Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 02 septembre 2020 22:02

Cái nghèo

Nghèo cũng là cái tội. Thật ra thì nghèo còn bi đát, khốn nạn hơn cả tội !

ngheo1

Cái nghèo không tha một ai, kể cả người già neo đơn - Ảnh minh họa

Một câu chuyện hình sự về nghèo còn khốn nạn hơn cả tội. Cũng là mạng người, cũng là nạn nhân trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng… song họ lại có những "số phận" khác nhau sau cái chết bởi hai chữ "giàu – nghèo". Mấy năm trước, báo chí có đăng chỉ trong tuần lễ đầu tháng, người ta được nghe tới 02 vụ thảm sát kinh hoàng : 04 người nghèo bị thảm sát tại Nghệ An, và 06 người giàu bị thảm sát ở Bình Phước.

Cùng chung sự thảm sát và những cái chết đau lòng, nhưng 02 vụ án này lại có "cái kết" không giống nhau, thậm chí là đối lập nhau. Báo chí đổ xô đi quan tâm đến vụ thảm sát ở Bình Phước, Bộ Công an cũng đổ xô đưa Điều tra viên thiện chiến nhất về Bình Phước phá án…và nhanh chóng bắt được nghi phạm.

Ngược lại, vụ thảm sát ở Nghệ An có dấu hiệu đi vào lãng quên trên mặt báo, Công an địa phương đang tiến hành điều tra sự việc theo quy định của pháp luật một cách im lặng chứ không có "ồn ào" như ở Bình Phước.

Một người bạn hỏi tôi rằng : "Nghèo có phải cái tội không mày ?". Tôi cũng không biết phải trả lời như thế nào nữa ?

Đúng là nghèo không phải cái tội, nhưng người nghèo sẽ có thể dễ dàng bị đem so sánh với những cái này cái nọ – như so sánh với ký sinh – ký sinh trùng của VTV là một ví dụ ; cũng vì nghèo mà một số người biết nguy hiểm nhưng vẫn chấp nhận để có tiền cho con ăn học ; những người nghèo bị bệnh – nhất là với những bệnh nặng, mà từ "thời thượng mùa Covid" là "bệnh nền", quả thật là một "ác mộng"…

"Tại vì người ta nghèo, thực sự nhưng mà người ta cũng đâu có đi xin mình hay cái gì đâu, người ta ăn bám mình cái gì để mà gọi là ký sinh trùng" – bà Nguyễn Thị Cúc, kiếm sống bằng gánh chè nơi hè phố Sài Gòn chia sẻ.

Điều đáng nói nhất là làm sai nhưng bản thân người chịu trách nhiệm cao nhất của đài lại không can đảm đứng ra xin lỗi : "Thì đó. Nó đại diện đó, kiểu nó đại diện rồi nó cho qua, nó làm vậy đó. Tức là nó đại diện cho qua thôi, kiểu như nó nói mình ngu quá không ai biết bắt bẻ, không ai biết bươi móc ra. Người ngu cũng phải có người khôn chứ" – bà Hoàng, một giáo viên về hưu, đang mưu sinh bằng nghề bán hàng rong bày tỏ bức xúc.

"Gì chứ vô bệnh viện cũng là một trong những cái mà lao động nghèo, đang ở trọ như cô lo ngại lắm. Có những cái tiện nghi cho bệnh nhân tới khám bệnh, thí dụ như những phòng khám dịch vụ, khám nhanh, xét nghiệm lẹ, nhưng… nói nào ngay mình cũng tủi thân. Tủi thân ở đây là gì ? Với những người nào không có nhiều tiền ở khám dịch vụ, khám thường là ngồi chờ tới mấy tiếng đồng hồ luôn, bị đối xử khác nữa" – bà Thu ngậm ngùi.

"Mấy ca chết ở Việt Nam so với thế giới thì cũng không bằng. Với lại những ca chết đó đa phần bệnh nặng quá, kèm với Covid nữa nên người ta mới chết thôi. Nói thẳng người ta vừa bệnh nền nặng quá, người ta vừa cũng không có tiền. Chứ nếu có tiền, bệnh nền nặng, người ta cũng có thể điều trị và chắc còn sống được dăm thời gian nữa" – ông Ba, một tài xế ở Sài Gòn nhìn thẳng vào sự thật trần trụi mà người bệnh ở Việt Nam lâu nay vẫn cam phận.

"Mình thấy ở Việt Nam sao nhiều bệnh quá không biết. Cũng không rõ từ đâu, do ăn uống hay do khói bụi, ô nhiễm ? Như ở các bệnh viện đó, lúc nào cũng đông nghẹt. Mà tâm lý của một số người mình quen biết, họ cũng ngại vào bệnh viện khám lắm. Trừ phi cảm thấy nặng mới vào, phần vì cũng sợ phát hiện bệnh này bệnh nọ, phần vì cuộc sống cũng khó khăn, giờ mà phát hiện ra bệnh, nhất là bệnh nặng, còn lo nhiều hơn nữa. Thay vì người ta bỏ tiền điều trị, người ta để tiền để người ta nuôi con nuôi cháu về sau" – bà Sáu, một người nội trợ làm bài toán thiệt hơn rất quen thuộc của người nghèo.

Dẫu biết rằng, trong cuộc sống này, có vô vàn những "tấm lòng vàng", mạnh thường quân, song, những thân phận, những cuộc đời khó khăn không phải là ít. Giúp đỡ họ qua cơn nguy khốn nhất thời, những lúc ngặt nhưng cái nghèo vẫn còn đó. Thiết nghĩ một điều, mặc dù có những chính sách hỗ trợ khó khăn, song chính quyền cũng nên có thêm những hành động thiết thực hỗ trợ hơn nữa nhất là về khám chữa bệnh, an sinh xã hội…. Bởi nó không chỉ là tình cảm giữa người với người mà còn là cái nghĩa của hai tiếng "đồng bào".

Xin đừng để cho nhiều người cảm thấy vì cái nghèo mà trở nên mặc cảm hay "có tiền là có quyền", nhất là ở một đất nước luôn rao giảng đạo đức "của dân – do dân – vì dân"…

Ngọc Diệp

Nguồn : VNTB, 02/09/2020

Published in Diễn đàn