Sau hơn ba thập kỷ, Trung Quốc từ một quốc gia nghèo nay đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Trung Quốc bị ô nhiễm không khí rất nặng vì công nghiệp hóa nhanh chóng
Nhưng để đổi lấy sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ, Trung Quốc phải trả cái giá không nhỏ là nạn ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm hạt mịn PM2.5 (loại hạt có trong không khí ảnh hưởng sức khoẻ con người), đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở các vùng trọng điểm kinh tế của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân, đồng bằng sông Dương Tử và lưu vực sông Châu Giang.
Điều này đã tác động xấu đến sức khỏe người dân và môi trường sinh thái.
Theo nghiên cứu trên Journal of Cleaner Production, đầu năm 2013, ô nhiễm khói mù độc hại nghiêm trọng và khéo dài cả tháng đã xảy ra ở trung, bắc và đông Trung Quốc.
Ô nhiễm ở đây bị cho là có mức cao về nồng độ PM2.5, đạt mức kỷ lục, bao phủ hơn 1,3 triệu km2 và ảnh hưởng đến khoảng 800 triệu dân.
Để cải thiện chất lượng không khí bị giảm ô nhiễm nặng, tháng 9 năm 2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra kế hoạch hành động về phòng chống ô nhiễm không khí.
Kế hoạch hành động có vai trò là hướng dẫn để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí ở cấp quốc gia.
Mục tiêu của kế hoạch này là vào năm 2017, nồng độ PM10 sẽ giảm ít nhất 10% so với mức 2012 ở khu vực đô thị Trung Quốc và nồng độ PM2.5 sẽ giảm 25%, 20% và 15% ở Bắc Kinh, Thiên Tân, lưu vực Dương Tử và Châu Giang.
Xem App trên máy di động để kiểm tra mức ô nhiễm ở Thượng Hải
10 biện pháp làm sạch không khí
Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch hành động xác định các biện pháp chính :
1. Tái cơ cấu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sạch ;
2. Chuyển đổi công nghệ theo hướng sạch đối với những ngành gây ô nhiễm ;
3. Tăng cường tiết kiệm sử dụng năng lượng, dùng năng lượng thân thiện với môi trường ;
4. Cải cách hệ thống pháp luật và quy định liên quan đến bảo vệ và kiểm soát môi trường ;
5. Thiết lập cơ chế điều phối khu vực liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị và môi trường ;
6. Thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo và hệ thống ứng phó khẩn cấp và đối phó khi không khí bị ô nhiễm nặng ;
7. Làm rõ trách nhiệm của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội và huy động công chúng tham gia bảo vệ môi trường.
Điều đáng chú ý là kế hoạch hành động yêu cầu nồng độ PM2.5 trung bình ở Bắc Kinh phải nằm dưới 60 µg/m³.
Giải pháp riêng cho thủ đô
Dựa trên kế hoạch hành động cấp quốc gia, chính quyền thành phố Bắc Kinh, nơi chịu ảnh hướng lớn do nạn ô nhiễm khí thải, đưa ra kế hoạch hành động chi tiết.
Bắc Kinh tập trung vào sáu hướng chính :
(1) kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới, (2) kiểm soát ô nhiễm do nguyên liệu hoá thạch như than đá, (3) kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, (4) kiểm soát ô nhiễm khói bụi, (5) phục hồi các hệ sinh thái bị ô nhiễm, và (6) ứng dụng các công nghệ mới vào bảo vệ môi trường.
Trời xanh trở lại Bắc Kinh trong một ngày giữa năm 2017
Đối với kiểm soát khí thải do các phương tiện giao thông, Bắc Kinh hạn chế số lượng phương tiện giao thông chỉ là 6 triệu vào năm 2017.
Thành phố ủng hộ và thiết lập các hệ thống giao thông xanh và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến kích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Để kiểm soát số lượng phương tiện thông qua xổ số biển số, nhà nước tăng mức tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông, yêu cầu kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện giao thông có khả năng gây ô nhiễm thường xuyên, cải thiện chất lượng nhiên liệu, loại bỏ hàng trăm nghìn phương tiện giao thông cũ kỹ, tăng chi phí lái xe ôtô, đưa vào hoạt động phương tiên giao thông sử dụng năng lượng sạch, quản lý xe từ các thành phố khác đến thành phố.
Để kiểm soát ô nhiễm đốt than, chính quyền khuyến kích xây dựng dự án sử dụng khí gas và các nhiên liệu sạch để thay thế sử dụng than, Bắc Kinh đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và cấm người dân ở các khu vực xung quanh dùng than để sưởi ấm, đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công ngiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu.
