Kiêu ngạo cộng sản và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chống dịch như thế nào ?
Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 18/07/2021
Kiêu ngạo cộng sản
Người cộng sản rất kiêu ngạo, từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam. Họ kiêu ngạo cho tới khi hệ thống của họ sụp đổ thê thảm. Thế nhưng, sau khi hệ thống đó sụp đổ, những phiên bản cộng sản còn lại ở Đông Á còn lại vẫn vô cùng kiêu ngạo. Xin không nói về cái gọi là "Juche" cực kỳ quái dị của Bắc Hàn, hai nước cộng sản có vẻ thức thời là Trung Quốc và Việt Nam cũng rất kiêu ngạo. Mới đây ông Tập Cận Bình phùng mang trợn mắt dọa là ai đụng vào nước ông sẽ bị đập bể đầu.
Họ nghĩ rằng, bộ máy công an của họ có thể chống dịch được bằng cách chăng dây khắp nơi cô lập các khu phố. Họ nghĩ rằng họ dùng công an để kiểm soát giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính - Ảnh : Bậm Võ
Những người cộng sản Việt Nam không dữ dằn như hai người anh em phía Bắc, nhưng cũng vô cùng cao ngạo. Sự cao ngạo của họ lúc lên lúc xuống từ khi họ chiến thắng năm 1975 đến nay, nhưng không dứt.
Sau khi chiến thắng, họ cho rằng họ là "lương tâm thời đại". Sau khi "lương tâm thời đại" bị ăn độn bằng khoai mì, thì họ im lặng một thời gian cho đến khi họ đành chấp nhận kinh tế thị trường, đạt được sự tăng trưởng kinh tế thì họ lại gáy tiếp. Và tiếng gáy của họ rõ to trong hơn một năm qua, sau khi họ chận dịch Covid-19 thành công hồi đầu năm 2020. Họ bảo, nào là họ là "cường quốc" (sic) trong chuyện chống dịch, nào là người nước ngoài mơ chuyện đến Việt Nam để sống, vì Việt Nam chống dịch tốt quá…
Giữa tháng 7/2021, thành Hồ đối diện với nguy cơ đổ vỡ hệ thống y tế vì có đến hơn 2000 người nhiễm virus mỗi ngày.
Sự kiêu ngạo cộng sản đã dẫn đến sự đổ vỡ này. Vì kiêu ngạo họ đã không hiểu rằng dịch bệnh chỉ có thể chấm dứt khi có thuốc ngừa. Từ đó họ nghĩ rằng, bộ máy công an của họ có thể chống dịch được bằng cách chăng dây khắp nơi cô lập các khu phố. Họ nghĩ rằng họ dùng công an để kiểm soát giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, và không biết rằng chỉ vài giây sau khi xét nghiệm âm tính, người ta có thể đã dương tính với virus.
Vì kiêu ngạo họ tập trung dân chúng đi bầu cử quốc hội để trang trí, không khác gì thủ tướng dân túy Modi bên Ấn Độ cho tập trung cả triệu người để đạt mục tiêu chính trị trong các lễ hội Ấn giáo.
Vì kiêu ngạo họ không quan tâm đến chuyện tìm mua thuốc chủng ngừa, để đến khi dịch bùng phát thì các nhà sản xuất không còn thuốc để bán cho họ sớm nữa.
Vì kiêu ngạo họ thật sự tin rằng năng lực khoa học của họ có thể tìm ra thuốc chủng, điều mà những cường quốc Châu Á - Thái Bình Dương về khoa học là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc không dám mơ tới.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Cái tiêu đề này, một mặt được các nhà lãnh đạo Hà Nội tán dương nhiệt liệt suốt hàng chục năm qua, mặt khác nó bị nhiều nhà chỉ trích chế nhạo, xem nó là đầu gà đuôi vịt.
Nếu ta ép mình hiểu cho tốt ý nghĩa của tiêu đề đó, thì là một ý tưởng tốt, một mặt cho phát triển kinh tế thị trường, mặt khác tạo ra hệ thống an sinh xã hội (xã hội chủ nghĩa) như nhiều quốc gia dân chủ phương Tây vẫn có.
Nhưng hiện thực xã hội Việt Nam hiện nay cho thấy một bức tranh khác hẳn, đó là hệ thống an sinh xã hội yếu kém, bên cạnh hệ thống giáo dục và y tế trục lợi tối đa. Hệ thống này lộ rõ ràng trong cuộc khủng hoảng dịch Covid hiện nay.
Thay vì phải có một ngân quỹ quốc gia của một hệ thống gọi là "xã hội chủ nghĩa" để đương đầu với thiên tai dịch bệnh, nhà nước cộng sản Việt Nam lại kêu gọi dân chúng đóng góp.
Cái gọi là "xã hội hóa" giáo dục và y tế thật sự là một loại chủ nghĩa tư bản hoang dã mà nhiều người đã chỉ trích bấy lâu nay, nay lộ hình mồn một trong việc một bệnh viện tại An Giang đưa bảng giá "tiêm ngừa Covid dịch vụ", giữa lúc cuộc khủng hoảng quốc gia đang bùng phát. Nguy cơ các "đại gia" dược phẩm cạnh tranh nhau nhập khẩu thuốc, mất kiểm soát về giá cả và thuốc giả là có thật.
Chủ nghĩa tư bản hoang dã này phá vỡ cả hệ thống quản lý tập trung của nhà nước "chuyên chính", làm cho mỗi địa phương chống dịch mỗi khác, quy định này chồng chéo lên nghị định nọ. Tại quốc gia có cơ cấu phân quyền rất lớn như nước Mỹ, mà để đối phó với đại dịch, những nguồn lực lớn vẫn phải tập trung vào các cơ quan liên bang như Cơ quan phòng dịch (CDC), Cơ quan chống hiểm họa (FEMA)…
Từ khi thành phố Sài Gòn bị phong tỏa, những lời lẽ kiêu ngạo, những "chỉ đạo" vô nghĩa đậm tính tuyên truyền của các quan chức Đảng và nhà nước có giảm bớt. Hy vọng rằng đại dịch Covid là cơ hội để những người cầm quyền tại Việt Nam rút ra hai bài học lớn, đó là bỏ thói kiêu ngạo cộng sản (bỏ luôn ý thức hệ cộng sản càng tốt) và củng cố hệ thống an sinh xã hội của mình.
Nguyễn Thị Sen, VNTB, 19/07/2021
Lối chống dịch truy lùng từ F0 cho đến F4, cách ly tập trung, phong toả cục bộ bất kỳ nơi nào có F0 xuất hiện đã từng phát huy hiệu quả trong năm 2020 và đầu năm 2021. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục duy trì sản xuất để đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế, thành quả cho đến cuối tháng Tư vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới cho là hình mẫu chống dịch. Tuy nhiên hình mẫu ấy lại lộ ra nhiều bất cập khi số lượng người bị lây nhiễm tăng cao và tăng nhanh mỗi ngày ở các tỉnh phía Nam mà bắt đầu từ Sài Gòn.
Ông Bí thư thành uỷ đã tuyên bố cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia để chống dịch khi đang chới với trong làn sóng Covid lần thứ tư với biến thể Delta nguy hiểm. Người nghe ắt có cảm giác rằng, quan chức Việt Nam chống dịch hồi nào đến giờ không hề tham khảo ý kiến chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, dịch tễ, bệnh truyền nhiễm, vi trùng học …
Chống dịch bằng khẩu hiệu hiếu chiến không thể chế ngự được con virus lây truyền qua không khí. Đảng không thể ra mệnh lệnh cho virus ngừng lan truyền để đạt được mục tiêu " thi đua giảm F0". Virus cũng chẳng phài là kẻ thù hữu hình để mà người dân với đại đa số sinh ra trong thời bình có ý tưởng chống dịch như chống giặc là gì. Thậm chí ngay cả 4 vị tứ trụ cũng chưa có một ngày cầm súng để hiểu chống giặc thì cũng chỉ có thể chống giặc bằng mồm.
Những chuyên gia như bác sỹ Phạm Ngọc Thắng hay Phan Xuân Trung gần đây đã đưa ra lời đề nghị ngưng cách ly tập trung tất cả các loại F, trừ trường hợp F0 nặng để giảm tải cho y tế cũng như giành nguồn lực chữa trị cho bệnh nhân nặng và các bệnh nhân thông thường khác. Chính phủ Việt Nam chỉ mới bước đầu thí điểm cho cách ly tại nhà trong khi đã có kịch bản cho 100.000 ca bệnh thì lại có chuyên gia rất thức thời nịnh nọt đã gợi ý sử dụng xuyên tâm liên để trị Covid .
