Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhân quyền cho Việt Nam, cơ hội cho Dân biểu Châu Âu trước khi bỏ phiếu EVFTA

Claudio Francavilla, RFA, 07/02/2020

Vào ngày 11/2 tới đây, Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu đối với Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA). Đây là lần bỏ phiếu quan trọng quyết định việc hiệp định có đi vào hiệu lực hay không. Đã có nhiều tiếng nói từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, thúc giục các Dân biểu Châu Âu bỏ phiếu hoãn việc thực hiện EVFTA cho đến khi Việt Nam thực sự có cải thiện về nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền quốc tế hy vọng gì vào lần bỏ phiếu tới ? Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn ông Claudio Francavilla, đại diện của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) tại Châu Âu về chiến dịch vận động này.

evfta1

Hình minh họa.Ủy viên Thương mại của Châu Âu Cecilia Malmstrom (trái), Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doan nghiệp Romaia Stefan Radu Oprea (giữa) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (phải) ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019 AFP

RFA : Hôm 4/2 vừa qua, tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế cùng một số các tổ chức phi chính phủ khác đã gửi thư đến Nghị viện Châu Âu trước khi Nghị viện nhóm họp để bỏ phiếu cho Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên HRW gửi thư đến Nghị viện Châu Âu để thúc giục việc hoãn EVFTA, nhưng lần bỏ phiếu hồi tháng 1 vừa qua của Ủy ban Thương mại Quốc tế vẫn có kết quả là đồng ý với hiệp định. Vậy các ông có hy vọng gì vào lần gửi thư lần này ?

Claudio Francavilla : Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gửi thư thế này. Khoảng 1 năm rưỡi trước đây chúng tôi cũng đã gửi thư rồi và cả hồi tháng 1 năm 2019 chúng tôi cũng gửi thư thúc giục các Dân biểu Châu Âu gây sức ép, yêu cầu Việt Nam phải có những nhượng bộ trong vấn đề nhân quyền.

hy vọng và mục đích vẫn không thay đổi, đó là để các dân biểu Châu Âu nhận thấy đây là cơ hội chưa từng có trước đây để có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để có được những cải thiện nhân quyền chắc chắn từ Hà Nội. Nếu không làm vậy mà vẫn đồng ý với Hiệp định trong khi chưa có những cải thiện có ý nghĩa về vấn đề nhân quyền, có nghĩa là họ đã phí phạm mất cơ hội này.

RFA : Ông có nghĩ là phía vận động có đủ phiếu bầu lần này, vì lần trước chỉ có 6 phiếu bầu không và 29 phiếu bầu đồng ý.

evfta2

Biểu tình trước Nghị viện Châu Âu hôm 21/1/2020 phản đối EVFTA Photo : RFA

Claudio Francavilla : Tất nhiên kết quả bỏ phiếu ở Ủy ban Thương mại Quốc tế không phải là điều chúng tôi không dự đoán trước. Tất nhiên, các Dân biểu về thương mại chủ yếu chú ý vào các vấn đề thương mại và không quan tâm lắm đến các vấn đề khác như nhân quyền chẳng hạn. Và điều này là bất chấp những khuyến cáo mạnh mẽ từ nhiều Dân biểu khác như các Dân biểu Saskia Bricmont và Dân biểu Kirton Darling và một số Dân biểu khác. Họ đã cố gắng thuyết phục các Dân biểu khác hoãn lại việc bỏ phiếu này. Cùng lúc, chúng tôi cũng có được ý kiến từ Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện đòi hoãn bỏ phiếu. Tuy nhiên những lời kêu gọi này đã bị các Dân biểu thương mại bỏ qua. Tuy nhiên, các Dân biểu đã biết nhiều hơn về tình hình ở Việt Nam. Vào lúc này, có nhiều các Dân biểu và các nhóm liên tục tìm cách thuyết phục các đồng nghiệp của họ để hoãn lại việc thực hiện Hiệp định trong cuộc bỏ phiếu tới. Các tổ chức phi chính phủ cũng làm tương tự và chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ đạt được kết quả.

RFA : Đã có nhiều sức ép từ phía EU lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền, bao gồm cả nghị quyết từ Nghị viện Châu Âu hồi năm 2018. Tuy nhiên, theo nhận định của HRW thì tình hình nhân quyền của Việt Nam vẫn xuống dốc. Ông nhận định thế nào về điều này ?