Để ngăn chặn bụi, Bắc Kinh thực hiện để kiểm soát bụi phát ra tại các công trường xây dựng, niêm phong phương tiện vận tải tạo ra bụi, tăng cường quét đường hay hút bụi.
Trồng thêm cây xanh
Thành phố đã tăng lượng bao phủ cây xanh tại thành phố và khu vực lân cận lên tới 100 km2.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Bắc Kinh phối hợp với tỉnh thành khác thực hiện các thỏa thuận và hành động thống nhất trong kiểm soát nguồn gây ô nhiễm khí, cấu trúc năng lượng, tối ưu hóa các ngành công nghiệp, quản lý phát triển đô thị và ứng phó khẩn cấp trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nặng.
Theo chinadialogue, kế hoạch hành động trên đã giúp Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng cải thiện đáng kể chất lượng không khí, thành phố Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu đề ra, PM2.5 trung bình hàng năm còn là 58 µg/m³ - giảm 35%.
Bằng các biện pháp cụ thể và hành động quyết liệt như trên của chính quyền, ô nhiễm không giá đã được cải thiện đáng kể, bầu trời xanh đã xuất hiện trở lại ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác.
Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã tới mức nguy ngại
Việt Nam chưa phát triển như Trung Quốc, tuy nhiên ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã cực kỳ nghiêm trọng.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam hôm 17/01/2019, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry báo động tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay tăng gấp nhiều lần.
Ông nói mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn cả Bắc Kinh và New Delhi, chủ yếu từ xăng dầu.
Ông nhấn mạnh thêm đây là nguyên nhân dẫn chính tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp ; gây tỷ lệ tử vong rất cao ở Việt Nam.
Ô nhiễm đô thị ở Việt Nam chủ yếu do khí thải từ xe máy và ô tô
Còn theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm 60.000 người tại Việt Nam chết có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Việt Nam học được gì từ Trung Quốc ?
Theo tôi, điều đầu tiên Chính phủ Việt Nam phải nhận thức được rằng tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã rất nghiêm trọng, cần phải hành động ngay.
Tiếp đến, cần xây dựng chương trình hành động cấp quốc gia chống và cải tạo tình trạng môi trường bị ô nhiễm.
Chương trình hành động này cần phải xác định những nguồn nào gây ra ô nhiễm và đặt ra mục tiệu cụ thể cho địa phương, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đang bị ô nhiễm nặng nề nhất, giảm những loại khí độc hại nào và bao nhiêu, để đảm bảo môi trường sinh thái đạt mức tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới.
Theo người viết bài này, cần thêm vào đó kế hoạch hành động này xác định các biện pháp cụ thể ví dụ như :
- Kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới bằng cách phát triển và khuyến kích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng
- Tăng phí sử dụng xe cơ giới, yêu cầu xe cơ giới phải kiểm tra định kỳ
- Loại bỏ các loại xe cũ gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, các giải pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân ở Việt Nam chưa hiệu quả do hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Công việc xây hệ thống tàu điện có thể giúp cải thiện giao thông công cộng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường bị chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng không đảm bảo.
Chính phủ và chính quyền hai thành phố cần phải có hành động quyết liệt để sớm đưa hệ thống giao thông công cộng này đưa vào hoạt động, như :
- Kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễmnhư nói không với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, đối với doanh nghiệp đang gây ô nhiễm yêu cầu những đơn vị này có lộ trình chuyển đổi sang những công nghệ tiên tiến không gây ô nhiễm môi trường hoặc yêu cầu đóng cửa.
- Sử dụng các loại năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay cho các năng lượng hoá thạch như than đá.
- Yêu cầu đơn vị xây dựng kiểm soát ô nhiễm khói bụi tại công trường xây dựng, thông qua việc hút bụi rửa đường thường xuyên. Phạt nặng những đơn vị gây ra ô nhiễm khí bụi.
- Làm rõ trách nhiệm của chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và xã hội và huy động công chúng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
- Cải cách hệ thống pháp luận và quy định liên quan đến bảo vệ và kiểm soát môi trường.
- Thiết lập cơ chế điều phối khu vực liên quan đến quy hoạt, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường. Tránh tình trạng phát triển tập trung vào một số địa phương, khiến cho người dân đổ về một vài thành phố lớn dẫn đến quá tải trọng về giao thông.
