Lời tòa soạn : Vì sao Donald Trump muốn gặp Kim Jong-un ? Đó là câu hỏi mà những người quan tâm đến thời sự Đông Á muốn có câu trả lời.
Cách đây không lâu, nhà bình luận thời sự Cao Tuấn đã có hai bài viết có thể nói là để trả lời cho câu hỏi này. Cho đến nay tính thời sự của hai bài viết này vẫn còn nguyên vẹn, chúng tôi giới thiệu cùng quý độc giả để tham khảo.
Ban biên tập Thông Luận
*******************
Vì sao ông Trump háo hức muốn gặp lại ông Kim ?
VOA, 23/02/2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump nóng lòng muốn ghi thêm thắng lợi ngoại giao để hướng đến một giải Nobel Hòa bình với sự tin tưởng rằng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp của ông với ông Kim Jong-un sẽ giúp ông đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên – đó là lý do ông Trump muốn có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội, theo nhận định các chuyên gia.
Cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội là lần thứ hai hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau
Tuy nhiên, việc ông Trump quá nôn nóng có thể dẫn đến những kết quả bất lợi cho phía Mỹ trong khi bị lọt vào bẫy của nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên, các chuyên gia cảnh báo.
Quan hệ cá nhân tốt đẹp ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang háo hức trông đợi cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, ca ngợi mối quan hệ ‘thật sự có ý nghĩa’ giữa ông với ông Kim và khẳng định rằng ông Kim đã sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của ông.
Tuy nhiên, ở Washington, gần như ông Trump là người duy nhất có suy nghĩ như vậy.
Nhiều quan chức trong chính quyền Trump, bao gồm những cố vấn hàng đầu của ông Trump, thì ít hào hứng hơn. Một vài người trong số họ đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc gặp ở Hà Nội lần này sẽ không đem lại kết quả gì lớn lao. Họ cũng lo lắng rằng một khi ông Trump nôn nóng có được thắng lợi nào đó trên trường quốc tế, ông ấy sẽ đưa ra những nhượng bộ lớn để đổi lại những lời hứa rỗng tuếch về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tờ Politico dẫn lời các quan chức trước đây và đương nhiệm của Nhà Trắng cho biết nỗ lực tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhì gần như hoàn toàn xuất phát từ bản thân ông Trump. Ông Trump đã không tiếc lời ca ngợi những ‘lá thư tuyệt vời’ mà ông nhận được từ ông Kim cũng như ‘mối quan hệ tốt đẹp’ mà ông đã xây dựng với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ thậm chí còn khoe khoang với người đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc điện đàm hôm 19/2 rằng ông ‘là người duy nhất có thể đem lại tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên’ và than phiền về những bản tin không tốt đẹp trên báo chí về nỗ lực này của ông, theo một nguồn tin được tóm tắt về nội dung cuộc điện đàm này.
Nội bộ chính quyền ông Trump cũng có những quan ngại về Thượng đỉnh Hà Nội lần này, không chỉ đến từ những người hoài nghi chẳng hạn như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vốn lâu nay vẫn phản đối việc tiếp cận ngoại giao với Bình Nhưỡng mà còn đến từ những nhân vật không ngờ chẳng hạn như Ngoại trưởng Mike Pompeo, người phụ trách lãnh đạo các cuộc đàm phán của phía Mỹ. Ông Pompeo đã bày tỏ sự bực bội với các đồng minh về những tiến triển chậm chạp trong quá trình đàm phán và lên tiếng quan ngại rằng tổng thống của ông sẽ bị nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên ‘chơi gác’.
"Trong nội bộ chính quyền không hề có sự lạc quan", ông Ian Bremmer, nhà sáng lập và chủ tịch của Eurasia Group, một viện nghiên cứu chiến lược, nhận định. "Ông Pompeo tỏ ra hết sức hoài nghi rằng chúng ta có thể đạt được cái gì đó thực chất về phi hạt nhân hóa từ phía Kim Jong-un, và Pompeo tin rằng Bắc Triều Tiên chỉ đang chơi trò câu giờ".
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Bolton đã tuyên bố thẳng thừng rằng Bắc Triều Tiên không hề tôn trọng thậm chí là lời cam kết mơ hồ của họ là ‘làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên’ mà họ đưa ra trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái. Kể từ đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục xây dựng một số căn cứ tên lửa bí ẩn mà họ chưa bao giờ thừa nhận là có tồn tại.
Những hoạt động tiếp diễn của Bắc Triều Tiên ở những cơ sở hạt nhân bí mật được tiết lộ trong một bản báo cáo chi tiết do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố. Ông Victor Cha, vốn từng là một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia và là người phụ trách bản báo cáo này, nói rằng ông và các đồng sự của ông đã đưa vào bản báo cáo này rất nhiều hình ảnh chi tiết với hy vọng nó sẽ khiến cho Tổng thống Trump, vốn có tiếng là không thích đọc, chú ý. Nó cũng đã được ông Trump chú ý đến khi ông lên Twitter mạt sát về một bài báo trên tờ New York Times tóm tắt bản báo cáo : "Bài báo trên New York Times về việc Bắc Triều Tiên xây dựng căn cứ tên lửa là không chính xác", ông Trump viết. "Chúng tôi hoàn toàn biết về những căn cứ được nêu tên – không có gì mới mẻ cả - và không có gì bất thường xảy ra cả. Chỉ là một tin giả nữa được tung ra. Tôi sẽ là người đầu tiên cho quý vị biết nếu mọi việc trở nên tồi tệ".
Giảm kỳ vọng
Chính quyền Trump cũng giảm nhẹ những trông đợi cho cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần tới. Hôm 21/2, các quan chức Mỹ cao cấp nói với các phóng viên rằng mặc dù Bình Nhưỡng đưa ra cam kết giải trừ hạt nhân hồi tháng Sáu năm ngoái, hai phía vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa và liệu ông Kim có cam kết thực hiện nó hay không. Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh lần này, theo lời một quan chức cao cấp giấu tên của Mỹ, một phần sẽ tập trung vào việc ‘xây dựng hiểu biết chung về thế nào là phi hạt nhân hóa’.
"Tôi không biết liệu Bắc Triên Tiên đã quyết định phi hạt nhân hóa hay chưa", vị quan chức này cho biết. Ông Trump đã nói hồi đầu tuần rằng mặc dù ông không khẩn trương đạt được thỏa thuận về vấn đề này, ông tin rằng rốt cuộc thì Bình Nhưỡng cũng sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân.
Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn trên đài NBC hôm 21/2, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã không đặt hy vọng cao lắm cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. "Tin tốt là họ đã không tiến hành thử hỏa tiễn hay thử hạt nhân trong vòng hơn một năm do đó chúng ta đang ở tình huống tốt hơn so với khi chính quyền Trump lên nắm quyền, nhưng như tổng thống đã nói hôm qua và cũng như chính quyền lâu nay vẫn nói thì đây là một nhiệm vụ lâu dài và khó khăn", ông trần tình.
Tuy nhiên, các quan chức khác trong chính quyền đã công khai nói ngược lại với lập trường lạc quan của ông Trump về ý định của ông Kim. Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats và Giám đốc CIA Gina Haspel phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện hồi tháng trước rằng ‘không có khả năng Bắc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ’. "Chế độ này kiên quyết phát triển tên lửa tầm xa có mang đầu đạn hạt nhân vốn sẽ đặt ra mối đe dọa trực tiếp với Hoa Kỳ", bà Haspel nói.
Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim ở Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tỏ vẻ miễn cưỡng nói chuyện với bất cứ quan chức Mỹ nào ngoại trừ với chính ông Trump. Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Bắc Triều Tiên, ông Stephen Biegun, đã rất vất vả thuyết phục Bình Nhưỡng làm việc trực tiếp với ông mãi cho đến cuối tháng 12 năm ngoái.
"Nếu các quan chức ở cấp độ làm việc đạt được những gì họ muốn thì tôi cũng cảm thấy thật sự phấn khởi nhưng Bắc Triều Tiên biết rằng họ có thể có được thỏa thuận tốt hơn từ Tổng thống Trump, do đó họ muốn nói chuyện với ông ấy hơn", ông Cha nhận định.
"Bắc Triều Tiên về cơ bản không nói chuyện với ai ngoài ông Trump. Họ không chịu làm việc với ông Biegun, họ không chịu làm việc với ông Pompeo, cho nên nếu có bất kỳ chuyển động nào, thì nó chỉ xảy ra ở cấp độ đó mà thôi", một cựu quan chức chính quyền Mỹ được Politico dẫn lời nói. "Thượng đỉnh Hà Nội có khả năng đem lại kết quả tốt bởi vì nó có thể phá vỡ thế bế tắc. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump sẽ muốn tuyên bố thắng lợi và tất cả những người khác sẽ cảm thấy nản vì không có gì thật sự thay đổi cả".
Các nhà lập pháp ở Điện Capitol cũng không hề lạc quan hơn các quan chức chính quyền. Một số vị dân biểu của cả hai đảng hồi cuối tháng 1 đã đưa ra dự luật ‘Hậu thuẫn Quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn Quốc’ vốn cấm Lầu Năm Góc giảm quân số đồn trú ở Hàn Quốc xuống dưới 22.000 trừ phi Bộ trưởng Quốc phòng xác nhận trước Quốc hội rằng việc này không hề tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Sự đồn trú của gần 30.000 lính Mỹ ở Hàn Quốc đã là vấn đề khiến ông Trump lưu tâm. Chính ông đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc soạn thảo kế hoạch giảm quân số trên bán đảo Triều Tiên chỉ vài tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore với lập luận rằng Hoa Kỳ phải gánh chịu phí tổn quá nhiều trong việc bảo vệ Hàn Quốc. Các chuyên gia và các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng Tổng thống Trump sẽ có những thỏa thuận với ông Kim mà không hề tham khảo các cố vấn.
Hành động này cũng đe dọa sẽ gây chia rẽ giữa Mỹ và đồng minh Hàn Quốc vốn đã dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh trong hàng chục năm qua.
Tại cuộc gặp ở Singapore, ộng Trump đã bốc đồng đồng ý ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc – một hành động được xem là hết sức có lợi cho Bắc Triều Tiên và Trung Quốc – điều mà Chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó là ông John Kelly đã miễn cưỡng thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Jim Mattis.
Mặc dù các quan chức trong chính quyền Trump đã nói rằng việc rút quân không là vấn đề được đưa ra trong nghị trình, các chuyên gia vẫn lo ngại rằng một kịch bản tương tự sẽ xảy ra.
"Hai ngày là khoảng thời gian rất dài để ngồi tại đó, và tôi lo rằng ông Trump, không bị ai kiểm soát, sẽ nói với ông Kim rằng việc rút quân nằm trong số các vấn đề được đưa ra bàn bạc", bà Sue Mi Terry, một chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tại CSIS, nói.
Hiệp định hòa bình ?
Tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai này ở Hà Nội, các cố vấn của ông Trump hy vọng rằng họ sẽ đưa ra được một lộ trình giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Trump dường như tỏ ra hứng thú hơn với việc tuyên bố chấm dứt bảy thập niên chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, tờ New York Times nhận định trong bài báo có tiêu đề ‘Hiệp định Hòa bình và Giải Nobel Hòa bình dường như là những điều cám dỗ ông Trump’.
Mặc dù hai mục tiêu này không mâu thuẫn nhau nhưng chúng có thể dẫn đến một cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được đưa lên những dòng tít báo mang tính lịch sử nhưng không có tác dụng thúc đẩy mục tiêu then chốt của Mỹ là loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tờ New York Times cho biết.
Mặc dù các quan chức Mỹ hôm 20/2 nhấn mạnh rằng giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn là ‘mục tiêu bao trùm’ của ông Trump nhưng bản thân ông Trump mới đây đã nói rằng ‘ông không vội buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của họ.’ Trong số các kết quả khả dĩ của cuộc gặp ở Hà Nội là một thỏa thuận trao đổi hiệp định hòa bình đổi lấy cam kết của Bình Nhưỡng mở cửa và tháo dỡ một số cơ sở hạt nhân và tên lửa của họ.
Chính thức chấm dứt chiến tranh là một mục tiêu mà các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn theo đuổi vì nó sẽ giúp giảm sự cô lập của họ và làm gia tăng sức ép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào họ. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra một số vấn đề rắc rối cho phía Mỹ, trong đó có việc liệu nó có đẩy nhanh quá trình Mỹ rút quân ra khỏi Hàn Quốc hay không – một viễn cảnh mà ông Trump rất thích.
"Điều mà tôi lo lắng là tổng thống sẽ muốn có hòa bình hơn hết – hơn cả mục tiêu phi hạt nhân hóa", ông Scott A. Snyder, một chuyên gia cao cấp về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.
Chính quyền Trump vẫn chưa bàn bạc với Bình Nhưỡng về việc rút khoảng 28.500 quân đồn trú ở Hàn Quốc về nước, tờ New York Times dẫn lời hai quan chức cấp cao cho biết, vào các cố vấn hàng đầu của ông Trump đồng lòng phản đối việc này. Trong tháng này, ông Trump nói ông không có kế hoạch làm điều đó mặc dù ông lưu ý rằng chi phí để duy trì quân đội là quá tốn kém. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng : "Có lẽ một ngày nào đó, ai mà biết được ?"
Vào lúc ông Trump chuẩn bị gặp lại ông Kim, vai trò của ông Trump như là người kiến tạo hòa bình rõ ràng đang đè nặng trong đầu ông.
Tổng thống Mỹ đã không hề giấu diếm ông tin rằng ông đáng nhận giải Nobel Hòa bình nhờ nỗ lực tiếp cận ngoại giao với ông Kim. Ông nói ông đã có công chấm dứt các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong hơn một năm qua.
Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore mà Tổng thống Trump đã tuyên bố mạnh miệng là ‘có tiến bộ lớn’ nhưng không hề có bằng chứng gì về phi hạt nhân hóa, chính quyền Trump đã nhấn mạnh rằng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một mục tiêu chính trong chính sách ngoại giao của ông.
"Ở Tổng thống Trump, nước Mỹ có một nhà lãnh đạo mà có cam kết sâu sắc và mang tính cá nhân hơn bất kỳ tổng thống nào trước đây về việc chấm dứt một lần và vĩnh viễn cuộc chiến và sự thù địch kéo dài 70 năm trên bán đảo Triều Tiên", ông Stephen E. Biegun, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, phát biểu hồi tháng trước tại Đại học Stanford.
Hiệp định ngưng chiến vào năm 1953 có sự ký kết của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và một tướng Mỹ đại diện cho Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc. Tất cả các bên này đều phải ký kết hiệp định hòa bình. Trung Quốc ủng hộ hiệp định hòa bình vì nó sẽ tạo điều kiện để Mỹ giảm sự hiện diện quân sự ở Châu Á.
