thông tin, hình ảnh được mạng internet phổ biến đã vạch trần sự thật.
Những người dân vô tội bị đánh đập dã man, những hình ảnh giả tạo được truyền thông nhà nước đưa ra đã bị vạch trần sự gian dối... Tất cả đã nói lên bản chất thiếu lương thiện của "tập đoàn đầy tớ" ở Nghệ An đã lộng hành và phản bội với chính những "ông chủ" đang nuôi nấng họ.
Tưởng chừng như với lương tâm của một con người bình thường, thì những nhà lãnh đạo Nghệ An sẽ tự thấy xấu hổ và ngượng. Ngượng với không chỉ cả thế giới, mà ngay chính với lương tâm, hoặc nhiều hơn chút là chính con cái, vợ con và cha mẹ họ. Để rồi lấy làm xấu hổ và ăn năn cho những hành động đổi trắng thay đen bị vạch trần.
Xưa nay, đứa trẻ con hỗn láo, ăn vụng bị bắt quả tang cũng còn biết xấu hổ mà khóc lóc, giấu mặt sau cánh tay áo hoặc nấp vào lưng một ai đó chữa ngượng.
Thế nhưng không, nhà cầm quyền Nghệ An vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" để ngày 23/2/2017 gửi một văn bản đến Tòa Giám mục, xuyên tạc đổi trắng thay đen một sự thật đã rõ mười mươi.
Một văn bản chà đạp luật pháp : Đem người giẩy xuống giếng khơi
Trước hết, cần phải nói rõ rằng : Ở đây, người dân tổ chức đi khiếu kiện Formosa, bởi tập đoàn tội ác này đã gây thảm họa, đe dọa đời sống của họ, con cháu họ hiện tại và tương lai. Chứ không phải Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đi kiện. Việc các linh mục, cùng đồng hành với họ là thể hiện một tình thương và sự đồng hành, dấn thân với chính mạng sống của người dân. Còn chủ thể việc kiện tụng này, là chính người dân.
Thậm chí, nếu thật sự là một nhà nước "Của dân, do dân, vì dân" như họ thường rêu rao, thì chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Nghệ An phải đứng ra hướng dẫn người dân của mình khởi kiện Formosa mới hợp lẽ đời và luật pháp.
Vậy thì lý do gì, Tỉnh Nghệ An không tổ chức đối thoại với chính những nguyên đơn là những người dân khiếu kiện, mà lại gửi văn bản đến Tòa Giám mục Giáo phận Vinh ?
Phải chăng, họ đã dốt nát đến độ không thể nhận ra đâu là chủ thế đang khởi kiện và đâu là một tổ chức tôn giáo, chỉ phục vụ người dân ?
Không, tôi không nghĩ thế. Với bản chất vốn lấy dối trá làm hành trang xử lý công việc, nhà cầm quyền Nghệ An đã cố tình vòng vo, đổ trách nhiệm của mình để rồi vu cáo, dựng chuyện, bôi xấu một tổ chức tôn giáo vốn hy sinh vì tình thương yêu người dân - đi ngược lại những hành động của nhà cầm quyền là chỉ bóc lột và trấn áp họ ?
Văn bản của UBND Tỉnh Nghệ An đã công nhận một việc mà họ đã làm, hiên nhiên trái pháp luật pháp : Ngăn cản và cản trở có tổ chức, việc người dân đi khiếu kiện khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Cần phải nói rõ rằng : Quyền lợi người dân phải được bảo vệ, trước hết, là trách nhiệm của chính nhà cầm quyền, những người vốn tự nhận là đầy tớ nhân dân, sống trên những đồng tiền thuế mà người dân Nghệ An nuôi nấng. Ngay trên website của Ban Nội Chính Trung ương đã ghi rõ như sau :
Điều 166 Bộ Luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) quy định :
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm :
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo ;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
Luật khiếu nại, tố cáo 02/2011/QH13 cũng ghi rõ : Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại ; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.
Văn bản luật đã quy định rành rành như thế. Thế nhưng, văn bản của Tỉnh Nghệ An đã thú nhận : "Ngày 13/20/2017, UBND Tỉnh Nghệ An có công văn số 767 UBND-NC gửi Tòa Giám mục, đồng thời cử ông Lê Xuân Đại Phó chủ tịch thường trực UBND Tỉnh trực tiếp trao đổi với Giám mục Giáo phận Vinh, các ban ngành huyện Quỳnh Lưu trực tiếp trao đổi với linh mục Nguyễn Đình Thục để đề nghị không tổ chức đông giáo dân kéo vào Hà Tĩnh..." để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình.
