Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam chống dịch hỗn loạn : Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy !

Bình Phương, SaigonnhoNews, 01/10/2021

Nhiều công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường thế giới đang tìm cách di chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam, sang Trung Quốc hoặc các quốc gia láng giềng vì những thiệt hại to lớn mà họ phải gánh chịu do chính sách phong tỏa kéo dài để chống dịch của nhà cầm quyền Hà Nội.

dautu1

Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất giày thể thao Nike ở Sài Gòn. Biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm cho Nike mất đi 10 tuần sản xuất, tương đương 100 triệu đôi giày và công ty đang chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi như Trung Quốc (Ảnh : Peter Charlesworth/LightRocket/Getty Images)

Trong thời gian thương chiến Mỹ – Trung, các nhà sản xuất đã tìm cách chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và dồn tới Việt Nam do bị thu hút bởi mức lương thấp và tiếng đồn chính phủ thân thiện với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các lệnh cấm nghiêm ngặt của chính phủ Hà Nội để ngăn chặn làn sóng truyền nhiễm của Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động sản xuất kể từ Tháng Bảy. Cuộc "phong tỏa" kéo dài đã buộc các công ty như Nike Inc. và Lululemon Athletica Inc. phải chuyển sản xuất sang các quốc gia khác và khiến một số doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy ở Việt Nam, tờ báo kinh doanh The Wall Street Journal cho biết. 

Công ty Nike sản xuất khoảng một nửa số giày dép của mình tại Việt Nam, tuần trước cho biết họ đã mất 10 tuần sản xuất ở đó vì nhà máy ngừng hoạt động. Theo BTIG Llc, một công ty môi giới của Mỹ, mất 10 tuần sản xuất có nghĩa là khoảng 100 triệu đôi giày Nike không được xuất xưởng. Hiện Nike dự đoán nhu cầu các sản phẩm của Nike sẽ vượt quá nguồn cung trong tám tháng tới.

"Kinh nghiệm của chúng tôi về việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid cho thấy việc mở cửa trở lại và tăng trở lại quy mô sản xuất đầy đủ sẽ mất nhiều thời gian", ông Matt Friend, Giám đốc tài chính của Nike, cho biết vào tuần trước. Công ty cho biết họ đang tối đa hóa năng lực sản xuất giày dép ở các nước khác và đang chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi như Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam thực hiện hồi cuối Tháng Tám với gần 100 đại diện của các công ty trong lĩnh vực sản xuất cho thấy một phần năm đã chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác.

Ông Jonathan Moreno, trưởng nhóm phụ trách mảng sản xuất và dây chuyền cung ứng của AmCham, cho biết : "Mọi người đang nhận ra rằng, cho dù là Trung Quốc hay Việt Nam, bạn không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Từ quan điểm chuỗi cung ứng, bạn không nên để dễ bị tổn thương bởi một quốc gia".

Các doanh nghiệp phương Tây vẫn đang đoán già đoán non về việc khi nào Việt Nam sẽ dỡ bỏ các quy định hạn chế sản xuất, bao gồm cả việc buộc các nhà máy phải cho công nhân của họ sống bên trong cổng để cách ly với xã hội, hoặc trong một số trường hợp, đóng cửa hoàn toàn nhà máy. Trong các tuyên bố công khai, một số quan chức nói rằng các hạn chế sẽ kéo dài đến Tháng Tám hoặc giữa Tháng Chín, nhưng rồi những thời hạn đó trôi qua mà không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách phong tỏa.

Chính phủ Việt Nam – năm ngoái khá yên tâm với thành công trong việc điều trị Covid-19 cho khoảng 1,500 trường hợp nhờ phong tỏa một phần xã hội – đã rất chậm trễ trong việc đặt mua vaccine, chậm hơn nhiều quốc gia khác. Gần đây Bộ Y tế Việt Nam dường như đã thừa nhận sai lầm về chính sách vaccine, đã làm chậm việc mua vaccine. Ngày nay, mới chỉ có khoảng 9% người Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ so với 65% người Cambodia, theo dữ liệu của Our World in Data. 

Năm nay, nhà chức trách Việt Nam, mất cảnh giác trước sự bùng phát dữ dội của các đợt dịch mới, đã quay trở lại áp dụng các biện pháp phong tỏa và ngăn chặn. Vào Tháng Sáu và Tháng Bảy, khi có thông tin rõ ràng rằng biến thể Delta của coronavirus đang lây lan rộng trong cộng đồng dân cư nơi có ít hơn 1% dân chúng được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ Hà Nội đã áp đặt các hạn chế thậm chí còn nghiêm ngặt hơn trước, gây khó khăn hơn nhiều so với một số quốc gia có lĩnh vực sản xuất lớn khác.

