Hà Nguyên, VNTB, 06/12/2020
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đồng tình với ‘gợi ý’ là hãy áp dụng biện pháp xử trí "công lý phục hồi" đối với vụ việc liên quan lây lan dịch Covid ở cộng đồng đến từ Vietnam Airlines.
Bên lề Hội nghị chuyên đề mở rộng lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI sáng 4/12, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trả lời Zing liên quan đến vụ việc nam tiếp viên Vietnam Airlines mắc Covid-19 và làm lây lan cho cộng đồng (*). Theo đó, Bí thư Nên cho rằng "Quan điểm xử lý là răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chứ không phải trừng trị".
Ngay sau câu trả lời này của Bí thư Nên, phía phỏng vấn đã đặt câu hỏi khá khôn ngoan : "Tức là công lý phục hồi chứ không phải công lý trừng phạt ?" – và câu trả lời tiếp theo của Bí thư Nên, "Đúng vậy. Tác dụng của nó là tác dụng cảnh báo".
Ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, nhìn nhận "công lý phục hồi" là một hình thức của "hòa giải". Theo ông Quế, thì, "Việc hòa giải để người phạm tội thấy được tội lỗi của mình trước người bị hại là việc làm nhân văn cần được khuyến khích. Khi còn sinh thời, Bác Hồ cũng đã nói đại ý là : "xét xử đúng pháp luật là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn" !".
Vẫn theo cựu thẩm phán Đinh Văn Quế, lợi ích của việc hòa giải trong vụ án hình sự nhiều khi đem lại những tiện ích to lớn không chỉ đối với các bên, mà còn đối với xã hội. "Với tinh thần này, thiết nghĩ không chỉ đối với các vụ án ít nghiêm trọng mà ngay cả đối với những vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng vẫn nên hòa giải" – ông Quế nêu ý kiến.
Vấn đề đặt ra là trong những vụ án liên quan đến cáo buộc mang yếu tố chính trị, thì việc "hòa giải" nên hiểu như thế nào, khi mà trên thực tế không có một đối tượng cụ thể nào là "bị hại" ?
Điểm khác biệt lớn nhất của hai hình thức "trừng phạt" – "hòa giải" này là vai trò của người có lợi ích bị xâm hại : trong phiên tòa của "công lý trừng phạt", vai trò của họ rất ít, vai trò chính thuộc về hệ thống xét xử. Còn trong phiên hòa giải của "công lý phục hồi", họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là trung tâm của việc hòa giải.
Như vậy, giả dụ như trong vụ án liên quan cáo buộc Điều 117, Bộ luật hình sự thì "bị hại" là "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", vậy thì cụ thể những ai ở đây sẽ là trung tâm của việc hòa giải : Chủ tịch nước – Chủ tịch Quốc hội – Thủ tướng chính phủ ?
Về nghĩa vụ của người phạm tội, thì "công lý trừng phạt" cho rằng nghĩa vụ của người phạm tội là nhận lấy hình phạt. Trong khi đó, "công lý phục hồi" cho rằng, nghĩa vụ của người phạm tội là đối mặt với trách nhiệm, và tham gia khắc phục hậu quả.
Đây là một điểm rất thú vị và đặc biệt. Nếu xét về phiên tòa của "công lý trừng phạt", thì nếu người được cho là phạm tội có thể tránh mọi ánh nhìn, trừ ánh nhìn của thẩm phán – còn trong "công lý phục hồi", người đó phải đối diện với người được pháp luật ủy nhiệm là đại diện cho "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã bị xâm hại lợi ích.
Người được cho là phạm tội sẽ bị xem xét về những điều sai sót của bản thân trong phiên tòa "công lý trừng phạt" bằng cách tập trung vào tiền án, hành vi phạm tội và nguy cơ trong tương lai. Còn trong phiên hòa giải "công lý phục hồi", người được cho là phạm tội sẽ bị xem xét về khả năng khắc phục hậu quả nhiều hơn.
Một phiên tòa đương nhiên sẽ áp dụng quan hệ đối lập về mặt lợi ích, một phiên hòa giải thì tất nhiên sẽ áp dụng đối thoại và đàm phán nhiều hơn. Và chính điều này cho thấy thêm nhiều cơ hội nữa về "đối thoại cởi mở", để những công dân bị cáo buộc vi phạm hình sự, cùng với bên được cho là "bị hại" cùng đưa ra các lập luận cho lằn ranh phản biện ôn hòa, so với thái độ thù địch mang tính đối chọi trong phản biện cần được hiểu ra sao ?
