Chuyên gia : Sẽ rất sai lầm nếu không thấy sức mạnh chính trị tuyệt vời của Donald Trump
Walter Russell Mead, Le Figaro, RFI, 02/11/2020
Khả năng giữ được số người ủng hộ trong những năm đầy xáo trộn, bất chấp đại dịch dẫn đến sa sút kinh tế, cho thấy những người đánh giá thấp Donald Trump đã sai lầm trầm trọng. Điều này không có nghĩa là Trump sẽ thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, nhưng sẽ hoàn toàn sai nếu không nhìn thấy ở Donald Trump một sức mạnh chính trị tuyệt vời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tại Bắc Carolina ngày 21/10/2020. © Reuters/Tom Brenner
Giáo sư quan hệ quốc tế Walter Russell Mead là một trong những trí thức hiếm hoi của Mỹ thời gian qua đã quan sát "hiện tượng Donald Trump" một cách khách quan, trong bối cảnh mở rộng hơn của thế giới thời kỳ hiện tại. RFI lược dịch cuộc phỏng vấn của ông dành cho báo Le Figaro ngày 08/10/2020 (1).
Le Figaro : Ông Donald Trump có tài gây ra thù ghét hoặc say mê cuồng nhiệt của người hâm mộ. Sau bốn năm quan sát, ông có nhận xét thế nào ?
Walter Russel Mead : Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Tôi chỉ biết Donald Trump qua truyền thông, và tính cách của ông có thể tạo ra cách tiếp cận đầy cảm xúc. Trump là một người hành động trên cơ sở trực giác thay vì lý trí. Đó là điều khác biệt so với Ronald Reagan.
Khi Reagan qua đời, người ta tìm thấy trong các tài liệu lưu trữ của ông ấy cả một bộ sưu tập báo đầy những ghi chú đã được nghiền ngẫm. Tôi không nghĩ rằng sau khi ông Trump mất, chúng ta có thể tìm được những cuốn số ghi chép như vậy ! Ông ấy hoàn toàn theo bản năng, với một dạng cơ hội chủ nghĩa.
Cứ tha hồ trình bày với Donald Trump những lý lẽ logic, để nói với ông là để đi đến C cần phải qua A và B, nhưng Trump chưa hẳn đã nghe theo. Những người không có cùng quan điểm kết luận rằng đó là một con tàu không có bánh lái. Nhưng nếu nhìn vào các quyết định của Trump, ta sẽ thấy ít nhất là một biểu đồ dựa trên hai yếu tố.
Trước hết là cách nhìn của ông về phương thức hoạt động của thế giới, và như vậy nước Mỹ phải phản ứng ra sao. Yếu tố thứ hai tập trung vào những gì mà những người bầu cho ông mong muốn. Nếu hai yếu tố này xung đột với nhau, thường thì Donald Trump chọn cơ sở thứ hai. Duy trì quyền lực là mục đích chủ yếu, để có thể làm lay chuyển mọi sự.
Le Figaro : Nhưng phải chăng chính trị đều như thế cả ?
Walter Russel Mead : Vâng tất nhiên. Nhưng đa số chính khách đều có một chương trình hành động cụ thể. Với ông Trump thì không rõ ràng, ông sống trong khoảnh khắc và hành động theo cảm nhận của mình về cơ may và nguy hiểm. Vị tổng thống này không "chơi trên cùng một sân" như các chính khách khác.
Sự tính toán của Trump dựa trên một dạng dân tộc và dân túy kiểu Mỹ. Donald Trump nghĩ rằng ông thấu hiểu lợi ích quốc gia hơn những người khác. Cách nhìn của ông về hệ thống quốc tế vô cùng khác biệt với mọi lý thuyết chính trị. Điều mà Trump hiểu sớm hơn hẳn tất cả những người khác, đó là liên minh Cộng hòa vốn có ưu thế từ 1981 cho đến cuối nhiệm kỳ của George W. Bush không còn có thể hoạt động theo kiểu cũ.
