Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Miến Điện, cuộc cách mạng máu

Cánh Cò, RFA, 16/03/2021

Bất cứ cuộc cách mạng chính trị nào cũng đổ máu, nhưng cuộc chiến chống độc tài quân phiệt của Miến Điện có lẽ máu đổ nhiều hơn nơi khác khi cả thế giới gần như bất lực đứng nhìn quân đội, cảnh sát, lực lượng an ninh chìm nổi thẳng tay tàn sát người biểu tình bằng mọi phương tiện chiến tranh. Tính cho tới nay sau hơn một tháng rưỡi đảo chánh, quân đội Miến Điện đã hạ sát 70 người, trong đó nhiều nhất là giới trẻ.

bangontay1

Cả thế giới gần như bất lực đứng nhìn quân đội, cảnh sát, lực lượng an ninh chìm nổi thẳng tay tàn sát người biểu tình bằng mọi phương tiện chiến tranh.

Nếu cuộc cách mạng dù ở Hongkong làm thế giới ngưỡng mộ thì cuộc cách mạng "ba ngón tay" tại Miến làm cho loài người rúng động vì độ tàn bạo của kẻ nắm trong tay vũ khí. Họ bắn thẳng vào người biểu tình bất kể người đó là ai, nam hay nữ, già hay trẻ cứ biểu tình là bắn. Dĩ nhiên những viên đạn rời khỏi nòng súng ấy được cho phép và người cầm súng không bị bất cứ ràng buộc nào của pháp luật. Tất cả sự tàn bạo hiện nay chỉ là một góc khuất vừa bày ra cho nhân loại thấy tính chất vô luân của tập đoàn quân sự Miến, nơi mà quyền lực đồng nghĩa với quyền lợi của một nhóm người nắm trọn quyền bính của quốc gia đã và đang đẩy người dân Miến vào ngõ cụt của một nền dân chủ èo uột vì sinh non và chết yểu vì họng súng.

Tập đoàn quân sự Miến đã vì những mỏ ngọc, những quyền lợi từ tài nguyên quốc gia lẫn nguồn lợi kếch sù từ sức tiêu dùng của người dân, đã thẳng tay đạp đổ một chính thể được người dân bầu lên và đang nổ lực xây dựng một đất nước Miến bị tàn phá. Được tập đoàn cộng sản Trung Quốc đứng phía sau tiếp tay, tập đoàn quân phiệt Miến không còn biết sợ hãi bất cứ thế lực nào từ bên ngoài nhằm cản trở sự manh động của họ.

Đối với Mỹ, một vài biện pháp chế tài, cấm vận đối với vài cá nhân không nói lên được chính sách mạnh mẽ của nước Mỹ đối với sự tàn khốc mà chính quyền Miến mang tới cho dân tộc của họ. EU cũng không hơn gì khi chống lại hành vi giết người chỉ bằng những tuyên bố suông và những từ ngữ kết án như một khúc quân hành.

ASEAN như thường lệ, không can thiệp vào nội bộ của nhau, một slogan luôn được mang treo trong bất cứ cuộc họp nào trong nhóm.

Nga, Tàu một giuộc đã đành, Việt Nam cũng chai mặt khi thỏa hiệp với họ cùng với Ấn lên tiếng không đồng tình với LHQ trong tuyên bố chung về những gì Miến Điện đang vi phạm có thể dẫn đến một phiên tòa hình sự quốc tế xét xử tội ác chống nhân loại của tập đoàn quân phiệt Miến.

Phản ứng này của Việt Nam là dể hiểu vì mối tương quan giữa hai chế độ không khó nhận ra.

Nếu quân phiệt Miến quyết giữ ghế vì quyền lợi và thế lực thì tập đoàn Ba Đình cũng không khác mấy với chủ trương Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Nếu Miến cướp chính quyền từ lá phiếu của người dân thì Đảng cộng sản đã làm việc tương tự từ hơn 70 năm trước rồi. Nếu Miến dựa vào Trung Quốc nhằm chống lại cả thế giới cho ý đồ thôn tính đất nước thì Hà Nội không những vỗ tay hoan nghênh mà còn cảm thấy mình không đơn độc.