Sử dụng xuyên tâm liên có vẻ như rất trúng ý của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi ông gợi ý bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung, ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị Covid. Xuyên tâm liên của một thời đói khổ thiếu thốn tưởng như đã tuyệt chủng khi đời sống người dân khá lên, thiếu thốn lương thực thuốc men không còn nữa lại được hồi sinh.
Chính phủ có chịu nghe ý kiến chuyên gia ra sao ?
Báo chí, nghiên cứu về hiệu quả vắc xin Trung Quốc đã có với những tấm gương từ Peru, Brazil, Thái Lan, Indonesia những Bộ y tế vẫn cấp phép cho Sapharco mua 5 triệu liều vắc xin của Sinopharm . Cũng loại vắc xin này đã được tiêm hơn 30.000 liều cho người dân ở Móng Cái trong số 500.000 liều vắc xin do Trung Quốc "trao tặng". Một phần được mang vô Sài Gòn ưu tiên chích cho người Trung Quốc còn dư lại sẽ tiêm cho một số người. Ai sẽ là nhóm nhỏ được tiêm loại vắc xin này ? Và còn 5 triệu liều tiếp theo sẽ được nhập về để tiêm cho ai ? Chính phủ lại dám sử dụng mạng người dân để làm chuột bạch cho một loại vắc xin không mấy quốc gia tiên tiến nào tin tưởng ?
Chính phủ đã đồng ý cho tập đoàn T&T đặt mua 40 triệu liều Sputnik V của Nga sau khi được tặng 1.000 liều vắc xin này hồi tháng 3. Trong một cuộc thảo luận với các chuyên gia từ Mỹ, Thuỵ sĩ, Úc về dịch bệnh diễn ra vào ngày ngày 17 /7/2021 Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ đã bị bằng gáo nước lạnh vào sáng sớm khi bị loại khỏi cuộc chơi mà không được báo một tiếng chỉ vì đã phản biện việc sử dụng vắc xin của Nga.
Theo Tiến sĩ Vũ vắc xin Nga không đáng tin vì số liệu thô không được tiếp cận, số liệu được tiếp cận lại không đầy đủ, có sai sót mà phía Nga cho là lỗi đánh máy và hơn hết là các tổ chức WHO, FDA, EMA vẫn không đưa loại vắc xin này vào danh sách khẩn cấp dù đang trong tình trạng thiếu hụt vắc xin. Lời nói thẳng không dịu tai của một chuyên gia đã không có cơ hội được lắng nghe dù đó là buổi toạ đàm của Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam – AVSE (Association of Vietnamese Scientists and Experts). Tiến sĩ Vũ cũng đã có khuyến cáo về vắc xin của Trung Quốc trước đây.
Cũng mới đây thôi, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, Vũ Thành Tự Anh đã góp ý cho chính phủ nên chấp nhận tổn thương kinh tế ngắn hạn để rộng đường ra quyết định chống dịch. Trong bài phỏng vấn với vnExpress, ông cho rằng đã tới lúc chính phủ nên xem xét phươn án tuyên tình trạng khẩn cấp để tránh cho "hệ thống y tế của nhiều tỉnh thành sẽ nhanh chóng quá tải, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác."
Ý kiến này của chuyên gia có lẽ sẽ không được chấp nhận vì ông đã chỉ ra các điểm không êm tai : số ca nhiễm hàng ngày của Việt Nam giờ nằm trong top 25 trên thế giới, tình trạng cục bộ ở các địa phương, thiếu khuôn khổ chính sách đồng bộ và nhất quán từ Trung ương và nhiều hệ luỵ về kinh- tế xã hội từ đó. Ý kiến xác đáng nhưng bài phỏng vấn của ông đã bị gỡ xuống.
Giờ Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh lại kêu gọi chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào chia sẻ những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, hiến kế đồng thời góp quỹ cho thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Là một người Việt hải ngoại tôi xin hiến kế đơn giản : nghe lời khuyên của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ và Vũ Thành Tự Anh, của bác sĩ Phạm Ngọc Thắng và Phan Xuân Trung.