Sự kiện Liên Xô sụp đổ cùng với việc kinh tế Mỹ hồi phục đã khiến những người Cộng hòa chủ trương tự do mậu dịch toàn cầu, và phe tân bảo thủ chủ trương can thiệp, liên kết với nhau trong suốt ba mươi năm. Reagan được lớp cử tri dân tộc chủ nghĩa theo kiểu Andrew Jackson ủng hộ. Tuy nhiên những người theo trường phái Jackson chưa bao giờ muốn chi tiền thuế của người dân Mỹ để cải cách những quốc gia xa xôi như Kazakhstan.
Vỡ mộng trước các hiệp định tự do mậu dịch, nhận ra rằng Trung Quốc lợi dụng sự ngây thơ của Mỹ, thu nhập thực tế sút giảm, tất cả đã khiến người ta nhìn nhận lại. Các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín đã giúp duy trì mối quan hệ giữa phe dân tộc chủ nghĩa và tân bảo thủ, nhưng ngay từ năm 2008, người Mỹ đã hoàn toàn mất đi lòng tin về khả năng dân chủ hóa thế giới của họ.
Le Figaro : Điều đáng ngạc nhiên là phải cần có một Donald Trump để đánh một đòn quyết định vào niềm tin thiêng liêng này.
Walter Russel Mead : Bản năng của Trump cho thấy những gì mà các nhà lãnh đạo Cộng hòa và Dân chủ không nhìn ra, do suy nghĩ giáo điều của họ và do từ chối chủ nghĩa thực dụng đã làm nên sức mạnh Mỹ. Đó là vì các nhà lãnh đạo chính trị trải qua 25 năm đầu của cuộc đời trên ghế nhà trường. Thế nhưng ngồi nghe một giáo sư giảng bài chưa hẳn là cách tốt nhất để chuẩn bị bước vào chính trường và đóng vai trò lãnh đạo.
Ở cánh tả, họ không lượng định được sự đồng thuận do Clinton xác định đã mất đi sự thu hút. Nếu thêm vào số phiếu bầu cho Trump và Sanders, chúng ta sẽ thấy đa số người Mỹ đã chia tay với những tư tưởng chính thống của các thế hệ trước.
Sự kiện ông Trump vẫn tiếp tục tập hợp được 42 đến 43% người ủng hộ, bất chấp những gì diễn ra trong bốn năm qua, chứng tỏ trực giác của ông là đúng. Trump đã xác định đúng thực tế. Khả năng giữ được số người ủng hộ trong những năm đầy xáo trộn, bất chấp đại dịch dẫn đến sa sút kinh tế, cho thấy những người đánh giá thấp Donald Trump đã sai lầm trầm trọng. Điều này không có nghĩa là Trump sẽ thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, nhưng sẽ hoàn toàn sai nếu không nhìn thấy ở Donald Trump một sức mạnh chính trị tuyệt vời.
Le Figaro : Ông nghĩ gì về việc khăng khăng coi Donald Trump là ác quỷ và phe đối thủ của ông là đại diện cho sự thiện lương ?
Walter Russel Mead : Thái độ này do ở Mỹ cũng như Châu Âu, nhiều người gắn bó với ý tưởng một sự chuyên nghiệp hóa chính phủ và hệ thống hành chính. Giới tinh hoa của chúng ta tin rằng đứng đầu chính phủ phải là các nhà quản lý cấp tiến, khôn khéo, quyết định dựa trên những tính toán hợp lý và các nguyên tắc đã được xác định chu đáo. Nhưng Donald Trump không tin như thế.
Trump chưa bao giờ làm việc trong một guồng máy hành chính quan liêu. Ông là chủ nhân một tập đoàn gia đình, không có những tính cách mà xưa nay người ta cho là khuôn mẫu đạo đức lãnh đạo. Phong cách của Trump gợi nhớ lại bộ máy chính trị ở các thành phố lớn thế kỷ 19.
Vào thời đó, các chính khách của Tammany Hall (tổ chức Dân chủ kiểm soát tòa thị chính New York) không quan tâm đến những gì mình nói có đúng hay không, chỉ tìm cách khiến người dân bỏ phiếu cho mình. Như vậy Donald Trump là một sự quay lại với dạng chính trị thế kỷ 19, tiền thân của Nhà nước hành chính.
