Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có lẽ trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, trừ thời gian chiến tranh, còn lại khi đã cướp được chính quyền và thâu tóm được quyền lực về tay mình đến nay thì đây là lần đầu tiên, người Cộng sản Việt Nam gặp phải trường hợp một đoàn công an đông đúc với đủ loại trang thiết bị bị bắt giữ bởi người dân chân lấm tay bùn như vụ này.

dongtam1

Bên ngoài xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chụp hôm 21/4/2017. RFA photo

Điều này làm cả xã hội sửng sốt.

Bởi điều đơn giản là ai đã từng sống trong chế độ cộng sản, thì mới hiểu được ý nghĩa của việc này như thế nào.

Với một nhà cầm quyền, mà "chính quyền sinh ra trên họng súng", lấy bạo lực làm đầu thì đây là một việc "động trời" và ngang với những "tội tầy đình".

Xưa nay, ở Việt Nam dưới thời Cộng sản, chỉ có việc nhà cầm quyền, công an, cán bộ muốn bắt ai là bắt, giữ ai là giữ, đánh đập ai là đánh đập, bỏ tù ai là bỏ tù chứ làm gì có ai dám bắt giữ cán bộ, công an bao giờ.

Đó là trích đoạn trong một bài viết của blogger Nguyễn Hữu Vinh về vụ khủng hoảng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam.

Đàn áp hay không đàn áp

Để giải quyết vụ khủng hoảng này, những người cầm quyền đã tính tới những biện pháp cứng rắn. Tiêu biểu cho cách tính toán đó là tuyên bố của viên thiếu tướng công an Bạch Thành Định rằng chính quyền sẽ không nhân nhượng. Nhà báo, blogger Đoan Trang giải thích cho lý do của giải pháp này :

Chưa bao giờ công an Việt Nam chịu thua dân cả.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao bộ máy nhà nước công an trị của Việt Nam không thể lùi bước trước người dân, dù chỉ một chút thôi, để thể hiện thiện chí ? Đó là bởi vì, não trạng của công an là :

- Sợ dân leo thang, sợ dân lấn tới, được một đòi mười. Hôm nay sự bất mãn mới là đốm lửa, ngày mai biết đâu là đống lửa.

- Sợ tạo thành tiền lệ chống đối từ phía dân. Hôm nay là Đồng Tâm, ngày mai biết đâu là Ba Đình.

- Sợ phải nhận sai. Lùi bước trước dân, khác nào nhận là mình có sai.

Cách đối phó khủng hoảng thứ hai là nhà cầm quyền huy động bộ máy tuyên truyền khổng lồ của mình như mọi khi với những lời buộc tội người dân vi phạm luật pháp. Đoan Trang viết tiếp :

Hễ cứ có xung đột, mâu thuẫn, vấn đề gì trong xã hội là lại chĩa mũi dùi vào dân, phê phán "tư duy bầy đàn", "văn hóa tiểu nông", "căn tính bạo lực" của người dân Việt Nam. Hỏi sao không chỉ trích nhà nước, họ sẽ ưu tư : Chính quyền thì cũng từ dân mà ra, dân như thế thì chính quyền sao khác được.

Cách nói của họ dẫn đến cách hiểu : Cuối cùng là hòa cả làng, dân cũng như quan, đều dở cả ; tuy nhiên khởi thủy thì tội của dân là chính.

Hay nhỉ, họ cứ làm như nhà nước này do dân bầu ra không bằng.

dongtam2

Người dân đặt chướng ngại vật trên một con đường vào xã Đồng Tâm. Ảnh chụp hôm 20/4/2017. AFP photo

Nhà văn Mạnh Kim viết rằng cách tuyên truyền định hướng như vậy của báo chí nhà nước không phải là cách tốt nhất để tháo ngòi nổ của cuộc khủng hoảng.

Nhưng vụ khủng hoảng vì tranh chấp đất đai lần này khác rất nhiều so với những vụ cưỡng bức đất đai trước đó, là có một số đông cán bộ, công an bị nông dân bắt làm con tin.