Claudio Francavilla : Tôi nghĩ các sức ép đã không được chắc chắn và thực chất như đáng ra phải vậy. Các nghị quyết không phải là các công cụ có tính ràng buộc từ phía EU khi những đàn áp này đang xảy ra trong khi Châu Âu đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận. Trong khi đó, nhiều Dân biểu đã gửi thông điệp đến Hà Nội là mọi chuyện đều ổn thỏa, và Nghị viện sẽ đồng ý. Tất nhiên Hà Nội thấy là không phải thay đổi gì cả trong việc họ tiếp tục đàn áp (nhân quyền). Họ thấy là việc đàn áp cũng không mang lại hậu quả gì. Chính quyền Hà Nội thấy là họ không phải lo bị trừng phạt khi có những chỉ trích trên trường quốc tế. Và đó là lý do mà các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua. Đây là cơ hội mà các Dân biểu không nên bỏ lỡ để gây ảnh hưởng.

RFA : Đã có những nhượng bộ từ phía Việt Nam về vấn đề nhân quyền trong quá trình đàm phán EVFTA. Theo ông đánh giá thì những nhượng bộ nào là có ý nghĩa và những nhượng bộ nào cần phải rõ ràng và chắc chắn hơn ?

Claudio Francavilla : Tôi cho rằng đó là những nhượng bộ nhỏ có tính tích cực thay vì là những nhượng bộ thực sự có ý nghĩa. Một trong những nhượng bộ đó là việc thông qua một trong 3 công ước quan trọng của ILO mà Việt Nam phải thông qua, còn 2 công ước nữa Việt Nam vẫn còn phải thông qua. Thêm nữa là Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua hồi năm ngoái. Tuy nhiên, ILO cơ quan phối hợp với Việt Nam trong những thay đổi này đã nói rằng vẫn còn những thiếu sót. Ví dụ, Bộ Luật Lao động cho phép thành lập công đoàn độc lập, tuy nhiên tên gọi công đoàn độc lập không được nói đến chính thức trong luật. Khi đọc kỹ bạn sẽ thấy là nếu có thì họ chỉ được hoạt động ở mức độ nhà máy và địa phương. Họ phải được chính phủ chấp thuận nếu muốn thành lập. Trong luật cũng có các điều kiện khi nào thì chính phủ cho hoặc không cho phép thành lập các công đoàn như vậy. Cho nên quá trình này là hoàn toàn tùy tiện. Đó là những gì đã xảy ra. Còn những gì chưa xảy ra là việc trả tự do cho các tù chính trị. Như các bạn biết, đó là trường hơp bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, người đã liên lạc với Nghị viện Châu Âu. Tôi thấy có phản hồi của Đại sứ Việt Nam về trường hợp này, nói rằng ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng là tội gì thì không nói. Đại sứ còn so sánh quyền tự do bày tỏ ý kiến ở Việt Nam với các trường hợp khác ở phương Tây hay ở EU.

evfta3

Hình minh họa. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa án ở Nghệ An hôm 15/11/2019. Courtesy of baonghean.vn

Kêu gọi quan trọng nhất từ các Dân biểu là kêu gọi Việt Nam thay đổi Bộ Luật Hình sự. Trên thực tế, theo những số liệu thống kê thì có khoảng từ 140 đến 300 nhà hoạt động bị bỏ tù. Họ bị bỏ tù vì các điều luật hà khắc trong Bộ Luật Hình sự. Các điều luật này đã hình sự hóa bất cứ việc bày tỏ ý kiến hoặc bất đồng chính kiến, bất cứ những chỉ trích nào nhắm vào chính phủ. ILO cũng nói rằng các điều luật đó tạo thêm những rào cản cho việc thực thi quyền của người lao động theo hiệp định.

Việt Nam có thể thông qua các công ước hay thông qua bất cứ điều luật nào mà bạn muốn nhưng những điều này gần như là vô nghĩa trừ khi các điều luật trong Bộ Luật Hình sự được thay đổi.

RFA : Có một số người cho rằng việc thông qua EVFTA sẽ dẫn đến những cải thiện về nhân quyền ở Việt Nam. Ông nhận định thế nào về ý kiến này ?

