Cương lĩnh Đảng Cộng hòa chứa đựng mầm mống cho sự sụp đổ của chính nó
Vẫn chưa quá muộn để ngăn chặn trật tự chính trị Mỹ trượt vào hố sâu chuyên chế, đầu sỏ, hoặc vô chính phủ.
Donald Trump và Melania Trump, J.D. Vance bên cạnh vợ là Usha Vance, ở Milwaukee, ngày 18/7/2024.
Tuần trước, Đảng Cộng hòa đã nhắc nhở chúng ta về các lựa chọn thay thế cho một nền cộng hòa khi tổ chức một đại hội trong đó cho thấy nước Mỹ có thể bị hạ bệ như thế nào. Họ đã trở thành minh chứng cho ba hình thức của sụp đổ: chuyên chế, đầu sỏ, và vô chính phủ.
Một tên bạo chúa nổi lên trong một hệ thống mà ông ta phá vỡ. Rất lâu trước khi ông bị ám sát hụt, Donald Trump đã biến Đảng Cộng hòa thành một đảng sùng bái cá nhân. Thông qua việc tham gia tranh cử dù đang là một tội phạm bị kết án, ông đã phá hủy mọi kỳ vọng về bất kỳ nền pháp quyền nào. Ông cũng thách thức nguyên tắc kế vị ở Mỹ bằng cách khuyến khích đám đông tấn công Điện Capitol vào ngày 06/01/2021. Ông tuyên bố mình là người chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử, bất kể kết quả phiếu bầu ra sao, và thậm chí còn tuyên bố mình nên được phép giữ chức tổng thống vô thời hạn. Ứng viên phó tổng thống của ông, JD Vance, cũng tán thành việc ông thách thức kết quả kiểm phiếu, cả trong quá khứ và hiện tại. Trump còn hứa hẹn về trục xuất hàng loạt, trại tạm giam, và tòa án quân sự, vốn là những hành động sẽ thay đổi hình thức chế độ ở Mỹ.
Tuy nhiên, tên bạo chúa có thể không quan trọng bằng những kẻ đầu sỏ đứng sau ông ta. Trong lúc Trump tìm cách lách qua những kẽ hở của hệ thống pháp luật, thì những người hậu thuẫn của ông đang thong dong vượt qua bức tường mỏng manh giữa tiền bạc và chính trị. Thước đo phù hợp để dự đoán lựa chọn phó tổng thống của Trump rất đơn giản: những người ủng hộ này muốn gì?
Nhân vật quan trọng nhất là Vladimir Putin, ông chủ của những nhà tuyên truyền đã ngưỡng mộ Trump và tôn vinh Vance. David Sacks, một nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon, đã đưa những chiêu trò tuyên truyền của Nga vào bài phát biểu của mình tại đại hội. Giống như Elon Musk, người mà thay đổi của ông đối với mạng xã hội X đã giúp ích cho chính nghĩa của nước Nga, Sacks cũng ủng hộ Vance. Tiếp đến là Peter Thiel, người mà nếu không có ông thì Vance đã chẳng thể trở thành một chính trị gia giàu có.
Cương lĩnh riêng của những kẻ đầu sỏ này là tình trạng hỗn loạn. Nếu có một lời giải thích chung, không mang tính cá nhân, cho việc họ ủng hộ giải pháp hòa bình giữa Nga và Ukraine, với phần thưởng ngầm cho sự xâm lược của Nga là lãnh thổ, thì đó có thể là mong muốn phá vỡ trật tự: tạo ra sự hỗn loạn quốc tế. Cuộc chiến ở Ukraine là một thảm họa tàn khốc, và cũng là một phép thử cho những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ toàn cầu đầy tham vọng. Và đại diện của họ – Vance – đã từ chối gặp Volodymyr Zelenskyy tại Hội nghị An ninh Munich.
Ukraine đang bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, rằng một quốc gia không được xâm lược và chiếm giữ lãnh thổ của một quốc gia khác. Ukraine cũng bảo vệ trật tự quốc tế theo khái niệm địa chính trị rộng hơn khi chứng minh rằng các chiến dịch tấn công lớn là rất khó. Theo nghĩa này, người Ukraina đang răn đe Trung Quốc, khiến cho một cuộc thế chiến ít có khả năng xảy ra hơn.