Tuy nhiên, vấn đề đối với ông Trump là ông sẽ nhận được gì từ phía Bắc Nhưỡng nếu đồng ý ký hòa ước ?
Các nhà phân tích được New York Times dẫn lời nói Bắc Triều Tiên có thể cam kết chấm dứt thử và chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng điều đó về cơ bản bào toàn năng lực hạt nhân của họ.
Họ cũng có thể đồng ý mở cửa các cơ sở hạt nhân cho các thanh sát viên và tháo dỡ một số cơ sở này. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước đi rất nhỏ giọt mà còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
"Nếu anh không muốn đàm phán thất bại thì anh phải hạ bớt tiêu chuẩn xuống", ông Victor Cha tại CSIS nói.
Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa cung cấp cho Washington danh mục các cơ sở hạt nhân của họ - một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ kế hoạch giải giáp nào. Các chuyên gia cho rằng họ nghi ngờ ông Kim sẽ đưa ra một danh sách như thế ở Hà Nội.
"Hoàn toàn không có bất cứ chỉ dấu gì – không có gì – cho thấy Bắc Triều Tiên có ý định trở thành một nước khác với họ trước giờ : một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Michael J. Green, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Nhật Bản tại CSIS, nhận định.
Ông Snyder thì lo ngại rằng Tổng thống Trump sẽ đánh đổi mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn cho cơ hội giành được giải Nobel Hòa bình.
******************
Ván cờ "Vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn" – Một cách nhìn khác
Cao Tuấn, boxitViệt Nam, 05/06/2018
Một tuần lễ sau khi tuyên bố hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh dự trù Mỹ-Bắc Hàn vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 tại Singapore, ngày 1 tháng 6 năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tuyên bố cuộc họp vẫn sẽ diễn ra như dự trù, thời gian và địa điểm không thay đổi – Donald Trump và Kim Jong-un sẽ chính thức gặp nhau để thương thảo về việc "phi hạt nhân hoá bán đảo Cao Ly" tại Singapore vào ngày 12/06/2018. Khó có thể xác định kết quả của cuộc họp thượng đỉnh như thế nào mới được xem là thành công (và thành công với ai) nhưng nếu cuộc họp hoàn toàn thất bại vì lập trường hai bên cách nhau quá xa, thế giới lại một lần nữa phải đối diện với hiểm họa chiến tranh nguyên tử đến gần. Những ý tưởng sau đây, hy vọng soi sáng những khoảng tối, những khuất khúc quan trọng, những điều "trông vậy mà không phải vậy", những điều chờ đợi và những điều không nên chờ đợi :
1. Chưa bao giờ có họp "thượng đỉnh" Mỹ-Bắc Hàn nhưng đã có nhiều cuộc đàm phán 6 bên cấp chuyên viên từ nhiều năm qua liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. 6 bên là Mỹ, Nga, Tầu, Nhật, Nam Hàn và Bắc Hàn. Kết quả không đi đến đâu – Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân như đã biết, bất chấp mọi áp lực chống đối từ bên ngoài. Đột nhiên, tình hình sôi động hẳn với với những hội nghị "thượng đỉnh" Kim-Moon, Kim-Xi và sắp sửa Kim-Trump. Một bàn cờ chiến lược mới đã thành hình với 3 tay chơi chính : Kim Jong-un, Donald Trump và Xi Jinping (Tập Cận Bình). Moon Jae-in (Nam Hàn) có tiền nhưng không có vũ khí hạt nhân chỉ là tay chơi phụ, sẽ phải lo lắng làm thế nào để không phải mất tiền nhiều quá cho Kim Jong-un trong trường hợp có "hòa hợp, hòa giải" Nam Hàn – Bắc Hàn. Putin (Nga), Abe (Nhật) còn mờ nhạt hơn nữa vì không có nhiều trọng lượng trên bán đảo Cao Ly. 6 bên thực sự rút lại còn 3 nhưng là 3 tác nhân có quyền lực thay đổi cục diện.
2. Không nước nào muốn chiến tranh nguyên tử, kể cả Bắc Hàn. Nhưng tất cả các nước đều đi tìm một thế quân bình chiến lược có lợi cho mình nhất để buộc đối phương phải nhượng bộ. "Muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh". Muốn "bất chiến tự nhiên thành" phải bầy một thế trận để dồn đối phương bị dồn vào thế bí, chịu bó tay không xoay sở được.
Hoả tiễn, kể cả hoả tiễn liên lục địa có gắn các loại bom A, bom H có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên thế giới là thế trận mới của Bắc Hàn. Thế trận này cũng bao gồm cả sự kiện họ Kim cai trị dân bằng tẩy não, bằng bàn tay sắt và bức màn sắt, nắm vững an ninh nội bộ, quyền uy tuyệt đối, không sợ bị lật đổ ; bao gồm luôn cả sự kiện Bắc Hàn thường rất hung hăng liều lĩnh, đóng vai Chí Phèo nhiều lần trong quá khứ, biến cái nghèo đói rách rưới của mình thành lợi thế… Chưa ai, kể cả Mỹ, Tầu tìm ra cách phá được thế trận của Kim Jong-un.
3. Khởi đầu cuộc phân ly và tranh chấp, Bắc Hàn và Nam Hàn đều nghèo như nhau. Trong những năm 1960’s, 1970’s Bắc Hàn thiên về kỹ nghệ nặng còn có nền kinh tế vững chắc hơn, mức sống cao hơn Nam Hàn thiên về nông nghiệp và không có nhiều tài nguyên thiên nhiên.
Từ đấy đến nay, Nam Hàn và Bắc Hàn, luôn luôn thù nghịch, chọn hai con đường khác hẳn : Nam Hàn dồn sức vào việc phát triển kinh tế trong khi Bắc Hàn đặt quốc sách số 1 là phát triển vũ khí nguyên tử. Cả hai đều làm việc cật lực và cả hai đều đạt thành quả ngoạn mục nhưng dĩ nhiên khác hẳn nhau.
Những con số khả tín mới nhất cho biết, tính theo sức mua tương đương, Tổng sản lượng GNP của Nam Hàn, cường quốc kinh tế thứ 11 trên thế giới, là 1,600 tỉ đô la gấp 40 lần GNP của Bắc Hàn chỉ vào khoảng 40 tỉ đô la. Nói một cách khác GNP của Bắc Hàn bằng 2.5% của Nam Hàn. Nam Hàn rất giầu có, Bắc Hàn rất nghèo đói.
Ngược lại, Bắc Hàn đã trở nên một cường quốc hạt nhân. Một thực tế không thể phủ nhận. Nam Hàn hoàn toàn không sở hữu vũ khí hạt nhân nào, phải đặt mình vào sự bảo đảm an ninh và che chở của nước Mỹ. Câu hỏi rất quan trọng đối với Nam Hàn (và có lẽ đối với cả thế giới) vào thời điểm đặc biệt này : nước Mỹ có quả thực chấp nhận chiến tranh nguyên tử với Bắc Hàn, chấp nhận chính nước Mỹ có thể bị ăn bom nguyên tử của Bắc Hàn để bảo vệ Nam Hàn hay không ? Nếu nước Mỹ không giữ lời cam kết thì sao ?
Vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn vì thế là yếu tố hoàn toàn mới trong tương quan lực lượng trên bán đảo Cao Ly, đặt Nam Hàn vào trong tình trạng rất bất an. Nam Hàn từ thế mạnh chuyển sang thế yếu. Bắc Hàn từ thế yếu chuyển sang thế mạnh.