Claudio Francavilla : đây là một lập luật trống rỗng, giống như một khẩu hiệu mà chúng tôi cứ nghe đi nghe lại từ những những người ủng hộ việc thông qua hiệp định. Trong lá thư mà chúng tôi mới gửi, chúng tôi đã cố gắng lập luận đối lại lập luật này và chứng minh rằng nó không có ý nghĩa. Một số điểm mà chúng tôi tranh luận lại bao gồm :

Thứ nhất, lập luận của những người ủng hộ cho rằng khi kinh tế phát triển thì tầng lơp trung lưu cũng phát triển và mạnh hơn, và họ sẽ đòi hỏi thêm các quyền về dân sự và chính trị, và sẽ có những thay đổi trong nước. Nhưng nếu nhìn vào ví dụ Trung Quốc thì điều này khác hẳn. Không có bằng chứng nào cho thấy là kinh tế phát triển thêm thì sẽ có thêm quyền chính trị. Mặt khác, Việt Nam đã có sự phát triển kinh tế rất tốt trong những năm qua, nhưng việc đàn áp lại gia tăng.

Lập luận thứ hai là thỏa thuận thương mại có chương về phát triển bền vững và điều khoản về nhân quyền, cho nên khi hiệp định đi vào hiệu lực nó sẽ mang lại thay đổi trong nước. Chúng tôi đã đọc chương về phát triển bền vững và chúng tôi không thấy các điều khoản bắt buộc, không có chế tài, không có thời hạn. Nó đơn giản chi đề nghị thông qua các công ước của ILO. Nếu bạn đọc Hiệp định bạn sẽ thấy là Việt Nam sẽ xem xét việc tiến hành thông qua các công ước. Hiệp định không nói là Việt Nam phải làm, nên làm trong thời gian nào, nếu Việt Nam cứ trì hoãn việc thông qua. Cho nên ảnh hưởng của chương này là gần như không có.

Lập luận thứ 3 của những người ủng hộ việc thông qua hiệp định là điều khoản nhân quyền trong Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác giữa Việt Nam và EU (PCA). Họ nói là nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền thì Hiệp định sẽ bị ngưng lại. Một số lý do cho thấy điều này là hoang tưởng. Thứ nhất điều này chưa từng bao giờ xẩy ra trong quá khứ khi một thỏa thuận thương mại bị ngưng lại vì vấn đề nhân quyền. Thứ hai là nếu nó bị ngưng thì sẽ có hại cho cộng đồng các doanh nghiệp Châu Âu đã đầu tư vào Việt Nam. Tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn lên cao, người ta có thể nói là khi thỏa thuận đi vào hiệu lực thì điều khoản nhân quyền sẽ có tác dụng nhưng thực tế không phải vậy.

RFA : Một trong các điều kiện trong thư của các tổ chức phi chính phủ đưa ra đối với Việt Nam là thiết lập một cơ chế giám sát độc lập để giúp người dân bị ảnh hưởng bởi hiệp định, xin ông có thể giải thích thêm về điều kiện này ? Phải chăng hiệp định cũng đã có những điều khoản về vấn đề môi trường và nhân quyền rồi ?

evfta4

Hình minh họa. Ông Lê Đình Kinh với các vết thâm trên người (trái) và cảnh sát cơ động vào Đồng Tâm hôm 9/1/2020 Courtesy of FB

Claudio Francavilla : Đúng là thỏa thuận có chương về phát triển bền vững nhưng không có điều khoản nào có thể thực hiện. Về cơ chế mà chúng ta nói đến. Nếu nhìn vào vụ Đồng Tâm mới đây thì đây là vụ liên quan đến cưỡng chế đất đai vốn là điều khá phổ biến ở Việt Nam. Với thỏa thuân này thì Việt Nam sẽ sản xuất nhiều hơn và xuất khẩu nhiều hơn. Do đó sẽ cần nhiều đất đai hơn. Ở một đất nước mà tư pháp không độc lập, một cơ chế để giúp người dân bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận là điều cần thiết. Việc để những người dân này phụ thuộc vào hệ thống tư pháp Việt Nam như vậy sẽ không phải là điều lý tưởng cho họ. Bạn có thể mở lại đàm phán về hiệp định, hoặc có thể áp dụng một thủ tục tùy chọn để thiết lập cơ chế này.