Xu hướng nhân đạo và nhân văn hóa thì hình thức Restorative Justice – Công lý phục hồi ngày càng có đất diễn. Có thể đã đến lúc việc xét xử nên thôi "đấm" và bắt đầu "xoa".
Còn nói như cách của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ở lần trả lời phỏng vấn đăng trên báo điện tử Zing, thì, "Quan điểm xử lý là răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chứ không phải trừng trị".
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 06/12/2020
Chú thích :
(*)https://zingnews.vn/bi-thu-nen-viec-xu-ly-bn1342-la-de-canh-bao-khong-phai-trung-tri-post1159725.html
******************
Thới Bình, VNTB, 07/12/2020
Ông Trần Văn Hậu, giảng viên khoa Luật – Học viện An ninh, đã phân tích về điều luật số 117 của Bộ luật hình sự hiện hành, qua đó cho rằng nếu như ai đó có hành vi "ngờ vực", thậm chí cả ra mặt "chống đối" Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện qua những bài viết đăng báo, thì pháp luật hình sự của Việt Nam trên thực tế vẫn chưa có điều luật nào điều chỉnh.
Điều 117, Bộ luật hình sự chưa xác định đầy đủ khách
Theo giảng viên Trần Văn Hậu, thì trong quá trình nghiên cứu về việc thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông nhận thấy ngoài việc thực hiện các hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì các đối tượng này còn thực hiện các hành vi trên nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Để thực hiện được ý đồ trên các đối tượng đã tiến hành tuyên truyền, phát tán các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, "bóp méo", "pha loãng" thông tin hướng lái quần chúng xem xét lại lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước với mong muốn tác động xấu đến tư tưởng làm giảm sút ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Chính vì vậy, việc cấu thành tội phạm này nhưng không mô tả Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp được bảo vệ của điều luật đã tạo nên khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm trong thực tiễn.
Vì vậy, Bộ luật hình sự hiện hành cần quy định Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một điều hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Đồng thời đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của điều luật nhằm không bỏ lọt tội phạm, không tạo sơ hở cho các thế lực thù địch và bọn phản động ở nước ngoài có cơ hội lợi dụng thực hiện các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội" – giảng viên Trần Văn Hậu, nhận định.
Một tình tiết đáng lưu ý nữa, vẫn theo góc nhìn của giảng viên Trần Văn Hậu, đó là về quy định cấu thành tội phạm tăng nặng của tội phạm, đó là tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự hiện hành, quy định "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm" – nhà báo Phạm Chí Dũng đang bị cáo buộc về trường hợp gọi là "đặc biệt nghiêm trọng" này.
Về mặt lý luận, khoản 2 của điều luật kể trên được xác định là cấu thành tội phạm tăng nặng, với các hành vi phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế lại chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết về việc áp dụng xử lý tội phạm "trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng" đối với tội phạm này.
Trong một số tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các nhà làm luật đã có những kỹ thuật lập pháp để mô tả một cách cụ thể các cấu thành tội phạm tăng nặng, hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ của tội phạm.
Chẳng hạn trong một số tội như : Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116)… các nhà làm luật không quy định là "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng", mà quy định là "phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ", hoặc "phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng".
Như vậy, tình tiết giảm nhẹ hay tình tiết tăng nặng ở đây có thể dẫn chiếu theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành tại Điều 51 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tội phạm, và Điều 52 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội phạm, và rõ ràng đây là căn cứ quan trọng để áp dụng giải quyết trong các trường hợp cụ thể.
Hoặc trong một số tội phạm khác như : Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 108), Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111), Tội bạo loạn (Điều 112), thì khung hình phạt tăng nặng của các điều luật được xác định dựa vào các dấu hiệu như : người tổ chức, người hoạt động đắc lực, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ các phân tích pháp lý như trên cho thấy nguyên tắc xử lý và phân hoá trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong đấu tranh, xử lý tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam, liên quan về các hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân ; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý", là chưa đầy đủ về khách thể trực tiếp.
Và một khi Điều 117, Bộ luật hình sự chưa xác định đầy đủ khách thể trực tiếp của tội phạm, thì việc cáo buộc liên quan tội danh này đối với một số hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, liệu có thuyết phục ?