Học bài học kinh nghiệm xương máu của các quốc gia Âu Mỹ.
Hãy từ bỏ tư duy chống dịch xã hội chủ nghĩa, đừng chống dịch bằng khẩu hiệu nữa ! Đơn giản thế là được rồi !
Nguyễn Thị Sen
Nguồn : VNTB, 19/07/2021
**********************
Võ Hàn Lam, VNTB, 19/07/2021
Trước hết, cần thấy rất rõ ràng rằng trong nền kinh tế thị trường được đánh giá vào loại phát triển bậc nhất thế giới như Mỹ, việc cung cấp nhu yếu phẩm cho hơn 300 triệu dân chỉ nằm trong tay rất nhỏ số lượng các nhà cung ứng với mức độ tự động hóa rất cao.
Do vậy, khi nước Mỹ ở giữa tâm dịch các hoạt động gần như ngừng lại, để đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân, Tổng thống Mỹ đã triệu tập lãnh đạo các doanh nghiệp cung ứng chúng là giải quyết xong. Việc tổ chức cung ứng nhu yếu phẩm của Mỹ rất gọn gàng.
Việt Nam thì không như vậy, mặc dù người đứng đầu Đảng luôn tỏ ra tự tin về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, để theo đó tương ứng phải là nền kinh tế mang tên gọi ‘thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa’. Người đứng đầu Đảng đã kiên trì cho việc bổ túc liên tục về lý thuyết hàn lâm cho chủ thuyết này.
Thế nhưng với những gì đang diễn ra về mọi mặt, từ phòng chống dịch Covid cho đến an sinh của dân chúng và duy trì tài chính quốc gia đều không được bền vững, và gãy đổ xuất hiện như một hiệu ứng của cú đổ donino.
"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận của Đảng ta " là tựa bài báo của tờ Nhân Dân số phát hành ngày 22-5-2021, ghi tác giả là "Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản".
Bài báo nói trên nhằm ngợi ca việc vào ngày 16/5/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết : Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam .
"Bài viết luận giải đầy sức thuyết phục, sâu sắc một vấn đề lớn, rất cơ bản, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn : nói thực tiễn mà rất lý luận, nói lý luận trên nền thực tiễn sinh động. (...) Bài viết đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tin tưởng vững chắc hơn dựa trên cơ sở hiểu sâu sắc, toàn diện, đầy đủ, có căn cứ khoa học và thực tiễn về "định hình chủ nghĩa xã hội thế nào, và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam ?" – tác giả Vũ Văn Phúc đã nhận xét như vậy.
Thực tế không hề như những gì mà ông Vũ Văn Phúc đã tụng ca.
Nếu quả thật Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận của Đảng ta, vậy thì phải giải thích sau đó câu chuyện ở hiện tại là nhiều nhà vườn tại không ít địa phương đang khóc ròng vì không tìm được người mua. Nhiều nông dân tại Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu rao bán hành lá với giá 10.000 đồng/ kg cũng không có ai mua. Người chăn nuôi tại Đồng Nai kêu bán gà với giá 12.000 đồng/kg gà lông, chỉ hơn… 1/3 giá thành chăn nuôi nhưng thương lái từ chối lấy hàng.
Với chỉ thị 16 của ‘giãn cách xã hội’, đang dẫn đến sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa, mà chủ yếu là điểm nghẽn trong khâu vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vấn đề nêu trên.
Để phù hợp với ‘định hướng’, trước khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chỉ thị 16, Bộ Công thương từng lên tiếng khẳng định đã làm việc với các địa phương phía Nam, đồng thời cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng tiêu dùng của người dân với giá cả ổn định. Thậm chí bộ này còn lập cả một ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Thế nhưng, mọi thứ đến nay vẫn cứ loay hoay trong công tác tổ chức, phân phối theo đúng tôn chỉ mà người đứng đầu Đảng yêu cầu là ‘kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa’. Không thể nào gọi là"một đột phá lý luận của Đảng ta", khi mà trạng thái giãn cách xã hội kéo dài trong khi người dân "không biết lấy gì sống" sẽ dẫn đến một số tình huống không tốt, trước tiên là tình trạng "phá rào" vì người ta vẫn phải sống, và xa hơn nữa đó là mất lòng tin vào những gì được tung hô"đột phá lý luận của Đảng ta".
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 19/07/2021