Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 04/3/2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

tienluong1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về cải cách tiền lương - Ảnh minh họa

Trong phiên họp này còn nhiều nội dung và cách làm chưa thống nhất, bởi vậy Thủ tướng đã lưu ý, rằng "Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa", và ông đề nghị tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến.

‘Từ trên xuống’

Việt Nam đã từng có 3 lần cải cách tiền lương trước đây, vào các năm 1985, 1993 và 2004, nếu không kể lần cải cách năm 1960 khi đất nước chưa thống nhất. Nay, lần cải cách lần 5 đang khởi động từ năm 2018 và dự kiến sẽ thực thi từ năm 2021.

Tôi gọi những lần cải cách tiền lương như vậy là cải cách ‘từ trên xuống’.

Cho dễ nhớ, tôi đặt tên cho lần cải cách này là ‘cải cách tiền lương 2020’. Nó xuất phát từ Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về chương trình hành động… Nghĩa là chính quyền trung ương, Đảng cộng sản và Chính phủ, ban hành chính sách và chỉ đạo thực thi các biện pháp cải cách tiền lương.

Tùy thuộc vào bối cảnh và Đảng đề ra sự cần thiết, mục tiêu, dự kiến kết quả và các giải pháp thực hiện. Quan sát các lần cải cách đã qua cho thấy cải cách tiền lương phụ thuộc vào cải cách thể chế nói chung và ‘dư địa cải cách’ ngày càng hẹp. Nghĩa là, cải cách tiền lương ‘từ trên xuống’ trong quá trình chuyển đổi sang thị trường sẽ ngày càng ‘khó hơn’, hiệu quả thấp và tác động không mong muốn hay ‘sai sót’ tăng lên, bởi vậy ý nghĩa giảm đi.

Năm 1985 một đề án cải cách kinh tế sâu rộng, khái quát với tên gọi ‘Giá – Lương – Tiền’, nhà nước nới lỏng quản lý giá cả hàng hoá, đổi tiền và cải cách tiền lương, được triển khai và thực thi trong dịp Đại hội 6, tổ chức vào đầu năm 1986 . Đây được coi là bước khởi đầu của chủ trương ‘Đổi mới’ của Đảng cộng sản và những nỗ lực xóa bỏ kinh tế bao cấp, cứu chế độ khỏi sụp đổ.

Cải cách tiền lương năm 1993 đánh dấu sự thay đổi tư duy mạnh hơn để thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường. Những câu hỏi ‘hóc búa’, ‘nhạy cảm về ý thức hệ’ như sức lao động liệu có là hàng hoá, bóc lột sức lao động đã được thảo luận. Mặc dù không thể có kết luận rõ ràng, nhưng nhà nước đã không còn quản lý ‘độc quyền’ nữa, mà tiền lương đã được chia theo các khu vực, trong đó lương ở khu vực công được ngân sách chi trả, bởi vậy phải cân đối nguồn lực, còn lương ở khu vực doanh nghiệp bắt đầu tính toán trên cơ sở thị trường.

Năm 2004 lại đặt vấn đề cải cách tiền lương, chế độ, thang bảng lương được thiết kế, nhưng không thực sự đạt được mục đích. Có hai nguyên nhân chủ yếu có liên quan với nhau, đó là nguồn chi trả từ ngân sách hạn hẹp do quy mô kinh tế nhỏ bé và guồng máy của hệ thống chính trị, hành chính cồng kềnh. Số người hưởng lương quá lớn từ ngân sách. Mặc dù việc tinh giảm biên chế được nêu lên, thậm chí đặt chỉ tiêu giảm 10% trong nhiệm kỳ, nhưng đã không thể thực hiện.

Lần ‘cải cách tiền lương 2020’ có mục tiêu cải cách rất ‘tham vọng’ ; tầm nhìn đến năm 2030 ; lộ trình soạn thảo ‘khẩn trương’, năm 2019 xây dựng các phương án bảng lương theo vị trí việc làm, năm 2020 thông qua và đến năm 2021 triển khai thực hiện ; đặc trưng chủ yếu là sự tương quan bằng số tuyệt đối giữa mức tiền lương của công chức, viên chức trong khu vực công và mức lương của lao động trong khu vực doanh nghiệp…

Theo tôi quan sát cách tiếp cận, bối cảnh, điều kiện cải cách và những công việc chuẩn bị thì dự báo về sự lặp lại ‘vết xe đổ’ của lần cải cách 2004 có khả năng xảy ra, bởi vậy chính phủ không chỉ ‘quyết liệt’ để có thành tích, mà cần thay đổi hay điều chỉnh phù hợp.