Văn bản pháp luật cũng quy định rõ việc người dân khiếu kiện không được nộp thay, không được khiếu kiện nộp đơn tập thể, mỗi cá nhân buộc phải đến Tòa án để nộp đơn khiếu kiện khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Thế nhưng, văn bản nêu trên lại một lần nữa thể hiện hoặc trình độ thấp kém về luật pháp, hoặc sự cố tình chà đạp luật pháp Việt Nam hiện hành. Văn bản đó viết như sau : "Lãnh đạo Tỉnh Nghệ An... đã có mặt tại hiện trường để tuyên truyền, vận động nói rõ sẽ trực tiếp nhận đơn khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa của bà con giáo dân để gửi đến Tòa án Nhân dân Huyện Kỳ Anh để giải quyết".
Đọc đến đây, người hiểu biết ít nhất về luật pháp cũng không khỏi bật cười về sự ngô nghê về luật pháp của UBND Tỉnh Nghệ An.
Đúng như cha ông thường nói : "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng" hay nặng hơn là "Mồ cha không khóc đi khóc tổ mối".
Ai khiến UBND Tỉnh Nghệ An làm một việc trái luật là "nhận đơn khởi kiện" của công dân ? UBND Tỉnh Nghệ An đâu phải Tòa án mà có chức năng đó ? Trong khi đó, chức năng và nhiệm vụ của Tỉnh Nghệ An là đòi hỏi Formosa phải đền bù những thiệt hại gây ra cho chính người dân Nghệ An qua vụ đầu độc biển mà người dân mình đang gánh chịu thì họ không làm.
Hoặc ít nhất, thì họ cũng phải bảo vệ cho những người dân vô tội - những ông chủ của họ mà họ luôn rêu rao thề hứa trung thành - đang là nạn nhân kia đi khiếu kiện đòi quyền lợi của mình một cách chính đáng.
Và chính số tiền kia khi đòi được, thì cũng là một phần để nuôi sống chính bộ máy khổng lồ của họ qua những đồng tiền thuế mà người dân phải cống nạp.
Văn bản còn nêu rõ : "Đề nghị linh mục Thục và giáo dân xứ Song Ngọc quay trở về, thực hiện cơ chế cử người đại diện".
Rõ ràng, nhà cầm quyền Nghệ An đã không hiểu được người dân Nghệ An đang muốn gì và tình cảnh của họ ra sao, cũng như họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu những vấn đề luật pháp quy định.
"Cơ chế cử người đại diện" được thực hiện khi nào ? Việc cử người đại diện, chỉ được thực hiện được khi khiếu nại cùng một nội dung và tất cả cùng nhất trí với người dại diện bất cứ cách giải quyết nào.
Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 (Điểm đ Khoản 2 Điều 7) quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó chỉ cử đại diện đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.
Ở đây, cả ngàn hộ dân khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, thiệt hại khác nhau và yêu cầu khởi khiện với những chứng cứ, những điều kiện và đòi hỏi khác nhau hoàn toàn. Thậm chí khi Tòa có xử, thì mỗi người đồng ý ở một mức độ khác nhau, hoàn toàn độc lập với nhau.
Vậy thì làm sao có thể thực hiện "Cơ chế cử người đại diện" ?
Đó là một sự ấu trĩ về luật pháp mà bản chất là thiếu tính lương thiện của nhà cầm quyền.
Qua cách hành xử và văn bản này, nhà cầm quyền Nghệ An đã thể hiện một điều : Họ đã bất chấp mọi thứ luật pháp, để thi hành luật rừng với chính con dân mình. Nghĩa là, UBND Tỉnh Nghệ An, tự coi mình đứng trên cả luật pháp được Quốc hội ban hành, ngang nhiên trắng trợn vi phạm điều 166 của Bộ Luật hình sự và Điều 6 Luật khiếu nại, tố cáo 02/2011/QH13 hiện hành.
"Lập lờ đánh lận con đen"
Sau sự việc đàn áp giáo dân ngày 14/2/2017, lẽ ra, nhà cầm quyền phải tiếp xúc với người dân đang bị nạn, để tìm hiểu nguyện vọng cũng như những yêu cầu của họ.
Thế nhưng, vốn đã coi dân là thù địch, họ lại một lần nữa chơi con bài "Lập lờ đánh lận con đen" bằng : "Sáng 17/2/2017, đoàn công tác của UBND Tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Xuân Đường đã trực tiếp làm việc với Giám mục Giáo phận Vinh... đề nghị Tòa Giám mục chỉ đạo các chức sắc, bà con giáo dân không tiếp tục tổ chức đông người vào Hà Tĩnh khởi kiện...".
Quái lạ, trong các văn bản hiến pháp và luật pháp, trên miệng quan chức cộng sản xưa nay, luôn leo lẻo rằng "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" không phân biệt tôn giáo, dân tộc, vùng miền. Vậy tại sao chỉ đạo cho giáo dân không tiếp tục khởi kiện ?
Vậy những người là nạn nhân của Formosa nhưng không phải là giáo dân, thì quyền lợi của họ sẽ ra sao ? Ai bảo vệ họ ? Hay sẽ được nhà cầm quyền bảo vệ bằng chó, thuốc nổ và dùi cui ?
