Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh như vậy về chuyện ‘Lần đầu ta bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước’ (*)
Theo ông Tuấn, sau Đại hội XIII của Đảng, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, cùng với đó, Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ mới với một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương.
"Sau Đại hội Đảng, một số đồng chí không còn trong Trung ương nữa nên phải kiện toàn. Vị trí nào được Trung ương giới thiệu thì phải vào vị trí ngay để triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng. Về luật pháp không có gì vướng cả. Quốc hội vẫn đủ 5 năm của nhiệm kỳ" – Tổng thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, giải thích.
Trên thực tế thì hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, không tìm thấy bất kỳ điều khoản nào về điều chỉnh các hành vi như ‘bộ đôi’ Nguyễn Hạnh Phúc – Vũ Minh Tuấn đã nói cả.
Luật Tổ chức Quốc hội phiên bản sửa đổi 2020 – tức Luật số 65/2020/QH14, ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, có các điều khoản được coi là liên quan đến vấn đề nêu trên của hai ông Nguyễn Hạnh Phúc – Vũ Minh Tuấn.
Trước hết, Điều 2.2, ghi "Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong".
Điều 8.1, quy định : "Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước".
Điều 8.2, cho biết : "Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước".
Điều 8.4, cho biết : "Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước".
Điều 21. "Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội", có quy định như sau :
"1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước ; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
2. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
3. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội".
Trong phát biểu của ông Nguyễn Hạnh Phúc : "Sau Đại hội Đảng, một số đồng chí không còn trong Trung ương nữa nên phải kiện toàn. Vị trí nào được Trung ương giới thiệu thì phải vào vị trí ngay để triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng. Về luật pháp không có gì vướng cả. Quốc hội vẫn đủ 5 năm của nhiệm kỳ", cho thấy có ít nhất hai điểm không tìm thấy căn cứ của Luật Tổ chức Quốc hội phiên bản sửa đổi 2020 :
Thứ nhất, không có điều khoản nào của pháp luật quy định về việc đại biểu Quốc hội phải là ủy viên Trung ương Đảng ; tương tự cũng chưa tìm thấy điều khoản quy định nào của pháp luật, rằng các chức danh lãnh đạo Quốc hội bắt buộc phải là ủy viên Trung ương Đảng.
Thứ hai, một khi cử tri chưa bỏ lá phiếu bầu, thì làm sao dám đoan chắc những ủy viên Trung ương Đảng đang ứng cử vai trò "đại biểu Quốc hội" sẽ trúng cử ?
Ngoài ra còn có lý do thứ ba, là "Bộ Chính trị" đang được vận hành theo sự điều chỉnh cụ thể của văn bản pháp luật nào trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam ?
Bởi cho đến nay, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phiên bản 2020, hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, trong tất cả 15 khoản ghi ở Điều 4 "Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật", không tìm thấy khoản nào về thẩm quyền ban hành là "Bộ Chính trị".
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 24/03/2021
Chú thích :
(*)https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-thu-ky-quoc-hoi-lan-dau-ta-bau-duong-kim-thu-tuong-lam-chu-tich-nuoc-1357985.html ;
https://www.phunuonline.com.vn/quoc-hoi-du-kien-kien-toan-25-chuc-danh-lanh-dao-nha-nuoc-chinh-phu-a1430121.html