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 07/12/2020
****************
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 05/12/2020
Mới đây, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trong một trả lời phỏng vấn của tờ Zing, ông đã đồng tình ý kiến nên áp dụng "công lý phục hồi" trong vụ án liên quan tội danh "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" (*)
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo về sự kiện này, và cho hay cơ quan chức năng có kế hoạch điều tra toàn diện, để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải làm nhiều bước điều tra, trong đó một số người liên quan đang phải cách ly. Cơ quan điều tra vừa tuân thủ pháp luật vừa phải tuân thủ quy định cách ly, phòng chống dịch.
Bên lề vụ án vừa khởi tố, khi trả lời phóng viên báo Zing ở thời gian giải lao của Hội nghị chuyên đề mở rộng lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI sáng 4/12, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, nói rằng "Quan điểm xử lý là răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chứ không phải trừng trị".
Theo lý lịch học vấn, ông Nguyễn Văn Nên có học vị Cử nhân Luật, chuyên môn cảnh sát hình sự. Có lẽ với chuyên môn này nên ngay khi được phóng viên tờ Zing đặt câu hỏi : "Tức là công lý phục hồi chứ không phải công lý trừng phạt ?", ông đã trả lời nhanh và gọn : "Đúng vậy" (**).
Có ý kiến đặt ra từ bài báo nêu trên, là liệu với những vụ án liên quan đến "khác biệt về quan điểm chính trị", sắp tới đây có thể vận dụng "công lý phục hồi" để đôi bên thông hiểu về nhau hơn ?
Tội phạm, trong quan niệm của tư pháp hình sự truyền thống, là sự phá vỡ các quy định luật pháp. Trong quan niệm của "công lý phục hồi", tội phạm là sự phá vỡ một mối quan hệ.
"Công lý phục hồi" – đó là một mô hình của công lý bao gồm việc đưa ra sự nổi bật cho các nạn nhân trong tố tụng hình sự, công nhận năng lực của các bên để tìm kiếm một giải pháp thay thế cho can thiệp tội phạm. Mô hình này được sinh ra vào những năm 70 của thế kỷ 20.
Theo mô hình "công lý phục hồi", vai trò của Nhà nước sẽ bị giới hạn trong các trường hợp không thể đạt được giải pháp giữa các bên được chỉ định. Mô hình công lý này khác với mô hình "công lý bị trừng phạt" ở chỗ, sau này coi tội phạm là một hành vi phạm tội chống lại Nhà nước, và áp dụng hình phạt là sự trừng phạt.
Điều này có nghĩa là trong công lý phục hồi, hành vi tội phạm không chỉ được coi là một hành động chống lại các quy tắc, mà là một hành động gây tổn hại cho các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp – ví dụ, cộng đồng.
Thủ tục phục hồi là một thủ tục bao gồm tất cả các bên quan tâm để tìm giải pháp. Ngoài ra, nó tìm kiếm các cuộc đối thoại cho phép xác định hậu quả của tình huống xung đột là gì. Bằng cách này, các bên có thể đảm nhận trách nhiệm, nó có thể nhường chỗ cho việc sửa chữa các thiệt hại do xung đột gây ra, và một cam kết được thiết lập để không gây ra thiệt hại một lần nữa.
Trong một loại thủ tục khác được gọi là hậu tuyên án, người ta dự định rằng, mặc dù một lệnh trừng phạt đã được thiết lập, các bên có quyền truy cập vào các cơ chế phục hồi.
Hiện tại, "công lý phục hồi" là một triết lý được thực hành trong nhiều cách thức và hoàn cảnh khác nhau. Không chỉ được áp dụng với các hành vi phạm tội, công lý phục hồi còn được áp dụng trong cách tổ chức kỷ luật ở trường học để tạo dựng môi trường lành mạnh hơn.
Đời sống của giới xã hội dân sự ở Việt Nam trong bối cảnh vẫn chưa có luật về quyền lập hội, luật về biểu tình…, xem ra đang rất cần thiết đến "công lý phục hồi" !
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 05/12/2020
Chú thích :
(*)https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-548
(**)https://zingnews.vn/bi-thu-nen-viec-xu-ly-bn1342-la-de-canh-bao-khong-phai-trung-tri-post1159725.html
**********************
Chưa gì mà đã vội buộc tội ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 05/12/2020
Báo điện tử Zing đã rút tít tựa như trên ở bài báo có đoạn mở đầu như sau : "Mỗi người phải thấy mình có trách nhiệm với cộng đồng. Mình phóng túng một chút, thiếu ý thức một chút, không nghiêm kỷ luật một chút là họa đến", Bí thư Nên chia sẻ với Zing" (*).