- Tăng lượng bao phủ cây xanh tại thành phố và khu vực lân cận.
Nếu chính phủ không có những hành động tức thì và kiên quyết thì nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam sẽ ngày một nghiêm trọng.
Khi đó, mọi mục tiêu nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sẽ không đạt.
Hơn thế nữa, hình ảnh một Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng sẽ xuất hiện trong tâm trí của người nước ngoài.
Khi đó, vị thế của Việt Nam sẽ bị giảm sút và kế hoạch biến Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho du khách nước ngoài sẽ không thành.
David Nguyễn
Nguồn : BBC, 21/02/2019
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) trong năm 2015 có trên 244 triệu người trên thế giới di cư tới nước khác, tương đương 3,3% dân số toàn cầu.
Cô dâu Việt cùng con học tiếng Hoa ở Đài Loan - hình chỉ có tính minh họa
Có nhiều nguyên nhân khiến người ta rời bỏ quê hương để sang nước khác sinh sống.
Theo nghiên cứu của Gallup, có một số nguyên nhân chính : chiến tranh, khủng hoảng, tìm điều kiện kinh tế tốt hơn, hoặc chạy trốn nạn đói hay dịch bệnh.
Gallup chỉ ra rằng, có ít nhất 50% người Syria muốn bỏ nước ra đi vì nội chiến chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Cũng theo tổ chức này thì đã có khoảng 2 triệu người Venezuela bỏ đất nước ra đi trong năm 2018.
Điều đáng ngạc nhiên là Venezuela vốn giàu có về tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ.
Nhưng chính sách sai lầm của chính phủ hiện hành khiến khủng kinh tế kéo dài, và người dân ở đây sống trong khổ cực nên muốn bỏ chạy khỏi đất nước.
Việt Nam cũng đã từng có những đợt di cư rất lớn
Ngay sau khi Việt Nam Cộng hoà sụp đổ năm 1975 đã có một làn sóng di dân lớn từ Việt Nam đến Hoa Kỳ và các nước Tây phương, với hàng trăm nghìn vượt biên và vượt biển vì sợ chính quyền mới trả thù.
Làn sóng bỏ nước ra đi đông đảo nhất xảy ra khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ
Từ 1977 có thêm phong trào vượt biển tỵ nạn nữa.
Làn sóng di dân này kéo dài cho đến giữa thập niên 1980 vì vấn đề khủng hoảng kinh tế kéo dài và môi trường chính trị ngột ngạt tại Việt Nam lúc đó.
Hiện tại, nhiều năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc, chưa có những thống kê chính thức nào về số lượng người Việt Nam đang mong muốn và đã di cư ra nước ngoài sinh sống hàng năm.
Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tác giả, số lượng này là không nhỏ.
Không kể thế hệ thuyền nhân và người tỵ nạn, hiện người Việt vẫn ra đi và chọn nhiều cách để di cư sang các nước phát triển hơn.
Những cách để di cư sang các nước phát triển
1. Du học ở lại
Đầu tiên phải kể đến là, thông qua con đường du học xong kiếm việc ở lại.
Hiện có đông đảo sinh viên Việt Nam đang du học các nước trên thế giới, chủ yếu ở các nước phát triển.
Theo kết quả nghiên cứu của công ty nhân sự SHD, có tới 64% số sinh viên Việt Nam mong muốn ở lại nước sở lại làm việc và sinh sống.
Do đó, ta có thể nói hàng năm có một lượng không nhỏ người Việt Nam định cư ở nước ngoài thông qua con đường du học rồi ở lại.
Một lượng không nhỏ du học sinh Việt Nam quyết định định cư ở nước ngoài sau khi hoàn thành khóa học
2. Đầu tư ra nước ngoài
Một trào lưu giới mới của giới giàu và rất giàu gồm không ít quan chức cao cấp -đã di cư bằng đầu tư hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài để có thẻ định cư và quốc tịch nước khác.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR), người Việt đổ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ trong năm 2017 nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
3. Xuất khẩu lao động
Một con đường khác để di cư của người Việt Nam đó là xuất khẩu lao động.
Theo báo Nhân Dân, năm 2017 ghi nhận số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cao kỷ lục, với 134 nghìn người.
Rất nhiều trường hợp người đi lao động xuất khẩu cố tình tìm cách ở lại nước sở lại, bằng con đường hợp pháp hoặc không.
Tại Hàn Quốc, tính đến tháng 4/2018, 35% lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp theo Cục quản lý lao động nước ngoài, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam.