Le Figaro : Ông có chắc rằng cần phải quay lại với thế kỷ 19 ? Những tiêu chí của "chính trị đường hoàng" thời Nixon chẳng hạn thì sao ?
Walter Russel Mead : Nixon thô bạo trong riêng tư, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì ông ấy biết rằng phải sơ mi & cà vạt, phải là một gentleman. Cũng có thể vì vậy mà ông đã thất bại. Nếu ở vào vị trí của Nixon, thì Trump rất có thể đã đốt hết các băng cassette Watergate ngay trên bãi cỏ Nhà Trắng ! Nixon đã làm những điều không hợp pháp, nhưng khi tự vệ sau đó, ông lại thuận theo các luật lệ của hệ thống. Trump chẳng thèm quan tâm đến những quy định này.
Le Figaro : Theo ông thì Donald Trump có thể đi xa đến đâu trong việc coi thường những lề thói cũ ? Ông ấy có làm ảnh hưởng đến vai trò tổng thống ?
Walter Russel Mead : Tôi nghĩ rằng chúng ta đang trong thời điểm nguy hiểm của lịch sử nước Mỹ và thế giới, nhưng Trump không phải là nguyên nhân mà chỉ là triệu chứng. Nếu không có những vấn đề trầm trọng hiện hữu trước đó, thì Donald Trump đã không thể trở thành tổng thống ! Vâng, tôi khá lo ngại về những tiền lệ mà Trump đã đặt ra, việc không tuân thủ những quy chuẩn có thể làm nặng nề thêm tình hình. Nhưng vấn đề là xã hội đang thay đổi sâu sắc.
Cuộc cách mạng thông tin đã làm thay đổi hẳn, như cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19. Tất cả đều đổi khác : Nhà nước, gia đình, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp. Sự chuyển đổi này đã không diễn ra một cách nhẹ nhàng và ôn hòa. Những gì mà chúng ta đã biết từ năm 1945 là một xã hội công nghiệp đã trưởng thành, xử lý được những áp lực và các vấn đề. Nhưng cuộc cách mạng thông tin đã đưa chúng ta quay lại với tình hình những năm 1850-1860.
Hy vọng trải qua sự chuyển đổi khổng lồ này mà không chịu những cú sốc chỉ là hão huyền. Chúng ta đã rời khỏi một kỷ nguyên bình lặng để bước vào thời kỳ bão tố. Trump là dấu hiệu báo trước cơn bão.
Le Figaro : Ông có coi Donald Trump là người kỳ thị chủng tộc ?
Walter Russel Mead : Từ kỳ thị chủng tộc mang lại xúc động lớn lao, nhưng lại không có một định nghĩa được tất cả mọi người chấp nhận, nên tôi sử dụng rất thận trọng. Trump có thuộc về phong trào chống kỳ thị chủng tộc mới nổi lên không ? Rõ ràng là không. Khi ông Trump nói về một người da đen có chuyên môn, ông có coi người ấy thấp hơn một người da trắng hay không ? Tôi cũng không tin như thế ! Không một ai có thái độ như vậy có thể sống sót ở New York, và Trump cũng như bao người khác.
Nhưng bản sắc luôn mang tầm vóc quan trọng tại Hoa Kỳ. Cách đây 100 năm, khi được hỏi vì sao không có chủ nghĩa xã hội ở Mỹ, câu trả lời là vì bản sắc quan trọng hơn giai cấp xã hội tại Hoa Kỳ. Điều này đến nay vẫn đúng.
Tầng lớp người nghèo da trắng của ông Trump và tầng lớp người Mỹ da đen có nhiều điểm chung về lợi ích hơn những nhóm khác, nhưng lại khác xa về chính trị. Tôi không đồng ý với những ai nói rằng lớp người ủng hộ Donald Trump là người da trắng tự coi mình thượng đẳng, tuy nhiên cội rễ có từ thời sự phân biệt được cho là bình thường. Bây giờ thì không thế, nhưng rõ ràng Trump có khả năng dùng đến lá bài chủng tộc nếu cần. Và cũng đừng quên phe Dân chủ cũng xài lá bài chủng tộc khi thấy có lợi. Việc huy động cử tri thông qua bản sắc là trò chơi dân chủ ở Mỹ.