RFA : Ngày 11/2 tới Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu lần cuối về hiệp định và nếu được thông qua thì chỉ khoảng 1 tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục, hiệp định sẽ đi vào hiệu lực. Ông nghĩ thế nào về khả năng bên vận động có thể thuyết phục các Dân biểu, và nếu phần đông họ vẫn đồng ý như lần bỏ phiếu trước thì kế hoạch tiếp theo của bên vận động là gì ?

Claudio Francavilla : Chúng tôi hy vọng sẽ không phải là lần cuối cùng. Chúng tôi đã thấy nhiều nỗ lực từ nhiều Dân biểu và các tổ chức phi chính phủ, thuyết phục Nghị viện Châu Âu hoãn lại hiệp định. Nếu chúng tôi không thành công trong việc này thì tất nhiên công việc của chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận những gì xảy ra ở Việt Nam và gây ảnh hưởng tới các bên. Nhưng nếu Nghị viện đồng ý thì điều này sẽ làm mọi việc thêm phức tạp. Nếu các Dân biểu đồng ý với Hiệp định mà không có một dấu hiệu cải thiện về nhân quyền thì thông điệp mà họ gửi cho Hà Nội là tất cả những lời kêu gọi không có ý nghĩa gì, vì họ đã có cơ hội tạo ảnh hưởng mà họ đã không sử dụng. Việt Nam không quan tâm đến những tuyên bố của quốc tế. Tất cả mọi người đều biết về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam mà EU có. Một khi các Dân biểu có cơ hội, họ nên tận dụng vì một khi họ lãng phí nó thì mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn trong tương lai.

RFA : Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nguồn : RFA, 07/02/2020

**********************

Vụ Đồng Tâm bị tố cáo là "tội ác"

RFA, 06/02/2020

"Tôi tố cáo"

Một bài viết của Nhà văn Nguyên Ngọc, với nhan đề "Tôi tố cáo", được tác giả phổ biến vào ngày 4/2 đã lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua với sự chú ý đặc biệt trong dư luận.

evfta5

Hình minh họa. Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng (trá), đảng viên gần 60 năm tuổi đảng Lê Đình Kinh (phải), người vừa bị giết chết trong vụ công an tấn công vào Đồng Tâm hôm 9/1/2020 - Courtesy of AFP, Facebook, RFA edited

Trong nội dung bài viết "Tôi tố cáo", Nhà văn Nguyên Ngọc mô tả lại vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1 rằng "gần 3000 quân thuộc lực lượng vũ trang chính quy của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại và các khí tài công nghệ tác chiến tiên tiến đã được huy động bất ngờ tấn công vào thôn Hoành" và Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định vụ việc này là một vụ "giết người đi đôi với cướp của" qua hành động lực lượng vũ trang khống chế làng Đồng Tâm ; bắt bớ, đánh đập người dân Đồng Tâm ; tập trung đột kích vào nhà cụ Lê Đình Kình, "dùng vũ khí phá cửa nhà cụ Kình, phun hơi cay, xông thẳng vào giường cụ Kình, đánh đập tra tấn Cụ máu me lênh láng khắp phòng, chĩa thẳng súng bắn đúng vào tim Cụ, vào đầu Cụ, bắn nát chân Cụ" và "còn bắn nát một tủ sắt, cướp mang đi một tủ gỗ trong đó cụ Kình vẫn cất giữ chu đáo tất cả giấy tờ bản đồ chính thức về Đồng Tâm và riêng Đồng Sênh".

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng vụ tấn công quy mô và giết người kinh hoàng ở thôn Hoành mà nạn nhân là cụ Lê Đình Kình "đã bị các lực lượng vũ trang của chính quyền Việt Nam xử tử hình với hình thức tàn bạo nhất, không theo bất cứ quy định và trình tự pháp luật nào hết", qua các tuyên bố công khai của Bộ Công an cho thấy đã không có bất cứ một văn bản mệnh lệnh có tính pháp lệnh của bất kỳ cơ quan pháp luật nào.