Có blogger như Người Buôn Gió đặt câu hỏi tại sao lực lượng được huấn luyện và trang bị đầy đủ như vậy lại bị dân chúng bắt làm con tin một cách dễ dàng ? Ông trả lời rằng phải chăng trong tâm họ không muốn đứng ra đấu nhau với dân, lệnh cấp trên bắt làm thì phải làm. Trong lòng họ chỉ mong được dân bắt như thế để đỡ phải làm những việc ác với dân mà họ không muốn ?

Sau một tuần lễ, vụ khủng hoảng Đồng Tâm vẫn không được giải quyết bằng bạo lực, mà hơn nữa một số tờ báo đã mạnh dạn đưa lên những bài tường thuật của mình. Trong số đó bài của tác giả Bảo Hà của tờ Vnexpress mang tên Đối thoại ở thôn Hoành, mô tả trạng thái tinh thần tuyệt vọng và căng thẳng của những người nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, và tuyệt nhiên họ không chống lại nhà nước.

Bài báo được cộng đồng blogger và mạng xã hội ca ngợi, gọi đó là một sự can đảm.

Đối thoại thất bại

Nông dân Đồng Tâm nhắn gửi các cấp lãnh đạo của thành phố Hà Nội là họ muốn trình bày với ông chủ tịch thành phố những lý lẽ của họ.

Ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã chấp nhận lời đề nghị đối thoại đó.

Diễn biến này được luật sư Lê Công Định gọi đó là một xu hướng tốt, dùng đối thoại để giải quyết khủng hoảng xã hội, và điều đó cần được nhà nước lưu tâm. Và, ông Định viết tiếp, là phải loại bỏ ngay ý nghĩ dùng bạo lực vì nạn nhân của bạo lực sẽ là những kẻ dùng bạo lực.

Cùng ý nghĩ này là luật sư Trần Hồng Phong của trang blog Bình luận án :

Nếu chính quyền, trong khi hàng loạt sai phạm, vi phạm của chính mình không được xem xét, sửa chữa, mà lúc nào cũng chỉ chăm chăm nhìn người dân qua lăng kính độc đoán, vô cảm, xem người dân như những kẻ phạm tội và đã sẵn sàng áp dụng những phương cách giải quyết nghiêm khắc nhất - mà không phải là sự chia sẻ thông tin và đối thoại - sẽ không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Đó không phải là phương cách giải quyết của một Nhà nước mang bản chất vì dân, do dân.

Luật sư Phong dẫn chứng cho lý lẽ của mình bằng việc nhà cầm quyền đã ra tay trước khi bắt giữ bốn người nông dân, sự việc đã thổi bùng lên cuộc khủng hoảng.

Cuối cùng Chủ tịch Chung đã được đảng ông giao cho nhiệm vụ đối thoại với nông dân Đồng Tâm.

Nhưng ông lại không về xã Đồng Tâm mà lại ngồi chờ dân đến với ông ở trụ sở huyện Mỹ Đức. Và thế là cuộc đối thoại giữa ông và dân không diễn ra, mà chỉ diễn ra giữa ông và cán bộ xã.

Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên trách ông Chung là sao ông từng là một viên tướng công an, nay đứng đầu thủ đô mà lại không dám xuống với dân.

Mà không chỉ có ông Chung, giới blogger hỏi nhau là một vụ khủng hoảng lớn như Đồng Tâm, cả trong và ngoài nước đều đưa tin mà không có vị lãnh đạo nào lên tiếng.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống đặt câu hỏi trên trang Bauxite Việt Nam, rằng vụ việc ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, chỉ cách Trung tâm Ba Đình chưa đến 30 km, diễn ra đã gần 1 tuần lễ mà chưa thấy ủy viên Bộ Chính trị nào lên tiếng, đặc biệt là các vị trong tứ trụ. Tại sao vậy ? Hay các vị cho rằng chuyện ở Đồng Tâm quá bé, không đáng quan tâm ?