Thật ra, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã quá nhẫn nhịn và hiền lành và thừa công mà tiếp đoàn Chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An. Lẽ ra, phải ra đuổi thẳng cổ cái đoàn đó, quét sạch nhà và bảo họ rằng : "Hãy về mà lo cho các ông chủ, những người đang bỏ máu xương, mồ hôi công sức ra để nuôi nấng các người từ xưa đến nay. Họ đang là nạn nhân, đang bị đẩy đến đường cùng và con cháu, nòi giống của họ đang bị đe dọa. Hãy bảo vệ họ cho đúng luật pháp các người đã tự nghĩ ra và công bố".
Thế rồi, trong suốt cả văn bản, vẫn cứ giọng cả vú lấp miệng em rằng "một số đối tượng đã dùng gạch đá tấn công vào lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự đang làm nhiệm vụ... gây thiệt hại nghiêm trọng và tài sản, làm một số cán bộ chiến sĩ công an bị thương".
Điều mà không cần nhắc lại, bởi ngay khi sự việc xẩy ra, các mạng truyền thông xã hội đã lập tức thông tin đầy đủ những hình ảnh, những đoạn video clip về đoàn người đi khiếu kiện như thế nào.
Người ta đã thấy đoàn người đi trong hòa bình và đầm ấm tình yêu thương, đoàn kết lẫn nhau, được sự cảm phục của không chỉ những người công giáo, mà tất cả những người có lương tri khác, các công dân khác cũng như những trí thức ngoài công giáo và cả thế giới nhìn nhận.
Việc gắp lửa bỏ tay người rằng họ tấn công lực lượng cảnh sát, thậm chí "Giám đốc Công an Nghệ An bị trọng thương" thì quả là sự khốn nạn của lương tri cũng không giới hạn.
Chỉ cần trả lời những câu hỏi này :
Những người dân đi khiếu kiện đó sai chỗ nào khi họ thực hiện một quyền hiến định là Khiếu kiện khi quyền lợi bị xâm hại ? Tại sao nhà cầm quyền lại ngăn chặn xe đến chở họ đi buộc họ phải đi bộ và quyết đi vượt quãng đường gần 200 km ?
Những người dân tay không đó đã làm gì, lấy gì để có thể tấn công một lực lượng công an hùng hậu được bố trí dày đặc như muỗi đọc dường ?
Những người dân đó lấy đâu ra quả nổ, dùi cui và vũ khí để dám tấn công lực lượng công an được chuẩn bị kỹ càng và trang bị tận răng ?
Và cuối cùng, tại sao nhà cầm quyền lại phải làm những trò ô nhục là dùng máy phá sóng, cướp phá các phương tiện ghi hình, quay phim của người dân ? Nếu việc làm của nhà cầm quyền và "lực lượng chức năng" mà công chính, minh bạch thì tại sao phải lén lút và giấu diếm các phương tiện nghe nhìn ?
Lẽ ra, nếu chính quyền thật sự có "thiện chí" thì lý do gì không để các phương tiện nghe nhìn của người dân ghi lại để cái "thiện chí" đó được rõ ràng và quanh minh chính đại hơn ?
Chỉ cần trả lời các câu hỏi đó, người ta sẽ hiểu đâu là chính, đâu là tà và đâu là ánh sáng và bóng tối.
Còn nếu thật sự cảnh sát bị tấn công như họ nói đi nữa. Sao họ không nghĩ rằng, ở bất cứ một đất nước nào, khi mà lực lượng công an bị người dân chủ động tấn công, thì trước hết, hãy xem lực lượng đó đang đứng về phía ai.
Tạm kết
Việc nhà cầm quyền Nghệ An tổ chức đàn áp người dân đi khiếu kiện, là một vết nhơ góp phần làm dày đặc hơn trong muôn ngàn vết nhơ họ đã thể hiện xưa nay.
Đó là sự phản bội lại chính người dân, chính dân tộc và đất nước này.
Nếu như ngày xưa, những vụ việc được dễ dàng giấu nhẹm bởi cùm gông, sắt máu và bởi hệ thống tuyên truyền bịa đặt, dối trá cả vú lấp miệng em, thì ngày nay, xã hội đã khác. Tất cả đều bị vạch trần, và bàn tay sẽ không thể che nổi mặt trời.
Nếu như ngày xưa, hệ thống truyền thông một chiều chỉ phục vụ đảng và chính quyền cộng sản có thể làm mưa làm gió đầu độc người dân bằng cách nhét vào tai, vào mồm họ những gì nhà cầm quyền muốn một cách dễ dàng, để ngu hóa, để chia rẽ và thống trị. Thì ngày nay, người dân đã ý thức được đâu là sự thật, đâu là bịa đặt và dối trá.
Tất cả những sự lập lờ, bịa đặt và những mưu đồ bẩn thỉu của nhà cầm quyền và quan chức cộng sản được thi thố trước người dân, thì những điều đó chỉ càng làm cho người dân hiểu rõ thêm họ đang là ai và phục vụ ai mà thôi.
