Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Container rỗng trên tàu qua Châu Âu

Cho đến nay, Trung Quốc luôn phô trương thành công của Sáng Kiến Con Đường Tơ Lụa Mới kết nối hai lục địa Á-Âu, đặc biệt là tuyến đường vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa đã có thể đưa hàng thẳng từ Trung Quốc đến tận Luân Đôn kể từ năm 2017.

one1

Trong số các container gọi là đựng hàng hóa được chuyển vận trên Con Đường Tơ Lụa Mới qua Châu Âu, không ít là thùng không !

Theo một bản tin của hãng thông tấn Anh Reuters vào giữa năm 2018, tập đoàn Đường Sắt Trung Quốc China Railway từng khoe rằng trong năm 2017 đã có đến 3.673 đoàn tàu chở hàng kết nối giữa Trung Quốc và Châu Âu, tăng hơn gấp đôi so với 1.702 chuyến của năm 2016 và là cú nhẩy vọt so với vỏn vẹn 17 chuyến tàu container trong năm 2011.

Thế nhưng mới đây, vào hạ tuần tháng 8/2019, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) đã phơi bày một sự kiện hầu như không được Bắc Kinh nói đến : Trong số các container gọi là đựng hàng hóa được chuyển vận trên Con Đường Tơ Lụa Mới qua Châu Âu, không ít là thùng không ! Và thực tế này đã được chính giám đốc Tập Đoàn Đường Sắt Trung Quốc China Railway, chịu trách nhiệm quản lý các tuyến đường sắt chuyển vận hàng hóa, công nhận.

Theo nhật báo Hồng Kông, vụ lừa đảo to lớn liên quan đến Sáng Kiến Con Đường Tơ Lụa đã bị đưa ra ánh sáng sau khi lãnh đạo của Tập Đoàn Đường Sắt Trung Quốc đã phải công khai thú nhận trong tháng 8 vừa qua là một khối lượng đáng kể container chuyển vận từ Trung Quốc qua Châu Âu bằng đường sắt chỉ là container trống rỗng.

Tập đoàn Đường Sắt Trung Quốc đã bị buộc phải thú nhận vụ bê bối này vì một cuộc điều tra của tạp chí Chinese Business Journal, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, đã phát hiện ra các vụ gian lận mà một trường hợp ghê gớm nhất là trên một chuyến tàu cụ thể chở 41 container, thì chỉ có duy nhất một cái là có hàng hóa mà thôi.

SCMP nhắc lại rằng Con Đường Tơ Lụa là công trình to lớn mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tiếc công sức quảng bá với mục tiêu thúc đẩy thương mại toàn cầu, trong đó Trung Quốc có vai trò trọng tâm. Đối với doanh nhân Trung Quốc, đó cũng là dịp để thủ lợi, và họ đã dùng mọi thủ đoạn để moi lấy trợ cấp tài chính nằm trong kế hoạch của ông Tập, các khoản tài trợ từ chính quyền trung ương cũng như từ các chính quyền địa phương.

Để chứng tỏ thái độ hưởng ứng chiến lược địa chính trị của Bắc Kinh, nhiều chính quyền địa phương trong thời gian qua đã lao vào việc mở thêm và tăng cường những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa đến Châu Âu xuyên qua các vùng rộng lớn ở Trung Á. Thế nhưng nhiều nhà xuất khẩu thật ra lại cho chở thùng không để nhận trợ cấp của chính quyền.

Khi công nhận sự kiện nói trên trong một bài phỏng vấn của Hoàn Cầu Thời Báo, Tập Đoàn Đường Sắt Trung Quốc cho rằng vấn đề đã được giải quyết từ năm ngoái, 2018, và đã có những quy định mới giới hạn lượng container trống rỗng trên các đoàn tàu ở mức tối đa 10%.

Tập đoàn này cũng bào chữa là trong số các container chuyển đến Châu Âu trong năm 2018, chỉ có 6% là trống, so với 29% trên các đoàn tàu đi về phía đông. Riêng trong nửa đầu năm 2019, thì tỷ lệ này đã giảm hẳn, chỉ còn 2% và 18%.