Ở phía Nam của đất nước, nơi tập trung nhiều nhà máy công nghiệp, các công ty muốn tiếp tục hoạt động thì phải thực hiện các quy trình phức tạp, chẳng hạn như thường xuyên xét nghiệm tìm virus trong công nhân hoặc áp dụng biện pháp "ba tại chỗ", theo đó người lao động phải ăn, ngủ và làm việc ngay trong nhà máy. Các nhà máy sản xuất giày và may mặc lớn với hàng chục nghìn công nhân nhận thấy họ không thể thường xuyên tổ chức xét nghiệm cho mọi người hoặc chu cấp cho quá nhiều người trong nhà máy hoặc trong các ký túc xá. Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với số ít nhân viên.

Một số công ty đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào Việt Nam. 

Ông Jeremy Hoff, Giám đốc điều hành của Hooker Furniture Corp, công ty sản xuất một phần đáng kể sản phẩm của mình tại Việt Nam cho biết : "Chúng tôi thực sự đã đa dạng hóa khá nhiều ra bên ngoài Việt Nam. Chúng tôi thậm chí còn quay trở lại Trung Quốc khi cần thiết".

Ông Andrew Rees, Giám đốc điều hành của công ty giày Crocs Inc., cho biết vào giữa Tháng Chín, họ đang chuyển một số hoạt động sản xuất sang các khu vực khác trên thế giới. Ông nói công ty đã có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam và đang bổ sung thêm các cơ sở ở Indonesia và Ấn Độ. "Sự đa dạng hóa đang diễn ra", ông Rees nói.

Gần đây, các ca bệnh và tử vong do Covid-19 đã bắt đầu giảm ở Việt Nam, mà chính phủ cho rằng đó là kết quả của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của họ. Các ca nhiễm hàng ngày của Việt Nam đạt đỉnh vào khoảng đầu Tháng Chín, với khoảng 13,000 ca nhiễm mới hàng ngày, nhưng kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 9,000 ca. Tiêm phòng đang được tăng tốc. Khoảng một phần ba dân số hiện đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Nhà chức trách cho biết thành phố Sài Gòn một trung tâm sản xuất, sẽ giảm bớt các hạn chế vào Thứ Sáu, ngày 1 Tháng Mười.

Nhưng các công ty và nhóm kinh doanh cảnh báo rằng ngay cả khi họ được cho phép khởi động lại hoạt động, cũng phải mất nhiều tháng mới phục hồi lại được toàn bộ hoạt động sản xuất. Rất nhiều người lao động đã trở về quê và có thể không muốn quay lại thành thị nếu họ chưa được tiêm phòng. Các công ty cho biết, các hạn chế đi lại liên tỉnh, cấm di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác có thể tạo ra những trở ngại trầm trọng hơn nữa cho việc bổ sung lực lượng lao động.

Một số nhà phân tích kinh doanh cho biết biện pháp cứng rắn của Việt Nam trong việc đóng cửa nhà máy có thể làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Tại Indonesia, một số nhà máy xuất khẩu vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất trong đợt Covid-19 năm nay và việc ngừng hoạt động chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhà chức trách Trung Quốc đã ngăn chặn sự bùng phát dịch từ trong trứng nước bằng cách xét nghiệm hàng loạt và đóng cửa có mục tiêu các cảng và các nhà máy cụ thể mà không cần thực hiện các đợt đóng cửa kéo dài hàng tháng tại các khu vực sản xuất giống như Việt Nam đã làm.

Những người khác vẫn lạc quan về Việt Nam. Ông Peter Mumford, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Eurasia Group, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị, cho biết bất chấp những khó khăn hiện tại, Việt Nam có những lợi thế dài hạn – bao gồm sự ổn định chính trị tương đối, cởi mở với đầu tư nước ngoài và có biên giới trên bộ với Trung Quốc – điều đó sẽ tiếp tục thu hút các nhà sản xuất.

Tuy nhiên việc phong tỏa kéo dài ở Việt Nam đã bắt đầu làm thay đổi nhận thức về nguồn cung cấp hàng hóa ổn định ở Châu Á. "Khi bạn nghĩ về nỗ lực mà mọi người đã bỏ ra để thoát khỏi Trung Quốc để rồi bây giờ một trong những nơi có thể cung cấp hàng hóa cho bạn lại là Trung Quốc – tôi có nghĩa đó là điều thực sự điên rồ", ông Roger Rawlins, Giám đốc điều hành của Designer Brands Inc., một nhà bán lẻ giày dép ở Bắc Mỹ, nói tại một hội nghị hồi đầu Tháng Chín.