Và đó cũng là những lỗ thủng họ đang thi nhau đục vào con thuyền vốn đã rệu rã mà họ đang hò nhau chèo chống nhằm nô lệ hóa người dân.
Và chính những lỗ thủng đó, sẽ dẫn họ đế ngày phải nhìn nhận lại tội lỗi của mình đã gây ra cho dân tộc, cho đất nước này.
Hà Nội, ngày 28/2/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 27/02/2017 (nguyenhuuvinh's blog)
Chuyện Formosa chưa kết thúc (RFA, 27/02/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự (thứ hai từ trái) tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 5 năm 2014. AFP photo
Ngày 14 tháng hai, ngư dân Nghệ An tuần hành vào Hà Tĩnh kiện công ty Formosa bị đàn áp.
Hơn một tuần sau, ngày 22 tháng hai, trung ương đảng cộng sản Việt Nam công bố danh sách các cán bộ sẽ bị kỷ luật vì trách nhiệm của họ trong tai họa môi trường Formosa Vũng Áng.
Không biết có liên quan nào giữa những cuộc biểu tình liên tục từ năm ngoái đến nay và quyết định của đảng cộng sản hay không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng những diễn biến xung quanh thảm họa Formosa Vũng Áng chưa kết thúc.
Các blogger ghi nhận lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây không lâu là sẽ đóng cửa Formosa nếu như công ty này tiếp tục vi phạm, ngoài ra ông còn nói rằng phải phấn đấu đưa chính phủ của ông thành một chính phủ kiến tạo.
Lời hứa của Thủ tướng
Ngay sau cuộc biểu tình của ngư dân Nghệ An vài ngày, một vệt nước màu đỏ xuất hiện ở vùng biển Hà Tĩnh, làm dấy lên nghi ngờ là Formosa đang tái phạm. Blogger Thiên Luân viết rằng :
Phía Formosa dường như đang thách thức lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "Đóng cửa nếu Formosa tái phạm", khi liên tiếp vi phạm thỏa thuận, tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường. Họ cũng không quan tâm tới phản ứng của người dân vì đã có Chính quyền Việt Nam đảm bảo an ninh. Ngay cả việc người dân đi kiện ôn hòa cũng bị chính quyền đàn áp bằng vũ lực.
Đã đến lúc phải giải quyết dứt điểm vấn đề của Formosa. Nhà máy phải đóng cửa và Formosa rút khỏi Việt Nam. Nếu không thảm họa sẽ còn tiếp tục, người dân còn phản đối và đấu tranh và mâu thuẩn giữa chính quyền và người dân ngày càng cao.
Những người có trách nhiệm tại tỉnh Hà Tĩnh đã công bố ngay rằng họ đang lấy mẩu thử từ nước biển để xác minh chuyện vệt nước màu đỏ. Hành động này được nhà báo Huy Đức khen ngợi, nhưng kèm theo đó là một lời cảnh báo :
Hà Tĩnh đã phản ứng khá chủ động khi cho thẩm tra và nói rằng video clip quay miệng cống xả nước thải đỏ không phải của Formosa. Nhưng Hà Tĩnh cũng nên nhớ, niềm tin của công chúng vào nhà nước và truyền thông nhà nước đang ngày càng cạn kiệt. Nếu việc giám sát Formosa vẫn còn là chuyện chính quyền "đóng cửa bảo nhau" thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề niềm tin nơi công chúng.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng điểm lại tình cảnh của ngư dân miền Trung từ khi xảy ra tai họa môi trường đến nay, ông cho rằng một hoàn cảnh sống rất đen tối của người dân sẽ xuất hiện, mà trong đó lời hứa của Thủ tướng không có giá trị gì :
Từ trước tết nguyên đán 2017, nhiều bài viết trên mạng xã hội (chứ không phải trên báo nhà nước bị cấm khẩu) đã trần thuật chua chát về một cái tết lạnh lẽo và hết sức thiếu thốn của các gia đình ngư dân miền Trung. Kể từ ngày xảy ra hậu quả xả thải ra biển của Formosa, nhiều gia đình ngư dân đã phải ly hương vào Nam tìm kế sinh nhai. Những người còn lại ở quê hầu như đều rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng đã rõ là không thể tin lời Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng của một chính phủ đang được xem là "kiến tạo – liêm chính – hành động". Tháng Tám năm ngoái, ông Phúc hứa chắc như đỉnh đóng cột rằng đến tháng Chín năm 2017 sẽ bồi thường thỏa đáng và bồi thường hết cho dân.
Sau cá chết là người chết. Bóng đen tử thần đang lảng vảng nơi vùng biển sẫm màu. Cái chết lại đang lừng lững xô tới hệt những con sóng thần bứt lên từ cơn động kinh khởi phát từ đáy sâu chế độ.
Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Vụ đàn áp ngày 14 tháng hai cũng được blogger Kami dùng để nhắc nhở lời hứa một chính phủ kiến tạo của Thủ tướng, vì hành động đàn áp đó chẳng thể nào là một hành động kiến tạo, mà theo Kami, là một hành động tự sát :
Cách hành xử vừa qua của Công An Quỳnh Lưu - Nghệ An xuất phát từ sự ấu trĩ chính trị, thiếu tỉnh táo, cộng với thái độ coi thường dân chúng và vô trách nhiệm với nhân dân. Họ không chỉ đã tự đánh mất tính chính nghĩa của một chính quyền mang danh kiến tạo, phục vụ nhân dân như khẩu hiệu của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đưa ra. Mà chính các hành động của họ như vừa qua, không khác hành động tự đạp ghế đang đứng của một kẻ tự treo cổ mình.
Blogger Cánh Cò nhắc lại lời nói của vị Tổng thống quá cố của miền Nam Việt Nam trước đây là ông Nguyễn Văn Thiệu, ông nói rằng đừng tin những gì những người cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì họ làm. Blogger Cánh Cò nói rằng thoạt đầu mình cũng không tin lời nói này, nhưng với liên tục những vụ việc khác nhau xảy ra ở Việt Nam, mà đỉnh điểm là thảm họa Formosa Vũng Áng, có lẽ Cánh Cò phải tin rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói đúng.
Vật cản và những lời nhắc nhở
Blogger Trịnh Hữu Long viết trên trang Luật Khoa rằng hành động đàn áp của chính quyền không phải là hòn đá duy nhất cản trở việc thực thi công lý cho những người dân nghèo thấp cổ bé miệng tại Việt Nam, mà là cả một định chế xã hội :
Sự im lặng của báo chí chính thống gieo vào lòng xã hội một nỗi sợ hãi và ngờ vực. Ít có người dân bình thường nào biết đến vụ việc này, chứ đừng nói đến việc ủng hộ những người khiếu kiện hay giám sát hành xử của Formosa và chính quyền.
Không những thế, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân và VnExpress đều đưa tin một chiều theo hướng bất lợi cho đoàn khiếu kiện, mà không phỏng vấn họ để đối chiếu thông tin. Sự thiên vị của báo chí dành cho nhà nước càng làm cho nhiều người dân mất thiện cảm với đoàn khiếu kiện hơn.
Sự im lặng của hơn 500 đại biểu Quốc hội trước vụ kiện này là một hòn đá ngáng đường khác. 13 đại biểu quốc hội của tỉnh Nghệ An tuyệt đối không có ý kiến gì trong những việc họ có trách nhiệm phải lên tiếng.
Tòa án là người gác đền thờ Công Lý, chốt chặn cuối cùng về mặt thể chế trước khi một xã hội đổ vỡ niềm tin.
Tòa án là chiếc van áp suất, là lối thoát giải quyết những xung đột xã hội, đưa xã hội về trạng thái yên ổn và hài hòa.
Hơn tất cả, tòa án là con đường giải quyết xung đột bằng phương pháp hòa bình, phi bạo lực.
Chặn cửa tòa chỉ đẩy người dân ra đường. Thao túng tòa án, biến tòa án thành công cụ chính trị của mình cũng chỉ đẩy người dân ra đường. Mà luật của đường phố thì rất khác với luật của tòa.
Lịch sử sẽ gọi tên những kẻ phong toả con đường đến tòa là thủ phạm tạo ra bất ổn xã hội.
Ban giám đốc tập đoàn Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam tại cuộc họp báo công bố lý do cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 2016 tại Hà Nội. AFP photo
Một nhà hoạt động môi trường tại Hà Nội là dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng chính vì thể chế của Việt Nam thiếu sự giám sát lẫn nhau đã góp phần tạo nên những thảm họa như Formosa Vũng Áng.
Câu chuyện giám sát cũng được blogger Nguyễn Anh Tuấn đề cập đến, sau khi một chuyên gia về môi trường của Việt Nam là Tiến sĩ Lê Huy Bá, lên tiếng với truyền thông nước ngoài rằng những người như ông cũng khó lòng tiếp cận các thông tin về môi trường do nhà nước quản lý.
Trong lúc ở Đài Loan không khó tìm ra những giáo sư và các nhóm môi trường độc lập theo đuổi Formosa trong hàng chục năm, thị sát nhà máy hàng chục lần, làm hàng chục nghiên cứu, ra hàng chục báo cáo độc lập, dựng các trạm quan trắc đối chiếu với số liệu của Formosa và chính phủ, thì ở Việt Nam, những người hoạt động vẫn luôn trong tư thế chuẩn bị cho việc bị bắt giữ, đánh đập, giam cầm trước khi quyết định vào Vũng Áng, còn một giáo sư đầu ngành độc học môi trường thì chỉ có thể tiếp cận thông tin qua báo chí.
Để rồi một vệt nước đỏ có thể làm xáo trộn cả một quốc gia.