Ngày 3/12/2020, ông Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ thông tin về BN1342, Công an Thành phố đã xác minh, điều tra và xác định có dấu hiệu hành vi lây lan dịch bệnh nguy hiểm.
Câu trên nằm trong đoạn phỏng vấn như sau :
- Bí thư có quan điểm thế nào trong việc xử lý vụ nam tiếp viên Vietnam Airlines – bệnh nhân 1342 – không tuân thủ các hướng dẫn cách ly dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng ?
– Tôi rất đau lòng trước việc phải xử lý một người như thế. Nhưng nhìn xã hội bị ảnh hưởng mình thấy đau lòng hơn. Một đốm lửa nhỏ vô ý thành ra cháy cả khu rừng, buộc người quản lý phải chấp nhận nêu tên anh lên.
Quan trọng, việc công khai người đó không phải để làm nhục mà vì cộng đồng, để lấy đó làm bài học, làm gương nhằm tránh những trường hợp tương tự. Mỗi người phải thấy rằng mình có trách nhiệm với cộng đồng. Mình phóng túng một chút, thiếu ý thức một chút, không nghiêm kỷ luật một chút là họa đến.
Quan điểm xử lý là răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chứ không phải trừng trị.
– Tức là công lý phục hồi chứ không phải công lý trừng phạt ?
– Đúng vậy. Tác dụng của nó là tác dụng cảnh báo. Bản thân người đó đã mất nhiều lắm rồi. Tôi không quen người đó nhưng tôi thấy bệnh nhân đó vô tư, không có ý lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thế nhưng, so với bệnh nhân đó, mình phải thương 10 triệu dân hơn".
Ở đây có hai vấn đề pháp lý đặt ra :
Thứ nhất, chỉ có thể nói nam tiếp viên Vietnam Airlines – bệnh nhân 1342 phạm tội hình sự, khi có bản án tuyên hiệu lực.
Thứ hai, "công lý phục hồi" (Restorative Justice) là hình thức thực thi công lý thông qua việc hòa giải 2 bên : bên xâm hại và bên bị xâm hại quyền về lợi ích hợp pháp, cùng với sự tham gia của cộng đồng.
Hình thức này, khác với hình thức "công lý trừng phạt" (Retributive Justice) là hình thức thực thi công lý thông qua việc áp dụng hình phạt phù hợp với tội phạm, nhằm mục đích để người phạm tội tự nhận lấy trách nhiệm và tham gia khắc phục hậu quả gây ra.
Cần lưu ý hình thức "công lý phục hồi" không phải xử phạt "hội đồng", mà là một buổi hòa giải đích thực, với quyền lợi được trao cho đôi bên. Hình thức này cho rằng việc áp dụng hình phạt không giúp ích gì cho việc thay đổi thái độ, và các mối quan hệ xã hội.
Trong nội hàm pháp luật như trên, cho thấy đoạn phỏng vấn của báo Zing với Bí thư Nguyễn Văn Nên – một quan chức xuất thân trong ngành công an, dường như đang mở đường cho việc giải quyết vụ việc bằng tố tụng dân sự, không phải bằng hình sự. Hoặc cũng có thể là cả bên đặt câu hỏi phỏng vấn, lẫn bên trả lời đều không mấy am tường pháp luật hình sự.
Bởi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định "nguyên tắc hòa giải".
Mặc dù vậy, khoản 3 điều 29 Bộ luật hình sự có quy định "người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự".
Giác độ ngành y trong bối cảnh căng thẳng phòng dịch Covid, bác sĩ Võ Xuân Sơn đặt vấn đề khác hẳn ngài Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, khi bác sĩ Sơn ngờ rằng nam tiếp viên Vietnam Airlines – bệnh nhân 1342 là "bị hại". Bác sĩ Võ Xuân Sơn lập luận :
"Mặc dù đại diện VNA (Vietnam Airlines)không nói là cho phép các tổ bay chưa cách ly đủ 14 ngày bay trở lại, nhưng cách nói, rằng nếu cách ly đủ 14 ngày thì sẽ không có người thực hiện các chuyến bay nước ngoài, cho phép chúng ta suy luận, VNA đã chủ động cho những người cách ly chưa đủ thời gian quy định tiếp tục bay. Nếu điều này là đúng, thì liệu bạn 1342 có biết rằng khi bạn rời khỏi khu cách ly tập trung về nhà, là bạn phải tiếp tục cách ly hay không ?
Trong trường hợp bạn biết rõ là bạn phải cách ly tại nhà, thì đã có ai hướng dẫn cho bạn, cách ly tại nhà là phải làm gì, không được làm gì hay chưa ? Nếu bạn 1342, mặc dù đã biết là phải cách ly tại nhà, nhưng lại chưa được hướng dẫn cách ly tại nhà là làm gì và không được làm gì, chưa được phổ biến các quy định cụ thể về cách ly tại nhà, thì bạn hoàn toàn không có lỗi đến mức phải truy tố hình sự.
Trong trường hợp bạn có biết các quy định, nhưng vẫn làm những việc gây ra sự phát tán virus Wuhan ra cộng đồng, thì đúng là bạn có lỗi. Nhưng khi đó chúng ta cần đặt câu hỏi, có phải một mình bạn có lỗi hay không ? Nếu thực sự có việc điều động nhân viên tổ bay chưa hoàn tất thời gian cách ly bay tiếp, thì đó chắc chắn là một loại vi phạm rất rõ ràng. Điều đó cũng làm cho bạn 1342 thiếu đi ý thức tuân thủ quy định về cách ly…".
Như vậy, trong mọi trường hợp, vấn đề ở đây không thể dừng ở mức như phát biểu của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, "Việc xử lý bệnh nhân 1342 là để cảnh báo, không phải trừng trị", mà phải là "công lý trừng phạt", bởi rất có thể bệnh nhân 1342 chính là nạn nhân từ việc quản lý tùy tiện của Vietnam Airlines.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 05/12/2020
Chú thích :
(*)https://zingnews.vn/bi-thu-nen-viec-xu-ly-bn1342-la-de-canh-bao-khong-phai-trung-tri-post1159725.html
*********************
‘Bung’, ‘toang’ và… trách nhiệm
Trân Văn, VOA, 04/12/2020
Đầu tuần này, dư luận dậy sóng khi một nam tiếp viên của Vietnam Airlines vi phạm qui định về cách ly khiến ít nhất ba người bị nhiễm Covid-19. Sự kiện vừa kể khiến công chúng phẫn nộ vì nhiều cơ sở từ giáo dục đến kinh doanh phải đóng cửa, xáo trộn sinh hoạt của hàng chục ngàn người ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chưa kể đó còn là lý do làm nhiều triệu người lo âu vì sự bất cẩn ấy có thể dẫn đến đợt dịch thứ ba, cả xã hội lại lao đao, khốn khổ, gánh chịu đủ loại hậu quả phát sinh từ các biện pháp ngăn chặn...
Ông Chu Ngọc Anh : "Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm…" (Hình : Trích xuất từ most.gov.vn)
Đến cuối tuần, lần đầu tiên, hệ thống công quyền Việt Nam loan báo quyết định khởi tố vụ án "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" để điều tra – xác định bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân có liên quan (1)… Trong bối cảnh như thế, ông Chu Ngọc Anh – tân Chủ tịch thành phố Hà Nội - đột nhiên nổi như cồn, sau khi yêu cầu các cơ quan hữu trách của Hà Nội : Kiên quyết không để xảy ra làn sóng thứ ba. Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm…
Nhìn một cách tổng quát, tuyên bố của tân Chủ tịch thành phố Hà Nội đã giúp… pha loãng căng thẳng về khả năng Covid-19 bùng phát thành đợt dịch thứ ba ở Việt Nam. Có hai lý do khiến công chúng dành sự chú ý của họ cho tân Chủ tịch thành phố Hà Nội nhiều hơn… Covid-19 : Thứ nhất, đó là việc sử dụng Việt ngữ của Tiến sĩ Chu Ngọc Anh. Thứ hai là nhận thức về phạm vi trách nhiệm cũng như khả năng chịu trách nhiệm của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam...
***
Giống như nhiều người sử dụng mạng xã hội, không ít thân hữu của facebooker Nguyễn Xuân Diện như Nguyễn Khôi cũng tỏ ra hết sức bất ngờ và bất bình về giọng điệu của Tiến sĩ Chu Ngọc Anh vì… ‘Bung’ với ‘toang’ là lối ăn nói kiểu chợ búa. Dat Nguyen Quoc nhận xét :Thị trưởng Hà Nội mà giọng điệu rất… đầu đường xó chợ ! Đặng Hữu Phúc cho rằng đấy là bằng chứng của… Hạ đẳng về đầu óc. Ăn nói như mấy thằng lêu lổng xăm trổ đầy người. Trần Kiên than :Rõ chán chủ tịch thủ đô (2) !..
Tuy nhiên việc tân Chủ tịch thành phố Hà Nội ăn nói kiểu… trẻ trâu chỉ là vấn đế thứ yếu ! Vấn đề chính yếu – trách nhiệm - mới là điều mà công chúng bận tâm nhiều nhất, bàn luận sôi nổi nhất. Đọc xong tường thuật của tờ Thanh Niên về cuộc họp giữa ông Anh với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19, Trần Nhộng, một độc giả của tờ báo này nêu thắc mắc :Thế nào là bung, thế nào là toang ? Rồi chịu trách nhiệm bằng cách nào ? NVH – một độc giả khác sửa lưng ông Chu Ngọc Anh :Không phải Thành phố Hồ Chí Minh mà là Vietnam Airlines đề xuất và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 đồng ý cho phi công, tiếp viên cách ly tập trung trong bốn ngày rồi cho tự cách ly tại nhà (3) !
Sau khi trang Tin tức quân sự nêu thắc mắc về tuyên bố của ông Anh :Hứa chịu trách nhiệm nhưng chịu thế nào thì ông không nói. Can Le Duc phỏng đoán :Chắc là ai bệnh thì bác ấy chịu trách nhiệm… đi thăm ! Nguyễn Xuân Sáng tin chịu trách nhiệm là… chịu lủi ! Hùng Lê Việt khẳng định :Chắc chắn sẽ cho vài anh cấp dưới "về vườn" và chủ tịch "rút kinh nghiệm".Còn theo Nghi Dao thì chịu trách nhiệm là : Ở lại thêm vài… nhiệm kỳ nữa để diễn hề cho mọi người xem !..
Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thắc mắc tại sao ông Chu Ngọc Anh không xác định sẽ tự xử như thế nào nếu Hà Nội "bung", "toang". Trên trang Tin tức quân sự, Nam Phan thách ông Chu Ngọc Anh :Từ chức ! Dám không ? Thi Le nhắn hỏi :Chịu trách nhiệm là từ chức hay… tự phê bình nghiêm túc rút kinh nghiệm vậy bố ? Chỉ được cái mồm. Phan Đức thẳng thừng :Nghe nhiều nhàm ! Sau khi xảy ra hậu quả đều hòa cả làng. Không kẻ nào từ chức. Toàn lên chức. Đấy là chịu trách nhiệm(4)…
Giống như nhiều sự kiện khác, tuyên bố của ông Anh khiến nhiều người phải dùng… thơ để… bình cho… nhã. Ví dụ Võ Hồng Ly :Hà Nội đừng sợ ‘bung’, ‘toang’. Đừng lo virus hoang mang suốt ngày. Bác Ngọc Anh hứa hôm nay. "Sẽ chịu trách nhiệm" sau này bung, toang... Chuyên môn dẫu thiếu vững vàng. Nhưng khoản hứa hẹn y chang một nòi !Ngược lại, Thuy Ha Nguyen không dùng thơ mà huỵch toẹt :Bà con đọc cho kỹ nha, ổng hứa với các đồng chí chớ không hứa với nhân dân đâu, đừng tưởng bở (5) !
***
Ai cũng biết, đến giờ, Covid-19 vẫn là bất trị, khó mà có thể đoán định những tổn hại mà loại virus này gây ra đối với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Lo âu, căng thẳng rất dễ nóng giận, thiếu tỉnh táo nhưng những nhận định, bình phẩm đối với nhận thức về phạm vi trách nhiệm cũng như khả năng chịu trách nhiệm của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam rõ ràng là rất tỉnh táo và nhất quán. Chẳng rõ các viên chức hữu trách có cảm thấy đáng lo và trước nhất là tự thẹn ?
Trân Văn
Nguồn : VOA 04/12/2020
Chú thích :
(2) https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/2455354408100849
(4) https://www.facebook.com/ttqsnews24h/posts/3611994685554683
(5) https://www.facebook.com/hongly.vo.35/posts/10158721013979520