Việt Nam có khoảng 3 triệu người thuộc cộng đồng LGBT, tức là gay-les-chuyển giới và song tính. Trong cộng đồng đó còn có hai chữ IQ với dấu +, tức là những người thuộc nhóm liên giới tính : phi nhị giới (người không tự xếp mình vào nam hay nữ), toàn tính (người có thể yêu và quan hệ tính dục với bất cứ đối tượng nào họ có cảm xúc) và vô tính (không có cảm xúc tính dục) nữa. Dấu cộng dành cho các nhóm khác nữa mà có thể chưa hiện diện đủ rõ rệt, hoặc chưa được định danh tương đối rõ ràng.
Những người tham gia diễu hành cho quyền lợi của người đồng tính và chuyển giới ở Hà Nội hôm 11/11/2018 - AFP
Cách đây hai năm, dự thảo Luật chuyển đổi giới tính và Luật hôn nhân gia đình sửa đổi đã được đưa ra để góp ý. Sau hàng trăm năm, đây là lần đầu tiên quyền của cộng đồng LGBT được nhắc đến công khai và chính thức trên diễn đàn lập pháp Việt Nam. Nó tiến mạnh đến nỗi đã gần sát bước cuối cùng là đưa ra Quốc hội để thảo luận và thông qua.
Khỏi phải nói hàng triệu người LGBT Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã mừng rỡ đến mức nào. Được pháp luật ủng hộ - dù chưa chính thức, là niềm hạnh phúc lớn lao đến nỗi nhiều người không tin là có thật. Động thái ấy trả lại cho họ niềm tin về bản thân, rằng mình không phải là lạc loài, quái vật, hay nhẹ nhất là biến thái, bệnh hoạn, dị dạng. Họ tin mình cũng là con người bình thường và được quyền công nhận, được quyền mưu cầu hạnh phúc.
Từng cá nhân, gia đình (chung sống nhưng chưa kết hôn theo pháp luật), hội nhóm… họ òa khóc, họ bày tỏ hạnh phúc mãnh liệt và niềm tin tuyệt đối. Họ công khai bộc lộ và do vậy, chưa bao giờ xã hội được trông thấy sự hiện diện của nhiều người LGBT đến thế.
Tuy nhiên đã 5 năm kể từ ngày Bộ luật Dân sự thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, nhưng cho đến nay các điều khoản này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Dần dần, những gương mặt hoạt động vận động quyền cho LGBT ít đi và không còn hừng hực như trước. Có những người đổi nghề, có những người "ở ẩn", có những người hoàn toàn không quan tâm đến tiến trình vận động luật nữa.
Nguyên nhân là cùng với thời gian chờ đợi pháp luật, các cá nhân nổi bật này đều đã thu xếp được cách họ chung sống trong một xã hội còn nhiều kỳ thị và thiếu hiểu biết. Thường, họ nỗ lực làm việc để tạo dựng vị trí trong gia đình, trong xã hội ; gầy dựng tài sản đủ để độc lập sống và rèn luyện bản lĩnh để "đập vào mõm những đứa kỳ thị"-như lời một người chuyển giới nam 42 tuổi ở Sài Gòn nói với chúng tôi.
Thế nhưng số những người thành công và ít gặp khó khăn trong cuộc sống đa phần là người đồng tính nam và đồng tính nữ-do sự "ẩn thân"của họ vào cộng đồng dị tính. Còn với khoảng 500.000 người chuyển giới (số liệu từ Bộ Y tế Việt Nam), số người có cuộc sống ổn định không nhiều lắm.
Một khảo sát của tổ chức iSEE (nghiên cứu và vận động quyền của các nhóm yếu thế, có trụ sở tại Hà Nội) trên 408 người chuyển giới phân bố khắp cả nước cho thấy nhóm chuyển giới nam có trình độ học vấn cao hơn chuyển giới nữ : hơn 50% số người thực hiện khảo sát là chuyển giới nam có trình độ đại học hoặc cao hơn. Tỷ lệ này ở nhóm chuyển giới nữ chỉ khoảng 27%.
Đây là một điều đáng quan sát vì cũng theo khảo sát trên, mức độ phiền muộn giới của nhóm chuyển giới nam cao hơn hẳn so với nhóm chuyển giới nữ. Thế nhưng họ vẫn chịu đựng được qua thời gian khá dài để tranh thủ được giúp đỡ tài chính của gia đình trong việc học hành, và hầu hết đều có cơ hội việc làm tốt hơn trong doanh nghiệp, văn phòng.