Le Figaro : Nhưng Donald Trump cũng đã cố gắng cởi mở với cử tri da đen để hủy bỏ nền chính trị bản sắc này ?
Walter Russel Mead : Trump không tin vào các quy chụp về chủng tộc. Ông ấy không nghĩ rằng tất cả những người Ả Rập đều cực đoan chống Do Thái. Trump không cho rằng người Mỹ được xác định qua da đen hay da trắng, không nghĩ rằng màu da nói lên tất cả về một con người. Theo Trump, sự đam mê có thể huy động được những nhóm người, nhưng cá nhân vẫn là cá nhân. Tôi thấy một cuộc thăm dò mới đây cho biết 23% người da đen ủng hộ Donald Trump.
Hồi năm 2016, Trump đã đạt kết quả tốt hơn Romney trong số cử tri da đen, và cử tri Mỹ la-tinh lại càng nhiều hơn. Tâm lý chống nhập cư vẫn mạnh mẽ ở giới bình dân phải cạnh tranh với di dân. Vào lúc chúng ta đang trao đổi, Donald Trump rõ ràng không chiếm được ưu thế, nhưng cũng không loại trừ khả năng trực giác đưa ông đến chiến thắng.
Le Figaro : Khi nói về Donald Trump, người ta luôn nêu ra sự chối từ toàn cầu hóa. Nhưng những lá phiếu bầu cho Trump còn mang phương diện văn hóa là sự bác bỏ chính trị phải đạo đang tràn ngập các trường đại học và truyền thông…
Walter Russel Mead : Yếu tố này liên quan đến đấu tranh giai cấp giữa giới quản lý có học thức và người dân bình thường. Có một sự nổi dậy chống lại quyền lực hành chính. Một mặt, toàn cầu hóa không dễ gì giới tinh hoa quản nổi, mặt khác, người dân đen ngày càng khó chấp nhận bị lớp tinh hoa lãnh đạo.
Cách đây vài thập niên, di dân Ba Lan không nói được tiếng Anh, hay nông dân miền trung tây đến thành phố sinh sống chấp nhận bị cai trị trong một thế giới mà họ cảm thấy mình yếu kém. Ngày nay mỗi người có thể tham khảo Google thay vì bác sĩ, giáo sư, chính quyền. Họ cho rằng không cần đến giới tinh hoa có những chủ đích riêng.
Nhưng các nhà quản lý không ngồi yên. Bản sắc, cách sống, niềm tin sâu sắc khiến họ nghĩ rằng không có mình thì thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch và biến đổi khí hậu có thể gây ra thảm họa, họ sẽ chiến đấu đến cùng cho điều mà họ thật sự tin rằng là phương cách duy nhất để lãnh đạo thế giới.
Le Figaro : Trong trường hợp cánh tả, không chỉ là lãnh đạo chính phủ, mà còn để thanh lọc quá khứ sai lầm của Mỹ, một cuộc thập tự chinh ý thức hệ để tái xác định cơ sở của nền cộng hòa. Trump có thể đóng vai thành lũy của các giá trị Mỹ ?
Walter Russel Mead : Ông ấy có cố gắng và chúng ta chờ xem kết quả ra sao. Rõ ràng là phe Dân chủ rất lo ngại về hậu quả chính trị của các vụ nổi dậy chủng tộc. Nhưng mọi sự thay đổi nhanh chóng. Đã hẳn vấn đề bản sắc và ý nghĩa của nền văn minh phương tây hiện diện trong cuộc bầu cử này, nhưng đừng quên rằng nếu kinh tế được vực dậy, tranh cãi sẽ không còn trên đường phố. Ước đoán quá cao nguy cơ bạo động sau bầu cử thì rất dễ. Tôi hy vọng có một kết quả rõ ràng dù người chiến thắng là ai, vì sẽ hạn chế những phản đối, cho dù rất nhiều phẫn nộ.