4. Di cư chui
Một đường di cư khác đó là di cư chui thông qua con đường du lịch. Nghĩa là người muốn di cư thông qua hình thức đi du lịch xong tìm cách trốn ở lại.
Điển hình của hình thức này chính là vụ 152 khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan du lịch xong mất tích.
Điều này khiến cho nhà chức trách Đài Loan phải lập đội đặc nhiệm tìm kiếm những người này và dừng cấp visa du lịch cho du khách đến từ Việt Nam trong chương trình Quan Hồng.
Hay như các vụ nhập cư bất hợp pháp vào Anh của người Việt qua đường xe tải, tàu biển vẫn được báo chí nước này thường xuyên nhắc tới.
Cảnh sát Anh đã bắt rất nhiều trường hợp người Việt Nam thông qua đường du lịch, hay tìm cách đến một nước trong châu Âu, rồi sang Pháp, sau đó trốn trên những xe tải do của những nhóm buôn người để vào Anh.
5. Kết hôn với người nước ngoài
Kết hôn với người ngoại quốc cũng là một cách để ra nước ngoài sinh sống, thoát cảnh đói nghèo. Theo Thanh Niên, chỉ từ 2008 đến 2014, Việt Nam có 115.675 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong đó đa phần là phụ nữ, chiếm hơn 72%.
Phụ nữ Việt Nam kết hôn chủ yếu là công dân Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…
Trung bình mỗi năm có khoảng 18.000 người kết hôn với người nước ngoài.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang được đánh giá là tốt nhất khu vực châu Á nhưng vì sao có một lượng không nhỏ người Việt Nam vẫn tìm mọi cách để di cư ?
Theo tác giả có nhiều nguyên nhân đằng sau hiện tượng này.
Những nguyên nhân giải thích hiện tượng này
Thứ nhất, dù là nước có mức tăng trưởng cao 7,08% năm 2018 theo Tổng cục thống kê, nhưng thu nhập trên đầu người của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, kém xa cá nước phát triển.
Như bảng thống kế phía dưới cho thấy, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam kém xa so hàng chục lần với những nước được cho là nhiều người Việt Nam di cư muốn tới.
Đi làm ở nước có thu nhập theo giờ làm công cao hơn là cách tiết kiệm và tích lũy ngắn nhất cho người nhập cư.
Quốc gia | GDP/Đầu người (USD) |
Việt Nam | 2.343,12 |
Mỹ | 59.531,66 |
Anh | 39.720,44 |
Nhật | 38.428,10 |
Hàn Quốc | 29.742,84 |
Đài Loan | 25.534,00 |
Nguồn : Ngân hàng Thế giới, theo ước tính năm 2017 |
Thứ hai, Việt Nam được coi là nước có giới siêu giàu tăng nhanh nhất trên thế giới theo nghiên cứu của Wealth-X, công ty chuyên thu thập thông tin về giới siêu giàu.
Người Việt tại Hoa Kỳ - hình minh họa
Điều này cho thấy lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế nhanh không chia đều cho tất cả mọi thành phần trong xã hội.
Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam thậm chí còn ngày một tăng.
Hay nói cách khác, rất nhiều người bị bỏ rơi bên ngoài quá trình phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Do đó, rất nhiều người tìm cách di cư ra nước ngoài để có cơ hội phát triển kinh tế tốt hơn.
Thứ ba, một nguyên nhân nữa kiến cho người Việt di cư nhiều là mong con cái mình có tương lai tươi sáng hơn.
Nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền vẫn phổ biến gây nản lòng người dân.
Chương trình giáo dục và y tế tại Việt Nam bị đánh giá lạc hậu và kém hiệu quả.
Chi phí người ta phải bỏ ra không xứng đáng với dịch vụ nhận được.
Ô nhiễm môi trường đang tới mức báo động từ thành thị đến các vùng nông thôn và thêm vào đó, môi trường văn hoá xã hội cũng xuống cấp.
Nhiều người tin rằng con cái mình sống trong một đất nước như vậy khó có tương lai do đó họ tìm cách di cư, dù biết rằng di cư là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Giải pháp cho tình trạng người dân di cư bằng mọi giá
Theo tôi, người Việt Nam phần đông muốn gắn bó với cuộc sống trên chính quê hương mình.
Nhưng để giảm đi số người dân tìm mọi cách di cư để đến nơi có sống tốt đẹp hơn thì cần nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền.