Nhóm chuyển giới nữ có một khuôn mẫu khác phổ biến hơn, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên : do không chịu được kỳ thị-nhiều lúc mạnh đến nỗi bị đánh đập- nhiều người không học hết cấp 3, rời gia đình sớm để theo các gánh hát lô tô, hoặc buôn bán lặt vặt.
Đấy là cuộc sống đầy bấp bênh : Chỉ vài tháng dịch Covid vừa qua đã đủ khiến đa số các gánh lô tô ở tỉnh vào bờ vực tan rã. Ở Bình Dương, các cô đào vốn sống trôi nổi theo gánh hát, không có nhà cửa vốn liếng nhiều, đã phải dạt ra các bờ sông cắm lều ở tạm ; vét cạn những đồng tiền cuối cùng để sống, cũng như nhờ người hảo tâm và sự cưu mang của những người trong cộng đồng khá giả hơn.
Hình chụp hôm 27/6/2020 : những người biểu diễn thuộc nhóm Sài Gòn Tân Thời ở Thành phố Hồ Chí Minh - AFP
Ở nhiều nơi, những cô đào lô tô có tuổi thay phiên nhau gặp sự cố về sức khỏe : những bờ mông, bộ ngực tự tiêm silicon sau 10, 20 năm không được bảo dưỡng, silicon bắt đầu vón cục trong da thịt, gây viêm nặng đến nỗi phải nhập viện để nạo sạch chúng ra. Các cô chẳng dành dụm được bao nhiêu tiền ; đổ vào son phấn, trang phục biểu diễn và những cơn bệnh thường xuyên do dễ viêm nhiễm, do sức khỏe yếu… hết rồi. Gia đình cũng thường không quan tâm vì đã ngứa mắt với việc "đua đòi chơi pê đê, sống bệnh hoạn". Nên, khi gặp sự cố, họ thường không đối phó nổi. Lúc này chỉ còn có cộng đồng và những người hảo tâm giúp tiền thuốc men, chăm sóc.
Từ khoảng năm năm về trước, đời các cô gái chuyển giới cơ bản là buồn.
Tuy nhiên, xã hội thay đổi đã kéo theo sự đổi thay cụ thể về thân phận người chuyển giới.
Cách đây ba năm, đoàn lô tô Sài Gòn Tân thời được thành lập bởi một người trước đó chưa từng biết về lô tô : Lộ Lộ.
Trong một số show diễn mang tính tâm sự, Lộ Lộ từng nói mình có cùng hoàn cảnh với "Cô gái Đan Mạch"- người chuyển giới nữ công khai đầu tiên trên thế giới, chỉ nhận ra bản dạng giới của mình rất muộn, khi đã ngấp nghé 30 tuổi. Trước đó, Lộ Lộ làm "trai thẳng văn phòng", đã có vợ và hai con, cho đến khi nhận ra bản dạng giới thật sự.
Đoàn lô tô Sài Gòn tân thời được thành lập dưới sự dẫn dắt của một người có học vấn và tầm nhìn, quyết tâm xây dựng hình ảnh lô tô đẹp và sạch. Các cô đào bị cấm nói tục hoặc giao đãi quá lố gây phản cảm và ăn mặc hở hang. Họ hay mặc áo dài kín tận cổ nhưng rất đẹp và gợi cảm.
Với hình ảnh mới mẻ, đầy tính chất giải trí nhưng đẹp đẽ và sang trọng, đoàn Sài Gòn Tân thời đã được mời sang Úc và Đài Loan lưu diễn. Họ cũng có các show diễn trong bar, một địa điểm cố định vào cuối tuần ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minhvà một địa điểm khác ở Bình Dương.
Dù chỉ mới là thiểu số vô cùng nhỏ nhưng những sự có mặt của người chuyển giới nữ thông qua các đoàn lô tô Sài gòn Tân thời, Jes’s Band (biểu diễn drag queen) và các nhóm khác đang chứng minh sống động về sự hiện diện chiếm được nhiều thiện cảm của người chuyển giới.
Trong một số doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, nhiều người chuyển giới nữ và nam đã được bình đẳng làm việc và tự do thể hiện bản dạng giới thật sự. Chúng tôi từng gặp một số cô gái chuyển giới nữ đang làm việc ở các công ty của Nhật, của Hàn Quốc… Họ thường mặc y phục nam giới để đi làm vào ngày thường (vì mặc đồ nữ phải trang điểm và phụ kiện rất nhiều công), còn khi tiệc tùng thì lên đồ nữ lộng lẫy choáng ngợp. "Mà công ty tụi em thích lắm. Mấy anh chị khen đẹp, kêu mặc đồ nữ hoài hà"-K, một người chuyển giới nữ làm công việc quản lý nhãn hàng ở một công ty Nhật kể.