Sau khi có công bố của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam về việc kỷ luật các cán bộ từ trung ương đến cấp tỉnh, có trách nhiệm trong vụ Formosa, blogger Bạch Hòan viết :
Những người sẽ bị kỉ luật này đều là những nhân vật tôi đã viết bền bỉ, kiên trì, không biết mệt mỏi. Tôi rất buồn, vì từ đây tình cảm giữa tôi và họ sẽ dần nhạt phai để dành mối quan tâm cho những người khác. Tuy vậy, tôi vẫn không quên dành lợi khen ngợi cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Đây là những quyết định cần thiết ở thời điểm này. Ít nhất sẽ làm dư luận nguôi ngoai.
Nhưng đồng thời Bạch Hoàn cũng nhắc nhở rằng có những các bộ cao cấp khác cũng có trách nhiệm mà chưa thấy bị kỷ luật.
Viết từ Sài Gòn thì cảnh cáo rằng nếu không khéo, câu chuyện Formosa Vũng Áng sẽ là nơi các thế lực chính trị khác nhau tại Việt Nam tranh giành và trừng phạt nhau, và kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất vẫn là những người dân là nạn nhân trực tiếp của những thảm họa tương tự.
Trở lại những lời hứa của Thủ tướng và chính phủ, trả lời câu hỏi phải làm gì với Formosa, Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết rằng :
Dân ta có câu, "Lời nói gió bay". Nhưng lời nói của những người quyền cao chức trọng thì bão cũng không thổi bay được vì nó có gang, có thép. Sẽ có những kẻ dựa vào đó để thực hiện âm mưu thâm độc. Số tiền dùng để đền bù là lớn trong lúc nợ công đã lên trên trăm tỷ. Tuy vậy nếu không có được trí tuệ sáng suốt và lòng dũng cảm để cắt bỏ ung nhọt thì rồi tai họa do nó sẽ gây ra chưa biết đến bao nhiêu. Ngừng ngay nhà máy và mời tập đoàn Formosa ra khỏi Việt Nam sẽ ngăn chặn được nhiều thảm họa.
Ông nhắc mọi người phải cảnh giác.
Blogger Vũ Đông Hà viết trên trang Dân Làm Báo
Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội...
Em đã xuống đường, đồng hành với nhiều bạn khác để phá tan những vòng vây oan nghiệt, để tìm lại những gì đã mất trước khi chúng ta chào đời. Không có em, không có các bạn tự tìm lại, đòi lại quyền được quyết định vận mạng của Tổ quốc thì chúng ta sẽ mất hết. Sẽ không còn gì trên một mảnh đất của những xác chết còn thở, của những con cá biết đi nằm phơi bụng trên mãnh đất hình chữ S dọc theo biển Đông.
Đó là lời nhắn gửi của tác giả đến với những người bạn của ông, những người thân của ông, đã bước qua được sự sợ hãi mà xuống đường liên tục trong một năm qua.
Ngư dân Quảng Bình biểu tình đòi đền bù thiệt hại do Formosa gây ra (RFA, 27/02/2017)
Ngư dân Quảng Bình biểu tình chặn xe sáng 27/2/2017. Photo : FB nguyenhuuvinh
Sáng 27/2/2017, hơn một ngàn ngư dân tại xã Quảng Đông, và hàng trăm ngư dân xã Cảnh Dương, Huyện Quảng Trạch, Quảng Bình bất ngờ quăng lưới chặn Quốc lộ 1A để biểu tình đòi đền bù thiệt hại do nhà máy thép Formosa gây ra.
Một người dân ở xã Quảng Đông, gần khu vực xảy ra biểu tình cho Đài Á Châu Tự Do biết :
"Sáng nay có diễn ra 2 điểm biểu tình là ở Quảng Đông bà con kéo lên giăng lưới chặn xe lại, cảnh sát công an người ta định dẹp. Rồi ở chỗ Cảnh Dương cũng có một tổ nữa biểu tình ở đó. Công an người ta chia ra mấy nhóm để mà ra dẹp. Mấy chỗ đó không phải của công giáo đâu, mà là bên lương. Họ giăng lưới, lấy lốp xe chặn họ lại, khoảng đến 12h hơn. Ngoài Quảng Đông thì hơi lâu hơn."
"Không thỏa đáng về vấn đề đền bù, những cái làng mà ngư nghiệp toàn phần rồi thì nên phát cho người ta hết cả, nhưng lại chia ra nhóm, có một nhóm không làm gì cũng nhận rồi. Không công bằng được, vì cơ sở ở dưới đưa lên không rõ ràng, rất là lộn xộn. Tình hình này mà không giải quyết cho tận gốc rõ ràng là còn lộn kéo dài nữa".
Nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh thừa nhận xả thải ra biển làm cá chết hàng loạt dọc ven biển 4 tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế vào tháng 4 năm ngoái, khiến người dân mất sinh kế. Sau đó nhà máy này giao cho Chính phủ Việt Nam 500 triệu USD để bồi thường cho nạn nhân chịu thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay một số người dân trong diện được chính phủ Hà Nội qui định được bồi thường vẫn chưa nhận được số tiền đó và nhiều cuộc biểu tình đòi hỏi quyền lợi đã xảy ra.