Việt Nam phải có chiến lược đúng đắn cho phát triển kinh tế, phúc lợi và an sinh xã hội, đẩy lùi các vấn nạn của xã hội.
Để một ngày không xa, người Việt Nam có những điều kiện sống không thua kém những người dân ở các nước trong khu vực thì việc người dân vẫn phải bỏ nước ra đi sẽ giảm đi hoặc không còn như hiện nay.
David Nguyễn
Nguồn : BBC, 03/01/2019
Chưa bao giờ người Việt Nam được tiếp nhận nhiều lượng thông tin như hiện nay.
Trước đây chúng ta chủ yếu thu nhận thông tin qua các kênh thông tin truyền thống của nhà nước như truyền thanh, truyền hình, báo chí dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
Chính quyền Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Facebook ngăn chặn các thông tin được cho là "xấu và độc hại"
Tuy nhiên, sự bủng phát triển vũ bão của Internet và mạng xã hội, người Việt Nam đã được tiếp cận thông tin đa dạng và đa chiều hơn rất nhiều so với những thế hệ trước đây.
Nhờ đó, tri thức, hiểu biết của người Việt Nam đã tăng đáng kể. Bên cạnh mặt tính cực Internet và mạng xã hội đem lại, chúng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực.
Do thông tin được đăng tải và truyền đi quá dễ dàng trên Internet và mạng xã hội dẫn đến hiện tượng tin giả, thông tin không có kiểm chứng tràn làn gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Tin giả hay trong tiếng Anh gọi là 'fake news' không chỉ có ở Việt Nam mà tồn tại ở mọi nơi trên thế giới, nhưng vì sao tin giả lại quá phổ biến, được nhiều người tin vào hay chia sẻ trên mạng xã hội ở Việt Nam nhiều như vậy. Theo tác giả dưới đây là một số nguyên nhân :
1. Giáo dục thiếu phản biện
Điều đầu tiên, do giáo dục Việt Nam khá lạc hậu, trong khi ở các nước phương Tây, giáo dục của họ khuyến kích học sinh, sinh viên phản biện lại mọi vấn đề, nhìn vấn đề đa chiều, không có vùng cấm.
Trong khi đó, giáo dục Việt Nam, không khuyến khích tư duy phản biện, nhiều khi mặc nhiên những lời giảng của giáo viên hay sách vở là đúng. Do đó, rất nhiều người Việt Nam không có tư duy phản biện, hay "nhẹ dạ cả tin".
Dẫn đến, người Việt rất dễ tin vào những thông tin mơ hồ, không chính xác, không có nguồn gốc rõ ràng. Những thông tin nay được đăng tải và chia sẻ tràn lan trên mạng.
Theo quan sát của cá nhân người viết bài, một số loại tin đồn như sau dễ được lan truyền dù độ khả tín thấp, hoặc thậm chí chỉ là tin giả.
Tin chính trị : lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nhà nước bị đầu độc chết, bị quản thúc, hay tin về sức khoẻ của lãnh đạo nói chung.
Tin về kinh tế : chuyện ngân hàng nào đó phá sản, hết vốn ; tin những đại gia nhiều tiền bị bắt hay bị hại, thậm chí bị 'ám sát'.
Tin về xã hội : các vụ án bạo lực như giết người, hiếp dâm.
Tin về giới showbiz : các vụ yêu đương, đánh ghen, tạo scandal để nổi tiếng.
Tin y học : như sừng tê giác chữa bệnh ung thư, nấm chữa bệnh.
2. Báo chính thống bị kiểm soát
Tiếp theo, nhiều người cho rằng các báo chí chính thống tại Việt Nam bị kiểm soát, hạn chế viết về nhiều nội dung, hay viết báo theo chỉ đạo theo định hướng.
Do đó, thông tin báo chí chính thống tại Việt Nam thường nghèo nàn về nội dung đôi khi chưa phản ánh khách quan sự việc. Vì lẽ đó, nhiều vấn đề nhạy cảm người dân tìm đến những nguồn tin không chính thống. Đôi khi, nhiều người tin rằng nguồn tin ngoài luồng lại phản ánh trung thực và chính xác hơn tin chính thống.
3. Tính hiếu kỳ và chạy theo đám đông
Tiếp nữa, do nhiều người Việt có tính hiếu kỳ, a dua theo số đông. Khi thấy thông tin lạ được đưa lên mạng ngay lấp tức được nhiều người chia sẻ và bình luận mà không cần để ý rằng thông tin đó có chính xác hay không.