4. Kim Jong-un là bạo chúa, độc tài chính hiệu nhưng đồng thời là một chính trị gia, chiến lược gia mưu lược xuất sắc. Mục đích tối thượng của Kim Jong-un vẫn là triều đại nhà Kim "muôn năm trường trị" với đầy đủ quyền lực và quyền lợi. Cho đến nay, nhân dân Bắc Hàn, đại đa số, bị tuyên truyền tẩy não, dù xơ xác nghèo, vẫn tin rằng họ đang sống trong một "vương đạo lạc thổ" dưới sự lãnh đạo anh minh của Chủ tịch Kim / Hoàng đế Kim. (Khi Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhứt – ông nội và cha của của Kim Jong-un, qua đời dân Bắc Hàn khóc lóc vật vã thảm thiết còn hơn cả dân Bắc Việt khóc Bác Hồ !)
Đường đi nước bước của Kim Jong-un rất nhịp nhàng bài bản.
Hoàn toàn chủ động.
Tận dụng vị thế mới của Bắc Hàn thành công trong việc thủ đắc vũ khí hạt nhân mà thế giới nhận biết là có thật và rất nguy hiểm.
Khi lên giọng thách thức gây căng thẳng. Khi hòa hoãn, hạ nhiệt.
Tấn công hòa bình. Đong đưa chuyện "phi hạt nhân hóa".
Gặp Tổng thống Nam Hàn Moon Ja In. Được đón tiếp long trọng. Nói chuyện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc, đại loại như "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"… nghe rất mủi lòng.
Đề nghị gặp Donald Trump.
Gặp Xi Jinping hai lần liên tiếp. Cũng được đón tiếp rất long trọng.
Sẽ hội kiến với Trump. Thượng đỉnh Trump-Kim. Trong thế mạnh. Ngang hàng…
Chỉ trong một thời gian rất ngắn Kim Jong-un, 35 tuổi, lãnh tụ một nước rất nhỏ, rất nghèo trở thành chính khách quốc tế nổi tiếng, được chú ý và trọng vọng ngang tầm lãnh tụ siêu cường quốc Xi Jinping, Donald Trump và Vladimir Putin, nghiễm nhiên ngồi bàn "võ lâm ngũ bá" hay "võ lâm tứ bá", làm lu mờ hẳn các lãnh tụ các nước lớn khác như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ấn Độ, Pakistan, Úc, Canada… mặc dù một số nước trong nhóm này cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kim Jong-un quả là một hiện tượng !
5. Nhưng Kim Jong-un có định từ bỏ vũ khí hạt nhân thật không ?
Câu trả lời là không.
Hứa sẽ bỏ cũng không bỏ. Ký giấy cam kết bỏ cũng không bỏ. Đã có tiền lệ. Thanh sát quốc tế cũng vô ích – Bắc Hàn là quốc gia bí mật nhất thế giới, kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới. Người ngoại quốc ra vào, đi lại rất khó khăn – Bắc Hàn không phải Iraq, Libya. Tất cả tuỳ thuộc "thiện chí" của Kim Jong-un. Mà Kim Jong-un có "thiện chí" làm vua, làm chiến lược gia…, không có "thiện chí" buông giao đồ tể để thành Phật và không ở thế yếu như Saddam Hussein, Muammar Gaddafi năm xưa.
Lẽ dĩ nhiên Bắc Hàn của Kim Jong-un cũng muốn phát triển kinh tế nhưng Kim Jong-un không từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy phát triển kinh tế, bởi vì :
- Bắc Hàn đã thụt lùi quá xa so với Nam Hàn về mặt phát triển kinh tế. Một trăm năm nữa chưa chắc đã đuổi kịp Nam Hàn. Dù mở cửa, dù nới lỏng chế độ, dù có đầu tư ngoại quốc, dù có viện trợ quốc tế… Một trăm năm lẹt đẹt theo đuôi là một thời gian rất dài, rất bất trắc. Dân có thể nổi lên hỏi tội họ Kim độc tài phong kiến. Nam Hàn có thể nuốt trửng Bắc Hàn như Tây Đức "nuốt" Đông Đức – (Có thể tốt cho dân tộc Cao Ly nhưng chắc chắn không tốt cho gia đình họ Kim…).
- Nếu phát triển kinh tế là quan trọng hơn vũ khí hạt nhân Bắc Hàn đã "đổi mới" từ 20 hay 30 năm trước hoặc ngay khi Kim Jong-un lên nắm quyền cách đây 5, 6 năm chứ không đợi đến bây giờ.
- Bỏ vũ khí hạt nhân, bắt đầu phát triển kinh tế theo mô hình của Tầu, của Việt Nam nhưng với quy mô kinh tế bằng 1/40 của Nam Hàn, Kim Jong-un chỉ còn là "cắc ké" bên cạnh người khổng lồ Moon Jae-in, đừng nói sẽ tiếp tục họp "thượng đỉnh" với Xi Jinping hay Donald Trump. Không bị số phận của Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi phải coi là là may mắn !
- Bắc Hàn của họ Kim đã đầu tư quá nhiều, gian khổ quá lâu – suốt ba đời – mới có được "thần kiếm" vũ khí hạt nhân vừa đủ dùng cho cả hai mặt thủ và công. Các đối thủ có vũ khí hạt nhân không còn đe dọa Bắc Hàn được nữa trong khi Bắc Hàn lại có thể đe dọa hay trấn áp các đối thủ nhất là loại đối thủ không có vũ khí hạt nhân. Với vũ khí hạt nhân có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên địa cầu, từ nay Kim Jong-un có thể vừa là Chí Phèo vừa là Nhậm Ngã Hành (Ta chỉ làm theo ý Ta). Thần kiếm đã lợi hại như thế, ai ngu dại mà hủy bỏ nó đi ! ?
6. Nếu không bỏ vũ khí hạt nhân thì Bắc Hàn của Kim Jong-un sẽ phát triển kinh tế, làm giầu bằng lối nào ?
(Trước khi trả lời câu hỏi này nên nhắc đến một dự án nghiên cứu gần đây ở Nam Hàn về triển vọng và hậu quả của sự thống nhất nước Cao Ly đã ước lượng Nam Hàn sẽ phải tiêu tốn 5000 tỉ đô la mới có thể san bằng cách biệt giữa hai nền kinh tế của Nam Hàn và Bắc Hàn, tức là để nhân dân hai miền Nam, Bắc có được sự phát triển, có hạ tầng cơ sở và mức sống ngang nhau. Năm ngàn tỉ đô la là một con số khủng khiếp khiến rất nhiều người ở Nam Hàn, nhất là thế hệ trẻ chống đối hoặc bi quan về sự thống nhất đi kèm với một gánh nặng như vậy, cho dù chính quyền Nam Hàn, không phải Bắc Hàn, hoàn toàn chủ động tiến hành sự nghiệp thống nhất đất nước một cách hòa bình).