‘Trả lại cho thị trường’

Ở Việt Nam khi chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường, thì tiền lương dần được hiểu đầy đủ, đó là biểu hiện bằng tiền của giá cả hàng hóa sức lao động và được xác định bởi quy luật cung – cầu trên thị trường lao động, bởi vậy ngoài các chức năng như tái sản xuất sức lao động và là đòn bẩy kinh tế… thì các chức năng khác, đặc biệt công cụ quản lý nhà nước cần được luật hóa cụ thể, trong Bộ Luật lao động và dựa trên nền tảng của kinh tế thị trường. Nghĩa là trả lại cho thị trường lao động cái chức năng định giá sức lao động vốn có của nó.

Thị trường lao động vốn có chức năng xác định tiền lương theo nguyên lý ‘bàn tay vô hình’ mà nhà kinh tế người Scotland đã tìm ra từ năm 1776. Tiếc thay, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều đã cản trở việc hình thành và phát triển các nguyên tắc của thị trường lao động.

Trong xã hội thị trường phát triển bình thường sức khỏe của nền kinh tế có thể được đo bằng nhiều tiêu chí. Thông thường là tỷ lệ thất nghiệp, số việc làm được tạo ra hàng tháng hay GDP – tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế trong một năm. Mặc dù tiền lương là chỉ tiêu quan trọng, nhưng nó thường không được sử dụng.

Người ta cũng thấu hiểu cơ chế tiền lương tăng lên khi nào, khi người sử dụng lao động có nhiều lợi nhuận hơn nên họ có khả năng tài chính để tăng lương cho công nhân, khi thị trường lao động trở nên cạnh tranh hơn, nghĩa là số lượng cơ hội việc làm vượt quá số lượng người tìm kiếm việc làm, và thông thường, tiền lương tăng lên cùng với kỹ năng và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, các chính khách ở các quốc gia đó không lãng phí công sức và tiền bạc để cải cách tiền lương như chúng ta ở Việt Nam. Họ tìm cách thông qua thị trường để thúc đẩy nền kinh tế và chắc chắn một điều : Khi nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương sẽ tăng lên.

Ở Việt Nam, một quốc gia đang chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ do đảng cộng sản lãnh đạo, thì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đề cao sự công bằng xã hội, lý tưởng của đảng thường là một trong những động cơ cải cách tiền lương.

Công bằng xã hội, về nguyên lý, dường như đó là một giá trị cao quý, lý tưởng mà loài người cần hướng đến, dễ thu hút đông dân chúng, và đảng cộng sản ‘quả quyết’ rằng sứ mệnh của họ là phải thúc đẩy một cách sâu rộng. Tuy nhiên, trong thực tế, công bằng xã hội có thể là bất cứ điều gì mà đảng cộng sản cầm quyền muốn thế, thấy có lợi cho việc duy trì quyền lực, cho nên họ ban hành và thực thi các chính sách ‘từ trên xuống’.

Cải cách tiền lương là một kiểu chính sách như vậy. Lần này, với lập luận rằng hệ thống chế độ tiền lương hiện hành đã lạc hậu, đã mất đi các chức năng của nó, và thậm chí, đã không ‘che đậy’ ‘cải cách’ sao cho tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở khu vực công tăng cao dần so với khu vực doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia… nên chăng trình bày ’thẳng thắn’ với các lãnh đạo đảng và chính quyền rằng tiền lương của họ trong bộ máy công quyền là tiền thuế của dân, và bộ máy này vốn đã có nhiều đặc quyền, đặc lợi, thế mà lại không chịu trách nhiệm và giải trình trước dân, kể cả khi gây ‘bất ổn kinh tế vĩ mô và để lại những hậu quả nặng nề. Hơn thế, ‘một bộ phận không nhỏ’ cán bộ, đảng viên lại suy thoái, biến chất, tham nhũng…

Các viên chức trong khoảng 6.000 đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần tự ‘vấn mình’ về ‘lương tâm, đạo đức’ khi họ được ‘ưu ái’ về cơ sở vật chất, được cấp phát nhiều khoản kinh phí và nhận tiền lương ngân sách nhà nước, do mồ hôi và sức lực của những người lao động chân chính đóng thuế, chỉ để ‘hoàn thành nhiệm vụ chính trị’ được đảng, nhà nước giao…

Nếu không nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền và tinh giản biên chế, nếu các đơn vị sự nghiệp công không được cải tổ để có thể tự nuôi sống bản thân thì việc tăng lương cho khu vực công nghĩa là chính phủ lấy tiền thuế của dân đưa nó cho họ không theo nguyên tắc thị trường.

Theo tôi, các nhà kỹ trị, các nhà chuyên môn Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thiết kế các chế độ, thang bảng lương theo kiểu truyền thống hay học tập kinh nghiệm của một số quốc gia. Nhưng cải cách tiền lương trong bối cảnh hiện nay, cải cách thể chế quá chậm chạp khi một hệ thống chính trị, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu năng và nhiều đơn vị sự nghiệp vẫn thuộc khu vực công, trong đó hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước…, thì kết quả sẽ không khả quan như thế nào của lần ‘Cải cách 2020’ có lẽ được dự báo trước.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 18/03/2020

Tác giả, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ là nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học việc Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Published in Diễn đàn