Người dân Việt Nam biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam. Ảnh chụp tại Hà Nội, ngày 01/05/2016. REUTERS/Kham
Mặc dù chính quyền Việt Nam đã thông báo sẽ kỷ luật những quan chức chịu trách nhiệm trong vụ công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiểm biển khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vào tháng 4 năm ngoái, nhưng hồ sơ này tiếp tục gây xáo trộn ở một số địa phương, do ngư dân vẫn bất bình về chuyện đền bù thiệt hại cho họ.
Ngày 22/02/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông báo sẽ xem xét, thi hành kỷ luật 11 quan chức bị coi là có những "sai phạm" trong vụ Formosa gây ô nhiễm. Bị xem là chịu trách nhiệm chính trong vụ này là ông Võ Kim Cự, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Trong số 11 quan chức bị kỷ luật, còn có một cựu bộ trưởng Môi trường, ông Nguyễn Minh Quang.
Hiện giờ chưa biết là các quan chức nói trên sẽ bị kỷ luật như thế nào, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền nêu rõ tên tuổi các quan chức chịu trách nhiệm về vụ Formosa, 11 tháng sau khi xảy ra vụ này.
Qua việc thông báo xem xét kỷ luật các quan chức nói trên, giới lãnh đạo Hà Nội hy vọng sẽ làm dịu phần nào nỗi bất bình của dư luận về vụ Formosa, thảm họa môi trường trầm trọng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Chính bộ Môi trường Việt Nam đã nhìn nhận rằng phải mất ít nhất một thập niên nữa môi trường biển của những vùng bị ảnh hưởng mới có thể trở lại như trước.
Đây còn là một thảm họa về kinh tế vì nó ảnh hưởng đến đời sống của biết bao ngư dân các tỉnh miền Trung bị ô nhiễm biển. Công ty Formosa Hà Tĩnh đã buộc phải chấp nhận đền bù tổng cộng 500 triệu đôla. Thế nhưng, việc đền bù vẫn chưa được thỏa đáng đối với nhiều ngư dân và họ tiếp tục kiện công ty Formosa Hà Tĩnh.
Tháng 9 năm ngoái, ngư dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã nộp đơn kiện Formosa lên Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, nhưng tòa án này sau đó đã trả lại các đơn kiện, với lý do là những người " khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế " do vụ ô nhiễm Formosa.
Ngày 14/02 vừa qua, hàng trăm ngư dân giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Nguyễn Đình Thục, đã đi đến Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh để nộp đơn kiện công ty Formosa một lần nữa. Nhưng trên đường đi, các ngư dân này đã bị công an tỉnh Nghệ An ngăn cản và đàn áp thô bạo. Hàng chục người dân đã bị công an đánh đập và bắt giữ. Văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận Vinh ngày 20/02 vừa qua đã ra một thông báo lên án vụ đàn áp này là một sự "vi phạm nghiêm trọng quyền của con người, quyền công dân đã được Công ước Quốc tế, Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam bảo vệ".
Cũng trong ngày 20/02/2017, tổ chức Ân xá Quốc tế đã ra một thông cáo kêu gọi có hành động khẩn cấp về vụ nói trên, yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra và đưa ra tòa những kẻ đã tấn công ngư dân khiếu kiện, yêu cầu chấm dứt sách nhiễu những người biểu tình ôn hòa, đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân nộp đơn kiện Formosa.
Báo chí chính thức thì cho rằng chính giáo dân Quỳnh Lưu đi khiếu kiện đã bị kích động, xúi giục, gây mất trật tự công cộng, gây cản trở giao thông, thậm chí một số người, bị xem là "phần tử quá khích", đã ném đá vào lực lượng an ninh, buộc họ phải giải tán đám đông, bắt tạm giũ một số người. Nhưng trả lời RFI Việt ngữ ngày 24/02 vừa qua, linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, khẳng định là các ngư dân trên đường đi nộp đơn kiện đã di chuyển rất ôn hòa :
"Việc làm của chúng tôi là đúng theo Hiến pháp và pháp luật. Chúng tôi đi kiện Formosa là vì họ đã xả thải và gây ô nhiễm biển nặng nề và điều đó gây thiệt hại cho những người dân ở đây, là những người làm nghề biển. Chúng tôi đã gởi đơn lên chính phủ đòi bồi thường cho chúng tôi sau khi chính phủ nhận 500 triệu đôla (tiền đền bù của Formosa).
Từ mấy tháng nay,chúng tôi vẫn chờ, nhưng chính phủ không trả lời và chính phủ đã ra quyết định chỉ bồi thường cho 4 tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào, còn Nghệ An thì không được bồi thường, cho nên người dân rất bức xúc và họ đi đòi sự công bằng.
