Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Internet mở ra cơ hội kết nối không biên giới. Trong ngôi làng toàn cầu, người Việt trở nên hụt hẫng trong xử sự văn minh, thể hiện sự cố văn hóa.

Tháng trước Microsoft đã xếp Việt Nam nằm trong top 5 nước hành xử kém văn minh nhất trên mạng internet.

Các chủ đề người Việt hành xử kém văn minh theo nghiên cứu của Microsoft chỉ ra gồm : quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).

Cùng với đó, người Việt hay sử dụng ngôn từ thô tục, dữ dằn, kỳ thị phụ nữ, tấn công cá nhân, phân biệt đối xử, gây tổn hại uy tín…

vanminh1

Việt Nam nằm trong top 5 sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi về hành xử kém văn minh nhất trên mạng internet. Ảnh : Microsoft.

Đêm 19/11/2019, đội tuyển bóng đá Việt Nam - Thái Lan đã có trận đấu vòng loại World Cup với kết quả hai đội hòa nhau không có bàn thắng. Nhiều cổ động viên Việt Nam cho rằng trọng tài chính Ahmed Al-Kaf, có những quyết định khiến cho đội tuyển Việt Nam chịu thiệt. Họ đã tìm đến trang Facebook của ông để tấn công bằng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa, khiến ông phải đóng trang Facebook tạm thời.

Trước đó, trong trận chung kết U23 khu vực Châu Á vào năm 2018, đội tuyển Việt Nam bị thua trước đổi tuyển Uzbekistan. Cầu thủ số 11, người ghi bàn quyết định trận đấu cũng đã nhận những xỉ vả tương tự từ người Việt.

Khi internet mở ra, việc dễ giao tiếp trở nên dễ dàng hơn, nhiều người Việt rất tự do trong việc công kích, buộc tội, nhục mạ, xỉ vả người khác. Với lý do thấy không vừa ý mình, ganh ghét, hoặc chỉ đơn giản suy nghĩ, hành động không giống ta.

Mấy ngày nay, qua mạng xã hội Facebook đang chứng kiến cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị không ít người Việt đấu tố. Với hắn, Quỳnh đưa thông tin không sai về việc đối phó với dịch bệnh Covid-19 của Tổng thống Trump và nước Mỹ cũng có những hạn chế, không nhịp nhàng trong dịch bệnh. Tuy nhiên cách trình bày đã không làm hài lòng nhóm người yêu thích Trump và nghĩ nước Mỹ cái gì cũng nhất, đầy đủ, vĩ đại.

Điều này đã khiến cô Quỳnh bị tấn công, đấu tố vô cùng dữ dội của một nhóm người Việt trong và ngoài nước. Trong đó đa phần những người được xem có cảm tình hoặc đấu tranh cho tự do trong nước và đang sống tại các nước dân chủ.

Họ buộc cô Quỳnh là "Cộng sản nằm vùng", "Vô ơn bạc nghĩa với nước Mỹ", thậm chí mở một cuộc vận động đẩy chị về Việt Nam… Và vô số những lời lẽ khiếm nhã, sĩ nhục, đưa ra khẳng định chẳng trưng chứng cứ. Họ phẫn nộ như một đám đông trong các phiên tòa nhân dân thời Cải cách ruộng đất vào giữa thế kỷ trước.

Giải thích thái độ này theo chị Ngà Voi : "Hiện thực xã hội có nhiều bức bách, người Việt hầu hết đầy tổn thương, ít được chữa trị nên dễ bị cảm xúc dẫn dắt. Khi để cảm xúc dẫn dắt, người ta có điểm mù tư duy, khái niệm đúng sai, phải trái... phụ thuộc vào số đông. Chân lý, sự thật, nhân văn chẳng là cái đinh gì".

Sâu xa hơn, có thể văn hóa của người Việt từ hàng ngàn năm nay chỉ là cộng đồng nhỏ bé với nét đặc trưng làng, xã. Sang thời hiện đại dưới sự cai trị của cộng sản việc tiếp nhận văn hóa, văn minh của người Việt đầy sự méo mó. Bởi với nền giáo dục, tuyên truyền xã hội hướng tới căm thù, không chấp nhận khác biệt. Cùng với hàng nghìn tượng đài trên khắp nước chỉa súng, vung gươm vào mắt người dân trong khí thế cách mạng đã làm cho người Việt mất đi lòng vị tha.

Internet mở ra cơ hội kết nối không biên giới. Trong ngôi làng toàn cầu, người Việt trở nên hụt hẫng trong xử sự văn minh, thể hiện sự cố văn hóa.

Ngay cả rất nhiều người Việt nói và đấu tranh cho dân chủ, nhưng tư duy và lời nói thì bảo thủ, độc tài. Do đó, đây không chỉ là cuộc chiến chống cộng sản, ý thức hệ đơn thuần, mà nó phải là cuộc cách mạng văn hóa. Chỉ thay đổi văn hóa thì người Việt mới có thể thực sự bắt tay vào gầy dựng các giá trị văn minh.

Không ít người Việt đang ở trong tâm lý chuyện lớn thì kinh, chuyện nhỏ thì khinh, chuyện bình thường thì làm biếng... Dư thời gian trong lúc ở nhà thôi thì kiếm đứa đấu tố cho qua mùa dịch vì tội nói nước Mỹ không vĩ đại, và chẳng có lời khen lãnh tụ Trump.

Võ Ngọc Ánh

(31/3/2020)

(*) "Microsoft : Việt Nam trong top 5 thế giới kém văn minh trên Internet", Zing, 22/02/2020

Additional Info

  • Author Võ Ngọc Ánh
Published in Diễn đàn