Blogger Nguyễn Anh Tuấn giải thích rằng cũng giống như vụ khủng hoảng Formosa bùng nổ vào năm 2016, những nhà lãnh đạo Việt Nam không đủ tự tin, không đủ lý lẽ đế đứng trước một đám đông đang giận dữ. Ngoài ra Nguyễn Anh Tuấn còn viết rằng không hẳn tất cả các đảng viên cộng sản đều xấu, nhưng cơ chế của đảng đã buộc họ có những hành vi lời nói không đúng với điều họ nghĩ và muốn làm.

Đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp ?

dongtam3

Một con đường bị dân chặn bởi đất đá ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 20 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Nguyên nhân của vụ khủng hoảng Đồng Tâm cũng như hàng ngàn vụ nông dân đòi quyền lợi đều có liên quan đến đất đai.

Nguyên nhân gần nhất là đất đai của xã Đồng Tâm được giao cho công ty Viettel của quân đội xây cơ sở kinh doanh của họ.

Blogger Trương Duy Nhất đặt vấn đề là tại sao Một quân đội mang danh nhân dân, kết thúc chiến tranh gần nửa thế kỷ rồi, vẫn luôn nghĩ mưu kế giật giành từng khoảnh đất của dân. Thu đất của dân, rồi lại khởi tố dân. Và rằng Sức mạnh quân đội, đâu phải dựa vào... đất ?

Và trong suốt hơn 7 ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng, người ta không nghe thấy các giới chức quân đội hay của công ty Viettel lên tiếng.

Blogger Đỗ Minh Tuấn viết rằng :

Danh ngôn có câu : "Hãy cám ơn Thượng đế đã không cho con hổ thêm đôi cánh". Nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam còn kinh hơn Thượng đế, không chỉ cho hổ đôi cánh mà còn cho tem nhãn, cho Thượng phương bảo kiếm, cho thằng con buôn như Viettel sứ mệnh của Quân đội, cấp cho nó cái ví rộng đến mức đựng cả núi tiền, cả sân bay tàu chiến & tên lửa, cả của cải & số phận của hàng vạn dân oan.

Còn nguyên nhân xa, và bao khắp các vụ tranh chấp đất đai được nhiều blogger trong đó có Phạm Ngọc Hưng cho là nằm ở quan điểm của đảng cộng sản : đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Phạm Ngọc Hưng viết rằng đã đến lúc người dân thay vì chống tham nhũng đất đai–tức những cá nhân hay tổ chức dính líu–mà phải chuyển sang phản kháng chống chính sách đất đai.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bình luận về quan điểm đất đai này của những người cộng sản :

Sở hữu toàn dân chỉ là thuật ngữ che đậy một sự thật phũ phàng : sự chiếm hữu đất đai trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam của đảng cộng sản, biến toàn thể dân Việt thành người tá điền, kẻ sống nhờ ở tạm, với quyền sử dụng đất nhà có hạn định thời gian không biết lúc nào an cư lạc nghiệp, không biết lúc nào được làm chủ thực thụ.

Giải quyết vụ Đồng Tâm, và có thể còn có những vụ khác trong tương lai thì phải làm như thế nào ?

Blogger Đoan Trang trấn an những nhà cầm quyền là vụ Đồng Tâm sẽ không tạo thành tiền lệ :

Thật ra để không tạo thành tiền lệ như vậy thì đâu có khó : Lần sau thì đừng ăn cướp của dân nữa nhé. Đừng làm tay sai cho chính quyền và doanh nghiệp để hà hiếp dân nữa nhé. Đừng cưỡng chế bạo lực, đừng bắt người trái pháp luật, đánh người gây thương tích nữa nhé. Đừng mượn đài truyền hình quốc gia làm cái loa ngậm máu phun người, đừng huy động côn đồ vào gây rối, vu vạ cho dân nữa nhé.

Ông Lương Ngọc Quỳnh viết là dân không có chống lại nhà nước mà chỉ chống bất công, và chính quyền phải bàn bạc với dân chứ không nên hạch sách và áp đặt.

Nguyễn Anh Tuấn rất thận trọng, viết rằng người dân Đồng Tâm Mỹ Đức nên bắt buộc các vị đại diện chính quyền ký cam kết trên giấy tờ trước khi thả con tin, vì khó có thể tin vào họ khi quá khứ cầm quyền của họ cho thấy họ không tôn trọng lời hứa.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng kêu gọi nhà cầm quyền Hãy bình tâm suy nghĩ để tìm ra lối thoát ! Hãy đối thoại ôn hòa với người dân !

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 21/04/2017

*******************

Tiếng vọng từ Đồng Tâm (RFA, 21/04/2017)

dongtam4

Bên ngoài xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chụp hôm 21/4/2017.

Cảm thông và ủng hộ

Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua việc tiền

Hai câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du mà thính giả Ha Quang Tuan mượn lời thơ để cất lên tiếng lòng trước thông tin về các vụ việc cưỡng chế đất đai diễn ra suốt tuần qua ở Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Quốc-Kiên Giang và xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ngay trong lòng thủ đô Hà Nội.

"Nhìn cảnh dân bị cưỡng chế mà tôi đau thắt tim", "Quá thương cho dân lành ! Cái túi của các quan tham thiệt là không đáy !", "Người nông dân vốn đã nghèo khó mà còn bị lấy đất giao cho công ty, coi như bóp chết cuộc sống của họ rồi !", "Nhìn cảnh người dân thiệt là đáng thương ! Lợi ích nhóm như cái vòi bạch tuộc !", "Vừa mất đất vừa bị bắt. Có nỗi đau nào hơn không ?".

Đây là những chia sẻ của quý khán thính giả cùng độc giả RFA qua nghe được và nhìn thấy cảnh tượng người dân bị xịt vòi rồng khi lực lượng chức năng đến cưỡng chế nhà ở phường Đông Phong, thành phố Lai Châu và 11 người đã bị bắt giữ trong vụ việc này ; người dân thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cắm chốt, cắm lều, dựng bạc tại khu đất bị thu hồi cũng như đặt sẵn quan tài đã đốt hương khi cả ngàn nhân viên của lực lượng cưỡng chế đến ; hộ dân ở Gành Dầu, Bãi Dài, Phú Quốc, Kiên Giang ném chai lọ có chứa xăng vào lực lượng cưỡng chế gồm khoảng 100 người vì chính quyền địa phương không giải quyết nguyện vọng yêu câu hỗ trợ tái định cư ; và đỉnh điểm là vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

"Kính gửi bà con nhân dân xã Đồng Tâm, một số cán bộ tham nhũng ở huyện Mỹ Đức giở hết chiêu này đến chiêu khác với mục đích chiếm bằng được đất đồng Sênh ta. Chúng dùng mọi thủ đoạn lừa đảo không thành. Nay, chúng lại tung ra chiêu lừa đảo mới, liều lĩnh tuyên bố cưỡng chế giải tỏa đất nông nghiệp ở đồng Sênh, kể cả nhà cửa và hoa màu. Chúng đang thuê mượn các lực lượng ở những địa bàn lân cận để về hăm dọa nhân dân đang sản xuất, canh tác, trồng hoa màu trên đất nông nghiệp khu đồng Sênh của nhân dân Đồng Tâm. Nhân dân phải thật bình tĩnh, đoàn kết, bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, không được vi phạm pháp luật. Dân ta chỉ quyết giữ lấy đất của ta thôi. Chúc bà con thành công".

dongtam5

Chướng ngại vật chắn ngang một con đường vào xã Đồng Tâm. Ảnh chụp hôm 21/4/2017. RFA photo

Vừa rồi là thông báo được phát đi từ kênh phát thanh của người dân Đồng Tâm tự lập ra. Bà con xã Đồng Tâm không còn chọn lựa nào khác là phải đối đầu với chính quyền sau khi 4 người dân bị bắt hồi ngày 15 tháng Tư vì tội "gây rối trật tự công cộng". Với quyết tâm giữ đất, dân làng Đồng Tâm đã bắt giữ 36 công an làm con tin và tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập" diễn ra trong nhiều ngày bởi sự bao vây chặt chẽ của lực lượng chức năng.