Kim Jong-un tất nhiên phải biết rõ vực thẳm cách biệt giầu nghèo Nam, Bắc lớn lao thế nào nên chỉ có cách đi tắt để rút ngắn con đường dài trăm năm thành con đường ngắn 3 năm, 5 năm. Người Nam Hàn, đang hưng phấn về triển vọng h òa bình, thống nhất rất nên cẩn thận cảnh giác "con đường tắt" rất đặc biệt mà Kim Jong-un sẽ đi có hình dạng như sau :
Sử dụng vị thế cường quốc hạt nhân, đẩy cả Mỹ lẫn Tầu ra khỏi bán đảo Cao Ly để "việc của người Cao Ly do người Cao Ly giải quyết", thực tế là được tự do bắt nạt, tự do dùng võ lực hay hăm dọa võ lực biến Nam Hàn thành một thứ chư hầu, một thứ bò sữa theo kiểu "miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng", chuyển dần tài sản từ Nam ra Bắc. Dĩ nhiên số 5.000 tỉ đô la nói ở trên trước hết phải đi qua tay Kim Jong-un trước khi hoàng đế rải mưa móc xuống đến các thần dân. Nếu Kim Jong-un thâu được 5.000 tỉ chuyền tay từ Nam Hàn thì có lẽ chẳng mất công mong chờ viện trợ Mỹ hay viện trợ Tầu nhiều lắm chỉ đáng vài tỉ hay chục tỉ đô la. Kim cần nhất là Mỹ và Tầu nhắm mắt làm ngơ để Kim tự do tung hoành trên bán đảo Cao Ly nhân danh quyền dân tộc tự quyết, không có sự can thiệp của ngoại bang. Nếu Nam Hàn kháng cự chỉ cần một hai trái bom nguyên tử loại chiến thuật tiêu diệt gọn ghẽ 3,4 sư đoàn của Nam Hàn trong khoảnh khắc thì chính quyền Nam Hàn không còn chọn lựa nào khác hơn là kéo cờ trắng đầu hàng như trường hợp Nam Việt Nam vào ngày 30/04/1975. Giang sơn sẽ thâu về một mối dĩ nhiên với Kim Jong-un làm chúa tể !
7. Cả 3 tay chơi ván cờ chiến lược Kim, Trump, Xi đều đang đóng tuồng cho cả thế giới xem. Những điều nói ra, những điều trông thấy không phải là chuyện thực sự đang diễn ra có thể rất gay go trong hậu trường trong suốt mấy tuần lễ vừa qua
Trước hết "phi hạt nhân hoá bán đảo Cao Ly" không phải là mục đích thực sự của các cuộc họp thượng đỉnh Xi-Kim hay Thượng đỉnh Trump-Kim. Cả Trump lẫn Xi cần một lý do chính đáng, một chính nghĩa để hạ mình, để "xuống nước" nói chuyện trực tiếp với Kim. Và Kim đã cung cấp đúng cái lý cớ cần thiết ấy : Bắc Hàn sẵn sàng thảo luận việc "phi hạt nhân hoá bán đảo Cao Ly để tránh cho nhân loại hiểm họa chiến tranh nguyên tử thảm khốc". Kim là người tung, Trump, Xi là người hứng và thế giới vỗ tay hoan nghênh !
Cả Trump lẫn Xi đều thừa biết Kim nói gì thì nói, ký gì thì ký, sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân mà không ai có thể bắt buộc Kim được. Thanh sát quốc tế đã và sẽ chẳng hiệu quả gì. Phi hạt nhân hoá, rốt cuộc, chỉ là lý do bề ngoài, một đề tài phụ, thảo luận cho có, tuyên bố cho có – trước, trong và sau các hội nghị thượng đỉnh. Lý do "bề trong", lý do thực sự là Trump và Xi, – đại diện cho quyền lợi đối nghịch Mỹ, Tầu – muốn đích thân gặp Kim Jong-un, nay đã có vũ khí hạt nhân trong tay, để chiêu dụ Kim đứng về phe mình.
Nếu Trump thuyết khách thành công kéo được Kim về phía Mỹ, đổi thù thành bạn, tiến tới đổi bạn thành đồng minh thì vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn còn dùng để răn đe ai nữa ngoài nước Tầu của Xi Jinping ? Tất cả các thành phố lớn của Tầu đều quá gần, đều nằm trong tầm hoả tiễn tầm trung của Kim Jong-un, nếu Kim nổi khùng làm sao Xi và các thần dân của Xi chạy kịp trong vài phút ? !
Ngược lại, nếu Xi mua chuộc dụ dỗ được Kim, đổi tình nghĩa "đồng minh" đầy những âm mưu, ngờ vực, tức tối thành tin cẩn, chặt chẽ, thân thiết thì nước Mỹ sẽ phải thường trực sống trong bất an, không biết bom nguyên tử một ngày nào đó có sẽ rơi trúng vào New York hay Washington DC hay không ?!
Dĩ nhiên, Kim Jong-un, đẩy cả Mỹ lẫn Tầu vào thế cạnh tranh nhau, sẽ đòi giá rất cao – giá này gồm cả quy chế cường quốc hạt nhân mới và tự do "một mình một chợ" như đã nói ở điểm 6 và những quyền lợi khác. Đối với Kim lúc này là mùa gặt, mùa thu hoạch ! 30, 40 năm mới có một lần !
Cả thế giới đang chờ đợi Thượng đỉnh Trump-Kim. Nếu địa điểm họp được chọn nằm trên đất Cao Ly, tại Bàn Môn Điếm như Trump đã nhắc đến trước đây như để thăm dò – rất mất thể diện của tổng thống đại cường quốc phải đích thân đến tiểu quốc để cầu h òa – thì có thể dự đoán Trump có nhiều hi vọng lôi kéo được Kim Jong-un, biến đổi Bắc Hàn từ thù sang bạn cho bõ với chuyến đi đơn phương vất vả. Nhưng nếu địa điểm là Singapore như đã công bố thì có vẻ cuộc thương thuyết không được tiến triển theo chiều hướng đó. Cùng lắm Bắc Hàn sẽ chọn đứng giữa Mỹ và Tầu, không ngả hẳn về bên nào. Nếu đúng vậy, một lần nữa Xi Jinping của nước Tầu lại thành công, dù là tạm thời, trong việc chặn đường Donald Trump của nước Mỹ.
Dẫu sao, cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim, có kết quả hay không, cũng chỉ là một cao điểm vì ván cờ còn tiếp diễn trong nhiều năm sắp tới cho đến khi một thế quân bình mới tại Á Châu được thiết lập một cách rõ ràng. Lúc đầu có thể như đã nói Kim không ngả hẳn về bên nào, mà lợi dụng được cả hai bên nhưng có lẽ sẽ luôn tự nhắc nhở rằng vì lý do lịch sử, địa lý, văn hoá, chủng tộc – giống như trường hợp Việt Nam – Tầu thực sự thâm hiểm và nguy hiểm đối với dân tộc Cao Ly nói chung và họ nhà Kim nói riêng hơn là Mỹ. Sau cùng Kim Jong-un sẽ ngả dần về phía Mỹ, dùng Mỹ để cân bằng Tầu thay vì dùng Tầu để cân bằng Mỹ như từ trước đến nay.
8. Giải pháp "dĩ độc trị độc" (xem bài liên hệ ở phần cuối) có thể là giải pháp tốt nhất cho nước Mỹ trong hoàn cảnh hiện tại và sẽ được Kim Jong-un tôn trọng vì lý do đơn giản : phù hợp với quyền lợi của nhà họ Kim. Bắc Hàn đi với Mỹ ít nguy hiểm, có lợi hơn, tốt hơn là đi với Tầu vì sẽ bị Tầu kiềm chế như trường hợp Việt Nam !