Le Figaro : Biden và Harris có phải là câu trả lời thuyết phục cho trận bão mà ông mô tả ?
Walter Russel Mead : Tôi không biết, và họ cũng không biết. Làm thế nào đáp trả những tấn công của ông Trump ? Các sự kiện bên ngoài đóng vai trò cỡ nào ? Trung Quốc có tiến đánh Đài Loan hay không ? Con virus corona có biến thể thành chủng mới độc hại chết người hơn hay không ? Tất cả những câu hỏi này cho thấy bầu cử tổng thống Mỹ lần này là bất định nhất so với tất cả các cuộc bầu cử trước đây trong lịch sử.
Laure Mandeville thực hiện
Nguyên tác : Présidentielle américaine : "Donald Trump demeure une formidable force politique", Le Figaro, 08/10/2020
Thụy My dịch
Nguồn : RFI, 02/11/2020
**************************
Donald Trump kích động bạo lực, phá hoại bầu cử
Tiến Cường Nguyễn, 02/11/2020
Lịch sử nước Mỹ trong hơn 245 năm thành lập, lần đầu tiên xẩy ra sự hỗn loạn sát ngày bầu cử tổng thống 03/11/2020. Những người ủng hộ tổng thống đương nhiệm, ông Donald Trump đã tập trung nhiều xe pick up, SUV... giăng cờ, biểu ngữ ủng hộ ông Trump, bao vây, cản đường, tấn công vào một xe bus của ban vận động tranh cử của liên danh Biden-Harris vào ngày thứ sáu 30/10/2020 ở Texas khiến ban vận động tranh cử của liên danh Biden-Harris phải hủy bỏ sự kiện này.
Những người ủng hộ tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã tập trung nhiều xe pick up, SUV... giăng cờ, biểu ngữ ủng hộ ông Trump, bao vây, cản đường, tấn công vào một xe bus của ban vận động tranh cử của liên danh Biden-Harris vào ngày thứ sáu 30/10/2020 ở Texas - Ảnh minh họa
Cục cảnh sát liên bang FBI xác nhận rằng họ đang điều tra hành động của đoàn xe nói trên trong việc tìm cách ngăn chận vận động bầu cử của liên danh Biden-Harris.
Trong cương vị tổng thống đương nhiệm, thay vì lên án sự việc, Trump lại thích thú gửi tweet vào ngày chủ nhật 01/11/2020, khen ngợi đoàn caravan "I love Texas", đồng thời ngụy biện cho rằng đoàn xe đã bảo vệ ban vận động tranh cử. Trong tin nhắn Tweet gửi đi, trả lời về việc FBI đang điếu tra nội vụ, Trump viết : "Theo nhận định của tôi, những người yêu nước đó đã không làm gì sai. Cơ quan FBI và bộ tư pháp nên điều tra những kẻ khủng bố, vô chính phủ, những tên điên cuồng của ANTIFA".
Những sự việc tương tự như thế cũng xẩy ra ở một số nơi khác như tại Garden State Parkway và Capitol Beltway chung quanh thủ đô Washington DC... khi những nhóm ủng hộ Trump tập trung một số xe pickup và SUV tìm cách ngăn chận, chiếm cứ các giao lộ chung quanh thành phố để ngăn trở những người đi bỏ phiếu sớm.
Những người ủng hộ Trump tập trung tại một bãi đậu xe của Đường sắt Long Island ngày 18/10/2020, Seaford, New York / Ảnh Corbis
Một đoàn xe của Trumper đã phong tỏa chiếc cầu Mario M Cuomo ở New York. Những người ủng hộ Trump đã dừng xe trên cầu và bước ra khỏi xe để cản trở giao thông. Sự việc khiến cho một thẩm phán ở địa phương đã lên tiếng yêu cầu bộ tư pháp cho điều tra sự việc và có biện pháp với những kẻ gây rối.
