Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong Luật biển Việt Nam, nước này sử dụng điểm A1 (hòn Nhạn, đảo Thổ Chu trong Vịnh Thái Lan) và A3, A4 (hòn Tài Lớn, hòn Bông Lang của Côn Đảo, trên Biển Đông) làm điểm chuẩn để vẽ đường cơ sở. Vẽ đường cơ sở như vậy là vi phạm Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS.) 

condao1

Bản đồ thềm lục địa mở rộng Việt Nam đệ trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS) năm 2009 - CLCS

Trong khi đòi hỏi một đường cơ sở vi phạm UNCLOS từ năm 1982, Việt Nam đến nay vẫn chưa chính thức gửi công hàm cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc để đòi hỏi quyền chủ quyền (200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, và thềm lục địa mở rộng) cho hai đảo Thổ Chu trên Vịnh Thái Lan và Côn Đảo trên Biển Đông. 

Khoản 3 Điều 121 của UNCLOS nêu rõ "đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa". Và kết luận của Tòa PCA năm 2016 trong vụ xử Philippines kiện Trung Quốc đã giải thích rõ hơn về khái niệm "đảo" trong UNCLOS. Theo đó, đảo là thực thể địa lý "phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng". Điều đó có nghĩa là việc xác định một thực thể địa lý là "đảo" hay "đá" thì "phụ thuộc vào khả năng khách quan của thực thể địa lý đó khi xem xét chúng ở tình trạng tự nhiên, để có thể duy trì một cộng đồng dân cư hoặc các hoạt động kinh tế ổn định, mà không cần phải phụ thuộc vào những hỗ trợ từ bên ngoài, hoặc [hoạt động kinh tế] đó không phải là các hoạt động thuần tuý mang tính chất khai thác". Đặc biệt, nó phải là nơi "có các cộng đồng dân cư coi đó là nhà". 

Căn cứ vào diễn giải như trên của Tòa PCA năm 2016, có thể thấy Thổ Chu và Côn Đảo thỏa mãn các điều kiện của "đảo". Thực tế, đảo Thổ Chu nằm trong Vịnh Thái Lan đã được chính thức coi là đảo trong hiệp định phân định ranh giới trên biển với Thái Lan. 

Như vậy, Việt Nam có thể đòi hỏi quy chế đảo cho hai hòn đảo này hay không ? Tức là có thể đòi hỏi 200 hải lý EEZ và thềm lục địa cho chúng không ? Liệu một đòi hỏi như vậy liệu có thể vừa bảo đảm tính hợp pháp, không bị quốc tế phản đối, và vẫn bảo đảm được lợi ích mà đường cơ sở thẳng vi phạm UNCLOS có thể mang lại hay không ?

RFA phỏng vấn Tiến sĩ Dương Danh Huy, thành viên sáng lập Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, về vấn đề này.

RFA : Đảo Thổ Chu nằm trong Vịnh Thái Lan đã được chính thức coi là đảo trong hiệp định phân định ranh giới trên biển với Thái Lan. Vậy với Côn Đảo thì sao ?

Dương Danh Huy : Đảo Thổ Chu, Côn Đảo, và cả đảo Phú Quý, chắc chắn hội tụ đủ các điều kiện để được hưởng quy chế đảo của UNCLOS, và Mỹ không phản bác điều đó.

RFA : Khu vực bãi Tư Chính mà Việt Nam đang khai thác dầu khí nằm cách đất liền khoảng 250 hải lý. Nhưng do Việt Nam sử dụng một số thực thể địa lý ở Côn Đảo để vẽ đường cơ sở, cho nên 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng được đẩy ra xa hơn, do đó, bãi Tư Chính cũng nằm lọt vào 200 hải lý thềm lục địa ấy. Quyền lợi này mà Việt Nam có được rõ ràng dựa trên đường cơ sở thẳng vi phạm UNCLOS. Điều này có thể gây rủi ro gì về mặt pháp lý cho Việt Nam không ? 

Dương Danh Huy : Nếu không có đường cơ sở 1982, đảo Phú Quý và Côn Đảo vẫn được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, và vùng đặc quyền kinh tế dựa trên hai đảo đó sẽ bao trùm một phần của bãi Tư Chính. Thềm lục địa mở rộng của Việt Nam sẽ bao trùm phần còn lại của bãi Tư Chính. Do đó, Việt Nam có thể đòi toàn quyền khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính một cách phù hợp với UNCLOS, không cần đến đường cơ sở 1982.