Bằng cách thách thức một cường quốc hạt nhân, Ukraine cũng đang làm cho việc phổ biến hạt nhân và theo đó là chiến tranh hạt nhân ít có khả năng xảy ra hơn. Nếu Ukraine thua cuộc, thì nhiều nước ở châu Âu và châu Á có thể sẽ chế tạo vũ khí hạt nhân. Đơn giản thì, việc buộc Ukraine phải đầu hàng, như trong cương lĩnh của Đảng Cộng hòa, sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên khắp thế giới.
Các nhân vật đầu sỏ có liên quan cũng có vẻ ủng hộ tình trạng hỗn loạn trong nước Mỹ. Chỉ có nhà nước mới có quyền thu thuế, nên việc làm cho nó hoạt động không hiệu quả giúp họ tối đa hóa sự giàu có. Nếu nhà nước bị suy yếu đủ nhiều, giống như Nga, nó có thể trở thành một chế độ đầu sỏ, trong đó một số ít những người giàu có thể công khai ra quyết định. Một nhà nước thất bại cũng không thể quản lý mạng xã hội, nhờ vậy những kẻ đầu sỏ kỹ thuật số sẽ dễ dàng kiếm lợi bằng cách vô chính phủ hóa cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Sự hỗn loạn ở nước Mỹ sẽ làm giảm giá trị của đồng đô la, một kịch bản tốt đẹp cho những người đang nắm giữ tài sản tiền điện tử và đang đặt cược vào sự hồi sinh của chúng.
Tình trạng hỗn loạn có thể sẽ thú vị, chí ít là trong một thời gian. Với một chút may mắn, hỗn loạn có thể mang lại thành quả chính trị. Tại một hội nghị, nơi cảnh tượng này sớm thay thế cảnh tượng kia, những hình thức sụp đổ dân chủ khác nhau này có thể che đậy cho nhau. Những hành động cứng rắn của Trump và Vance khiến người ta phân tâm khỏi sự phụ thuộc trắng trợn của họ vào những kẻ giàu có. Lời đe dọa trục xuất người di cư của họ đã che giấu thực tế rằng không có nhân vật đầu sỏ nào trong nhóm này sinh ra ở Mỹ, rằng Trump đã kết hôn với hai người di cư, còn Vance đã kết hôn với con gái của những người di cư.
Tuy nhiên, trên thực tế, quan điểm chống cộng hòa của Đảng Cộng hòa lại chứa đựng mâu thuẫn. Các hình thức đàn áp khác nhau có thể được ca ngợi như nhau miễn là chúng đều nhắm vào một kẻ thù tưởng tượng. Nhưng kế hoạch sa thải hàng chục nghìn công chức (vô chính phủ) sẽ cản trở việc trục xuất hàng triệu người di cư (chế độ chuyên chế). Và khi các tỷ phú công khai đòi quyền lực nhiều hơn (chế độ đầu sỏ), họ sẽ gây áp lực lên những kẻ độc tài vốn được cho là những nhân vật cứng rắn (chế độ chuyên chế). Những người muốn có một tổng thống cứng rắn sẽ không muốn ông trở thành một con rối. Dấu hiệu căng thẳng chắc chắn đã xuất hiện rõ ràng tại hội nghị.
Nghe có vẻ bất thường khi chúng ta nhắc lại những khái niệm Hy Lạp cổ điển này. Nhưng trật tự chính trị Mỹ đã được thành lập bởi những người hiểu và sử dụng chúng, và lịch sử nước Mỹ đã đạt đến thời khắc mà chúng một lần nữa lại được áp dụng. Nếu Đảng Cộng hòa làm suy yếu nền cộng hòa, thì cơ hội có thể đến với Đảng Dân chủ. Gần như không có điểm nào trong cương lĩnh của Đảng Cộng hòa được ủng hộ. Gần như không ai mong muốn thay đổi chế độ. Những đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ nền cộng hòa – đồng thời đưa ra một cương lĩnh thú vị và một tương lai chắc chắn – dường như sẽ có cơ hội chiến thắng vào tháng 11.
Timothy Snyder
Nguyên tác : “The Republican blueprint for power contains the seeds of its own demise,” Financial Times, 20/07/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/07/2024
Timothy Snyder là Giáo sư Lịch sử và Các Vấn đề Công tại Đại học Yale, đồng thời là tác giả của cuốn ‘Bloodlands’ và cuốn ‘On Freedom’ sắp xuất bản.