Bình Phương

Nguồn : SaigonnhoNews, 01/10/2021

*********************

Con người không phải robot

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 01/10/2021

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Sai lầm sau tệ hơn sai lầm trước. Mỗi bước đi của họ lại là một sai lầm không thể cứu vãn. Tôi không biết nên dùng chữ gì để diễn đạt giản dị nhứt, ngoài chữ : SA LẦY. Sa lầy quá sâu.

robot0

Lực lượng bảo vệ làm việc nghiêm túc, không cho người ngoài vào cổng khu chế xuất và giải thích chưa mở cửa đón công nhân vào nhà máy làm việc...

Lãnh vực quan trọng nhứt, mang tính chi phối lớn nhứt của toàn xã hội : Kinh tế - Nó đang chịu đựng quá nhiều cú sốc, khó gượng dậy từ đại dịch có một không hai trong 100 năm qua.

Báo Dân Trí [1] ra ngày 01 tháng Mười năm 2021, cho biết : (trích) "...ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh - chia sẻ : Bất kỳ người dân nào đến thành phố từ học tập, làm việc, du lịch... thành phố đều trân trọng đón tiếp và chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất. Đối với việc người dân tụ tập về quê tự phát đêm qua, thành phố cảm thấy có trách nhiệm và sự chăm lo chưa thật sự chu đáo. Thành phố xin trân trọng mời bà con ở lại để tiếp tục đóng góp…" (hết trích).

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cố gắng tối đa ngăn cản hàng ngàn công nhân nghèo đủ mọi ngành nghề về quê. Những con người bình thường đó đang mang tâm trạng vô cùng khát khao mà có người đã thốt lên : "Có chết em cũng phải chết bên gia đình !". Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang nhìn những người công nhân nghèo khổ cùng bầy trẻ nheo nhóc, thậm chí có người đang mang bầu sắp tới ngày sanh nở ; những khuôn mặt hốc hác, đen nhẻm, bơ phờ sau nhiều tháng sống vật vờ cùng với tâm trí rối bời, áo não và tận cùng nỗi bi ai như là những con robot. Tang thương là chỗ đó. Hàng chục ngàn công nhân nghèo đó vẫn là và mãi là những con người bình thường với "thất tình lục dục" đầy đủ chứ ko phải con robot, chỉ cần "on là chạy", off là nghỉ" với chương trình cài đặt sẵn cho nó.

Báo Pháp Luật ngày 01 tháng Mười năm 2021 đưa tin [2] : "...sáng 1-10, các tuyến đường đến các khu chế xuất - khu công nghiệp tại thành phố Thủ Đức, khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh khá thông thoáng. Nhiều nhân viên văn phòng đi làm trở lại, tuy nhiên lực lượng công nhân vẫn chưa đi làm nên không khí tại các khu công nghiệp khá trầm lắng. Lực lượng bảo vệ làm việc nghiêm túc, không cho người ngoài vào cổng khu chế xuất và giải thích chưa mở cửa đón công nhân vào nhà máy làm việc...".

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngoài những lời sáo rỗng như thượng dẫn, có lẽ họ mang trong mình dòng máu lạnh tanh, nên không có khả năng nhìn những con người bình thường đó khác hẳn những con robot. Sự thất bại cay đắng sẽ nhanh chóng xảy ra, một khi ép uổng những người cùng khổ cùng với tâm trạng ủ ê, rã rời, chán chường, đầu óc mệt mỏi dẫn đến thân xác rời rã v.v. họ không còn tâm trí và sự tha thiết trong công việc. Sản phẩm làm ra không đạt chất lượng theo yêu cầu, năng suất tụt giảm thảm hại, mất đơn hàng, ảnh hưởng nặng nề xuất nhập khẩu. Từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp, đồng lương nhân công, thuế các loại sẽ hụt hẫng, hàng hóa không còn nhiều nhặn so với nhu cầu, tất nhiên sẽ dẫn đến chênh lệch cung - cầu. Từ đó, dễ dàng làm cho giá cả hàng hóa gia tăng với kết cuộc lạm phát. Trong khi "thanh gươm" thao túng tiền tệ vừa được Hoa Kỳ tạm gỡ bỏ vẫn chưa đáng được an tâm cho nền kinh tế èo uột bấy lâu nay.

robot001

Điều ghê gớm nữa, hàng trăm ngàn người với tâm trạng như vậy thì tan nát hết các khu công nghiệp, khu chế xuất từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đây là 4 nơi mạnh nhứt về thu nhập quốc dân của các tỉnh phía Nam.