Ai cũng biết rằng những biến cố đó sẽ không bao giờ xẩy ra nếu ông Trump không có những phát biểu trong các cuộc phỏng vấn trên TV, ngầm kích động, khuyến khích những người ủng hộ ông gây rối và phá hoại bầu cử để lấy cớ không chấp nhận kết quả khi thua cuộc.
Ứng cử viên tổng thống Joe Biden đã chỉ trích, lên án những lời phát biểu của ông Trump : "Lời nói của tổng thống rất quan trọng,ông Donald Trump đã liên tục có những lời lẽ kích động bạo lực, khơi dậy ngọn lửa hận thù, chia rẽ khi khen tặng những sự việc phá hoại như thế. Đã đến lúc cần phải chấm dứt những việc tương tự như vậy".
Tình trạng bất an sau bầu cử đã hiện rõ. Nhiều người lo sợ một cuộc nội loạn gây ra bởi những người quá khích ủng hộ ông Trump sẽ theo lời kêu gọi không chấp nhận kết quả bầu cử khi ông bị thua, nhất là khi sự chênh lệch phiếu bàu không nhiều. Nhiều cửa tiệm buôn bán cũng đang gia cố, xây thêm các cánh cửa che chắn cho cửa hàng của họ. Cửa hàng Walmart đã quyết định chấm dứt việc trưng bày, bán vũ khí sát thương nhưng sau đó đã rút lại quyết định này.
Theo một cuộc thăm dò của USA Today cộng tác với đại học Suffolk cho biết vào ngày thứ năm 29.10.2020 vừa qua, 75% người dân Mỹ tin rằng sau bầu cử tình hình xã hội Mỹ sẽ rất xáo trộn, bất an nếu ông Joe Biden trở thành tổng thống, chỉ có 23% tin rằng sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực ôn hòa.
Tuy nhiên theo nhận định của một số nhà phân tích thời sự, nếu ông Joe Biden chiến thắng, nội loạn nếu có, sẽ nhanh chóng bị dập tắt và hậu quả để lại sẽ không nặng nề. Còn nếu như ông Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, không ai dám tiên đoán chuyện gì xẩy ra khi ông Trump cùng với Bill Barr nắm giữ 2 nhánh hành pháp và tư pháp và Mitch McConnell tiếp tục nắm được đa số TNS của thượng viện, nền dân chủ của Mỹ sẽ ra sao, nước Mỹ đi về đâu, đại dịch Sars-CoV2 sẽ tàn phá nước Mỹ đến mức độ nào… ?
Không ai dám đưa ra câu trả lời.
Tiến Cường Nguyễn
02/11/2020
Tham khảo :
- Andrew Solender, "From Chasing A Bus To Blocking Roads, Trump-Supported Caravans Wreak Havoc Ahead Of Election", Forbes, 01/11/2020
*******************
Thu Hằng, RFI, 02/11/2020
Hoa Kỳ bị chia rẽ, phương Tây mất đoàn kết, từ đối tác thành kình địch. Trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống Trump, Trung Quốc đã tận dụng triệt để cơ hội để khẳng định vị trí cường quốc và mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
"Hoa Kỳ mệt mỏi về tinh thần, yếu ớt về thể chất và không còn có thể gánh vác thế giới", theo nhận định của Wu Xinbo, chuyên gia về Hoa Kỳ tại đại học Phục Đán, (Fudan, Thượng Hải), được nhật báo Le Monde (30/10) trích dẫn, trong khi tổng thống Trump cũng từ chối "bàn chuyện thế sự", chỉ tập trung vào "American First". Tuy nhiên, trong vòng 4 năm, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng tại các định chế quốc tế, nhờ Hoa Kỳ rút lui.