Trong suốt những ngày xảy ra cuộc đối đầu giữa lực lượng chức năng và dân chúng xã Đồng Tâm, truyền thông trong nước đăng tải thông cáo của Ủy ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do dân chúng Đồng Tâm không đồng ý với những quyết định về đất đai hợp lý của chính quyền. Tờ Hà Nội Mới đăng bài chỉ trích nhiều thế lực bên ngoài ra sức kích động dân chúng Đồng Tâm, trong khi báo mạng VnExpress.net có đưa thông tin về quan điểm của người dân Đồng Tâm, nói rằng họ muốn giải quyết chuyện đất đai theo đúng pháp luật, chứ không muốn gây rối loạn.

Ý kiến của quý thính giả Đài Á Châu Tự Do xoay quanh vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức như thế nào ? Trước hết là nhận định của Nhà thơ Bùi Minh Quốc, một người ký tên vào "Bản Lên tiếng ủng hộ đồng bào Đồng Tâm" :

"Vụ Đồng Tâm này có thể nói là hệ quả của một quá trình. Nguyên nhân gốc là do điều luật ‘đất đai là sở hữu toàn dân’. "Đất đai là sở hữu toàn dân’ nhưng thực sự người dân không được sở hữu gì cả mà thành ra là sở hữu của những kẻ cầm quyền nắm con dấu, nắm chữ ký. Và từ đó diễn ra tình trạng dùng chữ kỹ, con dấu để cướp đất dân, cướp từ nhiều nơi. Đã xảy ra nhiều vụ như Đồng Tâm. Trước là những vụ lấy đất của dân nhân danh đất quốc phòng, nhân danh các dự án phát triển kinh tế… Nhưng thực chất không phải dùng cho những mục đích đó mà lấy đất rồi đất ấy vào tay các nhóm lợi ích để cho họ tích lũy tài sản".

"Đó chính là hậu quả sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, lách Luật của nhóm doanh nghiệp bất động sản với sự tiếp tay của một số cán bộ, đảng viên tham nhũng ở cơ sở làm phương hại đến đời sống, sản xuất của người dân. Công ty Viettel đừng làm xấu hình ảnh tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đền bù ép giá thì dân phải đấu tranh. Ruộng là để canh tác".

"Tượng đài có thể nghìn tỷ được. Dự án bỏ bê tổn thất lên đến vài nghìn tỷ. Tham nhũng có thể vài nghìn tỷ… Nhưng đề bù cho dân một miếng đất với giá rẻ mạt. Nghịch lý này đang diễn ra hàng ngày trên đất nước Việt Nam".

"Đất đai bây giờ có thể hái ra tiền. Ngành kinh doanh bất động sản là ngành hút máu người. Mua đất nông nghiệp giá thấp rồi bán lại với giá gấp nhiều lần. Các vụ mua bán, thu hồi đất xảy ra mấy chục năm khắp nơi trong nước. Nhưng tiếng kêu của dân bao giờ được đáp trả ? Có chăng chỉ bằng vũ lực mà thôi".

"Cả một hệ thống chính trị từ trên xuống dưới dùng điều luật ‘sở hữu đất toàn dân’ để lấy đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của người dân thì việc họ đấu tranh, chống đối quyết liệt là lẽ đương nhiên. Chúng tôi ủng hộ bà con Đồng Tâm, Mỹ Đức".

Đổ vỡ niềm tin

dongtam6

Người dân đặt chướng ngại vật trên một con đường vào xã Đồng Tâm. Ảnh chụp hôm 21/4/2017. RFA photo

Vào tối hôm 20 tháng Tư, Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết trong buổi họp báo, sau cuộc họp với đại diện lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm, rằng ông đề nghị người dân Đồng Tâm sớm thả những chiến sỹ cảnh sát cơ động mà họ đang bắt giữ vì việc làm này là trái quy định, cũng như tháo dỡ ngay những chướng ngại vật trên các con đường vào xã Đồng Tâm. Ông Chung còn cho biết Hà Nội đã ra quyết định thanh tra toàn diện và sẽ công bố kết quả sau 45 ngày thanh tra. Ông Nguyễn Đức chung nhấn mạnh "Bà con nên tin chúng tôi".