Khi kiện thì chúng tôi phải đến thị xã Kỳ Anh để kiện, vì đó là do pháp luật quy định : nơi có thẩm quyền thụ lý vụ án phải là nơi mà tội phạm gây ra tội ác. Kỳ Anh chính là nơi mà Formosa ở đó và gây ra thảm họa. Bảo rằng chúng tôi đi đông người, đó cũng là vì pháp luật quy định điều đó, nghĩa là không được khiếu kiện tập thể, mà mỗi người phải viết đơn, 619 hộ gia đình viết đơn kiện thì phải có ít nhất 619 người đi nạp đơn kiện.
Chúng tôi đã thuê xe ôtô, nhưng công an đã ngăn chận bằng mọi cách, vừa dọa dẫm, vừa làm rất mạnh, thành ra chủ xe không thể nào đến với chúng tôi để đưa dân chúng tôi đi được. Vì không thuê được ôtô, nên chúng tôi phải đi xe máy. Một số người không có xe máy thì phải đi bộ. Chúng tôi đi rất là ôn hòa, không cản trở giao thông mà cũng không có một hành động bạo lực nào".
Theo báo chí chính thức thì sau vụ này Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại cho biết ban lãnh đạo tỉnh này sắp tới sẽ làm việc với Tòa Giám mục để vận động các chức sắc và giáo dân trong toàn Giáo phận "tin tưởng vào chủ trương giải quyết sự cố môi trường biển miền Trung của Đảng, Nhà nước", không để tái diễn sự việc như vừa qua.
Phó chủ tịch Nghệ An cũng cam kết rằng lãnh đạo tỉnh Nghệ An sẵn sàng mời đại diện những người có đơn vào trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh để nộp đơn và bản thân ông "sẽ làm trung gian nhận đơn để trực tiếp gửi tới Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, đồng thời theo dõi kết quả xử lý từ phía Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh để truyền tải tới cho công dân thông qua Tòa giám mục".
Vấn đề là không biết đơn kiện của ngư dân có sẽ được thụ lý hay không và nếu được thụ lý thì tòa sẽ giải quyết ra sao. Ngư dân Song Ngọc vẫn không chấp nhận việc họ không được chính phủ chia tiền đền bù, vì tuy không nằm ở những vùng biển bị ô nhiễm nặng, họ vẫn bị thiệt hại lây, như giải thích của cha Nguyễn Đình Thục :
"Ở Nghệ An, chúng tôi cũng thiệt hại nặng nề như những nơi khác là bởi vì khi người dân đánh bắt về thì hải sản không bán được. Trong một thời gian dài, hàng mấy tháng trời họ mất công ăn việc làm, phải bán đi những chiếc thuyền của họ, được mua với giá rất cao nhưng được bán với giá rẻ mạt. Những người còn giữ lại thuyền thì cũng không làm gì được, thì nghề nghiệp của họ bất ổn, không có thu nhập như trước đây nữa.
Ngoài những người đi đánh cá, những người làm những công việc liên quan, như buôn cá hay làm đá để ướp cá, may vá lưới và cả những người làm nghề muối, đều bị thiệt hại rất là nặng, cho nên họ đã đi kiện vì không nhận được sự bồi thường nào hết.
Cả một thời gian dài ngư dân Nghệ An không bán được cá. Bây giờ tuy bán được, nhưng rất khó khăn. Số người ăn cá biển bây giờ rất ít. Những người có điều kiện thì chẳng còn dám ăn cá biển, vì họ thừa biết là cá biển không an toàn, chẳng biết là cá đó được bắt ở vùng biển nào.
Chính phủ Việt Nam không quan tâm là cá đó bắt từ vùng nào và họ sẳn sàng cấp phép cho bán, thậm chí khuyến khích ngư dân trong vùng bị ô nhiễm biển đi đánh cá và cấp giấy chứng nhận cá sạch. Chính vì thái độ vô trách nhiệm như thế mà những người ở những nơi khác cũng bị vạ lây, tức là cá đánh bắt ở những nơi khác khi được đem đi bán thì người dân cũng nghi ngờ, không biết là cá này được bắt ở vùng biển không bị ô nhiễm, nên họ ngại, không dám mua về ăn.
Chúng tôi làm theo sự hướng dẫn của ban hỗ trợ các nạn nhân ô nhiễm biển, do giám mục giáo phận thành lập để hướng dẫn chúng tôi. Về mặt pháp lý, chúng tôi đang chờ sự hướng dẫn tiếp, nhưng người dân ở đây rất quyết tâm, vì cuộc sống của họ bất ổn và bây giờ họ cần đấu tranh để có sự công bằng. Điều mà họ mong muốn nhất đó là Formosa phải rời khỏi Việt Nam để trả lại cho họ môi trường biển trong sạch, lành mạnh, để cuộc sống và nghề nghiệp của họ được ổn định".
Như vậy là bên cạnh việc giải quyết những hậu quả về môi trường của vụ Formosa làm ô nhiễm biển, chính quyền Việt Nam đang phải đối đầu với sự bất bình của những ngư dân các vùng không bị ảnh hưởng trực tiếp, cũng muốn được đền bù vì những thiệt hại gián tiếp của thảm họa này.
Thanh Phương