Đây là nhận định của Philippe Le Corre, chuyên gia về Trung Quốc, trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy, khi trả lời RFI : "Dù sao trong nhiệm kỳ bốn năm vừa qua, tất cả những gì mà Donald Trump làm về mặt đối ngoại, đặc biệt là đối với Trung Quốc, đều mang lợi cho Trung Quốc, dù là trừng phạt thương mại hay những phát biểu gay gắt, cuối cùng thì cũng không cản được Trung Quốc tiến lên. Trong trường hợp đại dịch Covid-19, chúng ta thấy là Trung Quốc đang thoát khỏi khủng hoảng nhanh hơn nhiều so với các nước phương Tây nhờ biện pháp thẳng tay, vô cùng mạnh để giải quyết vấn đề Covid-19 cho người dân. Có lẽ đây là một điều tốt cho Bắc Kinh vì đúng là dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tăng tốc rõ ràng và chứng tỏ quyết tâm trở thành cường quốc số 1 thế giới. Tôi cho rằng Trump đóng góp phần nào đó vào kết quả này".
Trung Quốc tự tin đe dọa "bất kỳ quốc gia, quân đội nào, dù mạnh đến đâu cũng không tránh được việc bị đánh thẳng vào đầu và trả giá bằng máu nếu đi ngược với xu hướng phát triển toàn cầu". Không chỉ đích danh Mỹ nhưng phát biểu hùng hồn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân kỷ niệm 70 chiến tranh Triều Tiên, gần như cùng lúc với cuộc tranh luận trên truyền hình lần thứ hai ngày 22/10 giữa ông Donald Trump và Joe Biden tại Nashville, đã ngầm cảnh báo chính quyền Mỹ sắp tới, dù là Trump hay Biden, đừng trông đợi vào một đối tác dễ dàng là Trung Quốc, theo nhận định của thông tín viên báo Le Monde Frédéric Lemaître tại Thượng Hải.
Trump góp phần làm tan vỡ liên minh phương Tây
Muốn kiềm chế được ảnh hưởng của Trung Quốc, cần phải đoàn kết, cần liên minh, nhưng "Trump đã phá vỡ hệ thống liên minh do Hoa Kỳ chỉ huy" và điều đó đã tạo "cho Trung Quốc thời cơ chiến lược tốt nhất kể từ cuối Chiến tranh lạnh", theo nhận định của Yan Xueton, đại học Thanh Hoa (Tsinghua, Bắc Kinh). Chuyên gia Philippe Le Corre cũng cho rằng "ông Trump đã góp phần làm tan rã phương Tây và trật tự quốc tế được áp dụng từ sau Thế Chiến II".
Liên Hiệp Châu Âu, đồng minh của Hoa Kỳ trên nhiều mặt trận, sau một thời gian cân nhắc thiệt-hơn về đối tác Trung Quốc, đã phải thừa nhận mối đe dọa từ Bắc Kinh từ đầu năm 2019. Và điều này phải nhờ vào tổng thống Trump, theo nhận định của chuyên gia Philippe Le Corre với RFI : "Quả thực tôi nghĩ là Liên Hiệp Châu Âu có lẽ đã không phản ứng nhanh như vậy nếu không có việc Mỹ bàn luận và thông qua những phát biểu của tổng thống Donald Trump. Châu Âu đã nhận thức được tầm vóc của vấn đề từ vài năm nay, thông qua phản ánh từ các doanh nghiệp, các phòng Thương Mại, có nghĩa là họ hiểu được mức độ đe dọa của Trung Quốc đã đạt đến ngưỡng cần phải hành động. Nhưng đúng là Donald Trump đã biết dùng những từ ngữ để nói về sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc".
Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc thảo luận đầu tiên về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc vào tháng 11/2020. Trước đó, bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Đức kêu gọi Hoa Kỳ hợp tác với châu Âu để đáp trả Trung Quốc, cụ thể là xây dựng một "liên minh thương mại phương Tây mới" để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc.
Nếu tái đắc cử, liệu tổng thống Trump sẽ chấp nhận đề nghị này vì dù sao đối với ông, Trung Quốc là đối thủ số 1 ? Về phần ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ cho biết sẽ tìm kiếm một liên minh giữa các nước phương Tây để kiềm chế Trung Quốc, quốc gia từng bước lập liên minh riêng bằng cách dùng tiền mua quan hệ với các nước nhỏ và nghèo trên thế giới.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 02/11/2020