Bất kể văn tự chính thức của hiệp ước h òa bình Mỹ-Bắc Hàn nói gì về "phi hạt nhân hóa" bán đảo Cao Ly, sau cuộc gặp gỡ Trump-Kim, Mỹ-Bắc Hàn có thể đổi thù thành bạn, tiến dần thành đồng minh. "America First" gặp "Kim Dynasty First". Điều này bao hàm việc Mỹ không những chấp nhận, minh thị hay mặc nhiên, Bắc Hàn là cường quốc hạt nhân mà còn "chuyển" vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn từ "tiêu sản" thành "tích sản" đối với nước Mỹ – chuyển thế bại thành thế thắng, đẩy mũi giáo nguyên tử đang chĩa vào trái nước Mỹ cho nó hướng về trái tim của kẻ đối thủ cạnh tranh chính của nước Mỹ là nước Tầu của Xi Jinping, buộc Xi và nước Tầu phải nhọc nhằn đối phó.
Còn hơi sớm để biết Trump đủ bản lĩnh để làm một "strategic coup" mang tính cách "đột phá" như thế hay không nhưng có lẽ người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước mình đang bị chủ nghĩa đế quốc Đại Hán uy hiếp ngặt nghèo cũng đều muốn chúc cho Donald Trump may mắn.
Cao Tuấn
Nguồn : Boxitvn, 05/06/2018
********************
Thử giải bài toán nhức đầu Bắc Triều Tiên
Cao Tuấn, Thông Luận, 08/10/2017
Thử giải bài toán nhức đầu Bắc Triều Tiên cho nước Mỹ của Donald Trump
Bom A, bom H, hỏa tiễn liên lục địa của Bắc Triều Tiên (North Korea) là chuyện nhức đầu của nước Mỹ, nhưng không phải chỉ là chuyện nhức đầu của riêng nước Mỹ bởi vì nếu chiến tranh nguyên tử bấm nút giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ bùng nổ trong chớp mắt không ai biết chắc sự tàn phá khủng khiếp sẽ lan rộng tới đâu ? Quốc gia nào, gia đình nào, cá nhân nào, dù sống sót, mà không thấy đời sống thay đổi hay đảo lộn ? Thành ra tìm cách giải bài toán Bắc Triều Tiên cho nước Mỹ của Donald Trump chỉ vì không thể làm khách bàng quan "tọa sơn quan hổ đấu" ? !
//www.flickr.com/photos/145347866@N03/37307510210/in/dateposted-friend/" title="btt1">
Kim Jong-un sẽ không từ bỏ vũ khí hạch tâm như Mỹ, Nhật, Nam Hàn đòi hỏi
Mà giải bài toán này cũng không thể không bắt đầu bằng nhìn vào cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lực đang diễn ra trên thế, giới, vào hiện trạng nước Mỹ của Donald Trump, Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un, nước Tầu của Tập Cận Bình, Nhật, Nam Hàn (South Korea), Đài Loan, các nước Đông Nam Á...
Cũng không thể không nhìn thấy các nét chính trước khi bàn cách giải quyết.
Nhận định căn bản
1. Kim Jong-un sẽ không từ bỏ vũ khí hạch tâm như Mỹ, Nhật, Nam Hàn đòi hỏi. Không bao giờ. Trong hoàn cảnh của Kim và của chế độ cộng sản, phong kiến, thế tập Bắc Triều Tiên, bỏ vũ khí hạch tâm đồng nghĩa với tự sát. Nếu Mỹ muốn tìm một giải pháp chính trị thì phải chấm dứt đòi hỏi... "cực đoan" này. Nếu không chính thức công nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử thì Mỹ cũng phải chấp nhận đó là một thực tế không thay đổi được và tìm cách "sống" thích nghi với cái "sự đã rồi" (fait accompli) ấy.
2. Bắc Triều Tiên cũng không muốn tự sát mở cuộc chiến nguyên tử với Mỹ. Mỹ cũng chẳng muốn đấu nguyên tử với Bắc Triều Tiên, không tự sát cũng gần như tự sát - đánh nhau dù không chết nhưng mù mắt, cụt chân thì thắng để làm gì ? Tuy vậy việc leo thang "võ miệng" giữa Donald Trump và Kim Jong-un hoàn toàn có khả năng làm bùng nổ chiến tranh nguyên tử mà thực tâm không ai muốn.
3. Bắc Triều Tiên là địch thủ của Mỹ nhưng không phải là địch thủ chính. Nếu Mỹ làm ngơ để Kim Jong-un "quậy" tối đa thì Kim cũng chẳng làm hại được nước Mỹ bao nhiêu, hoặc còn lâu mới làm hại được Mỹ một cách đáng kể. Bắc Triều Tiên nghèo đói, cô độc, nước nhỏ chỉ 25 triệu dân, có ảnh hưởng gì trên thế giới ?
4. Địch thủ cạnh tranh quyền lực chính của nước Mỹ là nước Tầu. Tầu có khả năng làm hại quyền lợi Mỹ, có âm mưu và kế hoạch từng bước truất phế Mỹ để leo lên làm trùm thế giới. Bắc Triều Tiên không có khả năng này và cũng không thể có tham vọng lớn lao như thế. Cùng lắm là làm trùm bán đảo Cao Ly nhưng trước hết là phải sống sót, phải thoát cảnh bần hàn đã.
Cái hung hăng của Bắc Triều Tiên là một phần chính của sách lược sinh tồn. Cái mềm mỏng "thao quang dưỡng hối", "giấu mình, chờ thời" của Tầu trong mấy chục năm qua mới là sách lược bành trướng chết người. Mỹ sa lầy với Afghanistan, với Iraq, sa lầy với North Korea là những cơ hội bằng vàng để Tầu vượt lên phía trước và sắp qua mặt Mỹ đến nơi. Một khi Tầu đã biến được Biển Đông và Đông Nam Á thành "ao nhà" và "sân sau" thì Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản sẽ bị tuyệt đường tiếp tế cực kỳ trọng yếu từ phía Nam lên, còn trụ được bao lâu ? Tiếp tục thân Mỹ được bao lâu nữa ? Một khi bị hất ra khỏi Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ còn thù nghịch với một nước Bắc Triều Tiên nghèo đói, cô độc cho mục đích thực tiễn gì ? !
5. Bề ngoài, Bắc Triều Tiên đe dọa tiêu diệt Mỹ bằng hỏa tiễn liên lục địa gắn bom A, bom H cũng như mạt sát Mỹ rất nặng lời, nhưng bên trong vẫn muốn dàn xếp tranh chấp với Mỹ qua đường thương thuyết sao cho có lợi nhất, chẳng hạn : triều đại họ Kim vẫn "muôn năm trường trị", Bắc Triều Tiên được hưởng "quy chế đặc biệt" là cường quốc hạt nhân, được Mỹ bang giao thân thiện, được Mỹ giúp đỡ phát triển kinh tế giống như Mỹ đã từng giúp Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Tây Đức, các nước Tây Âu, nước Việt Nam cộng sản và cả nước Tầu cộng sản...
Nếu đã nhất định "không đội trời chung với đế quốc Mỹ", nếu không muốn lập lại cái "ping pong diplomacy" từng mở ra một khúc quanh hoàn toàn mới trong lịch sử bang giao Tầu- Mỹ, có lẽ nào Kim Jong-un chỉ vì say mê môn bóng rổ mà mấy lần mời "đến chơi" và ân cần đón tiếp tại thủ đô Bình Nhưỡng cầu thủ NBA nổi tiếng người Mỹ da đen Dennis Rodman như bạn tâm giao ? Một cánh cửa "khép mở hững hờ" như thế chẳng phải đã là tín hiệu… "ngươi đến với ta, ta cũng bằng lòng" ? Muốn hòa giải, Mỹ, là đại cường quốc, phải đi bước trước !