Ngay sau khi tin tức vừa nêu được đăng tải, thính giả Minh Nguyen chia sẻ trên trang Facebook RFA, viết là "Những ngày qua có thể thấy người dân Đồng Tâm cũng đã kiềm chế, nhận thức được thực hư của sự việc. Nên công khai, minh bạch rõ ràng mọi chuyện trong ôn hòa. Chắc chắn vụ việc sẽ không đi quá xa. Nên thẳng thắn đối thoại. Tất cả đều có thể phân xử có lý, đạt tình". Thính giả Đăng lên tiếng "Mong chính quyền có những giải pháp ổn thỏa để người dân trở lại sinh hoạt, lao động bình thường". Tuy nhiên, không ít quý thính giả RFA lập luận rằng niềm tin của dân chúng thật sự đã vỡ vụn qua các vụ việc cưỡng chế đất đai trước đây và số phận của những người dân ở Đồng Tâm không ai đảm bảo được điều gì là an toàn cho họ trong những ngày tới. Thính giả Nguyễn Lan bày tỏ nỗi lo lắng của mình dành cho người dân Đồng Tâm :

"Dân Mỹ Đức rồi lại khổ thôi vì bị quy vào tội giữ người trái phép, gây rối trật tự nơi công cộng. Nhìn lại những người dân bên chợ Nành, Ninh Hiệp thì biết ngay".

Trong khi nhiều thính giả lo ngại về viễn ảnh xấu sẽ xảy đến cho người dân quyết giữ đất ở Đồng Tâm, Mỹ Đức thì khá nhiều người khẳng định vụ việc này có thể là tiền đề tạo nên một làn sóng phản đối luật đất đai hiện hành ở Việt Nam :

"Có thể nói tại thời điểm này, sự bất đồng và tuyệt vọng lên điểm cao. Chính vì lý do đó cho nên người ta phản ứng. Đây có thể nói đây là lần đầu tiên chính thể Cộng sản gánh chịu một cơn thịnh nộ của những người nông dân. Rất có thể các nơi khác, người ta cũng bắt đầu ý thức phải góp sức lại, cùng nhau theo dạng như tổng nổi dậy. Vụ việc Đồng Tâm ngay trong thủ đô Hà Nội đã gây tác động rất lớn. Có thể nói đã chuyển biến về chất và đang có xu thế chuyển sang về lượng, thích hợp với câu nói ‘Có áp bức thì có đấu tranh’".

Một thính giả : "Chính quyền Hà Nội nên nhớ, nếu người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức bị đàn áp thì tôi tin cả nước sẽ là một Mỹ Đức. Nhân dân là người có quyền lực cao nhất và họ có quyền phúc quyết mọi vấn đề".

Hòa Ái, phóng viên RFA

*********************

Mỹ Đức, quả bom ruộng đất Việt Nam (RFA, 20/04/2017)

dongtam7

Một ụ cao những cột mốc vừa bị gỡ bỏ. RFA photo

Trong gần 1 tuần, kể từ hôm 15 tháng 4 đến nay, thông tin về bà con nông dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đấu tranh, bắt nhốt 38 cảnh sát cơ động và cố thủ trong làng, chuẩn bị tinh thần đấu tranh cao độ để đối phó với lực lượng công an Hà Nội đang bố ráp, cắt điện, cắt nước và phá sóng di động, sự việc như một quả bom đã được kích hoạt. Vấn đề căng thẳng do đền bù bất hợp lý đất đai của nhà nông vẫn chưa được giải quyết nhưng chính quyền đã tiến hành truy tố người dân đấu tranh. Liệu sự việc này sẽ đến đâu ? Và đâu là nguyên nhân ?