Còn một lý do rất lớn khác đó là tập đoàn Viettel đã bỏ hết tương lai của nó vào đất Miến nên không tài nào rút lui được nữa.

Cũng như hơn 30 công ty Trung Quốc đang bị người dân Miến tấn công vì đã trợ giúp chính quyền quân phiệt, Việt Nam không thể khác nếu cứ mạnh miệng ủng hộ và làm ngơ nỗi đau của người dân Miến. Viettel và những công ty đối tác Việt Nam sẽ phá sản trên đất nước này và có thể đi đến sụp đổ bởi người dân Miến không phải là HongKong hay Việt Nam.

Họ quen thuộc với hy sinh từ những năm 1988 với hàng ngàn sinh viên bị giết và ngồi tù. Cơn địa chấn ấy sẽ lập lại với lớp người trẻ như Kyal Sin, được biết đến với cái tên Angel, đã mặc một chiếc áo phông có dòng chữ "Everything will be OK - Mọi việc sẽ tốt' khi cô ngã xuống. Đã có hơn 70 người như Kyal Sin và không ai biết sẽ còn bao nhiêu người nữa. Lớp trẻ của Miến hiểu rõ chỉ có họ là có thể tranh đấu cho đất nước của mình, mọi hy vọng vào nước ngoài đều bị dập tắt, vậy mà họ vẫn tiếp tục con đường đầy máu phía trước.

Tối hôm nay, 16 tháng 3, thành phố Rangon chứng kiến hàng chục ngàn chiếc điện thoại sáng lên trong đêm tối. Mỗi chiếc điện thoại là một con người, một ý chí. Họ kết hợp với nhau như thách thức mũi súng của bọn ác ôn. Thách thức ấy không hề mòn mõi và thế giới dù muốn hay không cũng phải tự nhìn lại chính mình.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 16/03/2021 (canhco's blog)

***********************

Miến Điện : Một tổ chức nhà sư kêu gọi quân đội ngừng tàn sát người biểu tình

Thu Hằng, RFI, 17/03/2021

Tăng đoàn Maha Nayaka Miến Điện (Tăng đoàn được Nhà nước công nhận - Mahana) phá vỡ im lặng và lên tiếng kêu gọi tập đoàn quân sự chấm dứt bạo lực nhắm vào người biểu tình. Theo nhiều cơ quan truyền thông Miến Điện ngày 17/03/2021, hội Phật giáo lớn nhất cũng lên án "một thiểu số có vũ trang" tra tấn và sát hại những người dân vô tội từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02.

bangontay2

Các nhà sư và người biểu tình tuần hành phản đối cuộc đảo chính, tại Tamwe, gần Rangoon, Miến Điện, ngày 26/02/2021.  Reuters - Stringer

Tăng đoàn Maha Nayaka dự kiến ra bản công bố cuối cùng vào ngày 18/03 sau khi tham vấn với bộ Tôn Giáo, theo một nhà sư tham gia cuộc họp của Mahana cung cấp cho trang thông tin Myanmar Now.

Reuters chưa liên lạc được với Tăng đoàn Maha Nayaka để đề nghị bình luận. Tuy nhiên, theo hãng tin Anh, lập trường mới này có thể đánh dấu sự rạn nứt đáng kể giữa chính quyền và Tăng đoàn Mahana, tổ chức Phật giáo vốn vẫn hợp tác chặt chẽ với chính phủ.

Trên thực địa, cảnh sát vẫn tiếp tục trấn áp dữ dội người biểu tình. Theo trang The Irrawaddy, đã có 193 người thiệt mạng tính đến ngày 16/03, trong số nạn nhân những ngày gần đây có một thiếu nữ 16 tuổi bị cảnh sát bắn chết hôm 15/03 ngay trong nhà ở làng Chaunggyi, ở vùng Mandalay.