6. Bề ngoài, Bắc Triều Tiên và Tầu còn là đồng minh nhưng bên trong đã ghét nhau đến mức "cạn tầu, ráo máng". Nước Tầu càng giầu có, càng phách lối, càng muốn áp đặt, càng muốn kiểm soát. Bắc Triều Tiên càng nghèo mạt, càng tự ái, càng ương ngạnh, càng thách thức.
Tầu lãnh đạm với Bắc Triều Tiên bao nhiêu lại thân thiết với Nam Hàn bấy nhiêu. Từ lúc Kim Jong-un lên kế vị bố chưa hề giáp mặt "hoàng đế" Tập Cận Bình, nhiều phần là không muốn gặp, "không thèm gặp". Ngược lại Tập và các lãnh tụ Nam Hàn "giao du rất thân mật", qua lại, hội kiến, tham khảo thường xuyên. Tổng số giao thương Tầu-Nam Hàn đã vượt qua tổng số giao thương Tầu- Bắc Triều Tiên đến mấy chục lần chưa kể các doanh nghiệp Nam Hàn đã đầu tư hàng trăm tỉ đô la vào kinh tế nước Tầu.
Kim Jong-un ngờ vực một cách rất có lý Tầu ngấm ngầm tìm cách ám hại mình nên đã ra tay trước một cách rất bất ngờ và quyết liệt : giết phăng đại tướng Jang Song-thaek, chồng của cô ruột, giết luôn cả anh trai cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam vốn là 2 quân bài chủ yếu của Tầu nhằm giữ Bắc Triều Tiên trong tầm kiểm soát. Rất đau, rất mất thể diện Tầu đành cắn răng chờ cơ hội trừ khử Kim Jong-un. Kim thì biết rõ "bát nước đã đổ xuống đất", tình nghĩa đứt đoạn, chỉ còn bước tới, tiếp tục thử nghiệm, cải tiến, hoàn thiện các vũ khí hạt nhân, bất chấp Tầu biểu quyết chế tài và thực thi cấm vận.
(Mặc dù trẻ tuổi, được bố đặt lên "ngai vàng" khá đột ngột, không có kinh nghiệm gì về chính trị quyền lực trước đó, bề ngoài lại nặng nề, phục phịch, Kim Jong-un đã sớm chứng tỏ bản lĩnh của một tay độc tài có hạng, nắm rất vững tình hình nội bộ bằng sắt và máu, phòng thủ an ninh rất kín, quyết đoán và ngang tàng hơn cả bố và ông nội. Kim Jong-un quả thật không lép vế chút nào khi đối phó với Tập Cận Bình và Donald Trump, lãnh tụ siêu cường quốc).
7. Tầu không muốn chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên bùng nổ, sợ bị lôi cuốn rồi "đầu chẳng phải, phải tai". Tầu cũng không muốn bị lôi cuốn vào chiến tranh trên bán đảo Cao Ly lần nữa, dù chỉ là chiến tranh quy ước, khi đang theo đuổi thượng sách "bất chiến tự nhiên thành" nói chung và khi đang giao thương rất có lợi với Nam Hàn, nói riêng. Mặt khác Tầu rất muốn Mỹ và Bắc Triều Tiên tiếp tục thù nghịch bởi vì nếu Mỹ không còn là kẻ thù chính của Bắc Triều Tiên thì hỏa tiễn có gắn bom A, bom H của Kim Jong-un còn chủ yếu dùng để đối phó với ai ngoài nước Tầu, mặc dù họ Kim chẳng cần Mỹ xúi giục ?
8. Bom A, bom H và hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên nguy hiểm đối với Tầu hơn đối với Mỹ vì khoảng cách giữa Bắc Triều Tiên và Tầu quá gần, độ chính xác sẽ cao hơn, thời gian để phản ứng ngắn hơn... Nếu Bắc Triều Tiên trở mặt, công khai thù nghịch, cả nước Tầu sẽ thấy thần chết lơ lửng ngay trên đầu ! Tuy thế, Tầu cũng không dám mạo hiểm dùng vũ khí hạt nhân đánh úp Bắc Triều Tiên vì không chắc ăn 100%. Nếu "first strike" của Tầu không hủy diệt được tất cả mục tiêu cần hủy diệt thì Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Thiên Tân... rất khó thoát số phận của Hiroshima, Nagasaki năm xưa khi Kim Jong-un phản công theo bài bản sách lược "second strike".
9. Hòa giải với Bắc Triều Tiên, nước Mỹ sẽ không tránh được những hệ luỵ, hậu quả rắc rối nhưng cái giá của sự nhượng bộ vẫn rẻ hơn cái giá của sự tiếp tục leo thang thù nghịch, hay cái giá của chiến tranh. Đấy là chưa kể để gỡ một thế cờ bí trên bàn cờ thế giới, sáng kiến ngoại giao mới này, đối với nước Mỹ, là chấp nhận "lùi một bước để tiến hai ba bước". Bỏ lên bàn cân, cái lợi về lâu dài có thể vượt quá cái hại trước mắt. Điểm chính yếu là ngọn giáo thù Bắc Triều Tiên đang chĩa vào trái tim nước Mỹ thì đẩy nó sang một bên để nó hướng về phía trái tim đối thủ chính của mình. Bấy lâu nay Tầu đã dùng Bắc Triều Tiên để kiềm chế, cầm chân nước Mỹ thì bây giờ là lúc "biến nghịch cảnh thành cơ hội" cho nước Mỹ "đáp lễ" dùng Bắc Triều Tiên để kiềm chế, cầm chân nước Tầu đang vươn lên mạnh mẽ.
10. Mỹ làm hòa với Bắc Triều Tiên cũng có hiệu ứng thực tế là trao gánh nặng bảo vệ Nam Hàn cho chính nước Tầu. Tầu được hưởng những mối lợi lớn lao đến từ chế độ tư bản Nam Hàn thì "ăn cây nào, rào cây ấy", Tầu phải lo bảo vệ Nam Hàn là chuyện hoàn toàn hợp lý.
//www.flickr.com/photos/145347866@N03/36896524753/in/dateposted-friend/" title="btt2">
Mỹ làm hòa với Bắc Triều Tiên cũng có hiệu ứng thực tế là trao gánh nặng bảo vệ Nam Hàn cho chính nước Tầu.
Thực ra Nam Hàn, cường quốc kinh tế trên thế giới, hiện chơi trò "bắt cá hai tay" - Đồng minh với Mỹ để hưởng cái dù nguyên tử che chở của Mỹ chống lại đe dọa của Bắc Triều Tiên, "đồng minh" cả với Tầu để làm ăn và làm giầu. Nếu mai đây tranh chấp Mỹ-Tầu bùng nổ, không ai biết chắc Nam Hàn sẽ chọn đứng về bên nào ? Nếu Nam Hàn đã thân thiết với Tầu như thế, có gì là cấm kỵ nếu Mỹ cũng "bắt cá hai tay" - làm "bạn" với Nam Hàn, "bạn" luôn cả với Bắc Triều Tiên ?
Nam Hàn cũng chẳng phải quá lo lắng vì thừa sức đương đầu với Bắc Triều Tiên trong chiến tranh quy ước, chỉ thiếu vũ khí hạch tâm để cân bằng vũ khí hạch tâm của Bắc Triều Tiên. Tầu sẽ ngầm giúp ngầm giúp Nam Hàn thủ đắc vũ khí hạch tâm ? Hoặc làm ngơ cho Nam Hàn tự phát triển lấy vũ khí hạch tâm ? Hoặc Tầu nên chính thức cảnh cáo Bắc Triều Tiên "mọi cuộc tấn công bằng vũ khí hạch tâm chống lại Nam Hàn sẽ bị xem là tấn công hạch tâm vào chính Trung Quốc và sẽ bị đáp trả tương xứng" ? Dẫu sao, bảo vệ Nam Hàn cách nào tốt nhất là sẽ là... chuyện "riêng" của Trung Quốc, Mỹ không lý đến nữa.