Đền bù không hợp lý

Một người dân sống ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, tên Hạnh, chia sẻ : "Chuyện chính quyền họ lấy đất, lấy ruộng của nông dân mà không trả đấy mà ! Bây giờ dân người ta đang đòi đất từ chính quyền, chính quyền lấy đất của dân mà không trả đấy thôi. Chuyện này lằng nhằng lâu nay rồi…".

Bà Hạnh chia sẻ thêm, vấn đề thu hồi và đền bù đất ở Mỹ Đức dường như có sự bất minh ngay từ đầu. Nghĩa là trước thời điểm xảy ra biến cố Đồng Tâm nhiều năm, đã có một chương trình xây dựng sân bay Miếu Môn và dự án này thu hồi, đền bù đất ruộng của bà con nhân dân xã Mỹ Đức với giá rất thấp và người dân vui vẻ chấp nhận điều này vì sân bay Miếu Môn là công trình quốc phòng, có tính phúc lợi xã hội. Nhưng điều này không diễn ra đúng như lời hứa từ phía nhà nước, quĩ đất canh tác của người dân bị chặn đứng và bỏ hoang suốt một thời gian dài.

Trong khi không có đất để canh tác, nông dân xã Đồng Tâm phải đi làm thuê tứ xứ, các chợ lao động trên thành phố Hà Nội với hàng chục, có lúc đến hàng trăm người xếp hàng chờ chủ thuê đến gọi đều là người của xã Đồng Tâm. Số tiền đền bù đất nông nghiệp lúc đó tính ra mỗi mét vuông đất mua không được một ổ bánh mì nhưng bà con nông dân vẫn chấp nhận để nhà nước xây sân bay. Thế rồi mọi chuyện thay đổi không theo dự tính, từ một công trình xây dựng quốc phòng là sân bay Miếu Môn, người ta hô biến nó thành một công trình có tính thương mại, bán nó cho tập đoàn Viettel và cả một quĩ đất khổng lồ hàng trăm ngàn mét vuông, nơi vốn dĩ là mảnh đất sinh sống hằng trăm năm nay của người dân Đồng Tâm bị biến thành miếng mồi béo bở của tập đoàn Viettel.

Và với giá bồi thường cho người dân mỗi mét vuông chưa mua được một ổ bánh mì, người ta biến thành đất xây dựng, bán ra thị trường với giá 30 triệu đồng một mét vuông. Điều này gây bức xúc trong nhân dân bởi vô hình trung, hành vi thổi đất quốc phòng thành đất bán trên thị trường của những người đang nắm chức sắc trong bộ máy nhà nước đã mang tính lừa đảo nhân dân. Mượn danh quốc phòng, mượn danh phúc lợi xã hội để lấy đất của dân để bán. Và câu chuyện người dân Đồng Tâm nổi dậy, đấu tranh đòi đất là một hệ quả tất yếu sau quá trình dài bị nhà cầm quyền lừa đảo họ.

Đấu tranh đến bao giờ ?

Ngày 15 tháng 4 năm 2017, lực lượng công an thành phố Hà Nội phối hợp với công an huyện Mỹ Đức tiến hành bố ráp bà con nông dân xã Đồng Tâm để bảo vệ cho Viettel cải tạo đất sân bay Miếu Môn thành đất của Viettel để bán. Việc này đã dẫn đến phản ứng dữ dội của bà con nông dân xã Đồng Tâm. Có thể nói rằng mức độ phản kháng của người dân gay cấn chẳng kém gì mức độ phản kháng của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng trước đây.

Có 38 cảnh sát cơ động bị bà con nông dân Đồng Tâm bắt nhốt trong nhà văn hóa thôn Hoành. Và trong những lúc căng thẳng cao điểm, cảnh sát, an ninh và nhà cầm quyền cho bao vây, bố ráp, cách ly hoàn toàn xã Đồng Tâm với thế giới bên ngoài bằng cách cắt điện, cắt nước, phá sóng để người bên trong xã không thể nào liên lạc với thế giới bên ngoài. Mọi thông tin tại Đồng Tâm hoàn toàn bị cắt đứt bởi lực lượng cảnh sát, an ninh bao vây dày đặt chung quanh xã Đồng Tâm. Đáp trả, những người dân Đồng Tâm đã tẩm xăng chung quanh khu vực các cảnh sát cơ động bị nhốt và tuyên bố nếu như lực lượng an ninh tấn công vào bên trong khu vực rào cản do dân thiết lập thì dân sẽ phóng hỏa thiêu rụi nhà văn hóa thôn, nơi đang nhốt các cảnh sát cơ động.