Tình hình vẫn căng thẳng tại một khu công nghiệp ở ngoại ô Rangoon, nơi cảnh sát được huy động để trấn áp người biểu tình. Theo AFP, khói vẫn bốc lên mù mịt vào ngày 17/03. Trong đêm trước đó, cảnh sát đã đốt nhiều khu dân cư, theo một cơ quan truyền thông địa phương. Người dân không dám ra đường vì cảnh sát nổ súng, bắt giam nhiều người. Trên cả nước vẫn có nhiều cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi, theo hình ảnh được đăng trên mạng xã hội, dù Internet di động bị cắt hoàn toàn.

Tập đoàn quân sự tiếp tục nhắm vào thành viên của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi. Ngày 16/03, quân đội đã ra lệnh bắt "Bác sĩ Sa Sa" vì tội "phản bội". Ông được bổ nhiệm làm đặc phái viên bên cạnh Liên Hiệp Quốc của Ủy ban Đại Diện Quốc hội (CRPH), gồm nhiều thành viên của đảng LND, được coi là "Quốc hội ngầm" điều phối và khuyến khích biểu tình.

Liên Âu chuẩn bị trừng phạt, Liên Hiệp Quốc kêu gọi thả người biểu tình

Trong khi Liên Hiệp Châu Âu sẽ ban hành những biện pháp trừng phạt những người liên quan đến vụ đảo chính vào thứ Hai 22/03, theo ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi quân đội Miến Điện chấm dứt tàn sát và trả tự do cho những người biểu tình bị giam giữ.

Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tóm tắt tình hình vi phạm nhân quyền tại Miến Điện trong buổi họp báo ngày 16/03 tại Geneva :

"Trong vòng một tuần, số nạn nhân đã tăng nhiều tại Miến Điện. Lực lượng an ninh đã sử dụng các phương tiện ngày càng gây sát thương nhiều hơn để chống người biểu tình ôn hòa, họ tiếp tục bắt bớ và giam giữ tùy tiện trên khắp cả nước.

Nhiều báo cáo rất đáng lo ngại cho thấy hình phạt tra tấn trong tù. Hàng trăm người bị giam giữ bất hợp pháp hiện vẫn bặt vô âm tín, và sẽ bị coi là "mất tích cưỡng chế" nếu không được chính quyền quân sự thừa nhận.

Các vụ bắt giam vẫn tiếp diễn ở Miến Điện, hơn 2.048 người bị bắt giam tùy tiện. Ít nhất 37 nhà báo cũng bị bắt, trong đó có 19 người bị giam giữ tùy tiện. Có ít nhất 5 người đã chết ở trong tù trong những tuần qua và ít nhất hai thi thể nạn nhân có dấu hiệu bạo lực được cho là liên quan đến tra tấn.

Chúng tôi vô cùng lo lắng khi thấy việc trấn áp gia tăng và một lần nữa chúng tôi kêu gọi tập đoàn quân sự ngừng giết người và giam cầm những người biểu tình".

Thu Hằng

********************

Miến Điện : Liên Hiệp Quốc tố cáo đàn áp "đẫm máu" trong kỳ nghỉ cuối tuần qua

Trọng Thành, RFI, 16/03/2021

Trong cuộc họp báo hôm 15/03/2021, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tố cáo chính quyền Miến Điện đàn áp "đẫm máu" người biểu tình chống đảo chính trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, với tổng cộng 56 người bị giết hại.

bangontay3

Người biểu tình chở người bị thương do cảnh sát đàn áp đến bệnh viện, ở Thingangyun, Rangoon, Miến Điện, ngày 14/03/2021.  Reuters - Stringer

Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, lên án chính quyền quân sự giết hại "38 người" trong ngày Chủ Nhật 14/03 và "18 người" trong ngày thứ Bảy 13/03. Ông Dujarric cho biết thêm là, đã có tổng cộng "ít nhất 138 người biểu tình ôn hòa, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, bị sát hại" kể từ ngày 01/02/2021, tức ngày quân đội đảo chính lật đổ chính phủ dân sự.