Trong cùng ngày 4/2, Nhà báo Lê Phú Khải đăng tải trên trang Facebook cá nhân bài viết có tựa đề "Đồng Tâm. Đất và Máu". Trong bài viết vừa nêu, Nhà báo Lê Phú Khải nhắc lại một vụ án liên quan đến đất và máu đã làm rung chuyển dư luận Việt Nam và Pháp hồi đầu thế kỷ 20, đó là vụ án xảy ra ở đồng Nọc Nạn. Người nông dân Biện Toại trong vụ án này được tòa án dưới thời Thực dân Pháp cai trị tuyên trắng án vì đã chống lại bọn cường hào và lực lượng Phú Lang Sa cầm quyền để bảo vệ đất khẩn hoang của gia đình.

Nhà báo Lê Phú Khải viết gần một thế kỷ sau "Đất và máu Đồng Tâm sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử thế kỷ 21 và mãi mãi, dù chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam có còn hay mất, thì vết nhơ này vẫn còn mãi với những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam ở thời điểm này". Nhà báo Lê Phú Khải đã khẳng định trong bài viết của ông rằng "Vụ Đồng Tâm, nhà nước độc đảng, độc tài đã hành xử vô luân, vô pháp ở thời đại 4.0 thông tin nối mạng toàn cầu !"

Vào tối ngày 6/2, nhà văn Nguyên Bình lên tiếng rằng bà có cùng quan điểm tố cáo Chính quyền Việt Nam trong vụ Đồng Tâm với Nhà văn Nguyên Ngọc và Nhà báo Lê Phú Khải. Nhà văn Nguyên Bình nói với RFA :

"Về vụ Đồng Tâm thực ra tôi cũng đã theo dõi từ đầu, mấy năm nay chứ không phải bây giờ. Tôi thấy rõ ràng là những tư liệu hay các vấn đề gì liên quan thì đúng y như cụ Kình đã nói mà cụ Kình đã nói rất nhiều lần và lần nào cũng nói đúng như thế. Tôi đã tận mắt nhìn thấy bản đồ treo ở nhà cụ Kình rồi. Chỗ cánh đồng Sênh là chắc chắn không phải thuộc đất quốc phòng như nhà cầm quyền nói.

Bây giờ tôi đang thắc mắc là không hiểu tại sao có một động cơ gì sâu xa mà họ làm đến mức độ như thế ? Và tôi thấy việc đánh úp dân Đồng Tâm là quá dã man và quá vi phạm đủ mọi thứ luật pháp mà chính luật pháp do Nhà nước Việt Nam này đề ra, nhưng họ đã không làm. Tôi cho là từ ông to nhất gồm ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Tô Lâm thì đều sai trái hết, chẳng có gì là đúng cả".

Từ Paris, Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, thuộc Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, theo dõi sát sao vụ việc Đồng Tâm và ông nêu lên quan điểm cá nhân về cách hành xử của Chính quyền Việt Nam trong vụ việc này :

"Đây là hành động chứng tỏ Đảng cộng sản Việt Nam đã tan vỡ về mặt tinh thần. Chứ còn ngay cả một chính quyền đạo tặc tới đâu chăng nữa, khi mà quyết định giết một người thì cũng phải có một pháp luật tối thiểu, có một xử án tối thiểu nào đó dù là vu cáo đi nữa. Còn đằng này không. Không xử án cũng không vu cáo. Chỉ có xông vào giết người và cướp của. Hành động này là thuần túy đạo tặc. Tôi nghĩ rằng không thể so sánh với bất cứ hành động của một chính quyền nào. Đảng cộng sản Việt Nam trong vụ này đã không hành động như một chính quyền, mà hành động như một đảng cướp".

Là một nhà quan sát tình hình Việt Nam, ông Nguyễn Gia Kiểng nhấn mạnh :

"Những vụ đàn áp dân oan trước đây cũng có những cảnh giết người. Tôi đã từng coi một video, trong đó người ta dùng xe ủi đất để giết một người đàn bà nên vụ Đồng Tâm chỉ là thêm một trong những tội ác của chế độ Cộng sản trong chính sách cướp đất của dân thôi".

evfta6

Một số nhân sĩ trí thức Việt Nam. Nhà văn Nguyên Ngọc (thứ hai, bìa trái sang) và Nhà báo Lê Phú Khải (áo sơ mi trắng)đứng ngay phía sau Nhà văn Nguyên Ngọc. Courtesy : Facebook Lê Phú Khải

Tuyên bố lên án "tội ác" ở Đồng Tâm

Đài RFA ghi nhận một Tuyên bố "Lên án tội ác diễn ra ở Đồng Tâm rạng sáng 8/1/2020" được công bố từ Việt Nam vào ngày 6/2. Trong tuyên bố này nêu rõ vụ việc ở Đồng Tâm là "là một tội ác chống lại nhân dân, chống lại đạo đức con người, chống lại kỉ cương luật pháp nhà nước, chống lại cả văn minh loài người mà thế kỷ 21 đã đạt được".