Khó khăn chưa dừng lại đó [3], ngày 01 tháng Mười năm 2021, RFA cho biết : (trích) "Các công ty tại Việt Nam đến nay vẫn chưa báo cáo về các vấn đề liên quan thu mua nguyên liệu thô hoặc các nguyên liệu đầu vào khác trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng kéo dài ở nước láng giềng Trung Quốc, nơi cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ tại đất nước hình chữ S. Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Bộ Công thương Việt Nam đưa tin ngày 1/10. Tin cho biết, Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện trong bối cảnh nguồn cung than thắt chặt, tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn và nhu cầu sản xuất mạnh mẽ..." (hết trích).

robot01

Doanh nghiệp trong nước cũng đang lao đao [4] vì thiếu hụt nguồn nhân lực như báo VnExpress đưa tin hôm 01 tháng Mười năm 2021.

Siêu thị hiu hắt [5] vì muốn vô mua hàng phải chứng minh đã chích ngừa, trong khi quy định phạt vạ người dân nếu ra đường không có lý do chính đáng vẫn tiếp tục đe dọa người dân (!).

Những nghịch lý vừa bi thương vừa khôi hài đến mức người dân cứ phải thốt lên : Mình đang sống ở đâu vậy ? Mình đang sống trong thời đại nào đây ?

Sơ phác vài nét trong ngày đầu mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gọi là trở lại tình trạng "bình thường mới" đang gieo vào tâm trạng người dân một cảm giác ngược lại bằng ý nghĩa "bất thường cũ" cùng những ngôn từ mơ hồ, chập chờn từ quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đầy ý nghĩa giả dối và đe dọa người dân tiếp tục diễn ra...

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 01/10/2021 (nguyenngocgia's blog)

Chú thích :

[1] https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-len-tieng-viec-hang-nghin-nguoi-do-ra...

[2] https://plo.vn/kinh-te/ngay-dau-mo-cua-khu-cong-nghiep-vang-lang-vi-cho-...

[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-says-companies-n...

[4] https://vnexpress.net/doanh-nghiep-tp-hcm-dau-dau-voi-bai-toan-thieu-lao...

[5] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/sieu-thi-hat-hiu-vi-quy-dinh-khach-da-t...

***********************

Sài Gòn hoạt động trở lại sau 3 tháng phong tỏa chống Covid-19

Trọng Nghĩa, Lê Hồng Phước, RFI, 01/10/2021

Vào hôm 01/10/2021, thành phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam, bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa, vốn dĩ được ban hành từ cách nay 3 tháng để đối phó với dịch Covid-19. Khoảng 9 triệu cư dân thành phố đã bắt đầu được tự do ra khỏi nhà và đi lại, trong lúc nhiều sinh hoạt kinh tế đã được tái lập.

saigon1

Ngay khi có thông báo gỡ phong tỏa ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngàn dân ùn ùn đổ về chốt kiểm soát để đi về quê.  © AFP - CHI PI

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, quân đội đã bắt đầu tháo dỡ các rào cản dựng lên trên các tuyến đường, cũng như hàng trăm trạm kiểm soát ngăn cách các quận trong thành phố. Chủ nhân một cửa hàng bán trái cây, rau quả và thịt không che giấu thái độ vui mừng và giải thích : "Trong thời gian ngừng hoạt động vừa qua, công ty của chúng tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều ... Chúng tôi không có đủ nhân viên giao hàng vì họ phải xét nghiệm hai ngày một lần và điều đó rất tốn kém cho công ty".

Các con đường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đông đúc trở lại, lần đầu tiên trong nhiều tháng : hầu hết các doanh nghiệp được cho phép mở cửa trở lại và những người đã tiêm chủng được phép di chuyển tự do trong thành phố. Mặc dù chính quyền vẫn duy trì lệnh cấm đi qua các tỉnh thành khác, hàng nghìn người đi xe máy vẫn tập trung tại một chốt kiểm tra trên đường ra khỏi thành phố với hy vọng được phép về quê.

Theo AFP, trong 3 tháng qua, để hạn chế đà lây lan cực mạnh của dịch Covid-19, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân đã không được rời khỏi nhà, ngay cả khi đi ăn, và hầu như mọi di chuyển vào khu vực đều bị đình chỉ. Tính đến hết tháng 9, Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 50% trong tổng số gần 800.000 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam.

Điều bi thảm nhất chính là con số 14.850 ca tử vong vì dịch bệnh, chiếm khoảng 3/4 số 19.301 ca tử vong của cả nước được chính thức ghi nhận tính đến hết ngày hôm qua. Hiện chưa đến 10% người Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã được phân bổ số liều vac-xin nhiều nhất và hầu hết người lớn đều đã được tiêm chủng.

Việt Nam từng được ca ngợi là hình mẫu về ngăn chặn virus, nhưng đã phải vật lộn để chống lại làn sóng lây nhiễm thứ tư bắt đầu vào tháng 4 tại các khu công nghiệp phía Bắc và nhanh chóng tiến xuống phía Nam. Tác hại kinh tế của đợt phong tỏa rất nặng nề. Theo số liệu được công bố ngày 29/09, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức suy giảm nặng nề nhất trong quý 3/2021 vừa kết thúc.

Trả lời ban Tiếng Việt đài RFI, Tiến sĩ Lê Hồng Phước, giảng viên Khoa Ngữ văn Pháp trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết cảm xúc và không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau ba tháng bị phong tỏa.

Lê Hồng PhướcBữa nay là ngày đầu tiên đi ra đường, cũng giống như mọi người, sau bốn tháng cảm giác lạ lắm. Tôi chạy xe ngoài đường mà tôi cứ lẩm bẩm một mình "Ôi sự sống ! Sự sống !" Bà con ra đường đông lắm. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Hiệu ăn được mở bán đem về. Tiệm hớt tóc cũng thấy có mở cửa. Rồi chợ truyền thống cũng mở.

Siêu thị hôm nay đều mở cửa hết. Bà con đi siêu thị cũng đông hơn bình thường, nhưng không có chen lấn, xếp hàng đàng hoàng. Rồi cũng có kiểm tra nữa. Ai đã tiêm hai mũi thì được vào, một mũi mà trên 14 ngày cũng được phép, có kiểm tra nhiệt độ và phải trình giấy chứng nhận tiêm ngừa, khi vào rồi cũng phải giữ khoảng cách.

Người dân Sài Gòn sáng nay có rất nhiều người nói với nhau : Sài Gòn nó quen quen mà nó lạ lạ, mà nó lạ lạ, nó quen quen !

Tại Sài Gòn tuyệt đại đa số, trên 90% đã được tiêm ngừa, có những địa phương là 100% mũi một, còn lại khoảng 50% là được hai liều. Với độ phủ vac-xin như vậy, cũng yên tâm phần nào. Đương nhiên khi ra đường ai cũng phải đeo khẩu trang cả !

RFI : Là giảng viên đại học, chắc anh cũng hồi hộp mong được quay lại trường, gặp lại sinh viên của mình ?

Theo tôi, tất cả đều phụ thuộc vào độ phủ vac-xin. Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi chiến lược mấy lần vì còn lệ thuộc vào độ phủ này. Hiện tại, Sài Gòn đã phủ được trên 90% cho mũi một, và được gần 50% cho mũi hai, như vậy là cũng tương đối, vì cũng không thể nào đóng cửa hoài được, ảnh hưởng đến kinh tế rất nặng nề, do vậy cần phải mở lại.

Nhưng chính quyền thành phố rất rõ ràng : Mở cửa nhưng phải có lộ trình, sẽ có một kế hoạch đi từng bước một sao cho vừa mở lại, hoạt động kinh tế được nhưng vẫn đảm bảo an toàn chống dịch. Tính mạng con người là quan trọng.

Tôi thấy là các trường học cũng vậy. Việc mở cửa trường học lại là chưa gấp. Chính quyền phải đảm bảo sao cho học sinh – sinh viên được tiêm đủ hai liều, thì như vậy mới đủ điều kiện trở lại trường. Đặc biệt là ở trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, đa phần các sinh viên là từ các tỉnh lên. Từ hơn một tháng nay, các em phải theo học trực tuyến và đa phần vẫn còn ở dưới các tỉnh, nhất là các tỉnh ở miền Tây, những ngày gần đây tình hình dịch bệnh cũng rất nghiêm trọng.

Các em ở tỉnh muốn trở về thành phố Hồ Chí Minh, trong khi ở Sài Gòn độ phủ vac-xin cao, thì phải cân nhắc như thế nào giữa các tỉnh phải làm sao độ phủ vac-xin càng cao càng tốt. Chỉ khi nào các em học sinh – sinh viên chích đủ hai liều thì mới có thể dần dần tính đến việc quay trở lại lớp học.

RFI : RFI tiếng Việt cảm ơn Tiến sĩ Lê Hồng Phước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 01/10/2021

Published in Diễn đàn