Về người chết do đàn áp, Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị Miến Điện (AAPP) đưa ra con số cao hơn, với ít nhất hơn 180 người chết kể từ đầu đảo chính. Theo APPP, riêng trong ngày Chủ Nhật 14/03, đã có 74 thường dân thiệt mạng, và thêm ít nhất 20 người biểu tình bị sát hại ngày hôm qua, thứ Hai 15/03. Phía chính quyền Miến Điện cho biết có một cảnh sát thiệt mạng.

Dự kiến hôm nay, sẽ có nhiều cuộc tuần hành đưa tang những người biểu tình bị lực lượng an ninh sát hại trên khắp cả nước, đặc biệt ở Rangoon. AFP cũng cho hay rất nhiều cư dân thành phố Rangoon, hôm nay, đã rời khỏi khu phố đang diễn ra các đụng độ dữ dội trong những ngày qua.

 Đợt đàn áp ba ngày liên tiếp vừa qua của tập đoàn quân sự Miến Điện diễn ra chỉ ít ngày sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố chung hôm 10/03/2021, "mạnh mẽ" lên án những hành vi bạo lực nhắm vào những người biểu tình.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, 16/03, đang trong chuyến công du Nhật Bản, lên án quân đội Miến Điện "đàn áp tàn bạo những người biểu tình ôn hòa". Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tố cáo lực lượng an ninh Miến Điện gia tăng đàn áp thường dân, khiến hàng chục người thiệt mạng trên khắp cả nước.

Trong lúc Hoa Kỳ lên án bạo lực gia tăng nhắm vào thường dân, chính quyền Trung Quốc cho biết "rất lo ngại" cho các công dân Trung Quốc đang ở tại Miến Điện, và đặc biệt là sau khi khoảng 30 nhà máy của chủ đầu tư Trung Quốc, đặc biệt trong ngành dệt may, bị đốt phá hôm Chủ nhật. Hôm qua, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Quân (Zhao Lijian) kêu gọi chính quyền Miến Điện "đưa các thủ phạm ra tòa".

Các cuộc tấn công nhà máy Trung Quốc ngày Chủ Nhật vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình cảm chống Trung Quốc gia tăng tại Miến Điện, nhiều người Miến Điện phản đối Bắc Kinh có thái độ quá nương nhẹ với giới tướng lĩnh Miến Điện, không lên án đảo chính quân sự. Hiện tại, chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công nhắm vào các nhà máy Trung Quốc. Theo một số tin tức lan truyền trong dân chúng, trong các vụ đốt phá nói trên có bàn tay quân đội.

Trả lời RFI, một người Pháp có mặt tại chỗ cho biết : "Hôm nay, chúng tôi được biết có hai nhà máy dệt may của chủ Trung Quốc đã bị đốt cháy, tại khu công nghiệp Hlaing Thar Yar, nơi cư trú của nhiều dân nghèo. Chúng tôi đã có bằng chứng với các hình ảnh, và qua các nhân chứng tại chỗ, về việc quân đội đã cố tình đốt các nhà máy này, chứ không phải người biểu tình. Họ cố tình làm như vậy để làm mất uy tín người biểu tình. Để có lý do sát hại họ, để đàn áp. Cùng lúc đó, mục tiêu về dài hạn của quân đội là để làm gia tăng giá trị của các khu công nghiệp do quân đội sở hữu. Chứng tỏ đấy là những nơi an toàn hơn, để có thể bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc, với giá cao hơn nhiều".

Trọng Thành

Published in Diễn đàn