Bản tuyên bố kêu gọi sự tham gia ký tên của các cá nhân và tổ chức với "đòi hỏi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án giết người, hành hung và bắt người, chiếm đoạt tài sản lớn của dân" và phải trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật "những ai chủ mưu, tổ chức, chỉ huy chiến dịch lớn phi pháp từ đêm 8/1/20 đánh vào dân lương thiện Đồng Tâm".

Trong các bài viết của mình, Nhà văn Nguyên Ngọc và Nhà báo Lê Phú Khải cũng đòi hỏi Chính quyền Việt Nam lập tức ra lệnh khởi tố vụ án giết cụ Lê Đình Kình một cách minh bạch, công khai, công bằng.

Nhà báo Lê Phú Khải vào tối 6/2 nói với RFA :

"Vụ Đồng Tâm như thế tức là phi nhân, phi pháp, ai cũng thấy rồi. Thế bây giờ nhà nước còn một con đường để gỡ lại là những người dân ở Đồng Tâm đã bị bắt thì phải đem xử cho tử tế, đúng pháp luật giống như trong bài tôi viết ‘Đồng Tâm : Đất và Máu’, cứ xử như cách đây 100 năm mà Thực dân Pháp đã xử vụ đồng Nọc Nạn. Được như vậy thì quá quý rồi ! Thực dân Pháp cai trị mình 100 năm mà còn có luật pháp. Bây giờ mình không có luật pháp thì còn ra cái gì nữa ? Một nhà nước mà phi nhân, phi pháp như thế thì nó không thể tồn tại được".

Ông Nguyễn Gia Kiểng đánh giá vụ việc Đồng Tâm là "đánh dấu một cột mốc trên chặng đường đào thải của Đảng cộng sản Việt Nam" và ông đồng tình sự lên án đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, ông không cho rằng Chính quyền Việt Nam sẽ khởi tố vụ án giết hại cụ Lê Đình Kình :

"Chuyện đã quá hiển nhiên rồi cho nên không còn cái gì để bàn cãi nữa. Trong tương lai tôi không nghĩ Đảng cộng sản sẽ có mở một cuộc điều tra dù là hình thức về vụ giết người này. Có thể là họ tiếp tục chính sách trơ lì bằng cách là đem những người ở Đồng Tâm ra tòa xét xử về tội ‘chống nhà nước’. Nhưng mà có một điều là họ không xét xử hành động đạo tặc và hành động giết người, bởi vì tôi nghĩ chính họ phạm cái tội này. Có lẽ trong cấp lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, cũng có những người tiếc rằng mọi sự đã xảy ra như thế nhưng dầu sao chăng nữa thì họ cũng không đủ can đảm để xin lỗi và nhận lỗi đâu. Trái lại, họ sẽ đem con cháu ông Kình ra xét xử và họ cũng sẽ ngượng mà không xét xử quá nặng thôi".

Một số nhân sĩ trí thức Việt Nam vào ngày 31/1 đã soạn thảo và công bố một bức thư gửi đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres để kêu gọi sự can thiệp trong vụ Đồng Tâm với một cuộc điều tra độc lập.

Nhà văn Nguyên Bình, một người ký tên trong Tuyên bố "Lên án tội ác diễn ra ở Đồng Tâm rạng sáng 8/1/2020" xác quyết với RFA :

"Nếu mà không có sự vào cuộc của một tòa án hay một điều tra độc lập của quốc tế thì không thể nào làm rõ được vụ này".

Còn nhà văn Nguyên Ngọc, trong bài viết "Tôi tố cáo" đã kết rằng "Là công dân Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, tôi tố cáo tội ác trời không dung đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới. Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu".

Nguồn : RFA, 06/02/2020

Additional Info

  • Author Claudio Francavilla, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn