Vụ việc dân oan Thủ Thiêm kéo dài suốt 20 năm qua, có thể xem là hệ lụy của cơ chế "Đảng cử dân bầu".
Vụ Thủ Thiêm : Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri quận 2
Lỗi hệ thống ?
Dân quận 2, Sài Gòn hỏi bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh : "Hai nhiệm kỳ Đại biểu quốc hội ở Thủ Thiêm, bao nhiêu lời bà đã hứa, bao nhiêu cảnh khổ bà đã nghe, đã chứng kiến ? Bà có giải quyết cho dân được không ? Nếu không, nghỉ đi cho người khác làm".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm rất bản lĩnh : "Cô bác giận, bức xúc, nói nặng đến đâu tôi cũng nghe được. Chỉ lo cho sức khỏe cô bác, giận quá cũng mệt lắm..".. Bà hứa khéo thay cho việc trả lời có từ chức hay không : "Vấn đề Thủ Thiêm còn bức xúc, cô bác còn nêu ý kiến thì chúng tôi còn chỉ đạo rà soát, chúng tôi sẽ không dừng lại. Không phải chúng tôi ray rứt rồi để đó, nghe ý kiến rồi để đó, còn một ý kiến phán ánh chúng tôi còn đeo bám, chúng tôi hứa như vậy".
Bà Tâm dùng từ "chúng tôi" là xác đáng, vì ở đây lỗi không phải chỉ mình bà.
Trong danh sách trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, bầu cử ngày 22 tháng 5 năm 2011 tại Đơn vị bầu cử số 7 : quận 2, quận 9, quận Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh gồm có các ông bà sau : 1. Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Bí thư Đảng ủy, Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ; 2. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy ; 3. Bà Nguyễn Đoàn Thùy Trang, Phó Tổng Biên tập, Bí thư chi bộ báo Khoa học phổ thông, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong danh sách trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XI tại Đơn vị bầu cử số 7 : quận 2, quận 9, quận Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh gồm có các ông bà sau : 1. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ; 2. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (từ tháng 8-2016, ông Khuê giữ chức vụ phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) ; 3. Bà Trịnh Ngọc Thúy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (hiện nay bà Thúy là phó chánh tòa Thành phố Hồ Chí Minh)
Như vậy, "đầu vụ" trách nhiệm với dân oan Thủ Thiêm là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người 2 nhiệm kỳ liên tiếp là đại biểu cho cử tri quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Các "liên đới" như phó chánh tòa Huỳnh Ngọc Ánh, phó tổng biên tập Nguyễn Đoàn Thùy Trang, giám đốc sở Phan Nguyễn Như Khuê, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Đảng ủy tòa án Trịnh Ngọc Thúy không thể thoái thác trách nhiệm.
Các ông bà nghị kể tên ở trên vì sao đã "mũ ni che tai" suốt nhiệm kỳ làm Đại biểu quốc hội là điều cần truy xét. Bởi với nghiệp vụ chuyên môn sâu về pháp lý như ông Huỳnh Ngọc Ánh, bà Trịnh Ngọc Thúy thì hồ sơ dân oan Thủ Thiêm là trong tầm tay giải quyết. Còn bà Nguyễn Đoàn Thùy Trang trên cương vị đứng đầu một tờ báo, bà đã thiếu dũng khí và phụ lòng tin của cử tri khi không lên tiếng cho những khuất tất mà người dân Thủ Thiêm phải gánh chịu.
Tin rằng bà Nguyễn Đoàn Thùy Trang còn nhớ, năm 2015, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải được báo chí ca ngợi hết lời vì chỉ mất 30 phút tiếp dân đã giải quyết được vụ khiếu kiện đất đai ròng rã gần 10 năm của ông Lê Văn Lâm ở quận 12. Năm sau, ông Lê Thanh Hải lại xuất hiện tươi tắn trên nhiều tờ báo, khi cũng chỉ vài mươi phút, đã giải quyết xong vụ khiếu kiện kéo dài 25 năm của ông Võ Văn Khuyến ở quận 6… Thế nhưng vì sao ở Thủ Thiêm khi ấy Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải lại im lặng ?
Người dân không có cơ hội nào cho lá phiếu cử tri
Công tâm mà nói lỗi ở đây không hoàn toàn thuộc về các ông, bà nghị. Người dân chỉ được chọn lá phiếu cử tri trên danh sách mà Đảng cấp trên đưa ra với tên gọi là ‘hiệp thương’. Các ông, bà được Đảng tín nhiệm cử ra cho người dân chọn bầu giống như kiểu so bó đũa chọn cột cờ. Nôm na, dân thì đi bầu theo danh sách Đảng cử ra, và lẽ ấy nên người ta gọi là cơ chế Đảng cử, dân bầu
Do đó ngay cả khi cử tri chọn đúng, thì quyền lực thực tế của các ông, bà nghị này vẫn lệ thuộc vào sự liêm chính đến đâu của ông, bà Bí thư Đảng cấp trên – với Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ Thủ Thiêm là Bí thư Lê Thanh Hải, Bí thư Đinh La Thăng.
Bà Dương Thu Hương, nguyên phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng chia sẻ rằng : "Tôi rất xấu hổ khi nói rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất ?. Thế rồi Đại biểu Quốc hội là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình, mà lại phải giơ tay đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cho nên nếu là một Đại biểu quốc hội, vừa là đảng viên vừa là Đại biểu quốc hội thì trong con người đó hoàn toàn mâu thuẫn, tức là không đảm bảo được quyền lợi của cử tri, mà phải thực hiện vai trò đảng viên của mình. Và có thể lúc ấy là phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri…".
Gần 8 năm trước ở dịp Quốc khánh năm 2010, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn của tờ Tuần Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nguyên Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc [http ://bit.ly/2IvYfZB]. Ông Nguyễn Anh Tuấn hỏi : - Vậy ai chịu trách nhiệm xây dựng thể chế, thiết chế này ? Để chậm trễ như vậy ai chịu trách nhiệm ? Nguyễn Đình Lộc trả lời : - Khi nói đến thể chế là phải Quốc hội. Nhưng Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chẳng hạn muốn sửa Hiến pháp phải chờ Đại hội Đảng quyết. Đảng quyết rồi mới thành quyết định của Quốc hội.
Xem ra thì với vụ Thủ Thiêm đang được thổi bùng lên hiện nay cũng đến từ quyết định của Đảng. Ngay cả sắp tới đây Bộ Luật Lao động với chế độ nghỉ hưu sẽ như thế nào, lương bổng ra sao, những ai sẽ được cơ cấu vào ghế quan chức cấp cao… cũng lệ thuộc hoàn toàn vào nghị quyết được Hội nghị Trung ương 7 khóa XI ban hành.
Nói thêm về cách chọn "ai sẽ làm quan" của Đảng. Trong vụ việc sai phạm của bà cựu phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh vừa bị Ban bí thư cách hết các chức vụ trong Đảng, vào sáng ngày 10-5, Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai thông báo đã xử lý kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Võ Thanh Nhuận, trưởng phòng đầu tư (thuộc Văn phòng UBND tỉnh).
Ông Nhuận bị kỷ luật do đã tham mưu cho bà Thanh ký văn bản trái thẩm quyền cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng (doanh nghiệp của chồng bà Thanh) làm dự án khu dân cư - dịch vụ thương mại xã Phước Tân (Thành phố Biên Hòa). Ông Nhuận còn tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai ký văn bản gia hạn hoạt động bến thủy trái pháp luật của Công ty Cường Hưng.
Lỗi của thầy dùi ? Vậy trình độ đọc – hiểu của một người ở tầm phó bí thư tỉnh ủy, trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Đồng Nai lẽ nào tệ đến vậy ? Đây cũng là một hệ lụy của Đảng cử, dân bầu.
Cát Tường
Nguồn : VNTB, 15/05/2018
Trong Bộ Chính trị, nếu xét vẻ bề ngoài thì có lẽ nhân vật tuyên chiến mạnh mẽ nhất với chuyện tiêu cực trong nội bộ đảng, chính là ông Trần Quốc Vượng. Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, có thể coi là bước khởi động của luật về hoạt động Đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng
Hôm 22/03/2018, trên cương vị Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, ông Trần Quốc Vượng ký ban hành văn bản số 04-HD/UBKTTW, có tên "Hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm". Quy định số 102-QĐ/TW cũng do ông Trần Quốc Vượng ký ban hành trên cương vị thay mặt Bộ Chính trị.
Người viết bài này không là đảng viên, nên trước mắt quan tâm đến mỗi nội dung của văn bản số 04-HD/UBKTTW : đảng viên thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội, thì đảng viên đó phải chịu trách nhiệm liên đới.
Ông Trần Quốc Vượng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giới thiệu với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Vượng là thành viên Bộ Chính trị, thường trực của Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 12/11/2017.
Câu hỏi đặt ra : ông Đinh La Thăng đã nhận bản án tù về những sai phạm thời kỳ làm quản lý doanh nghiệp. Từ tháng 1/2006 - 12/2008, ông Đinh La Thăng là Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng ; đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Từ tháng 12/2008, ông Đinh La Thăng là Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Xem ra nếu truy ngược thời gian như quy định cho phép hồi tố của văn bản số 04-HD/UBKTTW, thì cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (từ năm 2001 đến năm 2011) sẽ là người "chịu trách nhiệm liên đới" về những hành vi được cho là phạm tội của ông Đinh La Thăng.
Tương tự, với chuyện được quyền hồi tố của văn bản số 04-HD/UBKTTW, nôm na là nếu mai đây ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu kỷ luật của Đảng, thì ông Lê Đức Anh – người lâu nay vẫn được coi là cha nuôi qua sự gửi gắm lúc thân phụ của ông Dũng sắp mất, sẽ có phần chịu trách nhiệm liên đới.
Còn trước mắt, nếu thanh tra sắp sửa diễn ra ở tỉnh Kiên Giang sẽ cho kết quả sai phạm với phần trách nhiệm của Bí thư tỉnh Nguyễn Thanh Nghị, thì ông Nguyễn Tấn Dũng cầm chắc mức ‘án’ từ Bộ Chính trị. Và sau đó như đã nói ở trên, hệ lụy dắt dây rất có thể sang cả ‘thái thượng hoàng' Lê Đức Anh…
Năm 2016 là một năm mà báo chí ngập tràn thông tin về câu chuyện "gia đình trị" trong hệ thống chính quyền. Từ trường hợp Vũ Quang Hải - con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - được bổ nhiệm "bất thường", đến chuyện cả nhà Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh làm quan. Chưa bao giờ, cụm từ "con cháu các cụ" được dư luận nhắc đến với nhiều phẫn nộ như thế, chưa bao giờ người ta nhìn những quan chức xuất thân từ những gia đình danh giá với nhiều ác cảm đến vậy…
Báo chí đã không kiêng dè khi nhắc đến con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một người là Bí thư tỉnh Kiên Giang, một người là Trưởng ban Thanh niên trường học trung ương Đoàn ; ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công thương đương nhiệm - là con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (ông Tuấn Anh thời kỳ làm thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp, đã bị thanh tra Bộ Giáo dục kết luận là sai phạm trong tuyển sinh) ; ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng - là con trai của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi ; con trai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải thì đã trở thành tâm điểm của dư luận năm vừa rồi…
Liệu có thể áp dụng văn bản số 04-HD/UBKTTW đối với những trường hợp cụ thể về "con ông cháu cha" nói trên ? Sở dĩ lăn tăn như vậy vì Bộ Luật Dân sự hiện hành có cách hiểu về "trách nhiệm liên đới" khác với nội dung của văn bản số 04-HD/UBKTTW. Theo đó, căn cứ để xác định "trách nhiệm liên đới" là nếu nghĩa vụ được xác lập thông qua ý chí của các bên, thì việc xác định nhĩa vụ đó là liên đới hay không phải căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng là căn cứ phát sinh quan hệ nghĩa vụ đó. Nếu các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận khác về tính chất của nghĩa vụ, thì nghĩa vụ đó luôn được xác định là nghĩa vụ riêng rẽ.
Nói một cách khác, mặc dù có thể ông Nguyễn Thanh Nghị được thăng quan tiến chức nhanh chóng, vì khi ấy cha của ông đang là Thủ tướng Chính phủ. Song, lâu nay về cơ cấu nhân sự trong bộ máy quản trị quốc gia lại thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Nay nếu ông Nguyễn Thanh Nghị có sai phạm, thì về nguyên tắc phải truy cứu trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan chuyên về cơ cấu nhân sự.
Tương tự, nếu xem xét trách nhiệm liên đới của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì dắt dây sẽ là việc liên đới của người đứng đầu Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Xem ra cái khôn ngoan ở đây của ông Trần Quốc Vượng, là trong hầu hết các trường hợp truy cứu trách nhiệm liên đới, gần như đều không liên quan đến cá nhân ông Vượng. Còn cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đều có thể "liên lụy", một khi công luận gây áp lực về "quân pháp bất vị thân".
Cá nhân người viết nghĩ rằng nhân vật đáng gờm nhất chính trường hiện nay không phải là ông chủ đốt lò, mà là nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nhiệm kỳ 2007-2011(*).
Cát Tường
Nguồn : VNTB, 10/04/2018
Đảng viên Việt Nam qua đời vẫn có thể ‘bị kỷ luật’ (VOA, 09/04/2018)
Đảng viên nghỉ hưu, đang ốm nặng hoặc thậm chí đã qua đời vẫn có thể bị kiểm tra, kỷ luật, tùy mức độ vi phạm, theo bản hướng dẫn mới đây về việc thi hành một quy định của Đảng cộng sản Việt Nam về xử lý, kỷ luật đảng viên.
Ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại một hội nghị
Bản hướng dẫn do ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng, ký ngày 22/3 và được báo chí trong nước công bố hồi cuối tuần đầu tiên của tháng Tư.
Văn bản mới này cụ thể hóa một số điều nêu trong quy định số 102 được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 11/2017.
Điều 1 của Quy định 102 xác định rằng nếu sau khi đảng viên chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, họ mới bị phát hiện từng có vi phạm, việc xem xét kỷ luật vẫn được tiến hành. "Nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật", điều này nêu rõ.
Bản hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra nay viết cụ thể hơn rằng "tổ chức đảng cấp trên trực tiếp" của tổ chức đảng tại nơi người vi phạm từng làm việc sẽ xem xét, xử lý kỷ luật.
Đối với đảng viên vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức, bản hướng dẫn viết tổ chức đảng có thẩm quyền có thể quyết định cảnh cáo hoặc cách chức "một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong đảng đối với đảng viên đó".
Ở mức độ thấp hơn, theo bản hướng dẫn, nếu đảng viên bị khiển trách hoặc cảnh cáo, và tổ chức đảng có thẩm quyền xét thấy người đó "không còn đủ uy tín", tổ chức đảng có quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đối với người đó.
Cụ thể hóa điều 2 của Quy định 102 về không "xử lý nội bộ" đảng viên vi phạm, bản hướng dẫn viết rõ rằng trong trường hợp đảng viên đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật, tổ chức đảng "không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Bản hướng dẫn đưa ra yêu cầu chi tiết rằng "cấp uỷ, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ".
Cách đây khoảng một năm, khi chưa có bản hướng dẫn về kỷ luật đảng viên, đã có một loạt trường hợp cựu quan chức bị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật theo hình thức xóa tư cách nguyên bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh. Đó là các ông Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự, Nguyễn Thái Lai, Bùi Cách Tuyến, do họ có những vi phạm lớn khi còn giữ chức ở các bộ Công thương, Tài nguyên-Môi trường, và tỉnh Hà Tĩnh.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá với VOA rằng bản hướng dẫn là một bước tích cực trong việc chống sai phạm, tham nhũng ở Việt Nam.
Ông nói thêm :
"Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra cụ thể hóa hơn, khẳng định hơn là không có vùng cấm, hoặc là nghỉ rồi là hạ cánh an toàn. Rõ ràng đó là răn đe đối với những kẻ sai phạm, có những việc làm sai trái, tham ô, hủ hóa, người ta gọi là những người tay đã nhúng chàm".
Bản hướng dẫn cũng có phần làm rõ về các trường hợp chưa xem xét kỷ luật hoặc không áp dụng việc kỷ luật.
Sau khi một đảng viên qua đời mới bị phát hiện người đó từng có vi phạm, cơ quan đảng sẽ không tiến hành kiểm tra nữa. Nếu việc kiểm tra hoặc xem xét biện pháp kỷ luật đang diễn ra mà đảng viên vi phạm qua đời, cơ quan đảng chỉ đưa ra kết luận và không thi hành kỷ luật, theo bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, nếu là "vi phạm đặc biệt nghiêm trọng", kể cả khi đảng viên đã qua đời, đảng vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật, bản hướng dẫn nêu rõ. Luật sư Thuận có ý kiến về điều này :
"Tôi cho rằng cái đó cũng hơi đáng suy nghĩ một chút. Theo Bộ luật Hình sự, những người đã chết rồi, luật quy định là người ta đình chỉ vụ án, người ta không xét xử. Ví dụ như có những vụ án tham ô thế này thế kia nhưng mà [đối với] những người đã chết rồi thì trong luật quy định là đình chỉ chứ không tiếp tục điều tra".
Đánh giá chung về cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo hiện nay, ông Thuận nói cuộc chiến "đang có những kết quả đáng kể" và "không thể dừng được".
Vụ bắt và truy tố gây chấn động nhất từ trước đến nay trong cuộc chiến này là trường hợp ông Đinh La Thăng, một cựu ủy viên Bộ Chính trị nhiều quyền lực, vì ông này đã có sai phạm từ thời còn đứng đầu một tập đoàn nhà nước lớn.
Mới đây, tin tức thu hút sự chú ý không kém là hai tướng công an, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh, đã bị bắt vì có nghi ngờ các ông này liên quan đến một đường dây đánh bạc. Ngành công an từ trước đến nay vẫn được xem là "một thành trì khó bị đụng tới".
Với kiến thức về hệ thống chính quyền Việt Nam, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nhận định với VOA rằng cùng với việc chống tham nhũng, lạm quyền, cần có sự "sắp xếp lại bộ máy, tổ chức lại nhân sự", nhất là ở những khâu chủ chốt. Việc làm này sẽ còn mang đến những kết quả tốt hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, theo ông Thuận.
VOA tiếng Việt