"Trong chính trị quốc tế không bạn muôn đời, không có kẻ thù muôn kiếp, mà chỉ có quyền lợi của quốc gia" ! Chẳng phải Donald Trump luôn miệng "America First" và trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc mới đây đã cổ võ tất cả các quốc gia trên thế giới... theo gương Mỹ, đặt quyền lợi của nước mình lên trên hết đấy sao ?
11. Một khi Mỹ làm hòa với Bắc Triều Tiên, minh thị hay mặc nhiên chấp nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, cũng như rút bớt sự hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á thì một hiệu ứng thực tế khác là nước Nhật sẽ nhanh chóng trở thành một cường quốc hạt nhân khác, nhờ vào trình độ kỹ thuật, khoa học tiến bộ của chính mình, dù dân có chống hay không chống.
Một khi Nhật "hùng mạnh" trở lại bằng cách "tái võ trang" như thế thì cán cân quyền lực ở Châu Á sẽ thăng bằng hơn, Tầu không dễ gì độc chiếm Biển Đông và gánh nặng trên vai của nước Mỹ cũng bớt nặng đi. Sau Nhật, có thể có thêm nhiều nước khác tìm cách thủ đắc vũ khí nguyên tử như Đài Loan, như Iran... Một trào lưu không tránh được, hệ quả tất yếu của tiến bộ khoa học và cạnh tranh sinh tồn.
Tuy vậy, một thế giới có nhiều cường quốc nguyên tử, trông đáng sợ hơn, không nhất thiết có nghĩa hiểm họa chiến tranh nguyên tử sẽ lớn hơn, mặt khác lại có thể có hậu quả tích cực là thế giới nhất cực mà Mỹ "từ chối" làm bá chủ sẽ trở thành thế giới đa cực, với nhiều trung tâm quyền lực khác nhau và tương đối bình đẳng.
Nước Mỹ của Donald Trump không còn muốn làm "minh chủ võ lâm" hay "lãnh tụ của thế giới tự do" vì nợ nần, vì đuối sức, vì tự thấy "lợi bất cập hại", vì "kính chẳng bỏ phiền", muốn "thoái vị" để trở lại chủ nghĩa cô lập một cách tương đối an toàn thì công thức thế giới đa cực có lẽ là lối thoát tốt đẹp nhất cho Mỹ trong tình trạng hiện tại, hoặc ít nhất cũng tốt đẹp hơn là cái thế giới nhất cực nhưng với ông trùm mới là nước Tầu của Tập Cận Bình.
Gợi ý giải pháp
1. Như Richard Nixon gửi Henry Kissinger bí mật đến Bắc Kinh năm 1971, Donald Trump bí mật gửi đặc sứ cao cấp và thân tín (chẳng hạn cố vấn Ivanka Trump, con gái, hoặc cố vấn cao cấp Jared Kushner, con rể, hoặc chánh văn phòng Bạch Cung John Kelly...) đến Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-un thông báo những nhượng bộ tối đa của Mỹ để đổi lấy các nhượng bộ tối thiểu của Bắc Triều Tiên.
Nhượng bộ của Mỹ :
- Không còn đòi Bắc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạch tâm.
- Đơn phương chấm dứt các biện pháp chế tài và cấm vận chống Bắc Triều Tiên.
- Công nhận Bắc Triều Tiên và chính thức thiết lập bang giao, trao đổi đại sứ.
- Triệt thoái sự hiện diện quân sự khỏi lãnh thổ Nam Hàn trong theo hạn kỳ nhất định, vừa phải, hợp lý.
- Hủy bỏ các cuộc tập trận thường kỳ hàng năm chung với quân đội Nam Hàn.
- Bầy tỏ ý định muốn tham gia và giúp đỡ Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế .
- Chấp nhận cho Bắc Triều Tiên hưởng quy chế "tối huệ quốc" trong giao thương với Mỹ...
Nhượng bộ của Bắc Triều Tiên (chủ yếu giữ thể diện cho nước Mỹ) :
- Ngưng việc thử các vũ khí hạch tâm.
- Tuyên bố "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", chấm dứt tình trạng thù nghịch đối với nước Mỹ.
- Cam kết tìm cách thống nhất đất nước Triều Tiên bằng các biện pháp hòa bình thông qua đàm phán Bắc Triều Tiên-Nam Hàn.
- Chấp nhận quy chế "tối huệ quốc" đối với các hàng hóa, dịch vụ, đầu tư đến từ nước Mỹ.
- Cam kết không bán, không phổ biến vũ khí hạch tâm...
2. Chuẩn bị công luận trong và ngoài nước Mỹ để có sự ủng hộ cần thiết và giảm thiểu mọi chống phá đối với thỏa ước "biến thù thành bạn" giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, Donald Trump và Kim Jong-un đóng kịch như thật (hay tiếp tục đóng kịch như thật ?), diễn vở tuồng "giận dữ như sắp nổi điên", nhục mạ nhau bằng những thậm từ, hăm dọa tiêu diệt thành tro bụi mọi kẻ thù chính và... đồng bọn, ra lệnh chuẩn bị chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp, xây hầm trú ẩn, tích trữ lương thực...
Bên này di chuyển pháo đài bay chiến lược B1, tầu ngầm nguyên tử đến gần các mục tiêu, bên kia liên tiếp bắn hỏa tiễn liên lục địa vào không gian phô trương khả năng sẵn sàng... Tất cả tạo một tình trạng hoảng loạn trên toàn thế giới như sắp tận thế...
Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nước Tầu, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nam Hàn... lãnh tụ tôn giáo, chính trị gia, nhân sĩ, báo chí, dân thường... đều tới tấp, đổ xô vào can ngăn cả hai bên, kêu gọi bình tĩnh, đối thoại, nhường nhịn... nhân danh "hòa bình trên hết".
Trước những thỉnh cầu chính đáng và tha thiết, trước áp lực của công luận mạnh mẽ, rộng rãi như thế, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đành gác bỏ "thù riêng"... cho bật đèn xanh bắt đầu cuộc đối thoại song phương chính thức Mỹ- Bắc Triều Tiên. Cuộc đối thoại cù cưa, cò kè, bớt một thêm hai cuối cùng cho ra một hòa ước quốc tế "mới toanh" nhưng các điểm chủ yếu đã được bí mật thỏa thuận từ mấy tháng trước !
Sau khi "make deal" với Bắc Triều Tiên mà nội dung vượt quá sự dự đoán của hầu hết mọi người, đặc biệt là trước sự tức giận của nước Tầu, nước Nga, trước sự thất vọng của nước Nhật, của Nam Hàn, Donald Trump tiếp tục giữ kín chuyện "ăn vụng, đi đêm, đóng kịch" với Kim Jong-un nhưng sẽ không bỏ lỡ cơ hội tự ca ngợi đã cứu nước Mỹ khỏi bờ vực chiến tranh nguyên tử, giải quyết được gánh nặng Bắc Triều Tiên do các tổng thống tiền nhiệm để lại, bằng "nghệ thuật thỏa hiệp thành công" (The Art of the Deal) rất cao siêu của mình.
Cũng đành phải chúc cho Donald Trump may mắn !
Cao Tuấn
Nguồn : Thông Luận, 08/10/2017