Vấn đề thùng không là hệ quả của mong muốn phô trương

Theo ông Jonathan Hillman, một chuyên gia kỳ cựu về thương mại Trung Quốc-Châu Âu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington, vấn đề container trống rỗng xuất phát từ ý muốn phô trương thành công của Con Đường Tơ Lụa, "chạy theo lợi ích chính trị ngắn hạn bất chấp những nền tảng kinh tế dài hạn".

Theo chuyên gia này : "Những tuyến vận chuyển này là công cụ quảng cáo hữu hiệu để rao bán Con Đường Tơ Lụa, nhưng sẽ không thách thức được thế thống trị của các tuyến hàng hải".

Và theo ông Hillman, những khoản tài trợ hậu hĩnh của chính phủ cho các tuyến tàu hỏa chở hàng, cộng thêm với những lời tán dương của báo chí Trung Quốc đã khuyến khích các hành vi lạm dụng thái quá.

Năm 2018, bộ Tài Chính Trung Quốc đã trợ cấp đến 50% phí chuyên chở hàng bằng xe lửa qua Châu Âu. Năm nay trợ cấp đã giảm xuống 40%, và chỉ còn là 30% vào năm 2020 để hoàn toàn mất đi vào năm 2022.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của SCMP, trợ cấp giảm đã kéo theo nhiều hậu quả. Ở Hắc Long Giang, tỉnh giáp ranh với Nga, hai tuyến đường sắt đã không hoạt động vào năm ngoái vì thiếu trợ cấp. Hai tuyến này đi từ thủ phủ Cáp Nhĩ Tân (Harbin) đến Matxcơva (Nga) và Hamburg, (Đức), theo lời một quan chức phòng vận chuyển hàng hóa của tập đoàn Đường Sắt Cáp Nhĩ Tân (China Railway Harbin Group).

Tài trợ hậu hĩnh cho vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa

Ngoài chính quyền trung ương thì các cấp địa phương cũng có những khoản tài trợ riêng. Thành phố Tây An chẳng hạn đã tài trợ đến 3000 đô la cho mỗi container hàng đến Châu Âu trong năm 2018, theo thông cáo của chính quyền thành phố .

Theo CSIS, nhìn chung, trợ cấp địa phương đi từ 1000 đô la đến 5000 đô la cho mỗi container cỡ 40 foot.

Còn theo 2 nhà nghiên cứu Trung Quốc, năm ngoái một số chính quyền địa phương đã trợ cấp đến 7.500 đô la cho mỗi container hàng hóa do chính mình sản xuất và 4.000 đô la cho hàng hóa do địa phương khác sản xuất. Những trợ cấp hậu hĩnh này đã gây ra cạnh tranh dữ dội giữa các địa phương…

Tính ra có 59 thành phố Trung Quốc từ Cáp Nhĩ Tân, miền đông bắc, đến Thẩm Quyến, ở phía nam, đã có những tuyến xe lửa trực tiếp chở hàng qua Châu Âu từ khi ông Tập Cận Bình đưa ra kế hoạch Con Đường Tơ Lụa mới như một chiến lược quốc gia.

Nhưng không phải tất cả các tuyến đều có lợi kinh tế. Một người chuyên về dịch vụ vận tải hàng hóa ở Hàng Châu thường khuyên khách hàng nên sử dụng đường thủy vì tiết kiệm hơn cho dù mất thêm một ít thời gian : "Chuyển hàng bằng xe lửa của China Railway từ Hợp Phì (thủ phủ tỉnh An Huy) đến Hamburg (Đức), sẽ mất 18 ngày, đôi khi kéo dài đến 20 ngày. Nếu đi bằng đường biển sẽ mất khoảng 30 ngày. Chênh lệch không là bao. Nhưng giá chuyển vận bằng xe lửa cao hơn ít ra là gấp 2 lần đường tàu biển".

Mai Vân

Nguồn : RFI, 13/09/2019

Published in Diễn đàn