Thế nhưng, với sự trì hoãn của Luật chuyển đổi giới tính (giúp người chuyển giới được thay đổi họ tên, nhân thân theo giới tính đúng của mình, công nhận về mặt luật pháp sự hiện diện của người chuyển giới, giúp họ dễ dàng hơn trong tìm việc làm) và Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi (mọi người đều được bình đẳng trong kết hôn chứ không phải chỉ nam nữ dị tính), một động lực giúp xây dựng xã hội nhân văn hơn, phát huy được tiềm lực của nhiều người hơn, đã không được khởi động.
Như mọi năm, Tháng 6 bắt đầu chuỗi hoạt động hiện diện và vận động quyền của người LGBTIQ+ trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, hoạt động này còn rất manh mún và đơn giản. Trước giờ, nó chỉ phổ biến là diễu hành cầu vồng, và chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ ở thành phố lớn. Năm nay, dưới sự tổ chức mới của iSEE, các tổ chức vận động quyền cho LGBTIQ+ quy mô nhỏ và rất nhỏ vừa tái khởi động các chương trình cụ thể,
đi sâu vào từng nhóm đối tượng đích ở từng địa phương, với các hoạt động có hiệu quả thiết thực hơn.
Tuy vậy, ở các thành thị nhỏ hay nông thôn, nơi cộng đồng LGBTIQ + vẫn còn bị kỳ thị nhiều (do thiếu kiến thức), nó hầu như không thể diễn ra, hoặc chỉ rón rén trong các phòng kín, với một nhóm người trong cộng đồng và người ủng hộ nhỏ đã quá rõ về nhau và do vậy không cần gì phải vận động.
Tại nhiều nước, Pride rất thiết thực. Ở Mỹ từ nhiều chục năm nay đã có thêm một chỉ số bình đẳng giới cho doanh nghiệp, là bình đẳng với các cá nhân LGBTrung Quốc. Đạt được chỉ số này giúp chứng minh doanh nghiệp xây dựng được môi trường làm việc tin tưởng và đoàn kết, đánh giá cao sự đa dạng của nhân viên và khiến doanh nghiệp thu hút và giữ chân người lao động tốt hơn.
Pride không chỉ là ngày lá cờ cầu vồng tượng trưng cho sự đa dạng của loài người được kéo lên tự hào tại quảng trường nào đó. Pride, hay việc công nhận và tôn trọng sự đa dạng của con người là thiết lập môi trường bình đẳng với tất cả các nhóm thiểu số, cho dù nhóm đấy nhỏ đến thế nào đi nữa. Trong xã hội hiện đại, đó cũng là một tiêu chí của văn minh, nhân bản và tiến bộ.
Quay lại Việt Nam. Việc các cá nhân LGBTIQ + đã bớt bị kỳ thị ở khắp nơi, có nhiều chương trình truyền thông đại chúng (chủ yếu là game show) giúp tăng sự hiện diện của cộng đồng này và từng bước đưa kiến thức về LGBTIQ+ đến xã hội, có nhiều người nổi tiếng công khai thuộc LGBT… đang khiến nhiều người lầm tưởng rằng cộng đồng này đã thực sự bình đẳng. Nhiều người trong cộng đồng LGBT- nhất là những người đồng tính nam và đồng tính nữ- cho rằng họ đủ thỏa mãn với cuộc sống, được công khai sống với người yêu, come out thoải mái ở chỗ làm và bạn bè. Và không cần gì khác nữa.
Đó là một cái bẫy tư duy nguy hiểm. Nó khiến cả người trong cộng đồng LGBT và xã hội nói chung không còn đủ sự quan tâm để tiếp tục đòi hỏi những công cụ sẽ tạo ra sự bình đẳng thật sự và bền vững, từ nhân thân đến gia đình, tài sản, con cái, việc làm… Đó là những bộ luật Chuyển đổi giới tính và Hôn nhân gia đình như đã nói phần trên.
Mà một khi những bộ luật thiết lập nền tảng cho sự bình đẳng của cộng đồng LGBTIQ+ chưa được ra đời thì sự "bình đẳng" và những đổi thay về thiện cảm ban đầu mà xã hội dị tính phổ biến dành cho cộng đồng này sẽ rất mong manh. Nó có thể vỡ tan với bất cứ một con người hay một sự kiện không kiểm soát được nào đó.
Vũ Ngọc Mai
Nguồn : RFA, 29/06/2020