Ví dụ như ở Việt Nam gần đây có tin về vụ bà chủ quán trà đá 'cho chân vào chậu nước trà' rồi vẫn bán cho khách, khiến cho dư luận phẫn nộ, tẩy chay bà bán nước.
Nhưng thật ra câu chuyện do một khách hàng tự cho chân mình vào chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội để gây chú ý.
4. Lý do kinh tế và mạng xã hội
Lý do tiếp theo tin giả tin đồn lại phố biến như vậy ở Việt Nam là do trục lợi về kinh tế.
Số lượng người dùng và thời gian dành cho mạng xã hội tại Việt Nam là rất lớn.
Theo thống kê, mạng xã hội lớn nhất hiện nay trên thế giới là Facebook. Ở Việt Nam, hiện có số lượng tài khoản Facebook tới 58 triệu, đứng thứ 7 trên thế giới năm 2017.
Một thống kê khác thì, trung bình một ngày người Việt Nam dành 2,12 tiếng để truy cập mạng xã hội, riêng đối với Facebook thời gian truy cập mạng xã hội này là nhiều nhất (3,55 tiếng), cao hơn so với mức trung bình 1,42 tiếng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị của Bộ Thông tin và truyền thông
Với thời lượng và số lượng sử dụng mạng xã hội nhiều như vậy đã phát sinh ra các hoạt động kinh doanh đi kèm. Những trang mạng xã hội của cá nhân hay tổ chức nào càng có số lượng like hoặc share càng lớn thì càng thu được nhiều tiền từ mạng xã hội, nhãn hàng quảng cáo hay từ những nguồn khác nữa.
Do đó, để thu hút nhiều like và share, rất nhiều người dùng đến cả những thủ đoạn như tung thông tin giả và thất thiệt để gây chú ý.
Blogger A, một người sở hữu mạng xã hội có lượng người like hơn 10 ngàn cho biết, để có nhiều like, anh ta đã phải làm những chuyện không nên ví dụ như đưa lên mạng những tấm ảnh thương tâm vô đạo đức, thậm chí còn đua theo nói xấu những người nổi tiếng.
5. Pháp luật không nghiêm
Lý do sau cùng, hiện tại Việt Nam chế tài pháp luật chưa đầy đủ, chặt chẽ, xử lý không nghiêm những người đưa thông tin đồn hay giả mạo nhằm trục lợi, hay có tác hại xấu đến cá nhân, tổ chức và cộng động xã hội.
Điều này khiến nhiều người phát tán thông tin giả mạo thoải mái mà không phải mấy quan ngại là sẽ bị pháp luật đụng tới.
Tóm lại, Internet và mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho con người bên cạnh đó cũng có mặt tiêu cực như đã đề cập đó là thông tin giả mạo, tin đồn.
Để hạn chế được mặt tiêu cực này, theo tác giả, Việt Nam nên cần thực hiện các giải pháp như sau :
- Khi có tin đồn tin giả xuất hiện cần có sự xác minh và đưa ra thông báo ngay lập tức của cơ quan có trách nhiệm, tránh những thông tin này lây lan gây tác hại rộng.
- Phương pháp giáo dục và đào tạo của Việt Nam nên thay đổi, từ phương thức giáo dục áp đặt ý nghĩ lên người học, cần được thay bằng dạy cho học sinh, sinh viên tư duy phản biện, hoài nghi mọi vấn đề được dạy. Điều này không chỉ giúp học sinh có khả năng phân biệt được thông tin nào là thật hay giả mà còn giúp họ phát triển khả năng sáng tạo, khám phá ra những điều mới mẻ.
- Việt Nam cần có quy định pháp luật rõ ràng liên quan đến vấn đề tung tin giả tạo, thất thiệt gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Những xử lý này cần được công bố rộng rãi để mang tính răn đe những người chia sẻ thông tin phải có trách nhiệm với những gì mình đã đưa ra.
Cuối cùng thì cần phải thừa nhận tự do báo chí là rất quan trọng để chống tin giả, do đó không nên có vùng cấm trong báo chí mọi vấn đề đều có thể đưa lên mặt báo để xã hội, công chúng đánh giá một cách công bằng, khách quan.
Điều này giúp cho không chỉ báo chí chính thông thu hút, tạo niềm tin với nhiều bạn đọc, chống lại thông tin giả, không có nguồn gốc mà có ích cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội Việt Nam.
David Nguyễn
Nguồn : BBC, 14/11/2018
David Nguyễn là một sinh viên Việt Nam đang học tại London.