Một người dân trong xã Đồng Tâm, không muốn nêu tên, chia sẻ : "Tức là nó cũng sẽ đàn áp nhưng nó sẽ giảm lực lượng đi đã, tỉa tót bớt lực lượng dân đi đã. Tất nhiên nó sẽ làm sạch trước ngày 30 tháng 4. Nhưng nó cũng sẽ làm nhiều điều mình không biết trước. Nhưng tôi nghĩ đòn cao của nó sẽ là tháo gỡ lệnh khởi tố, tạm thời tuyên bố xó cờ rồi sau đó nó chơi cờ mới, nó lại tìm cách bắt bớ. Bởi nó biết bản thân người dân cũng không thể nắm tay lâu được. Nó sẽ tỉa tót bằng cách cách chức thằng nọ thằng kia trong bộ máy xã để xoa dịu, tháo ngòi nổ trước 30 tháng 4. Rồi sau đó thì khó mà lường trước được".

Theo vị này, sở dĩ người dân nổi nóng và có phản ứng dữ dội như vậy không chỉ vì vấn đề đền bù không thỏa đáng mà do hành tung mang lựu đạn cay, mang các loại vũ khí gây tổn thương của lực lượng cảnh sát cơ động trong lúc tiến vào xã Đồng Tâm. Đặc biệt, kiểu mang bản số xe giả khi hành quân vào Đồng Tâm là một cách đối xử với kẻ thù chứ không phải là của công an, nhà nước đối xử với nhân dân. Chính vì vậy, khi phát hiện ra những loại vũ khí trong các xe cảnh sát cơ động, người dân đã mất hết kiên nhẫn và sự kiềm chế, họ đã phản ứng theo cơn giận.

Nhưng vị này cũng nói rằng cơn giận của người dân Đồng Tâm là có lý lẽ của nó chứ không đơn giản chỉ là sự bốc đồng tập thể hay cố ý gây rối trật tự như các báo trong nước đã nói. Bởi vì sự nóng giận của người dân đã bị kích thích đến tột độ khi nhà cầm quyền thay vì thương lượng, xoa dịu và xin lỗi dân bởi họ sai trái thì ngược lại, họ tiếp tục có hành vi ám hại nhân dân bằng bạo lực công an. Điều này nằm ngoài sức chịu đựng của người dân xã Đồng Tâm cũng như nhiều dân oan mất đất khác.

Và cho đến thời điểm hiện tại, khi chúng tôi ngồi viết bài tường trình này, sức nóng câu chuyện ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vẫn chưa hề lắng xuống. Phía nhân dân đã thả một số cảnh sát cơ động về nhà, và phía nhà cầm quyền đã tạm thả một số người mà họ đã bắt ờ Đồng tâm để rồi tiếp đến là kế hoạch bố ráp mới lại bắt đầu. Kiểu tung đòn ảo của ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bằng cách hứa sẽ điều trần với bà con Đồng Tâm rồi sau đó nuốt lời lại càng làm cho mọi chuyện trở nhên căng thẳng hơn, mâu thuẫn và xung đột càng nặng hơn.

Hi vọng rằng nhà cầm quyền Hà Nội có một giải phái tối ưu để xoa dịu người dân và tạo ra một sinh quyển chính trị, quyền lợi cân bằng để tiếp tục phát triển quốc gia thay vì lẩn quẩn trong nhiễu loạn mà phần lớn nguyên nhân đều xuất phát từ sự bất công xã hội như hiện tại !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 

Published in Diễn đàn