RFA : Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2019, Trung Quốc tổ chức một đợt xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. Sau đó họ lặp lại việc này năm 2021, 2021. Khi Việt Nam phản đối, họ nói bãi Tư Chính thuộc Trường Sa của họ. Có thể thấy đây là một chiến thuật mới. Họ có thể áp dụng lập luận này cho cả Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Lập luận này tất nhiên sai so với UNCLOS. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sử dụng đường cơ sở thẳng hiện hành thì việc đòi hỏi bãi dầu khí Tư Chính cũng không phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Điều này có thể gây ra những rủi ro gì cho Việt Nam ?

Dương Danh Huy : Như đã nói trên, Việt Nam có thể đòi toàn quyền khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính một cách phù hợp với UNCLOS, không cần đến đường cơ sở 1982. Nếu Việt Nam vận dụng đường cơ sở đó để đòi, điều đó chỉ làm cho "nước đục" để Trung Quốc "thả câu", và Trung Quốc sẽ lợi dụng và biện luận rằng yêu sách của Việt Nam là bất hợp pháp, nhằm gây ra một sự tương đồng giả tạo giữa hai bên.

RFA : Nếu Việt Nam đòi hỏi quy chế đảo cho Côn Đảo thì 200 hải lý EEZ và thềm lục địa của Côn Đảo cũng bao trùm lên vùng khai thác dầu khí Tư Chính không ? Đòi hỏi như vậy vừa hợp pháp, không bị quốc tế phản đối, nhưng có thể bảo đảm được lợi ích mà đường cơ sở thẳng vi phạm UNCLOS có thể mang lại hay không ?

Dương Danh Huy : Quan điểm của Việt Nam cho rằng Phú Quý và Côn Đảo được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, là hoàn toàn hợp pháp. Nhưng nếu Việt Nam cho rằng Hòn Hải, cũng được hưởng quy chế đó thì điều đó có thể sẽ bị tranh cãi.

Lập luận cho rằng việc Việt Nam có thể đòi toàn quyền khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính sao cho phù hợp với UNCLOS, không cần tới đường cơ sở 1982, chủ yếu là đúng. Chỉ có một chi tiết tôi xin nhắc lại là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ Côn Đảo và Phú Quý không phủ trùm hết Bãi Tư Chính, nhưng nếu chúng ta cộng thêm thềm lục địa mở rộng của Việt Nam thì sẽ phủ hết.

Việt Nam có cho rằng Côn Đảo và đảo Phú Quý là đảo và được hưởng quy chế EEZ 200 hải lý, nhưng lãnh đạo Việt Nam vẫn muốn giữ đường cơ sở 1982. Trên giấy tờ của Việt Nam thì đường cơ sở 1982 tạo ra cho Việt Nam một vùng nội thủy khổng lồ, đẩy lãnh hải ra cách bờ hàng chục hải lý và mở rộng thêm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Tôi không biết lãnh đạo Việt Nam có biết hay không, rằng vùng nội thủy và lãnh hải đó chỉ là chuyện hoang đường, hay vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam "được mở rộng" thêm bao nhiêu km vuông, hay nếu không "được mở rộng" như thế thì Việt Nam vẫn có thể đòi quyền khai thác dầu khí trong khu vực đó một cách hợp pháp. 

RFA : Theo ông, xét về mặt kỹ thuật pháp lý và chính trị, tại sao Việt Nam chưa đòi hỏi quy chế đảo cho Côn Đảo (có nhiều điểm lợi) mà chỉ chọn nó làm điểm cơ sở để vẽ đường cơ sở (bị quốc tế phản đối) ?

Dương Danh Huy : Có thể là Chính phủ Việt Nam cho rằng nếu bỏ đường cơ sở 1982 thì Trung Quốc sẽ lấn tới. Cũng có thể là họ lo rằng nếu chỉnh sửa lại đường cơ sở thì sẽ phải chỉnh sửa lại hai hồ sơ đã nộp cho Ủy ban Ranh giới Ngoài của Thềm lục địa năm 2009, và sửa lại hồ sơ nộp chung với Malaysia sẽ rất rắc rối. Có thể họ cho rằng dù không sửa thế giới vẫn sẽ ủng hộ mình cho nên không cần thiết.

RFA : RFA xin trân trọng cảm ơn Dương Danh Huy đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

Nguồn : RFA, 24/10/2022

Additional Info

  • Author Dương Danh Huy, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn